Nguyễn Tuấn
http://visontmc.com/NguyenTuan_p2.html
Năm 1978, sau khi “đi tì” về, tôi được làm việc lại tại nhiệm sở cũ. Thế là không phải lo lắng về vấn đề hộ khẩu nghĩa là được sinh sống tại Sài Gòn, khỏi phải đi vùng kinh tế mới xa xôi. Nhưng với đồng lương chết đói lúc bấy giờ làm sao phụ với vợ để nuôi mấy đứa con? Phải “xoay” thôi!
Tâm sự niềm lo lắng này với bạn bè, có bạn đưa ý kiến: “Anh có nhà mặt tiền, sao không kiếm cách buôn bán? Mở cửa hàng thì không được vì anh phải đi làm, chỉ có cách là kiếm cái xe bánh mì bán ngay trước cửa vào buổì chiều và tối thôi.” Nghe thấy có lý, tôi bèn bàn với “nội tướng.” Nàng OK liền! Thế là vài ngày sau tôi đã “cải tiến” cái tủ nhỏ đựng bát đĩa trong nhà thành... tủ bán bánh mì. Sau đó là tìm mối để mua pa-tê, thịt, bánh mì v.v… Xe bánh mì được khai trương vào một buổi chiều cuối tuần. Mới đầu bà con lối xóm mua ủng hộ nhiều nên bán được và ngồi bán hàng nhìn ông đi qua bà đi lại cũng thấy vui vui. Nhưng một thời gian ngắn sau bán chẳng được bao nhiêu, cứ phải ăn bánh mì ế hoài phát ớn nên cuối cùng … dẹp tiệm.
Sau nhiều đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ bỗng một hôm tôi nhớ câu các cụ thường nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” rồi tự hỏi: mình biết về thú y, sao không sống bằng nghề này? Thế là tôi tìm cách hành nghề thú y. Lần này, trước khi thực hiện ý định hành nghề, tôi tìm đến một thầy tử vi và cũng bạn thân cùng lớp. Thầy phán rằng: Mày mệnh thủy thì phải kiếm một việc gì liên quan đến kim loại mới khá được, kim sinh thủy mà! À! thế thì được, có gì khó! Tôi bèn sắm một ống chích có vỏ bọc bằng inox mới tinh, một bộ kim mới và hộp đựng kim chích cũng bằng inox. Hôm sau tôi tìm trong đám sách báo nông nghiệp cũ hình một con heo mập mạp dễ thương. Cắt con heo giấy ấy dán vào một tấm tôn nhỏ, thêm một hình chữ thập xanh kèm theo hàng chũ Bác sĩ Thú Y nho nhỏ ở phía dưới rồi treo tấm bảng ấy ngay vào chỗ trước đây là bảng luật sư của bà xã.
Hôm sau khi đạp xe đi làm về tôi thấy một người lạ ngồi ở trước cửa. Vừa xuống xe định dắt vào nhà thì ông ấy hỏi ngay:
- Ông là bác sĩ thú y ?
- Vâng.
- May quá! Tôi đi ngang đây thấy bảng thú y nên ngồi chờ gặp ông. Tôi có đàn heo bị bệnh nên nhờ ông chữa giùm.
Tôi vội vào nhà xách túi đồ nghề và theo ông ấy đến khu Ngã Ba Ông Tạ. Đến nơi thì cảnh tượng não nùng hiện ra: một heo nái và bầy heo con nằm xuội lơ, phân lỏng màu xanh như xi măng vung vãi tứ tung, chân cố dãy dụa mà không đứng dậy được. Để biết thêm về tình trạng đàn heo, tôi hỏi ông chủ?
- Bác có chích ngừa gì cho bầy heo này chưa bác?
- Tôi chích ngừa đủ thứ rồi mà nó vẫn bệnh!
Tôi quan sát kỹ hơn, thấy trên da có lấm tấm xuất huyết và lại thấy có dấu chích ở cổ. Đo nhiệt độ thấy sốt. Những triệu chứng trên là điển hình của hog cholera rồi chứ còn gì nữa! Chẳng lẽ mới “ra quân” lần đầu đã bị ngay cái bệnh virus bất trị này! Thấy tôi tần ngần, ông chủ gợi ý:
- Ông cố chữa, tốn kém bao nhiêu tôi cũng xin trả miễn là cứu được bầy heo. Mời ông dùng nước đã.
Chờ ông chủ vào khuất trong nhà lấy nước tôi quay sang hỏi đứa bé vẫn đứng ở đây nãy giờ:
- Mấy hôm nay cháu có thấy ai đến chích heo không cháu?
- Có bác ạ. Chích hai ba lần rồi.
Khi ông chủ trở ra tôi quyết định dứt khoát giải pháp tốt đẹp nhất cho ông ấy:
- Nên “thanh toán” đám heo này càng nhanh càng tốt bác ạ. Để không có lợi, chữa chạy thì tốn kém mà hầu như không thể khỏi được.
Nói xong tôi chào ông rồi ra về. Ông chủ có vẻ không bằng lòng. Tôi về mà lòng trùng xuống, buồn rười rượi. Buồn vì mới hành nghề lần đầu đã gặp khó khăn; vừa không có tiền, vừa làm thân chủ không vui.
Hôm sau đi làm về tôi mong có người ngồi chờ trước cửa để nhờ đi chữa bệnh nhưng chẳng có ai. Vừa dựng xe vào nhà thì bà xã nói ngay:
- Lúc nãy có ông nào đến nhờ anh chữa chó. Ông ấy để địa chỉ đây này.
Tôi liếc qua địa chỉ: khu trường đua Phú Thọ. Tôi ăn vội bát cơm để có sức đạp tiếp đến trường đua. Khi đến đúng địa chỉ thì thấy đây là một ngôi nhà khang trang, có cây cảnh trong sân chứng tỏ trước kia chủ nhân tương đối khá giả. Sau khi ngồi vào sa lông nói chuyện vài câu xã giao, chủ nhà vào đề:
- Tôi có con chó nuôi đã lâu, cả nhà ai cũng thích. Tự nhiên nó không nhìn thấy gì ông ạ. Nhờ ông chữa, tốn kém bao nhiêu cũng đuợc, ông đừng ngại.
Tôi quan sát toàn thân con chó. Nó vẫn khỏe mạnh, lông mướt, riêng cặp mắt thì xanh lè, không có hồn. Tôi soi đèn pin để thấy rõ hơn đồng thời ôn lại sách vở trong trí nhớ thật nhanh. Chắc là bệnh blue eyes. Mà bệnh này cũng do cực vi trùng (virus) gây ra tựa như hog cholera! Tôi chích cho con vật vài mũi thuốc bổ rồi về. Vừa vào đến nhà tôi lật ngay cuốn bệnh lý dày cộp ra coi lại. Đúng là blue eyes disease rồi! Sách còn nói rõ là có vài chục phần trăm trường hợp bệnh tự nhiên khỏi nếu con vật có dinh dưỡng tốt. Tôi thầm mong con chó ở Phú Thọ nằm trong số ấy. Vài ngày sau tôi trở lại. Vừa thấy chủ nhân tươi cười ra mở cửa tôi đã đoán là có tin vui. Quả nhiên ông ấy nói:
- Ông chữa hay quá! Con Quýt bây giờ đã biết nhìn theo hướng tay tôi giơ lên.
Thế là tôi lại tiếp tục cách chữa “supportive treatment” và hai tuần sau thì con chó khỏi hẳn. Lần chót đến chữa, chủ nhân mời tôi dùng trà loại đặc biệt từ ngoài Bắc mang vào và trả thù lao rất hậu. Tôi mang tiền về cho bà xã mà lòng vui như mở hội.
Thế rồi từ đó tôi có khách lai rai. Có lần một cô gái nhờ chữa cho con heo nái. Tôi ngạc nhiên khi leo lên đến lầu ba của một ngôi nhà bề thế ngay mặt đường mà vẫn không thấy heo đâu! Cuối cùng thì cũng thấy con heo đang bệnh: nó nằm trong một gian phòng lát gạch bông ở lầu tư! Chắc là chủ nhà đã nuôi heo theo yêu cầu của phường khóm để gia tăng sản xuất. Con heo nái to đùng nằm im lìm trên nền gạch hoa. Tôi lấy bó rau muống thẩy trước mặt nó, nó dửng dưng coi như không thấy. Tôi dùng cái gậy nhỏ chọc vào đít nó, nó phản ứng yếu ớt, chỉ kêu ủn ỉn, không thèm đứng dậy. Đo nhiệt độ thấy sốt cao, không tiêu chảy, không xuất huyết. Chưa biết là bệnh gì! Tôi lại dùng bửu bối thông thường: PenStrep liều cao. Có lẽ heo bây giờ ít được dùng trụ sinh nên khi đưa trụ sinh vào là hiệu quả thấy rõ. Chẳng thế mà hôm sau tôi đến thẩy bó rau vào là nó đã cố gắng đứng dậy ăn. Chích ba lần là nó khỏi hẳn. Thuốc trụ sinh lúc bấy giờ khó kiếm nên có bao nhiêu trụ sinh hết hạn xử dụng của ông bác sĩ anh ruột bà xã tôi đều “thầu” hết. Thuốc Mỹ tốt thiệt! Quá date cả hai năm mà dùng vẫn hiệu quả như thường. Chả thế mà khi tôi còn bị tù cải tạo trong khám Chí Hoà, quản giáo nói rõ rằng ai nộp thuốc của Mỹ hoặc Pháp mới được chuyển thư về cho gia đình. Thuốc của phe xã hội chủ nghĩa thì quản giáo chê!
Vẫn biết rằng “bá nhân bá tánh,” có người khách sáo, có nguời ruột để ngoài da, thế nhưng tôi chưa thấy ai có tính “tự nhiên” như một bà trong khu đường rầy xe lửa cách nhà tôi không xa. Bà ấy có con heo nái mới hạ sinh được hơn chục heo con. Hai tuần sau thì cả bầy đi tiêu chảy. Bà ấy đến nhờ tôi chữa. Ngay hôm đầu bà ấy nói rằng khi nào chữa xong thì bà ấy trả tiền một thể. Hôm cuối trước khi về tôi cố ý thu xếp đồ nghề một cách chậm chạp để chờ bà ấy trả tiền. Không thấy bà ấy động tĩnh gì mà tôi thì không có can đảm hỏi tiền thù lao! Thu xếp xong tôi chào bà ấy và lên xe đạp về. Bà ấy nói khẽ “chào thầy”, rồi... thôi! Mấy tuần sau tình cờ gặp bà ấy, tôi hỏi thăm sức khoẻ đàn heo. Bà ấy nhanh nhảu dáp: “Thầy chữa có mấy ngày là chúng khỏi ngay rồi mà. Thôi chào thầy nhé, tôi phải đi chợ đây!” Tôi chợt vui và cười một mình vì biết chắc bầy heo đã khỏi bệnh và biết được một người có tính tự nhiên hiếm thấy.
Có hôm đang mặc quần đùi may-ô ở trên lầu đọc báo thì ghe tiếng gõ cửa. Tôi ngạc nhiên vì hiếm có ai leo lên đây gõ cửa nên tôi chỉ mở hé cửa xem ai. Vừa thấy người đứng trước cửa là tôi sựng ngay lại và vội lắp bắp chào: “Thưa thầy!” Thì ra đây là vi giáo sư tiến sĩ dạy tôi ở Đại Học Khoa Học hồi xưa. Không hiểu sao ông ấy lại biết nhà tôi và lên tuốt trên lầu ba này gặp tôi. Để tôi khỏi ngạc nhiên, ông thầy nói ngay:
- Nhà tôi mới xuất ngoại để lại mấy con chó. Chẳng hiểu sao bây giờ mấy mẹ con chúng đều tiêu chảy ra máu. Tôi mang chúng đến đây để anh chữa nhé!
Tôi ngần ngại vì nhà tôi làm sao chứa được bầy chó này:
- Thưa thầy, thầy không phải mang chúng lại. Thầy cứ về trước, để em lại nhà thầy xem bệnh tình chúng ra sao đã.
Thế là tôi mặc quần áo, theo địa chỉ đến nhà ông thầy. Đây là khu gia cư khá sang trọng ở ngay trung tâm Sài Gòn. Trong garage có một chuồng chó: ba, bốn con chó con nằm xẹp lép, lông xơ xác, phân và lông lẫn máu tèm lem. Ông thầy tâm sự:
- Nhà tôi trước khi xuất ngoại cưng bầy chó này lắm và dặn tôi phải chăm sóc chúng kỹ lưỡng. Nay chẳng may chúng bị bịnh. Anh cố chữa, cứ dùng thuốc ngoại, nếu không kiếm được cho tôi biết.
Tôi khám kỹ mấy con chó. Ngoài bệnh về đường ruột chúng lại bi thêm ký sinh trùng ngoài da. Tôi cho chúng thuốc bổ dưỡng qua mạch máu và cho uống thuốc trị bệnh đường ruột. Rất may là sau một tuần trị liệu bầy chó hết tiêu chảy và phục hồi sức khoẻ dần. Sau đó, việc trị bệnh ký sinh trùng ngoài da không có gì khó khăn. Tưởng đâu thế là nhiệm vụ chữa trị đã xong, nhưng không phải. Ông thầy nói với tôi hôm chót tôi đến trông nom bầy chó:
- Anh thiến con chó mẹ giùm tôi. Tôi không muốn nó đẻ nữa.
Chà! Cái này rắc rối đây vì làm một mình không nổi. Sau khi liên lạc với ông bạn chuyên về giải phẫu và được nhận lời, tôi cùng ông bạn thiến con chó cái. Kết quả tốt đẹp.
Thế nhưng, chữ nhưng tai hại, không phải lần nào cũng được tốt đẹp như vậy. Có lần một học trò cũ tìm đến nhờ tôi chữa giùm một con bò đang hấp hối ở nơi vùng quê ngoại thành, khá xa. Tôi lấy xe gắn máy đi theo anh hoc trò. Đến nơi thì thấy một con bò bụng phình to như cái trống. Đúng là bệnh phình dạ chứa rồi! Chẳng có trocard để chọc vào bỉm. Tôi bèn yêu cầu anh học trò chặt môt nhánh tre nhỏ rồi vạt nhọn và đâm thẳng vào dạ chứa với hy vọng hơi sẽ xì ra nhưng kết quả không như ý muốn: hơi chẳng ra bao nhiêu. Bụng con bò vẫn phình to, thở thoi thóp vì tim và phổi bị dồn ép. Chắc là các bọt khí nhỏ liên kết với nhau, ống tre không thể làm cho chúng xì ra dược, nếu có mineral oil để phá vỡ đám bọt này thì… may ra. Nhưng tìm đâu ra dầu này bây giờ! Thấy tôi đăm chiêu, anh học trò đề nghị:
- Em cho nó uống bia nghe thầy! Em uống bia thấy ợ hơi nhiều lắm.
Tôi chưa kịp trả lời thì anh anh học trò lại nói thêm:
- Em cho nó uống Alka Selzer nữa nghe thầy!
Tôi chẳng biết làm gì hơn nên ừ ào cho xong chuyện rồi nổ máy xe về trước. Vài ngay sau gặp lại anh học trò. Không thấy anh ấy nói gì về con bò này. Chắc là nó đã được hoá kiếp rồi!
Gặp Nạn
Các cụ thường nói làm nghề gì cũng có thể gặp tai nạn nghề nghiệp. Quả đúng thế. Tôi hành nghề này đã có lần gặp nạn. Hôm đó một cô khá xinh mang con mèo đến nhờ trị bệnh. Khám bệnh và cho thuốc đã xong nhưng cô áy cứ đứng sát tôi rồi kể lể đủ thứ chuyện. Tình cờ bà xã tôi đi ra và tỏ vẻ khó chịu. Tôi biết ý nên nói với cô ấy là lần sau cô không phải đem mèo tới, tôi sẽ đến chữa tận nhà. Chữa vài lần là con mèo khỏi bệnh. Cô ấy trả công hậu hĩ. Vài tuần sau cô ấy lại tới mang theo một con chó. Sau khi đặt con chó lên bàn và trước khi khám tôi hỏi về bệnh trạng con vật. Cô ấy cố vạch cái... chỗ ấy ra và nói là nó có mủ. Tình cờ bà xã tôi lại đi ra và tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Sau khi khách về, nàng gọi tôi vào nhà và thỏ thẻ:
- Thôi anh ạ! Em thấy anh hành nghề này vất vả quá. Hay là anh tạm nghỉ để mình từ từ tính cách khác nhé.
Tôi lơ mơ hiểu vì sao và vì không muốn làm phật lòng nàng nên tôi gật đầu nhè nhẹ dù biết rằng mình đang có nhiều khách và chữa trị tương đối mát tay. Thế là ngay hôm sau tôi hạ bảng Bác sĩ Thú Y xuống!
Hạ bảng hành nghề xuống rồi tôi lại nằm vắt tay lên trán suy nghĩ cách kiếm tiền khác. Nghĩ mãi chẳng ra cách nào! Bỗng một hôm đọc báo thấy có tin Viện Pasteur bán thuốc bổ chế từ men bia Saccharomyces cereviciae. Thuốc đựng trong hôp gồm hai vỉ, mỗi vỉ có khoảng chục ông thuốc. Tôi uống thử, thấy vị lạ. Kết quả ra sao thì chưa biết nhưng điều đó khiến tôi tôi nảy ra ý định chế thuốc bổ cho gia súc. Tôi đến nhà máy bia Sài Gòn mua một ít men về xem sao đồng thời tìm đọc các tài liệu, các công trình nghiên cứu về Saccharomyces cereviciae. Sau đó loay hoay thí nghiệm ở nhà để tìm cách áp dụng cho gia súc. Đối với gia súc mà dùng dưới dạng lỏng như Viện Pasteur dùng cho người thì không ổn rồi, phải mò mẫm chuyển sang dạng đặc mới được. Tôi lấy ngay lò nướng bánh của bà xã ra để sấy sản phẩm cho khô khiến bà xã kêu trời vì lò này là cần câu cơm của nàng khi tôi còn trong tù cải tạo. Cuối cùng tôi cũng chế được vài chục kí sản phẩm.
Có sản phẩm rồi , làm sao tiêu thụ? Tôi bèn chất bao sản phẩm lên xe Honda đi đến các trại gà, trại heo để giới thiệu và... bán! Đi lòng vòng qua nhiều trại mà không nơi nào nhận mua viện lý do là trại không có ngân khoản nhưng có lẽ lý do thực sự là đặc chế này còn mới lạ quá, nếu dùng không biết kết quả sẽ ra sao.
Lúc ấy tôi đang dạy học và cần có đề tài hướng dẫn sinh viên làm tiểu luận ra trường nên đã hướng dẫn một số sinh viên thực hiện vài đề tài nhằm xác định ảnh hưởng của men bia trong việc nâng cao sản lượng thịt & trứng ở gà và tăng trọng ở heo thịt. Vì là đề tài tốt nghiệp của sinh viên nên các trại chấp thuận ngay. Tuy nhiên có một trại heo muốn chắc ăn không bị lỗ do thí nhiệm nên đã yêu cầu ký hợp đồng minh định rằng nếu heo ở lô đối chứng có tăng trọng cao hơn lô thí nghiệm thì người hướng dẫn đề tài phải bồi thường cho trại sự chênh lệch, trong trường hợp ngược lại thì người chịu tránh nhiệm đề tài được hưởng. Tôi đồng ý ký ngay. Các thí nghiệm cho kết quả không ngờ: các lô thí nghiệm với khẩu phần thức ăn có bổ túc men bia đã giúp heo tăng trọng cao hơn rõ rệt so với lô đối chứng dùng khẩu phần không có men bia.
Kết quả thí nghiệm này được một số trại biết đến và muốn dùng thử khiến nhu cầu về sản phẩm mới này càng ngày càng tăng. Cái lò nướng bánh bé tí của bà xã tôi không đủ để sấy men nữa. Tôi phải tới Ngã Tư Bảy Hiền nơi chuyên làm các lò sấy thuốc lào để nhờ họ cải biến ra một lò sấy lớn làm bằng tôn theo sơ đồ tôi vẽ sẵn. Tôi để lò xấy này trên sân thượng cho đuợc rộng rãi.
Chế biến men với qui mô nhỏ thì dễ nhưng với qui mô lớn hơn thì nhiều vấn đề nảy sinh. Việc mua men gặp khó khăn vì nhiều khi mình cần thì lại không có đủ và mỗi lần mua đều phải có giấy giới thiệu của cơ quan. Xay men ra cho mịn là cả một vấn đề vì ở nhà làm gì có máy xay. Nói mãi một chỗ chuyên xay bột gạo họ mới nhận xay sau khi đã được bảo đảm là men không có hại gì cho sức khỏe cả. Môt trở ngại khác là không có đủ mặt bằng để phơi men trước khi cho vào lò sấy. Tôi đã liên lạc với lò bánh mì gần nhà nhờ họ sấy thuê nhưng chỉ nhờ được vài ngày thì họ từ chối vì cái mùi men làm bay đi cái mùi thơm ngon của bánh mì. Ngoài ra, làm men rất dễ bị ông Trời gây căng thẳng! Ông trời nắng to thì được nhờ, men khô nhanh. Mỗi khi thấy mây xám giăng giăng bầu trời là phải lo cất men cho lẹ kẻo mưa xuống thì men trôi theo nước, coi như công cốc, lỗ chổng cẳng. Có lần mưa đến nhanh quá, tôi phóng như bay lên sân thượng, chẳng may bị ngã cụp sương sống phải nằm bẹp ở nhà hơn hai tuần để ông bạn già hàng ngày đến bấm huyệt mới lết dậy nổi.
Khi đi mua men và các chất phụ gia khác tôi phải thuê xe ba gác hoặc xe xích lô để chở. Việc chuyên chở này khá nhiêu khê và vất vả. Sài Gòn lúc bấy giờ có nhiều đoạn đường cấm xe ba gác hoặc xe xích lô lưu thông. Vì thế nhiều khi phải đi lòng vòng rất mất công và còn phải tránh công an để đỡ bị gỡ xuống khám xét do xe chở cồng kềnh. Có lần tôi bị “đứng tim” vì đang đi sau xe xích lô chở hàng thì đột nhiên xe biến mất trong đám xe cộ đông nghẹt. Những tưởng phen này mất trắng thì không ngờ khi về gần đến nhà đã thấy ông già đạp xích lô đúng chờ tôi ở vệ đường. Ông ấy nói rằng khi thoáng thấy bóng công an ông ấy phải đi tránh ngay sang đường khác rồi đứng đây chờ tôi. Ông ấy quả là người tốt bụng...
Chế biến men tuy rất khó nhọc nhưng tôi may mắn có bà bác lúc nào cũng giúp đõ tối đa nên công việc được tiến hành đều đặn. Mỗi buổi chiều đi làm về đến cách nhà vài trăm thước là đã thấy thoang thoảng trong không trung mùi men thơm phức và dịu ngọt như mùi sô cô la. Mỗi lần ngửi thấy mùi men như vậy là tôi chắc chắn mẻ men này sẽ thơm ngon lắm.
Một hôm đang ngồi làm việc ở văn phòng thì có một người lạ đến xin gặp. Nói lòng vòng một hồi thì hoá ra là anh ta muốn giới thiệu một sản phẩm mới rất tốt đùng để bổ túc trong khẩu phần nuôi gia súc. Khi mở ra xem thì tôi ngạc nhiên hết sức vì đúng là chế phẩm men do mình làm ra tuy đã được trộn thêm chất phụ gia để hạ giá thành. Vì thế tôi chỉ còn biết mỉm cười cám ơn.
Tàn Lụi
Việc chế biến men phát triển rất khả quan. Nhiều trại heo đặt mua, tôi sản xuất không kịp. Có người đề nghị tôi bán công thức chế biến, có người đề nghị hợp tác xản xuất để tiêu thụ bên Campuchia. Tôi chỉ mỉm cười cám ơn vì đây không phải là mục đích của tôi: tôi đã nộp đơn xin đi theo diện HO nên chỉ làm kiếm tiền cầm hơi chờ được ra đi.
Ở đời mọi sự đều không tránh khỏi quy luật “thành , trụ, hoại, không.” Một sự việc hay một sự vật sinh ra, phát triển rồi sẽ có lúc phải tàn lụi. Chuyện làm men của tôi cũng không tránh khỏi qui luật ấy. Công việc đang phát triển đều đặn thì một hôm viên công an khu vực đến xét nhà. Ông ấy đi suốt từ dưới nhà lên đến sân thượng. Tôi chẳng hiểu tại sao, chỉ biết đi theo ông ấy khắp nơi trong nhà. Cuối cùng ông ấy nói:
- Anh có làm gì khiến hàng xóm khiếu nại không?
- Tôi không biết họ khiếu nại tôi điều gì.
Viên công an coi hết các bao bì và thùng đựng trong nhà và hỏi đó là những thứ gì. Tôi trình bày rõ ràng từng thứ và xuất trình giấy tờ mua bán.
- Anh mua những thứ này làm gì?
- Tôi chế biến thức ăn gia súc để giúp bà con nuôi heo mau lớn theo đúng yêu cầu của nhà nước nhằm tăng gia sản xuất.
- Tốt! Toàn là đồ ăn cho heo gà chứ có gì đâu!
Thế là thoát nạn! Tuần sau tôi được ông hàng xóm mời sang “nói chuyện phải trái.” Tôi chưa biết là chuyện gì nhưng đoán là có liên quan đến việc công an xét nhà nên tôi sang ngay. Khi vào nhà tôi thấy mặt ông ta hầm hầm, chưa mời ngồi ông ta đã nói ngay:
- Tôi nghiện thuốc lá. Từ ngày ông nấu sô-cô-la bên đó hơi bay sang đây khiến tôi hút thuốc mất ngon! Cái mùi ấy át mất mùi thuốc thơm của tôi! Yêu cầu ông đừng để cái mùi ấy bay sang nhà tôi nữa!
Thì ra là thế! Tôi tưởng đâu ông ấy vu cáo tôi buôn lậu. Ai dè! Tôi buồn cười nhưng không muốn làm mất lòng hàng xóm nên trả lời ông ta một cách nghiêm chỉnh:
- Vâng. Tôi sẽ cố gắng tối đa để mùi ấy không bay sang đây. Tôi sẽ bít các cửa sổ thông sang phía nhà ông.
Ngay hôm sau tôi thực hiện việc ấy. Vài ngày sau nữa, khi thoáng thấy tôi, ông ấy nói lớn tiếng để tôi nghe: Đồ trâu bò! Mặt tôi nóng bừng. Từ nhỏ tới giờ chưa ai nói nặng lời với tôi như vậy. Tuy nhiên tôi bình tĩnh lại ngay. Có lẽ cái mùi men vẫn bay sang nhà ông ấy. Sau khi suy nghĩ kỹ và sau khi bàn bạc vời bà xã, tôi quyết định thôi không chế biến men nữa. Lý do chính không phải do ông hàng xóm mà là do nghe ngóng biết được rằng sắp đến lượt gia đình tôi được đi theo diện HO. Sau đó tôi bán cái lò nướng và chỉ giữ lại cái thùng to đùng - trước đây dùng trong việc thủy phân men - để bác tôi dùng làm nồi nấu bánh chưng.
Tuy tôi theo học ban B tức ban Toán nhưng trong suốt thời gian theo học tại trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An, môn Vạn Vật và các thầy dạy môn này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Bây giờ nhìn lại mới thấy các thầy đã ảnh hưởng đến mình rất nhiều. Các thầy dạy về sinh học đã cho tôi có được nhũng thú vị trong lãnh vực thực vật và động vật. Một lời phê tốt của thầy trong thông tín bạ có thể làm mình sướng mãi và có thể ảnh hưởng đến quyết định về nghề nghiệp của mình trong tương lai. Vì thích về sinh học nên sau khi đỗ tú tài tôi đã nộp đơn vào trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn, nơi mà tôi nghĩ rằng sẽ cho tôi nhiều thú vị trong lĩnh vực sinh học ứng dụng. Khi mới vào học Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc tôi không hình dung nổi sau này ra trường mình sẽ làm gì. Bây giờ tôi thấy rõ rằng chính cái nghề thú y này đã giúp tôi vượt qua được một giai đoạn rất khó khăn sau khi đi cải tạo về. Thời gian hành nghề này đã để lại trong tôi nhiêu kỷ niệm khó quên. Cuộc đời như một tấn tuồng, Giờ đây nơi xứ lạ quê người, nhìn lại quãng đời đã qua tôi thấy mình đóng vai hành nghề thú y không đến nỗi tệ. Vai trò ấy đã xong. Bây giờ tôi mơ đóng được vai liên hữu một cách xuất sắc để lúc giã từ cuộc đời được về an vui nơi cõi Tịnh Độ tiếp tục tu học… Mong lắm thay!
No comments:
Post a Comment