Friday, November 11, 2016

BẦU CỬ 2016: Hy Vọng và Thất Vọng

 Đức Hà

Cuộc tranh cử và tranh tài đầy kịch tính và khốc liệt đã kết thúc đêm thứ Ba vừa qua với kết quả nghiêng về đội Cộng Hòa. Hai kỳ phùng địch thủ, cạn tầu ráo máng từ lời nói đến cử chỉ xỉa xói nhau đã chấm dứt khi bên thắng cuộc ngỏ lời với bên thua cuộc:
"Đây là lúc để nước Mỹ hàn gắn vết thương chia rẽ; hãy cùng nhau chung sức xây dựng đất nước. Cử tri Cộng Hòa, Dân Chủ hay độc lập trên toàn quốc, tôi muốn gởi đến quý vị lời thỉnh cầu rằng đây là lúc để chúng ta một lòng đoàn kết thành một khối.
Thời điểm đã đến rồi. Tôi xin hứa với mọi người dân trên giang sơn này rằng tôi sẽ là tổng thống của mọi người, và đó là điều hết sức hệ trọng đối với tôi. Với những người trong quá khứ đã không ủng hộ tôi, mà số lượng không phải là ít ... tôi rất trân trọng được nghe lời chỉ giáo cùng sự giúp sức để chúng ta cùng nhau cộng tác và hợp nhất quốc gia vĩ đại này."

Nếu Hoa Kỳ bắt đầu một kỷ nguyên mới thì kết quả bầu cử vừa qua đã làm không ít người thất vọng đau buồn đến rơi nước mắt và cùng lúc với bao nhiêu người hả hê hy vọng vào một Hoa Kỳ hùng mạnh hoặc cả hai vừa thất vừa hy. Người này bất mãn vì thần tượng xụp đổ, người kia bực tức vì mong muốn có một nữ tổng thống lại không gặp may. Và rồi họ trút bực tức lên chữ viết trên mạng xã hội cả người Mỹ lẫn người Việt, làm như quên hẳn yếu tố thiểu số phục tùng đa số. Còn dạng người xưa nay vốn thờ ơ với chuyện chính trường - mà lại chiếm tỷ lệ không nhỏ, không ngần ngại nói rằng phải chi họ không ra ứng cử thì mấy ai biết và quan tâm những chuyện thâm sâu bí hiểm phía sau bộ mặt thật. Thật vậy đâu có bao nhiêu người biết bà Clinton sử dụng một hệ thống máy chủ (server) đặt tại nhà riêng, hủy mấy chục ngàn điện thư khi cơ quan FBI muốn thanh tra hay bà và cựu Tổng Thống Clinton cùng con gái đã vận động bao nhiêu tiền của cho quỹ Clinton, Inc.; và cũng nào ai biết cách nay mười mấy năm chàng trai trẻ Trump có những lời lẽ xúc phạm phụ nữ trong phòng thay quần áo, hay chàng đã lợi dụng khe hở của luật thuế để tránh né ... cùng nhiều vấn đề khác nữa. Kết quả là qua ba cuộc tranh luận công khai cùng các chuyến đi vận động, cả nước Mỹ đều biết rõ từng mặt trái của mỗi ứng viên. Sau cùng có thể cử tri đành chọn người ít xấu nhất giữa hai người - the lesser of the two evils.

Vài tiếng đồng hồ sau khi đối thủ Donald Trump ngỏ lời với nhân dân Mỹ sau khi thắng cử, bà Hillary Clinton đã có lời phát biểu - được cho là hay nhất và đau nhất từ 17 tháng qua. Bà nói: "Thật là đau lòng và nỗi đau này sẽ kéo dài trong thời gian lâu."
Nhưng bà cũng hối thúc người dân hãy chấp nhận kết quả để cuộc chuyển quyền diễn ra trong êm thắm.
"Ông Donald Trump sẽ là Tổng Thống của chúng ta. Chúng ta nên đón nhận ông với một tinh thần cởi mở và cho ông cơ hội để lãnh đạo."
Bà cũng không quên nhắc nhở những người ủng hộ hãy tiếp tục công cuộc đấu tranh.
"Thất bại này thật đau đớn, nhưng xin đừng bao giờ từ bỏ niềm tin rằng đấu tranh cho lẽ phải rất xứng đáng."
Nào ai có thể ngờ ứng viên sáng giá, một cựu Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ, với bao kinh nghiệm lãnh đạo hành pháp, lập pháp, tư pháp, chiến thắng đều khắp như chẻ tre, vận động gây quỹ dễ dàng và vô tận, được cả một hệ thống truyền thông Cộng Hòa lẫn Dân Chủ hậu thuẫn ... cuối cùng lại phải đứng Bên Thua Cuộc.

Bầu Cử

Dân số Mỹ hiện nay trên 320 triệu và theo quy định chỉ có người có quốc tịch Mỹ mới được đi bầu. Có tịch rồi lại phải đăng ký mới được lên danh sách cử tri. Toàn quốc có hơn 231 triệu cử tri ghi danh đi bầu, số phiếu thật sự đếm được chỉ có 118,667,110 cho thấy hơn 111 triệu người đủ điều kiện nhưng không bỏ phiếu. Và số phiếu của cử tri bầu chọn cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton (59,888,392) nhiều hơn tỉ phú Donald Trump hơn 219 ngàn đã nói lên ý muốn của người dân có tham gia bầu cử. Rõ ràng cử tri muốn Hoa Kỳ có một nữ tổng thống cho dù tư cách phẩm giá có như thế nào đi nữa. Nhưng quy trình bầu bằng Cử Tri Đoàn đã đưa phần thắng về cho ông Trump (279 vs 228). Đây là lần thứ hai kể từ 16 năm, người thắng phiếu phổ thông lại thua phiếu của Cử Tri Đoàn. Thêm vào đó đảng Dân Chủ không chỉ thua ghế trong Tòa Bạch Ốc, mà cũng không chiếm được đa số cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện.

Với kết quả như vậy, diễn biến mới ở ngành hành pháp và lập pháp khó có hướng đi thuận chiều xuôi mái khi sự phân hóa trong nội bộ đảng thắng và hố sâu chia cắt giữa hai đảng trở nên trầm trọng để rồi ra sẽ đưa đến những va chạm trong bốn năm tới. Sự hàn gắn vết thương đó không hề dễ như ý muốn của ông Trump. Những người Cộng Hòa không hậu thuẫn ông Trump lại chọn bà Clinton - trong đó có Tướng Colin Powell và hàng loạt nhân vật Cộng Hòa khác không chọn ông Trump - trong đó có các vị Tổng Thống tiền nhiệm, có Thượng Nghị Sĩ John McCain, cựu Thống Đốc Arnold Schwarzenegger... liệu có xoay chiều đổi gió hay không khó mà biết. Ngoài ra hệ thống truyền thông dòng chính Hoa Kỳ xưa nay vốn ngay thẳng, công minh, rất dân chủ ở mức độ nào đó, tự nhiên chuyển hướng sang lũng đoạn, bè phái, thiên lệch trong thời gian vừa qua thì nay viết lách, biện minh ra làm sao. Bài viết, bài nhận định, bài quan điểm có ai đọc ai tin được nữa không mới là bước thụt lùi tệ hại. Nói rằng họ bị một thế lực nào đó mua chuộc chắc cũng không mấy sai.

Chẳng hạn báo Arizona Republic phát hành ở Arizona, một bang đỏ lâu đời viết:
"Kể từ khi báo được thành lập năm 1890, chúng tôi chưa bao giờ hậu thuẫn cho một ứng viên Dân Chủ thay vì ứng viên Cộng Hòa. Chưa hề có. Đó là để phản ánh sự trân trọng mang tính triết lý sâu xa đến nguyên tắc và ý tưởng bảo thủ của đảng Cộng Hòa.
Năm nay có sự khác biệt.
Ứng viên đại diện Cộng Hòa không phải là người bảo thủ và ông ta không hội đủ tư cách.
Đó là lý do tại sao, lần đầu tiên trong lịch sử, báo The Arizona Republic chọn hậu thuẫn cho ứng viên Dân Chủ."
Đến nay thì ứng viên sáng giá mà báo này hậu thuẫn – và coi như bước ngoặt chưa từng có, lại thua cuộc thì báo này quả bẽ bàng. Bà Clinton không trúng cử thì về tiếp tục cai quản Clinton Foundation, còn Arizona Republic vẫn tiếp tuc ra báo hàng ngày sẽ ăn nói sao đây với độc giả - hầu hết là Cộng Hòa.

Cùng lúc thì những người từng phát biểu liều lĩnh mạnh miệng còn hơn cả ông Trump nữa rằng nếu ổng mà thắng cử thì đi nước khác sống vì nước Mỹ trở nên quá xấu xí. Không chừng đây chỉ là dám nói mà không dám làm. Những người đòi di tản sang nước khác gồm có một số ca sĩ diễn viên danh tiếng như Cher, Barbara Streisand, Whoopi Goldberg, Miley Cyrus, Samuel Jackson ... kể cả nhiều dân thường viết status trên trang Facebook - nhưng rồi có đi thật hay không lại là chuyện khác.
Một con số thống kê chia xẻ nơi đây để biết: toàn bộ chi phí tiêu hao trong kỳ bầu cử vừa qua ước tính xấp xỉ bảy tỷ đô. Món cần sa mà nhiều bang đưa ra hỏi ý dân có nên hợp thức hóa cho bán công khai hay không thì thương vụ cũng chỉ ở mức dưới 5,5 tỷ. Làm dân chủ kiểu Mỹ đâu có rẻ - nói một cách khác là phải giàu có mới làm dân chủ được. Kết luận này dường như đúng: cứ nhìn sang các nước không dân chủ thì thấy ngay là lãnh đạo chỉ nhắm vào chuyện làm giàu cho cái túi riêng không đáy hơn là lo cho dân cho nước.

Khó Khăn

Trong bốn năm sắp tới lời hứa "Make America Great Again - làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại," có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào tài kinh bang tế thế của nhà tỉ phú chưa bao giờ nắm một chức vụ dân cử nhưng có tài kinh doanh làm giàu. Tổng Thống Donald Trump cũng phải vực lại nước Mỹ, sửa chữa những đường lối chính sách quá mềm mỏng trong tám năm qua tác hại đến quyền lợi của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Cũng cần phải nói thêm rằng một người từng đánh bại cả chục đối thủ chuyên nghiệp để được đảng Cộng Hòa để cử làm ứng viên chính thức thì cho dù có ganh ghét tị hiềm đến mấy cũng phải công nhận rằng ông có tài, có khả năng lãnh đạo - tuy có bốc đồng, nói cho công minh. Thời gian 100 ngày đầu của nhiệm kỳ sẽ chứng minh sự thật: huy hoàng hay kinh hoàng còn phải chờ xem.

Những bơi móc, chỉ trích, đánh phá chưa từng có trong các cuộc bầu cử cấp tổng thống cuối cùng cũng sẽ từ từ đi vào quên lãng (cho đến hết bốn năm nữa) để nước Mỹ lại vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn lãnh đạo thế giới, vẫn là cường quốc, đồng đô xanh vẫn ăn trùm thế giới ... để mọi người vẫn mê mẩn đi tìm Giấc Mơ Mỹ.