Tuesday, February 24, 2015

Thất Bại Sau Cùng Của Ngô Đình Diệm



Lâm Văn Sang

Tường trình, ghi chép lại quá khứ không phải lúc nào cũng là chuyện dễ dàng. Bài học vỡ lòng dành cho một sử gia thận trọng, được chỉ dẫn khi còn ở trường ốc, là cái khoảng cách thời gian cần phải có trước khi một giai đoạn lịch sử nào đó, một biến cố nào đó, ở đâu đó trên thế giới này, một quyển sử nghiêm chỉnh được viết ra. Người ta lo sợ rằng ở một khoảng cách quá gần, ở một biến cố vẫn còn quá mới, người viết sử dễ đánh mất đi sự khách quan, vô tư của mình. Cái khoảng cách an toàn này là bao xa, dường như chưa ai định rõ. Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua sau khi chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt. Liệu cái khoảng cách thời gian này có đủ cho một quyển sử không thiên lệch về cuộc chiến này được viết ra?


Cho đến nay, bất cứ một quyển sách nào trình bày lại giai đoạn lịch sử nói trên đều không tránh khỏi trở thành một đề tài tranh cãi. Con đường đi đến sự thật lịch sử có phải vì vậy ngày càng xa hơn? Quyển Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam của Philip E. Catton, giáo sư phụ giảng về sử của Stephen F. Austin State University, do nhà xuất bản Đại Học Kansas phát hành năm vừa qua, dường như đã thu ngắn con đường này lại, một phần.

Tác phẩm là một quyển sách mỏng, 298 trang, nếu so sánh với nhiều tác phẩm sử khác xuất bản gần đây ở Hoa Kỳ, với 85 trang dành cho chú thích, sách tham khảo, phần chỉ dẫn danh mục. Tác giả, ông Catton, trong lời nói đầu, đã giải thích quyển sách khởi đầu từ luận án tiến sĩ của ông với đề tài về Ấp Chiến Lược được thực hiện ở miền Nam trong thời gian 1961-1963.

Quá trình nghiên cứu, sưu tập tài liệu đặt ông trước nhiều câu hỏi không có câu trả lời về cá nhân ông Ngô Đình Diệm, khiến ông phải xét lại diễn tiến của mối quan hệ Mỹ-Việt từ 1954 cho đến 1963. Ông không chấp nhận quan niệm phổ biến của Tây phương (một thứ phán xét duy nhất, tuyệt đối, và sau cùng) coi họ Ngô như là "nhà nho cuối cùng" hay "một ông quan phong kiến." Ông cũng không chấp nhận cái hình ảnh tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức để đơn giản kết án chính quyền, chính thể ở miền Nam có tính đàn áp, là biểu hiện của sự phá sản về chính trị và đạo đức. Để làm sáng tỏ được điều này ông thu thập tài liệu không phải chỉ ở về phía Hoa kỳ và Tây phương mà còn cả tài liệu bằng tiếng Việt ở cả hai miền Nam và Bắc. Phần lớn tài liệu tiếng Việt do chính ông phiên dịch ra tiếng Anh. Diem’s Final Failure là câu trả lời trước hết cho chính ông về giai đoạn lịch sử đó.

Tác phẩm đặt trên chủ điểm "người Việt và người Mỹ không hiểu nhau." Và "sự xung đột trong quan hệ Mỹ-Việt tiêu biểu cho sự chạm trán giữa hai nhãn quan xây dựng đất nước và phương cách hiện đại hóa Nam Việt Nam." Nhưng Catton không phân tích chế độ của Ngô Đình Diệm như là lịch sử của chính sách đối ngoại Mỹ mà dựa vào văn bản của lịch sử Việt Nam hiện đại. Người Việt không phải là kẻ đứng bên lề lịch sử, họ góp phần tạo nên lịch sử đó. Tác phẩm không đi tìm cách trả lời cho câu hỏi vốn vẫn được nhiều người quan tâm về giai đoạn lịch sử này, chẳng hạn như ai ra lệnh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, ai ra lệnh hạ sát anh em ông Diệm. Tác phẩm vẽ ra một bức tranh tương đối toàn diện hơn về tình hình miền Nam từ chính trị, quân sự cho đến văn hóa, đời sống. Bức tranh đó không phải vì vậy nhất thiết chỉ tô son điểm phấn cho chính quyền miền Nam hay thần thoại hóa lãnh tụ của chính quyền đó.

Thất bại của chính quyền Đệ nhất Cộng hòa đến từ nhiều phía. Ấp chiến lược sau những thành tựu ban đầu tạo thật nhiều khó khăn cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) đã tỏ ra không đứng vững được trước sự xâm nhập thêm người và vũ khí từ miền Bắc (tác giả dùng cả chương sách nói về tỉnh Bình Dương ra làm thí dụ). Kế tiếp, cuộc khủng hoảng Phật giáo tại các thành thị miền Nam đã làm căng thẳng thêm mối  quan hệ Mỹ-Việt. Sài Gòn của năm 1963 là cái nôi của mọi tin đồn lớn nhỏ khác nhau.

Philip E. Catton ghi nhận trên tờ Times of Viet Nam một bài viết có thể là của bà Ngô Đình Nhu kết án CIA tìm cách lật đổ chính phủ. Trong khi đó ông Nhu công khai đề cập đến việc miền Nam cần phải tiết kiệm và bảo toàn tài nguyên chuẩn bị cho tình trạng tự lực khi cần. Tin tức chính quyền họ Ngô tìm cách liên lạc và nói chuyện với phía Hà Nội như đổ thêm dầu vào ngọn lửa của tình hình. Thực hư thế nào, đến nay vẫn chưa rõ.

Theo tác giả có thể chính quyền miền Nam chỉ dùng tin đồn này để làm giảm bớt áp lực của Hoa Kỳ. Điều này thật ra đã không cải thiện được mối bang giao giữa Sài-Gòn và Hoa Thịnh Đốn. Cuộc khủng hoảng chính trị đó đã gây phương hại đến nỗ lực quân sự của chính quyền ở miền Nam nhưng Ấp chiến lược chỉ thực sự đổ vỡ hoàn toàn sau khi tổng thống Diệm bị lật đổ và chính quyền mới đã không có một chính sách nào rõ ràng sau đó. Cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm còn mang lại nhiều hậu quả khác, trong đó có sự can dự của người Mỹ vào chiến tranh Việt Nam ngày càng nặng nề hơn.

Diem’s Final Failure hẳn nhiên không phải là câu trả lời làm hài lòng tất cả mọi người. Edward Miller, một tiến sĩ sử học khác của Đại học Harvard, cho rằng trường hợp thất bại của kế hoạch Ấp chiến lược ở Bình Dương không chứng minh được điều tác giả muốn chứng minh và sự thất bại của Ấp chiến lược ở nơi đây không tiêu biểu cho kế hoạch này trong cả nước.
Tác phẩm ít nhất đã chứng minh được một điều mà Catton trích lại trong phần kết luận cuối sách như sau: "Người Mỹ và người Việt đi trên cùng một chiếc xe, nhưng tình trạng bất hòa thường xuyên xảy ra về chuyện ai lái xe, đi về đâu và sử dụng lộ trình nào để
đến đó."

Diems Final Failure: Prelude
to Americas War in Vietnam.
Philip E. Catton. University
Press of Kansas, Lawrence
(Kansas), 2002.

                                                                              Bài  được đăng trên Viet Mercury số 250 11/07/2003

Friday, February 20, 2015

Du Xuân Với Legging



Đức Hà

Ngày Xuân, ngày Tết ở Mỹ chẳng ai mặc áo dài ngoại trừ mấy nàng đi thi hoa hậu. Vậy thì đề nghị các chị, các cô, các em gái hãy chơi chiếc quần legging du xuân Ất Mùi. Lý do là vì phong trào thời trang legging đang nở rộ và tràn lan khắp mọi nơi, khắp mọi cộng đồng, khắp mọi sắc tộc, không phân biệt màu da, chính kiến hay tôn giáo. Bất kể người trong nước, người ngoài nước, đầu trên xóm dưới đều một lòng vì legging.Vì sự tiện lợi, dễ mua, dễ mặc và dễ khoe nhiều ... thứ trên cơ thể nên chiếc quần legging đã hầu như đánh bạt quần jean thông dụng ra khỏi tủ quần áo hàng ngày của phái nữ.
Legging - còn được gọi là quần yoga hay jeggings, là loại quần Tây bằng vải thun spandex mà khi mặc vào nó bó sát lấy cơ thể, sát đến độ không thể nào sát hơn được nữa. Nói một cách cụ thể và mô tả một cách chân thật không kiểm duyệt cắt xén đục bỏ thì đó là chiếc quần ôm chặt lấy phần mông, phần đùi và cặp giò. Nếu chẳng may người nào có cặp mông to đùng, bự chần dần, nhúc nhích mỡ hay nẩy nở đều đặn tròn trịa đều bày hàng vô tư để bàn dân thiên hạ, ông đi qua bà đi lại ngắm khen hay nhìn chê bai xuyên qua cái legging. Từ mông xuống là cặp chân - có thể dài miên man, dài vô tận hay ngắn ngủn to béo như chân voi cũng "sô" ra hết với legging. Hai ống chân, cho dù thẳng tuột, cong vòng kiền hay ốm như cậy sậy cũng không che dấu được với legging. Vì legging bó sát mông nên kích thước, hình dáng nội y hiện lên rõ mồn một: low cut, high cut, thong hay string tùy hỷ.

Đó là cái nhìn từ phía sau; nếu nhìn từ phía trước thì sao nhỉ? Bụng mỡ, eo thon, rắn chắc, rốn tròn, lồi lõm hay sâu hoắm đều sờ sờ ra đó. Bởi vậy, tuyệt vời, thô bỉ hay phản cảm là tùy suy nghĩ hay suy diễn tưởng tượng của từng cá nhân. Không ai phê bình giống ai. Nhìn trực diện (lén thôi đấy) một người nữ mặc legging thì không thể nói có một "co-men" chung chung được. Nói chẳng hạn cái khu tam giác nhậy cảm vốn Trời cho mà Hồ Xuân Hương gọi là cái quạt thì đúng là cái quạt, không sai vào đâu được.

Chành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa ...

Chỉ liếc sơ qua cũng thấy đó là cái quạt với khe suối nước trong veo:

Bầy đặt kìa ai khéo khéo phòm,
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom...

Nhìn thấy khe rồi và chỉ cần thêm chút tưởng tượng thì nó ra như thế này đây:

Khen thay con tạo khéo khôn phàm,
Một đố dương ra biết mấy ngoàm.
Lườn đá cỏ leo, rờ rậm rạp.
Lách khe nước rỉ, mó lam nham.

Vì legging quá lộ liễu, quá sexy, có (quần) cũng như không tuy không mà là có nên Dân Biểu David Moore của bang Montana vừa đệ trình dự luật cấm triệt legging nơi công cộng.

Luật HB 365

Từ trước đến nay Montana đã có luật giới hạn phơi bày cơ thể đến mức độ nào rồi; thế nhưng xã hội tiến hóa y phục cũng ngày càng tiến bộ thế nên một vị dân biểu tiểu bang bèn đưa ra đạo luật bổ xung luật cũ. Luật cũ cấm cả nam và nữ ở trần nơi công cộng, luật mới mở rộng điều khoản đó và ghi rõ thêm chi tiết là tất cả những loại y phục khi mặc vào cho cảm tưởng như toàn bộ khu vực tam giác vàng, bộ phận sinh dục, mông má, hay hai cái núm trên người phụ nữ hiện ra như thật - tức là quần áo bó sát, đặc biệt màu beige đều bị nghiêm cấm.
Ông Moore nói với hãng tin AP rằng phải cấm mặc loại quần yoga ra đường.
"Tôi muốn bang Montana phải là nơi lịch lãm trong sáng nơi người dân biết tôn trọng luật pháp và bảo vệ con trẻ và người khác chống lại những kiểu cọ khiếm nhã và suy đồi."
Đây không phải lần đầu tiên loại quần áo thể thao va chạm với luật pháp Montana. Mùa thu vừa qua trường trung học Skyview High School tại thành phố Billings đã hiệu đính nội quy và nhấn mạnh: "Leggings, jeggings và quần bó sát (kiểu vũ công ballet mặc khi lên sân khấu) không được gọi là quần và phải mặc chung với quần ngắn (short), váy, áo đầm hay quần Tây dài." Trường đưa ra quy định mới vì legging ảnh hưởng xấu đến việc học hành của nam sinh.
Thế là chiếc quần thun bó sát trở thành trận chiến giữa nhà trường và học sinh nữ. Việc trường quyết tâm duy trì kỷ luật về cách phục sức trong khuôn viên học đường đã đưa đến hàng loạt những vụ phản ứng đôi co suốt từ miến Đông sang miền Tây. Mùa xuân vừa qua các teen ở Illinois đã phản ứng bằng cách rủ nhau cùng mặc legging đến trường và dương cao bảng có hàng chữ như "Không lẽ cái quần của chúng tôi làm giảm điểm học vấn hay sao?"

Như mọi người đều biết ở Mỹ, ngoại trừ trường tư buộc học sinh phải đồng phục đồng loạt, còn trường công thì mỗi trường đều có nội quy riêng về quần áo. Chẳng hạn những kiểu áo hai giây bé tí như sợi mì, áo hở rốn, quần short quá ngắn, quần tây xệ dưới mông, áo thun có in hình vũ khí, rượu bia, hay dép lê ... đều được liệt kê vào danh sách những kiểu cọ cấm nơi sân trường. Nay thì legging trở thành nạn nhân mới nhất của các ban giám hiệu. Một học sinh nữ trường Skyview bộc bạch rằng việc cấm này vô duyên. "Ai mà chẳng có cặp mông. Không lẽ mông phái nữ lại cản trở việc học hành. Thật là vô duyên. Hễ bất cứ điểm nào trên cơ thể phụ nữ được nhấn mạnh là bị cấm sao?" Cô này không quên nhắc nhở: "Thế còn con trai mặc áo T-shirt sát nách sao không cấm đi." Và kết luận: "Bất cứ ăn mặc kiểu nào cũng không nên cấm, miễn là đừng phơi bày nội y ra là OK."
Phía nhà trường nhất quyết bênh vực lệnh cấm và cho hay nhà trường là cơ sở giáo dục như vậy buộc học sinh phải tuân thủ nguyên tắc nào đó cũng là giáo dục.

Thật ra Montana đi tới chỗ ban hành những luật lệ ngặt nghèo là vì hồi tháng Tám vừa qua, nhóm đi xe đạp Bare as you Dare đã làm cư dân Missoula muốn điên đầu khi cùng nhau đạp xe, trần như nhộng ngang nhiên giữa ban ngày ban mặt ngay trung tâm thành phố. Lãnh đạo thành phố e ngại vi phạm quyền tự do phát biểu nên đã buộc lòng phải cấp giấy phép cho họ diễn hành. Hẳn nhiên vụ đạp xe không mảnh vải che thân đã làm không ít cư dân địa phương bức xúc và phản ứng. Ông Moore đã cấp tốc soạn thảo luật HB 365 để từ nay về sau tránh được cảnh nhức nhối khó coi.
Bản tin của AP kết luận rằng nếu không có chuyện cấm đoán legging thì chẳng thành vấn đề; nay legging trở thành chuyện lớn nên tự nhiên phái yếu cả nước đã cũng nhau đoàn kết quyết tâm bảo vệ quyền lợi trong việc ăn mặc. Vì chiếc quần yoga (dùng khi tập yoga) cho dù đại đa số chẳng theo phái "Om" chút nào thì mặc quần yoga phải công nhận là rất thoải mái, gọn nhẹ, không nhăn, dễ giặt mau khô, và chẳng bao giờ cần ủi. Tiết kiệm thời gian, tiết kiệm ngân sách gia đình mà lại rất thời thượng nữa. Chẳng thế mà doanh số của các nhà bán lẻ bán legging đã tăng vọt - hàng nhập không đủ bán, hàng chưa về đã phải treo bảng "Hết Hàng" đưa đến hệ quả là lượng quần jean bán ra đã lần đầu tiên bị giảm sút từ hơn chục năm nay.

Đã có luật đương nhiên phải kèm theo hình phạt. Sau ba lần vi phạm mặc legging nơi công cộng, thì án phạt lên đến 10,000 đô (mười ngàn) và tù ở suốt đời. Để khuyến dân Montana tuân hành luật pháp, Dân Biểu Moore đề xuất giảm còn 5,000 đô và 5 năm tù. Vi phạm lần đầu 500 đô cộng sáu tháng tù; lần hai 1,000 đô hoặc một năm tù.

Đẹp Khoe

Quan niệm đẹp khoe xấu che đã quá xưa. Nên trả cho quá khứ cái gì của quá khứ. Thời buổi hôm nay là vô tư vén áo cho người xem lưng; đẹp khoe không nói, xấu cũng khoe luôn. Nhưng ban hành luật cấm có vẻ đi hơi quá, phải không bạn. Đây là một vi phạm trắng trợn, thô bạo và có hệ thống vào quyền chọn quần áo của phái đẹp. Người ta đi tập yoga xong thì xẹt ra chợ mua con cá, bó rau, ghé qua trường đón con, tạt vào café giải khát, đôi khi đột xuất đột nhập sở làm kiểm soát xem ông chồng có chăm chỉ làm việc hoặc bạn trai có đang ve vãn cô thư ký trẻ hay không... trước khi về nhà thì đã có sao nào mà nay lại bày đặt cấm với đoán.

Cali ta thì rất rộng lượng trong vấn đề thời trang. Quí đồng hương nữ tha hồ legging, jegging chẳng ông nhà nước nào bận tâm hay đặt vấn đề đạo đức thẩm mỹ chỉ có điều nếu du lịch Montana thăm bà con thì hãy suy nghĩ lại.

Thursday, February 5, 2015

30 Năm Tình Muộn

Đức Hà


Thứ Hai 29 tháng Tám, 2000 là ngày Nguyễn Lệ Hằng sẽ ghi nhớ mãi trong suốt cuộc đời còn lại. Đó là ngày cô bắt liên lạc được với người cha ruột cô mong đợi đã 29 năm hay ít ra cũng từ ngày cô biết thế nào là tình cha con. Lần đầu tiên trong đời, Lệ Hằng đã có dịp gọi tiếng “Daddy” bằng cả con tim của mình.
Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, một trong những hệ quả xã hội mà nước Mỹ cảm thấy có trách nhiệm và phải cưu mang là những người con mang hai giòng máu Mỹ-Việt.

Nguyễn Lệ Hằng và hình cha ruột 30 năm trước.
Nếu Nguyễn Kiên, tác giả của cuốn sách được nhiều người biết "The Unwanted", kể lại cuộc đời đầy gian khổ của một con lai sau năm 1975 và khi được đi định cư tại Mỹ đã không muốn tìm lại người cha ruột của mình, thì trong khi đó ngược lại, nhiều người con lai khác lại có suy nghĩ là phải tìm cho ra bên nội là ai.
Và y như một câu chuyện thần tiên, bà Nguyễn Thị Mia gặp lại người chồng năm xưa và Nguyễn Lệ Hằng gặp được người cha ruột không phải tại căn cứ Phú Lợi, Biên Hòa nơi bắt nguồn cho câu chuyện này mà ngay tại San Jose nhờ sự giúp đỡ của một máy điện toán. Thêm vào đó là tấm lòng sốt sắng của một khách đến làm móng tay tại DJ’s Hair Design ở Menlo Park, nơi Lệ Hằng làm việc.

Mối Tình Việt-Mỹ

Nguyễn Lệ Hằng ra đời ngày 29 tháng Ba 1972 tại Củ Chi, cha cô là một binh sĩ Mỹ đóng quân tại Phú Lợi nơi mẹ cô là một người giúp việc văn phòng. Hai người làm đám cưới với sự bằng lòng của cha mẹ bà Mia. Mãn hạn công tác tại Việt Nam người lính Mỹ đó lên đường về nước tháng Tám năm 1971 và vì thủ tục khó khăn đã không mang theo được người vợ đang mang bầu.
Vài tháng sau đó Lệ Hằng ra đời với khai sanh mang họ mẹ và cha vô danh.

Được tin mình có một người con, người lính Mỹ lúc đó đã ra khỏi quân đội, cố tìm cách trở lại Việt Nam nhưng không được trong lúc chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt.
Ông làm giấy tờ bão lãnh cho hai mẹ con đi Mỹ nhưng vì hoàn cảnh gia đình bà Mia không đành dứt bỏ những người thân để đi tìm “hạnh phúc và an lành nơi xứ lạ quê người.”
Rồi để chấm dứt tình trạng thư từ qua lại vương vấn mà không đi tới đâu, bà Mia quyết định ngưng liên lạc để “đường ai nấy đi.”
Cuối năm 1973 bà Mia lập gia đình lần thứ hai với một người đàn ông cùng quê và sẵn sàng dùm bọc cho hai mẹ con bà.
Lệ Hằng lấy chồng năm 19 tuổi và sanh được đứa con trai đầu lòng. Cuộc sống của gia đình bà Mia, của Lệ Hằng tưởng sẽ trôi qua bình thản với ruộng vườn tại Lái Thiêu, Bình Dương. Không ai nghĩ rằng định mệnh rồi ra sẽ đưa đẩy họ đến định cư tại Mỹ – quê nội của Lệ Hằng.

Từ Lái Thiêu Đến San José

Năm 1992 toàn bộ hai gia đình từ giã Lái Thiêu để đến lập nghiệp tại San Jose theo diện con lai.
“Khi sang đến Mỹ thì tôi nghĩ ngay đến việc phải tìm cho ra người cha ruột để được có cha như bao người khác,” Lệ Hằng kể lại.
Lệ Hằng đã hỏi han nhiều người, nhiều cơ quan kể cả viết thư cho bộ chỉ huy quân đội Mỹ để nhờ tìm kiếm nhưng vì không đủ chi tiết nên không ai giúp được gì.
“Tên thì chỉ nhớ cách đọc, không biết cách viết. Địa chỉ thì hồi xưa khi còn liên lạc thư từ lại nhờ người khác viết giùm chứ chưa bao giờ tự tay viết được, thành ra đi tới đâu hỏi thăm cũng bị từ khước, nhưng Hằng nó không bao giờ thất vọng,” bà Mia nói về sự kiên nhẫn của người con gái.
Thời gian trôi qua, thấm thoát đã gần 10 năm định cư tại Mỹ.

Lệ Hằng làm về móng tay và người chồng Nguyễn Văn Bình làm cho một công ty cơ khí tại San Jose. Cả hai cũng có thêm một người con gái. Tất cả sống trong một ngôi nhà nhỏ gần khu Tully, nhưng Lệ Hằng vẫn trăn trở về người cha vô danh.
Chuyện tình cờ xảy ra vào năm ngoái khi một phụ nữ đến làm móng tay nơi tiệm và lần đầu tiên Lệ Hằng đã thổ lộ tâm sự về người cha chưa bao giờ gặp.
Đó là bà Yvette Barroso, nhân viên cảnh sát tại thành phố South San Francisco. Bà Barroso nói:
“Tôi là khách lâu năm của Helen (tức Hằng) nhưng không bao giờ Helen nói chuyện riêng tư nhưng bữa đó thấy mặt cô ta buồn nên tôi hỏi thăm.”
Sau khi nghe xong, bà Barroso nói ngay là bà có thể giúp được bằng cách truy cập trên mạng Internet.
May mắn hơn nữa là bà Barroso lại được một đồng nghiệp, ông Leo E. Tealdi, cũng từng bị động viên sang Việt Nam cùng giúp đỡ việc tìm kiếm.

Đoàn Tụ

Ngày 29 tháng Tám, 2000 bà Mia và Lệ Hằng đến văn phòng ông Tealdi để bắt đầu việc dò tìm qua một máy điện toán.
Điều lạ lùng lúc đó bà Mia bỗng cảm thấy rất sáng suốt. Bà nhớ tất cả những chi tiết tưởng đâu đã trôi hết với thời gian.
“Tôi rất hồi hộp nhưng không hy vọng nhiều; tôi cũng ngại người ta chê cười vì lấy chồng mà không biết gì hết, cái tên cũng không nhớ; Hằng thì nó hăng hái hơn tôi, nó cảm thấy như sắp gặp được cha nó vậy,” bà Mia nói.
Ước mơ từng ấp ủ của Lệ Hằng đã thành sự thật khi không đầy 20 phút truy tìm trên Internet ông Tealdi nói lớn: “It’s him!” (Ổng đây rồi!)

Bằng những chi tiết rất nhỏ như thời gian người lính Mỹ có mặt tại Việt Nam, phù hiệu trên vai áo, ngày mãn nhiệm kỳ về nước, chiều cao … ông Tealdi đã lựa lọc, phân tích và tổng hợp để sau cùng tìm ra nơi ở kể cả số điện thoại của ông Leonard M. Barnhill, cha ruột của Nguyễn Lệ Hằng.
Không lâu sau đó hai cha con đã đoàn tụ với nhau tại San Jose. Điều không thể ngờ với bà Mia là ông Barnhill, người chồng trước của bà vẫn còn giữ đầy đủ tất cả hình ảnh, thư từ, kỷ vật từ sợi giây chuyền đến đôi bông tai… ông mang từ Việt Nam về cách nay 30 năm.

Còn ông Barnhill 53 tuổi làm nghề mua bán chứng khoán tại Missouri, không ngờ vợ và con ông vẫn còn sống sót sau chiến tranh và lại lưu lạc sang tới Hoa Kỳ. Ông không hề biết gì về chương trình con lai được định cư tại Mỹ. Tuy nhiên ông vẫn ôm mãi kỷ niệm mối tình đầu với một thiếu nữ Việt Nam. Ông cũng không lập gia đình thêm nữa.
Bà Mia thú nhận rằng tình thương xưa như bùng cháy trở lại nhưng “bây giờ không thể đi ngược lại quá khứ.”
Còn Lệ Hằng đã trở thành người hạnh phúc nhứt trên đời vì được gặp người cha cô hằng mong mỏi và biết rằng người đó dù ở tận Missouri, vẫn thương yêu cô ngay từ lúc chỉ được nhìn thấy hình cô lúc mới sanh.
“Hằng giống bà nội y đúc,” cô nói.
Giờ đây, California và Missouri tuy xa nhưng đối với cha con ông Barnhill trở thành quá gần.

Tiếp xúc với bà Barroso, hồi cuối tuần qua và tuy đã một năm hơn khi câu chuyện đoàn tụ này xảy ra, bà vẫn còn sụt sùi rơi lệ khi nói rằng: “Bây giờ thì tất cả mọi người đều hạnh phúc.”

                                                   Bài  được đăng trên Viet Mercury số 144 10/26/2001