Sunday, August 29, 2010

Về Lại Bển



Đức Hà

NỘI BÀI, Hà Nội - Không hiểu vì lý do gì, mỗi lần gặp một bạn cũ tại Sài Gòn thì trăm lần như một, chỉ nghe hai câu hỏi: “Yìa hồi nào? Chừng nào yìa bển?” Chớ có ai hỏi về làm gì, ở bao lâu, hay rủ rê vui chơi ăn nhậu. Trong khi tôi chỉ muốn người ta hỏi thời tiết có nóng quá không, ngủ được không … đại loại như vậy để tôi thở than cho bõ. Nóng thấy ông bà tổ, nóng gì mà nóng khủng, nóng điên cuồng, nóng vượt chỉ tiêu. Không tin hãy cứ thử ngồi xe ôm kẹp giữa rừng rừng xe gắn máy – từ xe có số đến xe tay ga từ 110 đến 150 cc, phun hơi nóng như thiêu như đốt thì nhiệt độ 32 độ C ngoài trời của Sài Gòn đã trở thành phòng xông hơi … không có mùi lá bạc hà. Thế là chỉ ba ngày sau khi xông đất Sài thành, cổ bắt đầu đau rát, người lừ đừ muốn sốt, đầu nhức như búa bổ, nước mủi chảy không ngớt. Cảm nắng. Thế là bèn đi giác hơi.

Ở đâu, cái gì không biết thì hỏi Gu-Gồ, ở Sài Gòn cái gì không biết cứ hỏi … xe ôm. Tôi được đưa đến một căn nhà nhỏ, thật nhỏ, chật thật chật bên trong con hẻm cạnh một ngôi chùa. Trên cái diện tích sàn nhà bé tí ti có bà cụ đang ngủ vùi, cạnh đó cậu con trai xem phim Tam Quốc Chí tập III, chỉ còn đúng mấy viên gạch vừa đủ chỗ cho tấm nệm mỏng. Tôi cởi áo nằm úp mặt xuống nệm (thấm đậm mồ hôi của nhiều bệnh nhân) để chuyên viên giác hơi vặm vỡ, lưng trần, người đầy những vết thâm do ống giác, bắt đầu quần quật trên lưng. Anh ta dùng cọng thép cột bông gòn thấm cồn và cứ thế châm lửa cho vào ống đốt dưỡng khí (và sát trùng?) rồi chụp nhanh trên lưng. Chỉ một lát sau, lưng tôi đeo một loạt ống giác thủy tinh hút phồng những mảng da và chuyển từ màu hồng, sang đỏ và bầm tím. Tôi hỏi “Có gió không anh,” và được chuyên viên (chắc chắn là không có bằng hành nghề) giải đáp như một bác sĩ y khoa 25 năm kinh nghiệm: “Anh mà để tới ngày mai là tiêu.” Tôi không hỏi tiếp “tiêu” là như thế nào có phải là “tiêu tùng hay tiêu diêu.” Nhưng sau chừng 20 – 30 phút tẩm quất, giác hơi và xoa bóp thì rõ ràng tôi cảm thấy thơ thới, mũi thông thoáng, nhẹ người hơn. Về nhà không quên bồi thêm Tylenol và Vitamin C chuẩn bị từ bên bển và đến sáng hôm sau lại cỡi xe ôm đi vùng xa, vùng trong cho công việc. Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là cái nón (mũ) bảo hộ khi sử dụng xe ôm. Lái xe luôn luôn có sẵn nón phụ để cho khách mượn và cái nón đó có thể đến … 86 triệu người đã xài qua rồi. Đội hay không tùy bạn, nhưng không đội thì xe không chạy.

Tôi đến Hà Nội vào lúc thủ đô chuẩn bị kỷ niệm 1,000 năm. Thật tình không biết nghìn năm trước Thăng Long như thế nào – cụ rùa Hồ Gươm may ra có thể biết, nhưng Hà Nội hôm nay cũng như Sài Gòn đang tiếp tục vươn cao hơn và mở rộng hơn bằng cách đập sạch, phá sạch để xây mới. Đường phố lúc nào cũng nghẹt xe, kẹt xe, không ngớt tiếng còi xe: dường như người ta không thể không bóp còi để rồi chẳng ai chịu nhường ai. Người dân địa phương quá quen với tiếng ồn xe lại nhìn Thăng Long đổi mới ở góc độ bức xúc khác, nhưng rất Hà Nội: “Sau khi đập tan được chế độ phong kiến, ta lại thay bằng chế độ phong … bì – vui vẻ cả làng và đôi bên cùng có lợi.” Tuy vậy không phải tất cả đều lấp ruộng xây nhà, đập cũ xây mới, thế nên tại một công viên trên đường Điện Biên Phủ, lãnh tụ V.I Lê Nin vẫn còn đó. Ông đứng hùng dũng tay phải vạch áo từ 2003 đến giờ. Trong di sản của ông có thư viết ngày 19 tháng Ba, 1922 gởi ông Molotov và thành viên Bộ Chính Trị, trong đó ông vạch ra một kế hoạch hành động đầy bạo lực chống lại giới tăng lữ cùng các môn đệ có ý thách thức quyền lực của nhà nước Sô-Viết. Thư có đoạn: “Chúng ta phải … cương quyết và tàn nhẫn dẹp tan mọi chống đối một cách hung bạo để họ không thể nào quên trong hàng chục năm tới. Chúng ta càng triệt hạ được bao nhiêu đại diện giới tăng lữ và giai cấp tư sản phản động thì càng tốt bấy nhiêu …” Sao lại có người ác thế hả giời!

Trong thời gian làm việc tại Việt Nam các nhà báo, các giới chức ở đây mà tôi có dịp tiếp xúc đều mong tôi có nhiều bài viết để người Mỹ (và Mỹ gốc Việt) hiểu hơn về hậu quả độc hại kéo dài của Chất Da Cam. Và có lẽ sợ người Mỹ không hiểu nên phía Việt Nam dự kiến sang năm đâm đơn kiện nữa và hiện đang chuẩn bị chứng cứ thủ tục. Cả ba lần trước kiện tại tòa New York để đòi bồi thường đều bị bác đơn, lần này Việt Nam sẽ kiện tại một bang khác. Việc ai làm thì cứ làm, nhưng phải thú thật rằng nhìn thấy hàng trăm trẻ mang đủ thứ hình thù quái dị: không mắt, không hậu môn, không chân, thiếu tay, đầu to … được cho là do tác hại của Da Cam/dioxin, người ta khó có thể không bị xúc động xót xa cho hoàn cảnh đáng thương của những con người vô tội.

Sau cùng trước khi về lại bên kia, tôi muốn nhắn lời cám ơn sâu xa đến các gia đình nghèo và quá nghèo lại phải nuôi con dị dạng, đã không ngại mời tôi về nhà, trả lời những câu hỏi nhạy cảm, rất riêng tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi để tôi có thể hoàn tất công tác tốt đẹp và thành công. Đa tạ.

Saturday, August 28, 2010

Cái Loa

Trịnh Hội

Sau khi bài viết “Khẩu Hiệu” được đăng, một số bạn đọc có nhắc đến những cái loa phường ở Việt Nam sáng nào cũng được cho ra rả từ Bắc đến Nam để dạy dỗ dân chúng sống sao cho xứng đáng là con dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đúng nghĩa.
Nó làm cho tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi về lại Việt Nam để sống và làm việc ở Hà Nội vào giữa thập niên 90. Lúc ấy Hà Nội không giàu có và đường không chật đầy xe hơi như bây giờ. Bước xuống máy bay tại sân bay Nội Bài tôi vẫn còn nhớ là mọi hành khách đều được cho vào một chiếc xe bus cũ như không thể nào cũ hơn được nữa để đến nơi làm thủ tục hải quan. Không những ghế cái thì thủng đáy, cái lại chỉ còn sườn không mà ngay cả tấm sắt to nằm ở phía sau xe để che khuất máy và quạt cũng đã biến mất tự bao giờ. Báo hại mới nhìn vào ai cũng trố mắt ngạc nhiên chẳng biết xe có còn chạy được nữa không!
Và đấy cũng là những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người ngoại quốc vừa đến Việt Nam lúc đó.
Nhưng đối với tôi, điều làm cho tôi nhớ nhất trong khoảng thời gian ấy không phải là một sân bay quốc gia Nội Bài quá cũ kỹ. Hay một thành phố vẫn còn nhiều người dắt con đến từng nhà để xin ăn. Mà là những cái loa sáng nào cũng được cho oang oang từ đầu làng đến cuối xóm bất kể người dân có thích hay không. Hay có hiệu nghiệm gì không trong công việc dạy dỗ con dân theo cách nhồi sọ của Xã Hội Chủ Nghĩa.

Ðặc biệt là cái loa được treo sát cạnh nhà tôi nằm gần góc đường Bà Triệu và Ðại Cồ Việt trong quận Hai Bà Trưng không xa trung tâm quá là bao. Hôm thì loa thông báo về lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân ta. Sang sáng hôm sau thì loa lại nhắc nhở mọi người dân cần phải đi... hốt rác.
Nhưng đáng nhớ nhất là lời thông báo dưới đây mà mãi cho đến bây giờ gần 15 năm sau tôi vẫn còn nhớ như in, từng lời, từng chữ và đặc biệt là giọng đọc đặc sệt của người miền Bắc sau này làm cho tôi không thể nào quên được. Vì nó đã được đọc đi, đọc lại ra rả mỗi sáng trong mấy tháng liền làm cho tôi và chắc chắn là rất nhiều người dân trong quận không thể nào ngủ được. Mặc dù lúc ấy trời chỉ vừa tờ mờ sáng.
Thông cáo được đọc như sau (và xin nhớ là phải đọc với giọng nữ miền Bắc chuẩn sau 1975 nhé):

“Thông cáo, thông cáo, xin thông cáo
Hôm nay ngày mồng chín tháng Ba
Nhân dân quận Hai Bà Trưng chúng ta
Quyết tâm không đẻ sớm
Nam hai mươi nhăm, nữ hai mươi tư
Xin quyết tâm như thế
Thông cáo, thông cáo, xin thông cáo
...”

Thật đấy bạn ạ. Tôi xin thề tôi đã không thêm bớt một chữ nào vào bản thông cáo ấy. Và ‘quyết tâm’ hay ‘không đẻ’ đều là những từ nguyên thủy được dùng để thông báo cho mọi người cùng rõ. Sang hôm sau chỉ có số ngày là được đổi. Còn nội dung thì vẫn được giữ y như thế. Không những vậy vài tháng sau có lẽ vì sợ người dân chưa hiểu thấu, các đồng chí lại cho dựng ngay một khẩu hiệu to đùng nằm ngay giữa đường Ðại Cồ Việt cũng với nội dung tương tự:

“Nhân dân quận Hai Bà Trưng
Quyết tâm không đẻ sớm
Nam hai mươi nhăm, nữ hai mươi tư”

May là lúc ấy tôi cũng vừa ở độ tuổi hai mươi lăm, lại chưa vợ nên đã chăm chỉ nghe lời chỉ dạy quyết tâm không đẻ! Chứ nếu không (nhất là đối với những ai có vợ đang nằm phơi phới bên cạnh) sáng sớm tinh sương đang ngủ say lại bị loa phóng thanh dựng dậy để nhắn nhủ đôi lời, không chừng bực bội lại không có chuyện gì làm khi trời hãy còn quá sớm thôi thì đành quay qua ... làm một cái cho bõ ghét!
Ý tôi nói phản tác dụng là vì thế.
Cho đến bây giờ đôi khi tôi vẫn thắc mắc không biết hàng xóm tôi ở quận Hai Bà Trưng lúc ấy có ai đã từng quyết tâm ... làm một cái cho bõ ghét cái loa không đẻ sớm hay không?

Tuesday, August 24, 2010

Căn Nhà Tôn, Bốn Trái Tim Vàng



Đức Hà

PHƯỚC HIỆP, Củ Chi – Tại ấp Mũi Côn Đại, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi cách Sài Gòn khoảng hơn một giờ xe có một căn nhà nhỏ. Mái và một bên vách lợp tôn, vách kia che bằng lá dừa, phía trước, sau đều chắn bằng lá dừa khô nẹp tre. Khi mưa cả nhà là vũng lầy, mưa tạt từ trước ra sau, từ phải qua trái và phía sau tạt lên. Ấy vậy mà người ta vẫn sống, vẫn phấn đấu, ngày qua ngày bằng một niềm tin. Tôi đến thăm hộ này vào một ngày khô ráo, không mưa nhưng tin chắc nếu mưa thì cả nhà ướt đẫm nước trời. Đó là tổ ấm của Tống Văn Hiếu, 33 tuổi thợ hồ, vợ Đặng Hoàng Oanh, 26, may gia công tại nhà, con trai Tống Quốc Thịnh, 6 tuổi và con gái Tống Diệu Thảo, 3 tuổi.
Anh Hiếu quê Đồng Tháp, chị Oanh sinh trưởng và lớn lên tại Củ Chi, và cả hai đều sinh sau 1975, ấy vậy mà người con trai trưởng – không biết vì lý do gì, có thể bé bị ảnh hưởng do tác nhân Da Cam. Từ sáu năm nay bé Thịnh chỉ nằm ngửa, đầu của bé to như trái dưa hấu, trán rất rộng và nhô ra phía trước, tóc thưa thớt, cặp mắt với hai hàng lông mi cong khiến ai nhìn vào không khỏi giật mình khiếp đảm cho hình thù quái dị của bé.
“Trước khi sanh tui có đi khám thai làm siêu âm, bác sĩ nói thai tốt bình thường, không có gì đáng lo,” chị Oanh kể lại.
Nhưng rồi khoảng một tháng sau khi chào đời, đầu bé bắt đầu phồng to. Ngày càng to và mềm như miếng tàu hũ. Vợ chồng anh Hiếu hy vọng - theo lời chẩn đoán của bác sĩ, là sọ não sẽ cứng lại và thu nhỏ trở lại bình thường.
Sự thật không phải như vậy. Đầu bé không nhỏ lại mà chỉ phồng lên, rồi xẹp xuống tùy theo sức khỏe của bé.
“Khi nào bệnh bỏ ăn thì cái đầu cháu xẹp xuống như bong bóng xì, rồi uống thuốc ăn trở lại thì đầu phồng to lên,” chị mô tả đứa con trai đầu lòng mà hai vợ chồng chị hết sức vui mừng khi chị mang thai, và biết là con trai.

Hàng ngày anh Hiếu đi làm thợ hồ, bạn bè thương tình, nay cho miếng tôn lợp nhà, mai cho mấy viên gạch lót sàn. Và có người cho cả cánh cửa sắt kiên cố, thế nên tại ngôi nhà mái tôn vách lá này lại có cửa ra vào bằng sắt chắc chắn. Trong nhà ngoài chiếc máy may chạy điện, tôi còn thấy cái tivi nhỏ, nồi cơm điện cũ kỹ, dưới bếp có lò ga và vài cây đèn dầu. Ngay cửa vào là trang thờ ông Địa đóng bụi, chẳng khói nhang. Anh Hiếu đi giúp người ta xây nhà gặp đồ phế thải thì lượm về tân trang căn nhà nhỏ, và từ trước ra sau nền nhà đủ loại gạch, trong khi đó chị Oanh ở nhà may gia công làm hàng chợ cạnh chiếc võng có bé Thịnh ngủ vùi. Nếu không bận bịu con, chị Oanh có thể may liên tục và kiếm được khoảng 30 ngàn, anh Hiếu kiếm chừng 130 ngàn, tổng cộng thu nhập hàng ngày của hai vợ chồng là 160 ngàn (tương đương tám đô-la Mỹ/ngày).
“Nếu con không bịnh thì cũng tàm tạm, làm nhiêu ăn hết nhiêu,” chị Oanh nói, không có vẻ gì lo lắng cho lắm vì đồng lương ít ỏi. Dường như đã quá quen với cảnh sống đơn giản và thanh bạch, không thể nào hơn được nữa.
Cũng may còn có miếng đất do bên ngoại cho, nên cũng không phải trả tiền thuê nhà.

Dioxin Từ Đâu

Có điều lạ lùng là cả hai phía, bên nhà chồng lẫn bên vợ, không một người nào sinh con dị tật dị dạng như chị Oanh. Ngay cả người con gái thứ hai Tống Diệu Thảo cũng bình thường. Vậy thì tại sao bé Tống Quốc Thịnh lại có cái đầu to như vậy. Người mẹ không hề biết gì về hóa chất diệt cỏ có tên Da Cam, nhưng cả ba nơi tôi ghé thăm là Làng Hòa Bình trong Bệnh Viện Từ Dũ, hai cơ sở thiện nguyện tư nhân của linh mục Phan Khắc Từ đều có những em có đầu to hệt như vậy. Danh từ y khoa gọi là não úng thủy.
Chị Oanh cho biết là hồi xưa – nghe mẹ kể, Củ Chi là vùng rừng rặm không như bây giờ và là nơi có hầm địa đạo, nay trở thành khu di tích lịch sử. Có thể nói không sợ lầm là vùng này chắc chắn đã bị rải thuốc khai quang làm rụng lá phá rừng. Nhưng ai là người trong gia đình chị Oanh thật sự bị nhiễm chất độc? Người mẹ bị nhiễm rồi sinh ra chị, rồi chị lấy chồng sinh con - con bị. Hay cũng có thể là chính chị ăn nhằm cá, uống nước nhiễm hóa chất dioxin nên truyền cho con. Và dioxin từ đâu ra, từ bột khai quang nay ngấm vào đất hay từ nguồn ô nhiễm nào khác từ các nhà máy thải ra, chẳng ai rõ. Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam ước tính có ba triệu người bị ảnh hưởng bởi Chất Da Cam trong đó có 150,000 trẻ em.
“Ngó vậy chớ nó khôn lắm. Ở nhà tui bực tức nói nặng nhẹ là nó về nó méc ba nó,” người mẹ trẻ nói về con trai đầu lòng lúc nào cũng bám chặt mẹ. Khi nào mắc công chuyện đem sang gởi bên ngoại nó cũng không chịu nên chị Oanh không đi đâu xa được. Chị nói rằng hễ ra khỏi nhà thì nhớ con muốn khóc.
Hỏi chị sao không đem gởi con ở mấy trung tâm nuôi trẻ khuyết tật. Chị trả lời:
“Thương lắm, đem gởi sao được. Mà thấy tội nó quá, sợ người ta bỏ bê không ai chăm sóc.”
Vì vậy bé Thịnh được ở nhà tôn vách lá hít khí trời với mẹ cha. Đôi khi mẹ bận cho gà ăn, hay giặt giũ sau nhà thế là bé lật úp té nhào từ võng xuống nền gạch khóc òa. Mỗi lần như vậy chị lại sức dầu, xin lỗi và nựng con. Trời nóng như thiêu đốt thế mà bé ngủ gần như phủ kín mền chỉ chừa cái đầu. Ở tuổi thứ sáu bé cũng có răng, nhưng răng mọc khác người, quặp hẳn vô trong, chân tay hoàn toàn không phát triển. Bé thường xuyên bị nóng sốt và tiêu chảy. Bác sĩ cho thuốc uống, bé lại không chịu và bỏ ăn. Bây giờ thì mẹ hốt thuốc Bắc cho con. Ông thầy thuốc chưa hề nhìn thấy mặt, chưa hề bắt mạch bệnh nhân, chỉ bốc thuốc theo lời kể của mẹ mà thuốc lại có vẻ hạp. Chị nói là ông thầy tốt bụng cũng thấy tội nghiệp nên lần nào cũng bớt tiền thuốc, tiền xe.

Tuần rồi chị được trên xã mời lên nhận quà. Chị cho biết rất ngại khi phải bồng con ra ngoài vì “ai cũng nhìn, ai cũng lắc đầu rồi chăm chú như thấy quái vật” điều làm chị hết sức tủi thân. Nhưng hôm đó chị được tặng một thùng bánh và phong bì hai triệu đồng (# US $100) đủ để mua tã lót và sữa cho con trong một tháng. Chị nói:
“Ban ngày cho nó nằm võng, có ỉa đái gì thì rớt xuống sàn nhà rồi lau, ban đêm mặc tã cho nó. Một đêm cũng phải thay hai miếng tã Pampers.”
Thật là oái ăm cho một kiếp người. Một em bé (có thể) bị nhiễm dioxin Made in USA bây giờ lại dùng tã của công ty Mỹ Procter & Gamble Co. đang đầu tư làm ăn ở Việt Nam.
Có lần chị đem con lên bệnh viện lớn để giải phẫu. Sau khi chụp hình làm xét nghiệm y khoa, chị được biết não chỉ có 20 – 30%, phần còn lại là nước, cho nên không thể mổ được.
“Số mạng nó như vậy, đành chịu thôi,” chị than trách. Tôi không rõ chị trách phận làm mẹ đẻ ra con bị dị tật phải sống với đầu to suốt đời hay tự trách mình không cho chồng được đứa con trai lành mạnh. Vì chỉ có đứa con gái chơi thơ thẩn một mình, nên cả hai vợ chồng đều muốn sanh thêm đứa nữa cho Diệu Thảo có bạn. Chị đang mang bầu năm tháng. Tôi ra về không dám chúc chị được nhiều may mắn hơn trong lần sinh nở tới.

Tuesday, August 10, 2010

Hồ Thị Út: Thân Phận hay Nghiệp Chướng


PHÚ MỸ HƯNG, Củ Chi – Hồ Thị Út sinh năm 1989, năm nay vừa tròn 21 tuổi. Với mái tóc đen nhánh, nước da trắng mịn hệt như của mẹ, Út có thể là một sinh viên đại học, một hoa khôi của huyện hay ít ra cũng là một cô gái duyên dáng với mối tình đầu lãng mạn và rất nhiều tương lai. Tên của cô cũng phản ánh thứ bậc của cô trong gia đình mười anh chị em. Là gái út nên được cha cưng mẹ chiều – chiều nhiều hơn tất cả các anh chị lớn. Mức chiều của người mẹ, bà Trần Thị Ba xem ra thì quá đáng đến độ không thể tưởng tượng nổi, nhưng khi nắm hết câu chuyện về cuộc đời của Út, thì chắc mọi người đều phải thông cảm nếu không thì cũng rưng nước mắt thương đau cho số phận của một cô gái tuổi thanh xuân. Và vào một buổi trưa nóng gay gắt như đổ lửa, tôi gặp Út trong vòng tay bồng bế của mẹ tại một xã của Huyện Củ Chi – sát cạnh với khu địa đạo nổi tiếng, trong chuyến đi chung với nhóm phụ nữ thiện nguyện và một hội đoàn của thành phố.
“Tui phải bồng nó suốt ngày, chẳng làm gì được. Ba nó lớn tuổi cũng giúp chút đỉnh, đa phần là tui lo,” chị Trần Thị Ba tâm sự, đôi mắt to đen lúc nào cũng chực khóc. Răng chị đen vì nhai trầu nhưng lại nổi bật trên làn da trắng – điều ít thấy ở một người dân quê lao động. Nếu kể thêm thành tích hoạt động của chị trước đây – khi chưa phải tay bồng tay bế, thì phải nói là rất đáng sợ, rõ ràng không phải là người để tôi gặp và trò chuyện thân mật như bây giờ: chị là một cán bộ giao liên nội thành thời chiến tranh “Chống Mỹ.”
Chị kể lại, nhẹ nhàng, y như kể chuyện cổ tích:
“Tui hoạt động cả chục năm trong vùng Ba Thu Kinh Tốc, sát biên giới với Kampuchia trong tỉnh Long An. Vì là y tá biết đôi chút về thuốc Tây nên tổ chức giao cho tôi nhiệm  vụ đi thu mua thuốc và chuyển vào vùng giải phóng cho du kích.”
Chị cho biết từng bó thuốc Tây suốt từ ống chân lên đến vùng bụng hay nhồi thuốc đầy vào bên trong gối khi chuyển hàng vào bưng trot lọt. Hai lần chị bị bắt tại trạm kiểm soát ở Trảng Bàng nhưng may mắn chị không bị đánh đập và nhờ chạy chọt cũng được trả tự do. Tuy nhiên chị không một chút lo sợ và tiếp tục công tác mà chị cho là phải đóng góp hết công sức.

Khi hỏi rằng bị bắt như vậy không sợ sao.
Cựu giao liên Trần Thị Ba nở nụ cười rạng rỡ: “Sợ chớ sao không sợ, nhưng xong rồi là lại muốn xung phong làm nữa.”
Chồng chị là cán bộ nằm vùng hoạt động trong vùng “tạm chiếm” thế nên khi bị lộ thì ông phải rút vào khu. Không biết có phải vì vậy mà người vợ ở thành cũng xả thân vào bưng để có cơ hội gặp chồng. Việc gặp nhau trong những giây phút ngắn ngủi của thời chiến tranh loạn ly với bom đạn hỏa châu nổ rền ngay trên đầu chắc hẳn cũng làm cho đôi trai gái thương nhớ mặn nồng nhau nhiều hơn. Kết quả là cứ hai năm một lần, Trần Thị Ba lại sanh một con. Từ đứa đầu đến đứa thứ chín, tất cả đều mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông … cho đến khi chị sanh người con thứ mười thì tai họa mới giáng xuống hộ gia đình này.
“Tui nghĩ là nó phải lãnh hết tai nạn cho chín anh chị nó,” chị Ba sót sa, đôi mắt đỏ hoe.
Nó đây là Hồ Thị Út, người con chị phải bồng ẵm suốt ngày, tháng và năm.

Chân Dung Út

Út có khuôn mặt dài bất thường, miệng méo xệch sang một bên, răng lởm chởm, cái còn cái mất. Thân hình của Út vẹo sang bên trái, lồng ngực nhô ra trước, hai cánh tay không khép được trong khi hai bàn tay cong queo với muời ngón co cụm lại, cặp chân như hai ống tre vẹo hẳn sang bên phải, hai bàn chân co rút làm lồi lên những đốt xương. Lúc khóc, lúc cười, lúc vặn người, lúc co cụm, không ai biết Út muốn gì ngoài bà mẹ hiểu ý con.
“Khi nào mắc tiêu mắc tiểu thì nó nói ‘Ba, đái’ và chỉ nói có vậy. Má nó cũng không nói được. Tui nghĩ là nó biết hết nhưng chỉ không nói được mà thôi,” chị Ba thổ lộ từ chiếc ghế đá bên ngoài trụ sở xã, hai tay ôm chặt người con có số phận hẩm hiu. Từ nhà ra ủy ban khoảng hai cây số, và người anh kế có nhiệm vụ chở Honda mẹ và em gái đi nhận quà ủy lạo.
“Tui leo lên Honda ngồi trước rồi ba nó bồng nó đưa cho tui, thằng Bình chở tới đây,” chị cho biết như vậy. Bình 23 tuổi là anh kế của Út, đang sống trong nội thành.
Thật ra không phải chị muốn sanh nhiều như vậy. Khi hạ sanh người con thứ chín, chị được khuyến cáo đặt vòng tránh thai. Nhưng vì sanh nở nhiều lần nên phòng y tế địa phương không có loại vòng với kích thước lớn nên chị lại mang thai lần thứ mười. Và Út đành phải ra đời với một thân hình dị dạng đáng thương. Theo lời chị, chín người con sanh trước đều bình thường, đều có nghề nghiệp làm ăn tương đối đủ sống. Chín người này xúm nhau, nguời một chút phụ giúp mẹ chăm sóc em út. Có người đã lập gia đình có con lớn khôn - tức cháu nội ngoại chị Ba và may mắn cho gia đình họ Hồ, tất cả đều bình thường – cho đến ngày Út chào đời. Chị cho hay chị rất bất ngờ và chỉ “muốn chết cho rồi.”

Tôi hỏi một câu rất vớ vẩn đối với một người dân ở rất xa với các phương tiện y khoa hiện đại: “Sao chị không đi khám thai khi mang bầu?”
“Hồi đó chẳng mấy ai biết chuyện khám thai hay kế hoạch, nếu biết còn nói chi,” chị trả lời.
Chỉ mãi sau này chị mới có chút hiểu biết về tác hại của Chất Da Cam và theo chị có thể là chị bị nhiễm hóa chất đó khi hoạt động giao liên trong bưng biền. “Chắc tại tui uống nước hố bom,” chị nói và xác nhận đã nhiều lần uống nước rất trong lấy từ hố bom vì ở trong vùng tự do oanh ích đến cả chục năm hơn. Ấy vậy mà không một lần tôi nghe chị kể tội hay trách cứ người gây ra nguyên nhân để chị nhận lãnh hậu quả đau xót. Ngược lại chị có vẻ như than phiền về những người từng trong cùng tổ chức với chị.
“Họ kêu gọi tui kết nạp Đảng, tui nói thôi; họ nói tui làm giấy có công với cách mạng để được hưởng chế độ, tui cũng cám ơn không làm.”
Chị không giải thích tại sao, nhưng trong lúc trò chuyện chị cho biết có một lần cháu Út đau nặng, chị bồng cháu đến nhà thương và ngồi chờ hoài, chờ miết cũng chẳng ai thèm quan tâm đến chị. Chị bèn bồng con về và từ đó tự chăm sóc và bỏ tiền đi bác sĩ tư mỗi khi Út bệnh và bệnh rất thường xuyên.

“Nó không bao giờ đái dầm, chẳng bao giờ ỉa bậy. Khi nào mót là nó kêu. Khi nào đói thì nó hả miệng. Còn hiện nay đến tuổi kinh nguyệt, nên hàng tháng cứ đều đặn đúng 30 ngày Út lại có kinh,” chị Ba mô tả cuộc sống hàng ngày của Út từ 21 năm nay.
Một con người không ra người, một cơ thể không ra cơ thể mà vẫn ăn, uống, thở, tiêu hóa, bài tiết, khóc, cười ... nhưng lại không nói, có thể biết nghe, thì liệu có thể gọi đó là một con người?
Nhưng có điều chắc chị Ba không thể hiểu nổi là mới ngày nào chị phải chống người Mỹ đã rải hóa chất Da Cam độc hại xuống quê hương “Đất Thép Thành Đồng” thì ngày hôm nay - lúc cả nước đánh dấu Ngày Da Cam Việt Nam, thì cũng người Mỹ lại đưa một hàng không mẫu hạm nguyên tử đến thăm Đà Nẵng để đánh dấu 15 năm quan hệ bình thường giữa hai nước.

Sunday, August 8, 2010

“Da Cam – Thông Điệp Trái Tim”

SÀI GÒN, Vietnam – Thiên đường có khi nào phải đối diện với địa ngục?
Câu trả lời là có ít ra ngay tại ngay downton Sài Gòn. Thật vậy nếu bên này đường Đồng Khởi, khối bê tông khổng lồ bọc kiếng xanh biếc chiếm gần hết công viên Chi Lăng của tòa nhà Vincom Center lừng lững như thách thức không gian và thời gian – được giới thiệu như “Thiên Đàng Của Mua Sắm” thì bên đối diện một loạt 30 ảnh khổ lớn lại mô tả một sự kiện có tầm mức quy mô và dữ dội về bóng ma kinh hoàng còn sót lại của chiến tranh. Trong năm ngày tới kể từ nay đến hết ngày 10 tháng Tám, tương lai và quá khứ, thiên đàng và địa ngục sẽ cùng hiện diện khi Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam tổ chức chuỗi hoạt động nhân Ngày Da Cam Việt Nam bao gồm triển lãm ảnh, tạo đàm, văn nghệ cùng lễ ra mắt Qũy Chất Độc Da Cam/dioxin tại TP/HCM.

Phát biểu tại buổi khai mạc Chủ Tịch Hội, Thiếu Tướng Trần Ngọc Thổ lên án gay gắt các nhà chiến lược quân sự Mỹ. Ông nói:
“Cuộc triển lãm hôm nay mục đích nêu lên một thảm kịch mà tội ác không thể tha thứ được. Tội ác này thuộc về các nhà chiến lược quân sự Mỹ phạm phải. Hôm nay không phải dựng lên một bản án để kết tội một quốc gia (cụ thể là Mỹ) mà để nhắc đến các nạn nhân, những người đang cần sự trợ giúp và đến bù.”
Quân đội Mỹ rải chất Da Cam lần đầu tiên ngày 10 tháng Tám, 1961 tại Ngọc Hồi, Kontum, thuộc Ngã Ba Biên Giới. Và suốt từ 1961 đến 1971, có khoảng 20 triệu gallons chất khai quang này được sử dụng và ước lượng có đến 4.8 triệu người bị ảnh hưởng kéo dài đến ngày hôm nay.

Triễn lãm ảnh “Da Cam – Thông Điệp Của Trái Tim” được giới thiệu như sau “30 tác phẩm nói về cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam/dioxin và những nỗ lực xã hội nhằm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam vượt lên nỗi đau, hòa nhập với cộng đồng.
Ba mươi tác phẩm trưng bày tại triển lãm ảnh là những ảnh thời sự nghệ thuật và phóng sự báo chí ý nghĩa được chụp trong tháng Tư và Năm 2010 tại TP/HCM và tỉnh Tiền Giang.
Các tác phẩm ảnh được chia làm hai khu vực: Khu vực A (đối diện công viên Chi Lăng) là ý chí vượt lên số phận hòa nhập cuộc sống cộng đồng và sự chung tay chăm sóc, giúp đỡ của gia đình, người thân và cả cộng đồng (trong và ngoài nước) đối với các nạn nhân chất dđộc Da Cam/dioxin. Khu vực B (Sở Văn Hóa, Thể Thao & Du Lịch TP/HCM) những hình ảnh ghi lại nỗi đau của các nạn nhân. Mươi bốn tác giả đã quyết định tặng các tác phẩm ảnh trong triển lãm này cho Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh TP/HCM.”

Xem triển lãm tại DAY

Tuesday, August 3, 2010

Trở Lại Nam


SAIGON - Đây là lần thứ nhiều lắm tôi trở lại Việt Nam, nhưng điều kỳ lạ là mỗi khi phi cơ hạ bánh đáp xuống đường băng sân bay Tân Sơn Nhứt quen thuộc đến nhàm chán, thì lòng tôi lại háo hức hệt như Thanh Tịnh:

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của ngày phải (đành) bỏ lại quê hương.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác vừa ngậm ngùi vừa vui ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em hàng xóm rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến (phi) trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường (Công Lý) dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi Mỹ.”

Đó là chuyện cách nay đã gần 20 năm với lời tự hứa chẳng muốn và cũng chẳng có cơ hội trở về. Ấy vậy mà run rủi đưa đẩy - lòng muốn không bằng Trời muốn, tôi đã có dịp vượt biển Thái Bình Dương trở lại nhiều lần hơn mình tưởng. Lần này, tháng Tám năm nay, tôi trở lại Nam với một “sứ mệnh” – sẽ trở lại chuyện này ở phần sau.

Trên Trời – Mười mấy tiếng đồng hồ trên trời cùng với trên dưới 300 hành khách, tôi cũng phát hiện vài điều vui. Chẳng hạn sau khi máy bay cất cánh khoảng một giờ (ba giờ sáng giờ Cali) thì đúng ra mọi người phải ngủ say, nếu không làm những việc linh tinh khác trên giường thì các tiếp viên bật đèn sáng choang trong khoang phi cơ, đánh thức mọi người và dọn ăn. Thay vì lắc đầu ngủ tiếp, đằng này hầu như mọi người đều ăn uống nhiệt tình và vô tư, kể cả tôi: 3 AM. Chuyện thứ hai kể ra đây để mọi người học tập và rút kinh nghiệm là hàng ghế bên trái tôi có ba mẹ con. Sau khi ăn xong, bà mẹ lấy trong bị để dưới chân ra một túi ny-lông, bên trong thấy có son phấn, một ống kem đánh răng và một bàn chải.­­­­ Và cứ thế lần lượt từng người, con trai, con gái và sau cùng người mẹ cùng đi đánh răng với duy nhứt cái bàn chải đỏ hiệu Colgate. Kể ra cũng tiện và tiết kiệm phải không? Đi chơi xa nguyên gia đình thì xài chung một khăn, một bàn chải, một phòng khách sạn nào có sao. Chẳng chết thằng vi trùng nào.

Dưới ĐấtTaipei đón chào bằng 80 độ F, Tân Sơn Nhứt cũng chẳng kém: 90 F. Nhưng mọi người, nhiều người dường như vẫn sống, vẫn thi đua, vẫn phấn đấu mỗi ngày như mọi ngày trong bụi bặm, khói xe, tiếng còi inh tai bất tận. Bước ra khỏi cánh cửa kính của khu kiểm tra hành lí sân bay người ta thấy ngay sức sống như vũ bão của người dân Sài Gòn. Kẻ đón, người chào, rừng người, vòng tay ôm thắm thiết, bó hoa nồng nàn, taxi, xe nhà, xe khách trong bát nháo hỗn tạp … ấy vậy rồi đâu cũng vào đấy. Người ở xa về, người nhà ra đón cuối cùng cũng gặp nhau trong hoan hỉ và dĩ nhiên không thể thiếu những tiếng chửi thề thân quen. Rõ ràng Rồng Việt Nam đang cất cánh, nhưng Bill Hayton lại không mấy tin và ông viết thành sách Vietnam: Rising Dragon. Nhưng thôi chuyện rồng cất cánh, cọp Châu Á hãy để nhà nước lo.

Sứ Mệnh – Trong dự án báo chí Vietnam Reporting Project có 15 nhà báo thuộc đa chủng được trung tâm Renaissance Journalism Center tuyển chọn với sứ mệnh đào sâu nghiên cứu và phổ biến những thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau về tác hại của chất Da Cam vào môi trường và sức khỏe con người. Số phóng viên từ kỳ cựu đến giáo sư, sinh viên khoa báo chí sẽ dùng hình ảnh, phim video, bài phát thanh, bài phóng sự kể cả blog trên báo in, báo điện tử để vẽ lại toàn cảnh bức tranh Da Cam kinh hoàng mà có đến 20 triệu gallons hóa chất diệt cỏ này được rải trong thời chiến ở Việt Nam. Trong những ngày sắp tới đây, tôi sẽ gặp những con người phải sống với chân tay co quắp, sọ não phồng to, mắt lồi như mắt cá, miếng méo xệch, bước đi khập khiễn … trong một đất nước hòa bình. Đúng vậy chiến tranh đã đi vào quá khứ từ 35 năm nay nhưng dư âm vẫn còn ám ảnh dữ dội trên vài triệu con người bất hạnh đang sống chung với dioxin. Và khiếp đảm hơn nữa khi biết rằng tác hại sẽ còn kéo dài sang nhiều thế hệ khác. Công việc của tôi là một người Da Vàng viết về những người Da Vàng khác và chất Da Cam trong một đất nước đang vươn ra biển lớn.