Monday, November 25, 2019

Cắt Lông Chó Nuôi Con Ăn Học


Đức Hà
Việt Mercury

Đến Mỹ năm 1992 với hai bàn tay trắng, ông Bồ Văn Mênh, năm nay 59 tuổi và vợ, bà Võ Ngọc Hạnh, 52 tuổi. chỉ thấy một gánh nặng không thể nào kể xiết khi phải ổn định nơi ăn chốn ở và nuôi nấng cho bẩy người con gồm hai trai và năm gái tại một đất nước hoàn toàn xa lạ từ phong tục tập quán đến ngôn ngữ. Vậy mà vào ngày hôm nay, 12 năm sau, gia đình ông bà Mênh lại là gia đình mà nhìn vào người ta có thể xem là hạnh phúc và ổn định hơn ai hết. Không giàu sang phú quí nhưng gắn bó và thương yêu lẫn nhau.
“Tại Trời thương thôi,” ông Mênh nói nhỏ nhẹ và nhắc lại thêm một lần “Trời thương thôi, chứ tài cán bao nhiêu.”

Tuy vẫn ở căn nhà thuê tại San Jose, ít ra trong gia đình cũng có một người con gái sắp tốt nghiệp trường San Jose State University văn bằng master’s và hai người con trai đang học đại học cộng đồng Evergreen, nhưng cho đến nay hai ông bà chưa hề biết trợ cấp xã hội, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp con đông hay trợ cấp nhà ở.
“Chúng tôi cám ơn nước Mỹ cho chúng tôi cơ hội mưu sinh và cho con cái chúng tôi cơ hội học hành,” ông Mênh tâm sự.


Cũng như nhiều người Việt khác khi đến định cư tại Hoa Kỳ đều muốn tiến thân và hội nhập vào xã hội Mỹ nhưng trường hợp của chủ nhân tiệm Alum Rock Groomers nằm trên đường Alum Rock, San Jose lại là một trường hợp kỳ thú với những tình tiết cần được suy gẫm. Bởi vì tuy làm việc trong dòng chính của nghề chăm sóc tắm gội, chải bới, tỉa xén và làm nail cho thú vật nuôi trong nhà thì tiếng Anh của bà Hạnh ở mức rất khiêm nhường và của ông Mênh hoàn toàn như chưa bao giờ đến Mỹ.
“Tôi dốt nát, tiếng Việt còn không xong nói chi tiếng Anh tiếng Mỹ,” ông nói. Ông cho biết ngoài “yes và no” ông không biết gì hơn.
Sự nghiệp của họ thật giản đơn: đến Mỹ và bắt tay ngay vào làm việc, ngay cả trước khi thời hạn trợ cấp ban đầu hết hạn. Thực tập và học nghề với chủ trong bẩy năm và sau đó tự túc một cửa hàng riêng của mình từ bốn năm nay. Công việc của họ: tỉa lông, cắt móng, tắm rửa, chải bới cho chó, mèo, két, chim, thỏ, kỳ đà và cả rắn… nghĩa là bất cứ loại thú nào nuôi trong nhà cần được làm đẹp, làm dáng, cần được sửa sang về ngoại hình. Giá cả để “làm đẹp” cho chó từ $15 đến hơn $100 tùy theo loại chó và làm bao nhiêu món. Đằng sau công việc làm đẹp cho thú vật là cả một quá trình phấn đấu, học hỏi và chuyên cần.

“Hôm đó hai vợ chồng đón xe buýt đi khám bệnh, trên xe vô tình ngồi cạnh một người đàn ông da đen, người này nói gì tui không hiểu nhưng hình như muốn giúp gì đó rồi ổng mời đến một cửa hàng tên Carmelita’s Dog Laundry trên đường Capitol Expressway,” bà Hạnh kể lại, giọng nói cởi mở, bình dân, vui vẻ.
Sự nghiệp của ông bà Mênh bắt đầu kể từ ngày nhớ đời đó.
Ra đời và lớn lên tại Bình Dương, ông Mênh kiếm sống bằng nghề chạy xe lam ba bánh, nhưng kiếm được bao nhiêu đều phải trả lãi cho chủ nên kiếp nghèo vẫn ... nghèo.
“Thấy làm ăn khó khăn quá, tui làm thêm nghề ép đậu phộng lấy dầu và mua lá mì làm bột cỏ,” ông kể.
Nhưng cho dù cố gắng đến mấy, hai bàn tay vẫn trắng mà con cái ngày một lớn và nhu cầu ngày một nhiều. Rồi cơ may bỗng dưng xuất hiện và đại gia đình ông bà Mênh được giấy đi Mỹ theo diện con lai.
“Thấy người ta cho đi thì mình đi chứ có biết gì đâu, nhưng mừng còn hơn trúng số,” bà Hạnh nói.

Cơ may lại đến lần nữa khi hai ông bà vừa mới chân ướt chân ráo đến Mỹ lại được chủ tiệm Carmelita’s nhận cho học nghề cắt lông chó có trả lương. “Đầu tiên thì quét giọn lông chó, làm vệ sinh các cũi nhốt chó, chùi rửa bồn tắm chó… làm riếc rồi bà chủ cũng dạy nghề,” bà Hạnh kể lại.
Nhưng khi hỏi rằng tiếng Anh không rành thì học sao được, bà Hạnh trả lời:
“Bởi vậy hai vợ chồng mới học tới bẩy năm, bằng người ta học bác sĩ.”
Tuy nhiên khi học nghề làm đẹp cho thú vật ông bà Mênh mới học được điều khác biệt của văn hóa Mỹ là vì nếu ở Việt Nam, chó mèo được thả rông kể cả phải tự kiếm ăn trong các bãi rác, quán ăn… và nếu xui xẻo còn bị đem làm chả hay nấu rựa mận thì bên Mỹ chó mèo được tôn trọng và cưng như cưng “trứng.”

“Khoảng vài ba tuần, chủ lại mang chó mèo đi tắm rửa, làm vệ sinh toàn bộ. Nhìn thấy họ nâng niu con vật mới thấy họ cưng thú rất nhiều.”
Vì phải tiếp xúc và chuyện trò khi khách mang chó đến làm đẹp, bà Hạnh cho biết rất vất vả khi phải tiếp khách vì chỉ cần khách nói một chữ bà chưa biết là bà không hiểu gì cả.
Chẳng hạn khi khách gọi điện thoại hỏi đường đến cửa tiệm và nói “Where is your location?” thì bà Hạnh hoàn toàn không hiểu gì vì bà chỉ biết chữ address mà thôi cho nên muốn hỏi đường thì phải hỏi “Where is your address?” Bà kể rằng có lần một người khác mang chó đến tắm rửa, tỉa lông nhưng thấy Anh ngữ quá kém của bà Hạnh, người khách mới nêu câu hỏi “Bà nói tiếng Anh không rành thì làm sao tôi tin mà giao chó cho làm,” và bà Hạnh trả lời bằng lối phát âm rất quê hương Việt Nam “Trai oan tai, en yu si,” dịch “Try one time, and you will see” (“Xin hãy thử một lần sẽ biết”).
“Ấy vậy mà người ta giao con chó cho tui làm đó. Người khách này nay trở thành khách quen. Tui tập nghe, nghe riếc rồi quen chớ nào có học hành gì đâu.”

Còn những rủi ro của nghề nghiệp? “Chó bên Mỹ thường hiền nhưng không phải con nào cũng vậy, có con rất hung dữ và xơ hở là nó táp,” ông Mênh nói và giơ cánh tay đầy vết sẹo chó cắn cho xem.
Ông cho biết hồi năm ngoái, cả nhà ông bị một trận xanh mặt khi chủ nhân một con chó già 18 tuổi được đem đến để làm sạch sẽ.
“Con chó già rất ốm yếu, trên mình đầy bọ chét, tụi tui nhận làm nhưng vừa sợ vừa lo, không biết nó có chịu nổi hay không.”
Cái lo đó trở thành thật khi con chó bỗng nhiên lăn đùng ra chết lúc vừa đem vô bồn tắm.
“Hai vợ chồng tui và xấp nhỏ run lên vì sợ hãi nhưng chủ chỉ đến đem xác chó về và nói rằng biết nó sắp chết nên đem nó ra tiệm tắm rửa sạch sẽ cho nó trước khi nó ra đi,” bà Hạnh cho biết.

Thấm thoát gia đình họ Bồ hành nghề “gru-mơ” (groomer) đã 5 năm. Sáng đi tối về, cuối tuần đóng cửa tiệm xả hơi hai ngày Chúa Nhựt, thứ Hai và chưa bao giờ ra khỏi San Jose.
“Ổng không dám ra xa lộ và cũng không biết đường thành ra cũng chỉ biết đi từ cửa hàng về nhà và từ nhà ra chợ suốt từ ngày sang Mỹ tới nay,” bà Hạnh bộc bạch.
Bà nói rằng hồi mới đầu thì ham làm, không biết ngày nghỉ nhưng rồi mới thấy gia đình xum họp cuối tuần là điều cần thiết.
“Dù sao cũng già rồi, nghỉ cho có sức,” ông Mênh nói.

Hỏi cô Bồ Ngọc Diễm, 29 tuổi, con gái thứ tư trong gia đình về công lao động cực nhọc nuôi con ăn học của cha mẹ, cô nhận xét, mắt rướm lệ:
“Công ơn cha mẹ biết ngày nào trả hết.”

          Bài viết được đăng trên Viet Mercury số 282 ngày 18 tháng Sáu, 2004