Tuesday, May 21, 2019

Pho Tượng Đá ở Oakland


Đức Hà
My OneViet

OAKLAND - Làm sao có thể lý giải một tượng đá vô tri vô giác mua từ một cửa hàng xây dựng và đặt trên bãi cỏ tại một ngã ba đường lại có khả năng trừ tà ma và tệ nạn xã hội?
Đúng vậy tượng đá ở Oakland - thành phố được xếp hàng đầu về tội phạm và tội ác tại California, đã mang lại yên bình và tĩnh lặng cho khu phố đường số 11 và 19 ở Clinton.
Tuy nhiên đó lại là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.

Hãy nghe nhà báo Judy Silber kể trên trang mạng Public Radio International:
"Vào khoảng năm 2000, góc đường 19th Ave. và E. 11th là nơi ... tự do tự tiện đổ rác từ nệm cũ đến bàn ghế tủ giường, chưa kể đó còn là nơi tụ tập của băng đảng, xì ke chích choác, đĩ điếm hoành hành. Để bổ xung thêm cho hình ảnh đáng sợ đó là nạn trộm cắp, ẩu đả, cướp giựt, đập kiếng xe hơi, vẽ bậy và phóng uế. Bực mình đến cùng cực, ông Dan Stevenson, nhà đối diện với góc đường, hết lời kêu gào sự giúp đỡ của các cơ quan thành phố tự vệ sinh đến công lực. Thế nhưng đúng như người Việt hay nói ba bẩy 21 ngày đâu lại vào đó. Và khi thành phố lên đèn thì góc đường 19 & 11 lại là nơi tội ác gặp tội phạm."
Thật ra từ thời xa xưa không có tam giác này - mà cư dân địa phương gọi là "Ngã Ba Biên Giới," cho đến khi thành phố Oakland cho xây lên nhằm điều hành lưu thông tránh tai nạn khi đường 19 và 11 giao nhau. Tránh vỏ dưa gặp ngay vỏ dừa: khu tam giác trồng cỏ trở thành bãi rác công cộng.

Quá trình hình thành miếu thờ Phật ở Oakland
từ năm 2000 đến nay

Bà Siber viết tiếp là ông Dan Stevenson chẳng tôn thờ một tôn giáo nào nhưng vợ ông ta, bà Lu là một Phật tử. Bà ghé tiệm ACE Hardware gần đó và mua pho tượng Phật và đích thân người chồng đem để ngay trên bải cỏ nhỏ góc đường bên đối diện nhà. Đề phòng bị trộm lấy mất ông dùng keo dán chặt tượng với tảng đá. Ông Stevenson nói rằng nếu cần phải mang thêm tượng Chúa ra đó ông cũng sẵn sàng nếu điều đó mang lại khang trang sạch sẽ cho khu phố.
Cả hai ông bà Stevenson thú nhận rằng họ chẳng hy vọng gì nhiều khi làm điều đó. Lẽ nào một pho tượng đá có thể làm đổi thay lòng người, hay đẩy tà khí đi nơi khác.

Lạ lùng thay khi tượng Phật xuất hiện tại góc đường thì thiên hạ cũng ngưng xả rác và thay vào đó là hoa quả nhang đèn do các Phật tử đem tới thờ phượng. Rõ ràng có tia sáng hy vọng ở cuối đường hầm khi yên bình từ từ trở lại với khu phố. Ngay cả các "bướm đêm" cũng lần lượt bay đi nơi khác kiếm cơm. Ngay cả sở cảnh sát địa phương cũng không thể giải thích được nguyên nhân đầy huyền bí nhưng thống kê tội phạm trong khu vực giảm thiểu rõ rệt. Và hàng ngày đều đặn cứ 7 giờ sáng lại có Phật tử đến gõ mõ đánh chuông tụng niệm. Có hôm Phật tử - phần lớn là gốc Việt nhưng cũng có cả sắc dân trắng, đen, nâu ... với áo tràng lam đến trải chiếu làm lễ trước bàn thờ Phật. Rồi để tỏ lòng biết ơn ông Stevenson - người đầu tiên đưa tượng đá xuống đường, cư dân xóm trên lẫn xóm dưới thường xuyên mang quà đến để trước cửa nhà ông Stevenson. Ông nói với Chip Johnson báo SFGATE:
"Tôi giải thích với họ lý do tôi mang tượng Phật ra đó và nhấn mạnh rằng tôi không có niềm tin như họ; nhưng dường như đó không phải là điều họ quan tâm."

Tuy nhiên không phải ai cũng hân hoan phấn khởi với hành vi tự phát của cư dân ngoan đạo đường 19 và 11. Một kẻ vô danh bực bội với sự chuyển đổi tích cực của khu phố đã tìm cách bứng tượng đi nhưng bất thành vì ông Stevenson bôi thêm kéo dán và xuất tiền túi làm lồng sắt bảo vệ tượng. Đến 2012 thành phố - nhận được đơn thưa của cư dân bất bình với sự hiện diện của miếu thờ được xây dựng bất hợp pháp, quyết định cho lệnh giải tỏa. Vụ việc kéo dài đến hai năm để nghiên cứu rồi cũng bất thành. Tượng Phật vẫn còn đó, tiếng chuông mõ gõ vẫn vậy, nhang đèn vẫn tiếp tục tỏa hương thơm cùng hoa trái tươi mới rực rỡ.

Phật Tử Oakland

Vì Phật khg thể để trên bãi cỏ cạnh rách rưởi cùng chất thải chó mèo nên một người Việt, cư dân địa phương xin phép ông Stevenson được chăm sóc khu vườn nhỏ.
Ông Nguyễn Hùng cho biết: "Vợ chồng chúng tôi hàng ngày đến quét dọn, làm vệ sinh và nhang đèn, coi như tấm lòng công quả mong để đức cho con nhưng trong thâm tâm chúng tôi đều muốn đưa tượng lên một bệ đá. Để trên cỏ như vậy tội chết."
Tiếng đồn về tượng Phật linh thiêng lan nhanh khắp vùng. Người Hoa, người Việt cùng nhiều sắc dân khác không biết từ đâu bỗng nhiên cùng nhau chung sức, chung lòng và chung cả niềm tin. Và bệ đá thành hình, tượng đá được phủ lớp sơn mới. Hàng ngày họ thay phiên nhau đến làm vệ sinh, nhặt từng cọng lá, cọng rác và dâng cúng hoa quả. Từ bước khởi đầu đó một mái nhà nho nhỏ được dựng lên che nắng mưa cho Phật kể cả hệ thống solar lấy ánh sáng mặt trời chạy máy tụng kinh." Pháp Duyên Tự" thành hình và vì ở ngay Thung Lũng Điện Tử nên cũng góp mặt trên cả Facebook và Youtube.
Từ một mái nhà, lên hai mái, lên ba mái và một chái, tất cả đều được sơn vàng rực rỡ như những áo cà sa bậc tu hành. Chính điện là nơi để tượng Phật nguyên thủy, thấp hơn là bộ Tam Thánh: Bồ Tát Đại Thế Chí, Phật A Di Đà và Bồ Tát Quan Âm. Phật cũng được hai vị thần Hộ Pháp uy nghiêm bảo vệ.

Ông Nguyễn Hùng cho hay hàng năm cứ đến ngày Vu Lan và Phật Đản Tám tháng Tư đông đảo bà con Phật tử lại tụ tập trải chiếu trước bàn thờ tụng niệm cho quốc thái dân an.
Câu chuyện về pho tượng Phật linh thiêng thuộc về tín ngưỡng và niềm tin rõ ràng không thể giải thích được nhưng sự thật vẫn là sự thật. Chỉ cần rời đường 19 xuống tới đường 12 - không đầy ba phút lái xe thì không biết liệu có ai dám đi ngang khi màn đêm buông xuống chăng.