Wednesday, June 30, 2010

Một Người Việt ở Barcelona


Trịnh Hội

Hôm nọ ngồi mải mê với quyển tiểu thuyết 'The Shadow of the Wind' bên bãi biển Barceloneta nên tôi không để ý đến hai người thanh niên gốc Á Châu từ xa đi đến ngồi bên cạnh tôi trên băng ghế đá. Họ ngồi yên lặng ngắm người qua kẻ lại trong khi tôi thì vẫn mải mê với quyển sách trên tay. Ðến khi họ nói chuyện với nhau thì tôi mới nhận ra được là à, thì ra họ là người Việt Nam.
Từ khi sang Úc rồi sau đó qua Hồng Kông, Phi Luật Tân làm việc hay lúc còn đi học ở Anh, hoặc sang Mỹ định cư nơi nào tôi ở cũng có người Việt sinh sống. Không nhiều thì cũng có ít nhất là vài chục hay vài trăm người sống ở đây đó rải rác. Mãi cho đến thời gian gần đây khi tôi được phái sang Phi Châu làm việc thì lần đầu tiên trong đời tôi mới biết thế nào là đơn thân, độc mã. Vì không những không có một bóng dáng người Việt nào ở gần tôi mà ngay cả dân gốc Á Châu cũng hiếm thấy.
Ði đâu cũng thấy ... da đen. Thỉnh thoảng đây đó có một vài người da trắng. Hoặc da... màu của người Ấn Ðộ. Chứ còn da vàng thì coi như vô phương. Tìm ra được một nhà hàng Tàu đã là may lắm rồi. Ðừng đòi hỏi như tôi phải có đũa cho mình mua để về xài. Ðừng hòng. Tôi đã đi đến những tiệm siêu thị supermarket lớn nhất ở Kampala nhưng chẳng có nơi nào... bán đũa.

Bởi vậy hôm tôi không hẹn mà gặp hai anh thanh niên người Việt ở bãi biển Barceloneta tôi đã chủ động gợi chuyện hỏi thăm trước. Thì ra một người thì chỉ vừa mới sang Barcelona được vài tháng để học thêm tiếng Tây Ban Nha trước khi về lại Hà Nội làm việc. Còn người kia thì đã ở Barcelona được vài năm và đang làm trong một nhà hàng Việt Nam ở gần đó.
Thì ra có nhà hàng Việt Nam ở đây à? Tôi hỏi.
Có chứ anh. Nhà hàng của một gia đình người Việt gốc Hoa đã định cư ở đây gần 30 năm rồi. Anh thanh niên đang làm trong nhà hàng trả lời.
Nếu vậy thì ở Barcelona có nhiều người Việt không? Tôi hỏi tiếp.
Không nhiều đâu anh. Chỉ chừng vài chục người thôi mà phần đông đều là sinh viên sang đây đi học vài năm như em và sau đó thì về lại Việt Nam. Anh thanh niên đang đi học trả lời tiếp cho bạn.
À. Thì ra là vậy.
Với bản tính cố hữu luôn thích tìm hiểu phỏng vấn người đối diện, tôi sẵn trớn hỏi tiếp:
Còn hai bạn thì sao? Có thích về lại Việt Nam không?
Không chần chờ cả hai đều tự động trả lời cùng một lúc: Có chứ anh. Quê hương của mình mà tại sao lại không thích về?

Ừ. Cũng đúng đấy chứ, có phải không? Quê hương của mình mà ai lại không thích về?
Lúc ấy trong đầu tôi cũng muốn hỏi mình những câu hỏi tương tự như thế. Nhưng ngay sau đó tôi cũng đã tự hỏi tiếp thế nhưng mình về để làm gì? Có giúp ích được gì cho đất nước hay không? Hay chưa kịp làm một tí ti nào thì đã bị làm khó, làm dễ và nếu được làm luôn tiền? Như chính tôi đã từng phải trải qua khi quyết định về Việt Nam sống thử cách đây đúng ba năm về trước. Như ông bà mình thường nói: Thức đêm mới biết đêm dài. Có sống ở Việt Nam trong thời buổi này mới biết đêm nó có thể kéo dài đến độ nào. Nhất là những đêm dài bị công an theo dõi!
Nhưng tôi đã không chia sẻ cho những người bạn Việt Nam mới quen của tôi nghe những tâm tư ấy làm gì. Nó không cần thiết và nhiều khi còn phản tác dụng. Vì mấy ai tin là những việc ấy vẫn xảy ra hằng ngày trên khắp cùng đất nước? Nhất là đối với những người công dân bình thường hoàn toàn không đáng lo ngại trong con mắt đa nghi của công an phòng A25 trực thuộc Bộ Công An Việt Nam.
Cũng vì lẽ đó mà tôi đã lái câu chuyện sang một hướng khác. Chúng tôi đã trò chuyện và chia sẻ rất nhiều về cuộc sống và việc làm của mỗi đứa. Cũng như cảm tưởng của mỗi người về vẻ đẹp và lối sống có một không hai của người dân Catalans ở thành phố Barcelona. Họ đã bảo cho tôi biết thắng cảnh nào tôi nên cố tìm đến xem và ngọn núi nào là ngọn núi tôi cần phải trèo trước khi về nước (Mount Montserrat). Ngược lại tôi đã cho họ biết cuộc sống của người Việt ở mọi nơi ra sao và trong trường hợp nào tôi đã có diễm phúc đến thăm một trong những thành phố cổ đẹp và lãng mạn nhất thế giới.

Lúc chúng tôi chia tay tạm biệt mặt trời đã lặn xuống gần đụng chân trời. Trong ánh hoàng hôn tôi nhìn dáng hai người thong thả tản bộ về lại trung tâm thành phố và lòng chợt cảm nhận được rằng cho dù chúng ta có khác nhau cách mấy trong tư tưởng hoặc hành động, trưởng thành ở bất kỳ xã hội nào hoặc học thức ra sao, giữa người Việt và người Việt với nhau, thích hay không thích, cũng sẽ luôn có một sợi dây vô hình nào đó kết nối mỗi số phận vào nhau, không thể nào hoàn toàn cắt đứt được.
Cũng có thể là tôi quá vớ vẩn. Nhưng đấy thật sự là cảm nhận của riêng tôi. Ngay cả khi tôi trèo lên đến đỉnh núi Mount Montserrat.

Saturday, June 26, 2010

Hệ Lụy Của Một Cuộc Chiến


Đức Hà

Lần đầu tiên kể khi từ khi có vấn đề Da Cam gai góc - một trở ngại cuối cùng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, thì với Bản Tuyên Cáo của Nhóm Đối Thoại công bố ngày 18 vừa qua, chương cuối của cuộc chiến Việt Nam bắt đầu hé mở. Theo đó một ngân khoản được đề ra, một cột mốc thời gian được ấn định để rồi ra đôi bên có thể khép lại trang sử đau buồn chung của hai nước.
Thật vậy, khi Tổng Thống Gerald Ford phát biểu tại đại học Tulane ở New Orleans ngày 23 tháng Tư, 1975 - bảy ngày trước khi người Mỹ cuối cùng rời khỏi Sài Gòn rằng “chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt và đây là lúc để hướng vào tương lai, cùng nhau đoàn kết, hàn gắn vết thương của quốc gia …” dường như ông không dự trù những hệ lụy lâu dài của cuộc chiến mà nhiều năm sau vẫn còn âm ỉ.
Sau ngày 30 tháng Tư, 1975 nước Mỹ phải đối đầu với hai vấn đề ở trong nước và dư luận quốc tế, và cả hai đều liên hệ đến hóa chất diệt cây cỏ.
Nếu chiến tranh súng đạn đã chấm dứt thì lại nổi lên cuộc chiến đòi hỏi sự nhìn nhận và quan tâm của chính quyền Washington về những tác hại vào sức khỏe con người do hóa chất khai quang được sử dụng tại chiến trường Việt Nam của khoảng 2.8 triệu cựu quân nhân Mỹ. Và nếu Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ đáp ứng phần nào những đòi hỏi chính đáng bằng những trợ giúp tinh thần và vật chất cho người lính Mỹ, thì đất nước từng phải hứng chịu khoảng 20 triệu gallons Chất Da Cam/dioxin cùng các loại hóa chất khai quang khác mà những tác hại vào con người và môi sinh có thể kéo dài chưa biết đến bao giờ thì các biện pháp trợ giúp chỉ ở mức độ khiêm nhường. Dư luận quốc tế nhiều lần đòi hỏi Hoa Kỳ phải có trách nhiệm đến vấn đề gây nhiều tranh cãi này.
Và rồi 35 năm sau, dư âm của cuộc chiến Việt Nam lại trở lại ám ảnh người dân Mỹ bằng điều thường được nhắc nhở như một trách nhiệm nhân đạo đối với khoảng 4.5 triệu người Việt bị nhiễm Chất Da Cam/dioxin cùng với công tác cần phải làm ngay là tảy rửa các vùng đất từng là nơi tồn trữ, pha chế và chuyển vận các thùng chứa hóa chất có sơn vạch màu da cam.
Tổn phí: 300 triệu đô-la. Thời gian: 10 năm.

Kế Hoạch Hành Động

Để giải quyết rốt ráo bóng ma chiến tranh còn sót lại giữa hai nước cựu thù, Nhóm Đối Thoại Việt Nam - Hoa Kỳ gồm các khoa học gia, người dân thường cùng với các nhà hoạch định chính sách vừa phổ biến một kế hoạch hành động kêu gọi chính phủ Mỹ và các nhà hảo tâm đóng góp một ngân khoản ước lượng 30 triệu đô-la mỗi năm trong vòng 10 năm tới để làm sạch môi trường bị nhiễm chất khai quang được xem là độc hại. Ngân khoản cũng được dùng để chữa trị và trợ giúp những nạn nhân bị nghi ngờ có liên hệ đến phát minh được báo Time liệt kê trong 50 phát minh tồi tệ nhất cạnh thuốc diệt sâu DDT.
Nếu hóa chất Da Cam - được sử dụng tại Việt Nam từ 1961 đến 1971 nhằm khai quang các khu rừng già rậm rạp dùng làm nơi ẩn trú của quân đối nghịch, đạt kết quả tốt thì cái giá phải trả không lường được về lâu dài với tác hại vào sức khỏe con người gây nên hàng loạt bệnh ung thư cùng các thứ bệnh khác bênh cạnh việc sinh con di tật, quái thai ... Tính đến nay, các nhà sản xuất đã thỏa thuận ngoài tòa ngân khoản 180 triệu đô-la bồi thường cho các cựu binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm dioxin. Tuy nhiên, Washington và các công ty hóa chất như Dow Chemical và Monsanto vẫn không nhận trách nhiệm đối với các nạn nhân tại Việt Nam. Từ năm 2004, những vụ kiện đòi công lý của phía Việt Nam đều bị tòa án Mỹ bác bỏ dựa vào một trong những nguyên do là chưa có bằng chứng khoa học xác thực về mối liên hệ giữa dioxin và những hậu quả tại Việt Nam. Vấn đề đưa ra là rất khó xác minh được chẳng hạn như quái thai nào là hậu quả thật sự của tác nhân Da Cam?

Cho đến nay Washington cũng rất chậm trong việc tháo khoán các khoản tài trợ cho dù đã được thông qua và người ta hy vọng tuyên cáo của viện Aspen về Kế Hoạch Hành Động của Nhóm Đối Thoại sẽ đốc thúc Hoa Kỳ nhanh chóng hợp tác toàn diện. Chủ tịch viện Aspen kiêm thành viên nhóm đối thoại, ông Walter Isaacson gọi đó là một di sản to lớn của chiến tranh cần bức phá:
“Việc làm sạch môi trường tại Việt Nam chẳng tốn kém bao nhiêu so với vụ dầu tràn tại vùng Vịnh Mexico hiện nay và việc tranh cãi về trách nhiệm hay đổ lỗi cho nhau cần phải để qua một bên nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề.”
Ngoài Hoa Kỳ chịu trách nhiệm chính trong số 300 triệu, nhóm liên hệ cũng hô hào các tổ chức ngoài chính phủ, các doanh nghiệp cùng bắt tay vào việc giúp triển khai kế hoạch.
Thành hình vào năm 2007, Nhóm Đối Thoại được sự hậu thuẫn và tài trợ của quỹ Ford Foundation và viện Aspen Institute, nhằm mục đích mưu tìm phương hướng giải quyết vấn đề Da Cam. Theo bản tuyên cáo, cần 100 triệu đô-la để hồi phục những tác hại vào môi trường và tảy rửa các vùng “nóng” bị nhiễm chất dioxin, chủ yếu là khu vực quanh ba sân bay Đà Nẵng, Phù Cát và Biên Hòa - nơi đóng quân của binh sĩ Mỹ thời chiến tranh. Việc chăm sóc y tế và chữa trị cho bệnh có thể là nạn nhân hóa chất cần 200 triệu.

Nghiên cứu y khoa cho thấy dioxin có liên hệ đến nhiều chứng ung thư, sinh con dị tật và quái thai cùng nhiều căn bệnh khác. Điều tra của tổ chức tham vấn Hatfield ConsultantsCanada cho hay tỉ lệ dioxin trong máu và sữa mẹ lấy từ người dân sống gần sân bay Đà Nẵng cao gấp 100 lần mức an toàn. Tỉ lệ dioxin trong đất và cá của cùng khu vực nhiều gấp 400 lần giới hạn do quốc tế ấn định. Ngoài ra dioxin còn chậm phân hủy trong môi trường, và sau khi nhiễm vào đất, ngấm vào nước, theo mưa chảy ra sông ngòi để cuối cùng bám vào mỡ của vịt và cá. Rất không may người dân địa phương lại sinh sống, cày cấy, trồng tỉa và đánh bắt những loại thủy sản nhiễm độc đó làm thực phẩm. Tệ hại hơn nữa chu trình đó lại tiếp diễn để truyền nhiễm sang các thế hệ kế tiếp.

Mười Lăm Năm Quan Hệ

Tháng Bảy tới đây đánh dấu tiến trình quan hệ bình thường giữa Việt Nam và Mỹ đạt mốc 15 năm. Cả hai phía đang nỗ lực đẩy mạnh sự hợp tác về kinh tế, văn hóa, xã hội kể cả về quân sự đồng thời tìm giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại từ cuộc chiến trong quá khứ. Gỡ bỏ bom đạn mìn cá nhân và khắc phục ảnh hưởng của chất dioxin và tìm kiếm binh sĩ còn ghi nhận là mất tích nằm trong nghị trình thảo luận của Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Andrew Shapiro tại Hà Nội hồi gần đây. Trong những năm qua hai phía Việt-Mỹ dùng các phiên họp của Ủy Ban Cố Vấn Hỗn Hợp - Joint Advisory Committee như diễn dàn song phương dành cho các cuộc đối thoại khoa học về Chất Da Cam/dioxin nhằm tăng cường sự hợp tác và phối hợp khoa học song phương về vấn đề sức khoẻ con người và ảnh hưởng môi trường của Chất Da Cam.
Tính đến nay Washington đã cung ứng 9 triệu đô-la trợ giúp Việt Nam trong vấn đề dioxin. Một tài khoản 12 triệu hiện đang được Quốc Hội thảo luận nhưng hãy còn rất xa so với số 150 triệu (phân nửa) số tiền do Nhóm Đối Thoại đề xuất.

Khi Tổng Thống Ford qua đời năm 2006, ông đã chứng kiến đơn kiện từ phía Việt Nam nhắm vào các công ty Mỹ từng sản xuất hóa chất Da Cam (2004); ông cũng thấy vụ kiện bị tòa New York bác bỏ với lý do là nguyên đơn không có cơ sở pháp lý và tòa còn kết luận rằng hóa chất tuy độc hại nhưng không thể gọi đó là chiến tranh hóa học do đó Hoa Kỳ không vi phạm luật quốc tế (2005). Năm sau phía Việt Nam nộp đơn chống án nhưng lại bị tòa Manhattan chính thức bác đơn và duy trì phán quyết trước đó, sau cùng thì Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cũng từ khước xét lại quyết định của tòa kháng án (2009). Giờ đây khi bản Tuyên Cáo của Nhóm Đối Thoại đã thành hình với mục tiêu giải quyết dứt điểm hậu quả Chất Da Cam, chắc hẳn rồi đây màn bi kịch Da Cam sẽ không còn được nhắc tới và lịch sử sẽ thật sự sang trang cho cả hai nước. Chỉ có điều những người Mỹ gốc Việt hiện định cư tại Mỹ - cũng có thể bị nhiễm Chất Da Cam, lại chưa lên tiếng và cũng không được nhắc đến.

Wednesday, June 23, 2010

Lời Xin Lỗi Muộn Màng

Nguyễn An Nhiên

Hôm nay em ngồi đây lắng đọng tâm tư, và quyết tâm viết gửi cho anh những lời tự đáy lòng mình, như một lời xin lỗi muộn màng cho những gì đã xảy ra giữa chúng mình.

Ngày em yêu anh, em còn quá ngây thơ để hiểu những khó khăn và thử thách của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Lúc ấy em quá tự tin, nhiều hy vọng, cũng như luôn tự hào rằng mình biết rõ hết về cuộc đời này. Tất cả như một bài toán đơn giản, sẽ luôn có kết quả nếu mình biết cách tính toán.

Ngày em yêu anh, em chưa biết gì về người đàn ông cả, những nhu cầu về bản năng của họ, đòi hỏi thường ngày của họ, và ước mơ của họ. Em dùng tình yêu mình để áp đặt anh sống như em mong muốn, và chưa bao giờ thực sự lắng nghe anh, hay quan sát anh, để tìm hiểu thật sự con người anh.

Ngày anh không còn yêu em nữa, em hụt hẫng, đau buồn, gán ghép cho anh những tội lỗi to tát như là 'phản bội, dối lừa,' và nhiều thứ nữa. Em quên là mình có trách nhiệm không kém anh trong những đổ vỡ này. Để rồi cuối cùng em nhận ra: đôi ta chẳng ai lỗi hơn ai hết, chỉ là mình đã còn quá trẻ khi đến với nhau, và có quá nhiều khác biệt để thông cảm nhau, và cuối cùng việc không thể trao đổi với nhau thật lòng đã tạo nên kết quả không tránh khỏi này.

Đáng buồn là chúng ta không phải là những cặp duy nhất trải qua vấn đề này. Em ước ao biết bao có thể có một ngày chia sẻ những thất bại của mình, mong rằng giúp được những người trẻ hơn tránh được vết xe đổ này.

Điều duy nhất em có thể làm hiện tại là tiếp tục sống thật tốt, học hỏi thật nhiều về con người và cuộc sống, để giúp con mình phát triển một cách lành mạnh - thông minh hơn em, và can đảm hơn anh.

Em hiểu rõ mình sẽ không cách nào cứu vãn tình yêu giữa hai đứa, và em quyết định từ nay sống thật hơn, can đảm hơn, lắng nghe hơn, và tiếp nhận những tư tưởng trái với mình một cách thanh thản hơn. Không biết tương lai sẽ dẫn anh và em về đâu, nhưng em luôn nguyện cầu cho anh được hạnh phúc, cho em được an lòng, và cho con chúng ta mãi mãi bình yên.

Monday, June 21, 2010

Cẩn Thận với Thuốc Trị Mập Xenical & Alli

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
http://bsnguyenyduc.com/

Ngày 26 tháng 5, 2010, Cơ Quan FDA Hoa Kỳ lưu ý giới tiêu thụ về rủi ro do dược phẩm chữa mập phì Xenical và Alli. Đây là hai loại thuốc có hoạt chất chính là chất orlistat.
Xenical được FDA cho phép bán với toa của bác sĩ từ năm 1999 để làm giảm mập phì khi dùng chung với điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và giảm rủi ro bị mập trở lại sau khi đã sụt kí.. Xenical có 120 mg orlistat.
Tới năm 2007, Alli với 60 mg hoạt chất orlistat được phép bán không cần toa bác sĩ để giảm cân ở người lớn, từ 18 tuổi trở lên, đồng thời cũng áp dụng tiết chế ăn uống và giảm tiêu thụ chất béo.
Theo FDA, trước khi cho phép sản xuất các thuốc này, cơ quan đã duyệt xét kết quả nhiều thử nghiệm trên cả ngàn bệnh nhân mập phì và thấy rằng chúng đều an toàn khi dùng và ích lợi của chúng nhiều hơn là rủi ro. Và FDA cũng chưa thấy có kết quả nào cho hay có rủi ro gây tác dụng xấu cho gan, vì ở các bệnh nhân dùng thử, men gan bình thường.
Sau khi thuốc được tung ra thị trường, FDA khám phá sự tổn thương của gan do thuốc gây ra, qua các nguồn tin từ Hoa Kỳ và nước ngoài. Trong khi duyệt xét sơ khởi, cơ quan thấy có 32 trường hợp tổn thương gan kể cả 6 trường hợp suy chức năng gan. Duyệt xét kỹ hơn, cơ quan tìm ra 13 trường hợp tổn thương gan trầm trọng. Trong số này, 12 trường hợp tiêu thụ Xenical do nước ngoài báo cáo và một dùng Alli tại Hoa Kỳ, 2 tử vong vì suy gan và 3 trường hợp phải thay gan.
FDA đã yêu cầu các nhà sản xuất phải ghi rõ trên nhãn hiệu thuốc về rủi ro tổn thương gan này.
Cho tới nay, chưa biết rõ nguyên nhân gây ra tổn thương cho gan khi dùng orlistat. Tuy nhiên FDA vẫn muốn lưu ý giới tiêu thụ về rủi ro này và hướng dẫn dân chúng về dấu hiệu bệnh của hư gan để đi bác sĩ khám nghiệm ngay.
Các dấu hiệu tổn thương gan gồm có ngứa trên da, mắt và da vàng, nước tiểu mầu đậm, phân mầu lạt, biếng ăn, buồn nôn, nóng sốt.
Đang dùng hai thuốc kể trên mà thấy các dấu hiệu này, phải ngưng thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay vì có thể đó là chỉ dấu của hư gan.
Giới tiêu thụ cũng có thể thông báo cho cơ quan FDA về tác dụng phụ gây ra khi dùng Xenical và Alli, qua số điện thoại 800-FDA-1088.

Thursday, June 17, 2010

World Cup 2010: Chuyện Ngoài Luồng


Ngọc Thụy

Đến với World Cup 2010, các đội tuyển không chỉ mang theo màu cờ sắc áo mà cả quê hương dấu yêu để - theo lời các chuyên gia tâm lý thể thao, tạo cảm giác (giả) an bình thoải mái và thư giãn khi phải tranh tài trong hoàn cảnh cực kỳ căng thẳng ở nơi xa nhà thường được gọi là đất khách quê người. Chuyên gia tâm lý Patrick J Cohn giải thích: “Họ muốn tạo dựng bầu không khí ấm cúng cho mọi cầu thủ như đang chơi ngay trên sân nhà, tạo cảm giác được tăng cường lòng tự tin trước sự lo âu khi phải sống trong một không gian mới lạ, đầy những bất trắc.”
Phải chăng vì thiếu hình ảnh con kangaroo quen thuộc nên đội Australia lãnh bốn quả khi đụng Đức ngày 13 vừa qua và vì xa quê hương nhớ mẹ hiền nên Hàn Quốc thả lỏng ba trái vào khung thành, nhưng thế tại sao ngay trên sân cỏ sau nhà Nam Phi lại để lọt lưới đến ba lần?

Đòi Hỏi - Bài tường thuật của Kevin Baxter trên tờ L.A. Times cho hay đội Brazil, tuyển không vắng mặt cuộc vui nào từ trước đến nay đem theo 500 phóng viên truyền hình, truyền thanh, báo in và đòi hỏi nước trong hồ tắm tại khách sạn phải nóng đúng 90 độ F (32.2 C), cung cấp nhiều bánh ngọt, cà-phê nhưng cấm cửa kẹo sô-cô-la. Bắc Triều Tiên đến với World Cup lần này là lần thứ hai chỉ mang theo một cách rất khiêm nhường hai phóng viên nhiếp ảnh, hai truyền hình và một báo in nhưng lại đòi có một tầng riêng biệt trong khách sạn bốn sao bên ngoài Johannesburg.
Slovakia yêu cầu được cung cấp bảng phóng phi tiêu điện tử và hai bàn đánh bóng bàn; trong khi đó New Zealand muốn có chỗ chơi gôn. Maradona, huấn luyện viên trưởng của Argentina buộc ban tổ chức phải tân trang toàn bộ phòng ngủ tại khách sạn và thiết kế các bàn cầu tiêu/tiểu loại đắt tiền và phải chuẩn bị sẵn hai nghế ngồi hình dáng như ngôi vua dành cho vị vua bóng đá bênh cạnh một thực đơn hàng ngày gồm 10 món ăn nóng và ít nhất 14 loại sà-lách. Bữa tối phải có đủ ba loại sốt đặc biệt cho món mì và ba món tráng miệng. Mỗi ba ngày phải có bò nướng than và kem phải được phục vụ bất cứ lúc nào trong ngày. Phòng ngủ tại sân tập ở Pretoria phải đuợc sơn màu trắng và trang bị không dưới sáu dàn PlayStation (không thấy nói họ đòi game nào.)
Italy không quên chở theo đặc sản mì hương vị Ý và các dụng cụ thể thao riêng biệt. Còn đội Mỹ thì vác theo cả một kho trò chơi điện tử, dĩa DVD phim Hollywood, các loại kẹo, trái cây khô và hàng tấn nước giải khát Gatorade.
Mexico được nuôi ăn bằng chính dàn đầu bếp riêng cùng với thực phẩm chuyển từ quê nhà sang vì ngại không có thức ăn Mễ ở Nam Phi chẳng hạn như món đậu bean hay salsa. Chưa hết, ngày Chúa Nhựt là ngày truyền thống dành cho gia đình tại nước Mê-Hi-Cô xùng đạo, thế nên Chúa Nhựt vừa qua, các huấn luyện viên đội Mễ phải tổ chức một buổi liên hoan với đầy đủ kèn đồng mariachis và thân nhân các cầu thủ đang có mặt ở Nam Phi cũng được đưa bằng xe buýt vào bản doanh của đội tuyển chung vui. E ngại món ăn không quen miệng của Nam Phi nên tuyển Anh cho bê luôn thức ăn đông lạnh từ Anh Quốc sang cho chắc ăn. Khỏi sợ thực phẩm nhiễm độc.
Chăm lo phần vật chất chưa đủ yên tâm, đội Mexicô còn được tăng cường thêm một linh mục Thiên Chúa giáo để phụ trách phần tâm linh.

Thuê Cổ Động Viên - Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên được FIFA phân phối 1,400 vé, nhưng chỉ có khoảng 300 người được nhà nước Bình Nhưỡng chọn lọc lý lịch kỹ càng và gởi đến cổ động cho đội nhà. Phần vé còn lại được chia cho các giới chức trong ngành thể thao và du lịch nước … Trung Quốc bè bạn. Và để được cổ vũ và có khí thế khi ra trận, phía Triều Tiên đã mượn tạm vài trăm người Trung Quốc làm công tác cổ động đồng thời lấp đầy hàng ghế trống trên khán đài.
Một thành viên trong nhóm cổ động viên chính gốc Bắc Hàn cho hay trong nhóm không ai quen biết ai và chỉ được phép la hét hay phất cờ vỗ tay theo lệnh của người đóng vai nhạc trưởng ngồi chung nhóm.

Quảng Cáo Nhảy Dù - Ngoài quê hương mang theo, có đội còn mang cả món bia địa phương, khiến ban tổ chức phải mở cuộc điều tra và truy cứu hình sự tội quảng cáo bất hợp pháp. Thứ Tư vừa qua hai phụ nữ Hòa Lan đã bị bắt và sẽ phải trình diện tòa vì bị nghi ngờ mở chiến dịch quảng cáo “dù” cho bia Bavaria tại World Cup.
Cảnh sát Nam Phi cho biết hai phụ nữ này trong một nhóm đông hơn bị nghi ngờ có liên hệ đến hành động làm quảng cáo bất hợp pháp trong trận Hòa Lan gặp Đan Mạch hôm thứ Hai với kết quả 2-0 nghiêng về phía Hòa Lan. Nhóm 36 phụ nữ liên hệ ngồi trên khán đài đã mặc đồng phục váy ngắn màu cam và bị FIFA hỏi thăm vì váy được hãng bia Hòa Lan Bavaria sản xuất đã gây sự chú ý của ban tổ chức. Theo quy định chỉ có các sản phẩm bảo trợ cho World Cup mới được chính thức quảng cáo trên sân cỏ. Trong trường hợp này thì bia Budweiser của nhà Anheuser Busch’s là bia danh chính ngôn thuận, bia Bavaria phải hiểu là bia ngoài luồng.

Wednesday, June 16, 2010

Appreciation: Tam Tran, Advocate for the Undocumented

Julie Thi Underhill
New America Media

When I learned that Tam Tran had died in a car crash earlier this month, I felt sorrow and disbelief.
Had the young woman I’d befriended last November, over conversations about the Vietnamese diaspora, filmmaking, activism, and graduate school, really been killed in car accident along with her friend and fellow activist Cinthya Felix?

When I met Tam at the American Studies Association conference, she was so centered, compassionate, and warm. Over dinner, Tam had mentioned her advocacy for undocumented students through her filmmaking—she later sent me her film “Lost and Found.” Yet she’d relayed her passions so humbly. Tam never announced that she was, actually, a nationally celebrated advocate for the rights of undocumented immigrant students, an effort she began in earnest as a student at UCLA. She never openly recalled her 2007 testimonies to the House Judiciary Committee as a pioneer in the student movement for the DREAM Act, which, if passed, would give undocumented students who graduated from a U.S. high school a path to citizenship through university education or military service.

Instead we discussed mutual origins—our parents escaped Việt Nam, before we were born, as part of the postwar exodus. Tam's last email to me mentioned that she had ordered lê thị diễm thúy's "The Gangster We Are All Looking For," after my recommendation. Since bereavement informs so much of that stunning novel about the Vietnamese boat refugee experience and diasporic identity, I find it especially poignant that we said goodbye within its tender pages.

Tam’s story differs from typical Vietnamese-American experiences, since her 1982 birth in Germany after her father fled Việt Nam by boat entered her into a statelessness that followed her throughout her 27 years. The German navy had rescued her father’s boat at sea, but wouldn’t grant citizenship to him or his family. Although the family eventually emigrated to the United States to live near Tam’s aunt, the United States denied them asylum, since they came from Germany and not Việt Nam.

From age 6, Tam grew up in California lacking citizenship anywhere—in the words of her UCLA mentor and friend Professor Kent Wong, as “a victim of a disgraceful immigration morass.” Yet her struggles shaped her compassion for those lacking legal status. At UCLA, Tam co-founded with Cinthya Felix an undocumented student support network, Improving Dreams, Equality, Access, and Success (IDEAS), while pursuing her B.A. in American Literature and Culture.

She also learned documentary filmmaking and made “Lost and Found,” a short advocacy film about an undocumented student at UCLA. When she entered a doctorate program at Brown University in Rhode Island, she co-founded the Brown Immigrants’ Rights Coalition (BIRC).

Two years into her doctorate, Tam outlined a groundbreaking dissertation, merging historical inquiry with participant observation to consider the power of student politics over the last half-century.
As a student, Tam became one of the nation’s leading advocates for the Development, Relief, and Education for Alien Minors Act (“DREAM Act”).

In 2007, Tam testified before Congres.

“I hate filling out forms, especially the ones that limit me to checking off boxes for categories I don’t even identity with,” Tam told the House Judiciary Committee.

“Place of birth? Germany. But I’m not German. Ethnicity? I’m Vietnamese, but I’ve never been to Việt Nam. However, these forms never ask me where I was raised or educated.”

Since many undocumented students fear immigration authorities, they rarely speak in public about their legal status, especially on a stage as large as Congress. Tam was that courageous, even at age 24.

And it was her testimony that brought about her worst fears—and her strongest support. Three days later, ICE agents raided her family’s home to arrest her parents and younger brother, hoping to silence Tam’s activism. Through calls to Congress and immigration attorneys, Tam stopped her family’s detention and deportation. Yet their freedom was contingent upon ankle bracelets and curfews—house arrest. Although shaken, Tam was also aware of their power.

She told Kent Wong at UCLA, “My family is one of the lucky ones. Most immigrants don’t have access to Congress and immigration attorneys, and just disappear.”

In 2009, she expressed anger yet resolved to keep fighting to change immigration in this country. "I wasn't going to let anything stop me," Tam told Lori Kido Lopez. "Now my parents understand why I do immigrant's rights activism. If anything, ironically, this whole mess of events made us closer as a family."

I mourn her family’s loss, as they part with their brave, brilliant, beautiful, and loving Tam. Her brother Lolly writes, “We are happy to see that she touched so many lives.” Yet concern for her family’s fate, with Tam gone, weighs heavily on her friends and allies. Hundreds have signed a petition to senators regarding her family’s immigration status, requesting posthumous citizenship for Tam. “There is real fear that without Tam’s presence and protection, the family is now in danger of detention and possibly deportation,” the petition explains. “Tam’s prominence and public activism acted as a shield for the entire family. Her death leaves them vulnerable to ICE intimidation and arrest.”

Perhaps our advocacy is helped by the Rhode Island legislature’s resolutions on May 20, expressing profound sympathy for Tam’s passing. “Tam Ngoc Tran was a humble and gentle soul who departed this world all too soon, but left a profound and lasting legacy,” the bills explain. “Her efforts to give undocumented students the right to pursue higher education were noble and heartfelt. She uplifted and enriched the lives of all who knew her and she was an inspiration to us all.” Within continued debates about “illegality” and immigrants’ “rights” to remain here, hopefully the recognition granted to Tam by these unique resolutions would guard her family from deportation from their home of 21 years. Tam’s passing is already one too many tragedies.

Julie Thi Underhill is a filmmaker, photographer, essayist, poet, and doctoral student of Ethnic Studies at UC Berkeley.
Photo courtesy of Brown University.

Tuesday, June 8, 2010

Cờ Vàng Bốn Sọc Ðỏ


Trịnh Hội

Từ lâu tôi đã muốn viết về đề tài lá cờ vàng ba sọc đỏ. Nhất là từ khi tôi sang Mỹ nơi mà đề tài này luôn là một vấn đề được đem ra bàn cãi, tranh luận không ở các trường đại học thì cũng ở các nơi có nhiều người Việt cư ngụ. Lá cờ nào là lá cờ có thể đại diện chính thức cho tất cả các sinh viên Việt Nam đang học ở trường mà trong đó bao gồm cả những sinh viên đến từ cộng đồng người Việt tỵ nạn và du học sinh đến từ Việt Nam? Khi nào thì chúng ta cần phải treo cờ và trong trường hợp nào thì ban tổ chức những buổi họp mặt, gây quỹ riêng tư nên được toàn quyền quyết định về việc có cần hát quốc ca và chào quốc kỳ hay không trước khi chương trình bắt đầu?
Hỏi thì dễ đấy nhưng tìm ra được một câu trả lời mà tất cả mọi người đều có thể vui vẻ đồng ý thì tôi thấy hình như là không... dễ. Nếu không muốn nói là không thể. Impossible. Nhất là ở Mỹ.

Còn nhớ lần đầu tiên tôi đến Mỹ vào cuối thập niên 1990. Có ba điều làm cho tôi ngạc nhiên nhất và vẫn còn nhớ cho đến bây giờ đó là: một, trên đường phố có quá nhiều xe hơi lớn loại SUV. Hai, trong các nhà hàng họ serve những phần ăn quá lớn. Và ba, đi đâu cũng thấy cờ Mỹ treo lủng lẳng, kể cả ở các khu shopping centre và bãi đậu xe!
Lúc ấy tôi cứ thắc mắc: ở bãi đậu xe mà cũng cần phải treo cờ để làm gì nhỉ?
Nhưng không. Người Mỹ là thế. Họ rất tự hào và luôn sẵn sàng giương cao ngọn cờ trắng có sọc đỏ với 50 ngôi sao tượng trưng cho đất nước và nguồn gốc của họ bất cứ ở đâu. Không như ở Úc nơi mà ngay cả đến ngày quốc khánh bạn cũng sẽ chẳng thấy ai treo cờ ở nhà hay ở các nơi công cộng. Và người dân thường chỉ sẽ ở nhà hay ra công viên để ăn barbeque chung vui với bạn bè hơn là đi xem lính tráng diễn hành để cảm thấy mình hãnh diện là người Úc!

Cũng có thể vì thế mà vấn đề cờ vàng ba sọc đỏ được mang ra bàn cãi nhiều hơn ở Mỹ so với ở Úc. Vì thử hỏi nếu như không có ai treo cờ thì còn chuyện gì để cãi?
Thế vậy mà không. Ở Mỹ ngay cả khi bạn cảm thấy không thích treo cờ thì cũng có người không đồng ý và buộc bạn phải treo cờ. Tôi đã có mặt tham dự trong rất nhiều chương trình họp mặt, gây quỹ mà nơi đó giữa ban tổ chức, thành phần tham dự và những người đại diện cho cộng đồng đã tranh cãi gay gắt về vấn đề này trước khi chương trình được cho bắt đầu. Người nói cần. Kẻ nói không. Có người lại chẳng quan tâm tí nào. Thế mới có chuyện.
Những lúc ấy tôi cứ nghĩ tại sao con người chúng ta lại câu nệ quá mức, không chú trọng vào những vấn đề cấp bách, thiết thực hơn mà chỉ biết buộc người khác phải có cùng cảm giác và sự hãnh diện về ngọn cờ của mình? Ðối với lá cờ vàng ba sọc đỏ chúng ta cũng biết là không phải ai là người Việt Nam hiện nay trong cũng như ngoài nước cũng cảm thấy gần gũi và sẵn sàng xác nhận liên quan (identify) với mình.

Cũng như lá cờ đỏ sao vàng mà mỗi khi đội bóng đá Việt Nam thắng một trận nào đó ở khu vực thì đi đâu ở Việt Nam bạn cũng sẽ thấy ngợp một màu đỏ lòe chẳng trốn chỗ nào được. Thành thật mà nói tuy nó là lá cờ chính thức của đất nước Việt Nam và tôi là một người Việt chính cống nhưng tôi chẳng thấy nó có liên quan gì đến tôi cả. Nhiều khi tôi thấy còn bị dị ứng nữa là đằng khác. Mặc dù tôi cũng biết rằng cái cảm giác này không có nhiều người ở Việt Nam chia sẻ cùng tôi!
Bởi vậy hôm tuần trước nhân dịp tôi đến Barcelona là thủ phủ của vùng đất tự trị Catalunya trực thuộc Vương Quốc Tây Ban Nha và thấy được biết bao lá cờ vàng bốn sọc đỏ được treo khắp mọi nơi, mọi chốn (vì đấy là lá cờ truyền thống của họ) mà không phải là lá cờ Tây Ban Nha được mọi người biết và quốc tế công nhận bỗng nhiên tôi nghĩ phải chi đất nước Việt Nam cũng được như vậy.
Phải chi Việt Nam sẽ được dân chủ hóa và một quốc kỳ mới tượng trưng cho những gì đẹp nhất, hoàn mỹ nhất về con người và đất nước Việt Nam sẽ được mọi người con Việt Nam cùng biểu quyết và đón nhận.
Phải chi điều đó sẽ xảy ra để mai đây lá cờ vàng ba sọc đỏ (hay bất kỳ một lá cờ nào khác) cũng sẽ được phép tung bay ở Sài Gòn như lá cờ vàng bốn sọc đỏ đang tung bay lồng lộng ở Barcelona.
Phải chi tôi có phép thần thông bạn nhỉ.

Wednesday, June 2, 2010

Vòng Hoa Muộn Màng

“Chắc chắn đã có nhiều người Việt cũng như bản thân tôi đến nghiêng mình hay dâng hoa khi viếng Bức Tường Đen nhưng tập thể người Việt cùng nhau làm nghĩa cử cao đẹp như người dân đất nước còn đang bị chia cắt hệt như Việt Nam trước đây thì chưa hề có.”

Đức Hà

FALLS CHURCH, VA. - Nếu từ hàng chục năm nay, tượng đài tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên Korean War Veterans Memorial ở Washington D.C. đều được trang điểm hàng tuần bằng một vòng hoa tươi như một lời biết ơn của chính người Hàn Quốc cho sự hy sinh của binh sĩ Mỹ trên đất nước họ, thì tại đài vinh danh các cựu chiến binh bỏ mình trong chiến trận Việt Nam chưa bao giờ được cộng đồng Việt cùng nhau có một hành động tương tự - cho đến ngày Chiến Sĩ Trận Vong năm nay. Lần đầu tiên kể từ khi được khánh thành ngày 13 tháng Chín năm 1982, cộng đồng Việt đã cùng nhau chính thức đặt vòng hoa tại khu tưởng niệm để ghi nhớ công ơn của hơn 58,000 binh lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam. Thế nên vào ngày Memorial Day 31 tháng Năm vừa qua, vào lúc quốc kỳ Mỹ được treo rủ nửa ngày để bày tỏ lòng thương tiếc và ghi công những quân nhân Hoa Kỳ hy sinh trong lúc phục vụ dưới cờ thì đoàn diễn hành của cộng đồng Việt vùng thủ đô Washington với rừng cờ vàng ba sọc đỏ đã dừng chân tại tượng đài Bức Tường Tưởng Niệm để thành kính dâng ba vòng hoa với đầy đủ nghi lễ tại bức tường đá màu đen “The Memorial Wall”, tuợng đồng “The Three Soldiers” và tượng ba nữ y tá “Women's Memorial .”
“Hiện nay không thể làm nghĩa cử thiêng liêng này hàng tuần như người Đại Hàn nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ cố gằng làm hàng năm nhân ngày Memorial Day của toàn nước Mỹ,” bác sĩ Trần Quốc Dũng chia xẻ.
Là một thành viên của Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam Vùng Hoa Thịnh Đốn, nhiếp ảnh gia Dũng có nhiều dịp đến ghi hình tại Bức Tường cũng như đưa bạn bè đến viếng khu tưởng niệm chiến tranh Việt Nam cùng những tượng đài vinh danh gần đó và một hình ảnh tuyệt đẹp ông nhận thấy tại khu tượng đài Korean Veterans Memorial đã làm ông xúc động và nhớ mãi:
“Tôi từng đến viếng Vietnam Veterans Memorial nhiều lần trong năm, và nhân tiện ghé thăm cả Korean Veterans Memorial và thấy tại khu tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên lúc nào cũng có một vòng hoa tươi, bất kể vào thời điểm nào trong năm. Và mãi cho đến một buổi chiều tối tháng Tư vừa qua khi đến thăm Korean Veterans Memorial thì tôi thấy một cặp vợ chồng người Đại Hàn đang đặt một vòng hoa mới. Sau khi hỏi chuyện mới biết rằng ông bà này được giao trọng trách từ người dân trong và ngoài nước, mỗi tuần phải đến đặt một vòng hoa mới, và trong tuần ghé lại tưới cho hoa được tươi mát, để tỏ lòng biết ơn của nhân dân Đại Hàn đối với những người lính Mỹ đã hy sinh cho nước họ.”
Bác sĩ Dũng nói rằng ông vừa cảm động, vừa thán phục tinh thần của người Hàn Quốc và cảm thấy hổ thẹn vì cá nhân ông chưa bao giờ dâng ngay cả một bông hồng cho những người lính Mỹ hy sinh cho quê hương ông.
“Chắc chắn đã có nhiều người Việt cũng như bản thân tôi đến nghiêng mình hay dâng hoa khi viếng Bức Tường Đen nhưng tập thể người Việt cùng nhau làm nghĩa cử cao đẹp như người dân đất nước còn đang bị chia cắt hệt như Việt Nam trước đây thì chưa hề có.”

Vòng Hoa Tưởng Niệm

Kể lại câu chuyện đáng trân trọng này của người dân Hàn Quốc với các thành viên của hội ảnh cũng như với bạn bè ở xa qua email, tất cả đều cảm thấy hổ thẹn thiếu xót – nếu không nói là vô ơn khi gần hai triệu người Việt được cho dung thân và làm lại cuộc sống trên quê hương mới nhưng một cử chỉ biết ơn đến những quân nhân Mỹ chết và mất tích để bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam trong một thời gian dài thì chưa một ai nghĩ ra hay đề xuất ý kiến.
Thật vậy, người Việt đã đóng góp không biết bao công sức và tài lực kể từ khi định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1975. Người Việt xây dựng tượng đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại Westminster, Nam California, thành lập bảo tàng Thuyền Nhân & Việt Nam Cộng Hòa ở San Jose, Bắc California; trung tâm Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam tại Australia; bảo tàng Thuyền Nhân Việt Nam ở Canada … lại hết sức sơ xuất với những người đã bỏ thân để bảo vệ tự do cho một đất nước không phải của họ.
Bên cạnh ba vòng hoa tươi thắm do sự đóng góp của người Việt khắp nước Mỹ còn có bức thư của viện văn hóa giáo dục Saigon Arts, Culture & Education Institute với đoạn văn như sau:

… THIRTY FIVE YEARS AFTER THE FALL OF SAIGON,
I STOOD IN FRONT OF THE MONUMENT,
TO PAY HOMMAGE TO YOU, AND
TO LET YOU KNOW YOUR SACRIFICE WAS NOT IN VAIN,
FOR IT STANDS TALL IN OUR HEARTS
FOR A THOUSAND YEARS TO COME.


Bày tỏ cảm tưởng về sự kiện quan trọng đầy ý nghĩa tuy hơi muộn màng này, ông Đỗ Lệnh Dũng, hội trưởng Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam Vùng Hoa Thịnh Đốn nói rằng phải chăng người Hàn Quốc đã dạy cho chúng ta bài học về ơn nghĩa, nhưng cũng hy vọng binh lính Mỹ nơi bên kia thế giới cũng cảm thấy nguây nguôi phần nào với nghĩa cử của toàn thể cộng đồng Việt tại Mỹ.
“Thân nhân những người lính đã hy sinh thân xác tại mặt trận Việt Nam chắc cũng thấy hãnh diện khi người Việt chúng ta nhận biết lỗi lầm và tỏ tấm lòng cảm kích thương tiếc với những anh hùng quá vãng,” ông Dũng tâm sự.
Ba vòng hoa đặt tại đài tưởng niệm cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam đều mang dòng chữ kính viếng của Cộng Đồng Việt.

Chiến tranh Triều Tiên từ 1950 đến 1953 đã có hơn 54 ngàn binh sĩ Mỹ tử trận, 103,284 bị thương, 7,140 bị bắt làm tù binh và 8,177 người mất tích.
• Chiến tranh Việt Nam tính từ 1959 đến 1975 đã có 58,261 binh sĩ Mỹ tử trận, 153,452 bị thương và 1,740 mất tích.