Monday, November 25, 2019

Cắt Lông Chó Nuôi Con Ăn Học


Đức Hà
Việt Mercury

Đến Mỹ năm 1992 với hai bàn tay trắng, ông Bồ Văn Mênh, năm nay 59 tuổi và vợ, bà Võ Ngọc Hạnh, 52 tuổi. chỉ thấy một gánh nặng không thể nào kể xiết khi phải ổn định nơi ăn chốn ở và nuôi nấng cho bẩy người con gồm hai trai và năm gái tại một đất nước hoàn toàn xa lạ từ phong tục tập quán đến ngôn ngữ. Vậy mà vào ngày hôm nay, 12 năm sau, gia đình ông bà Mênh lại là gia đình mà nhìn vào người ta có thể xem là hạnh phúc và ổn định hơn ai hết. Không giàu sang phú quí nhưng gắn bó và thương yêu lẫn nhau.
“Tại Trời thương thôi,” ông Mênh nói nhỏ nhẹ và nhắc lại thêm một lần “Trời thương thôi, chứ tài cán bao nhiêu.”

Tuy vẫn ở căn nhà thuê tại San Jose, ít ra trong gia đình cũng có một người con gái sắp tốt nghiệp trường San Jose State University văn bằng master’s và hai người con trai đang học đại học cộng đồng Evergreen, nhưng cho đến nay hai ông bà chưa hề biết trợ cấp xã hội, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp con đông hay trợ cấp nhà ở.
“Chúng tôi cám ơn nước Mỹ cho chúng tôi cơ hội mưu sinh và cho con cái chúng tôi cơ hội học hành,” ông Mênh tâm sự.


Cũng như nhiều người Việt khác khi đến định cư tại Hoa Kỳ đều muốn tiến thân và hội nhập vào xã hội Mỹ nhưng trường hợp của chủ nhân tiệm Alum Rock Groomers nằm trên đường Alum Rock, San Jose lại là một trường hợp kỳ thú với những tình tiết cần được suy gẫm. Bởi vì tuy làm việc trong dòng chính của nghề chăm sóc tắm gội, chải bới, tỉa xén và làm nail cho thú vật nuôi trong nhà thì tiếng Anh của bà Hạnh ở mức rất khiêm nhường và của ông Mênh hoàn toàn như chưa bao giờ đến Mỹ.
“Tôi dốt nát, tiếng Việt còn không xong nói chi tiếng Anh tiếng Mỹ,” ông nói. Ông cho biết ngoài “yes và no” ông không biết gì hơn.
Sự nghiệp của họ thật giản đơn: đến Mỹ và bắt tay ngay vào làm việc, ngay cả trước khi thời hạn trợ cấp ban đầu hết hạn. Thực tập và học nghề với chủ trong bẩy năm và sau đó tự túc một cửa hàng riêng của mình từ bốn năm nay. Công việc của họ: tỉa lông, cắt móng, tắm rửa, chải bới cho chó, mèo, két, chim, thỏ, kỳ đà và cả rắn… nghĩa là bất cứ loại thú nào nuôi trong nhà cần được làm đẹp, làm dáng, cần được sửa sang về ngoại hình. Giá cả để “làm đẹp” cho chó từ $15 đến hơn $100 tùy theo loại chó và làm bao nhiêu món. Đằng sau công việc làm đẹp cho thú vật là cả một quá trình phấn đấu, học hỏi và chuyên cần.

“Hôm đó hai vợ chồng đón xe buýt đi khám bệnh, trên xe vô tình ngồi cạnh một người đàn ông da đen, người này nói gì tui không hiểu nhưng hình như muốn giúp gì đó rồi ổng mời đến một cửa hàng tên Carmelita’s Dog Laundry trên đường Capitol Expressway,” bà Hạnh kể lại, giọng nói cởi mở, bình dân, vui vẻ.
Sự nghiệp của ông bà Mênh bắt đầu kể từ ngày nhớ đời đó.
Ra đời và lớn lên tại Bình Dương, ông Mênh kiếm sống bằng nghề chạy xe lam ba bánh, nhưng kiếm được bao nhiêu đều phải trả lãi cho chủ nên kiếp nghèo vẫn ... nghèo.
“Thấy làm ăn khó khăn quá, tui làm thêm nghề ép đậu phộng lấy dầu và mua lá mì làm bột cỏ,” ông kể.
Nhưng cho dù cố gắng đến mấy, hai bàn tay vẫn trắng mà con cái ngày một lớn và nhu cầu ngày một nhiều. Rồi cơ may bỗng dưng xuất hiện và đại gia đình ông bà Mênh được giấy đi Mỹ theo diện con lai.
“Thấy người ta cho đi thì mình đi chứ có biết gì đâu, nhưng mừng còn hơn trúng số,” bà Hạnh nói.

Cơ may lại đến lần nữa khi hai ông bà vừa mới chân ướt chân ráo đến Mỹ lại được chủ tiệm Carmelita’s nhận cho học nghề cắt lông chó có trả lương. “Đầu tiên thì quét giọn lông chó, làm vệ sinh các cũi nhốt chó, chùi rửa bồn tắm chó… làm riếc rồi bà chủ cũng dạy nghề,” bà Hạnh kể lại.
Nhưng khi hỏi rằng tiếng Anh không rành thì học sao được, bà Hạnh trả lời:
“Bởi vậy hai vợ chồng mới học tới bẩy năm, bằng người ta học bác sĩ.”
Tuy nhiên khi học nghề làm đẹp cho thú vật ông bà Mênh mới học được điều khác biệt của văn hóa Mỹ là vì nếu ở Việt Nam, chó mèo được thả rông kể cả phải tự kiếm ăn trong các bãi rác, quán ăn… và nếu xui xẻo còn bị đem làm chả hay nấu rựa mận thì bên Mỹ chó mèo được tôn trọng và cưng như cưng “trứng.”

“Khoảng vài ba tuần, chủ lại mang chó mèo đi tắm rửa, làm vệ sinh toàn bộ. Nhìn thấy họ nâng niu con vật mới thấy họ cưng thú rất nhiều.”
Vì phải tiếp xúc và chuyện trò khi khách mang chó đến làm đẹp, bà Hạnh cho biết rất vất vả khi phải tiếp khách vì chỉ cần khách nói một chữ bà chưa biết là bà không hiểu gì cả.
Chẳng hạn khi khách gọi điện thoại hỏi đường đến cửa tiệm và nói “Where is your location?” thì bà Hạnh hoàn toàn không hiểu gì vì bà chỉ biết chữ address mà thôi cho nên muốn hỏi đường thì phải hỏi “Where is your address?” Bà kể rằng có lần một người khác mang chó đến tắm rửa, tỉa lông nhưng thấy Anh ngữ quá kém của bà Hạnh, người khách mới nêu câu hỏi “Bà nói tiếng Anh không rành thì làm sao tôi tin mà giao chó cho làm,” và bà Hạnh trả lời bằng lối phát âm rất quê hương Việt Nam “Trai oan tai, en yu si,” dịch “Try one time, and you will see” (“Xin hãy thử một lần sẽ biết”).
“Ấy vậy mà người ta giao con chó cho tui làm đó. Người khách này nay trở thành khách quen. Tui tập nghe, nghe riếc rồi quen chớ nào có học hành gì đâu.”

Còn những rủi ro của nghề nghiệp? “Chó bên Mỹ thường hiền nhưng không phải con nào cũng vậy, có con rất hung dữ và xơ hở là nó táp,” ông Mênh nói và giơ cánh tay đầy vết sẹo chó cắn cho xem.
Ông cho biết hồi năm ngoái, cả nhà ông bị một trận xanh mặt khi chủ nhân một con chó già 18 tuổi được đem đến để làm sạch sẽ.
“Con chó già rất ốm yếu, trên mình đầy bọ chét, tụi tui nhận làm nhưng vừa sợ vừa lo, không biết nó có chịu nổi hay không.”
Cái lo đó trở thành thật khi con chó bỗng nhiên lăn đùng ra chết lúc vừa đem vô bồn tắm.
“Hai vợ chồng tui và xấp nhỏ run lên vì sợ hãi nhưng chủ chỉ đến đem xác chó về và nói rằng biết nó sắp chết nên đem nó ra tiệm tắm rửa sạch sẽ cho nó trước khi nó ra đi,” bà Hạnh cho biết.

Thấm thoát gia đình họ Bồ hành nghề “gru-mơ” (groomer) đã 5 năm. Sáng đi tối về, cuối tuần đóng cửa tiệm xả hơi hai ngày Chúa Nhựt, thứ Hai và chưa bao giờ ra khỏi San Jose.
“Ổng không dám ra xa lộ và cũng không biết đường thành ra cũng chỉ biết đi từ cửa hàng về nhà và từ nhà ra chợ suốt từ ngày sang Mỹ tới nay,” bà Hạnh bộc bạch.
Bà nói rằng hồi mới đầu thì ham làm, không biết ngày nghỉ nhưng rồi mới thấy gia đình xum họp cuối tuần là điều cần thiết.
“Dù sao cũng già rồi, nghỉ cho có sức,” ông Mênh nói.

Hỏi cô Bồ Ngọc Diễm, 29 tuổi, con gái thứ tư trong gia đình về công lao động cực nhọc nuôi con ăn học của cha mẹ, cô nhận xét, mắt rướm lệ:
“Công ơn cha mẹ biết ngày nào trả hết.”

          Bài viết được đăng trên Viet Mercury số 282 ngày 18 tháng Sáu, 2004

Tuesday, October 15, 2019

Trường Xưa: DINFOS

Đức Hà


INDIANAPOLIS, Ind. -  Tháng Giêng 1971 chiến trường Viet Nam đang ngày càng trở nên khốc liệt. Thanh niên vừa tăng viện cho tiền tuyến hôm nay hôm sau đã có giấy báo tử gởi về cho mẹ già. Không biết bao nhiêu người trẻ đã bỏ xác nơi chiến trường và nếu may mắn hơn thì được về với gia đình trên đôi nạng gỗ hay bằng chiếc xe lăn. Đời lính thời chiến là thế, sống chết kề bên nhau. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng như vậy thì vài anh em chúng tôi được chuyển công tác từ phóng viên chiến trường sang sĩ quan du học Hoa Kỳ ngành báo chí. Thế là suốt mấy tháng liền không phải trực gác ứng chiến, không điểm danh chào cờ, không nghe pháo kích, không hề biết đến tờ giấy khi cầm trên tay muốn khóc ròng "sự vụ lệnh đi công tác" và tuyệt vời hơn cả là lãnh hai đầu lương: lương của đơn vị gốc và lương của trường tại Hoa Kỳ - ai mà không sướng.


Để lại phía sau một đất nước chìm đắm trong tang thương khói lửa, chúng tôi rời Tân Sơn Nhứt ngày 31 tháng Chạp 1970. Phi cơ ghé Yokota, Nhật để tiếp thêm nhiên liệu, lấy thêm hành khách và trực chỉ USA. Đúng là ước mơ không dám mơ lại thành thật. Lúc đó ai cũng nghĩ đó là chuyến bay nhớ đời, mãi mãi sẽ không bao giờ có chuyến bay thứ hai nữa, nào có ngờ hơn 20 năm sau cũng mấy anh em đó - sau khi trả đủ nợ tù đày, lại được đáp chuyến bay định mệnh khác cũng từ TSN nay đổi thành Tân Sơn Nhất, chuyến đi quyết định hậu vận của những sĩ quan báo chí KQVN: đi HO.


Người Bạn Không Quen

Đời oái ăm ở chỗ này. Khi mãn khóa học Information Officer Basic Course ở Trường Báo Chí (gọi tắt là DINFOS) thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ ở Indianapolis, Indiana thì bất ngờ có một số anh em sinh viên Việt không quen biết không thân thuộc, đang học ở Illinois hay Michigan ghé thăm và nói thẳng thừng: "Các anh ở lại luôn đây đi, đừng dại mà về nước, chúng em sẽ giúp mọi chuyện."
Chúng tôi bắt tay nhau vui vẻ, đi ăn chung rồi chia tay, không bên nào có lời xỉa xói hay chửi bới vô văn hóa như thời nay của nhóm chống một cách điên dại những người được gán là "cuồng". Năm 1971 Tổng Thống Richard Nixon đang cầm quyền và phong trào chống chiến tranh lan rộng khắp nước. Thật tình không rõ mấy sinh viên Việt ở Mỹ dạo đó có tham gia phong trào phản chiến hay không và làm sao họ biết có chúng tôi đang ở Fort Benjamin Harrison - nhưng họ khuyên đừng về. Sau buổi gặp mặt thân tình hôm đó nhóm sinh viên trở lại trường, chúng tôi về căn cứ Travis AFB và đáp phi cơ hồi hương để hãnh diện làm nghĩa vụ của "trai thời chiến." Mãi mãi về sau mới ngộ và rút ra được bài học rằng chả cái dại nào giống cái dại nào. Nghe thấy quen quen giống chuyện tàu Việt Nam Thương Tín năm nào.
Khát vọng "xuống Đông, Đông tĩnh" không thành vì thế không đầy bốn năm sau cả đám mới ngày nào quần áo bảnh bao lịch lãm bát phố downtown Indianapolis thì nay kéo nhau vào tù để tích cực học tập cải tạo thành người tốt cho một Việt Nam XHCN. Không một ai dám mơ tưởng sẽ có ngày được đoàn tụ gia đình, chớ đừng nói đến chuyện trở lại Mỹ. Biết vậy phải chi hồi đó rủ nhau ở lại luôn USA và gia nhập cộng đồng di dân bất hợp pháp cho êm chuyện. Dại quá là dại.

Khi lê la các trại tù từ Trảng Lớn, Tống Lê Chân, Suối Máu đến Kà-Tum - không kể đến một số không may phải đi Côn Sơn, Phú Quốc, Thanh Cẩm, Yên Bái ... anh em chúng tôi lại càng nhớ những người bạn sinh viên không quen từng nhắc nhở thật tình "chớ có về nước." Cũng phải nói thêm là đã dại dột về nước thì chớ lại càng dại dột hơn nữa là chẳng chịu chạy cho nhanh vào tháng Tư, 1975. Vào năm hạn của đất nước nên cung mệnh có số tù đày.

Defense Information School

Vật đổi sao dời, gần 50 năm sau khi tóc bạc phơ, khi không ít bạn lính đã rời bỏ cõi trần hoặc quên hết sự đời trong nhà dưỡng lão thì tôi may mắn có đôi chân tạm vững để trở lại thăm trường cũ: DINFOS. Nhưng cũng vì sao dời vật đổi nên trường cũng đã đóng cửa và chuyển về Fort Meade, Maryland từ 1995. Ngôi trường xưa bây giờ là đại học cộng đồng YVy Tech Community College tại đúng vị trí DINFOS thủa trước. Vì trường không còn nữa nên niềm xúc động càng thêm thấm thía dâng trào.


Nguyên thủy DINFOS là một trong nhiều trung tâm huấn luyện đặt bên trong Fort Benjamin Harrison - một đồn binh trực thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ được thiết lập do nhu cầu của hai cuộc chiến thế giới I và II. Sau thời chiến tranh lạnh, Fort Harrison cùng nhiều căn cứ quân sự khác khắp nước Mỹ tuần tự được trao trả cho dân sự. Tên gọi cũng đổi thành Fort Harrison State Park. Nếu dạo nào lính tráng đóng quân đầy đồn thì nay hàng quán chen lẫn với những khu nhà gạch đỏ được giữ lại. Dù có cố gắng cách mấy cũng không còn nhận ra được Fort Harrison năm nào. Tiệm thức ăn nhanh burger, gà chiên, quán cà-phê, phòng tập thể dục, văn phòng luật sư, nha sĩ, bác sĩ, nhà thuốc tây ... kể cả nhà hàng thức ăn Thái và Mễ cũng thấy rải rác đây đó. Khu BOQ gạch đỏ nơi sĩ quan các nước sang học được tạm trú vẫn còn y nguyên tuy có chỉnh trang đôi chút mặt tiền trong khi khu nhà sĩ quan cấp tá và chỉ huy của Fort Harrison vẫn được gìn giữ nguyên trạng.

Kỷ niệm của chuyến đi Mỹ đợt một vẫn còn đó dù chỉ mang máng trong ký ức của người lính này đã quá tuổi hưu. Đó là những hình ảnh tuyệt đẹp trong trí nhớ nay đã mòn của đám thanh niên được đến nước Mỹ tu nghiệp trong lúc quê nhà đầy loạn lạc tương tàn. Làm thế nào mà quên được những ngày đông lạnh lẽo ngồi trong phòng sưởi ấm áp của BOQ xem TV thời sự với hình ảnh tiến quân vào vùng Hạ Lào năm 1971. Quả thật lúc đó không một ai ý thức được rằng phóng viên Mỹ tại chiến trường VN đang cố tình tường thuật bất lợi cho chính quyền Nam Việt Nam trong cùng lúc thì báo in ở Mỹ hầu như cùng nhau mở chiến dịch công kích việc Mỹ tham chiến cũng như chương trình VN hóa chiến tranh. Tệ hơn nữa khi một năm sau (1972) tài tử Jane Fonda - đại diện cho xu hướng thiên tả của Hollywood, đến Hà Nội và tâng bốc quảng cáo không công cho chế độ cầm quyền.

Rời Saigon vào Giao Thừa Tết Dương Lịch 1 tháng Giêng 1971 cùng với binh lính Mỹ hết hạn quân dịch, chúng tôi được chúc mừng liên tục mỗi đầu giờ vì qua múi giờ nào cũng vẫn là New Year. Không thể diễn tả hết được nỗi vui, nỗi sướng vô biên của nhóm binh sĩ Mỹ được về với gia đình, lành lặn và nguyên vẹn sau khi trở về từ Khe Sanh, Dak-Tô, Hamburger Hill ... mà họ gọi là địa ngục trần gian. Đến sân bay Indianapolis trong giá buốt vào nửa đêm 31 tháng Chạp, nhân viên trường ra đón cũng lại "Welcome to the US and Happy New Year." Từ đó đến hết khóa học thời tiết lúc nào cũng giá buốt co ro lại càng làm cho nỗi nhớ nhà da diết hơn. Cũng may trong BOQ có bếp, có tủ lạnh nên chúng tôi vẫn có cơm, canh, cá, rau ... như ở bên nhà chỉ có điều không rườm rà lích kích vì còn phải dành thì giờ cho đèn sách. Nói vậy chứ các nơi như PX, Commissary, rạp xi-nê, câu lạc bộ sĩ quan vẫn được anh em tranh thủ chiếu cố. Học thì học nhưng không quên nhiệm vụ đi gom hàng: trong những năm 70' có loại kem dưỡng da Esotérica rất ăn khách mà mấy bà nhắc đi nhắc lại là phải mua cho bằng được. Thế nên có bạn đã mua không phải một lố mà nguyên thùng làm nhân viên PX ngớ luôn.

Nếu từ khu cư xá sĩ quan độc thân BOQ đến trường đã có xe buýt đưa đón ấm cúng thì ngược lại nếu muốn đi đến câu lạc bộ sĩ quan Officers' Club, chợ Commissary hay PX chỉ có lội bộ trong tuyết ngập đến đầu gối. Thú vui chơi nghịch với tuyết trắng ngoài trời chỉ được đúng vài tiếng đồng hồ vào ngày đầu tiên đến Mỹ, sau đó mọi người đều đồng lòng chỉ ngắm tuyết rơi từ bên trong cửa kính. Hôm nào lạnh quá tuyết đông cứng thành đá thì ai cũng ước gì được ở nhà khỏi đi học. Vì chương trình học là khóa căn bản cho sĩ quan báo chí nên tất cả học viên đều phải học từ săn tin, viết tin, biên tập tin đến nhiếp ảnh báo chí, quay phim kể cả mọi vai trò trong phim trường truyền hình - Cứ một nhóm vài ba người thay phiên nhau làm sản xuất, đạo diễn, chuyên viên thâu hình, chuyên viên ánh sáng và xướng ngôn đọc tin dưới sự giám sát của giảng viên. Tất cả đều dựa vào nguyên tắc cơ bản của thông tin là A-B-C (Accuracy, chính xác - Brevity, ngắn gọn - Clarity, rõ ràng) đúng khuôn phép của ngành thông tin quân đội. Theo tổ chức của quân lực Mỹ thì sĩ quan báo chí phải biết mọi thứ liên quan đến ngành truyền thông và hầu như các học viên tốt nghiệp khi trở về đơn vị đều được bổ nhiệm làm phát ngôn viên chính thức làm việc trực tiếp với chỉ huy trưởng.

Quy Mã

Những điều học được ở trường DINFOS đã giúp rất nhiều cho học viên Việt sau nay khi về nước cho dù áp dụng vào tình hình thực tế của ngành báo chí quân lực VN có khác - riêng tôi, cũng vì thành thật khai báo, nên được tổ chức cơ cấu vào vai trò làm báo tường cho Tết 1976 tại trại cải tạo Kà-Tum, Tây Ninh. Báo Tết vừa treo lên đã được lệnh của quản giáo hạ xuống ngay vì treo ngang hàng với ảnh chân dùng của "cha già dân tộc." Xém chút nữa thì bị kết tội phản động. Làm tốt việc tốt ca ngợi tốt ấy vậy mà cũng mất bảy năm mới tốt nghiệp với mảnh "Giấy Ra Trại" quý hơn vàng. Không thể ngờ mảnh giấy đó lại là thông hành vững chắc cho chương trình HO sau này - hay chuyến đi US đợt hai.

Đúng 30 tháng Tư, 1992 tôi lại lên máy bay đi Mỹ, để sau đó làm đúng nghề đúng việc như khi ở Saigon. Phải thú thật rằng chỉ khi máy bay cất cánh rời khỏi TSN rất lâu rồi tôi mới hoàn hồn - mình được rời khỏi thiên đường (đỏ) thật sao? Hai mươi mốt năm trước cảm nghĩ mang ý nghĩa khác hẳn - mình được du học Mỹ thật sao? Những điều học hỏi ở DINFOS về nghề làm truyền thông dòng chính trở thành kim chỉ nam quý giá trong công việc kiếm cơm hàng ngày. Và tiếng kèn đồng - bugle calls, được hệ thống loa phóng thanh vang tỏa khắp Fort Benjamin Harrison vào lúc thượng và hạ kỳ hàng ngày là nỗi nhớ khôn nguôi, hệt như tiếng kẻng tập họp nửa đêm để chuyển trại hay khám xét trong các trại cải tạo là nỗi ám ảnh hãi hùng.

Nói rằng hậu kiết cũng đúng phần nào nhưng nếu cho làm lại từ đầu thì chắc chắn mấy thanh niên du học Mỹ năm xưa sẽ nghe lời các anh sinh viên không quen là thà hy sinh ở lại làm di dân không giấy tờ chứ không về nước - cho dù phải mang tội đào ngũ với nhiều khả năng ra tòa quân sự. Nhưng mà đến tháng Tư, 1975 từ cấp lớn đến nhỏ cũng rủ nhu đào ngũ đấy thôi.

Tuesday, October 1, 2019

Trở Lại ‘Nam’

Đức Hà
SAI GON, Vietnam – Đây là lần thứ nhiều lắm tôi trở lại Việt Nam, nhưng điều kỳ lạ là mỗi khi phi cơ hạ bánh đáp xuống đường băng sân bay Tân Sơn Nhứt quen thuộc đến nhàm chán, thì lòng tôi lại háo hức hệt như Thanh Tịnh:
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của ngày phải (đành) bỏ lại quê hương.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác vừa ngậm ngùi vừa vui ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em hàng xóm rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến (phi) trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường (Công Lý) dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi Mỹ.”
Đó là chuyện cách nay đã gần 20 năm với lời tự hứa chẳng muốn và cũng chẳng có cơ hội trở về. Ấy vậy mà run rủi đưa đẩy – lòng muốn không bằng Trời muốn, tôi đã có dịp vượt biển Thái Bình Dương trở lại nhiều lần hơn mình tưởng. Lần này, tháng Tám năm nay, tôi trở lại Nam với một “sứ mệnh” – sẽ trở lại chuyện này ở phần sau.

Trên Trời – Mười mấy tiếng đồng hồ trên trời cùng với trên dưới 300 hành khách, tôi cũng phát hiện vài điều vui. Chẳng hạn sau khi máy bay cất cánh khoảng một giờ (ba giờ sáng giờ Cali) thì đúng ra mọi người phải ngủ say, nếu không làm những việc linh tinh khác trên giường thì các tiếp viên bật đèn sáng choang trong khoang phi cơ, đánh thức mọi người và dọn ăn. Thay vì lắc đầu ngủ tiếp, đằng này hầu như mọi người đều ăn uống nhiệt tình và vô tư, kể cả tôi: 3 AM. Chuyện thứ hai kể ra đây để mọi người học tập và rút kinh nghiệm là hàng ghế bên trái tôi có ba mẹ con. Sau khi ăn xong, bà mẹ lấy trong bị để dưới chân ra một túi ny-lông, bên trong thấy có son phấn, một ống kem đánh răng và một bàn chải.­­­­ Và cứ thế lần lượt từng người, con trai, con gái và sau cùng người mẹ cùng đi đánh răng với duy nhứt cái bàn chải đỏ hiệu Colgate. Kể ra cũng tiện và tiết kiệm phải không? Đi chơi xa nguyên gia đình thì xài chung một khăn, một bàn chải, một phòng khách sạn nào có sao. Chẳng chết thằng vi trùng nào.
Dưới Đất – Taipei đón chào bằng 80 độ F, Tân Sơn Nhứt cũng chẳng kém: 90 F. Nhưng mọi người, nhiều người dường như vẫn sống, vẫn thi đua, vẫn phấn đấu mỗi ngày như mọi ngày trong bụi bặm, khói xe, tiếng còi inh tai bất tận. Bước ra khỏi cánh cửa kính của khu kiểm tra hành lí sân bay người ta thấy ngay sức sống như vũ bão của người dân Sài Gòn. Kẻ đón, người chào, rừng người, vòng tay ôm thắm thiết, bó hoa nồng nàn, taxi, xe nhà, xe khách trong bát nháo hỗn tạp … ấy vậy rồi đâu cũng vào đấy. Người ở xa về, người nhà ra đón cuối cùng cũng gặp nhau trong hoan hỉ và dĩ nhiên không thể thiếu những tiếng chửi thề thân quen. Rõ ràng Rồng Việt Nam đang cất cánh, nhưng Bill Hayton lại không mấy tin và ông viết thành sách Vietnam: Rising Dragon. Nhưng thôi chuyện rồng cất cánh, cọp Châu Á hãy để nhà nước lo.

Sứ Mệnh – Trong dự án báo chí Vietnam Reporting Project có 15 nhà báo thuộc đa chủng được trung tâm Renaissance Journalism Center tuyển chọn với sứ mệnh đào sâu nghiên cứu và phổ biến những thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau về tác hại của chất Da Cam vào môi trường và sức khỏe con người. Số phóng viên từ kỳ cựu đến giáo sư, sinh viên khoa báo chí sẽ dùng hình ảnh, phim video, bài phát thanh, bài phóng sự kể cả blog trên báo in, báo điện tử để vẽ lại toàn cảnh bức tranh Da Cam kinh hoàng mà có đến 20 triệu gallons hóa chất diệt cỏ này được rải trong thời chiến ở Việt Nam. Trong những ngày sắp tới đây, tôi sẽ gặp những con người phải sống với chân tay co quắp, sọ não phồng to, mắt lồi như mắt cá, miếng méo xệch, bước đi khập khiễn … trong một đất nước hòa bình. Đúng vậy chiến tranh đã đi vào quá khứ từ 35 năm nay nhưng dư âm vẫn còn ám ảnh dữ dội trên vài triệu con người bất hạnh đang sống chung với dioxin. Và khiếp đảm hơn nữa khi biết rằng tác hại sẽ còn kéo dài sang nhiều thế hệ khác. Công việc của tôi là một người Da Vàng viết về những người Da Vàng khác và chất Da Cam trong một đất nước đang vươn ra biển lớn.
  

Sunday, September 22, 2019

Thẻ Xanh Cho Diện P.I.P.


Đức Hà
Việt Mercury

Chị Nguyễn Mai Hoa và chồng Đặng Ngọc Sương cùng ba người con được xem là trúng số khi may mắn được di dân đến Mỹ qua một chương trình xổ số Diversity Lottery của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 1992. Tuy nhiên tấm vé số nhiều may mắn đi Mỹ đó lại trở thành không may khi chị và gia đình được xếp vào diện P.I.P. sau khi đến Mỹ.
“Từ 12 năm nay gia đình chúng tôi chỉ mong làm sao điều chỉnh được tình trạng di trú,” chị Hoa cho biết.

Sự nôn nóng và chờ đợi từ nhiều năm nay của gia đình chị Hoa cũng như của hàng chục ngàn người Việt đến Mỹ theo diện P.I.P. cùng với người Lào và Kampuchia sẽ được giải đáp thỏa đáng theo luật PL 106-429 ký ban hành dưới thời Tổng Thống Clinton nhưng chỉ thực sự có hiệu lực từ cuối tháng Mười Hai vừa qua.
Thật vậy, chỉ ba tuần sau khi giáo sư Đinh Việt, phụ tá bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ loan báo trong phiên họp hồi tháng Mười Hai tại San Jose rằng di dân diện P.I.P. tức Public Interest Parole có thể làm thủ tục để xin thẻ xanh nay mai thì Sở Di Trú Hoa Kỳ cho phổ biến văn thư chi tiết về vấn đề này.

Bà Sharon Rummer, giám đốc giao tế của Sở Di Trú San Francisco phát biểu:
“Quy định mới sẽ điều chỉnh tình trạng di trú cho khoảng 5,000 người đến Mỹ trước ngày 1 tháng Mười, 1997 và chỉ dành riêng cho di dân đến từ Việt Nam, Kampuchia và Lào qua ba chương trình ra đi có trật tự: ODP hoặc từ các trại tị nạn vùng Đông Á hay trại tị nạn do cơ quan HCR Thái Lan điều hành.”
Bà Rummer nhấn mạnh rằng vì INS xét duyệt từng hồ sơ nên những di dân có án có thể sẽ không hội đủ điều kiện để được cấp quy chế thường trú nhân. Bà không cho biết tổng số di dân diện P.I.P. hội đủ điều kiện nhưng ông Lê Minh Hải, thuộc cơ sở dịch vụ di trú Robert Mullins International ở San Jose, ước đoán có khoảng 40,000 người Việt nằm trong diện này.
“Chúng tôi áng chừng có khoảng 40,000 người di dân gốc Việt đến Mỹ theo diện P.I.P. và cho đến nay có thể phân nửa tức 20,000 đã có thẻ xanh; vậy chỉ còn khoảng 20,000 vẫn chờ để được cứu xét.”

Di dân Việt đến Mỹ theo diện P.I.P. nằm trong ba trường hợp: con độc thân trong gia đình được “ăn theo” khi cha mẹ di dân sang Mỹ do anh hoặc chị bảo lãnh; cựu nhân viên sở Mỹ không được hưởng quy chế tị nạn và trường hợp thứ ba là đi Mỹ nhưng không có thân nhân đủ điều kiện bảo lãnh. Nhưng sau khi đến Mỹ thì những di dân P.I.P. này hầu như không thể điều chỉnh tình trạng di trú của mình ngoại trừ thành hôn với người có quốc tịch hoặc đợi đến thời gian đáo hạn - có thể kéo dài từ ít nhứt tám năm (khi cha mẹ bảo lãnh lại cho con) đến 12 năm (anh/chị bảo lãnh lại cho em.)
Bên cạnh đó, quy chế ngặt nghèo của diện P.I.P. mà nhiều người cho rằng đây là những công dân “hạng hai” vì có thể bị trả về nguyên quán nếu phạm pháp.
“Ngoài việc đóng thuế lợi tức như mọi thường trú nhân, diện P.I.P. không được tính thời gian thâm niên cư trú tại Mỹ, phải xin giấy phép đặc biệt nếu muốn ra khỏi Mỹ và nhiều điều ràng buộc khác,” ông Hải nói.

Và điều trở ngại lớn nhứt cho diện P.I.P. là thẻ đi làm tức giấy working permit.
Chị Hoa kể lại về cách thức xin gia hạn thẻ làm việc:
“Vì thẻ làm việc chỉ có giá trị từng năm nên mỗi năm lại phải đến xếp hàng chờ đợi tại INS để xin gia hạn; có khi phải đem chăn mền ra đó chực từ 11 giờ đêm hôm trước để sáng hôm sau INS mở cửa lúc 8 giờ thì lấy số vào làm việc với nhân viên INS. Ít ra cũng đến 12 giờ trưa mới xong. Thiệt là cực, chưa kể phải trả lệ phí đến 120 đô la.”
Chị còn nói rằng vì tình trạng P.I.P., ba người con và chồng chị không thể xin những việc làm đòi hỏi phải có thẻ xanh hoặc có quốc tịch. Với anh Nguyễn Văn Khi, 33 tuổi, một chuyên viên bảo trì xe hơi tại San Jose thì trở ngại chính của năm anh chị em trong gia đình khi đến Mỹ theo diện P.I.P. là không có ai bảo lãnh sau khi người cha qua đời.
“Sau khi đến Mỹ theo diện P.I.P. năm 1994 thì năm anh chị em trong gia đình mới nhờ cha ruột làm bảo lãnh trở lại để chúng tôi có được thẻ xanh; nhưng chưa đủ thời gian đáo hạn là tám năm thì ba tôi qua đời thế là hồ sơ coi như xù.”

Vận Động

Vì những khó khăn của di dân diện P.I.P. khi muốn hội nhập vào xã hội Mỹ, nên qua sự vận động của nhiều cá nhân, hội đoàn Việt Nam với các đại diện dân cử Hoa Kỳ và hồi gần đây cả với ông Đinh Việt, phụ tá bộ trưởng tư pháp, luật sửa đổi quy chế P.I.P. cho các sắc dân Việt, Kampuchia và Lào mới thành hình qua luật PL 106-429 ký ngày 6 tháng Mười Một, 2000, trong đó chỉ ghi rằng Bộ Trưởng Tư Pháp được quyền điều chỉnh quy chế di trú cho những người đến Mỹ trước ngày 1 tháng Mười, 1997 với tổng số không quá 5,000 người và sẽ được cứu xét theo từng trường hợp một.
Đó cũng chỉ là tin mừng đầu tiên cho di dân diện P.I.P. và phải mãi đến cuối tháng Mười Hai vừa qua, Bộ Trưởng Tư Pháp John Ashcroft mới cụ thể hóa qua văn bản ký ngày 26 tháng Mười Hai, 2002 và INS ở Nebraska sẽ phụ trách xét duyệt đơn kể từ ngày 27 tháng Giêng, 2003.

Tuy văn thư nguyên thủy chỉ nói tối đa 5,000 được chuyển diện theo quy định mới nhưng INS có thể điều chỉnh lại con số này.
“Nếu có nhu cầu thì con số 5,000 người được cứu xét trong ba năm từ 2003 đến 2005 có thể được điều chỉnh,” ông Lê Minh Hải dẫn lời ông Đinh Việt tuyên bố trong phiên họp tại San Jose trước đây.
Tin mừng thứ hai được anh Nguyễn Văn Khi diễn tả một cách hùng hồn đầy hạnh phúc như sau:
“Bây giờ có lấy vợ cũng dễ dàng hơn.”
Thật vậy, tuy người ta vẫn nói tình yêu không biên giới nhưng để kết bạn trăm năm với một người diện P.I.P. thì có người lại tỏ ra ngần ngại.
“Năm anh chị em tôi chưa có ai lập gia đình, có lẽ một phần cũng vì chúng tôi là những công dân hạng hai không có gốc,” anh nói với niềm tin chắc rằng một khi có thẻ xanh anh sẽ kiếm được tình yêu dễ dàng hơn.
Tuy anh không cho biết sẽ kiếm tình yêu tại Mỹ hay tại Việt Nam vì với thẻ xanh trong tay, thường trú nhân có thể du lịch khắp thế giới kể cả Việt Nam mà việc trở lại Mỹ không thành vấn đề nữa.

Hầu như tất cả những người trả lời phỏng vấn của Việt Mercury đều nói rằng dù có thể xin giấy Advance Parole để du lịch và trở lại Mỹ trong thời gian quy định của INS nhưng chưa ai dám liều lĩnh cả.
“Chúng tôi rất muốn về thăm thân nhân còn ở Việt Nam nhưng vì thuộc diện P.I.P. nên chúng tôi rất ngại,” chị Hoa nói.

Thiết Lập Hồ Sơ

Không như những hồ sơ bảo lãnh hay điều chỉnh quy chế di trú phức tạp, hồ sơ xin chuyển diện từ P.I.P. qua thường trú rất đơn giản và không nhứt thiết phải qua trung gian một cơ sở dịch vụ hay luật sư di trú.
“Di dân diện P.I.P. có thể tham khảo hồ sơ với các cơ sở thiện nguyện tại địa phương, với văn phòng INS … để điền đơn đúng cách, bổ túc những giấy tờ cần thiết (số IV number, thẻ I-94 …) và nộp đủ lệ phí 305 đô la ($255 cho mẫu đơn I-485 và $50 lăn tay) không kể lệ phí khám sức khỏe theo mẫu I-693,” ông Hải cho biết.
Thêm vào đó, người diện P.I.P. sau khi có thẻ xanh có thể làm đơn xin nhập tịch ngay mà không phải chờ đợi đủ 5 năm như những người thuộc diện khác.
Có thể lấy mẫu đơn I-485 và I-693 tại địa chỉ www.ins.gov  hoặc  gọi số miễn phí 1-800-375-5283 của INS để biết thêm chi tiết.

          Bài viết được đăng trên Viet Mercury số 208 Ngày 17 tháng 01, 2003

Tuesday, May 21, 2019

Pho Tượng Đá ở Oakland


Đức Hà
My OneViet

OAKLAND - Làm sao có thể lý giải một tượng đá vô tri vô giác mua từ một cửa hàng xây dựng và đặt trên bãi cỏ tại một ngã ba đường lại có khả năng trừ tà ma và tệ nạn xã hội?
Đúng vậy tượng đá ở Oakland - thành phố được xếp hàng đầu về tội phạm và tội ác tại California, đã mang lại yên bình và tĩnh lặng cho khu phố đường số 11 và 19 ở Clinton.
Tuy nhiên đó lại là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.

Hãy nghe nhà báo Judy Silber kể trên trang mạng Public Radio International:
"Vào khoảng năm 2000, góc đường 19th Ave. và E. 11th là nơi ... tự do tự tiện đổ rác từ nệm cũ đến bàn ghế tủ giường, chưa kể đó còn là nơi tụ tập của băng đảng, xì ke chích choác, đĩ điếm hoành hành. Để bổ xung thêm cho hình ảnh đáng sợ đó là nạn trộm cắp, ẩu đả, cướp giựt, đập kiếng xe hơi, vẽ bậy và phóng uế. Bực mình đến cùng cực, ông Dan Stevenson, nhà đối diện với góc đường, hết lời kêu gào sự giúp đỡ của các cơ quan thành phố tự vệ sinh đến công lực. Thế nhưng đúng như người Việt hay nói ba bẩy 21 ngày đâu lại vào đó. Và khi thành phố lên đèn thì góc đường 19 & 11 lại là nơi tội ác gặp tội phạm."
Thật ra từ thời xa xưa không có tam giác này - mà cư dân địa phương gọi là "Ngã Ba Biên Giới," cho đến khi thành phố Oakland cho xây lên nhằm điều hành lưu thông tránh tai nạn khi đường 19 và 11 giao nhau. Tránh vỏ dưa gặp ngay vỏ dừa: khu tam giác trồng cỏ trở thành bãi rác công cộng.

Quá trình hình thành miếu thờ Phật ở Oakland
từ năm 2000 đến nay

Bà Siber viết tiếp là ông Dan Stevenson chẳng tôn thờ một tôn giáo nào nhưng vợ ông ta, bà Lu là một Phật tử. Bà ghé tiệm ACE Hardware gần đó và mua pho tượng Phật và đích thân người chồng đem để ngay trên bải cỏ nhỏ góc đường bên đối diện nhà. Đề phòng bị trộm lấy mất ông dùng keo dán chặt tượng với tảng đá. Ông Stevenson nói rằng nếu cần phải mang thêm tượng Chúa ra đó ông cũng sẵn sàng nếu điều đó mang lại khang trang sạch sẽ cho khu phố.
Cả hai ông bà Stevenson thú nhận rằng họ chẳng hy vọng gì nhiều khi làm điều đó. Lẽ nào một pho tượng đá có thể làm đổi thay lòng người, hay đẩy tà khí đi nơi khác.

Lạ lùng thay khi tượng Phật xuất hiện tại góc đường thì thiên hạ cũng ngưng xả rác và thay vào đó là hoa quả nhang đèn do các Phật tử đem tới thờ phượng. Rõ ràng có tia sáng hy vọng ở cuối đường hầm khi yên bình từ từ trở lại với khu phố. Ngay cả các "bướm đêm" cũng lần lượt bay đi nơi khác kiếm cơm. Ngay cả sở cảnh sát địa phương cũng không thể giải thích được nguyên nhân đầy huyền bí nhưng thống kê tội phạm trong khu vực giảm thiểu rõ rệt. Và hàng ngày đều đặn cứ 7 giờ sáng lại có Phật tử đến gõ mõ đánh chuông tụng niệm. Có hôm Phật tử - phần lớn là gốc Việt nhưng cũng có cả sắc dân trắng, đen, nâu ... với áo tràng lam đến trải chiếu làm lễ trước bàn thờ Phật. Rồi để tỏ lòng biết ơn ông Stevenson - người đầu tiên đưa tượng đá xuống đường, cư dân xóm trên lẫn xóm dưới thường xuyên mang quà đến để trước cửa nhà ông Stevenson. Ông nói với Chip Johnson báo SFGATE:
"Tôi giải thích với họ lý do tôi mang tượng Phật ra đó và nhấn mạnh rằng tôi không có niềm tin như họ; nhưng dường như đó không phải là điều họ quan tâm."

Tuy nhiên không phải ai cũng hân hoan phấn khởi với hành vi tự phát của cư dân ngoan đạo đường 19 và 11. Một kẻ vô danh bực bội với sự chuyển đổi tích cực của khu phố đã tìm cách bứng tượng đi nhưng bất thành vì ông Stevenson bôi thêm kéo dán và xuất tiền túi làm lồng sắt bảo vệ tượng. Đến 2012 thành phố - nhận được đơn thưa của cư dân bất bình với sự hiện diện của miếu thờ được xây dựng bất hợp pháp, quyết định cho lệnh giải tỏa. Vụ việc kéo dài đến hai năm để nghiên cứu rồi cũng bất thành. Tượng Phật vẫn còn đó, tiếng chuông mõ gõ vẫn vậy, nhang đèn vẫn tiếp tục tỏa hương thơm cùng hoa trái tươi mới rực rỡ.

Phật Tử Oakland

Vì Phật khg thể để trên bãi cỏ cạnh rách rưởi cùng chất thải chó mèo nên một người Việt, cư dân địa phương xin phép ông Stevenson được chăm sóc khu vườn nhỏ.
Ông Nguyễn Hùng cho biết: "Vợ chồng chúng tôi hàng ngày đến quét dọn, làm vệ sinh và nhang đèn, coi như tấm lòng công quả mong để đức cho con nhưng trong thâm tâm chúng tôi đều muốn đưa tượng lên một bệ đá. Để trên cỏ như vậy tội chết."
Tiếng đồn về tượng Phật linh thiêng lan nhanh khắp vùng. Người Hoa, người Việt cùng nhiều sắc dân khác không biết từ đâu bỗng nhiên cùng nhau chung sức, chung lòng và chung cả niềm tin. Và bệ đá thành hình, tượng đá được phủ lớp sơn mới. Hàng ngày họ thay phiên nhau đến làm vệ sinh, nhặt từng cọng lá, cọng rác và dâng cúng hoa quả. Từ bước khởi đầu đó một mái nhà nho nhỏ được dựng lên che nắng mưa cho Phật kể cả hệ thống solar lấy ánh sáng mặt trời chạy máy tụng kinh." Pháp Duyên Tự" thành hình và vì ở ngay Thung Lũng Điện Tử nên cũng góp mặt trên cả Facebook và Youtube.
Từ một mái nhà, lên hai mái, lên ba mái và một chái, tất cả đều được sơn vàng rực rỡ như những áo cà sa bậc tu hành. Chính điện là nơi để tượng Phật nguyên thủy, thấp hơn là bộ Tam Thánh: Bồ Tát Đại Thế Chí, Phật A Di Đà và Bồ Tát Quan Âm. Phật cũng được hai vị thần Hộ Pháp uy nghiêm bảo vệ.

Ông Nguyễn Hùng cho hay hàng năm cứ đến ngày Vu Lan và Phật Đản Tám tháng Tư đông đảo bà con Phật tử lại tụ tập trải chiếu trước bàn thờ tụng niệm cho quốc thái dân an.
Câu chuyện về pho tượng Phật linh thiêng thuộc về tín ngưỡng và niềm tin rõ ràng không thể giải thích được nhưng sự thật vẫn là sự thật. Chỉ cần rời đường 19 xuống tới đường 12 - không đầy ba phút lái xe thì không biết liệu có ai dám đi ngang khi màn đêm buông xuống chăng.