Đức Hà
Việt Mercury
Chị Nguyễn Mai Hoa và chồng Đặng Ngọc Sương cùng ba người con
được xem là trúng số khi may mắn được di dân đến Mỹ qua một chương trình xổ số
Diversity Lottery của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 1992. Tuy nhiên tấm vé số nhiều
may mắn đi Mỹ đó lại trở thành không may khi chị và gia đình được xếp vào diện
P.I.P. sau khi đến Mỹ.
“Từ 12 năm nay gia đình chúng tôi chỉ mong làm sao điều
chỉnh được tình trạng di trú,” chị Hoa cho biết.
Sự nôn nóng và chờ đợi từ nhiều năm nay của gia đình chị Hoa
cũng như của hàng chục ngàn người Việt đến Mỹ theo diện P.I.P. cùng với người
Lào và Kampuchia sẽ được giải đáp thỏa đáng theo luật PL 106-429 ký ban hành
dưới thời Tổng Thống Clinton nhưng chỉ thực sự có hiệu lực từ cuối tháng Mười
Hai vừa qua.
Thật vậy, chỉ ba tuần sau khi giáo sư Đinh Việt, phụ tá bộ
trưởng tư pháp Hoa Kỳ loan báo trong phiên họp hồi tháng Mười Hai tại San Jose
rằng di dân diện P.I.P. tức Public Interest Parole có thể làm thủ tục để xin
thẻ xanh nay mai thì Sở Di Trú Hoa Kỳ cho phổ biến văn thư chi tiết về vấn đề
này.
Bà Sharon Rummer, giám đốc giao tế của Sở Di Trú San
Francisco phát biểu:
“Quy định mới sẽ điều chỉnh tình trạng di trú cho khoảng
5,000 người đến Mỹ trước ngày 1 tháng Mười, 1997 và chỉ dành riêng cho di dân
đến từ Việt Nam, Kampuchia và Lào qua ba chương trình ra đi có trật tự: ODP
hoặc từ các trại tị nạn vùng Đông Á hay trại tị nạn do cơ quan HCR Thái Lan
điều hành.”
Bà Rummer nhấn mạnh rằng vì INS xét duyệt từng hồ sơ nên
những di dân có án có thể sẽ không hội đủ điều kiện để được cấp quy chế thường
trú nhân. Bà không cho biết tổng số di dân diện P.I.P. hội đủ điều kiện nhưng
ông Lê Minh Hải, thuộc cơ sở dịch vụ di trú Robert Mullins International ở San
Jose, ước đoán có khoảng 40,000 người Việt nằm trong diện này.
“Chúng tôi áng chừng có khoảng 40,000 người di dân gốc Việt
đến Mỹ theo diện P.I.P. và cho đến nay có thể phân nửa tức 20,000 đã có thẻ
xanh; vậy chỉ còn khoảng 20,000 vẫn chờ để được cứu xét.”
Di dân Việt đến Mỹ theo diện P.I.P. nằm trong ba trường hợp:
con độc thân trong gia đình được “ăn theo” khi cha mẹ di dân sang Mỹ do anh
hoặc chị bảo lãnh; cựu nhân viên sở Mỹ không được hưởng quy chế tị nạn và
trường hợp thứ ba là đi Mỹ nhưng không có thân nhân đủ điều kiện bảo lãnh.
Nhưng sau khi đến Mỹ thì những di dân P.I.P. này hầu như không thể điều chỉnh
tình trạng di trú của mình ngoại trừ thành hôn với người có quốc tịch hoặc đợi
đến thời gian đáo hạn - có thể kéo dài từ ít nhứt tám năm (khi cha mẹ bảo lãnh
lại cho con) đến 12 năm (anh/chị bảo lãnh lại cho em.)
Bên cạnh đó, quy chế ngặt nghèo của diện P.I.P. mà nhiều
người cho rằng đây là những công dân “hạng hai” vì có thể bị trả về nguyên quán
nếu phạm pháp.
“Ngoài việc đóng thuế lợi tức như mọi thường trú nhân, diện
P.I.P. không được tính thời gian thâm niên cư trú tại Mỹ, phải xin giấy phép
đặc biệt nếu muốn ra khỏi Mỹ và nhiều điều ràng buộc khác,” ông Hải nói.
Và điều trở ngại lớn nhứt cho diện P.I.P. là thẻ đi làm tức
giấy working permit.
Chị Hoa kể lại về cách thức xin gia hạn thẻ làm việc:
“Vì thẻ làm việc chỉ có giá trị từng năm nên mỗi năm lại phải
đến xếp hàng chờ đợi tại INS để xin gia hạn; có khi phải đem chăn mền ra đó
chực từ 11 giờ đêm hôm trước để sáng hôm sau INS mở cửa lúc 8 giờ thì lấy số
vào làm việc với nhân viên INS. Ít ra cũng đến 12 giờ trưa mới xong. Thiệt là
cực, chưa kể phải trả lệ phí đến 120 đô la.”
Chị còn nói rằng vì tình trạng P.I.P., ba người con và chồng
chị không thể xin những việc làm đòi hỏi phải có thẻ xanh hoặc có quốc tịch.
Với anh Nguyễn Văn Khi, 33 tuổi, một chuyên viên bảo trì xe hơi tại San Jose
thì trở ngại chính của năm anh chị em trong gia đình khi đến Mỹ theo diện
P.I.P. là không có ai bảo lãnh sau khi người cha qua đời.
“Sau khi đến Mỹ theo diện P.I.P. năm 1994 thì năm anh chị em
trong gia đình mới nhờ cha ruột làm bảo lãnh trở lại để chúng tôi có được thẻ
xanh; nhưng chưa đủ thời gian đáo hạn là tám năm thì ba tôi qua đời thế là hồ
sơ coi như xù.”
Vận Động
Vì những khó khăn của di dân diện P.I.P. khi muốn hội nhập
vào xã hội Mỹ, nên qua sự vận động của nhiều cá nhân, hội đoàn Việt Nam với các
đại diện dân cử Hoa Kỳ và hồi gần đây cả với ông Đinh Việt, phụ tá bộ trưởng tư
pháp, luật sửa đổi quy chế P.I.P. cho các sắc dân Việt, Kampuchia và Lào mới
thành hình qua luật PL 106-429 ký ngày 6 tháng Mười Một, 2000, trong đó chỉ ghi
rằng Bộ Trưởng Tư Pháp được quyền điều chỉnh quy chế di trú cho những người đến
Mỹ trước ngày 1 tháng Mười, 1997 với tổng số không quá 5,000 người và sẽ được
cứu xét theo từng trường hợp một.
Đó cũng chỉ là tin mừng đầu tiên cho di dân diện P.I.P. và
phải mãi đến cuối tháng Mười Hai vừa qua, Bộ Trưởng Tư Pháp John Ashcroft mới
cụ thể hóa qua văn bản ký ngày 26 tháng Mười Hai, 2002 và INS ở Nebraska sẽ phụ
trách xét duyệt đơn kể từ ngày 27 tháng Giêng, 2003.
Tuy văn thư nguyên thủy chỉ nói tối đa 5,000 được chuyển
diện theo quy định mới nhưng INS có thể điều chỉnh lại con số này.
“Nếu có nhu cầu thì con số 5,000 người được cứu xét trong ba
năm từ 2003 đến 2005 có thể được điều chỉnh,” ông Lê Minh Hải dẫn lời ông Đinh
Việt tuyên bố trong phiên họp tại San Jose trước đây.
Tin mừng thứ hai được anh Nguyễn Văn Khi diễn tả một cách
hùng hồn đầy hạnh phúc như sau:
“Bây giờ có lấy vợ cũng dễ dàng hơn.”
Thật vậy, tuy người ta vẫn nói tình yêu không biên giới
nhưng để kết bạn trăm năm với một người diện P.I.P. thì có người lại tỏ ra ngần
ngại.
“Năm anh chị em tôi chưa có ai lập gia đình, có lẽ một phần
cũng vì chúng tôi là những công dân hạng hai không có gốc,” anh nói với niềm
tin chắc rằng một khi có thẻ xanh anh sẽ kiếm được tình yêu dễ dàng hơn.
Tuy anh không cho biết sẽ kiếm tình yêu tại Mỹ hay tại Việt Nam vì với thẻ xanh trong tay, thường trú nhân
có thể du lịch khắp thế giới kể cả Việt Nam mà việc trở lại Mỹ không thành
vấn đề nữa.
Hầu như tất cả những người trả lời phỏng vấn của Việt
Mercury đều nói rằng dù có thể xin giấy Advance Parole để du lịch và trở lại Mỹ
trong thời gian quy định của INS nhưng chưa ai dám liều lĩnh cả.
“Chúng tôi rất muốn về thăm thân nhân còn ở Việt Nam nhưng vì
thuộc diện P.I.P. nên chúng tôi rất ngại,” chị Hoa nói.
Thiết Lập Hồ Sơ
Không như những hồ sơ bảo lãnh hay điều chỉnh quy chế di trú
phức tạp, hồ sơ xin chuyển diện từ P.I.P. qua thường trú rất đơn giản và không
nhứt thiết phải qua trung gian một cơ sở dịch vụ hay luật sư di trú.
“Di dân diện P.I.P. có thể tham khảo hồ sơ với các cơ sở
thiện nguyện tại địa phương, với văn phòng INS … để điền đơn đúng cách, bổ túc
những giấy tờ cần thiết (số IV number, thẻ I-94 …) và nộp đủ lệ phí 305 đô la
($255 cho mẫu đơn I-485 và $50 lăn tay) không kể lệ phí khám sức khỏe theo mẫu
I-693,” ông Hải cho biết.
Thêm vào đó, người diện P.I.P. sau khi có thẻ xanh có thể
làm đơn xin nhập tịch ngay mà không phải chờ đợi đủ 5 năm như những người thuộc
diện khác.
Có thể lấy mẫu đơn I-485 và I-693 tại địa chỉ
www.ins.gov hoặc gọi số miễn phí 1-800-375-5283 của INS để
biết thêm chi tiết.
Bài viết được đăng trên Viet Mercury số 208 Ngày 17 tháng 01, 2003
No comments:
Post a Comment