Wednesday, December 31, 2014

Vấn Đề Mỡ Cá



Bác Sĩ Vũ Quý Đài

Hồi thập niên 70, người ta nhận ra rằng đám ngư dân Esquimo cũng như Nhật Bản ít khi bị bệnh động mạch vành ở tim, nên rất ít bị chứng đứng tim. Từ đó đến nay, có thêm nhiều bằng chứng cho thấy là trong mỡ cá có nhiều chất béo gọi là omega-3. Chất này thẩm nhập vào tế bào cơ tim, giúp cho tim đỡ bị loạn nhịp, mà loạn nhịp là đầu mối khiến
cho cơ tim vì thiếu dưỡng khí mà ngưng đập. Chất béo omega-3 cũng làm hạ bớt chất mỡ “triglyceride” trong máu, mà chất triglyceride là một thứ gây rủi ro bệnh tim mạch. Ngoài ra, chất béo omega-3 cũng làm cho máu khó đông hơn, làm cho mạch máu hoạt động tốt và giảm hiện tượng viêm, tất cả đều giảm bớt rủi ro bệnh động mạch vành ở tim.


Một Vài Kết Quả Thống Kê

Tập san của Hội Y Sĩ Hoa Kỳ (Journal of the American Medical Association) năm 1998 công bố kết quả theo dõi 20,000 bác sĩ Mỹ, tuổi từ 40 đến 84, tất cả không có bệnh tim mạch. Sau 11 năm, thì thấy số người có ăn cá ít ra mỗi tuần một lần, giảm nguy cơ chết bất đắc kỳ tử vì đứng tim được một nửa, so với số người ăn cá mỗi tháng không được một lần. Nếu kể chết đột ngột vì bất cứ bệnh gì khác, thì giảm được 28%. Năm 2002, cũng trong tập san đó, có kết quả theo dõi 84,000 nữ y tá tuổi từ 34 đến 59, không có bệnh tim. Sau 16 năm, so sánh những người có ăn cá 5 lần một tuần (hay nhiều hơn) với những người ăn không tới một lần một tháng. Những người ăn nhiều cá thuộc nhóm thứ nhất, giảm tử vong vì đứng tim được 44%.

Gần đây hơn, có bài trong Tập San Dinh Dưỡng Hoa Kỳ, nghiên cứu hồ sơ của 54 người bị chết vị bệnh động mạch vành của tim (phần lớn vì bị đứng tim). Coi lại lượng acid béo omega-3 trong máu của họ hồi hai năm về trước, so sánh với người bình thường. Kết quả cho thấy, là những người chết vì đứng tim, phần lớn là có độ omega-3 thấp hơn người
thường. Người ta còn nhận thấy là, trong số những acid béo omega-3, thì hai chất EPA và DHA thấy ở cá và một số hải sản, có vai trò giảm nguy cơ đứng tim, còn ảnh hưởng của ALA là thứ acid béo omega-3 từ thực vật thì không rõ rệt.

Chọn Cá

Những thứ cá có nhiều chất béo omega-3 là những loại cá béo, nhất là ba thứ cá hồi (salmon), sardine và mackerel. Kế đến là cá lưỡi trâu (halibut), cá thu, cá trout, các loại nghêu, sò, tôm, cua. Cá catfish thuộc loại có ít EPA và DHA, các thứ cá thật là nạc (ăn thấy bùi bùi, ít mỡ) cũng vậy.
Người Mỹ trung bình ăn cá mỗi tháng ba lần (hiểu là mỗi lần một phần cá, chừng một khứa cá to). Hội Tim Hoa Kỳ (American Heart Association) khuyên mọi người nên ăn cá tuần hai lần. Nếu có bệnh động mạch vành ở tim, thì nên ăn cá nhiều hơn. Nếu thử máu thấy chất béo triglyceride bị cao, lại cần ăn cá nhiều hơn nữa.
Cá nấu nướng như thế nào cũng rất quan trọng. Năm 2003, tờ báo Tuần Hoàn (Circulation), một tờ báo chuyên khoa tim mạch uy tín của Mỹ có đăng kết quả một
cuộc khảo cứu cho thấy là chiên cá làm giảm ảnh hưởng tốt cho tim. Người ta xem xét 4,000 người tuổi từ 65 trở lên, không có bệnh tim, coi họ ăn những loại hải sản nào và nấu nướng ra sao. Theo dõi trong vòng chín năm, thì thấy những người hay ăn cá hấp và nướng giảm độ tử vong vì bệnh tim được chừng một nửa. Nếu ăn cá chiên, thì độ tử vong
cũng tương tự như người ít ăn cá

Ngộ Độc Chì

Có người sợ ăn cá nhiều sẽ bị nhiễm chất chì, cũng như một số chất khác như dioxin, PCB. Trong một số trường hợp, đó có thể là mối quan ngại đối với con nít và người trẻ tuổi. Tuy vậy, Hội Tim Hoa Kỳ cho rằng, đối với người đứng tuổi và người già, thì nếu ăn nhiều cá, cái lợi vẫn hơn hẳn cái hại. Muốn tránh bớt bị nhiễm các chất độc như chì, thì nên thay đổi, ăn nhiều thứ cá khác nhau, và từ nguồn gốc khác nhau, như cá biển, cá
sông, cá nuôi, v.v. Tránh những loại cá sống lâu, như cá mập, cá đuối... vì chúng tích tụ ô nhiễm theo thời gian. Cá thu tươi nhiễm chì nhiều hơn cá thu hộp. Cá hồi nuôi, bị nhiễm PCB nhiều hơn là cá hồi câu ngoài thiên nhiên.

Trẻ sơ sinh và thai trong bụng mẹ đặc biệt nhạy cảm với các chất độc nếu có ở trong cá. Sở Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ nói là các bà mẹ mang thai hay là cho con bú, nếu thỉnh thoảng ăn một vài khứa cá thì đứa con cũng vẫn an toàn.

Viên Thuốc Dầu Cá

Các cụ lớn tuổi hẳn còn nhớ hồi nhỏ, dầu gan cá thu (huile de foie de morue) rót ra cái thìa (muỗng), rồi nhắm mắt nhắm mũi mà uống mỗi ngày “cho nó bổ.” Về sau thì có những viên dầu cá dễ uống hơn, nhưng vẫn có thể bị xông lên mùi cá. Các viên dầu cá trên thị trường Mỹ hiện nay cũng kể là tốt, vì có đầy đủ EPA và DHA như ghi trên nhãn, mà lại không bị nhiễm các chất độc. Thế nhưng lợi hại của viên dầu cá về lâu về dài chưa được nghiên cứu kỹ càng. Dùng quá 3,000 mg dầu cá một ngày có thể ảnh hưởng vào vấn đề máu đông, có khi bị chảy máu nội tạng.

                                                       Bài được đăng trên tuần báo Việt Mercury 03/10/2004






Saturday, December 13, 2014

Chi Phí Cho Một Chuyến Công Tác



Đức Hà

Hàng ngày xem tin tức trên truyền hình hay đọc báo, độc giả thường được nghe phóng viên chấm dứt bài tường trình bằng câu: "I'm XXXX, with the President in Asia - đại ý muốn nói tôi là phóng viên XXXX tháp tùng chuyến công du của Tổng Thống sang Châu Á."
Người ngoài cuộc xem tin chỉ biết có vậy. Thật sự thì đằng sau một chuyến công tác với lãnh đạo là cả một quá trình phối hợp nhiêu khê, nhịp nhàng và rất tốn kém. Nhà báo Andrew Siddons của nhật báo New York Times, trong trang TheUpshot lần đầu tiết lộ những chi tiết thú vị về chuyến đi của một phóng viên cùng với Tổng Thống đến Bắc Kinh, Myanmar và Australia trong chín ngày hồi tháng 11 vừa qua.

Air Force One in Beijing, China, Nov. 10, 2014. 
(White House Photo by Chuck Kennedy)
Chi Phí

Andrew Siddons cho biết khi công cán nước ngoài, Tòa Bạch Ốc thường cho thuê bao một phi cơ riêng để chuyên chở toàn bộ nhóm phóng viên truyền hình, phát thanh và báo in. Đôi khi phóng viên may mắn lại được xếp cho đi cùng trên chiếc Air Force One với đoàn tùy tùng của tổng thống. Tuy nhiên cho dù đi bằng phương tiện nào (máy bay thuê bao hay Air Force One) phóng viên tức các tòa soạn đều phải chia nhau phí tổn. Nêu thí dụ về chuyến đi ba nuớc Trung Quốc, Myanmar và Australia mới đây, báo New York Times đã phải chi trả $92,111 khi cử một phóng viên đi cùng, trong khi ước tính trước đó chỉ không quá $60,000 (gần bằng một năm lương của phóng viên.) Và đó là chưa kể công tác phí ít nhất cũng $200/ngày.
Ông Siddons giải thích về sự khác biệt giữa con số dự phóng với số tiền phải trả thật sự là vì ngân sách của các báo ngày càng bị cắt giảm, và nhiều tòa soạn không cử người đi nữa và chỉ ngồi nhà mua tin - của hãng tin AP chẳng hạn; vì vậy khi tổng chi phí cao, số người tham gia giảm bớt, số tiền chia ra tức phải tăng ... đột biến.
Vậy làm thế nào để có thể giảm bớt khoản chi mà vẫn cô-vơ được toàn bộ tin tức của chuyến đi quan trọng của người đứng đầu nước Mỹ? Báo New York Times thử hạch toán như sau: mua vé trên máy bay thương mại, thuê khách sạn, ăn uống, taxi ... nghĩa la tự lo tất cả mọi chi phí cho chuyến công tác từ A đến Z thay vì thông qua Tòa Bạch Ốc.

Bắc Kinh

Tổng thống rời D.C đêm thứ Bẩy 08 tháng 11 - lẽ dĩ nhiên bằng Air Force One, để kịp đến Bắc Kinh sáng thứ Hai. Phóng viên tự túc có thể đáp chuyến bay thẳng từ sân bay Washington Dulles ngay chiều thứ Bẩy và sau 14 giờ trên không sẽ đến Bắc Kinh chiều Chúa Nhật, dư thời gian để nghỉ ngơi, ngủ bù trước khi bắt tay vào việc sáng thứ Hai - cùng lúc khi phi cơ của tổng thống đáp. Ai từng đi Châu Á hay Châu Âu đều bị tình trạng jet lag tức khi bay qua nhiều múi giờ sẽ làm đồng hồ sinh học của cơ thể bị xáo trộn, dẫn đến mệt mỏi, mất ngủ ... các lãnh tụ thường ngủ trên phi cơ nên khi vừa xuống đất có thể ngồi vào bàn thảo luận ngay.
Báo New York Times lên kế hoạch nếu bay bằng United cất cánh trưa thứ Bẩy lúc 12:25 và đến Bắc Kinh 3:40PM Chúa Nhật, giá vé hạng tiết kiệm là $943. Nếu đi bằng Air China vé chỉ còn $762 khởi hành 4:00 giờ chiều thứ Bẩy, đến Trung Quốc 6:40 chiều Chúa Nhật. Chặng đầu coi như ổn và rẻ và phóng viên được nghỉ ngơi đôi chút ở trạm đến là Bắc Kinh.

Myanmar

Sau ba ngày làm việc với giới chức Trung Quốc, đoàn của tổng thống chuyển đến Myanmar (Miến Điện). Air Force One khởi hành lúc 4:05 ngày thứ Tư đến Naypyidaw, Myanmar lúc 7:27 tối và tham gia dạ yến vào khoảng 8:00PM với các lãnh đạo Miến Điện.

Với phóng viên bay tự túc vấn đề không đơn giản. Để có thể đến Naypyidaw - thủ đô của Miến Điện kịp thời gian, phóng viên chỉ có cách bay Thai Airways từ Bắc Kinh lúc 6:50 sáng, ghé Bangkok đợi sáu giờ chuyển tiếp và đáp sân bay Miến Điện vừa kịp khi Air Force One của tổng thống đến. Nhưng trước khi rời Bắc Kinh, lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ - Trung Quốc có cuộc họp báo chung, nếu phóng viên lại bay vào 6:50AM thì coi như bỏ cuộc họp báo và thông cáo chung - điều không thể làm được.

Phương án thứ hai: bỏ làm tin về buổi dạ yến ở Naypyidaw và bay thẳng Bắc Kinh - Yangon hoặc đợi qua thứ Năm mới đến Naypyidaw và bay tiếp đến Yangon vào thứ Sáu. Điều này bất khả thi vì thứ nhất không có chuyến bay nào với phi trình như vậy và khi đến Yangon vào thứ Sáu thì mọi chuyện đã hạ màn chẳng còn gì để làm tin nữa.

Phương án ba: New York Times có nhiều phóng viên đồn trú tại Hong Kong. Gởi một người từ Hong Kong đi phụ trách mảng Myanmar phí tổn khoảng $1,900, tương đối an toàn nhất.

Australia

Theo lịch làm việc, Tổng Thống Mỹ rời Naypyidaw để đến cuộc họp tại Yangon, kể cả cuộc gặp quan trọng với lãnh tụ đối lập Daw Aung San Suu Kyi. Sau cùng ông sẽ bay đêm đến Úc.

Phóng viên tự biên tự diễn đi từ Naypyidaw đến Yangon có thể đi bằng xe lửa. Vé giường nằm hạng nhất chỉ có 12 đô, phóng viên sẽ đến Yangon lúc 5:00AM sáng thứ Sáu. Dư giờ để tham quan Yangon đôi chút trước khi bắt tay vào việc. Phần này như nói bên trên do phóng viên từ Hong Kong đảm trách (phương án ba) nên phóng viên từ Mỹ sang Bắc Kinh có thể nghỉ ngơi rồi bay thẳng sang Brisbane, Úc. Giá vé $864 với chặng dừng chân ở Hong Kong.

Sau khi kết thúc công du Úc, Air Force One sẽ đưa Tổng Thống về lại Washington D.C,  đêm Chúa Nhật với chặng dừng ngắn ở Hawaii để lấy nhiên liệu.
Phóng viên không đi với đoàn sẽ rời Brisbane sáng Chúa Nhật lúc 11:25AM, đổi máy bay hai lần ở Sydney và Los Angeles, cuối cùng đáp D.C. lúc 8:15PM tối Chúa Nhật, giá vé $1,568. Rõ ràng là đi riêng lẻ rẻ hơn nhiều. Gấp bội.

Kết Luận

Tính tổng chi phí cao nhất với hai phóng viên đi công tác (một từ Mỹ, một từ Hong Kong) vào khoảng $5,287. Ông Andrew Siddons cho hay khi chọn kịch bản này thì phải nhớ rằng lúc đề cử một người từ Hong Kong đi Myanmar, tức văn phòng đại diện báo NYT Hong Kong hụt một phóng viên. Do đó nếu tình hình Hong Kong có biến chuyển đột xuất thì đương nhiên văn phòng New York Times Hong Kong thiếu người.

Tóm lại với phí tổn $92,111 (nếu đi chung với đoàn của Phủ Tổng Thống) và $5,287 đi riêng, thì lợi hại như thế nào? Điểm mạnh khi đi chung: Tòa Bạch Ốc điều khiển chương trình và sắp xếp mọi thứ từ visa, chỗ ăn ở, an ninh, vận chuyển ... Điều này phóng viên đi riêng lẻ khó thực hiện và mất thời giờ ngay từ khâu xin visa làm việc tại nước đến công tác. Khi đến nơi lại phải bận rộn với chuyện ăn ở di chuyển, an ninh, internet, điện thoại ... và trăm thứ khác mà công việc làm tin mới là chính.
Theo ông Siddons, trả giá đắt khi đi với đoàn của Tòa Bạch Ốc là tiện lợi hơn cả; phóng viên chẳng phải lo lắng bất cứ chuyện gì khác ngoài việc làm tin, phỏng vấn các giới chức và gởi bài về tòa soạn. Đó là chưa kể khi đi cùng với đoàn lại có cơ hội tiếp cận với các quan to trong chính phủ, đôi khi cả chính Tổng Thống Obama. Được biết ông Obama rất hay xuống khoan phóng viên trên Air Force One để chuyện trò những vấn đề ngoài lề không chính thức. Như thế, theo lời ông Siddons thì đâu có giá biểu nào để ấn định cho những chi tiết quý báu như vậy.
Giống như quảng cáo của Visa và MasterCard vẫn thường nói rằng có những khoảnh khắc vô giá "priceless" chỉ có thể mua bằng ... tiền.

Friday, November 7, 2014

Về Thăm Quê Tổ Gô-Loa



Đức Hà

PARIS – Quả thật tình cờ có những lý lẽ mà sự tình cờ không hiểu nổi. Tôi học chung lớp với chị cách nay cũng cả mấy chục năm. Ngôi trường be bé xinh xinh, sát bờ biển. Hôm nào mưa bão ngồi trong lớp còn nghe cả tiếng sóng gầm. Hết trung học chị đi làm hãng, tôi đánh vật giữa khung trời đại học và lệnh gọi quân dịch. Vật đổi sao rời, chị đi lấy chồng, tôi đi lính. Vào một ngày của tháng Tư khốn khổ, chồng chị đi tù, tôi ngu xuẩn nghe lời kêu gọi rất có tình có lý cũng tình nguyện đăng ký nhập trại.  Chị ở lại, hai nách hai mụn con thơ, một mẹ già. Cho đến một ngày mưa giông, bão lớn, chị ôm con xuống thuyền ra khơi: nhất quyết đi vào chỗ chết để tìm sự sống. 
Từ Biển Đông, ba chìm bẩy nổi chị trôi dạt sang Paris.

Phải hơn bốn mươi năm sau, bằng một sự tình cờ hi hữu - mà chị gọi là thần giao cách cảm, tôi nối được mối giây liên hệ với chị. Thế là tôi quyết định dứt khoát phải đi Tây thăm bạn xưa. Hơn nữa nơi đó cũng là quê tổ của tôi, người Gô-Loa. Một công hai chuyện, nhất là có dịp trả món nợ với tổ tiên.

Thế là vào một ngày San José khô hạn bỗng dưng có ti tí mưa, tôi leo máy bay trực chỉ hướng Đông. Điều đáng nói ở đây là máy bay thì Made in USA, phi hành đoàn – xin lỗi, tổ lái là người Anh, tổ phục vụ là người Pháp, hành khách thì 99.9% là người Gô-Loa; lọt thỏm vào đó duy nhất một anh da vàng. Chị Đầm ngồi bên cạnh tự nhiên quay sang bắt chuyện. Chị nói tiếng Anh trọ trẹ, tôi nói tiếng Pháp ọ ẹ, nhưng không sao vẫn còn hai tay để chỉ trỏ ra dấu. Đôi bên thông cảm nhau ra rít. Chị nói ngày xửa ngày xưa có người bà con đi lính Lê Dương.
Chỉ có điều chị “Ah, Oui! Ah, Oui!” nhướng mắt, bỉu môi, ầm ừ hơi nhiều và nhún vai liên tục đến chóng cả mặt. Chị hỏi tôi có phải Chinois không. Lạ nhỉ hễ da vàng là phải Chinois sao? Tôi lắc đầu nói tôi là người Mỹ, cùng lúc móc cái thông hành – xin lỗi, cái hộ chiếu bìa xanh có hình con ó vàng ra làm bằng. "Ah, Oui! Américain," chị nói. Chị lại bảo da vàng sao lại là Mỹ được. Lúc đó tôi mới bởi vì rằng thì là tôi là người Mỹ gốc Việt. Chị lại gật gù “Ah, Oui!” và cười nhe hàm răng trắng đều, nằm dưới cái mũi Tây nhọn hoắt. Đợi chị quán triệt xuyên suốt điều tôi muốn truyền đạt xong, tôi mới ôn tồn giải thích rằng chị và tôi cũng là người đồng hương đó. Chị còn đang trợn tròn đôi mắt xanh biếc, hút hồn thì tôi chứng minh: này nhá ngày xưa lúc tôi đi học, mấy thầy cô bê nguyên si chương trình và sách học từ Tây sang Ta. Và cứ như thế cả lũ nhóc đầu đen con rồng cháu tiên chúng tôi mang họ Nguyễn, Trần, Phan …  một mực đồng ca bài “Tổ tiên chúng ta là người Gô-Loa”* trong đó có tôi. Bởi vậy ngày nay tôi mang tịch Mỹ, công dân của tổ quốc Hoa Kỳ nhưng gốc tổ tiên là người Gaulois, mà ăn thì chỉ kết cơm trắng rau muống luộc cá kho tộ, rặc nòi Bắc Kỳ 54 đi tàu há mõm vào Nam. Chị gật gù, bĩu môi ra vẻ đắc ý với lối giải thích râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Chiếc Boeing đáp xuống sân bay Orly trong mây mù dày đặc, mưa phùn lất phất - chuyện rất thường ngày như mọi ngày của mùa thu Paris. Tôi hồ hởi khoái chí sắp gặp lại bạn xưa, mới bèn tuôn một tràng tiếng Ta làm chị Micheline ngồi bên cạnh há hốc mồm ú ớ: C'est quoi ça?

“Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim …”
 
Tôi nhập cảnh cửa khẩu Paris nhẹ nhàng nhanh gọn. Ơ kìa sao chẳng thấy ai thắc mắc, chẳng ai gợi ý “kẹp cái gì” vào trong hộ chiếu để đi ra cho nhanh nhỉ?
Chuyến tham quan Kinh Đô Ánh Sáng của tôi được khởi đầu bằng dĩa cơm bò lúc lắc và chai Tsingtao ướp lạnh tại một quán trong Quận 13. Dĩa cơm 12 đô, chai bia 6 đô. Quá rẻ!!!
Ô-Rờ-Voa

« Autrefois notre pays s'appelait la Gaule et les habitants s'appelaient les Gaulois » (cours élémentaire, 1), ou « Il y a deux mille ans la France s'appelait la Gaule » (cours moyen, 5).

Sunday, October 26, 2014

Người Về Từ Vùng Ebola



Đức Hà

Kaci Hickox, nữ y tá tình nguyện với tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới, vừa từ Sierra Leone trở về Mỹ. Sierra Leone, Guinea và Liberia - ba nước thuộc Tây Châu Phi, là nơi dịch Ebola đang hoành hành dữ dội. Tính cho đến nay đã có hơn 10 ngàn người nhiễm bệnh và 5,500 người tử vong. Con số tăng từng ngày và chưa ai biết đến bao giờ mới có thể chận đứng nạn dịch lan nhanh và chết người này.
Hoa Kỳ cũng như phần còn lại của thế giới đều tìm mọi biện pháp để ngăn Ebola lan tràn sang nước mình. Chi tiết về mức độ kiểm soát và thanh lọc gắt gao người từ vùng dịch trở về được bà Hickox kể lại trên báo Dallas Morning News. Bà viết:

"Tôi là một y tá vừa trở về Mỹ sau chuyến công tác với tổ chức Doctors Without Borders tại Sierra Leone - nơi dịch Ebola đang tiếp diễn. Tôi bị cách ly tại New Jersey. Đây là tình huống tôi hy vọng không ai phải trải qua, và tôi hãi sợ cho những người đi sau tôi.
Tôi lo ngại khi nhân viên y tế bị đối xử tồi tệ tại cửa khẩu khi họ khai báo vừa từ vùng bệnh Ebola ở Tây Phi trở về. Tôi lo ngại cho họ, cũng như cho chính tôi, khi về đến Mỹ và phải đối đầu với tình trạng rối ren, hãi sợ và kinh hoàng nhất là bị cách ly. 



Tôi đến sân bay quốc tế Newark, New Jersey khoảng 1 giờ trưa thứ Sáu, sau chuyến đi hai ngày mệt mỏi từ Sierra Leone. Tôi bước đến quầy nhập cư ở sân bay và được nhân viên chào đón bằng một nụ cười và tiếng "Hello".
Tôi nói với ông ta rằng vừa từ Sierra Leone về và ông ta đáp không mấy hồ hởi: "Không sao đâu. Chắc chắn họ sẽ hỏi bà vài câu thôi." Thế rồi ông ta xỏ bao tay, đeo mặt nạ lên và gọi một người nào đó. Tôi được bảo phải ngồi yên tại chỗ. Nhìn chung quanh tôi thấy mọi người chạy ra vào xốn xáo, mặc đồ bảo hộ trắng xóa, bao tay, mặt nạ và cả khẩu trang. Hết người này đến người kia thay nhau tra vấn tôi. Có người tự giới thiệu, có người phớt lờ. Một ông dường như là nhân viên phụ trách di trú vì tôi thấy có đeo súng - vì súng nhô ra khỏi áo bảo hộ. Ông ta thẩm vấn tôi y như tôi là một tội phạm. Hai người khác hỏi tôi về việc làm ở Sierra Leone. Một trong hai người là giới chức của cơ quan phòng ngừa dịch Centers for Disease Control and Prevention (CDC). Họ ghi ghi chép chép bên lề của tờ khai, dường như tờ khai liệt kê không đủ chi tiết để viết những điều thu thập được.

Tôi cảm thấy mệt mỏi, đói và rối rắm, nhưng ráng giữ vẻ bình thản. Họ dùng máy đo nhiệt độ lấy ở trán: 98 độ. Thực sự mà nói tôi cảm thấy trong người bình thường nhưng tinh thần rã rời. Ba giờ đồng hồ trôi qua. Không ai có một quyết định nào. Không ai cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra hay sẽ xảy ra cho tôi. Tôi gọi điện thoại về nhà báo cho biết tôi OK. Vừa đói và khát, tôi hỏi xin cái gì ăn lót dạ. Họ cho tôi thanh kẹo granola bar và nước uống. Tôi không hiểu đã làm gì sai trái.
Bốn tiếng đồng hồ sau khi đáp xuống phi trường, một nhân viên y tế đến lấy nhiệt độ từ trán tôi. Mặt tôi nóng bừng, bực bội vì bị cầm giữ mà không một lời giải thích. Máy đo nhiệt giờ đây chỉ 101 độ. Người này nói một cách tự mãn: "Bà bị sốt rồi đấy." Tôi trả lời rằng lấy nhiệt từ trong miệng sẽ chính xác hơn lấy ở trán vì đang bực dọc. Lại thêm ba giờ đồng hồ ngồi một mình trong căn phòng ở sân bay. Đến khoảng 7 giờ tối, họ cho biết tôi phải đến một bệnh viện ở Newark - mà cũng chẳng nói rõ bệnh viện nào ở đâu, cho đến khi tôi hỏi họ mới trả lời.

Tám xe cảnh sát hụ còi, đèn chớp rầm rộ hộ tống tôi đến bệnh viện University Hospital ở Newark. Tôi vẫn chưa hiểu, tôi đã làm gì mà nên nỗi này. Cả tháng qua tôi từng nhìn thấy hàng chục trẻ em chết, không cha mẹ kế bên. Tôi là chứng nhân hàng ngày thảm họa của loài người. Tôi đã cố trợ giúp họ được chừng nào hay chừng ấy trong khi toàn thế giới chỉ nhìn và bất động. Tại bệnh viện, tôi được hộ tống đến một căn lều dựng bên ngoài. Bác sĩ khoa truyền nhiễm và cấp cứu lấy nhiệt độ và làm vài thao tác khác. Ông có vẻ bối rối khi nói: "Nhiệt độ của bà là 98.6, không bị sốt nhưng người ta báo là bị sốt." Sau khi lấy nhiệt độ từ miệng là 98.6, ông dùng máy đo từ trán và thấy 101 độ F (38.3 Celsius). Ông bác sĩ này nắn cổ tôi và nhìn nhiệt kế lần nữa: "Không thể gọi là sốt được, bà chỉ bị nóng mặt." Họ lấy mẫu máu thử xem có nhiễm Ebola. Kết quả: âm tính (không bị nhiễm).

Ngồi một mình, cách ly trong căn lều vải, tôi bỗng nghĩ đến các đồng nghiệp rồi ra sẽ trở về Mỹ và đối đầu với những thử thách tương tự. Liệu họ sẽ được đối xử như tội phạm hay tù nhân? Tôi còn nhớ đêm cuối cùng tại trung tâm điều hành Ebola ở Sierra Leone khi được gọi thúc dạy lúc nửa đêm vì bé gái một tuổi lên cơn co giựt. Tôi cố nhét Tylenol và thuốc chống co giựt đã nghiền nát vào họng cháu bé trong khi thân xác bé cứ nhảy chổm trên giường. Đó là đêm hãi hùng nhất đời tôi. Đứa bé chết dần trong căn lều, không người thân bên cạnh. Với rất ít phương tiện và không thuốc chữa trị Ebola, chúng tôi cố mang lại cho bệnh nhân chút nhân phẩm trong khi họ phải đối phó với nghịch cảnh vô bờ bến. Ebola tiếp tục tàn phá Tây Phi. Tổ chức Y Tế Thế Giới cho biết có đến hơn năm ngàn người chết vì Ebola. Chúng ta cần có thêm nhân y tế giúp đối phó với dịch bệnh. Nước Mỹ cần phải đối xử với nhân viên trở về từ vùng dịch bằng một thái độ đứng đắn và tôn trọng phẩm giá."
New York, New Jersey Lên Tiếng
Phản hồi về nỗi bức xúc của bà Kaci Hickox khi trở về Mỹ, thống đốc New York và New Jersey đều khẳng định những biện pháp đề ra để kiểm soát dịch Ebola tại Mỹ là đúng đắn. Theo quy định nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Ebola từ Tây Phi khi trở về Mỹ phải được cách ly, cho dù có nhiều quan tâm nói rằng sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch chống Ebola kể cả điều cũng chưa rõ liệu kế hoạch phòng chống đó có mang lại hiệu quả hay không.
Thống Đốc New Jersey Chris Christie nhận xét: "Chúng tôi ban hành biện pháp ngặt nghèo này, không một chút do dự."
Kể từ thứ Sáu tuần qua quy định của New Jersey và New York - nghiêm ngặt hơn cả quy định của liên bang đã tác động đến y tá Kaci Hickox - người đầu tiên từ vùng dịch trở về Mỹ. Tất cả những người có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Ebola - không trừ người nào đều phải bị cách ly 21 ngày cho dù có triệu chứng mầm bệnh Ebola hay không.

Tin cho biết Tòa Bạch Ốc không hài lòng với quy định quá khắt khe và muốn New Jersey và New York đình chỉ quy định được đánh giá là thiếu phối hợp, quá vội vã và là một phản ứng không khoa học phát xuất tức thời từ một ca bệnh ở New York.
Phát biểu về vấn đề này, Tiến Sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Bệnh Dị Ứng và Truyền Nhiễm - NIH, cảnh cáo rằng những chính sách quá tích cực như vậy có thể khiến nhân viên y tế ngân ngại đến vùng Tây Phi tham gia công tác ngăn chận dịch bệnh lan rộng, và như vậy càng làm nguy hại cho nền y tế công cộng toàn cầu:
"Đừng quên rằng phương thức tốt nhất để ngăn chận Ebola và bảo vệ nước Mỹ là ngăn từ Châu Phi và chỉ có thể làm điều đó nếu người chúng ta, những anh hùng, những nhân viên y tế đến với Châu Phi và giúp chúng ta bảo vệ nước Mỹ."

Trả lời phỏng vấn của hệ thống CNN hôm Chúa Nhựt, bà Kaci Hickox nói:
"Biện pháp cực đoan này không thể chấp nhận được, và tôi cảm thấy như quyền làm người của tôi bị chà đạp."
Theo bà Hickox, 33 tuổi một chuyên viên về bệnh truyền nhiễm tốt nghiệp đại học University of Texas ở Arlington và trường Johns Hopkins University, chuyện cách ly hay không phải do giới chức y tế công cộng quyết định, chứ không phải do các chính trị gia. Cưỡng bách cách ly không phải là biện pháp hợp lý.
Bà Hickox còn cho hay dù biết trước sẽ phải trải qua những ngày cách ly và cách đối xử như hiện nay, bà không ngần ngại lên đường đi Sierra Leone, vì "đó là một cơ hội cao quý phục vụ nhân loại."

Friday, October 10, 2014

Xe Lunch: Ngày Ấy, Bây Giờ



Đức Hà

Cũng như hầu hết thanh niên sinh ra và lớn lên tại Thung Lũng Điện Tử - Nguyễn Tùng, Ben Lê và David Trần, đều có ước mộng nếu không chen chân được vào các đại công ty như Google, Oracle, Apple, Yahoo vv... thì cũng liều mình khởi xướng một công ty startup bằng vốn tự có và ... chờ thời. Và cả ba chàng trai chưa vợ tuổi từ 24 đến 28, đã trải qua một cách suôn sẻ tất cả các giai đoạn học vấn từ tiểu học, trung học đến xong đại học và tốt nghiệp; chỉ đến khâu kiếm việc làm thì bế tắc. Mà bế tắc nặng tưởng không lối thoát.
"Bọn em ra trường nhưng kiếm việc khó quá, mà đi xa khỏi vùng này thì ngại," bộ ba Tùng, Ben và David đều ca một bản đồng ca, nghe rất quen tai tại vùng Bay Area, nơi nhà đắt, người đông, việc làm hiếm và kén chọn. Thống kê mới đây cho thấy tỉ lệ người không việc làm và lãnh phụ cấp thất nghiệp vùng Bay ở mức từ 4.1 đến 6.0% - riêng Quận Hạt Santa Clara đạt 5.2 %,  so với 7.9 toàn Cali, trong khi tỉ lệ toàn quốc Hoa Kỳ ở mức 6.7%. Rất không may Tùng - Ben - David, bạn học từ nhỏ và ở cùng xóm phía bắc San José, từng nằm trong số 1.5 triệu người không việc làm tại California. Nhưng nói vậy mà không phải vậy, ba chàng trai - thân nhau như anh em ruột thịt, không hề ngồi không ăn cơm cha xin tiền mẹ ngồi cafê, mà đã cùng nhau thành lập công ty riêng. Công ty của họ - một startup có một không ai, nói theo chữ nghĩa thời trang là dám nghĩ dám làm và đang trên đà thành công - ít ra thì cũng bước đầu.
Công ty của họ, lẽ dĩ nhiên phải mang tên Mỹ như Tastee Bytes và Kamikazé, có cả trang nhà trên mạng, và có mặt trên Facebook, Twitter và Instagram ... để kết nối 24/24 với khách hàng và người ái mộ (followers) như tất cả các công ty hai-tếch thường thấy. Chỉ có điều công ty của họ không trụ yên một địa chỉ mà thường xuyên di chuyển nay chỗ này mai chỗ khác: bởi vì đó là hai chiếc xe lunch, và văn phòng chính ban đêm đặt tại Tổng Công Ty LeeBros. Foodservice, Inc. - công ty mẹ của hệ thống bánh mì Lee's Sandwiches.

                                                          Tastee Bytes Food Truck
Bây Giờ

Những chiếc xe lunch màu trắng ngà, trên nóc xe có hai ba khung nhựa xanh mở lên để thoáng khí và hứng ánh sáng trời vẫn thường thấy - mà đa phần là do người Việt điều hành giờ đây phố xá lại được trang điểm thêm bằng những chiếc xe, hình dáng tương tự như xe chuyển hàng UPS, nhưng màu mè hơn, bắt mắt hơn, hiện đại hơn của thế hệ biết tận dụng internet với điện thoại thông minh, tablet ..., tuy không diêm dúa, rối rắm loạn màu như xe của các bác tài gốc Mễ.
Ông Lê Văn Chiêu, Tổng Giám Đốc Lee Bros. ở San José giải thích:
"Xe lunch bây giờ thay đổi nhiều so với trước. Thực phẩm của xe lunch hiện nay chuyên môn hơn - nghĩa là tập trung vào vài món ăn thật đặc sắc như một nhà hàng ăn lưu động. Có xe chỉ bán món ăn Việt, món ăn Hàn Quốc, xe thì tacos hay BBQ không như trước đây phục vụ khách hàng với một thực đơn đa dạng và bình dân hơn."
Với ai từng dùng bữa từ xe lunch đều thấy ngày trước xe lunch chỉ phục vụ bữa ăn cho no bụng, giờ đây món ăn phải được nâng lên hàng cao cấp nhắm vào một nhóm thực khách kén chọn. Sở dĩ như vậy theo lời ông Chiêu, là vì khi kinh tế Mỹ trở nên khó khăn vào những năm 2000 khiến nhiều nhà hàng đóng cửa và đầu bếp mất việc phải đổi ngành. Ông nói:
"Các đầu bếp giỏi từ các nhà hàng đó chuyển sang bán thức ăn trên xe lunch, và điều đó đã làm chuyển hướng ngành bán xe lunch mà báo chí Mỹ gọi là food trucks."
Vì thực phẩm ngon hơn, đòi hỏi tay nghề chuyên nghiệp để xào nấu nêm nếm, chưa kể mọi thứ nguyên liệu giờ đây cũng mắc mỏ nên món ăn không còn rẻ như thời vàng son của xe lunch Việt dạo trước năm 2000 khi phong trào dot.com bột phát.

Một chủ xe lunch, nay đã giải nghệ  - không muốn nêu danh tính, nói rằng thời đó kiếm tiền sướng lắm. Hãng xưởng cần mình tới để mang đồ ăn cho nhân viên làm ba ca/ngày. Ông nói rằng mỗi ngày trừ chi phí cũng còn trên dưới vài trăm mà thời đó nhà lại rẻ, cho nên mua vài căn làm vốn cho con cái không phải là "lớn chuyện." Vẫn theo lời kể thì chỉ chịu khó cầy - từ mờ sáng đến khuya 11 - 12 giờ đêm, dành dụm từ đồng xu đồng cắc thì giấc mơ Mỹ coi như trong tầm tay.
Giờ đây thu nhập của giới hành nghề xe lunch không thể sánh với trước được. Ông Lê Văn Chiêu - hiện điều hành ba bãi đậu xe với tổng cộng khoảng 400 chiếc, lớn và uy tín nhứt vùng Bay, nhận xét:
"Sau vụ 9/11, nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, hãng xưởng đóng cửa, tiết giảm nhân viên, hoặc dời đi khỏi vùng, công trường xây dựng đình trệ thì vài ba hãng xe lunch cũng chung số phận phải dẹp tiệm."
Ông cho biết tình hình kinh tế ảnh hưởng rất nặng tới sinh hoạt của hệ thống xe lunch, và nếu có hồi phục thì cũng không thể sung túc như xưa. Chẳng hạn như các hãng lớn như Google, Facebook, Apple ... đều có cafeteria nuôi ăn nhân viên, thế nên xe lunch không có nơi dụng võ.
"Xe lunch giờ đây phải nhắm vào các công trường xây cất đang hồi phục, các hãng nhỏ, các hội đoàn ... và phải cung cấp món ăn ngon miệng để tạo cho khách hàng cảm tưởng như đi ăn tiệm - cho nên nói chung thu nhập của xe lunch có bị ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình kinh tế."

Nắm bắt được cái khó của thời cuộc, nhóm Tastee Bytes chọn một hướng đi mới - thay vì bám sát và bám chết cái "rao" (route) như người đi trước. Tastee Bytes đậu xe tại một địa điểm và bằng Twitter, Facebook, hay texting nhắn khách hàng biết và mời họ tới.
Lướt qua vài góp ý trên trang Yelp*, mới thấy rằng tuyệt đại đa số khách hàng của Tastee Bytes đều gắn cho xe lunch này từ bốn đến năm sao, và đặc biệt kết món pulled pork của họ.
Shirley D. viết: "Tôi rất ngạc nhiên khi cảm thấy thích thú với món ăn của Tastee Bytes. Thật ra tôi không kỳ vọng nhiều vì có đến 10 chiếc xe lunch để lựa chọn ngày hôm đó. Tưởng như xe nào như xe nấy nhưng tôi rất vui khi bắt gặp xe lunch màu xanh lục - nói thật tình, đó là chiếc xe có món ăn cực ngon. Chẳng hạn món hot dog với mayo cay xè: tôi không hề biết là có kèm với bacon (thịt heo muối) được chiên giòn đúng độ. Súc-xích dog, bacon, sốt mai-yô-ne kẹp giữa hai lát bành mì kiểu Hawaii nướng tạo thành một tổng hợp tuyệt vời mà tôi chưa hề được thưởng thức. Món pulled pork (dạng thịt heo quay xé phay) của Tastee Bytes đúng là số 1. Không quá mặn, khg quá dai, lại có chút mỡ béo vừa đủ của lợn. Tôi rất khoái khẩu với món này đến nỗi chỉ một tiếng đồng hồ sau, tôi lại muốn trở ra ăn thêm nữa.
Lời góp ý của tôi: hãy ghi nhớ chiếc xe lunch này vào danh sách thực phẩm cần ăn của bạn nha!"
Victoria N. ở San José viết thêm: "Tastee Bytes đến và đóng góp thực phẩm cho trận tranh tài kickball nhằm gây quỹ mua sách đọc cho học sinh mùa hè của chúng tôi. Không chỉ giúp nuôi ăn miễn phí các đấu thủ, món ăn của họ thật tuyệt. Chúng tôi rất ấn tượng về khẩu vị và chất lượng món ăn do họ thực hiện. Thực đơn của họ đa dạng từ hot dog kiểu Cajun, đến bánh mì gà nướng, cả bánh churros nữa đấy..."

"Rao" là tuyến đường xe lunch chạy hàng ngày và dừng tại các địa điểm có sẵn theo lịch trình để bán hàng. Làm thế nào để chiếm lĩnh một mình một "rao" không cho xe lunch khác chen vào là cả một sự cạnh tranh dữ dội và đôi khi hiểm nguy đến cả tính mạng và tài sản. Cạnh tranh không chỉ giữa chủ xe mà luôn cả giữa hãng và hãng. Ông Chiêu nhớ lại:
"Ban đêm vợ chồng con cái chúng tôi phải vào ngủ ngay tại hãng cả chục năm trời chỉ để bảo vệ trông chừng mấy chiếc xe lunch đậu trong bãi. Tài xế đi bán cả ngày, tối về gởi xe vô parking và về nhà, trong khi mình phải chịu trách nhiệm an ninh bãi đậu xe và nếu mình lơ là có thể bị kẻ xấu lẻn vào đốt phá."
Tuy tình hình cạnh tranh hiện nay không ngột ngạt như xưa, nhưng vẫn có vì muốn hấp dẫn khách hàng thì phải cạnh tranh để giữ khách và giữ "rao."

Ông Chiêu cho hay về một cách làm ăn mới, khá hiệu quả giúp người chạy xe lunch có địa điểm bán hàng nhưng không còn kiểu chèn ép nhau qua "rao," mà công ty của ông cũng đang nghiên cứu thực hiện. Ông nói:
"Một nhóm trung gian đứng ra thỏa thuận với hãng xưởng hay tổ chức tư nhân về dịch vụ cung cấp thực phẩm cho một sự kiện nào đó, kế tiếp người này kêu gọi nhiều xe mang nhiều mặt hàng đến bán. Xe nào tham gia thì trả hoa hồng cho trung gian trong khi khỏi phải tranh giành chỗ bán."
Trong chiều hướng này, cuối tuần qua tại Phố Nhật - Japantown ở San José, có buổi triển lãm các kiểu xe hơi từ cổ đến hiện đại. Người đi chơi đông nghẹt. Xem chán, đi bộ mỏi thì ... đói và khát. Ban tổ chức cho mời mấy chiếc food trucks đậu trên bãi kế cận tạo thành một food court lưu động. Chiếc Kamikazé của nhóm Tastee Bytes cũng có mặt và cung cấp món pulled pork nổi tiếng của họ. Một công hai ba chuyện, thực khách có thể đưa gia đình đến xem triển lãm, thăm Phố Nhật vừa có dịp đi "ăn ngoài" vào ngày cuối tuần.
Hẳn nhiên phương thức kinh doanh này trước đây - ngày ấy không có.

Ngày Ấy

John Lý Sương, quê Long An, gia nhập ngành xe lunch ngay từ những ngày đầu đến Mỹ năm 1980, sau khi nhận thấy rằng học chữ quá khó khăn, trong khi gia đình đông nhân khẩu cần phải kiếm tiền ngay. Từ bước đầu đi làm đầu bếp cho xe lunch khác, ông John từ từ chuyển sang làm chủ một chiếc và nuôi bảy con ăn học thành tài. Ông hãnh diện khoe:
"34 năm trong nghề và khởi đi từ hai bàn tay trắng, cho đến nay con cái đã ra riêng và có nhà cửa đầy đủ, tui vẫn thích và quyết bám nghề này cho đến khi không còn sức."
Ông nói rằng bạn bè ông - cùng hoàn cảnh như ông đều nuôi con cái thành tựu ra kỹ sư bác sĩ nhờ bán xe lunch chỉ vì không còn chọn lựa nào khác. Ông cho hay cha mẹ nào cũng phải hy sinh, phải chịu cực vì tương lai của con cái.
Vào thời đó mua một chiếc trả góp khoảng 35 ngàn, người mua chỉ cần vài ba tháng là trả dứt vốn cộng lãi và làm chủ hoàn toàn chiếc xe. Hiện nay một chiếc cũ chạy được cũng chỉ 20 ngàn, trong khi mới toanh lên đến 130,000.
"Tui nghĩ có lẽ con cái thấy cha mẹ lao động quá vất vả, sáng đi sớm tối về khuya nên, con cái gia đình nào cũng vậy - đều chăm chỉ học và thành công trong xã hội, coi như cách trả ơn cha mẹ," ông John Lý tâm sự từ chiếc xe lunch đã giúp ông và cả gia đình sinh tồn tại Thung Lũng Hoa Vàng đắt đỏ, nơi có hơn một trăm ngàn người Việt định cư.
Cho dù đã 64 tuổi, với gần nửa đời chạy xe, ông John thú nhận rằng bán xe lunch giờ đây là một niềm vui.
"Hàng ngày gặp bạn bè, gặp khách hàng, gặp anh em trong hãng xưởng ... tui coi như là một cách vận động cơ thể hơn là một nỗi cơ cực. Ở nhà chắc tui đổ bệnh."
Vậy nếu khởi lại từ đầu, liệu di dân John Lý từ Việt Nam mới sang Mỹ có làm xe lunch trở lại không. Ông trả lời rằng dứt khoát vẫn làm nghề này ngay cả bây giờ lúc mà tình hình hãng xưởng không còn hồ hởi phấn khởi như xưa, khi mà chữ nghĩa không có và tay nghề có cũng không.

Thủa Ban Đầu

Vào những năm 79', 80' cũng đã có vài người Việt bán xe lunch ở vùng Bay. Bản thân ông Lê Văn Chiêu - ban ngày giúp việc nhà hàng, ban đêm đi học tiếng Anh, cũng thấy một chiếc xe lunch bán tại cổng trường. Chiếc xe bán thực phẩm lưu động đó đã gợi hứng để chính ông và vợ thử nghiệm thời cơ tại nước Mỹ. Hồi tưởng lại hơn 30 năm trước, ông nói:
"Lúc đầu tôi phụ việc cho xe của anh Vĩnh - chiếc xe đậu ở sân trường San Jose High School, chừng sáu tháng sau mua trả góp một chiếc để bà xã Yến lái, tôi cook, cứ như vậy chạy tới nhiều hãng, mỗi nơi đậu chừng 10, 15 phút rồi chạy tiếp qua cơ sở khác."
Ông chỉ muốn làm qua ngày, nuôi con ăn học, lập nghiệp tại quê hương mới và không thể ngờ nhiều năm sau ông và anh em trong gia đình họ Lê đã gầy dựng nên cơ ngơi mà ngay từ năm 2006 báo Asia Week đã gọi ông là triệu phú.
Chỉ ba năm sau khi mua chiếc đầu tiên, cơ sở làm ăn của anh em ông Chiêu, Hướng nhân thành bảy chiếc; và cho đến khi đậu xe tại nhà bị lối xóm than phiền và vi phạm luật thành phố thì ý nghĩ lập bãi đậu cho xe lunch mới thành hình.
"Lúc đầu mướn kho bãi chỉ để có nơi cho bà con chạy xe có chỗ đậu ban đêm chừng vài chục chiếc, nhưng rồi từ đó phát triển lên cho đến khi phong trào chạy xe lunch nở rộ lên cả trăm chiếc."

Ý tưởng của ông Chiêu vào thủa xa xưa cũng không khác với công ty Tastee Bytes ngày nay. David Trần, thành viên của nhóm, cho hay:
"Chúng tôi bắt đầu từ tháng Bảy 2012 với số vốn khoảng 35 ngàn vay mượn từ gia đình và chỗ này chỗ kia. Nay thì vốn cũng đã trả hết."
Hỏi rằng năm, mười năm nữa Tastee Bytes sẽ ra sao, David cũng có một ước mơ lạc quan với một hệ thống xe food trucks hay một hệ thống nhà hàng. Anh nhấn mạnh rằng điều đó khả thi chứ không phải chỉ là ước mơ:
"Điều quan trọng nhứt không phải ai nhảy vào nghề này cũng thành công. Chủ yếu là phải yêu nghề, phải đam mê và đầy nhiệt huyết. Không ai có thể biết được nếu không thử thời vận."
Chia xẻ về vấn đề này, ông Chiêu cho hay thực phẩm vẫn là một nhu cầu hàng ngày của con người và mở nhà hàng hay chạy xe lunch là một lựa chọn nếu muốn đi vào ngành thực phẩm:
"Khai trương một nhà hàng đỏi hỏi vốn, rất nhiều công sức và rủi ro cũng không ít trong khi đầu tư vào một chiếc food truck, bỏ thêm sức lao động và chịu cực thì khả năng kiếm sống tương đối an toàn."


* http://www.yelp.com là trang mạng giới thiệu các dịch vụ từ y tế, sửa sắc đẹp đến tìm thợ sữa xe... Yelp cũng là nơi để người dân thường góp ý về một cửa hàng ăn uống hay dịch vụ nào đó. Số lượng ngôi sao cho thấy khách hàng có hài lòng với dịch vụ được cung cấp hay không.

Monday, September 29, 2014

Tệ Nạn Sang Băng Lậu



Đức Hà
Việt Mercury

Các băng video phóng sự “Saigon Ăn Nhậu và Chơi” hoặc ca nhạc như “Những Tình Khúc Vượt Thời Gian” hay “Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời” là những băng video được nhiều người Việt ưa thích và vẫn kiếm mua cho dù đã được đưa ra thị trường từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên nếu các trung tâm sản xuất đã đầu tư vốn liếng và công sức kể cả chất xám để hình thành những sản phẩm nghệ thuật nhằm phục vụ người xem thì lại có những cơ sở kiếm sống bằng cách sao chép lại y khuôn và bán với giá rẻ hay sang thành nhiều bản để cho thuê không hề có sự đồng ý của nhà sản xuất.
Những việc làm phi pháp đó đã làm các nhà sản xuất thiệt hại hàng triệu đô la và khiến họ gặp trở ngại khi tiếp tục sản xuất những sản phẩm mới. Vì thế các trung tâm lần đầu tiên đã ngồi lại với nhau và ra một thông báo giải thích việc vi phạm Luật Bản Quyền Quốc Tế và yêu cầu người tiêu thụ “nên mua băng gốc và nghĩ đến việc nâng đỡ đời sống nghệ sĩ,” thay vì “đi thuê mướn là trái với lương tâm con người và là một hành động tiếp tay cho việc kinh doanh bất hợp pháp.”


 San Jose cũng như tại nhiều thành phố có người Việt định cư, việc vi phạm tác quyền này xảy ra thường xuyên, có hệ thống và gần như công khai.
Trong số nhiều tiệm cho thuê video tại San Jose, Việt Mercury nhận thấy tại tiệm trên đường Senter băng “Nụ Cười Năm 2000” của công ty Kim Lợi được để trong danh sách cho thuê và tiệm trên đường Alum Rock thì cho thuê đủ loại băng ca nhạc của Thúy Nga Paris, Kim Lợi, Asia … với giá 1 đô la mỗi băng. Còn tại mấy tiệm khác, nhân viên bán hàng đều trả lời chỉ cho thuê video ca nhạc của các trung tâm tại Việt Nam mà thôi. Tuy nhiên theo lời những khách hàng có đóng tiền thuê phim thường xuyên thì “băng gì họ cũng có hết.”
Để chứng minh mình là chủ quyền hợp pháp của sản phẩm, các trung tâm sản xuất đều đã đăng ký với Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ tại Washington để được phép in hàng chữ ví dụ như Copyright by Kim Loi Productions trên bao bì. Ngoài ra trong phần đầu của mỗi băng video đều có 1 đoạn phim ngắn bằng hai thứ tiếng Anh và Việt ghi lời cảnh cáo của cơ quan FBI theo đó mọi vi phạm như sao chép, cho thuê hay phân phối không có sự thỏa thuận với chủ nhân gốc đều vị trừng phạt theo tội đại hình và phạt tiền đến 250,000 đô la và 5 năm tù.
Nếu ông Phan Kiên thuộc trung tâm FarEast nói rằng ông chỉ hành nghề ở quy mô nhỏ, “một cách cò con” nên không có khả năng kiện cáo thì ông Tô Văn Lai thuộc trung tâm Thúy Nga Paris tại Quận Cam cũng như ông Nguyễn Thành thuộc trung tâm Kim Lợi tại San Jose lại cho biết “Chúng tôi đã bắt quả tang những hành vi làm ăn gian dối, tốn kém hàng chục ngàn đô la luật sư, tòa án, thưa kiện … rốt cuộc chỉ cười trừ, đâu lại vào đó.”
Năm 1994, khi Kim Lợi tung ra bộ video ca nhạc “Tạ Ơn Đời, Tạ Ơn Người” với ca sĩ Elvis Phương thì chỉ ba ngày sau hàng ngàn bộ phim giả đã tràn ngập thị trường thế giới tại bất cứ nơi nào có người Việt định cư.
“Họ chỉ cần mua 1 bộ phim gốc, chuyển sang loại băng master tape và sau đó muốn in bao nhiêu cũng được; chất lượng không kém băng gốc và bán nửa giá thì khách hàng sẵn sàng mua thôi,” Ông Nguyễn Thành, giám đốc Kim Lợi, Inc. cho biết.
Một khách hàng không muốn nêu danh tính được tiếp xúc tại khu Lion Plaza thú nhận rằng rất thường mua video và dĩa CD nhưng cho biết không sao phân biệt được “đồ thật đồ giả vì hình ảnh và âm thanh rất tốt.”
Nhưng người này cũng nói rằng thường mua với giá 10 đô cho bốn CD thay vì 7,8 đô/1 dĩa.
Ông Thành cho biết tất cả những CD hiện bán với giá rẻ như vậy đều là dĩa giả in lại gồm cả những bài hát do Kim Lợi độc quyền. Tuy nhiên nạn nhân bị nặng nhứt là băng nhạc của Thúy Nga vì sức thu hút và tiếng tăm của video do trung tâm này sản xuất. Ông Tô Văn Lai được giới làm video ca nhạc cho là người “làm dữ nhứt” cũng đã thú nhận “chẳng đi đến đâu.”
Ông nói: “Có lúc chúng tôi cho cài đặt kỹ thuật microvision vô phim video để chống việc sang băng như chỉ ngăn được loại máy VCR dùng ở nhà thôi, còn với kẻ gian thì họ tìm cách ‘bẻ khóa’ thế là xong.”

Nhưng nếu đã bắt được quả tang làm băng giả hay băng sang lại cho thuê thì như vậy là có đủ bằng chứng để nhờ pháp luật can thiệp sao lại nói rằng cuối cũng chỉ “cười trừ” hay “chẳng đi đến đâu?”
Về vấn đề này cả hai trung tâm Kim Lợi và Thúy Nga từng nhờ pháp luật xử lý đã giải thích như sau:
“Những người chủ mưu thực sự đều đứng đằng sau, trong bóng tối. Họ nhờ những người mới từ VN sang, hay người không có tài sản đứng tên cơ sở làm ăn, thành ra khi kiện thì gặp ngay một người “trọc đầu” không có tóc thì lấy gì mà thưa?”
Ông Thành nói rằng đã đưa nhiều vụ ra tòa cuối cùng chỉ gặp bên bị cáo là những cụ già lớn tuổi hay người chỉ có hai bàn tay trắng thì đúng như ông giải thích ở trên là “cười trừ” rồi thôi.
Nếu tại VN thời kỳ trước 75, việc sang băng nhạc từ băng lớn sang cassette rất phổ biến và công khai thì theo lời ông Lai, tình hình làm ăn gian dối bắt đầu xuất hiện tại Mỹ khi loại phim bô Trung Hoa được đưa vào thị trường người Việt tị nạn. Ông nói:
“Khi phim Tầu bắt đầu xuất hiện tại Mỹ thì tệ nạn sang băng để cho thuê cũng phát triển theo rất rầm rộ, nhưng rồi sau đó đã bị ngăn chận là vì các hãng phim Tầu có nhiều phương tiện kể cả tài chính và nhân lực để ngăn chận việc làm ăn phi pháp này.”
Luật sư Trương Phú Hòa, có văn phòng tại Quận Cam, và là đại diện cho quyền lợi của nhiều trung tâm sản xuất băng nhạc nói rằng vấn đề kéo dài đến ngày hôm nay 1 phần cũng vì người Việt với nhau không muốn làm lớn chuyện. Ông giải thích:
“Trước đây hầu như trung tâm nào cũng rất tế nhị trong quan hệ với người đồng hương. Chỉ khi nào bị thiệt hại thật nhiều đến quyền lợi thì mới nhờ đến luật pháp can thiệp. Tuy nhiên tình hình đó nay đã thay đổi.”

Trong khi các đài phát thanh sử dụng dĩa nhạc CD của các trung tâm sản xuất 1 cách tùy tiện, các ca sĩ hát nhạc của các tác giả bất kể luật lệ về sản phẩm trí tuệ thì nhạc sĩ Lê Huy thổ lộ rằng từ lâu ông đã có ý muốn làm “một cái gì đó” để sửa đổi vấn đề, nhưng vẫn chưa làm được.
“Khi làm bầu show tổ chức các buổi văn nghệ tôi có nghĩ đến tác giả, các nhà soạn nhạc và nhận thấy phải chia xẻ và đền bù cho công sáng tác của họ. Bầu show bán vé lấy tiền, ca sĩ được trả cachet, còn người sáng tác chẳng được gì.”
Ông Huy nói thêm rằng chi phí quá nặng “nhứt là khỏa trả tiền cho ca sĩ” đã khiến ông không thực hiện được điều ông cho là “thiếu công bằng đối với người sáng tác.”
Nhạc sĩ Trần Quảng Nam, tác giả nổi tiếng với bản 10 Năm Tình Cũ cho biết ông được trả tất cả khoảng 7,000 đô cho nhạc bản đó mà theo ông nếu được thanh toán “sòng phẳng” thì ít nhứt cũng phải đến hơn 100,000 đô.
Ông Nam nói rằng đã phải làm thêm nhiều nghề khác để nuôi “cái đam mê sáng tác.”
“Không có nhạc sĩ VN nào có thể kiếm miếng cơm chỉ bằng sáng tác không mà thôi,” ông nói thêm.
Với việc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa mới qua đời, người ta biết rằng ông đã sáng tác đến 600 bản nhạc và người ta cũng biết rằng Trịnh Công Sơn không sống nhờ vào bản quyền các tác phẩm của ông.
“Vấn đề chính là ý thức của người tiêu thụ,” luật sư Hòa cho biết. Ông cho hay luật tác quyền của Mỹ đã có từ lâu và người Mỹ được giáo dục từ bé để hiểu thế nào là tác quyền; trong khi đó người VN trái lại đến từ 1 quốc gia nghèo và tuy đã định cư tại Mỹ đã 26 năm rồi nhưng vẫn chưa có 1 khái niệm đúng đắn về điều luật quan trọng này. Ông phân tích:
“Người mình có thói quen tiết kiệm nên có khuynh hướng đi thuê cho rẻ. Còn người cho thuê thì nghĩ rằng nếu mua băng gốc về cho thuê là được rồi. Và điều chính yếu là không thể nói rằng nếu thuê phim Mỹ phim Tầu được thì tại sao không thuê phim VN được, bởi vì người cho thuê không hề được sự đồng ý của các nhà sản xuất VN.”
Luật sư kể lại vào năm 1995 ông đã giúp trung tâm Triều Thành tại San Jose giải quyết vụ làm băng giả quy mô nhứt trong lịch sử cộng đồng Việt. Ông nói:
“Riêng tại thành phố Westminster ở Quận Cam, cơ quan công quyền đã bắt được hơn 300,000 băng giả với 1,000 đầu máy VCR.”
Nhưng “thói quen ham lợi” vẫn không bỏ được cho dù đã bị phạt tiền và tù nên 1, hai nơi lại tiếp tục làm băng giả,” ông cho biết thêm.

Tại Vùng Vịnh, các chiến dịch Operation Copycat thực hiện trong các năm trước đây với sự phối hợp của cảnh sát địa phương, FBI và IRS đã tịch thu được vài chục ngàn cuốn băng giả, phần lớn là video phim Mỹ. Nhiều người Việt dính líu vào các vụ sang băng và cho thuê video trái phép này đều bị truy tố ra tòa và lãnh án tù.
Và những khách du lịch có dịp về thăm VN hay Hongkong đều thấy các loại phim ảnh Hollywood, nhu liệu máy điện toán, CD nhạc, quần áo, đồng hồ làm giả được bày bán khắp nơi.
Trong khi việc làm video giả hiện nay chưa có chiều hướng giảm bớt thì việc làm này lại được nâng lên 1 cấp cao hơn.
Trước tiên là dĩa DVD. Các nhà sản xuất cho phát hành băng video xong thì cho ra tiếp loại DVD/karaoke. Giới làm đồ giả cũng nhanh chóng tung ra những DVD tương tự, thậm chí còn hay hơn vì họ dùng hai, ba DVD của nhà sản xuất để làm ra 1 DVD tổng hợp thì dĩ nhiên phải hay rồi, theo lời ông Thành.
Kế đó là dùng internet để phổ biến miễn phí băng nhạc của các trung tâm.
“Tại địa chỉ www.rangdong.com, người ta thấy băng Paris By Night 58, Asia 32 và Hoài Linh 4 đều có sẵn để mọi người tự do download và xem thoải mái trên máy điện toán,” ông Lai cho biết qua điện thoại từ Nam Cali. “Chúng tôi đã báo luật sư và mong sẽ ngăn chận được như người Mỹ đang tìm cách ngăn chận việc làm của Napster.”
Ông Chu Khang đại diện cho nhóm chủ trương trang web rangdong.com nói rằng đã liên lạc với Thúy Nga để xin phép từ nhiều tháng nay nhưng chưa thấy trả lời; còn đối với video của Asia hay Hoài Linh thì “không thấy họ khiếu nại.”
Tuy nhiên với thông báo của Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Video VN tại Hải Ngoại với câu cuối cùng là “Mong quý vị (người tiêu thụ) suy nghĩ lại (đừng thuê mướn video hay đừng mua video giả) thì theo lời luật sư Hòa đó là “một lời báo trước, nếu vẫn vi phạm thì hình phạt sẽ nặng hơn và không thể chối cãi được nữa.” Ông không cho biết thêm là liệu có nhờ cơ quan công lực mở chiến dịch tấn công vào các cơ sở làm ăn phi pháp này hay không.
Thứ Sáu vừa qua băng video phóng sự “Đà Lạt-Nha Trang” của trungtâm FarEast đã được phát hành ra thị trường.
“Chắc chắn chỉ hai, ba ngày sau thì đã có băng cho thuê,” ông Kiên khẳng định.
“Nhưng băng giả, bán rẻ thì chưa biết vì họ cũng khôn lắm; khi nào thấy có ăn mới làm giả. Mình dọn cơm sẵn cho người ta ăn, nhưng biết làm sao,”ông than thở như vậy.

Bài được đăng trên tuần báo Việt Mercury số ra ngày 04 tháng Năm, 2001