Friday, October 10, 2014

Xe Lunch: Ngày Ấy, Bây Giờ



Đức Hà

Cũng như hầu hết thanh niên sinh ra và lớn lên tại Thung Lũng Điện Tử - Nguyễn Tùng, Ben Lê và David Trần, đều có ước mộng nếu không chen chân được vào các đại công ty như Google, Oracle, Apple, Yahoo vv... thì cũng liều mình khởi xướng một công ty startup bằng vốn tự có và ... chờ thời. Và cả ba chàng trai chưa vợ tuổi từ 24 đến 28, đã trải qua một cách suôn sẻ tất cả các giai đoạn học vấn từ tiểu học, trung học đến xong đại học và tốt nghiệp; chỉ đến khâu kiếm việc làm thì bế tắc. Mà bế tắc nặng tưởng không lối thoát.
"Bọn em ra trường nhưng kiếm việc khó quá, mà đi xa khỏi vùng này thì ngại," bộ ba Tùng, Ben và David đều ca một bản đồng ca, nghe rất quen tai tại vùng Bay Area, nơi nhà đắt, người đông, việc làm hiếm và kén chọn. Thống kê mới đây cho thấy tỉ lệ người không việc làm và lãnh phụ cấp thất nghiệp vùng Bay ở mức từ 4.1 đến 6.0% - riêng Quận Hạt Santa Clara đạt 5.2 %,  so với 7.9 toàn Cali, trong khi tỉ lệ toàn quốc Hoa Kỳ ở mức 6.7%. Rất không may Tùng - Ben - David, bạn học từ nhỏ và ở cùng xóm phía bắc San José, từng nằm trong số 1.5 triệu người không việc làm tại California. Nhưng nói vậy mà không phải vậy, ba chàng trai - thân nhau như anh em ruột thịt, không hề ngồi không ăn cơm cha xin tiền mẹ ngồi cafê, mà đã cùng nhau thành lập công ty riêng. Công ty của họ - một startup có một không ai, nói theo chữ nghĩa thời trang là dám nghĩ dám làm và đang trên đà thành công - ít ra thì cũng bước đầu.
Công ty của họ, lẽ dĩ nhiên phải mang tên Mỹ như Tastee Bytes và Kamikazé, có cả trang nhà trên mạng, và có mặt trên Facebook, Twitter và Instagram ... để kết nối 24/24 với khách hàng và người ái mộ (followers) như tất cả các công ty hai-tếch thường thấy. Chỉ có điều công ty của họ không trụ yên một địa chỉ mà thường xuyên di chuyển nay chỗ này mai chỗ khác: bởi vì đó là hai chiếc xe lunch, và văn phòng chính ban đêm đặt tại Tổng Công Ty LeeBros. Foodservice, Inc. - công ty mẹ của hệ thống bánh mì Lee's Sandwiches.

                                                          Tastee Bytes Food Truck
Bây Giờ

Những chiếc xe lunch màu trắng ngà, trên nóc xe có hai ba khung nhựa xanh mở lên để thoáng khí và hứng ánh sáng trời vẫn thường thấy - mà đa phần là do người Việt điều hành giờ đây phố xá lại được trang điểm thêm bằng những chiếc xe, hình dáng tương tự như xe chuyển hàng UPS, nhưng màu mè hơn, bắt mắt hơn, hiện đại hơn của thế hệ biết tận dụng internet với điện thoại thông minh, tablet ..., tuy không diêm dúa, rối rắm loạn màu như xe của các bác tài gốc Mễ.
Ông Lê Văn Chiêu, Tổng Giám Đốc Lee Bros. ở San José giải thích:
"Xe lunch bây giờ thay đổi nhiều so với trước. Thực phẩm của xe lunch hiện nay chuyên môn hơn - nghĩa là tập trung vào vài món ăn thật đặc sắc như một nhà hàng ăn lưu động. Có xe chỉ bán món ăn Việt, món ăn Hàn Quốc, xe thì tacos hay BBQ không như trước đây phục vụ khách hàng với một thực đơn đa dạng và bình dân hơn."
Với ai từng dùng bữa từ xe lunch đều thấy ngày trước xe lunch chỉ phục vụ bữa ăn cho no bụng, giờ đây món ăn phải được nâng lên hàng cao cấp nhắm vào một nhóm thực khách kén chọn. Sở dĩ như vậy theo lời ông Chiêu, là vì khi kinh tế Mỹ trở nên khó khăn vào những năm 2000 khiến nhiều nhà hàng đóng cửa và đầu bếp mất việc phải đổi ngành. Ông nói:
"Các đầu bếp giỏi từ các nhà hàng đó chuyển sang bán thức ăn trên xe lunch, và điều đó đã làm chuyển hướng ngành bán xe lunch mà báo chí Mỹ gọi là food trucks."
Vì thực phẩm ngon hơn, đòi hỏi tay nghề chuyên nghiệp để xào nấu nêm nếm, chưa kể mọi thứ nguyên liệu giờ đây cũng mắc mỏ nên món ăn không còn rẻ như thời vàng son của xe lunch Việt dạo trước năm 2000 khi phong trào dot.com bột phát.

Một chủ xe lunch, nay đã giải nghệ  - không muốn nêu danh tính, nói rằng thời đó kiếm tiền sướng lắm. Hãng xưởng cần mình tới để mang đồ ăn cho nhân viên làm ba ca/ngày. Ông nói rằng mỗi ngày trừ chi phí cũng còn trên dưới vài trăm mà thời đó nhà lại rẻ, cho nên mua vài căn làm vốn cho con cái không phải là "lớn chuyện." Vẫn theo lời kể thì chỉ chịu khó cầy - từ mờ sáng đến khuya 11 - 12 giờ đêm, dành dụm từ đồng xu đồng cắc thì giấc mơ Mỹ coi như trong tầm tay.
Giờ đây thu nhập của giới hành nghề xe lunch không thể sánh với trước được. Ông Lê Văn Chiêu - hiện điều hành ba bãi đậu xe với tổng cộng khoảng 400 chiếc, lớn và uy tín nhứt vùng Bay, nhận xét:
"Sau vụ 9/11, nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, hãng xưởng đóng cửa, tiết giảm nhân viên, hoặc dời đi khỏi vùng, công trường xây dựng đình trệ thì vài ba hãng xe lunch cũng chung số phận phải dẹp tiệm."
Ông cho biết tình hình kinh tế ảnh hưởng rất nặng tới sinh hoạt của hệ thống xe lunch, và nếu có hồi phục thì cũng không thể sung túc như xưa. Chẳng hạn như các hãng lớn như Google, Facebook, Apple ... đều có cafeteria nuôi ăn nhân viên, thế nên xe lunch không có nơi dụng võ.
"Xe lunch giờ đây phải nhắm vào các công trường xây cất đang hồi phục, các hãng nhỏ, các hội đoàn ... và phải cung cấp món ăn ngon miệng để tạo cho khách hàng cảm tưởng như đi ăn tiệm - cho nên nói chung thu nhập của xe lunch có bị ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình kinh tế."

Nắm bắt được cái khó của thời cuộc, nhóm Tastee Bytes chọn một hướng đi mới - thay vì bám sát và bám chết cái "rao" (route) như người đi trước. Tastee Bytes đậu xe tại một địa điểm và bằng Twitter, Facebook, hay texting nhắn khách hàng biết và mời họ tới.
Lướt qua vài góp ý trên trang Yelp*, mới thấy rằng tuyệt đại đa số khách hàng của Tastee Bytes đều gắn cho xe lunch này từ bốn đến năm sao, và đặc biệt kết món pulled pork của họ.
Shirley D. viết: "Tôi rất ngạc nhiên khi cảm thấy thích thú với món ăn của Tastee Bytes. Thật ra tôi không kỳ vọng nhiều vì có đến 10 chiếc xe lunch để lựa chọn ngày hôm đó. Tưởng như xe nào như xe nấy nhưng tôi rất vui khi bắt gặp xe lunch màu xanh lục - nói thật tình, đó là chiếc xe có món ăn cực ngon. Chẳng hạn món hot dog với mayo cay xè: tôi không hề biết là có kèm với bacon (thịt heo muối) được chiên giòn đúng độ. Súc-xích dog, bacon, sốt mai-yô-ne kẹp giữa hai lát bành mì kiểu Hawaii nướng tạo thành một tổng hợp tuyệt vời mà tôi chưa hề được thưởng thức. Món pulled pork (dạng thịt heo quay xé phay) của Tastee Bytes đúng là số 1. Không quá mặn, khg quá dai, lại có chút mỡ béo vừa đủ của lợn. Tôi rất khoái khẩu với món này đến nỗi chỉ một tiếng đồng hồ sau, tôi lại muốn trở ra ăn thêm nữa.
Lời góp ý của tôi: hãy ghi nhớ chiếc xe lunch này vào danh sách thực phẩm cần ăn của bạn nha!"
Victoria N. ở San José viết thêm: "Tastee Bytes đến và đóng góp thực phẩm cho trận tranh tài kickball nhằm gây quỹ mua sách đọc cho học sinh mùa hè của chúng tôi. Không chỉ giúp nuôi ăn miễn phí các đấu thủ, món ăn của họ thật tuyệt. Chúng tôi rất ấn tượng về khẩu vị và chất lượng món ăn do họ thực hiện. Thực đơn của họ đa dạng từ hot dog kiểu Cajun, đến bánh mì gà nướng, cả bánh churros nữa đấy..."

"Rao" là tuyến đường xe lunch chạy hàng ngày và dừng tại các địa điểm có sẵn theo lịch trình để bán hàng. Làm thế nào để chiếm lĩnh một mình một "rao" không cho xe lunch khác chen vào là cả một sự cạnh tranh dữ dội và đôi khi hiểm nguy đến cả tính mạng và tài sản. Cạnh tranh không chỉ giữa chủ xe mà luôn cả giữa hãng và hãng. Ông Chiêu nhớ lại:
"Ban đêm vợ chồng con cái chúng tôi phải vào ngủ ngay tại hãng cả chục năm trời chỉ để bảo vệ trông chừng mấy chiếc xe lunch đậu trong bãi. Tài xế đi bán cả ngày, tối về gởi xe vô parking và về nhà, trong khi mình phải chịu trách nhiệm an ninh bãi đậu xe và nếu mình lơ là có thể bị kẻ xấu lẻn vào đốt phá."
Tuy tình hình cạnh tranh hiện nay không ngột ngạt như xưa, nhưng vẫn có vì muốn hấp dẫn khách hàng thì phải cạnh tranh để giữ khách và giữ "rao."

Ông Chiêu cho hay về một cách làm ăn mới, khá hiệu quả giúp người chạy xe lunch có địa điểm bán hàng nhưng không còn kiểu chèn ép nhau qua "rao," mà công ty của ông cũng đang nghiên cứu thực hiện. Ông nói:
"Một nhóm trung gian đứng ra thỏa thuận với hãng xưởng hay tổ chức tư nhân về dịch vụ cung cấp thực phẩm cho một sự kiện nào đó, kế tiếp người này kêu gọi nhiều xe mang nhiều mặt hàng đến bán. Xe nào tham gia thì trả hoa hồng cho trung gian trong khi khỏi phải tranh giành chỗ bán."
Trong chiều hướng này, cuối tuần qua tại Phố Nhật - Japantown ở San José, có buổi triển lãm các kiểu xe hơi từ cổ đến hiện đại. Người đi chơi đông nghẹt. Xem chán, đi bộ mỏi thì ... đói và khát. Ban tổ chức cho mời mấy chiếc food trucks đậu trên bãi kế cận tạo thành một food court lưu động. Chiếc Kamikazé của nhóm Tastee Bytes cũng có mặt và cung cấp món pulled pork nổi tiếng của họ. Một công hai ba chuyện, thực khách có thể đưa gia đình đến xem triển lãm, thăm Phố Nhật vừa có dịp đi "ăn ngoài" vào ngày cuối tuần.
Hẳn nhiên phương thức kinh doanh này trước đây - ngày ấy không có.

Ngày Ấy

John Lý Sương, quê Long An, gia nhập ngành xe lunch ngay từ những ngày đầu đến Mỹ năm 1980, sau khi nhận thấy rằng học chữ quá khó khăn, trong khi gia đình đông nhân khẩu cần phải kiếm tiền ngay. Từ bước đầu đi làm đầu bếp cho xe lunch khác, ông John từ từ chuyển sang làm chủ một chiếc và nuôi bảy con ăn học thành tài. Ông hãnh diện khoe:
"34 năm trong nghề và khởi đi từ hai bàn tay trắng, cho đến nay con cái đã ra riêng và có nhà cửa đầy đủ, tui vẫn thích và quyết bám nghề này cho đến khi không còn sức."
Ông nói rằng bạn bè ông - cùng hoàn cảnh như ông đều nuôi con cái thành tựu ra kỹ sư bác sĩ nhờ bán xe lunch chỉ vì không còn chọn lựa nào khác. Ông cho hay cha mẹ nào cũng phải hy sinh, phải chịu cực vì tương lai của con cái.
Vào thời đó mua một chiếc trả góp khoảng 35 ngàn, người mua chỉ cần vài ba tháng là trả dứt vốn cộng lãi và làm chủ hoàn toàn chiếc xe. Hiện nay một chiếc cũ chạy được cũng chỉ 20 ngàn, trong khi mới toanh lên đến 130,000.
"Tui nghĩ có lẽ con cái thấy cha mẹ lao động quá vất vả, sáng đi sớm tối về khuya nên, con cái gia đình nào cũng vậy - đều chăm chỉ học và thành công trong xã hội, coi như cách trả ơn cha mẹ," ông John Lý tâm sự từ chiếc xe lunch đã giúp ông và cả gia đình sinh tồn tại Thung Lũng Hoa Vàng đắt đỏ, nơi có hơn một trăm ngàn người Việt định cư.
Cho dù đã 64 tuổi, với gần nửa đời chạy xe, ông John thú nhận rằng bán xe lunch giờ đây là một niềm vui.
"Hàng ngày gặp bạn bè, gặp khách hàng, gặp anh em trong hãng xưởng ... tui coi như là một cách vận động cơ thể hơn là một nỗi cơ cực. Ở nhà chắc tui đổ bệnh."
Vậy nếu khởi lại từ đầu, liệu di dân John Lý từ Việt Nam mới sang Mỹ có làm xe lunch trở lại không. Ông trả lời rằng dứt khoát vẫn làm nghề này ngay cả bây giờ lúc mà tình hình hãng xưởng không còn hồ hởi phấn khởi như xưa, khi mà chữ nghĩa không có và tay nghề có cũng không.

Thủa Ban Đầu

Vào những năm 79', 80' cũng đã có vài người Việt bán xe lunch ở vùng Bay. Bản thân ông Lê Văn Chiêu - ban ngày giúp việc nhà hàng, ban đêm đi học tiếng Anh, cũng thấy một chiếc xe lunch bán tại cổng trường. Chiếc xe bán thực phẩm lưu động đó đã gợi hứng để chính ông và vợ thử nghiệm thời cơ tại nước Mỹ. Hồi tưởng lại hơn 30 năm trước, ông nói:
"Lúc đầu tôi phụ việc cho xe của anh Vĩnh - chiếc xe đậu ở sân trường San Jose High School, chừng sáu tháng sau mua trả góp một chiếc để bà xã Yến lái, tôi cook, cứ như vậy chạy tới nhiều hãng, mỗi nơi đậu chừng 10, 15 phút rồi chạy tiếp qua cơ sở khác."
Ông chỉ muốn làm qua ngày, nuôi con ăn học, lập nghiệp tại quê hương mới và không thể ngờ nhiều năm sau ông và anh em trong gia đình họ Lê đã gầy dựng nên cơ ngơi mà ngay từ năm 2006 báo Asia Week đã gọi ông là triệu phú.
Chỉ ba năm sau khi mua chiếc đầu tiên, cơ sở làm ăn của anh em ông Chiêu, Hướng nhân thành bảy chiếc; và cho đến khi đậu xe tại nhà bị lối xóm than phiền và vi phạm luật thành phố thì ý nghĩ lập bãi đậu cho xe lunch mới thành hình.
"Lúc đầu mướn kho bãi chỉ để có nơi cho bà con chạy xe có chỗ đậu ban đêm chừng vài chục chiếc, nhưng rồi từ đó phát triển lên cho đến khi phong trào chạy xe lunch nở rộ lên cả trăm chiếc."

Ý tưởng của ông Chiêu vào thủa xa xưa cũng không khác với công ty Tastee Bytes ngày nay. David Trần, thành viên của nhóm, cho hay:
"Chúng tôi bắt đầu từ tháng Bảy 2012 với số vốn khoảng 35 ngàn vay mượn từ gia đình và chỗ này chỗ kia. Nay thì vốn cũng đã trả hết."
Hỏi rằng năm, mười năm nữa Tastee Bytes sẽ ra sao, David cũng có một ước mơ lạc quan với một hệ thống xe food trucks hay một hệ thống nhà hàng. Anh nhấn mạnh rằng điều đó khả thi chứ không phải chỉ là ước mơ:
"Điều quan trọng nhứt không phải ai nhảy vào nghề này cũng thành công. Chủ yếu là phải yêu nghề, phải đam mê và đầy nhiệt huyết. Không ai có thể biết được nếu không thử thời vận."
Chia xẻ về vấn đề này, ông Chiêu cho hay thực phẩm vẫn là một nhu cầu hàng ngày của con người và mở nhà hàng hay chạy xe lunch là một lựa chọn nếu muốn đi vào ngành thực phẩm:
"Khai trương một nhà hàng đỏi hỏi vốn, rất nhiều công sức và rủi ro cũng không ít trong khi đầu tư vào một chiếc food truck, bỏ thêm sức lao động và chịu cực thì khả năng kiếm sống tương đối an toàn."


* http://www.yelp.com là trang mạng giới thiệu các dịch vụ từ y tế, sửa sắc đẹp đến tìm thợ sữa xe... Yelp cũng là nơi để người dân thường góp ý về một cửa hàng ăn uống hay dịch vụ nào đó. Số lượng ngôi sao cho thấy khách hàng có hài lòng với dịch vụ được cung cấp hay không.

No comments:

Post a Comment