Sunday, April 29, 2012

Measure B: YES hay NO


Đức Hà

Điều khó tin nhưng có thật là tại San Jose – nơi mà quý độc giả, gia đình cùng thân quyến đang làm ăn sinh sống và chật vật từ bấy lâu nay, thì nhiều công chức thành phố sau khi nghỉ hưu vẫn còn lãnh hàng năm và suốt đời đến trên một trăm ngàn đô (90% lương sau 30 năm làm công chức thành phố) chưa kể khoản bảo hiểm sức khỏe 100% miễn phí cộng với 3% điều chỉnh hàng năm theo vật giá. Và đó là một trong những nguyên nhân đưa đến Measure B được đưa ra để cử tri biểu quyết vào kỳ bầu cử sơ bộ thứ Ba ngày 5 tháng Sáu tới. Cử tri San Jose sẽ phải chọn lựa THUẬN hay KHÔNG THUẬN về Đề Luật B. Tuy nhiên không phải tất cả đều muốn cải cách những điều khoản ghi trong bản nội qui về quỹ hưu bổng đang được áp dụng.

Từ trước đến nay theo thông lệ và theo quy định, nhân viên chính ngạch của thành phố San Jose khi nghỉ hưu đều được hưởng những khoản phụ cấp và quyền lợi kếch xù cho đến khi lìa trần. Nếu ở vào thời điểm kinh tế tăng trưởng, ngân sách trù phú dư thừa thì vấn đề chẳng bao giờ trở thành “vấn đề” để phải trưng cầu ý kiến của cư dân. Nhưng tình hình kinh tế trì trệ của toàn nước Mỹ - trong đó có San Jose, khiến nhiều bang phải mang nợ ngày càng nhiều hơn, thành phố bị phá sản, ngân sách thâm thủng trầm trọng trong khi phí trợ cấp cho người hưu lại tiếp tục gia tăng thì vấn đề trở thành cấp bách.
Vì thế Measure B ra đời và được Thị Trưởng Chuck Reed, Phó Thị Trưởng Madison Nguyen cùng các Nghị Viên Pete Constant, Rose Herrera, Sam Liccardo, Donald Rocha, Nancy Pyle và Pierluigi Oliverio đồng lòng hưởng ứng. Còn các Nghị Viên Ash Kalra, Kansen Chu, Xavier Campos chủ trương không sửa đổi hiến chương, vì mãn nhiệm hoặc vì đang tái tranh cử. Nghị Quyết số 76158 về Measure B được Thị Trưởng Reed ký ngày 6 tháng Ba, 2012. Vì nghị quyết của thành phố không đủ thẩm quyền để thực thi nên phải chuyển thành đề luật để cử tri San Jose chọn lựa, và chỉ khi nào đa số cử tri chọn YES, nội quy mới được sửa đổi hay ngược lại vẫn giữ nguyên trạng nếu cử tri chọn NO.

Nội Dung Đề Luật B

Trang web của thành phố San Jose cho biết trong năm tài chính 2011-2012 khoản chi về tiền hưu đã tăng từ 73 triệu lên đến 245 triệu đô, tức gấp ba lần nhiều hơn cách nay mười năm. Số tiền này chiếm hơn 20% ngân sách thành phố và là một trong nhiều nguyên do làm ngân sách thiếu hụt. Rõ ràng đây là vấn đề cần phải điều chỉnh ngay vì mức chi tiêu này không dừng lại mà tiếp tục tăng trong những năm tới khiến thành phố rồi ra sẽ không đủ khả năng cung cấp những dịch vụ cơ bản cho cư dân và duy trì lâu dài quỹ hưu bổng cho nhân viên. Cốt lõi của Measure B là người dân San Jose nộp thuế cho két sắt thành phố, thành phố dùng tiền đó cải thiện đời sống của cư dân qua các dịch vụ đồng thời nuôi quỹ hưu bổng. Vì tình hình kinh tế không khả quan, lượng thuế thu vào giảm sút trong khi mức hưu bổng gia tăng đưa đến chuyện phải cắt bớt nhiều dịch vụ công ích – chẳng hạn như  sa thải nhân viên, giảm lương, giới hạn giờ sinh hoạt của thư viện ...

Câu hỏi đặt ra cho cử tri là có nên sửa đổi những điều khoản quy định trong hiến chương – mà thành phố cho rằng không còn hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay. Đề Luật B nói rằng chỉ có điều chỉnh lại phí trợ cấp hưu trí này mới giúp thành phố duy trì các dịch vụ cần thiết kể cả công tác gìn giữ an ninh cho gần một triệu cư dân đồng thời vẫn đảm bảo các quyền lợi cho công chức khi hết làm việc. Việc tu chính lại quy chế dựa trên mấy điểm như sau: gia tăng phần đóng góp của nhân viên, thiết kế chương trình tự nguyện giảm hưu bổng cho người đang còn đi làm, thiết kế khoản hưu bổng và giới hạn các quyền lợi tài chính cho nhân viên mới, điều chỉnh thủ tục nghỉ hưu do tàn tật, tạm hoãn áp dụng tỉ lệ vật giá gia tăng - COLA cho người hưu khi thành phố rơi vào trường hợp ngân sách thiếu nghiêm trọng.
Bên ủng hộ cho rằng phải sửa sai ngay bây giờ để tương lai tốt đẹp hơn khi nguời thọ thuế của các thế hệ tới khỏi phải đóng hàng tỉ đô để nuôi quỹ hưu bổng công chức, để thành phố giảm chi khi cho áp dụng các khoản tu chính trong lúc vẫn không cắt giảm tiền hưu hiện hữu. Công chức đang tại chức phải đóng góp nhiều hơn cho quỹ hưu như 200 thành phố khác của Cali đã làm. Trong khi đó bên phản bác đưa ra luận cứ như sau: Nếu Measure B thành hình thì bảo hiễm tàn tật khi thi hành công vụ của nhân viên cứu hỏa và cảnh sát có thể bị xóa bỏ, tăng gấp bội phí mua bảo hiểm y tế dành cho góa phụ và người cao niên và có thể vi hiến vì trái với quyền lợi của công chức đã được công nhận. Vì vậy vấn đề có thể được đưa ra tranh cãi trước tòa, do đó lại càng tốn kém hơn cho ngân sách. Thêm vào đó công chức đã chấp thuận giảm lương từ 10 đến 18% và không nhận tiền hưu SSA từ liên bang. Nghiệp đoàn công chức cũng đã đề xuất nhiều cải cách như tăng tuổi hưu, giảm mức độ các quyền lợi, kể cả giảm tỉ lệ COLA - điều chỉnh theo vật giá. Cảnh sát và nhân viên chữa cháy cũng đã nêu ý kiến gia giảm trợ cấp nghỉ việc và duy trì ở mức năm 1972. Để kết luận nhóm không thuận cho rằng thành phố từng chống đối việc đặt để chính trị lên trên chính sách, bây giờ chính những chính trị gia này lại muốn cử tri đánh bạc với tương lai tài chính của thành phố. Mới đây thành phố lại bất ngờ cho hay ngân sách thặng dư 10 triệu và có hàng triệu khác để tu bổ đường xá, vậy thì lối kiểm toán và dự báo thiếu chính xác này chỉ nhằm làm cư dân địa phương hãi sợ. Vẫn theo bên nói NO thì cho dù với Measure B cũng không giúp thành lập thêm thư viện, không giúp tuyển dụng thêm cảnh sát hay có ngân khoản để cải thiện hệ thống giao thông.

Hẳn nhiên cả hai bên đều đưa ra những luận cứ vững chắc để thuyết phục cử tri chọn YES hay NO. Phía chủ trương YES khẳng định Hiến Pháp California cho phép chính quyền thành phố sửa đổi mức trợ cấp cho công chức, Hiến Chương Thành phố cho phép cử tri thay đổi quyền lợi của người về hưu, và nội quy của thành phố cho quyền thành phố buộc công chức phải đóng góp nhiều hơn vào quỹ hưu bổng. Dẫn chứng bản phúc trình của đại học Stanford cho thấy tiền hưu trung bình hàng năm của công chức San Jose cao nhất so với bất cứ hệ thống hưu bổng độc lập nào trên địa bàn Cali. Trước khi đưa Đề Luật cho cử tri chọn, chính quyền thành phố đã tham gia hàng trăm giờ thương thảo với 11 nghiệp đoàn công nhân viên chức, kể cả 20 buổi làm việc với nhân viên hòa giải cấp tiểu bang nhưng không đạt được giải pháp dung hòa cho ngôn từ ghi trong Measure B.

Jimmy Nguyễn: NO

Trả lời phỏng vấn của Việt Tribune về Measure B, luật sư Jimmy Nguyễn, ứng cử viên vào Hội Đồng Thành Phố District 8 cho biết phải chọn NO. Anh giải thích:
“Nếu tin rằng giải pháp cho một vấn đề sẽ không tạo ra thêm vấn đề nữa thì đó là cách giải quyết, và như vậy thì phải chọn NO với Đề Luật B. Đề luật này được đưa ra nhằm giải quyết mức gia tăng ngày càng nhiều về khoản hưu bổng mà Thành Phố San Jose phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên quyết định đó lại thiếu tính hợp pháp và tốn kém.”
Luật sư Jimmy cho hay những người hậu thuẫn Measure B biện minh rằng đề luật này sẽ giải quyết sự gia tăng ngày càng nhiều của khoản chi tiêu cho quỹ hưu bổng bằng cách giảm quyền lợi của công chức đang làm việc và đã hưu trí. Giảm chi tiêu cho quỹ hưu bổng của công chức là một mục tiêu đúng đắn nhưng đồng thời cũng phải cân nhắc khả năng thành công và sự tốn kém cho chọn lựa này. Công chức đang còn ở nhiệm sở hay hưu trí đã khẳng định rằng đề luật mới sẽ vi phạm quyền lợi đã được công nhận trong hợp đồng. Do đó những người này sẽ lảm đủ mọi cách để không bị mất quyền lợi: tức là kiện thành phố.
Ứng viên Jimmy Nguyễn cho biết với tư cách là một luật sư, anh có thể tiên đoán nguyên đơn sẽ thắng bởi vì Hiến Pháp Hoa Kỳ và Hiến Pháp California ngăn cấm việc thành phố vi phạm hợp đồng. Anh cho biết Nghị Viên Ash Kalra cũng là một luật sư, Bộ Trưởng Tu Pháp California, một cựu luật sư của thành phố cùng nhiều người hoạt đồng trong ngành tư pháp đều có cùng ý kiến tương tự. Cũng có luật sư có quan điểm khác biệt nhưng cả hai bên đều cùng xác nhận chi phí cho vụ tranh tụng sẽ vô cùng tốn kém và người hưởng lợi sẽ là luật sư tham gia vụ kiện.
Tóm lại theo Jimmy, Measure B không phải là giải pháp và càng không phải giải pháp tối ưu cho vấn đề và anh chủ trương các bên cùng ngồi vào thương thảo trong tình thần tôn trọng và lịch sự.
Bài xã luận báo trên San Jose Mercury News khuyến cáo cử tri nên chọn YES.

Saturday, April 14, 2012

Ba Mươi Bảy Năm Sau


Đức Hà

Đất nước Việt Nam có những nghịch lý mà chắc ít có nơi nào trên địa cầu này có thể có chưa nói gì đến chuyện so cho bằng. Chẳng hạn về chuyện 30 tháng Tư: khi miền Nam đổ sập, hàng loạt người bỏ nước ra đi, rồi lại tiếp tục ra đi theo dạng vượt biên, vượt biển hay bằng đường con lai, bảo lãnh đoàn tụ, hôn phu hôn thê, thậm chí cả du lịch rồi vô tư ở lại ... quê hương thứ hai. Chẳng bao lâu sau chính những người đi (một số) lại quay trở lại và tái định cư ở quê nhà như chẳng có chuyện gì xảy ra. Vì nhà nước khoan hồng chỉ đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại nên người đi được gọi là “ôm chân đế quốc, ăn bơ thừa sữa cặn” cùng nhiều từ khác đầy tính miệt thị, trong khi người chạy lại thì - như mọi người đều biết, không kinh tế mới, nông trường, đào thủy lợi, thì cũng cải tạo tư sản hay tùy theo tội nặng nhẹ được đi học khóa học tập cải tạo. Chẳng bao lâu sau, người bỏ đi không hề bị đánh lại được vinh danh là “khúc ruột ngàn dặm là bộ phận không thể thiếu rời,” được trải thảm đỏ mời về đóng góp xây dựng tổ quốc giàu đẹp. Và trong những năm gần đây là những đợt du sinh, nghệ sĩ, doanh nhân ào ạt nhưng kín đáo đổ bộ lên nước Mỹ theo chương trình DDKT - tắt của bốn chữ di dân kinh tế. Và mới đây nhứt là chuyện một người từ trong nước với cánh tay dài sang đây để mua đứt một thành phố của bang Wyoming.

Tháng Tư, 1975

Vào những ngày này 37 năm trước, Sài Gòn và toàn thể miền Nam Việt Nam như chìm đắm trong cơn dầu sôi lửa bỏng, từ di tản chiến thuật, sơ tán, bỏ ngũ, trốn chạy ... nói chung đúng là cuộc tháo chạy tán loạn như tựa đề sách của tác giả Frank Snepp được dịch sang Việt ngữ. Trước khi Sài Gòn đổi chủ và thành phố đổi tên, ít ra cũng có hàng ngàn người được đưa thẳng đến Guam, trong khi hàng ngàn người khác lại xuống tàu hướng về Phú Quốc rồi ra tàu Mỹ hay lên máy bay từ Tân Sơn Nhất trực chỉ Thái Lan – để cuối cùng đều tập trung về Guam trước khi chuyển vào đất Mỹ sống một cuộc sống mà cho tới bây giờ vẫn có người còn than thở là nơi xứ lạ quê người. Cuộc sống sau tháng Tư năm Ất Mẹo, tuy được làm chủ đất nước nhưng vận mệnh lại bồng bềnh như sóng mùa biển động nên nhân dân quyết tâm xuống ghe cứ nhắm hướng Đông mà chèo với chủ đích một là nuôi cá, hai là có tiền nuôi má. Theo Wikipedia có đến 165,000 người bỏ thây trong các trại cải tạo, với án tù không công bố kéo dài tùy tiện từ vài ba năm đến 17 năm. Tù tội, khốn khổ và nền kinh tế suy sụp bắt nguồn từ lúc còn chiến tranh đã buộc hàng trăm ngàn người phải ra đi tìm cuộc sống mới bất kể mọi hiểm nghèo từ giông bão, bệnh tật, đói khát và cả cướp biển. Các đợt thuyền nhân bán chính thức và bất hợp pháp, nếu may mắn sống sót được chia rải rác tại các trại ở Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia hay ở phía bắc như Hồng Kông, Nhật Bản hoặc đi thẳng tới bến Australia. Người ta ước tính có khoảng nửa triệu người chết ngoài biển khơi hay mất tích trong số hai triệu thuyền nhân ra đi.
Phải đến năm 1979 khi chương trình ODP – Orderly Departure Program thành hình, những người không muốn ở lại mới được đi chính thức bằng đường hàng không, trật tự và an toàn. Nếu ai đã kênh qua chương trình này đều phải trải qua bao nhiều cửa ải, kể cả rải tiền chỉ tiền cây để cuối cùng được lên danh sách chuyến bay đến được bến trong ở phương Tây. Trong cùng lúc Hoa Kỳ cũng giúp nhóm con lai và gia đình cũng như cựu quân nhân Sài Gòn có cơ hội đi chính thức bằng chương trình H.O.
Những người còn sót lại tại các trại hầu như đều được đi định cư ở nước thứ ba - phần lớn là ở Canada, do sự vận động của luật sư Trịnh Hội. Vào tháng Tư, 1989 khi các trại bắt đầu đóng cửa, thuyền nhân bị buộc trở về thì chương trình bảo lãnh thân nhân là con đường hợp pháp và duy nhứt để đi.

Tháng Tư, 2012

Ông Lê Minh Hải thuộc văn phỏng dịch vụ bảo lãnh di trú RMI ở San Jose cho hay từ 70 đến 80% số hồ sơ là thuộc diện thân nhân bảo lãnh cho người nhà bên Việt Nam. Ông nói:
“Bảo lãnh thân nhân sang Mỹ vẫn là cột sống của RMI từ 25 năm nay, thêm vào đó có khoảng 10% thuộc nhóm du học sinh, khách du lịch muốn chuyển diện để ở lại Mỹ hợp pháp và phần còn lại là trường hợp sinh viên muốn du học hay doanh nhân trong nước muốn đầu tư tại Mỹ tiện thể mưu tìm cách định cư lâu dài tại đây.”
Không biết liệu câu nói “cột điện nếu có chân cũng muốn đi” có còn chính xác vào thời điểm 37 năm sau như hiện nay hay không nhưng Việt Nam cũng như nhiều nước khác, như Trung Quốc, Ấn Độ ... đều tìm cách cho con em du học Mỹ hoặc mang tài năng và tài sản sang phát triển ở Mỹ, chính yếu là vì nền tự do dân chủ ở đây được đảm bảo và vì là nước hợp chúng nên mọi sắc dân, mọi chính kiến mọi khuynh hướng đều được rộng tay đón nhận.
Bài viết mới đây trên báo Mercury News nói rằng cho dù Trung Quốc là một siêu cường kinh tế, những người từng được hưởng lợi nhiều nhứt từ sự vươn cao của đất nước cũng tìm cách để thoát. Các tỉ phú Trung Quốc thường chọn Vùng Bay là nơi có nhiều đồng hương Châu Á, nền giáo dục tốt và đời sống tiện nghi thoải mái ổn định để thực hiện giấc mơ Mỹ.
Tuy nhiên để có được chiếu khán đầu tư là cả một vấn đề, phức tạp và nhiêu khê. Ông Lê Minh Hải nói rằng để có được visa EB-5 doanh nhân phải hội đủ nhiều điều kiện, trước hết là về tài chính với số vốn đầu tư từ nửa triệu lên đến 1 triệu đô có nguồn gốc sạch. Kế hoạch kinh doanh phải được thực hiện vào dự án đã có sẵn tại vùng đang gặp khó khăn, hoặc hoàn toàn mới tại nơi có nhu cầu phát triển. Dự án phải tạo ra 10 công ăn việc làm trong vòng hai năm.
“Sau hai năm thử thách với thẻ xanh tạm, doanh nhân đó và thân nhân có thể xin thẻ xanh 10 năm trở thành thường trú nhân, và sau bảy năm được nhập tịch Mỹ. Và ngược lại nếu kế hoạch làm ăn thất bại người đầu tư sẽ mất hết cả tiền lẫn thẻ xanh,” ông Hải giải thích.

Theo cơ quan di trú Mỹ, tính từ 1992 đến 2011 đơn xin visa EB-5 tăng vọt từ 474 lên 3,805 tức tăng 700%. Và chỉ hai năm vừa qua, lượng đơn xin tăng xấp xỉ gấp bốn lần, phần lớn từ Trung Quốc. Hẳn nhiên các đại gia Việt cũng tham gia cuộc chơi, và nếu được và với thời gian cuối cùng cũng sẽ được vào dân Mỹ mà chẳng phải vượt biển như những người đi trước. Chẳng thế mà nhiều người tin rằng - qua đồn đoán về khu Vietnam Town ở San Jose, Vallco ở Cupertino, Bellair ở Houston, chợ, khu thương mại, khách sạn ở Nam Cali có nguồn vốn rót từ Việt Nam nhưng không thể nào xác minh thực hư.
Diện visa EB-5 khởi sự từ 1992 sẽ mãn hạn vào tháng Chín năm nay, chắc sẽ lại được Quốc Hội đồng thanh biểu quyết gia hạn vì nước Mỹ sẽ tạo được công ăn việc làm mà chẳng phải tăng thuế hay trích từ hầu bao của nhân dân qua các dự án luật Measure, Proposition vẫn thường thấy trong các kỳ bầu cử. Trong trường hợp xấu nhứt thì phần thua lỗ không phải thuộc về nhà nước Mỹ, ngược lại nếu kế hoạch kinh doanh đạt thành quả tốt đẹp, vượt chỉ tiêu thì cả gia đình (gồm chồng, vợ và các con dưới 21 tuổi chưa lập gia đình) đều có thể sống vĩnh viễn ở Mỹ.
“Đầu tư làm ăn là một chuyện, quy chế di trú lại là chuyện khác và vẫn phải trải qua các giai đoạn thẻ xanh tạm, thẻ xanh vĩnh viễn và nhập tịch,” ông Hải cho biết.
Nói như vậy không có nghĩa là đem một món tiền lớn vào Mỹ sẽ đương nhiên được hưởng quyền di trú.

Buford, Wyoming

Chẳng hạn như ông Phạm Đình Nguyên, Tổng Giám Đốc Công Ty Dịch Vụ Phân Phối Tổng Hợp Quốc Tế (IDS), có trụ sở tại TP/HCM là người đã mua đứt thị trấn Buford ở Wyoming với giá 900,000 đô. Theo phân tích của ông Hải, có thể ông Nguyên có thẻ xanh rồi chỉ mua Buford để lấy tiếng – như phần lớn các đại gia Việt Nam hay làm, hoặc có thể đương sự đang muốn có visa EB-5. Tin sau cùng cho biết người chủ mới của thị trấn Buford đến Mỹ lần đầu bằng chiếu khán du lịch.
Phát biểu với truyền thông trong nước ông Nguyên nói rằng ý đồ mua Buford là một phần ước mơ của ông. Ông nói:
“Sở hữu một phần của nước Mỹ là ước mơ của tôi. Khi đọc được một bài báo nói về việc đấu giá thị trấn Buford, tôi đã rất phấn khích. Vì vậy, tôi đã quyết định sẽ tới Wyoming để trực tiếp tham gia. Đây là một hành trình dài nhưng cuối cùng tôi cũng thực hiện được ước mơ của mình.”
Ông Nguyên đã đánh to thắng lớn trước 25 người đến từ nhiều quốc gia có mặt tại chỗ chưa kể những nhà đấu giá qua mạng. Ông còn nói bỏ 900,000 đô vào thành phố hẻo lánh Buford, nằm cạnh xa lộ I-80 giữa Cheyenne và Laramie là chuyện nhỏ.
“Một trong những hoạt động kinh doanh chính của IDS là phân phối, phát triển thị trường. Sở hữu một thị trấn như Buford là bàn đạp về mặt tinh thần để chúng tôi xuất khẩu sang thị trường Mỹ những thương hiệu Việt Nam. Đồng thời cũng là cơ hội để chúng tôi giới thiệu những thương hiệu mới mà chúng tôi sở hữu.”
Nói là vậy nhưng làm thế nào mà từ Buford – rộng 10 acres nơi chỉ có một cửa hàng tạp hóa, một cây xăng, mấy thùng thơ bưu điện, một khu nhà làm văn phòng, một nhà ở với ba phòng ngủ, một trạm bắt sóng điện thoại di động, và tuyết phủ kín suốt mùa đông, ông Nguyên có thể làm bàn đạp và mở ba bốn mũi tấn công đi khắp Hoa Kỳ là bài toán phải đợi thời gian mới (khó) có câu trả lời. Có điều chắc chắn rằng các nhà đầu tư Mỹ tại đây, những doanh nhân thứ thiệt, nếu thấy Buford có triền vọng phát triển thành một Las Vegas II, thì chẳng đến tay ông người Việt.
Tin cho hay ngay sau khi trúng đấu giá ông Nguyên phải nộp đủ số tiền cọc 100,000 và trong vòng 30 ngày tới số 800,000 còn lại. Và đây phải là tiền sạch và từ nước ngoài chuyển khoản vào Mỹ qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Ông Nguyên rồi ra sẽ phải phát triển 40% tài sản ông vừa mua để có thể đáp ứng những quy định của di trú Hoa Kỳ khi xét hồ sơ xin vào thường trú nhân.

Tóm lại so với thời kỳ vượt biên rộ khắp miền Nam trước đây thì một người muốn xuống ghe phải trả từ năm cho đến 15 cây vàng cùng với tính mạng mang ra đánh số đề thì ngày nay - 37 năm sau, chỉ cần 500,000 đô tương đương 225 cây vàng hoặc đánh bạo như tỉ phú Phạm Đình Nguyên hơn 400 cây vàng là cả nhà lục tục đến Mỹ - nhẹ nhàng như đi chợ Bến Thành. Điều cốt lõi ở đây là tiền đô lén lút hay chính thức từ Mỹ chuyển ra nước ngoài bây lại trở về với mái nhà xưa.

Wednesday, April 11, 2012

Jimmy Nguyễn & Hoài Bảo Giúp Người


Đức Hà

Từ khi còn là sinh viên và làm công tác thiện nguyện tại Trung Tâm Cộng Đồng Solari ở San Jose, Jimmy Nguyễn đã có cơ hội làm việc và tiếp xúc với giới trẻ thuộc thành phần gia đình khốn khó có nguy cơ bị hư hỏng lệch hướng. Ngay từ dạo đó anh nghĩ rằng cần phải giúp giới thanh thiếu niên này vượt qua những trở ngại, những vấp ngã trong cuộc sống để trở nên người, và có một chỗ đứng trong xã hội. Muốn đạt mục tiêu này, Jimmy nghĩ chỉ có hai phương sách: học ra trường, trở thành luật sư và tham gia chính trường. Bước thứ nhất đã đạt được, luật sư Jimmy Nguyễn hiện làm công tác hòa giải trong hệ thống tòa án hạt Santa Clara. Bước thứ hai anh đang tích cực chuẩn bị tư tưởng và hành động. Chia sẻ cảm nghĩ với Việt Tribune, anh nói:
“Mới ngày nào chỉ là một mơ ước, một hoài bảo có cơ hội giúp giới trẻ này thì dường như rất có thể điều đó sẽ thành hiện thực.”
Luật Sư Jimmy Nguyễn là ứng viên độc lập dự tranh ghế số 8 trong Hội Đồng Thành Phố San Jose, dự kiến diễn ra vào ngày 5 tháng Sáu tới đây.

Khu Vực 8 có diện tích lớn hàng thứ hai trong 10 khu vực của thành phố San Jose - bao gồm khu Evergreen, Meadowfair, the Meadowlands, the Villages, và vùng lân cận the Ranch, hiện do nghị viên Rose Herrera làm đại diện và bà sẽ phải tái tranh cử cho nhiệm kỳ hai. Tranh chức Nghị Viên District 8 còn có ứng viên Patricia Martinez-Roach, thành viên của Học Khu East Side. So với hai ứng viên, một đương nhiệm và một không còn xa lạ gì trong học khu, ứng cử viên gốc Việt là một khuôn mặt mới. Không mấy người Việt biết đến anh trừ khi phải nhờ đến dịch vụ tư pháp, nhưng theo Jimmy Nguyễn đó là một ưu điểm khi anh chưa bị vướng bận bởi điều được anh mô tả là gói hành trang nặng nề gây cản trở trong chính trường San Jose từ bấy lâu nay.
“Tôi sinh ra tại San Francisco, nhưng trưởng thành từ Khu Vực 8 San Jose và trải qua các trường từ Evergreen Elementary, Quimby Oak Middle, đến Silver Creek High nên tôi nắm vững tình hình cũng như sinh hoạt cư dân tại đây. Tôi biết rất rõ điều gì cần phải làm để cải thiện District 8 trở nên tốt đẹp hơn nữa.”
Trăn trở từ thủa còn là học sinh, Jimmy Nguyễn cho hay anh chọn ngành luật khi lên đại học vì ngành luật sẽ cho anh đủ vốn kiến thức cũng như khả năng chuyên môn để sửa đổi chính quyền và tranh đấu cho sự công bằng. Tâm đắc với quan điểm của Jimmy Nguyễn nên Janet Atkins, Chủ Tịch của CEMA - County Employees Management Association, thay mặt cho hội, bày tỏ sự hậu thuẫn:
“Tôi muốn nói rằng Jimmy Nguyễn là một khuôn mặt mới trên chính trường San Jose và đó cũng chính là điều thành phố này đang cần có. Khả năng điều giải của Jimmy Nguyễn sẽ giúp hội đồng thành phố chạy việc hơn thay vì trì trệ trong việc giải quyết mọi vấn đề như hiện nay. Tôi nghĩ rằng Jimmy biết rõ cư dân trong khu vực 8 và sẽ phục vụ tốt.”

Nhiệt Huyết

Tình hình kinh tế khó khăn kéo theo thất nghiệp hàng loạt, ngân sách thâm thủng, địa ốc “chìm dưới nước” chưa vãn hồi và công ty hãng xưởng thay phiên nhau sa thải, tái cấu trúc, sáp nhập ... là những trở ngại hầu như không thể khắc phục. Tuy vậy ứng viên Jimmy Nguyễn, 34 tuỗi, vẫn lạc quan:
“Tôi không có cây đũa thần để biến không thành có, nhưng tôi có nhiệt huyết hăng say phục vụ cộng đồng. Trong nhiều năm vừa qua, tôi đã tham gia sinh hoạt với tính cách tình nguyện vào nhiều hội đoàn bất vụ lợi và sẽ tiếp tục như vậy để giúp người thiếu may mắn.”
Khi được hỏi về phương hướng giải quyết những trở ngại trước mắt bên trong thành phố, Jimmy Nguyễn cho rằng vấn đề không phải bất khả thi. Anh nói rằng những va chạm giữa các nghiệp đoàn và hội đồng thành phố cùng những chỉ trích lời qua tiếng lại giữa hai bên đã làm cho mọi chuyện càng thêm tệ hại cả về tài chính lẫn chính trị. Tôi nghĩ rằng tập họp đôi bên cùng ngồi lại với nhau, cùng nhau mổ xẻ và giải quyết, rồi ra chắc hẳn sẽ đạt kết quả tốt đẹp.
“Hiện nay thì, như mọi người thấy, bên này phe kia thưa kiện lẫn nhau, cáo buộc dối trá và đổ với trách nhiệm sang người khác là điều đang diễn ra, nhưng một khi những người biết điều cùng ngồi lại, cùng quyết tâm thì mọi chuyện sẽ không tệ hơn nữa và tương lai lại càng tốt đẹp hơn,” theo giải thích của Jimmy Nguyễn.

Trong khi mọi nơi phải giảm biên chế, sa thải và đóng băng việc thu dụng thêm nhân viên thì liệu lãnh đạo các cơ quan thành phố có nên tự cắt lương không, luật sư Nguyễn góp ý:
“Theo thiển ý, các giới chức cầm đầu ở San Jose phải tự giảm mức lương nếu mọi nhân viên đều cùng một hoàn cảnh như vậy. Mức lương cấp thành phố không được vượt hơn lương năm của thống đốc California vào khoảng 170 ngàn.”
Theo trang nhà http://www.sanjoseca.gov/salary, có cấp chỉ huy ở San Jose lãnh đến gần 400 ngàn/năm.
Mặt khác Jimmy Nguyễn còn chủ trương không tăng thuế và quan trọng hơn cả cắt giảm hay củng cố khu vực công quyền nặng nề đã làm phí phạm ngân sách thành phố. Anh nêu thí dụ như San Jose có một quản trị viên thành phố (city manager) một trợ tá và bảy người đứng phó hay tương đương cùng với 27 lãnh đạo cấp sở. Trong cùng lúc luật sư Nguyễn cho rằng cần phải thu dụng trở lại nhân viên cảnh sát vì tình hình càng khó khăn tệ nạn và tội ác càng có cơ hội phát triển khiến người dân càng cảm thấy mất an ninh.
Anh nói: “Vắng bóng cảnh sát sẽ có tác động ngay tức thì tới cuộc sống, không như thiếu ngân sách sửa chữa đường lộ hay phải giảm bớt giờ mở cửa của thư viện.”

Dự luật Measure B nhằm cải tổ chương trình phụ cấp hưu trí là đề tài gây nhiều tranh cãi nhất trng quần chúng cũng như trong Hội Đồng Thành Phố với bên bênh bên chống ngày thêm gay gắt. Measure B sẽ được đưa ra cho cử tri biểu quyết vào bầu cử tháng Sáu. Qua kiểm tra của thành phố, các khoản chi tiêu cho nhân viên hưu trí tăng từ 73 triệu năm 2001 lên 245 triệu năm 2011 trong khi ngân sách thiếu hụt và phụ cấp hưu ngày mỗi tăng thì đây là lúc phải cải tổ. Lẽ dĩ nhiên nghiệp đoàn đứng về phía công nhân cực lực chống đối dự luật này vì nếu được chấp thuận sẽ gây thiệt hại cho quyền lợi của công nhân khi hưu trí. Luật sư Jimmy Nguyễn đứng về phía chống. Ông biện minh rằng áp dụng Measure B là vi phạm đến hợp đồng ký kết giữa thành phố và nghiệp đoàn và có thể đưa đến việc kiện cáo giữa hai bên. Trong trường hợp bên nghiệp đoàn thắng thì chính thành phố và người thọ thuế phải chịu các phí khoản cho vụ kiện này và nếu có thêm tiền phạt thì con số sẽ rất lớn – mà chúng ta không có cũng phải trả.
“Điều duy nhất có thể làm để tránh vấn đề trở nên trầm trọng là cùng nhau tìm cách giải quyết, đôi bên cùng có lợi,” Jimmy nói.

Cơ May

Với một hành trang nhẹ nhàng, một quá khứ trong sáng, không vướng bận cả chuyện vợ con, và một quyết tâm phục vụ dân sinh Jimmy Nguyễn tin rằng cơ may thắng cử rất lớn.
“Tôi có hy vọng cao là vì tôi đủ điều kiện và nhiều người cho rằng tôi khả tín để hoàn thành tốt công tác và trách nhiệm của một nghị viên thành phố. Rất đông người bày tỏ sự hậu thuẫn và đóng góp công sức và cả tiền bạc vào cuộc vận động tranh cử của tôi.”
Chẳng thế mà luật sư Nguyễn Hoàng Duyên cho biết lý do ông ủng hộ đồng nghiệp trong ngành tư pháp: “Qua quá trình hoạt động của luật sư Jimmy Nguyễn, tôi tìm thấy một người trẻ năng động và nhiệt tâm. Tốt nghiệp đại học, được đào tạo để trở thành một luật sư, hiện làm công tác điều giải tại hệ thống tòa án của hạt Santa Clara và những chương trình phục vụ công ích khác, luật sư Jimmy Nguyễn sẽ am hiểu những nguyên tắc pháp lý căn bản cần thiết cho một nghị viên của một thành phố có tầm vóc như San Jose. Không quen biết với luật sư Jimmy Nguyễn, nhưng qua vài lần đối thoại với nhau, Jimmy Nguyễn cho tôi thấy sự liêm chính và thận trọng, thích hợp với cương vị của một người đại diện dân cử. Vì những lẽ trên, tôi đề bạt và ủng hộ Jimmy Nguyễn cho chức vụ Nghị Viên Thành Phố tại khu vực 8 San Jose.”
Trang web SanJoseInside nhận xét: “Ông Nguyễn thông minh, ăn nói khúc triết, độc lập và có nghị trình làm việc đứng đắn kêu gọi giảm lương giới lãnh đạo và không tăng thuế. Ông chính là người nhiều cử tri muốn có sự hiện diện trong cơ cấu công quyền. Nhưng bình thường khi ứng viên quá mới, độc lập ít khi thắng cử ngay lần đầu. Cho dù thắng hay bại, ông Nguyễn có một tương lai sáng ngời và đã tạo cho mình một ấn tượng tốt.”

Theo báo San Jose Mercury News tính đến ngày 23 tháng Ba, Nghị Viên Rose Herrera quyên góp được $48,771 dẫn đầu danh sách và hai ứng viên Jimmy Nguyễn đạt $5,680 và Patricia Martinez-Roach $5,494.

Tuesday, April 3, 2012

Vietnamese Boat People & Pulau Bidong Refugee Camp

Right after the Vietnam War ended on April 30, 1975, thousands of educated citizens and scholars were punished, imprisoned, killed, or assassinated. Hundreds of thousands of South Vietnamese government and army officers were put in concentration camps for unlimited time. Their families were forced to move out to controlled inhospitable lands called New Economic Zones or the outskirts of large cities.
Millions of people tried to flee the Communist regime.

Pulau Bidong is a small island in Terengganu, Malaysia. It is situated off the coast of Terengganu in the South China Sea. A refugee camp for Vietnamese boat people was set up on this island by Malaysian government and UNHCR. It was officially opened on August 8th, 1978 and closed on Oct. 30th, 1991. By the time it was closed, about 250,000 refugees went through this camp.

Over 240,000 Vietnamese refugees in Malaysia were accepted by third countries, mostly by the U.S., Canada, Australia and France.
After Pulau Bidong camp was closed, over 9,000 refugees were deported back to Vietnam. The forced repatriation met strong protests from the remaining refugees.

For video clip lease click  HERE