Saturday, April 14, 2012

Ba Mươi Bảy Năm Sau


Đức Hà

Đất nước Việt Nam có những nghịch lý mà chắc ít có nơi nào trên địa cầu này có thể có chưa nói gì đến chuyện so cho bằng. Chẳng hạn về chuyện 30 tháng Tư: khi miền Nam đổ sập, hàng loạt người bỏ nước ra đi, rồi lại tiếp tục ra đi theo dạng vượt biên, vượt biển hay bằng đường con lai, bảo lãnh đoàn tụ, hôn phu hôn thê, thậm chí cả du lịch rồi vô tư ở lại ... quê hương thứ hai. Chẳng bao lâu sau chính những người đi (một số) lại quay trở lại và tái định cư ở quê nhà như chẳng có chuyện gì xảy ra. Vì nhà nước khoan hồng chỉ đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại nên người đi được gọi là “ôm chân đế quốc, ăn bơ thừa sữa cặn” cùng nhiều từ khác đầy tính miệt thị, trong khi người chạy lại thì - như mọi người đều biết, không kinh tế mới, nông trường, đào thủy lợi, thì cũng cải tạo tư sản hay tùy theo tội nặng nhẹ được đi học khóa học tập cải tạo. Chẳng bao lâu sau, người bỏ đi không hề bị đánh lại được vinh danh là “khúc ruột ngàn dặm là bộ phận không thể thiếu rời,” được trải thảm đỏ mời về đóng góp xây dựng tổ quốc giàu đẹp. Và trong những năm gần đây là những đợt du sinh, nghệ sĩ, doanh nhân ào ạt nhưng kín đáo đổ bộ lên nước Mỹ theo chương trình DDKT - tắt của bốn chữ di dân kinh tế. Và mới đây nhứt là chuyện một người từ trong nước với cánh tay dài sang đây để mua đứt một thành phố của bang Wyoming.

Tháng Tư, 1975

Vào những ngày này 37 năm trước, Sài Gòn và toàn thể miền Nam Việt Nam như chìm đắm trong cơn dầu sôi lửa bỏng, từ di tản chiến thuật, sơ tán, bỏ ngũ, trốn chạy ... nói chung đúng là cuộc tháo chạy tán loạn như tựa đề sách của tác giả Frank Snepp được dịch sang Việt ngữ. Trước khi Sài Gòn đổi chủ và thành phố đổi tên, ít ra cũng có hàng ngàn người được đưa thẳng đến Guam, trong khi hàng ngàn người khác lại xuống tàu hướng về Phú Quốc rồi ra tàu Mỹ hay lên máy bay từ Tân Sơn Nhất trực chỉ Thái Lan – để cuối cùng đều tập trung về Guam trước khi chuyển vào đất Mỹ sống một cuộc sống mà cho tới bây giờ vẫn có người còn than thở là nơi xứ lạ quê người. Cuộc sống sau tháng Tư năm Ất Mẹo, tuy được làm chủ đất nước nhưng vận mệnh lại bồng bềnh như sóng mùa biển động nên nhân dân quyết tâm xuống ghe cứ nhắm hướng Đông mà chèo với chủ đích một là nuôi cá, hai là có tiền nuôi má. Theo Wikipedia có đến 165,000 người bỏ thây trong các trại cải tạo, với án tù không công bố kéo dài tùy tiện từ vài ba năm đến 17 năm. Tù tội, khốn khổ và nền kinh tế suy sụp bắt nguồn từ lúc còn chiến tranh đã buộc hàng trăm ngàn người phải ra đi tìm cuộc sống mới bất kể mọi hiểm nghèo từ giông bão, bệnh tật, đói khát và cả cướp biển. Các đợt thuyền nhân bán chính thức và bất hợp pháp, nếu may mắn sống sót được chia rải rác tại các trại ở Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia hay ở phía bắc như Hồng Kông, Nhật Bản hoặc đi thẳng tới bến Australia. Người ta ước tính có khoảng nửa triệu người chết ngoài biển khơi hay mất tích trong số hai triệu thuyền nhân ra đi.
Phải đến năm 1979 khi chương trình ODP – Orderly Departure Program thành hình, những người không muốn ở lại mới được đi chính thức bằng đường hàng không, trật tự và an toàn. Nếu ai đã kênh qua chương trình này đều phải trải qua bao nhiều cửa ải, kể cả rải tiền chỉ tiền cây để cuối cùng được lên danh sách chuyến bay đến được bến trong ở phương Tây. Trong cùng lúc Hoa Kỳ cũng giúp nhóm con lai và gia đình cũng như cựu quân nhân Sài Gòn có cơ hội đi chính thức bằng chương trình H.O.
Những người còn sót lại tại các trại hầu như đều được đi định cư ở nước thứ ba - phần lớn là ở Canada, do sự vận động của luật sư Trịnh Hội. Vào tháng Tư, 1989 khi các trại bắt đầu đóng cửa, thuyền nhân bị buộc trở về thì chương trình bảo lãnh thân nhân là con đường hợp pháp và duy nhứt để đi.

Tháng Tư, 2012

Ông Lê Minh Hải thuộc văn phỏng dịch vụ bảo lãnh di trú RMI ở San Jose cho hay từ 70 đến 80% số hồ sơ là thuộc diện thân nhân bảo lãnh cho người nhà bên Việt Nam. Ông nói:
“Bảo lãnh thân nhân sang Mỹ vẫn là cột sống của RMI từ 25 năm nay, thêm vào đó có khoảng 10% thuộc nhóm du học sinh, khách du lịch muốn chuyển diện để ở lại Mỹ hợp pháp và phần còn lại là trường hợp sinh viên muốn du học hay doanh nhân trong nước muốn đầu tư tại Mỹ tiện thể mưu tìm cách định cư lâu dài tại đây.”
Không biết liệu câu nói “cột điện nếu có chân cũng muốn đi” có còn chính xác vào thời điểm 37 năm sau như hiện nay hay không nhưng Việt Nam cũng như nhiều nước khác, như Trung Quốc, Ấn Độ ... đều tìm cách cho con em du học Mỹ hoặc mang tài năng và tài sản sang phát triển ở Mỹ, chính yếu là vì nền tự do dân chủ ở đây được đảm bảo và vì là nước hợp chúng nên mọi sắc dân, mọi chính kiến mọi khuynh hướng đều được rộng tay đón nhận.
Bài viết mới đây trên báo Mercury News nói rằng cho dù Trung Quốc là một siêu cường kinh tế, những người từng được hưởng lợi nhiều nhứt từ sự vươn cao của đất nước cũng tìm cách để thoát. Các tỉ phú Trung Quốc thường chọn Vùng Bay là nơi có nhiều đồng hương Châu Á, nền giáo dục tốt và đời sống tiện nghi thoải mái ổn định để thực hiện giấc mơ Mỹ.
Tuy nhiên để có được chiếu khán đầu tư là cả một vấn đề, phức tạp và nhiêu khê. Ông Lê Minh Hải nói rằng để có được visa EB-5 doanh nhân phải hội đủ nhiều điều kiện, trước hết là về tài chính với số vốn đầu tư từ nửa triệu lên đến 1 triệu đô có nguồn gốc sạch. Kế hoạch kinh doanh phải được thực hiện vào dự án đã có sẵn tại vùng đang gặp khó khăn, hoặc hoàn toàn mới tại nơi có nhu cầu phát triển. Dự án phải tạo ra 10 công ăn việc làm trong vòng hai năm.
“Sau hai năm thử thách với thẻ xanh tạm, doanh nhân đó và thân nhân có thể xin thẻ xanh 10 năm trở thành thường trú nhân, và sau bảy năm được nhập tịch Mỹ. Và ngược lại nếu kế hoạch làm ăn thất bại người đầu tư sẽ mất hết cả tiền lẫn thẻ xanh,” ông Hải giải thích.

Theo cơ quan di trú Mỹ, tính từ 1992 đến 2011 đơn xin visa EB-5 tăng vọt từ 474 lên 3,805 tức tăng 700%. Và chỉ hai năm vừa qua, lượng đơn xin tăng xấp xỉ gấp bốn lần, phần lớn từ Trung Quốc. Hẳn nhiên các đại gia Việt cũng tham gia cuộc chơi, và nếu được và với thời gian cuối cùng cũng sẽ được vào dân Mỹ mà chẳng phải vượt biển như những người đi trước. Chẳng thế mà nhiều người tin rằng - qua đồn đoán về khu Vietnam Town ở San Jose, Vallco ở Cupertino, Bellair ở Houston, chợ, khu thương mại, khách sạn ở Nam Cali có nguồn vốn rót từ Việt Nam nhưng không thể nào xác minh thực hư.
Diện visa EB-5 khởi sự từ 1992 sẽ mãn hạn vào tháng Chín năm nay, chắc sẽ lại được Quốc Hội đồng thanh biểu quyết gia hạn vì nước Mỹ sẽ tạo được công ăn việc làm mà chẳng phải tăng thuế hay trích từ hầu bao của nhân dân qua các dự án luật Measure, Proposition vẫn thường thấy trong các kỳ bầu cử. Trong trường hợp xấu nhứt thì phần thua lỗ không phải thuộc về nhà nước Mỹ, ngược lại nếu kế hoạch kinh doanh đạt thành quả tốt đẹp, vượt chỉ tiêu thì cả gia đình (gồm chồng, vợ và các con dưới 21 tuổi chưa lập gia đình) đều có thể sống vĩnh viễn ở Mỹ.
“Đầu tư làm ăn là một chuyện, quy chế di trú lại là chuyện khác và vẫn phải trải qua các giai đoạn thẻ xanh tạm, thẻ xanh vĩnh viễn và nhập tịch,” ông Hải cho biết.
Nói như vậy không có nghĩa là đem một món tiền lớn vào Mỹ sẽ đương nhiên được hưởng quyền di trú.

Buford, Wyoming

Chẳng hạn như ông Phạm Đình Nguyên, Tổng Giám Đốc Công Ty Dịch Vụ Phân Phối Tổng Hợp Quốc Tế (IDS), có trụ sở tại TP/HCM là người đã mua đứt thị trấn Buford ở Wyoming với giá 900,000 đô. Theo phân tích của ông Hải, có thể ông Nguyên có thẻ xanh rồi chỉ mua Buford để lấy tiếng – như phần lớn các đại gia Việt Nam hay làm, hoặc có thể đương sự đang muốn có visa EB-5. Tin sau cùng cho biết người chủ mới của thị trấn Buford đến Mỹ lần đầu bằng chiếu khán du lịch.
Phát biểu với truyền thông trong nước ông Nguyên nói rằng ý đồ mua Buford là một phần ước mơ của ông. Ông nói:
“Sở hữu một phần của nước Mỹ là ước mơ của tôi. Khi đọc được một bài báo nói về việc đấu giá thị trấn Buford, tôi đã rất phấn khích. Vì vậy, tôi đã quyết định sẽ tới Wyoming để trực tiếp tham gia. Đây là một hành trình dài nhưng cuối cùng tôi cũng thực hiện được ước mơ của mình.”
Ông Nguyên đã đánh to thắng lớn trước 25 người đến từ nhiều quốc gia có mặt tại chỗ chưa kể những nhà đấu giá qua mạng. Ông còn nói bỏ 900,000 đô vào thành phố hẻo lánh Buford, nằm cạnh xa lộ I-80 giữa Cheyenne và Laramie là chuyện nhỏ.
“Một trong những hoạt động kinh doanh chính của IDS là phân phối, phát triển thị trường. Sở hữu một thị trấn như Buford là bàn đạp về mặt tinh thần để chúng tôi xuất khẩu sang thị trường Mỹ những thương hiệu Việt Nam. Đồng thời cũng là cơ hội để chúng tôi giới thiệu những thương hiệu mới mà chúng tôi sở hữu.”
Nói là vậy nhưng làm thế nào mà từ Buford – rộng 10 acres nơi chỉ có một cửa hàng tạp hóa, một cây xăng, mấy thùng thơ bưu điện, một khu nhà làm văn phòng, một nhà ở với ba phòng ngủ, một trạm bắt sóng điện thoại di động, và tuyết phủ kín suốt mùa đông, ông Nguyên có thể làm bàn đạp và mở ba bốn mũi tấn công đi khắp Hoa Kỳ là bài toán phải đợi thời gian mới (khó) có câu trả lời. Có điều chắc chắn rằng các nhà đầu tư Mỹ tại đây, những doanh nhân thứ thiệt, nếu thấy Buford có triền vọng phát triển thành một Las Vegas II, thì chẳng đến tay ông người Việt.
Tin cho hay ngay sau khi trúng đấu giá ông Nguyên phải nộp đủ số tiền cọc 100,000 và trong vòng 30 ngày tới số 800,000 còn lại. Và đây phải là tiền sạch và từ nước ngoài chuyển khoản vào Mỹ qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Ông Nguyên rồi ra sẽ phải phát triển 40% tài sản ông vừa mua để có thể đáp ứng những quy định của di trú Hoa Kỳ khi xét hồ sơ xin vào thường trú nhân.

Tóm lại so với thời kỳ vượt biên rộ khắp miền Nam trước đây thì một người muốn xuống ghe phải trả từ năm cho đến 15 cây vàng cùng với tính mạng mang ra đánh số đề thì ngày nay - 37 năm sau, chỉ cần 500,000 đô tương đương 225 cây vàng hoặc đánh bạo như tỉ phú Phạm Đình Nguyên hơn 400 cây vàng là cả nhà lục tục đến Mỹ - nhẹ nhàng như đi chợ Bến Thành. Điều cốt lõi ở đây là tiền đô lén lút hay chính thức từ Mỹ chuyển ra nước ngoài bây lại trở về với mái nhà xưa.

No comments:

Post a Comment