Thursday, April 30, 2015

Ba Bức Ảnh, Một Cuộc Chiến













Đức Hà

Chiến tranh Việt Nam để lại nhiều bức ảnh độc đáo ghi nhận những giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến từ mở đầu đến kết thúc. Hình ảnh một cấp chỉ huy cảnh sát Sài Gòn tử hình một tù binh phe đối nghịch ngay tại mặt trận ngày mồng Hai Tết Mậu Thân của Eddie Adams, một bé gái trần truồng hãi sợ chạy trong điên loạn của Nick Út của thời chiến tranh leo thang 1972, đến cảnh lũ lượt trốn chạy trên nóc một tòa nhà ngày 29 tháng Tư, 1975 đánh dấu sự xụp đổ không thể tránh của Sài Gòn 40 năm trước đây … giờ đây đã đi vào lịch sử. Nhưng hệ lụy của những bức ảnh đó vẫn tồn tại không phai mờ, với nhiều người Việt thì đó là cơn ác mộng, những dấu mốc kinh hoàng của đất nước. Ít nhất 255 ngàn người Việt trở thành thuyền nhân và đến được một quê hương mới, nhiều ngàn người khác bỏ thây ngoài biển khơi, trên đường bộ hay mất tích.
Hơn 1.8 triệu người Việt đang định cư tại Mỹ. Theo Wikipedia có khoảng 3 triệu người Việt định cư tại hải ngoại, phần lớn bỏ nước sau 1975.

Mậu Thân 1968 - Khi Eddie Adams chụp được ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan nổ súng vào đầu một cán binh Cộng Sản bị bắt làm tù binh thì không phải chỉ một người chết mà đến hai người. Tác giả Adams viết trên tuần báo Time: “Viên tướng giết lính Cộng; Tôi giết viên tướng với chiếc máy hình …” điều mà sau này Adams thú nhận rằng ước gì ông không chụp tấm ảnh đó. Ông viết tiếp: “Ảnh thời sự là vũ khí có sức tàn sát mạnh mẽ nhất trên thế giới. Người xem tin vào nó; nhưng ảnh không nói lên hết sự thật, cho dù cả không bị cắt xén. Ảnh thời sự chỉ nói lên phân nửa sự thật … Điều mà bức ảnh không nói là ‘bạn sẽ xử trí ra sao nếu là tướng chỉ huy vào đúng thời điểm nóng bỏng đó, và lại vừa tóm bắt được điều được gọi là một kẻ ác, sau khi tay này đã giết hại một, hai hay ba người Mỹ?’ Qua phỏng vấn với hệ thống truyền thông độc lập NPR, ông Adams giải thích: “Ông ta (Tướng Loan) chiến đấu cho cuộc chiến của Mỹ, không phải của họ, mà của Mỹ, vậy mà tất cả những quy lỗi đều gán lên ông ta.” Điều chưa được nói trong bức hình là trước đó không lâu vài quân bạn dưới quyền ông Loan bị sát hại vào lúc đã có thỏa thuận hưu chiến giữa hai bên nhân dịp Tết. Sự phẫn nộ của một người chỉ huy ngoài mặt trận – mà Adams sau đó mới khám phá là một người yêu nước, một anh hùng, quyết tâm chiến đấu vì tổ quốc. Mãi về sau khi ông Loan đến định cư tại Mỹ và phải đối đầu với vô vàn khó khăn do bức ảnh gây ra thì chính nhiếp ảnh gia Adams đã xin tạ lỗi với người trong hình cùng gia đình do những tác hại đến danh dự không sao hàn gắn được. Khi ông Loan qua đời ở Virginia, Adams gởi hoa và thiệp chia buồn với dòng chữ “Tôi rất đau buồn, nước mắt đọng đầy trong mắt tôi.” Hơn thế nữa, bức ảnh của Adams còn làm cho phong trào phản chiến tăng thêm cường độ, và hai tháng sau Tổng Thống Johnson loan báo không ứng cử nhiệm kỳ hai. Có ai ngờ một bức ảnh rồi ra đã đưa phong trào phản chiến lan tràn khắp nước Mỹ, một tổng thống phải ngậm ngùi không ngồi thêm nhiệm kỳ hai để vài năm sau đó Việt Nam Cộng Hòa bị xóa xổ.

Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 - Ngày 08 tháng Sáu, 1972, nhiếp ảnh gia chiến trường Huỳnh Công Út được hãng AP phân công đi thu thập hình ảnh chiến sự trên Quốc Lộ 1 hướng về biên giới Kampuchia nơi đang có giao tranh tại khu vực gần Tây Ninh. Khi đến Trảng Bàng, xe chở ông Út bị tắc nghẽn bởi hàng đoàn xe của cả quân sự lẫn dân sự do địch quân đắp mô phía trước và vẫn còn kiểm soát một đoạn của QL1 trong khi các đơn vị của Sư Đoàn 25 đang càn quét giải tỏa các ngôi làng hai bên lộ. Ông Út gia nhập với toán quân bộ binh để làm nhiệm vụ. Đến khoảng 1 giờ trưa bộ binh gọi phi pháo yểm trợ. Hai chiếc Skyraider xà xuống tọa độ được chỉ điểm gần Thánh Thất Cao Đài và liên tục thả bom nổ, bom xăng napalm, kể cả bắn đại bác. Khói bay mịt mù, tia lửa bắn ra như sao băng, tiếng nổ vang động. Và theo lời tường thuật của Horst Fass và Marianne Fulton trong bài “The Bigger Picture,” không ai nghe tiếng được tiếng súng phòng không bắn trả. Nhưng khi phi cơ đã bay xa thì hàng chục dân làng, quần áo tả tơi, mặt mày hoảng sợ bỗng xuất hiện từ vùng bị dội bom và chạy xối xả về phía quân bạn, nơi nhóm các nhà báo đang chực sẵn. Trả lời phỏng vấn năm 1999, Nick Út kể: “Khi nhóm phóng viên chúng tôi tiến gần đến ngôi làng, chúng tôi thấy đám dân làng đầu tiên chạy ùa ra. Tôi thầm nghĩ ‘Ôi Trời đất’ khi bất ngờ thấy một phụ nữ với chân trái bị napalm đốt cháy tệ hại. Kế đó là một phụ nữ khác bồng bế đứa con - đã chết, rồi một bà nữa bế con nhỏ da cháy nám rớt ra từng mảnh. Khi tôi dương máy chụp những bức ảnh này tôi nghe tiếng khóc thét của một em bé và thấy bé gái vừa chạy vừa ném bỏ hết quần áo đang cháy trên người. Bé gái gào hét gọi nguời anh trai chạy bên trái. Trước khi máy bay bỏ bom, toán lính bộ binh đã kêu to gọi các em nhỏ chạy nhanh nhưng đã quá trễ.”

Ông Út kể tiếp: “Khi bé gái thấy tôi, bé nói ‘nóng quá, nóng quá’ và xin nước uống. Tôi lấy nước cho bé uống và nói thêm là sẽ tìm cách giúp bé. Tôi bồng bé lên và đưa về chiếc xe của tôi, rồi phóng nhanh hướng về bệnh viện Củ Chi, cách đó một giờ đồng hồ. Bệnh viện lại có quá nhiều thương binh, người sống người chết, họ chẳng màng đến bé gái. Tôi nói với họ “Tôi là một nhà báo, hãy làm ơn giúp bé gái này, tôi không muốn em chết.’ Thế là bé gái được chăm sóc ngay.”
Cô gái chín tuổi trong hình tên Phan Thị Kim Phúc. Sau 14 tháng nằm bệnh viện với 17 lần lên bàn giải phẫu, Kim Phúc trở về làng cũ ở Trảng Bàng. Ông Út, năm đó 21 tuổi, đã dùng hai máy ảnh để ghi nhận bức ảnh đoạt giải Pulitzer 1972 – một Leica và Nikon với ống kính dài. Nhưng bức ảnh gây chấn động thế giới đó đưa đến hai sự kiện. Nhằm mục đích tuyên truyền, chính quyền Hà Nội dùng lá bài Kim Phúc cho chiến dịch quảng bá phong trào chống chiến tranh. (Ghi chú: Chỉ bốn năm sau Việt Nam xua quân tiến chiếm Kampuchia.) Theo bài tự thuật “The Long Road To Forgiveness” Kim Phúc nói rằng cô bị gián đoạn học vấn để làm công cụ tuyên truyền cho nhà nước. Nhiều lần cô muốn tự vẫn vì cảm thấy mất thăng bằng trong cuộc sống cho đến khi nghiên cứu sách để tìm đường giải thoát tâm linh, cô đã đọc cuốn Thánh Kinh và sau đó cải đạo từ Cao Đài sang đạo Thiên Chúa. Năm 1986, Kim Phúc được xuất ngoại du học ngành dược và chữa trị vết phỏng ở Cuba. Đến 1992, Kim Phúc cùng chồng Bùi Huy Toàn đi hưởng tuần trăng mật ở Moskva, nước Nga; và khi máy bay đáp lấy xăng tại Newfoundland, Canada, bà và chồng đã trốn ở lại và xin tị nạn chính trị với chính quyền địa phương. Hiện gia đình Kim Phúc và hai con đang định cư tại Ontario, Canada. Nói về bức ảnh của Nick Út, Kim Phúc có lời nhắn với thế giới rằng “Xin đừng nhìn bé gái trong hình như sự than khóc vì sợ và đau đớn hãy xem đó như lời gào thét vì hòa bình.”

Tháng Tư, 1975 – Hôm đó là thứ Ba 29, tháng Tư, phóng viên ảnh Hugh Van Es, gốc Hòa Lan và làm việc cho hãng tin UPI ở Sài Gòn. Ông dùng máy ảnh Nikon, gắn ống kính 300 mm và chĩa về phía nóc nhà kế cận, nơi một chiếc trực thăng của Air America đang chuẩn bị di tản một nhóm hành khách - để rồi ra trở thành cuộc di tản quy mô nhất bằng máy bay trực thăng trong lịch sử. Đó là bức ảnh ghi dấu chương cuối của miền Nam Việt Nam. Một ngày sau đó cuộc chiến Việt Nam – còn được gọi là cuộc chiến “Chống Mỹ cứu nước” chấm dứt. Tuy được chụp ở nơi khác tại Sài Gòn, rất nhiều người lầm tưởng bức hình được chụp sân thượng sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất.
Điều thú vị là 30 năm sau, nhiếp ảnh gia Van Es đã trở lại Việt Nam để viếng thăm những nơi ông và đồng nghiệp từng công tác như đồi Hamburger Hill … Ông kể rằng khi viếng Nhà Bảo Tàng Tội Ác Chiến Tranh, ông thấy bản sao của một bức hình do chính ông chụp ghi nhận cảnh binh lính đơn vị nhảy dù Mỹ 173rd Airborne đang tiến quân thì chú thích tại nơi triển lãm lại đề ngược là “đang tháo chạy.” Ông Van Es cho giới chức liên hệ xem bản gốc với yêu cầu sửa lời chú là “đang tiến quân”. Lẽ dĩ nhiên ông bị từ chối. Phát biểu về vấn đề này ông nói: “Tôi chụp những bức hình đó cho thế hệ mai sau, cho lịch sử, và tôi không cho phép họ xuyên tạc lịch sử nhằm mục tiêu tuyên truyền.” Ông nói thêm rằng “vết thương chiến tranh cần nhiều thời gian để hàn gắn. Vào lúc nào đó, tôi sẽ cố gắng lần nữa.”

1975 – 2015 Eddie Adams qua đời năm 2004, Hugh Van Es năm 2009, Huỳnh Công Út vẫn gắn bó với Associated Press. Hoa Kỳ bỏ cấm vận (1994) và tái lập bang giao với Việt Nam 1995. Năm 2001 hai bên ký thỏa ước mậu dịch song phương mang hai nước cựu thù xích lại gần nhau hơn cho dù 1,319 binh sĩ Mỹ vẫn bị xem là mất tích tại Việt Nam trên tổng số 1,731 trong vùng Đông Nam Á. Trong cùng lúc nhiều thành phố Mỹ - Việt đã kết nghĩa chị em: San Francisco/ TP.HCM, Newport Beach/Vũng Tàu Bà Rịa, Seattle/Hải Phòng, Pittsburgh/Đà Nẵng, New Haven, Honolulu/Huế, Madison/Bắc Giang và mới đây nhất là đề nghị kết nghĩa hai sông Mississippi/Mekong. Nhưng không phải tất cả người Mỹ đều hồ hởi với chuyện kết nghĩa; tại Fayetteville, North Carolina nơi có trung tâm huấn luyện Fort Bragg, nhiều cựu quân nhân tại đây không hài lòng với việc thành phố của họ kết nghĩa với Sóc Trăng - nhất là hội cựu binh sĩ Sư Đoàn 82 Nhảy Dù. Một số quân nhân xuất thân từ Fort Bragg từng đóng quân tại phi trường Sóc Trăng thời chiến tranh. 

Còn Sài Gòn sau bước ngoặt lịch sử 30 tháng Tư - như mọi người đều biết, được thay căn cước và sổ gia đình bằng chứng minh nhân dân và hộ khẩu, triệt để xóa bỏ tầng lớp tư sản mại bản, cải tạo công thương nghiệp tư doanh và tập thể hoá nông nghiệp để tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa, nhưng rồi lại được sửa sai để chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với thời gian Sài Gòn vươn cao hơn, rộng hơn, đông hơn, ùn tắc hơn và cũng … ngập nước nhiều hơn. Giai cấp tư sản (đỏ) ngày càng nhiều và giàu gấp bội giới tư sản mại bản trước kia. Trong khi đó việc hòa hợp hòa giải vẫn (mãi mãi) là ảo tưởng. Một bên rập khuôn nhắc đi nhắc lại và kêu gọi tất cả người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt quá khứ, dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế và cả những nhận thức, ý kiến còn khác nhau cùng đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc vv … ­ dù biết rằng chẳng kết quả nào, chẳng ai tin, còn bên kia chỉ đợi dịp là phất cờ vàng xuống đường biểu tình chống đối. 


Nhiều cuốn sách vạch trần sự thật đằng sau bên thắng cuộc do phía bên kia viết hay hồi ký do phía bên này biên soạn đã giúp độc giả thêm hiểu biết về cuộc chiến (Bên Thắng Cuộc, Đèn Cù, Bí Mật Vietnam Wikileaks, Những Người Thua Trận, Tâm Tư Tổng Thống Thiệu, Khi Đồng Minh Tháo Chạy ...) Và mới đây nhất hai bộ phim Last Days In Vietnam và Ride The Thunder được trình chiếu cho thấy một góc nhìn khác với Full Metal Jacket, The Deer Hunter, Apocalypse Now ...

Tổng kết thương vong từ cuộc chiến Vietnam: 58,220 lính Mỹ; từ 1,5 đến 3,6 triệu người Việt kể cả thường dân từ hai phía. Sau 1975 ước tính có khoảng 200 ngàn người bị tập trung cải tạo, hầu hết đều được đi định cư tại Mỹ và là một phần của 4,5 triệu người Việt sinh sống ở ngoài Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống của miền Nam (1965-1975) để lại một câu nói giá trị ngàn đời "Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm." Trong khi đó lãnh tụ Lê Duẩn của miền Bắc (1976-1986) có câu phát biểu giải thích toàn bộ về công cuộc giải phóng miền Nam“Ta vào Nam nổ súng là đánh cho Trung Quốc, đánh cho Liên Xô.”

Sau 40 năm thống nhất đất nước, Vietnam được xếp hạng ba (sau Trung Quốc, Nga) về mức độ phá thai nhưng đứng đầu bảng về tỷ lệ phá thai 83.3% (cứ 1,000 phụ nữ thì 83.3 người loại bỏ hay lấy phôi hay thai nhi khỏi tử cung trước khi đến hạn sinh nở.) Theo Google Trends, Vietnam xếp hạng bẩy toàn thế giới về truy cập sex trên mạng, hạng ba về sex đồng tính trong đó Saigon và Hanoi là hai thành phố đứng đầu cả nước về lượng truy cập sex đồng tính. Và thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy tổng sản phẩm quốc nội - GDP của VN năm 2013 là 1,865 (hạng 141 toàn thế giới.)

Và người Việt hải ngoại cùng Việt kiều yêu nước vẫn về nước, gửi tiền về quê nhà hà rầm (10 - 12 tỉ đô-la theo Ủy Ban về Nguời Việt ở Nước Ngoài). Chỉ có điều những từ xấu xa như “chế độ Mỹ ngụy, ngụy quân ngụy quyền, ôm chân đế quốc, tay sai tư bản Mỹ …” được thay bằng “không có người Việt Nam chiến thắng hay người Việt Nam thua. Đấy là chiến thắng chung của cả dân tộc, khúc ruột ngàn dặm, một bộ phận không thể tách rời, một phần máu thịt của Việt Nam …" và "Nghị Quyết 36.”

Xem Last Days in Vietnam

Wednesday, April 22, 2015

Những Người Con Của USS Kirk (Phần II)



Một Baby Kirk tại trại tỵ nạn


Đức Hà

Chỉ vài ngày sau khi thủy thủ trên chiến hạm USS Kirk gặp gỡ lần đầu tiên với Baby Kirk Phạm Viễn Phương trong buổi liên hoan hội ngộ tại Renton, bang Washington, ngày 12 tháng Tám 2006 thì Baby Kirk Nguyễn Hạnh Nhân xuất hiện.
“Sau khi tầu Kirk đưa đến Subic Bay thì mọi người phân tán, tôi lo cho bà xã đâu còn tâm trí đâu mà liên lạc với gia đình mấy bà bầu cùng đi trên tầu Kirk,” ông Nguyễn Hữu Nhượng, trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Texas.

Ông Nhượng, công chức tại Sài Gòn trước đây kể tiếp rằng sự hốt hoảng khi xuống tàu ra đi, rồi tin Sài Gòn thất thủ, trong lúc lại phải lo lắng cho vợ, bà Nguyễn Thị Nhỏ đang mang bầu đứa con đầu lòng khiến ông hoàn toàn rối trí.
“Kể từ khi vất vả chen chân được xuống tàu HQ3 tại bến Bạch Đằng chiều tối ngày 29 tháng Tư, 1975, thì đầu óc tôi như điên cuồng. Thấy bảo xuống tàu gấp, thì tôi đi chứ chẳng biết đi đâu.”
Ông cho biết tàu không chuẩn bị nước uống và thực phẩm nên khoảng 2-3 ngàn người trên tàu bị đói dài cho đến khi gặp tàu Mỹ tại Côn Sơn.

Hàng ngàn người Việt lênh đênh trên các ghe thuyền, tàu quân sự ngoài khơi hải phận Việt Nam tháng Tư, năm 1975 đã được tàu Mỹ hộ tống hoặc cứu vớt đưa đến Vịnh Subic của Philippines an toàn. Trong số hàng ngàn người này có năm phụ nữ mang bầu được đặc biệt đưa lên tạm trú trên chiến hạm Hoa Kỳ USS Kirk trong suốt chuyến hải hành từ Côn Sơn đến Subic Bay.

Hội Ngộ

Hai mươi chín năm sau, trong lần họp mặt đầu tiên năm 2004 tại San Diego, các thủy thủ trên chiếc Kirk quyết định tìm lại năm phụ nữ từng được họ cưu mang trước đây và nhận những người con của năm bà này làm con nuôi. Năm 2005, qua một bài viết trên báo Người Việt, Baby Kirk Giáng Tiên, con gái của bà Nguyễn Thị Tường Lan gặp được những người cha nuôi trong ngày USS Kirk’s Reunion tại Orlando, Florida. Năm nay Baby Kirk Phạm Viễn Phương (xem Những Người Con Của USS Kirk - Phần 1), con gái của bà Nguyễn Thị Ân được xum họp với đại gia đình USS Kirk. Và chuyện bất ngờ nhứt là việc tìm thấy của Baby Kirk thứ ba Nguyễn Hạnh Nhân, một kỹ sư ngành hoá tại Dallas, Texas.

Hiện đang hưu trí an nhàn tại thành phố nhỏ Seguin, gần San Antonio, Texas, ông Nguyễn Hữu Nhượng, 67 tuổi nói rằng chuỗi ngày loạn ly vẫn là cơn ác mộng kinh hoàng nhứt đời, nhưng ông cũng không khỏi bỡ ngỡ và không thể quên khi vợ ông sanh con ngày 10 tháng Năm, ’75 trên một tàu hàng Mỹ di chuyển từ Subic đến Guam.
“Sanh xong, họ bắt bả đi tắm và cho ăn đủ thứ kể cả đồ chua mà không kiêng cử gì cả là điều làm tôi ngạc nhiên nhứt khi tiếp xúc với văn minh Mỹ,” ông Nhượng nói trong tiếng cười.

Từ Guam, gia đình ông Nhượng được chuyển trại đến Camp Pendleton, gần San Diego rồi từ đó về với người bảo lãnh ở Seguin.
Tại quê hương thứ hai, gia đình ông Nhượng tiếp tục bành trướng.
“Chúng tôi có thêm hai gái và một trai, tất cả đều chăm học và học thật giỏi, toàn thủ khoa,” ông hãnh diện chia xẻ.

Baby Kirk III

Thế rối, rất bất ngờ vào một ngày trời nóng bức như thường lệ của Nam Texas, ông Nhượng nhận được cú điện thoại làm ông mát rượi cả lòng:
“Ông Vinh trên Seattle gọi cho tôi sau khi hỏi thăm lòng vòng, từ người quen này sang người bạn kia, sau cùng thì tới tôi; cũng may là ông ấy còn nhớ tên Nhường nên cũng dễ kiếm.”
Ông Phạm Xuân Vinh là cha ruột của Baby Phạm Viễn Phương. Ngay sau đó cũng có tin đã “kiếm ra Baby Kirk thứ ba rồi!”

Ba cô gái 31 tuổi, Nguyễn Hạnh Nhân, Phạm Viễn Phương và Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên giờ đây là những con nuôi của tàu USS Kirk và cả ba đang chờ mong sẽ có dịp gặp nhau trong kỳ họp mặt năm 2007 tại Virginia. Cha và mẹ đã cho họ sự sống, nhưng không ai biết điều gì xảy ra nếu gia đình họ không được sự cưu mang của tàu Kirk, 31 năm trước đây. Bởi vậy khi hỏi về cảm xúc của mình trong buổi Reunion 2006 vừa qua, Baby Kirk Viễn Phương bày tỏ:
 “Trời ơi, nếu không có tàu Kirk, thì không biết ra sao nữa?”

Friday, April 17, 2015

Những Người Con Của USS Kirk



Đức Hà

SEATTLE – Vào trưa ngày 30 tháng Tư, 1975 khi một lá cờ được hạ xuống tại Dinh Độc Lập thì Phạm Viễn Phương vẫn còn nằm trong bụng mẹ trong lúc cha, Phạm Xuân Vinh, mẹ Nguyễn Thị Ân cùng anh hai 4 tuổi đang ngồi trên một chiếc Honda hoảng hốt phóng chạy ra bến Bạch Đằng tìm đường thoát thân, giữa một Sài Gòn hoang tàn hấp hối.
“Chúng tôi phải đi thôi, cho dù tôi đang mang bầu người con thứ hai được 9 tháng có thể sanh bất cứ lúc nào, mà ở lại thì số phận chồng tôi sẽ tù tội, vợ con không biết tương lai ra sao,” bà Ân, kể lại giây phút kinh hoàng nhứt của gia đình họ Phạm, giọng nói ngập ngừng xúc động.
Ông Vinh, từng là giảng viên trường Sinh Ngữ Quân Đội, nay đã 65 tuổi, cư dân Lynnwood, phía bắc Seattle, bồi hồi:
Gia đình Ông Bà Phạm Xuân Vinh tại Renton, WA 2006

“Vào đến Hải Quân Công Xưởng, chúng tôi nhào đại lên tàu Lam Giang HQ402 cùng với khoảng vài ngàn người, chen chúc đến nghẹt thở.”

Nhưng chuyện gì xảy ra sau đó để ngày 18 tháng Năm 1975, bà Ân cho ra đời bé Phạm Viễn Phương trên đất Guam - mẹ tròn con vuông và để Viễn Phương trở thành một trong ba công dân Mỹ gốc Việt đầu tiên sau biến cố ’75 là cả một câu chuyện dài tràn đầy nước mắt hạnh phúc và thương đau, giằng co giữa sự sống và cõi chết. Tuy nhiên hạnh phúc hay sự sống có đến được với hàng ngàn người Việt lênh đênh trên chiếc HQ402 liệt máy và trên 30 tàu thuyền khác cùng trên mươi chiếc trực thăng UH-1 đầy người tị nạn Việt đáp lên tàu Kirk là chính nhờ ơn cưu mang của các chiến hạm Mỹ, đặc biệt là chiếc USS Kirk.
Bà Ân tin chắc “Có Ơn Trên phù hộ.”
Ông Vinh khẳng định: “Chúng tôi may mắn.”
Phạm Viễn Phương, vừa tròn 31 tuổi, tay bồng con trai đầu lòng, 2 tuổi, bày tỏ: “Trời ơi, nếu không có tàu Kirk?”
Hạm Trưởng USS Kirk khiêm nhường: “Chúng tôi làm theo lệnh với một tấm lòng.”

Ba mươi mốt năm sau, toàn gia đình ông Vinh, nay tăng thêm một rể và một cháu ngoại, đã có buổi gặp gỡ đầu tiên với thủy thủ đoàn chiến hạm Mỹ tại buổi hội ngộ USS Kirk Reunion 2006 tại Renton, Washington. Nếu năm 1975, gia đình họ Phạm điên đảo lo lắng đến cùng cực cho tương lai khi Sài Gòn xụp đổ, thì ngày 12 tháng Tám vừa qua, họ là thượng khách của buổi trùng phùng tràn đầy tiếng cười, tiếng nhạc và lời chúc tụng bình an. Lần thứ ba liên tiếp từ năm 2004, chiến hạm Kirk lại có tuần lễ đoàn tụ để những người con của USS Kirk có thể gặp gỡ, chung vui với những người đã cứu vớt họ trên đường loạn ly năm nào.

USS Kirk

Hạm Trưởng Paul H. Jacob không thể ngờ rằng sự liên hệ của ông với Việt Nam không chỉ dừng ở chín nhiệm kỳ công tác tại vùng biển VN với nhiệm vụ yểm trợ hải pháo cho mặt trận trên đất liền, mà còn mở rộng đại gia đình tàu USS Kirk đến tận ngày hôm nay.
“Có ai ngờ USS Kirk một chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ lại có con cháu là người gốc Việt?” ông nói trong hãnh diện và vui thú.
Tháng Tư, 1975, tàu Kirk có nhiệm vụ chính là yểm trợ cho các đoàn trực thăng làm công tác di tản nhân viên đại sứ quán cùng các cơ quan Mỹ tại Sài Gòn, nhưng nhiệm vụ phụ lại khó khăn hơn nhiều:
“Chúng tôi cũng được lệnh phải cứu giúp người tị nạn trên biển kể cả trực thăng của các phi công VN, và sau đó chuyển họ sang các tàu dân sự đủ an toàn đi đến cảng Subic, của Phillipines.”

Tuy nhiên để đối phó với tình huống bất ngờ khi phát hiện có năm phụ nữ mang bầu gần ngày sanh trong đó có bà Nguyễn Thị Ân, tàu Kirk không có cách nào khác là cấp tốc thành lập phòng hộ sản dã chiến ngay trên tàu.
“Chúng tôi dùng phòng nghỉ của sĩ quan để lập phòng sanh, nhưng năm bà, bà nào cũng khóc lóc rên la thảm thiết, mà chẳng chịu sanh,” ông kể.
Phải nhiều ngày sau khi chuyển đến Guam, bà Nhường (hay Nhượng) sanh đầu tiên, đến bà Ân sanh ngày 18 và bà Nguyễn Thị Tường Lan ngày 22 tháng Năm 1975. Nhưng cũng từ đó USS Kirk và nhóm người Việt mất liên lạc.
Hạm Trưởng Jacob cho hay phải 30 năm sau, nhờ sự giúp đỡ của báo Người Việt, ông mới được gặp người con nuôi đầu.
“Trong cuộc họp mặt năm ngoái tôi gặp con nuôi Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên, con gái của bà Lan có tên đệm là Kirk, năm nay là con nuôi Phạm Viễn Phương, con của bà Ân, còn phụ nữ thứ ba cũng sanh tại Guam thì chúng tôi vẫn chưa bắt liên lạc được.”

Tuy chiến hạm Kirk được chuyển giao cho Đài Loan năm 1993 và đổi tên thành Fen Yang, nhưng theo lời ông Jacob đại gia đình USS Kirk vẫn còn và ngày một đông con cháu hơn.
“Có vui nào bằng vui đoàn tụ đại gia đình, phải không nhỉ,” ông nói.

Reunion 2006

Đã 31 năm trôi qua, nhưng hình ảnh của những ngày đen tối năm xưa vẫn còn in đậm nét trong từng con người.
Bà Ân, mẹ của baby Kirk Viễn Phương thú nhận: “Thật tình lúc đó chúng tôi không biết chạy đi đâu, dường như có điều gì thúc đẩy nên cứ phía trước chúng tôi liều mình chạy tới.”
Bà Lan, cư dân Long Beach, Nam Cali, mẹ của Baby Kirk Giáng Tiên, cũng y hệt: “Lúc đó tôi chỉ mới 17 tuổi, một thân một mình, bụng mang cháu, thấy hàng xóm chạy thì mình cũng chạy; vậy mà cũng chạy tới tận Mỹ.”
Viễn Phương, thực tế hơn: “Thật là hạnh phúc khi cả gia đình Phương vẫn còn sống và đến định cư tại Mỹ đến ngày hôm nay và Phương có cháu trai đầu lòng, cháu ngoại đầu tiên của tàu Kirk đấy!”

Và trong lúc mọi người từ thủy thủ đến người Việt đều ghi nhận hình ảnh trái ngược khi Mỹ rút năm ‘75, và người Việt chạy tán loạn để vài mươi năm sau cả người Mỹ lẫn người Việt từ từ trở lại nơi đã bỏ đi, thì Hạm Trưởng Jacob lại có thêm công tác không kém phần ngược trái.
“Năm 1975 tôi có nhiệm vụ cứu vớt người Việt trên biển thì nay tôi lại giúp người Việt tháo gỡ bom, đạn và mìn do người Mỹ ném xuống VN.”
Ông Jacob cùng với con trai là thành viên của nhóm chuyên viên đặc biệt đang làm công tác truy tìm dữ kiện về các tọa độ quân đội Mỹ đã dùng để thả bom hay gài mìn tại chiến trường Việt Nam. Người ta ước tính quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 15 triệu tấn bom đạn các loại trong đó có 10% chưa nổ, và tin cho biết có ít nhứt 38,000 người chết và hàng trăm ngàn người bị thương do bom đạn không nổ kề từ khi chiến tranh chấm dứt.
“Với tôi, nhiệm vụ vẫn chưa hết,” ông nói trong bài diễn văn đọc tại buổi Reunion 2006.