Monday, September 29, 2014

Tệ Nạn Sang Băng Lậu



Đức Hà
Việt Mercury

Các băng video phóng sự “Saigon Ăn Nhậu và Chơi” hoặc ca nhạc như “Những Tình Khúc Vượt Thời Gian” hay “Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời” là những băng video được nhiều người Việt ưa thích và vẫn kiếm mua cho dù đã được đưa ra thị trường từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên nếu các trung tâm sản xuất đã đầu tư vốn liếng và công sức kể cả chất xám để hình thành những sản phẩm nghệ thuật nhằm phục vụ người xem thì lại có những cơ sở kiếm sống bằng cách sao chép lại y khuôn và bán với giá rẻ hay sang thành nhiều bản để cho thuê không hề có sự đồng ý của nhà sản xuất.
Những việc làm phi pháp đó đã làm các nhà sản xuất thiệt hại hàng triệu đô la và khiến họ gặp trở ngại khi tiếp tục sản xuất những sản phẩm mới. Vì thế các trung tâm lần đầu tiên đã ngồi lại với nhau và ra một thông báo giải thích việc vi phạm Luật Bản Quyền Quốc Tế và yêu cầu người tiêu thụ “nên mua băng gốc và nghĩ đến việc nâng đỡ đời sống nghệ sĩ,” thay vì “đi thuê mướn là trái với lương tâm con người và là một hành động tiếp tay cho việc kinh doanh bất hợp pháp.”


 San Jose cũng như tại nhiều thành phố có người Việt định cư, việc vi phạm tác quyền này xảy ra thường xuyên, có hệ thống và gần như công khai.
Trong số nhiều tiệm cho thuê video tại San Jose, Việt Mercury nhận thấy tại tiệm trên đường Senter băng “Nụ Cười Năm 2000” của công ty Kim Lợi được để trong danh sách cho thuê và tiệm trên đường Alum Rock thì cho thuê đủ loại băng ca nhạc của Thúy Nga Paris, Kim Lợi, Asia … với giá 1 đô la mỗi băng. Còn tại mấy tiệm khác, nhân viên bán hàng đều trả lời chỉ cho thuê video ca nhạc của các trung tâm tại Việt Nam mà thôi. Tuy nhiên theo lời những khách hàng có đóng tiền thuê phim thường xuyên thì “băng gì họ cũng có hết.”
Để chứng minh mình là chủ quyền hợp pháp của sản phẩm, các trung tâm sản xuất đều đã đăng ký với Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ tại Washington để được phép in hàng chữ ví dụ như Copyright by Kim Loi Productions trên bao bì. Ngoài ra trong phần đầu của mỗi băng video đều có 1 đoạn phim ngắn bằng hai thứ tiếng Anh và Việt ghi lời cảnh cáo của cơ quan FBI theo đó mọi vi phạm như sao chép, cho thuê hay phân phối không có sự thỏa thuận với chủ nhân gốc đều vị trừng phạt theo tội đại hình và phạt tiền đến 250,000 đô la và 5 năm tù.
Nếu ông Phan Kiên thuộc trung tâm FarEast nói rằng ông chỉ hành nghề ở quy mô nhỏ, “một cách cò con” nên không có khả năng kiện cáo thì ông Tô Văn Lai thuộc trung tâm Thúy Nga Paris tại Quận Cam cũng như ông Nguyễn Thành thuộc trung tâm Kim Lợi tại San Jose lại cho biết “Chúng tôi đã bắt quả tang những hành vi làm ăn gian dối, tốn kém hàng chục ngàn đô la luật sư, tòa án, thưa kiện … rốt cuộc chỉ cười trừ, đâu lại vào đó.”
Năm 1994, khi Kim Lợi tung ra bộ video ca nhạc “Tạ Ơn Đời, Tạ Ơn Người” với ca sĩ Elvis Phương thì chỉ ba ngày sau hàng ngàn bộ phim giả đã tràn ngập thị trường thế giới tại bất cứ nơi nào có người Việt định cư.
“Họ chỉ cần mua 1 bộ phim gốc, chuyển sang loại băng master tape và sau đó muốn in bao nhiêu cũng được; chất lượng không kém băng gốc và bán nửa giá thì khách hàng sẵn sàng mua thôi,” Ông Nguyễn Thành, giám đốc Kim Lợi, Inc. cho biết.
Một khách hàng không muốn nêu danh tính được tiếp xúc tại khu Lion Plaza thú nhận rằng rất thường mua video và dĩa CD nhưng cho biết không sao phân biệt được “đồ thật đồ giả vì hình ảnh và âm thanh rất tốt.”
Nhưng người này cũng nói rằng thường mua với giá 10 đô cho bốn CD thay vì 7,8 đô/1 dĩa.
Ông Thành cho biết tất cả những CD hiện bán với giá rẻ như vậy đều là dĩa giả in lại gồm cả những bài hát do Kim Lợi độc quyền. Tuy nhiên nạn nhân bị nặng nhứt là băng nhạc của Thúy Nga vì sức thu hút và tiếng tăm của video do trung tâm này sản xuất. Ông Tô Văn Lai được giới làm video ca nhạc cho là người “làm dữ nhứt” cũng đã thú nhận “chẳng đi đến đâu.”
Ông nói: “Có lúc chúng tôi cho cài đặt kỹ thuật microvision vô phim video để chống việc sang băng như chỉ ngăn được loại máy VCR dùng ở nhà thôi, còn với kẻ gian thì họ tìm cách ‘bẻ khóa’ thế là xong.”

Nhưng nếu đã bắt được quả tang làm băng giả hay băng sang lại cho thuê thì như vậy là có đủ bằng chứng để nhờ pháp luật can thiệp sao lại nói rằng cuối cũng chỉ “cười trừ” hay “chẳng đi đến đâu?”
Về vấn đề này cả hai trung tâm Kim Lợi và Thúy Nga từng nhờ pháp luật xử lý đã giải thích như sau:
“Những người chủ mưu thực sự đều đứng đằng sau, trong bóng tối. Họ nhờ những người mới từ VN sang, hay người không có tài sản đứng tên cơ sở làm ăn, thành ra khi kiện thì gặp ngay một người “trọc đầu” không có tóc thì lấy gì mà thưa?”
Ông Thành nói rằng đã đưa nhiều vụ ra tòa cuối cùng chỉ gặp bên bị cáo là những cụ già lớn tuổi hay người chỉ có hai bàn tay trắng thì đúng như ông giải thích ở trên là “cười trừ” rồi thôi.
Nếu tại VN thời kỳ trước 75, việc sang băng nhạc từ băng lớn sang cassette rất phổ biến và công khai thì theo lời ông Lai, tình hình làm ăn gian dối bắt đầu xuất hiện tại Mỹ khi loại phim bô Trung Hoa được đưa vào thị trường người Việt tị nạn. Ông nói:
“Khi phim Tầu bắt đầu xuất hiện tại Mỹ thì tệ nạn sang băng để cho thuê cũng phát triển theo rất rầm rộ, nhưng rồi sau đó đã bị ngăn chận là vì các hãng phim Tầu có nhiều phương tiện kể cả tài chính và nhân lực để ngăn chận việc làm ăn phi pháp này.”
Luật sư Trương Phú Hòa, có văn phòng tại Quận Cam, và là đại diện cho quyền lợi của nhiều trung tâm sản xuất băng nhạc nói rằng vấn đề kéo dài đến ngày hôm nay 1 phần cũng vì người Việt với nhau không muốn làm lớn chuyện. Ông giải thích:
“Trước đây hầu như trung tâm nào cũng rất tế nhị trong quan hệ với người đồng hương. Chỉ khi nào bị thiệt hại thật nhiều đến quyền lợi thì mới nhờ đến luật pháp can thiệp. Tuy nhiên tình hình đó nay đã thay đổi.”

Trong khi các đài phát thanh sử dụng dĩa nhạc CD của các trung tâm sản xuất 1 cách tùy tiện, các ca sĩ hát nhạc của các tác giả bất kể luật lệ về sản phẩm trí tuệ thì nhạc sĩ Lê Huy thổ lộ rằng từ lâu ông đã có ý muốn làm “một cái gì đó” để sửa đổi vấn đề, nhưng vẫn chưa làm được.
“Khi làm bầu show tổ chức các buổi văn nghệ tôi có nghĩ đến tác giả, các nhà soạn nhạc và nhận thấy phải chia xẻ và đền bù cho công sáng tác của họ. Bầu show bán vé lấy tiền, ca sĩ được trả cachet, còn người sáng tác chẳng được gì.”
Ông Huy nói thêm rằng chi phí quá nặng “nhứt là khỏa trả tiền cho ca sĩ” đã khiến ông không thực hiện được điều ông cho là “thiếu công bằng đối với người sáng tác.”
Nhạc sĩ Trần Quảng Nam, tác giả nổi tiếng với bản 10 Năm Tình Cũ cho biết ông được trả tất cả khoảng 7,000 đô cho nhạc bản đó mà theo ông nếu được thanh toán “sòng phẳng” thì ít nhứt cũng phải đến hơn 100,000 đô.
Ông Nam nói rằng đã phải làm thêm nhiều nghề khác để nuôi “cái đam mê sáng tác.”
“Không có nhạc sĩ VN nào có thể kiếm miếng cơm chỉ bằng sáng tác không mà thôi,” ông nói thêm.
Với việc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa mới qua đời, người ta biết rằng ông đã sáng tác đến 600 bản nhạc và người ta cũng biết rằng Trịnh Công Sơn không sống nhờ vào bản quyền các tác phẩm của ông.
“Vấn đề chính là ý thức của người tiêu thụ,” luật sư Hòa cho biết. Ông cho hay luật tác quyền của Mỹ đã có từ lâu và người Mỹ được giáo dục từ bé để hiểu thế nào là tác quyền; trong khi đó người VN trái lại đến từ 1 quốc gia nghèo và tuy đã định cư tại Mỹ đã 26 năm rồi nhưng vẫn chưa có 1 khái niệm đúng đắn về điều luật quan trọng này. Ông phân tích:
“Người mình có thói quen tiết kiệm nên có khuynh hướng đi thuê cho rẻ. Còn người cho thuê thì nghĩ rằng nếu mua băng gốc về cho thuê là được rồi. Và điều chính yếu là không thể nói rằng nếu thuê phim Mỹ phim Tầu được thì tại sao không thuê phim VN được, bởi vì người cho thuê không hề được sự đồng ý của các nhà sản xuất VN.”
Luật sư kể lại vào năm 1995 ông đã giúp trung tâm Triều Thành tại San Jose giải quyết vụ làm băng giả quy mô nhứt trong lịch sử cộng đồng Việt. Ông nói:
“Riêng tại thành phố Westminster ở Quận Cam, cơ quan công quyền đã bắt được hơn 300,000 băng giả với 1,000 đầu máy VCR.”
Nhưng “thói quen ham lợi” vẫn không bỏ được cho dù đã bị phạt tiền và tù nên 1, hai nơi lại tiếp tục làm băng giả,” ông cho biết thêm.

Tại Vùng Vịnh, các chiến dịch Operation Copycat thực hiện trong các năm trước đây với sự phối hợp của cảnh sát địa phương, FBI và IRS đã tịch thu được vài chục ngàn cuốn băng giả, phần lớn là video phim Mỹ. Nhiều người Việt dính líu vào các vụ sang băng và cho thuê video trái phép này đều bị truy tố ra tòa và lãnh án tù.
Và những khách du lịch có dịp về thăm VN hay Hongkong đều thấy các loại phim ảnh Hollywood, nhu liệu máy điện toán, CD nhạc, quần áo, đồng hồ làm giả được bày bán khắp nơi.
Trong khi việc làm video giả hiện nay chưa có chiều hướng giảm bớt thì việc làm này lại được nâng lên 1 cấp cao hơn.
Trước tiên là dĩa DVD. Các nhà sản xuất cho phát hành băng video xong thì cho ra tiếp loại DVD/karaoke. Giới làm đồ giả cũng nhanh chóng tung ra những DVD tương tự, thậm chí còn hay hơn vì họ dùng hai, ba DVD của nhà sản xuất để làm ra 1 DVD tổng hợp thì dĩ nhiên phải hay rồi, theo lời ông Thành.
Kế đó là dùng internet để phổ biến miễn phí băng nhạc của các trung tâm.
“Tại địa chỉ www.rangdong.com, người ta thấy băng Paris By Night 58, Asia 32 và Hoài Linh 4 đều có sẵn để mọi người tự do download và xem thoải mái trên máy điện toán,” ông Lai cho biết qua điện thoại từ Nam Cali. “Chúng tôi đã báo luật sư và mong sẽ ngăn chận được như người Mỹ đang tìm cách ngăn chận việc làm của Napster.”
Ông Chu Khang đại diện cho nhóm chủ trương trang web rangdong.com nói rằng đã liên lạc với Thúy Nga để xin phép từ nhiều tháng nay nhưng chưa thấy trả lời; còn đối với video của Asia hay Hoài Linh thì “không thấy họ khiếu nại.”
Tuy nhiên với thông báo của Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Video VN tại Hải Ngoại với câu cuối cùng là “Mong quý vị (người tiêu thụ) suy nghĩ lại (đừng thuê mướn video hay đừng mua video giả) thì theo lời luật sư Hòa đó là “một lời báo trước, nếu vẫn vi phạm thì hình phạt sẽ nặng hơn và không thể chối cãi được nữa.” Ông không cho biết thêm là liệu có nhờ cơ quan công lực mở chiến dịch tấn công vào các cơ sở làm ăn phi pháp này hay không.
Thứ Sáu vừa qua băng video phóng sự “Đà Lạt-Nha Trang” của trungtâm FarEast đã được phát hành ra thị trường.
“Chắc chắn chỉ hai, ba ngày sau thì đã có băng cho thuê,” ông Kiên khẳng định.
“Nhưng băng giả, bán rẻ thì chưa biết vì họ cũng khôn lắm; khi nào thấy có ăn mới làm giả. Mình dọn cơm sẵn cho người ta ăn, nhưng biết làm sao,”ông than thở như vậy.

Bài được đăng trên tuần báo Việt Mercury số ra ngày 04 tháng Năm, 2001

No comments:

Post a Comment