Saturday, December 13, 2014

Chi Phí Cho Một Chuyến Công Tác



Đức Hà

Hàng ngày xem tin tức trên truyền hình hay đọc báo, độc giả thường được nghe phóng viên chấm dứt bài tường trình bằng câu: "I'm XXXX, with the President in Asia - đại ý muốn nói tôi là phóng viên XXXX tháp tùng chuyến công du của Tổng Thống sang Châu Á."
Người ngoài cuộc xem tin chỉ biết có vậy. Thật sự thì đằng sau một chuyến công tác với lãnh đạo là cả một quá trình phối hợp nhiêu khê, nhịp nhàng và rất tốn kém. Nhà báo Andrew Siddons của nhật báo New York Times, trong trang TheUpshot lần đầu tiết lộ những chi tiết thú vị về chuyến đi của một phóng viên cùng với Tổng Thống đến Bắc Kinh, Myanmar và Australia trong chín ngày hồi tháng 11 vừa qua.

Air Force One in Beijing, China, Nov. 10, 2014. 
(White House Photo by Chuck Kennedy)
Chi Phí

Andrew Siddons cho biết khi công cán nước ngoài, Tòa Bạch Ốc thường cho thuê bao một phi cơ riêng để chuyên chở toàn bộ nhóm phóng viên truyền hình, phát thanh và báo in. Đôi khi phóng viên may mắn lại được xếp cho đi cùng trên chiếc Air Force One với đoàn tùy tùng của tổng thống. Tuy nhiên cho dù đi bằng phương tiện nào (máy bay thuê bao hay Air Force One) phóng viên tức các tòa soạn đều phải chia nhau phí tổn. Nêu thí dụ về chuyến đi ba nuớc Trung Quốc, Myanmar và Australia mới đây, báo New York Times đã phải chi trả $92,111 khi cử một phóng viên đi cùng, trong khi ước tính trước đó chỉ không quá $60,000 (gần bằng một năm lương của phóng viên.) Và đó là chưa kể công tác phí ít nhất cũng $200/ngày.
Ông Siddons giải thích về sự khác biệt giữa con số dự phóng với số tiền phải trả thật sự là vì ngân sách của các báo ngày càng bị cắt giảm, và nhiều tòa soạn không cử người đi nữa và chỉ ngồi nhà mua tin - của hãng tin AP chẳng hạn; vì vậy khi tổng chi phí cao, số người tham gia giảm bớt, số tiền chia ra tức phải tăng ... đột biến.
Vậy làm thế nào để có thể giảm bớt khoản chi mà vẫn cô-vơ được toàn bộ tin tức của chuyến đi quan trọng của người đứng đầu nước Mỹ? Báo New York Times thử hạch toán như sau: mua vé trên máy bay thương mại, thuê khách sạn, ăn uống, taxi ... nghĩa la tự lo tất cả mọi chi phí cho chuyến công tác từ A đến Z thay vì thông qua Tòa Bạch Ốc.

Bắc Kinh

Tổng thống rời D.C đêm thứ Bẩy 08 tháng 11 - lẽ dĩ nhiên bằng Air Force One, để kịp đến Bắc Kinh sáng thứ Hai. Phóng viên tự túc có thể đáp chuyến bay thẳng từ sân bay Washington Dulles ngay chiều thứ Bẩy và sau 14 giờ trên không sẽ đến Bắc Kinh chiều Chúa Nhật, dư thời gian để nghỉ ngơi, ngủ bù trước khi bắt tay vào việc sáng thứ Hai - cùng lúc khi phi cơ của tổng thống đáp. Ai từng đi Châu Á hay Châu Âu đều bị tình trạng jet lag tức khi bay qua nhiều múi giờ sẽ làm đồng hồ sinh học của cơ thể bị xáo trộn, dẫn đến mệt mỏi, mất ngủ ... các lãnh tụ thường ngủ trên phi cơ nên khi vừa xuống đất có thể ngồi vào bàn thảo luận ngay.
Báo New York Times lên kế hoạch nếu bay bằng United cất cánh trưa thứ Bẩy lúc 12:25 và đến Bắc Kinh 3:40PM Chúa Nhật, giá vé hạng tiết kiệm là $943. Nếu đi bằng Air China vé chỉ còn $762 khởi hành 4:00 giờ chiều thứ Bẩy, đến Trung Quốc 6:40 chiều Chúa Nhật. Chặng đầu coi như ổn và rẻ và phóng viên được nghỉ ngơi đôi chút ở trạm đến là Bắc Kinh.

Myanmar

Sau ba ngày làm việc với giới chức Trung Quốc, đoàn của tổng thống chuyển đến Myanmar (Miến Điện). Air Force One khởi hành lúc 4:05 ngày thứ Tư đến Naypyidaw, Myanmar lúc 7:27 tối và tham gia dạ yến vào khoảng 8:00PM với các lãnh đạo Miến Điện.

Với phóng viên bay tự túc vấn đề không đơn giản. Để có thể đến Naypyidaw - thủ đô của Miến Điện kịp thời gian, phóng viên chỉ có cách bay Thai Airways từ Bắc Kinh lúc 6:50 sáng, ghé Bangkok đợi sáu giờ chuyển tiếp và đáp sân bay Miến Điện vừa kịp khi Air Force One của tổng thống đến. Nhưng trước khi rời Bắc Kinh, lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ - Trung Quốc có cuộc họp báo chung, nếu phóng viên lại bay vào 6:50AM thì coi như bỏ cuộc họp báo và thông cáo chung - điều không thể làm được.

Phương án thứ hai: bỏ làm tin về buổi dạ yến ở Naypyidaw và bay thẳng Bắc Kinh - Yangon hoặc đợi qua thứ Năm mới đến Naypyidaw và bay tiếp đến Yangon vào thứ Sáu. Điều này bất khả thi vì thứ nhất không có chuyến bay nào với phi trình như vậy và khi đến Yangon vào thứ Sáu thì mọi chuyện đã hạ màn chẳng còn gì để làm tin nữa.

Phương án ba: New York Times có nhiều phóng viên đồn trú tại Hong Kong. Gởi một người từ Hong Kong đi phụ trách mảng Myanmar phí tổn khoảng $1,900, tương đối an toàn nhất.

Australia

Theo lịch làm việc, Tổng Thống Mỹ rời Naypyidaw để đến cuộc họp tại Yangon, kể cả cuộc gặp quan trọng với lãnh tụ đối lập Daw Aung San Suu Kyi. Sau cùng ông sẽ bay đêm đến Úc.

Phóng viên tự biên tự diễn đi từ Naypyidaw đến Yangon có thể đi bằng xe lửa. Vé giường nằm hạng nhất chỉ có 12 đô, phóng viên sẽ đến Yangon lúc 5:00AM sáng thứ Sáu. Dư giờ để tham quan Yangon đôi chút trước khi bắt tay vào việc. Phần này như nói bên trên do phóng viên từ Hong Kong đảm trách (phương án ba) nên phóng viên từ Mỹ sang Bắc Kinh có thể nghỉ ngơi rồi bay thẳng sang Brisbane, Úc. Giá vé $864 với chặng dừng chân ở Hong Kong.

Sau khi kết thúc công du Úc, Air Force One sẽ đưa Tổng Thống về lại Washington D.C,  đêm Chúa Nhật với chặng dừng ngắn ở Hawaii để lấy nhiên liệu.
Phóng viên không đi với đoàn sẽ rời Brisbane sáng Chúa Nhật lúc 11:25AM, đổi máy bay hai lần ở Sydney và Los Angeles, cuối cùng đáp D.C. lúc 8:15PM tối Chúa Nhật, giá vé $1,568. Rõ ràng là đi riêng lẻ rẻ hơn nhiều. Gấp bội.

Kết Luận

Tính tổng chi phí cao nhất với hai phóng viên đi công tác (một từ Mỹ, một từ Hong Kong) vào khoảng $5,287. Ông Andrew Siddons cho hay khi chọn kịch bản này thì phải nhớ rằng lúc đề cử một người từ Hong Kong đi Myanmar, tức văn phòng đại diện báo NYT Hong Kong hụt một phóng viên. Do đó nếu tình hình Hong Kong có biến chuyển đột xuất thì đương nhiên văn phòng New York Times Hong Kong thiếu người.

Tóm lại với phí tổn $92,111 (nếu đi chung với đoàn của Phủ Tổng Thống) và $5,287 đi riêng, thì lợi hại như thế nào? Điểm mạnh khi đi chung: Tòa Bạch Ốc điều khiển chương trình và sắp xếp mọi thứ từ visa, chỗ ăn ở, an ninh, vận chuyển ... Điều này phóng viên đi riêng lẻ khó thực hiện và mất thời giờ ngay từ khâu xin visa làm việc tại nước đến công tác. Khi đến nơi lại phải bận rộn với chuyện ăn ở di chuyển, an ninh, internet, điện thoại ... và trăm thứ khác mà công việc làm tin mới là chính.
Theo ông Siddons, trả giá đắt khi đi với đoàn của Tòa Bạch Ốc là tiện lợi hơn cả; phóng viên chẳng phải lo lắng bất cứ chuyện gì khác ngoài việc làm tin, phỏng vấn các giới chức và gởi bài về tòa soạn. Đó là chưa kể khi đi cùng với đoàn lại có cơ hội tiếp cận với các quan to trong chính phủ, đôi khi cả chính Tổng Thống Obama. Được biết ông Obama rất hay xuống khoan phóng viên trên Air Force One để chuyện trò những vấn đề ngoài lề không chính thức. Như thế, theo lời ông Siddons thì đâu có giá biểu nào để ấn định cho những chi tiết quý báu như vậy.
Giống như quảng cáo của Visa và MasterCard vẫn thường nói rằng có những khoảnh khắc vô giá "priceless" chỉ có thể mua bằng ... tiền.

No comments:

Post a Comment