Thursday, February 5, 2015

30 Năm Tình Muộn

Đức Hà


Thứ Hai 29 tháng Tám, 2000 là ngày Nguyễn Lệ Hằng sẽ ghi nhớ mãi trong suốt cuộc đời còn lại. Đó là ngày cô bắt liên lạc được với người cha ruột cô mong đợi đã 29 năm hay ít ra cũng từ ngày cô biết thế nào là tình cha con. Lần đầu tiên trong đời, Lệ Hằng đã có dịp gọi tiếng “Daddy” bằng cả con tim của mình.
Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, một trong những hệ quả xã hội mà nước Mỹ cảm thấy có trách nhiệm và phải cưu mang là những người con mang hai giòng máu Mỹ-Việt.

Nguyễn Lệ Hằng và hình cha ruột 30 năm trước.
Nếu Nguyễn Kiên, tác giả của cuốn sách được nhiều người biết "The Unwanted", kể lại cuộc đời đầy gian khổ của một con lai sau năm 1975 và khi được đi định cư tại Mỹ đã không muốn tìm lại người cha ruột của mình, thì trong khi đó ngược lại, nhiều người con lai khác lại có suy nghĩ là phải tìm cho ra bên nội là ai.
Và y như một câu chuyện thần tiên, bà Nguyễn Thị Mia gặp lại người chồng năm xưa và Nguyễn Lệ Hằng gặp được người cha ruột không phải tại căn cứ Phú Lợi, Biên Hòa nơi bắt nguồn cho câu chuyện này mà ngay tại San Jose nhờ sự giúp đỡ của một máy điện toán. Thêm vào đó là tấm lòng sốt sắng của một khách đến làm móng tay tại DJ’s Hair Design ở Menlo Park, nơi Lệ Hằng làm việc.

Mối Tình Việt-Mỹ

Nguyễn Lệ Hằng ra đời ngày 29 tháng Ba 1972 tại Củ Chi, cha cô là một binh sĩ Mỹ đóng quân tại Phú Lợi nơi mẹ cô là một người giúp việc văn phòng. Hai người làm đám cưới với sự bằng lòng của cha mẹ bà Mia. Mãn hạn công tác tại Việt Nam người lính Mỹ đó lên đường về nước tháng Tám năm 1971 và vì thủ tục khó khăn đã không mang theo được người vợ đang mang bầu.
Vài tháng sau đó Lệ Hằng ra đời với khai sanh mang họ mẹ và cha vô danh.

Được tin mình có một người con, người lính Mỹ lúc đó đã ra khỏi quân đội, cố tìm cách trở lại Việt Nam nhưng không được trong lúc chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt.
Ông làm giấy tờ bão lãnh cho hai mẹ con đi Mỹ nhưng vì hoàn cảnh gia đình bà Mia không đành dứt bỏ những người thân để đi tìm “hạnh phúc và an lành nơi xứ lạ quê người.”
Rồi để chấm dứt tình trạng thư từ qua lại vương vấn mà không đi tới đâu, bà Mia quyết định ngưng liên lạc để “đường ai nấy đi.”
Cuối năm 1973 bà Mia lập gia đình lần thứ hai với một người đàn ông cùng quê và sẵn sàng dùm bọc cho hai mẹ con bà.
Lệ Hằng lấy chồng năm 19 tuổi và sanh được đứa con trai đầu lòng. Cuộc sống của gia đình bà Mia, của Lệ Hằng tưởng sẽ trôi qua bình thản với ruộng vườn tại Lái Thiêu, Bình Dương. Không ai nghĩ rằng định mệnh rồi ra sẽ đưa đẩy họ đến định cư tại Mỹ – quê nội của Lệ Hằng.

Từ Lái Thiêu Đến San José

Năm 1992 toàn bộ hai gia đình từ giã Lái Thiêu để đến lập nghiệp tại San Jose theo diện con lai.
“Khi sang đến Mỹ thì tôi nghĩ ngay đến việc phải tìm cho ra người cha ruột để được có cha như bao người khác,” Lệ Hằng kể lại.
Lệ Hằng đã hỏi han nhiều người, nhiều cơ quan kể cả viết thư cho bộ chỉ huy quân đội Mỹ để nhờ tìm kiếm nhưng vì không đủ chi tiết nên không ai giúp được gì.
“Tên thì chỉ nhớ cách đọc, không biết cách viết. Địa chỉ thì hồi xưa khi còn liên lạc thư từ lại nhờ người khác viết giùm chứ chưa bao giờ tự tay viết được, thành ra đi tới đâu hỏi thăm cũng bị từ khước, nhưng Hằng nó không bao giờ thất vọng,” bà Mia nói về sự kiên nhẫn của người con gái.
Thời gian trôi qua, thấm thoát đã gần 10 năm định cư tại Mỹ.

Lệ Hằng làm về móng tay và người chồng Nguyễn Văn Bình làm cho một công ty cơ khí tại San Jose. Cả hai cũng có thêm một người con gái. Tất cả sống trong một ngôi nhà nhỏ gần khu Tully, nhưng Lệ Hằng vẫn trăn trở về người cha vô danh.
Chuyện tình cờ xảy ra vào năm ngoái khi một phụ nữ đến làm móng tay nơi tiệm và lần đầu tiên Lệ Hằng đã thổ lộ tâm sự về người cha chưa bao giờ gặp.
Đó là bà Yvette Barroso, nhân viên cảnh sát tại thành phố South San Francisco. Bà Barroso nói:
“Tôi là khách lâu năm của Helen (tức Hằng) nhưng không bao giờ Helen nói chuyện riêng tư nhưng bữa đó thấy mặt cô ta buồn nên tôi hỏi thăm.”
Sau khi nghe xong, bà Barroso nói ngay là bà có thể giúp được bằng cách truy cập trên mạng Internet.
May mắn hơn nữa là bà Barroso lại được một đồng nghiệp, ông Leo E. Tealdi, cũng từng bị động viên sang Việt Nam cùng giúp đỡ việc tìm kiếm.

Đoàn Tụ

Ngày 29 tháng Tám, 2000 bà Mia và Lệ Hằng đến văn phòng ông Tealdi để bắt đầu việc dò tìm qua một máy điện toán.
Điều lạ lùng lúc đó bà Mia bỗng cảm thấy rất sáng suốt. Bà nhớ tất cả những chi tiết tưởng đâu đã trôi hết với thời gian.
“Tôi rất hồi hộp nhưng không hy vọng nhiều; tôi cũng ngại người ta chê cười vì lấy chồng mà không biết gì hết, cái tên cũng không nhớ; Hằng thì nó hăng hái hơn tôi, nó cảm thấy như sắp gặp được cha nó vậy,” bà Mia nói.
Ước mơ từng ấp ủ của Lệ Hằng đã thành sự thật khi không đầy 20 phút truy tìm trên Internet ông Tealdi nói lớn: “It’s him!” (Ổng đây rồi!)

Bằng những chi tiết rất nhỏ như thời gian người lính Mỹ có mặt tại Việt Nam, phù hiệu trên vai áo, ngày mãn nhiệm kỳ về nước, chiều cao … ông Tealdi đã lựa lọc, phân tích và tổng hợp để sau cùng tìm ra nơi ở kể cả số điện thoại của ông Leonard M. Barnhill, cha ruột của Nguyễn Lệ Hằng.
Không lâu sau đó hai cha con đã đoàn tụ với nhau tại San Jose. Điều không thể ngờ với bà Mia là ông Barnhill, người chồng trước của bà vẫn còn giữ đầy đủ tất cả hình ảnh, thư từ, kỷ vật từ sợi giây chuyền đến đôi bông tai… ông mang từ Việt Nam về cách nay 30 năm.

Còn ông Barnhill 53 tuổi làm nghề mua bán chứng khoán tại Missouri, không ngờ vợ và con ông vẫn còn sống sót sau chiến tranh và lại lưu lạc sang tới Hoa Kỳ. Ông không hề biết gì về chương trình con lai được định cư tại Mỹ. Tuy nhiên ông vẫn ôm mãi kỷ niệm mối tình đầu với một thiếu nữ Việt Nam. Ông cũng không lập gia đình thêm nữa.
Bà Mia thú nhận rằng tình thương xưa như bùng cháy trở lại nhưng “bây giờ không thể đi ngược lại quá khứ.”
Còn Lệ Hằng đã trở thành người hạnh phúc nhứt trên đời vì được gặp người cha cô hằng mong mỏi và biết rằng người đó dù ở tận Missouri, vẫn thương yêu cô ngay từ lúc chỉ được nhìn thấy hình cô lúc mới sanh.
“Hằng giống bà nội y đúc,” cô nói.
Giờ đây, California và Missouri tuy xa nhưng đối với cha con ông Barnhill trở thành quá gần.

Tiếp xúc với bà Barroso, hồi cuối tuần qua và tuy đã một năm hơn khi câu chuyện đoàn tụ này xảy ra, bà vẫn còn sụt sùi rơi lệ khi nói rằng: “Bây giờ thì tất cả mọi người đều hạnh phúc.”

                                                   Bài  được đăng trên Viet Mercury số 144 10/26/2001

No comments:

Post a Comment