Thursday, January 22, 2015

"Foa" Đã Trở Lại



Đức Hà
Sau bao nhiêu tranh cãi, tranh tụng, người phản đối, kẻ ủng hộ, lời qua tiếng lại kể cả ngăn sông cấm chợ, món ăn khoái khẩu, đặc sản của Pháp - có thể so sánh như trứng cá muối caviar của Nga hay phở của ta, đã trở lại trên bàn nhậu USA. Đúng vậy, "foa" đi và "foa" đã trở lại.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2012 khi tòa California - được sự vận động của liên minh các tổ chức bảo vệ súc vật, ra phán quyết khai tử món pâté foie gras trên toàn lãnh thổ California. Việc cấm đoán lan dần sang Chicago và sang cả trời Âu - Đan Mạch, Phần Lan, Đức đều cấm sản xuất foie gras.

Lý do cấm: độc ác và vô nhân đạo. Theo truyền thống xưa nay, phương cách sản xuất pâté foie gras tức pâté gan ngỗng hay gan vịt ở Pháp là nhồi nhét thức ăn tối đa bằng ống nhựa vào cổ họng ngỗng để vỗ béo lá gan thật to; sau đó cắt tiết ngỗng lấy gan làm pâté. Công nhân trại ngỗng bắt từng con, kẹp vào giữa hai đùi, tay trái nắm cổ con thú, tay phải cầm ống plastic thực phẩm cắm sâu vào cổ ngỗng; hệ thống ống từ trần nhà cứ thế dùng hơi tống mạnh thực phẩm vào con ngỗng. Cứ như vậy ba lần trong ngày, kéo dài trong ba tuần liền. Kết quả là con ngỗng no căng diều. Căng cứng, căng kềnh. Lá gan phình to gấp 10 lần hơn bình thường, không còn chức năng hoạt động của gan. Dĩ nhiên con gia cầm với bụng chướng to, không thể đi đứng bình thường. Ngay tại Pháp, nhóm Stopgavage cũng thu thập hơn 20 triệu chữ ký vận động chấm dứt hành hạ ngỗng để lấy gan. Cụ thể là 47% dân Pháp - tức cứ gần một trong hai người, có chủ trương cấm hình thức nhồi nhét thực phẩm cho ngỗng. Khoảng 29% những người được phỏng vấn phát biểu rằng họ tẩy chay luôn món này. Ở Mỹ người ta cũng nuôi bò thế nào để cho thật nhiều sữa, gà đẻ thật nhiều trứng nhưng không dùng phương pháp ép ăn để tăng sản lượng sữa hay trứng. Thế là vào năm 2004 California bang đầu tiên đi tiên phong trong việc cấm bày bán, cấm nhà hàng phục vụ món ăn béo ngậy này. Tám năm sau, luật số S.B. 1520 có hiệu lực vào ngày một tháng Bẩy năm 2012. Mọi vi phạm bán hoặc buôn có thể bị phạt mỗi lần đến một ngàn đồng.

Chủ Tịch Thượng Viện tạm lúc bấy giờ là ông John Burton của Nghị Viện California ở Sacramento nói rằng nhồi nhét như vậy là vô nhân:
"Chúng ta không nên đưa một ống cao su vào cổ ngỗng để tống thực phẩm vào nhằm mục đích làm pâtê gan. Nhiều quốc gia đã cấm món này và tôi rất vui khi thấy California cũng sẽ được nằm trong danh sách này."
Luật cấm có điều khoản gỡ gạc - theo đó các nhà sản xuất có thời gian tám năm để đề xuất phương pháp nuôi ngỗng không nhồi nhét. Tuy nhiên mấy ông Tây chăn nuôi - với tư duy bảo thủ,  không nghĩ ra được cách nào khác ngoài cách làm từ ngàn xưa đến nay: nhồi và nhét.
Và rồi khi luật có hiệu lực báo chí đã chạy tít giật gân: "Một Cái Tát Vào Mặt Dân Khoái Khẩu Foie Gras." Thế nhưng, tám năm chưa hết thì luật lại được sửa - lần này nghiêng về phía dân sành điệu.

Luật Vi Hiến

Tháng 10 năm ngoái, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đồng lòng với luật California theo đó California được phép tiếp tục cấm chỉ món foie gras khi từ chối duyệt xét đơn kháng án. Quyết định này được xem là một thắng lợi của các nhóm bảo vệ phúc lợi súc vật chống lại nhóm nhà hàng và các nhà nhập khẩu foie gras. Cựu nghị viên John Burton, người đề xuất luật cấm này phát biểu:
"Đây là một nỗ lực lâu dài, kiên cường. Nhưng rất xứng đáng để đấu tranh, rất xứng đáng để thắng lợi."
Thế nhưng phán quyết chưa hết tranh cãi - giữa hai phe: một bên bênh gia cầm và bên kia bênh thực khách, thì luật lại được đảo ngược.

Thẩm phán liên bang Stephen V. Wilson, tòa US District giải thích rằng luật cấm sản xuất và bán foie gras không hợp hiến vì can thiệt vào luật liên bang hiện hành theo đó đã có những quy định đầy đủ về sản phẩm từ gia cầm.
Liên minh các tổ chức bảo vệ súc vật, kể cả Quỹ Pháp Lý Súc Vật và Hội Humane Society (http://www.humanesociety.org) là hội bảo vệ thú lớn nhất và hữu hiệu nhất Hoa Kỳ, cùng ra thông báo báo chí với cam kết sẽ kháng tố với nội dung như sau: "Bang Cali rõ ràng có đủ thẩm quyền cấm bán sản phẩm bắt nguồn từ sự độc ác của con người với mọi súc vật, và chúng tôi kỳ vọng tòa 9th Circuit sẽ duy trì luật này, như từng làm trong những tranh tụng trước đây. Chúng tôi thỉnh nguyện Bộ Trưởng Tư Pháp Cali đệ nạp ngay đơn kháng án."
Nhóm chủ trương thông cảm nỗi đau của thú lại mạnh miệng hơn bao giờ. Chủ Tịch Ingrid E. Newkirk của hội Đối Xử Nhân Bản với Thú khẳng định: "Foie gras là món gan béo (fatty liver) của Pháp, còn đần độn (fathead) là tiếng của người Mỹ để gọi bọn đầu bếp không biết nhục khi cần phải có luật để cấm họ phục vụ khách ăn những món bắt nguồn từ những con vật bị xình chướng cơ phận - thiếu điều muốn nổ bung, khi nhồi ăn một cách tàn ác."

Những phát biểu căng thẳng, đổ lửa đó hầu như không làm nao núng mấy chefs, mấy chủ quán ăn đang hân hoan vì tin xả trại. Họ từng băn khoăn bức xúc từ hơn hai năm qua vì không được đưa món pâté foie gras đến với khách hàng. Hệ thống nhà hàng Hot's Restaurant Group ở California, nhà sản xuất Hudson Foie Gras ở New York, hiệp hội các nhà chăn nuôi vịt và ngỗng ở Quebec, Canada đã cùng nhau thách thức luật cấm ở California và đệ đơn kháng án và thành công. Tuy nhiên California vẫn có thể kháng án phán quyết của tòa US District.
Nhóm chống đối cũng có thái độ phản bác không kém kiên cường: "Sẽ cho vẽ một lằn vạch phía trước các nhà hàng phục vụ trở lại món được gọi là 'tra tấn ngỗng' này" và thề quyết rằng "Bất cứ kẻ nào bước ngang lằn vạch đó đều được coi như tự xác định mình là kẻ hám ăn không tự kiểm soát được đến độ phải tra tấn thú vật."

Người Việt

Dường như người Việt nhìn vấn đề thông thoáng hơn, nặng phần của kẻ có tâm hồn ăn uống bao la. Hỏi thăm vài ba người cho bài viết này thì mỗi người trả lời một kiểu - kiểu nào nghe ra cũng hợp tình hợp lí.
Người A (có nhiều khả năng bị cao mỡ trong máu) trả lời: bỏ thịt từ lâu, thành thử có "foa" hay không có "foa" không thành vấn đề.
Người B xuề xòa: có thì ăn không có thì thôi, hơi đâu kiện với cáo. Nỡm chửa!
Người C sành điệu: ở đời cái gì ngon phải chén - chén cho biết. Xuống kia làm gì có mà ăn. Anh này còn chua thêm "foa gra" nhớ phải đi kèm với Sauternes hay Chardonnay đấy.
Người D (chắc là dân chuyên trị cày tơ chỉ thích chó): Sao mà rắc rối quá, chỉ lo con bò trắng răng.
Xin thưa rằng, nếu có dịp ngồi ở một trong hàng trăm quán nho nhỏ ngay lề đường trong khu gần La Fontaine St. Michel ở Paris và kêu món entrée foie gras chiên cháy cạnh với vài miếng bánh mì nóng giòn thì thú thật chẳng còn gì để than thân trách phận nữa. Và đó là một trong những món tiêu biểu của Pháp mà sách vở nói rằng cần phải thử trước khi ... lìa trần.

Cấm rồi lại không cấm, rõ ràng đã tạo nên sức mạnh của một đất nước hành xử bằng luật pháp công minh, ý dân là ý Trời nhưng phải đúng luật -  tuy vậy nói cho cùng, vụ việc này cũng làm tốn không ít giấy mực và tốn cả thời gian của mấy nhà làm luật và tất nhiên luôn cả tiền đóng thuế của nhân dân.

No comments:

Post a Comment