Monday, May 16, 2011

Cuộc Chiến Không Có Kẻ Thắng

Đức Hà

BOSTON - Nếu có sự xung khắc quan điểm về chiến tranh giữa các thế hệ người Việt – hoặc là quên quá khứ và hướng về tương lai hay tiếp tục nung nấu hận thù, thì Trịnh Long Hoàng là một thí dụ điển hình. Anh chọn con đường hòa giải, hòa giải với chính mình cho dù không quên quá khứ. Và nếu có sự khác biệt trong góc độ nhìn của lớp trẻ trưởng thành tại Mỹ, thì Trịnh Long Hoàng cũng lại là mẫu người đặc biệt. Trong khi các đạo diễn trẻ chọn các cốt truyện xã hội, tình cảm ướt át dễ thu hút khán giả để làm phim thì ngược lại John Trịnh, tên thường gọi của Trịnh Long Hoàng, chọn một đề tài nhạy cảm, gây nhiều tranh luận. Bộ phim đầu tay của anh mang tên “Agent Orange: 30 Years Later – Chất Da Cam: 30 Năm Sau.”
“Nếu muốn thay đổi thì trước hết mình phải thay đổi,” John Trịnh chia xẻ khi tham gia buổi tham luận về đề tài Chất Da Cam tại đại hội thường niên các nhà báo Mỹ gốc Á AAJA tại Boston mới đây.
Sự thay đổi của John là cả một cố gắng đấu tranh với chính bản thân khi anh tự xóa bỏ lời thề nguyện hận thù khi ra khỏi Việt Nam trước đó gần 20 năm là không bao giờ về lại với đất nước mà anh và gia đình phải lầm than cơ cực và bị gò bó về tinh thần dưới chế độ chính trị bao cấp của nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng vào năm 2006 John Trịnh quyết định về lại quê mẹ để chứng kiến tận mắt điều được gọi là mở cửa và cởi trói. Rồi từ bước trở về lần đầu chỉ để thăm thú quan sát đã đưa đẩy anh trở về nhiều lần để làm bộ phim tài liệu về một hóa chất khai quang chứa trong thùng có kẻ vạch màu cam, mà cho đến nay vẫn ẩn hiện như một bóng ma đè nặng lên mối quan hệ Việt – Mỹ.

Đến Mỹ năm 1987 trong chương trình đoàn tụ gia đình, John Trịnh, năm nay 53 tuổi, chỉ muốn trau giồi học vấn và tạo một sự nghiệp. Vốn ưa thích về nghệ thuật, anh ghi tên theo học trường Art Institute ở Houston rồi được học bổng của trường nổi tiếng Art Center College of Design ở Pasadena. Tuy chủ yếu nhắm vào ngành hội họa anh cũng lấy thêm một số lớp về lý thuyết và lịch sử điện ảnh cho dù không có ý định làm phim. Tuy nhiên trong khi du lịch Việt Nam thì xảy ra vụ kiện của các nạn nhân Chất Da Cam Việt Nam bị tòa Mỹ bác đã khiến John Trịnh chú ý.
“Khi trở lại Việt Nam sau gần 20 năm thì dấu vết chiến tranh không còn, hố bom, vết đạn, cầu xập, nhà cửa hoang tàn hầu như không còn thấy tại các thành phố lớn. Nhưng tin tức về vụ kiện làm tôi suy nghĩ và tìm hiểu thêm để thấy rằng hậu quả của chiến tranh vẫn còn đó như một vết hằn đậm sâu vào con người. Vì vậy tôi quyết định thực hiện một bộ phim tài liệu để nói lên sự tàn ác lâu dài của chiến tranh.”
Anh tâm sự rằng trong chiến tranh, nhiều người có nghe nói về thuốc khai quang diệt cỏ nhưng không thể biết và cũng không thể lường được tác hại kinh hoàng và dài lâu của loại hóa chất đó.
“Xem hình ảnh của các nạn nhân, từ dị dạng, khuyết tật đến thai nhi bất bình thường … tôi nghĩ rằng bất cứ ai, bất cứ người Việt nào sống trong vùng bị rải thuốc đều có thể bị nhiễm độc, kể cả bản thân tôi.”
Anh cho biết ngay cả quân đội Mỹ khi sử dụng Chất Da Cam cũng chỉ nghĩ rằng thuốc sẽ làm rụng lá - vì vậy đã rải thuốc với nồng độ từ sáu đến 25 nhiều lần hơn chỉ định của nhà sản xuất, và không ước lượng được những ảnh hưởng kéo dài sau này.
“Không biết nhưng vẫn cứ dùng cho dù  đã có những báo cáo của Không Quân Mỹ gửi cho Quốc Hội từ năm 1967 về ảnh hưởng nguy hại của Chất Da Cam đối với sức khỏe con người, tôi nghĩ như vậy là quá tàn ác,” anh nói.
Thật ra thì khi nói đến chiến tranh từ cổ chí kim người ta không thể tránh tàn ác và bạo lực. Vấn đề là tàn ác ở mức độ nào. Đại chiến II, kết thúc bằng hai bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, làm thiệt mạng tổng cộng hơn 70 triệu người. Hóa chất độc chlorine, mustard gas và phosgene sử dụng trong đại chiến I. Chiến tranh diệt chủng ở Kampuchia, Châu Phi, Bosnia … Tất cả đều áp dụng một trong ba nguyên tắc chiến lược được Clausewitz vạch ra từ bao đời nay: dùng toàn bộ lực lượng với khả năng hủy diệt tối đa nhằm chiến thắng và tiêu hao địch quân.
Nhưng với John Trịnh, mục đích khi làm bộ phim “Agent Orange: 30 Years Later,” hay còn gọi là “Cuộc Chiến Không Có Kẻ Thắng” chỉ nhằm nhắc nhở người xem về tác hại của chất dioxin vào môi sinh và con người. Bộ phim nhấn mạnh đến sự cần thiết của lòng trắc ẩn và yếu tố trách nhiệm trong hành động của con người đối với đồng loại bất kể quan điểm dị biệt về chính trị.

Thực Hiện

Nếu khởi đầu làm phim với một mục tiêu tốt nhằm đề cao công bằng và bác ái, John Trịnh gặp đủ mọi khó khăn từ tài chính đến sự hậu thuẫn. Anh nói:
“Khi nghe tôi trình bày về dự án làm phim thì ngay cả trong gia đình cũng đã không bằng lòng, nói chi đến các tổ chức cộng đồng hay cơ quan thiện nguyện. Ngoài một người chị đóng góp $500, tôi hoàn toàn phải tự lo về chí phí và kỹ thuật từ nghiên cứu, viết kịch bản, sản xuất đến thực hiện và quảng bá.”
Thêm vào đó, khi bắt tay vào việc thực hiện tức phải đến các bệnh viện phỏng vấn nạn nhân từ nam ra bắc kể cả các giới chức liên hệ, John Trịnh đều gặp sự nghi ngại từ phía chính quyền trong nước.
“Mình nghi ngờ họ thì họ cũng chẳng tin mình, nhưng hiện nay họ sử dụng phim của tôi nhiều lần nhân “Ngày Da Cam” 10 tháng Tám vừa qua.”
Vừa làm, vừa tìm tài liệu và vừa phải tự kiếm cơm nuôi thân, nên phải mất ba năm sau phim mới hoàn thành. Nhưng công khó của anh đã được đền bù với nhiều giải thưởng từ các liên hoan điện ảnh quốc tế ở Houston lần thứ 42, liên hoan điện ảnh và video quốc tế New York tổ chức ở Los Angeles, và được chọn trình chiếu tại các liên hoan điện ảnh ở Pasadena, Philadelphia, Missouri, Kansas, New Zealand…
Điều tương đắc nhất với John Trịnh là thực hiện được hoài bão và có dịp đi khắp đất Việt gặp gỡ người dân lành chất phác mà theo anh rất đáng thương và cần được giúp đỡ không bị chính trị chi phối.
“Họ vô tình vướng vào chiến tranh, nằm giữa hai lằn đạn và phải chịu khổ đau. Có những người chết ngay khi còn là bào thai hay sinh ra và phải mang trên mình hậu quả cho đến ngày chết. Theo tôi về mặt đạo lý bỏ rơi họ là điều không công bằng.”

Cho dù bộ phim của đạo diễn John Trịnh cũng như các phim tài liệu khác như Vietnam Lingering’s Ghost: Facing the Legacy of Agent Orange, Agent Orange – A Personal Requiem, The Friendship Village, Da Cam của Vũ Trần … gây được tiếng vang khắp thế giới kể cả trong chính quyền Mỹ thì câu hỏi cốt lõi được đặt ra và không có câu trả lời là với tình trạng ô nhiễm tệ hại ở Việt Nam từ nhiều năm nay và việc sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh cùng hóa chất độc hại trong công nghiệp chế biến hải sản và thực phẩm như chloramphenicol, formaldehyde, tetrodotoxin, kể cả hàn the … khiến nhiều lô hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị cơ quan FDA từ khước, thì có bằng chứng nào cho thấy nạn nhân Chất Da Cam bắt nguồn chính từ chất dioxin thời chiến tranh. Và cho đến nay chính phủ Hoa Kỳ vẫn khẳng định không có bằng chứng khoa học cụ thể nào chứng minh sự liên kết Chất Da Cam với những tác hại vào sức khỏe con người phát hiện ở Việt Nam.

Sự Kiện

  • Hơn 20 triệu gallons chất diệt cỏ được rải ở miền nam Việt Nam từ 1961 đến 1971, trong đó 12 triệu gallons là Chất Da Cam với mục đích khai quang các khu rừng rậm rạp và giải tỏa các vùng đất quanh các căn cứ quân sự.
  • Ngày 13 tháng Giêng 1962, ba chiếc vận tải cơ C-123 của Không Quân Hoa Kỳ rời Tân Sơn Nhứt khởi đầu chiến dịch khai quang Operation Hades (sau đổi thành Operation Ranch Hand)
  • Theo chính quyền Hà Nội, khoảng 4.8 triệu người Việt có tiếp xúc với Agent Orange, đưa đến 400,000 tử vong và tật nguyền, cùng nửa triệu trẻ sinh dị dạng.
  • Dioxin được xếp vào danh sách những chất gây ung thư nơi người, kể cả bệnh tiểu đường. Bộ Cựu Chiến Binh Mỹ coi một số bệnh khác như Chronic Lymphocytic Leukemia, Hodgkin’s disease, Multiple myeloma … cũng do tác nhân Da Cam.
  • Vấn đề Da Cam trở thành chính thức khi Tổng Thống Bush đến thăm Việt Nam 2006 và ký thông cáo chung trong đó ghi nhận sẽ hợp tác về việc giải quyết ảnh hưởng dài lâu về môi sinh và con người do tác nhân dioxin.
  • 2007 Tổng Thống Bush ký ban hành ngân sách chi tiêu chiến tranh trong đó có 3 triệu đô dùng cho chương trình tẩy rửa các “điểm nóng” và trợ giúp y tế.
  • Cựu quân nhân Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, kể cả Nam Hàn được công ty Dow Chemical, Monsanto và Diamond Shamrock bồi thường qua hòa giải ngoài tòa trong khi các đơn kiện từ phía Việt Nam đều bị bác vì theo tòa hóa chất được dùng để diệt cây cỏ chứ không chủ đích nhắm vào người do đó không vi phạm luật quốc tế về vũ khí hóa học.
  • Ngày 2 tháng Ba, 2009 Tòa Tối Cao Hoa Kỳ phán quyết chung thẩm không xét lại quyết định của tòa dưới.
  • 2000, tổ chức Ford Foundation thành lập chương trình Special Initiative on Agent Orange và cho đến đã đóng góp 11.5 triệu đô vào các dự án y tế, giáo dục, tẩy rửa giúp các nạn nhân ở Việt Nam.
  • 2007 thành lập nhóm đối thoại US-Vietnam Dialogue Group
  • Hoa Kỳ chuẩn chi 6 triệu đô trợ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả, hiện đã tháo khoán 1 triệu.
  • Sân bay Biên Hòa, Phù Cát và Đà Nẵng là những nơi nồng độ dioxin lên đến 1000 ppt.
  • Việt Nam chọn ngày 10 tháng Tám là Ngày Da Cam.

No comments:

Post a Comment