Thursday, May 5, 2011

An Lộc: Từ Địa Ngục Đến Anh Dũng

“Nếu có người Mỹ nào thật sự muốn biết liệu kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh có thành công, hay liệu những đồng minh của người Mỹ có xứng đáng với sự hy sinh của biết bao binh lính Mỹ và gia đình, thì “Hell in An Loc” sẽ dứt khoát trả lời câu hỏi đó…”
George J. Veith, tác giả cuốn “Code-Name Bright Light: The Untold Story of U.S. POW Rescue Efforts During the Vietnam War.”

Đức Hà


Từ căn hộ tại lầu ba một chung cư hiền hòa yên bình ở Fremont, người ở có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn những hàng cây với tàn lá đổi màu theo ngày tháng, mùa hè xanh biếc, sang thu chuyển vàng rồi rụng rơi trải thảm khắp mặt đường khi đông tới. Đó là một nơi tuyệt vời để nghỉ hưu và an hưởng tuổi già sau những ngày tháng vật vã với cuộc sống và quên đi dư âm vang vọng của đại bác, chiến xa, khói lửa chiến tranh. Nhưng người ở lại là một cựu tướng, một người từng cầm quân chỉ huy thế nên tâm hồn ông, trái tim ông, suy nghĩ của ông luôn khắc khoải về đất nước mà ông đã phải bỏ lại cách nay hơn 30 năm.

“Tuy gặp may mắn hơn nhiều người Việt tỵ nạn khác khi đến định cư tại Mỹ - kể cả những người ngang cấp bậc, nhưng tôi vẫn thấy buồn. Buồn vì mất nước và buồn vì nhiều người phải vướng vào lao tù, bao nhiêu gia đình ly tán,” cựu tướng Lâm Quang Thi chia xẻ trong một buổi chiều cuối thu lạnh giá.
Gần 80 tuổi, người ông vẫn thẳng đứng, dáng mảnh khảnh, giọng nói lớn sang sảng như khi còn chỉ huy Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I năm nào. Có thể chăng vì nỗi u sầu ẩn khuất đó, nên ít thấy ông cười, cho dù câu chuyện trao đổi đôi lúc cũng ra ngoài đề tài về địa ngục An Lộc.
“Trận An Lộc được xem là trận chiến lớn nhứt trong suốt cuộc chiến Việt Nam - mà Sir Robert Thompson, cố vấn đặc biệt của Tổng Thống Nixon từng mô tả là chiến thắng quân sự lớn nhứt của Thế Giới Tự Do chống lại Cộng Sản sau Thế Chiến II, thế mà chưa bao giờ được truyền thông Mỹ nhắc tới,” ông bày tỏ sự bực tức và khẳng định rằng nếu mất An Lộc năm 1972 thì chỉ 24 tiếng đồng hồ sau quân Bắc Việt - dùng An Lộc làm bàn đạp, sẽ tiến thẳng vào Sài Gòn mà không gặp sức kháng cự nào đáng kể nữa.

Nếu chiến thắng An Lộc giúp miền Nam đứng vững thêm được ba năm nữa nhưng cũng là tiền đề cho sự xụp đổ hoàn toàn của Cộng Sản vài năm sau đó, theo lời tác giả Lâm Quang Thi. Ông giải thích:

“Đó là điều mà ít người nhận thấy. Họ (truyền thông Mỹ) chỉ đề cao những chiến thắng của người Mỹ, và sự thật về An Lộc chưa bao giờ được nhắc đến cho đến ngày hôm nay, trong cuốn sách này.”
Những trăn trở đó đã khiến vị tướng quê Bạc Liêu không tiếc thời gian, bỏ công sức hơn bốn năm dài để nghiên cứu thu thập tài liệu, sử liệu, phỏng vấn những chỉ huy mặt trận còn sống sót, tiếp xúc những quân nhân tham dự trận đánh, so sánh các tài liệu của hai phía Việt và Mỹ, kể cả tranh luận với các tác giả Mỹ để hoàn thành cuốn “Hell in An Loc: The 1972 Easter Invasion and the Battle That Saved South Viet Nam.”
Khi góp ý rằng hồi ký chiến tranh của người Việt xuất bản rất nhiều, phần lớn thổi phồng cá nhân, tài liệu dựa vào trí nhớ hay viết nhằm mục đích riêng tư nào đó nên người đọc đôi khi cảm thấy chán ngán và nghi ngờ thì cuốn Hell in An Lộc được tác giả nhấn mạnh là hoàn toàn trung thực. Ông nói:
“Năm 1972 tôi làm Tư Lệnh tại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương điều động ba sư đoàn Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn 1 Bộ Binh trấn giữ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên ở phía bắc và không liên quan gì đến chiến sự tại Vùng III nơi diễn ra trận chiến An Lộc. Thế nên tôi tin rằng có cái nhìn chính xác hơn, khách quan hơn và chủ yếu không phải phóng đại hay tâng bốc bất cứ ai.”
Ông cho biết thêm rằng khi nhà xuất bản University of North Texas Press bằng lòng cho in, sau khi hội đồng biên tập tranh luận về tính xác thực của các tài liệu, các chứng cứ ghi trong bản thảo và chấp nhận những phản bác có giá trị của ông đưa ra, thì đó là một thắng lợi nữa của An Lộc, tuy hơn muộn màng.
“Tôi không tin rằng đưa cuốn sách này ra vào thời điểm bây giờ là quá muộn cho dù câu chuyện xảy ra từ 1972; thêm vào đó sự thật về cuộc chiến An Lộc - mà tất cả người dân miền Nam đều biết dưới tên gọi Bình Long Anh Dũng trong Mùa Hè Đỏ Lửa, chưa bao giờ được nói tới.”
Tướng Thi cho hay mục đích của sách không ngoài việc cho thế hệ đi sau biết bậc cha ông đã chiến đấu dũng cảm vượt bực trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam, đồng thời cũng không quên nhắc đến vai trò thiết yếu của cố vấn Mỹ và sự yểm trợ hỏa lực tối đa của không quân và lục quân Mỹ cho An Lộc. Ông nói rằng từ cuốn sách này cộng đồng thế giới, các trường đại học, giới quân sự, các học giả có thêm một tài liệu tham khảo và biết thêm là quân dân Miền Nam đã bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước như thế nào – trái với những tuyên truyền sai lệch và ác ý trước đây.

Tác giả cuốn “A Sense of Duty: My Father, My American Journey,” Quang X. Phạm, một cựu phi công Thủy Quân Lục Chiến Mỹ nhận xét: “Cuốn sách thứ hai đáng lẽ phải được viết từ lâu của Tướng Lâm Quang Thi đã cung cấp một góc độ nhìn thiếu sót hết sức quan trọng từ phía những người bạn đồng minh Mỹ trên chiến trường Nam Việt Nam. Có thể quan trọng hơn nữa, công trình nghiên cứu của ông đã thu thập được những tài liệu về những nỗ lực dũng cảm của quân lực Nam Việt Nam trong trận chiến quy mô nhứt, không hề được truyền thông Mỹ, quân đội Mỹ và điện ảnh Mỹ quan tâm nhắc nhở. Những cố vấn Mỹ hiện nay và những nhà lãnh đạo quân đội Iraq đang hình thành có thể học hỏi được nhiều từ cuốn sách này trong sứ mạng cùng nhau đánh một mặt trận.”
Vì thế nên khi đến thị sát An Lộc ngày 7 tháng Bẩy, 1972 Tổng Thống Thiệu đã phát biểu: “Chiến thắng Bình Long không chỉ là chiến thắng của Nam Việt Nam chống Cộng Sản Bắc Việt, chiến thắng Bình Long còn là chiến thắng của Thế Giới Tự Do đối với thuyết chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng thế giới của Cộng Sản.”
Vậy thì tại sao thắng lợi đó không được truyền thông Mỹ đề cao?

Phản Chiến
Giải thích về sự thờ ơ của truyền thông Mỹ, ông Thi cho hay năm 1972 khi Mỹ bắt đầu thi hành kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, báo chí chỉ nhắm chỉ trích sự yếu kém, nhu nhược và tham nhũng của quân lực VNCH, thậm chí viết cả sách bôi nhọ chưa kể là lúc đó họ có xu hướng phản chiến và thiên tả.
Tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật. Với mức thiệt hại hơn 10,000 quân địch thuộc ba Công Trường 5, 7, và 9 trang bị hiện đại với chiến xa hạng nặng và không đầy 2,300 tử vong, 8,500 bị thương bên tử thủ, phía VNCH đã phải đối đầu với một lực lượng đông gấp ba lần và vẫn chiến thắng. Và mọi người vẫn còn nhớ câu chuyện về quân trú đóng An Lộc phải tìm cách hạ tăng địch bằng khẩu phóng lựu M-72 khiêm nhường.
Tướng Thi tin rằng nếu sự yểm trợ quân sự của đồng minh vẫn tiếp tục thì ngày 30 tháng Tư, 1975 không chắc đã xảy ra.
“Tiếc rằng người Mỹ không đủ kiên nhẫn để tham gia một trận chiến trường kỳ và cũng không dám đánh thẳng ra Bắc. Lúc đó người Mỹ có một sứ mạng rõ rệt là chận đứng đà bành trướng của Cộng Sản nhưng lại không có một chiến lược rõ ràng khi tham chiến tại Việt Nam, và đó là điều đưa đến thất bại.”
Tuy vậy vẫn theo lời tác giả Lâm Quang Thi sự kiện Nam Việt Nam mất là cơ hội để các nước láng giềng như Thái-Lan, Indonesia, Malaysia … không bị Cộng Sản hóa và tiếp tục tồn tại trong tự do.
Chuyển lời đến người Mỹ, người viết hai đầu sách về chiến tranh Việt Nam, ông George J. Veith gợi ý rằng “nếu có người Mỹ nào thật sự muốn biết liệu kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh có thành công, hay liệu những đồng minh của người Mỹ có xứng đáng với sự hy sinh của biết bao binh lính Mỹ và gia đình, thì “Hell in An Loc” sẽ dứt khoát trả lời câu hỏi đó…”

Và bên cạnh câu chuyện về viết sách, dịch sang tiếng Việt, bán sách gởi tiền giúp các cựu quân nhân thiếu thốn còn ở quê nhà, ông còn chia xẻ về niềm vui chăm sóc đưa đón ba cháu nội trai chỉ ở cách đó mươi phút. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó mới thấy gương mặt ông bớt đăm chiêu nghiêm nghị. Thế nhưng hạnh phúc hiện tại dường không thể đè lên nỗi bứt rứt của người quân nhân buộc lòng phải thua trận mất nước, vẫn sống bằng hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn cho quê hương. Sau cùng khi hỏi về một nước Việt mai sau sẽ biến chuyển như thế nào. Ông nói rằng nước Việt phải là một - đương nhiên rồi, nhưng phải thống nhứt dưới một thể chế dân chủ tự do và điều đó chưa hẳn là không thể xảy ra:
“Với tôi, cuộc chiến Việt Nam chưa hề kết thúc, mà đang diễn ra dưới một hình thức khác,” ông cả quyết.

No comments:

Post a Comment