Saturday, May 28, 2011

VNHELP 20 NĂM: Làm Từ Thiện Với Tấm Lòng

Đức Hà

Khởi đầu với những đóng góp của cá nhân, bạn bè chung trường UC Berkeley hay cùng ngành nghề, họ đã ngồi lại với nhau để chia sẻ phần nào nỗi khó khăn với người thân ở trong nước trong cùng một tấm lòng, một hoài bão. Lá lành đùm lá rách, tổ chức VNHelp thành hình trong bối cảnh đó. Thật vậy, khi những người Việt định cư tại Mỹ, có công ăn việc làm ổn cố nhìn lại người thân còn ở quê nhà thì giang rộng cánh tay tương thân tương trợ là một trách nhiệm, nếu không nói là một bổn phận. Từ giúp đỡ bà con thân thuộc, cánh tay từ thiện đã vươn ra khỏi giới hạn ban đầu để đến với mọi thành phần kém may mắn cần được giúp đỡ. Trong cùng lúc VNHelp cũng mở rộng củng cố tổ chức, đón nhận hội viên và thiện nguyện viên thuộc mọi thành phần cùng ý hướng nhân đạo. Thấm thoát 20 năm trôi qua, VNHelp (viết tắt của Vietnam Health, Education and Literature Projects) phát triển ngày một rộng lớn hơn, quy mô hơn với những thành quả tốt đẹp hơn. Từ văn hóa, giáo dục, xã hội, đến y tế công cộng, gia cư … VNHelp đã giúp mở cảnh cửa hy vọng và tương lai cho hàng ngàn người Việt khi mà số phận và hoàn cảnh tưởng đâu đã cột chặt họ với nghèo khó và hẩm hiu. Trên tinh thần đó, VNHelp đánh dấu 20 năm hoạt động với chủ đề “The Power of Giving,” tổ chức thứ Bảy vừa qua tại San José.
Theo ông Đỗ Nguyên Thắng, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị VNHelp, một món tiền từ thiện nhỏ có thể giúp đảo ngược cuộc sống của nhiều người, để sau đó lại làm đổi đời nhiều người khác:
“Chúng tôi hãnh diện khẳng định rằng một đô-la đóng góp cho VNHelp sẽ - không những về tận tay người nhận ở Việt Nam, mà còn nhân rộng thành những lợi ích giá trị gấp 10, 20 lần nhiều hơn. Vì thế thông điệp của ngày kỷ niệm hôm này là The Power of Giving.”
VNHelp cũng như nhiều tổ chức từ thiện khác đã hoạt động trên mô hình vận động sự đóng góp ở hải ngoại để gởi về giúp quê nhà.

Hải Ngọai Giúp Trong Nước

VNHelp - hiện có trụ sở tại Milpitas, không phải là tổ chức duy nhất tại Hoa Kỳ có những hoạt động hướng về người dân khốn khó và thiếu thốn ở trong nước qua các dự án nhân đạo mà từ nhiều năm qua người ta đã thấy những tấm lòng vàng của cả người Mỹ lẫn Việt nhiều lần đến với nhân dân Việt Nam. Các hội ái hữu đồng hương, các tổ chức như Hội Cứu Trợ Trẻ Em Không Cha Mẹ - ACWP, Friends of Hue Foundation, Vòng Tay Thái Bình - Pacific Links, East Meets West, SAP-VN ở Nam Cali, Project Vietnam Foundation hay Vietnam Medical Project của nhóm bác sĩ Mỹ đều đã đóng góp cả công sức lẫn tài chính vào công tác cứu trợ bên cạnh các tổ chức quốc tế lớn như Hội Bác Sĩ Không Biên Giới, Hội Hồng Thập Tự, UNICEF của Liên Hiệp Quốc. Thêm vào đó còn phải kể đến các tổ chức từ thiện của nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những nỗ lực giúp đỡ nạn nhân được cho là hậu quả của hóa chất Da Cam từ nam đến bắc Việt Nam.
Tuy nhiên việc quyên góp tại hải ngoại nhất là trong cộng đồng Việt không khỏi tạo ra những hoài nghi, kể cả chống đối – ít ra là trong quá khứ. Nhiều cá nhân và tổ chức đấu tranh người Việt vẫn có chủ trương chỉ khi nào chế độ cầm quyền sụp đổ hoàn toàn mới có những hành động tích cực đối với quê nhà cho dù hàng năm người Việt tại hải ngoại chuyển về nước đến hàng tỉ đô-la kiều hối dưới dạng quà biếu cho thân nhân và du lịch thăm quê mẹ.

VNHelp cũng không ra ngoại lệ. Hai buổi gây quỹ đầu tiên của VNHelp năm 1994 với nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn đã được cộng đồng Bắc và Nam Cali hết lòng ủng hộ. Và kể từ đó hội đều có buổi văn nghệ có tên “Mùa Thu Cho Em” diễn ra vào tháng Mười Một hàng năm. Tuy nhiên đêm văn nghệ gây quỹ với các ca sĩ trong nước tổ chức tại nhà hát Santa Clara Convention Center năm 2002 lại là điểm nhạy cảm đối với cộng đồng Việt Vùng Bay và bị phản ứng của một số hội đoàn cực đoan. Nhưng điều đó không gây khó khăn lắm cho khán giả trước nay vẫn ủng hộ cho VNHelp.
“Rất may cho chúng tôi là năm nào cũng bán hết vé, có năm lại không đủ để bán cho người ủng hộ,” bà Đỗ Anh Thư, chủ tịch kiêm giám đốc chấp hành cho biết.

Thành Quả

Lòng hảo tâm của hải ngoại đã giúp VNHelp thực hiện các dự án lớn và nhỏ, từ xây dựng sữa chữa và tân trang 36 ngôi trường, bệnh xá, thư viện, tặng 3,500 xe lăn, giải phẫu mắt miễn phí cho 2,000 bệnh nhân, cấp 4,000 phần học bổng cho học sinh xuất sắc thiếu điều kiện tài chính, khám bệnh phát thuốc cho 270 ngàn bệnh nhân nghèo, cung cấp nước sạch cho hàng ngàn hộ dân, đồng thời cũng phân phối trên nửa triệu phần ăn.
Về mối quan hệ với chính quyền địa phương nơi VNHelp có các dự án, bà Thư cho biết: “VNHelp được sự tiếp tay rất tích cực của chính quyền địa phương và của các thành viên VNHelp ở trong nước nên các công tác từ việc cấp học bổng cho sinh viên nghèo và hiếu học, xây dựng trường sở mới, trợ giúp trẻ em đường phố, thiết lập các phòng đọc sách hay tổ chức các buổi khám bệnh phát thuốc miễn phí đều không gặp trở ngại nào.”
Ông Đỗ Nguyên Thắng, ủng hộ hoạt động của VNHelp từ nhiều năm trước khi được giao phó chức vụ chủ tịch Hội Đồng Quản Trị năm 2009 nói rằng những bức thư cám ơn của người thụ hưởng ở trong nước là một động viên lớn lao cho VNHelp. Ông kể:
“Mới đây chúng tôi nhận được thư của một thanh niên 27 tuổi. Thanh niên này là một trong những sinh viên được nhận học bổng của VNHelp, và món quà đó đã giúp anh bước vào đại học, điều mà anh không thể mơ được do hoàn cảnh kinh tế gia đình thiếu thốn. Học bổng đã mở cánh cửa cho anh tiếp tục lên bậc đại học để sau khi tốt nghiệp được tuyển vào làm kế toán cho một công ty tư vấn nước ngoài. May mắn hơn nữa, công ty này lại đóng vai trò then chốt trong các dự án phát triển và mở mang quê Bình Dương của anh.”
Bên cạnh các dự án cứu trợ ngắn hạn như cứu trợ thiên tai lũ lụt, ông Thắng - nhà tài trợ “Bạc” của đêm liên hoan, cho hay chương trình học bổng mang lại hiệu quả lâu dài và chứng minh cho thấy có thể làm thay đổi hẳn cuộc đời của những người hằng tưởng rằng sẽ không bao giờ thoát khỏi cái khó.
Nhìn về tương lai, ông bày tỏ sự lạc quan:
“Tôi tin chắc rằng VNHelp đủ điều kiện và đủ vững chãi để phát triển nhiều hơn nữa mang lại niềm hy vọng cho biết bao nhiêu người dân trong nước.”
Bà Đỗ Anh Thư cho biết tổng số ngân khoản khách mời tự nguyện đóng góp trong đêm liên hoan “The Power of Giving” được trên 40 ngàn đô-la trong khi mục đích ban đầu của ban tổ chức chỉ để đánh dấu 20 năm hoạt động.

Thursday, May 26, 2011

Ối Giời Ơi! Tận Thế Rồi!


Ngọc Thụy

Thứ Bảy 21 tháng Năm, đến rồi đi. Tận thế chẳng thấy đâu. Người người, nhà nhà vẫn sống tốt - thường được gọi là sống nhăn răng. Thật ra thì có ối người mất nhà mất của và … chết. Không phải vì tận thế mà vì hậu quả của việc tin … nhảm.
Nguyên nhân chính phát xuất từ lão ông Harold Camping, 89 tuổi, cư dân ở ngay Oakland. Chẳng là sau khi nghiên cứu Thánh Kinh, lão ông khẳng định, đoan chắc, và quyết đoán rằng thứ Bảy 21 tháng Năm là ngày tận cùng của thế giới - Ngày Phán Quyết, theo đó Chúa Giê-Su sẽ trở lại trần thế và những người thiện tâm sẽ bay lên thiên đàng, chỉ để lại quần và áo. Kế đó là năm tháng khói lửa tang thương, dịch bệnh hoành hành, hàng triệu triệu người chết mỗi ngày, xác chết la liệt chất thành núi khắp mọi nơi mọi chốn. Sau cùng ngày 21 tháng Mười, theo sách Sách Khải Huyền thế giới tự hủy như giếng không đáy, hệt như biển lửa để sau rốt một địa cầu mới thành hình.
Nguời mới, việc mới, địa cầu mới.
Tuy nhiên như mọi người (cả thế giới) đều thấy là con số 21 trên lịch đến và nhảy tiếp lên 22, 23 … mà chẳng có chuyện gì kinh thiên động địa ngoài vụ núi lửa ở Iceland phun tro trở lại phía Châu Âu.
Theo dự kiến vào đúng 6 giờ chiều - giờ miền Đông Mỹ, nước New Zealand sẽ động đất khủng và cứ thế theo múi giờ chuyển sang từng vùng để sau cùng chỉ còn khoảng từ 2 đến 3% dân số thế giới. Nhóm nhỏ cực hên này sẽ bay vút về nước Trời, hệt như Noah trong chương 6-9 của sách Genesis kể rằng đã cứu một số nhỏ gồm gia đình, thân nhân và muôn thú bằng cách đưa tất cả lên thuyền thoát nạn đại hồng thủy.

Harold Egbert Camping, tốt nghiệp kỹ sư ngành xây dựng đại học UC Berkeley. Cả gia đình ông đều là tín đồ của đạo Cơ Đốc Cải Cách trước khi chuyển sang giáo hội Tin Lành Trưởng Lão Bảo Thủ (conservative-Christian Presbyterian) và tự phong chức mục sư. Ông chưa trải qua khóa đào tạo nào về tôn giáo tâm linh và cũng chưa được chính thức giáo hội nào phong chức. Ông không hề biết tiếng Hebrew (Do Thái cổ), tiếng Hy Lạp hay thổ ngữ Aramaic để nghiên cứu các pho kinh kệ cổ xưa. Ông điều hành đài phát thanh Family Radio với một hệ thống tiếp vận rộng lớn tại 150 thị trường khắp nước Mỹ kể cả sóng ngắn phát toàn thế giới và mạng internet toàn cầu. Ông được nhiều người biết tiếng do những lời tiên tri … sai. Thật ra ông không phán mò mà dựa trên mối liên hệ giữa những con số từ Thánh Kinh và những sự kiện có thật để đưa ra lời tiên đoán vận mệnh của địa cầu. Trong quá khứ ông từng chắc như bắp ngày Rapture - tức ngày mọi người Cơ Đốc đều lên cõi Thiên Đàng, rơi vào 21 tháng Năm 1988, rồi dời sang ngày 7 tháng Chín, 1994 và mới đây nhứt là 21 vừa qua. Ông cho biết động đất, thiên tai liên tục khắp thế giới hồi gần đây và chuyện tạo quyền bình đẳng cho người đồng tính, nước Israel thành hình … là những tín hiệu báo trước của Thượng Đế về ngày tận cùng. Đó là sự trừng phạt của Chúa do sự suy đồi đạo đức, thoái hóa biến chất của loài người.
Trong buổi phát hình phát thanh cuối cùng của chương trình “Open Forum” tối thứ Năm 19, ông Camping dùng toàn thời gian để trả lời các câu hỏi của khán thính giả gọi vào chia xẻ tâm tư tình cảm trước khi cùng nhau dìu dắt giã biệt cõi trần. Gần cuối chương trình ông gởi lời chào vĩnh biệt đến tất cả khán giả thân thương đã ưu ái theo dõi chương trình. Ông đến bắt tay với nhóm chuyên viên thâu hình trong studio nói rằng “Chắc qua không còn gặp lại các chú nữa đâu. Qua sẽ không còn ở đây nữa!”

Hai lần trước, truyền thông chẳng mấy quan tâm, ngoại trừ những thính giả của Family Radio KEAR AM-610 kHz. Lần vừa rồi truyền thông dòng chính vào cuộc cùng với sự tiếp tay tiếp sức của mạng internet toàn cầu, thông tin về ngày tận thế lan rộng khắp thế gian. Thậm chí ông Camping còn chi 100 triệu đô (một trăm triệu) bao gồm cả tiền của bá tánh đóng góp, để quảng bá cho mọi người biết về ngày 21 tháng Năm. Bảng quảng báo, tờ bướm, truyền đơn, pa-nô được thấy khắp nơi với hàng chữ “The Bibble Guarantees It: Judgment Day May 21 – Thánh Kinh đảm bảo Ngày Tận Thế: 21 tháng Năm.”
Theo tiên đoán, ngày 21 chỉ là ngày khởi đầu của tận cùng số, ngày kết thúc sẽ là 21 tháng Mười khi địa cầu bị xóa tên khỏi sổ hộ khẩu của Thượng Đế.
Thế rồi đúng vào ngày 21, hệ thống phát thanh của Family Radio tắt điện tắt đài im tiếng nói hối hả đợi giây phút thiêng liêng để lên … cõi trên. Toàn thể nhân viên được cho nghỉ có lương. Tin cho biết nhà của lão ông ở Alameda kéo rèm, đóng cửa lặng thinh, trong khi dàn phóng viên truyền hình truyền thanh, báo viết, báo điện tử xếp hàng xếp lớp ngoài cửa đợi tiếng nói giải thích của ông. Phải đến ngày hôm sau 22, ông Camping bằng xương bằng thịt mới xuất hành lộ diện và phát ngôn với nhóm nhà báo rằng ông “rất đỗi ngạc nhiên (sững sờ)” vì rằng chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Ông nói thêm đang nghiên cứu xem “tại sao lại như thế” để tìm ra câu trả lời chính xác và sẽ có thông tin cụ thể sau. Chỉ có điều những khoản tài chánh đóng góp của các tín đồ cho chiến dịch quảng bá ngày 21, sẽ không được hoàn lại, bởi vì “chúng ta chưa đến trạm cuối, tại sao lại phải hoàn trả,” ông nói vậy. Quí đạo hữu thông cảm vậy nha. Nhiều tay chơi lại thắc mắc con số 21, tức một Tây một xì lác là thắng lớn, tại sao lại xù. Nếu không lầm thì chỉ có đại đại gia DSK ở New York thật sự muốn thế giới tàn lụi để thoát cảnh tù tội và sự ô nhục.

Nhưng chuyện không giản đơn như vầy. Hệ lụy của lời quyết đoán khá tai hại. Tin tức báo chí cho hay một phụ nữ Cali, sau khi nghe và cả tin vào ngày Phán Xét, e sợ hai cô con gái sẽ đau đớn cùng cực khi tận thế đến đã buộc hai người con 11 và 14 tuổi nằm dài trên giường và dùng dao mở thùng toan tính cắt cổ và sau đó tự sát. Rất may cảnh sát can thiệp kịp thời và cả ba vẫn còn nguyên. Người mẹ được mời về đồn cảnh sát làm việc. Một đàn ông Đài Loan hãi sợ ngày cuối đã nhảy lầu tự sát sớm sủa từ ngày 5 và lẽ dĩ nhiên phải lìa cõi đời ô trọc này. Tin cho biết còn nhiều vụ tự sát tương tự diễn ra khắp thế giới – nghĩ rằng đi sớm lên “đó” sớm. Có thể họ sợ đi sau hết chỗ tốt, giống như tại nhà nghỉ thiên thu Oak Hill hay Westminster Memorial Park vậy, càng đi trễ càng phải vô sâu.
Chỉ có điều tổ chức tôn giáo của ông Camping bị mất uy tín và Wikipedia cho hay các nhóm Cơ Đốc dòng chính tìm cách tránh xa.

Sai Thì Sửa

Sau cùng thì cũng như các vụ phóng phi thuyền con thoi phải dời đi dời lại chờ thời tiết nắng ráo trời trong xanh, Ngày Tận Thế cũng được dời đến ngày lành tháng tốt trong tương lai gần và được ông Camping ấn định lại là 21 tháng Mười, 2011 - dù nắng hay mưa. Tính ra còn đúng năm tháng phù du.
Cũng nên biết thêm là trong gia đình ông chỉ có đúng bà vợ Shirley Camping - ở với ông từ 1943 tin vào lời sấm, còn sáu người con hiện còn sống, 28 cháu và 38 chít đều một lời “em chả.”

Friday, May 20, 2011

Mùa Xuân và Tình Yêu

Nguyễn Tuấn
Vào đầu thập niên 60’, tôi ở lứa tuổi mười tám đôi muơi và mới bước vào ngưỡng cửa đại học. Thanh niên ở lứa tuổi này có lẽ ai cũng mơ mộng, hăng say và để ý đến cô này cô nọ ... Tôi cũng vậy!

Năm đó tôi quen  một nữ sinh mang tên của một loài chim và đang theo học ngành sư phạm.  Cô ấy  đẹp, tóc dài, dáng nghiêm trang và được bạn bè cho rằng khá khó tính.  Tôi muốn kết thân và thăm dò tình cảm của cô ấy nhưng chưa biết phải làm sao. Thế rồi Tết đến. Tôi quyết định đến thăm nàng vào dịp Tết này. Tôi chọn ngày Tết vì nghĩ rằng dù cô ấy khó tính chắc cũng không đến nỗi khước từ một nguời bạn dù là sơ giao đến thăm vào dịp Tết.
Và ... tôi đã đến. Hôm ấy nàng đẹp lộng lẫy, tiếp tôi một cách lịch sự không ngờ và lại còn tặng tôi món mứt do cô ấy tự làm. Khi về, tôi như đi trên mây và lâng lâng như người say rượu. Nàng có cảm tình với mình chăng? Tình yêu đến rồi chăng?  Những ý tưởng ấy cứ luẩn quẩn trong đầu và rồi thốt ra thành lời. Tôi lẩm bẩm:

Tình yêu một khi đến trong cuộc đời
Là ta chìm trong đắm đuối chơi vơi”
Tôi nghe thấy êm tai nên lấy cây đàn mandoline ra đàn thử và ghi thành nốt nhạc.  Sau đó lấy guitar ra vừa hát vừa đệm đàn. Tôi chợt nảy ra ý tưởng tại sao không làm một bản nhạc để tặng nàng. Nếu làm được chắc thể nào nàng cũng có cảm tình đặc biệt với mình. Tôi cố nhớ lại nhũng bài học về nhạc lý được học với vị thầy khả kính là nhạc sĩ Chung Quân trong suốt bốn năm tại trường trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn để xem có thể viết tiếp được không. Và rồi thêm được hai câu nữa:

Tình yêu là dòng sữa mẹ hiền
Là ngọn gió diệu huyền, cuốn đi mây sầu vương.”
Viết được đên đây thì . tắc! Tôi bèn lấy một lô các bản nhạc nổi tiếng hồi đó xem các nhạc sĩ viết khúc giữa ra sao. Tôi tưởng tượng ra sự ngạc nhiên và thán phục của nàng khi được tặng bản nhạc, rồi tôi sẻ rủ được nàng đi xem xi-nê! Cứ tưởng tượng liên tục như thế, tôi viết xong bàn nhạc lúc nào không hay!  Bài nhạc kết thúc bằng câu:

Gặp nhau mà lòng đắm đắm say, mà lòng ngất ngất ngây
Tình yêu đến từ đây…”
Sau khi đàn đi hát lại nhiều lần và sửa chữa tới lui, tôi đặt tựa đề cho bài nhạc là “Mùa xuân và tình yêu”.  Tôi viết lại bản nhạc cho thật đẹp. rồi ...đem đi tặng nàng.  
Những gì tôi tưởng tượng khi viết bài nhạc đã trở thành hiện thực! 

Nghe Mùa Xuân & Tình Yêu tại ĐÂY

Monday, May 16, 2011

Cuộc Chiến Không Có Kẻ Thắng

Đức Hà

BOSTON - Nếu có sự xung khắc quan điểm về chiến tranh giữa các thế hệ người Việt – hoặc là quên quá khứ và hướng về tương lai hay tiếp tục nung nấu hận thù, thì Trịnh Long Hoàng là một thí dụ điển hình. Anh chọn con đường hòa giải, hòa giải với chính mình cho dù không quên quá khứ. Và nếu có sự khác biệt trong góc độ nhìn của lớp trẻ trưởng thành tại Mỹ, thì Trịnh Long Hoàng cũng lại là mẫu người đặc biệt. Trong khi các đạo diễn trẻ chọn các cốt truyện xã hội, tình cảm ướt át dễ thu hút khán giả để làm phim thì ngược lại John Trịnh, tên thường gọi của Trịnh Long Hoàng, chọn một đề tài nhạy cảm, gây nhiều tranh luận. Bộ phim đầu tay của anh mang tên “Agent Orange: 30 Years Later – Chất Da Cam: 30 Năm Sau.”
“Nếu muốn thay đổi thì trước hết mình phải thay đổi,” John Trịnh chia xẻ khi tham gia buổi tham luận về đề tài Chất Da Cam tại đại hội thường niên các nhà báo Mỹ gốc Á AAJA tại Boston mới đây.
Sự thay đổi của John là cả một cố gắng đấu tranh với chính bản thân khi anh tự xóa bỏ lời thề nguyện hận thù khi ra khỏi Việt Nam trước đó gần 20 năm là không bao giờ về lại với đất nước mà anh và gia đình phải lầm than cơ cực và bị gò bó về tinh thần dưới chế độ chính trị bao cấp của nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng vào năm 2006 John Trịnh quyết định về lại quê mẹ để chứng kiến tận mắt điều được gọi là mở cửa và cởi trói. Rồi từ bước trở về lần đầu chỉ để thăm thú quan sát đã đưa đẩy anh trở về nhiều lần để làm bộ phim tài liệu về một hóa chất khai quang chứa trong thùng có kẻ vạch màu cam, mà cho đến nay vẫn ẩn hiện như một bóng ma đè nặng lên mối quan hệ Việt – Mỹ.

Đến Mỹ năm 1987 trong chương trình đoàn tụ gia đình, John Trịnh, năm nay 53 tuổi, chỉ muốn trau giồi học vấn và tạo một sự nghiệp. Vốn ưa thích về nghệ thuật, anh ghi tên theo học trường Art Institute ở Houston rồi được học bổng của trường nổi tiếng Art Center College of Design ở Pasadena. Tuy chủ yếu nhắm vào ngành hội họa anh cũng lấy thêm một số lớp về lý thuyết và lịch sử điện ảnh cho dù không có ý định làm phim. Tuy nhiên trong khi du lịch Việt Nam thì xảy ra vụ kiện của các nạn nhân Chất Da Cam Việt Nam bị tòa Mỹ bác đã khiến John Trịnh chú ý.
“Khi trở lại Việt Nam sau gần 20 năm thì dấu vết chiến tranh không còn, hố bom, vết đạn, cầu xập, nhà cửa hoang tàn hầu như không còn thấy tại các thành phố lớn. Nhưng tin tức về vụ kiện làm tôi suy nghĩ và tìm hiểu thêm để thấy rằng hậu quả của chiến tranh vẫn còn đó như một vết hằn đậm sâu vào con người. Vì vậy tôi quyết định thực hiện một bộ phim tài liệu để nói lên sự tàn ác lâu dài của chiến tranh.”
Anh tâm sự rằng trong chiến tranh, nhiều người có nghe nói về thuốc khai quang diệt cỏ nhưng không thể biết và cũng không thể lường được tác hại kinh hoàng và dài lâu của loại hóa chất đó.
“Xem hình ảnh của các nạn nhân, từ dị dạng, khuyết tật đến thai nhi bất bình thường … tôi nghĩ rằng bất cứ ai, bất cứ người Việt nào sống trong vùng bị rải thuốc đều có thể bị nhiễm độc, kể cả bản thân tôi.”
Anh cho biết ngay cả quân đội Mỹ khi sử dụng Chất Da Cam cũng chỉ nghĩ rằng thuốc sẽ làm rụng lá - vì vậy đã rải thuốc với nồng độ từ sáu đến 25 nhiều lần hơn chỉ định của nhà sản xuất, và không ước lượng được những ảnh hưởng kéo dài sau này.
“Không biết nhưng vẫn cứ dùng cho dù  đã có những báo cáo của Không Quân Mỹ gửi cho Quốc Hội từ năm 1967 về ảnh hưởng nguy hại của Chất Da Cam đối với sức khỏe con người, tôi nghĩ như vậy là quá tàn ác,” anh nói.
Thật ra thì khi nói đến chiến tranh từ cổ chí kim người ta không thể tránh tàn ác và bạo lực. Vấn đề là tàn ác ở mức độ nào. Đại chiến II, kết thúc bằng hai bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, làm thiệt mạng tổng cộng hơn 70 triệu người. Hóa chất độc chlorine, mustard gas và phosgene sử dụng trong đại chiến I. Chiến tranh diệt chủng ở Kampuchia, Châu Phi, Bosnia … Tất cả đều áp dụng một trong ba nguyên tắc chiến lược được Clausewitz vạch ra từ bao đời nay: dùng toàn bộ lực lượng với khả năng hủy diệt tối đa nhằm chiến thắng và tiêu hao địch quân.
Nhưng với John Trịnh, mục đích khi làm bộ phim “Agent Orange: 30 Years Later,” hay còn gọi là “Cuộc Chiến Không Có Kẻ Thắng” chỉ nhằm nhắc nhở người xem về tác hại của chất dioxin vào môi sinh và con người. Bộ phim nhấn mạnh đến sự cần thiết của lòng trắc ẩn và yếu tố trách nhiệm trong hành động của con người đối với đồng loại bất kể quan điểm dị biệt về chính trị.

Thực Hiện

Nếu khởi đầu làm phim với một mục tiêu tốt nhằm đề cao công bằng và bác ái, John Trịnh gặp đủ mọi khó khăn từ tài chính đến sự hậu thuẫn. Anh nói:
“Khi nghe tôi trình bày về dự án làm phim thì ngay cả trong gia đình cũng đã không bằng lòng, nói chi đến các tổ chức cộng đồng hay cơ quan thiện nguyện. Ngoài một người chị đóng góp $500, tôi hoàn toàn phải tự lo về chí phí và kỹ thuật từ nghiên cứu, viết kịch bản, sản xuất đến thực hiện và quảng bá.”
Thêm vào đó, khi bắt tay vào việc thực hiện tức phải đến các bệnh viện phỏng vấn nạn nhân từ nam ra bắc kể cả các giới chức liên hệ, John Trịnh đều gặp sự nghi ngại từ phía chính quyền trong nước.
“Mình nghi ngờ họ thì họ cũng chẳng tin mình, nhưng hiện nay họ sử dụng phim của tôi nhiều lần nhân “Ngày Da Cam” 10 tháng Tám vừa qua.”
Vừa làm, vừa tìm tài liệu và vừa phải tự kiếm cơm nuôi thân, nên phải mất ba năm sau phim mới hoàn thành. Nhưng công khó của anh đã được đền bù với nhiều giải thưởng từ các liên hoan điện ảnh quốc tế ở Houston lần thứ 42, liên hoan điện ảnh và video quốc tế New York tổ chức ở Los Angeles, và được chọn trình chiếu tại các liên hoan điện ảnh ở Pasadena, Philadelphia, Missouri, Kansas, New Zealand…
Điều tương đắc nhất với John Trịnh là thực hiện được hoài bão và có dịp đi khắp đất Việt gặp gỡ người dân lành chất phác mà theo anh rất đáng thương và cần được giúp đỡ không bị chính trị chi phối.
“Họ vô tình vướng vào chiến tranh, nằm giữa hai lằn đạn và phải chịu khổ đau. Có những người chết ngay khi còn là bào thai hay sinh ra và phải mang trên mình hậu quả cho đến ngày chết. Theo tôi về mặt đạo lý bỏ rơi họ là điều không công bằng.”

Cho dù bộ phim của đạo diễn John Trịnh cũng như các phim tài liệu khác như Vietnam Lingering’s Ghost: Facing the Legacy of Agent Orange, Agent Orange – A Personal Requiem, The Friendship Village, Da Cam của Vũ Trần … gây được tiếng vang khắp thế giới kể cả trong chính quyền Mỹ thì câu hỏi cốt lõi được đặt ra và không có câu trả lời là với tình trạng ô nhiễm tệ hại ở Việt Nam từ nhiều năm nay và việc sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh cùng hóa chất độc hại trong công nghiệp chế biến hải sản và thực phẩm như chloramphenicol, formaldehyde, tetrodotoxin, kể cả hàn the … khiến nhiều lô hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị cơ quan FDA từ khước, thì có bằng chứng nào cho thấy nạn nhân Chất Da Cam bắt nguồn chính từ chất dioxin thời chiến tranh. Và cho đến nay chính phủ Hoa Kỳ vẫn khẳng định không có bằng chứng khoa học cụ thể nào chứng minh sự liên kết Chất Da Cam với những tác hại vào sức khỏe con người phát hiện ở Việt Nam.

Sự Kiện

  • Hơn 20 triệu gallons chất diệt cỏ được rải ở miền nam Việt Nam từ 1961 đến 1971, trong đó 12 triệu gallons là Chất Da Cam với mục đích khai quang các khu rừng rậm rạp và giải tỏa các vùng đất quanh các căn cứ quân sự.
  • Ngày 13 tháng Giêng 1962, ba chiếc vận tải cơ C-123 của Không Quân Hoa Kỳ rời Tân Sơn Nhứt khởi đầu chiến dịch khai quang Operation Hades (sau đổi thành Operation Ranch Hand)
  • Theo chính quyền Hà Nội, khoảng 4.8 triệu người Việt có tiếp xúc với Agent Orange, đưa đến 400,000 tử vong và tật nguyền, cùng nửa triệu trẻ sinh dị dạng.
  • Dioxin được xếp vào danh sách những chất gây ung thư nơi người, kể cả bệnh tiểu đường. Bộ Cựu Chiến Binh Mỹ coi một số bệnh khác như Chronic Lymphocytic Leukemia, Hodgkin’s disease, Multiple myeloma … cũng do tác nhân Da Cam.
  • Vấn đề Da Cam trở thành chính thức khi Tổng Thống Bush đến thăm Việt Nam 2006 và ký thông cáo chung trong đó ghi nhận sẽ hợp tác về việc giải quyết ảnh hưởng dài lâu về môi sinh và con người do tác nhân dioxin.
  • 2007 Tổng Thống Bush ký ban hành ngân sách chi tiêu chiến tranh trong đó có 3 triệu đô dùng cho chương trình tẩy rửa các “điểm nóng” và trợ giúp y tế.
  • Cựu quân nhân Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, kể cả Nam Hàn được công ty Dow Chemical, Monsanto và Diamond Shamrock bồi thường qua hòa giải ngoài tòa trong khi các đơn kiện từ phía Việt Nam đều bị bác vì theo tòa hóa chất được dùng để diệt cây cỏ chứ không chủ đích nhắm vào người do đó không vi phạm luật quốc tế về vũ khí hóa học.
  • Ngày 2 tháng Ba, 2009 Tòa Tối Cao Hoa Kỳ phán quyết chung thẩm không xét lại quyết định của tòa dưới.
  • 2000, tổ chức Ford Foundation thành lập chương trình Special Initiative on Agent Orange và cho đến đã đóng góp 11.5 triệu đô vào các dự án y tế, giáo dục, tẩy rửa giúp các nạn nhân ở Việt Nam.
  • 2007 thành lập nhóm đối thoại US-Vietnam Dialogue Group
  • Hoa Kỳ chuẩn chi 6 triệu đô trợ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả, hiện đã tháo khoán 1 triệu.
  • Sân bay Biên Hòa, Phù Cát và Đà Nẵng là những nơi nồng độ dioxin lên đến 1000 ppt.
  • Việt Nam chọn ngày 10 tháng Tám là Ngày Da Cam.

Saturday, May 7, 2011

Đại Lãn Bỏ Súng Cầm Chảo

Đức Hà

Ông sinh ra tại Nam Định, vào Nam năm 1954 bằng máy bay Pháp. Nhập ngũ khóa 26 Thủ Đức, ông phục vụ dưới cờ từ vùng cao nguyên của Quân Đoàn II đến vùng đồng bằng Quân Đoàn IV và lên đến chức đại đội trưởng tác chiến. Đời quân ngũ đến đó chấm dứt vì năm 1974, do bệnh ông được phân loại Ba - tức loại khỏi quân đội, chuẩn bị giải ngũ. Nhưng không may cho ông; công văn chính thức của Bộ Tổng Tham Mưu cho giải ngũ chưa có trong tay nên ông vẫn thuộc thành phần phải đi cải tạo để trở thành “người tốt” trong chế độ mới – cho dù ngày 22 tháng Tư, 1975 ông đã lên máy bay Air America để chuẩn bị bay ra Phú Quốc. Gia đình ông leo lên máy bay xong lại leo xuống để ở lại với mẹ già. Số ông thuộc dạng tiền hung hậu kiết.
Vì lý do này, tại nguyên nhân kia nên mãi cho đến khi học xong khóa bổ túc nghiệp vụ - mà tất cả quân nhân chế độ Sài Gòn còn ở lại đều phải tuân hành, ông mới HO5 sang Mỹ vào tháng Mười Một, 1990. Và cũng như dạo 54’ ông lại lên máy bay, cầm theo thẻ IOM đi chính thức. Tóm lại là cho đến khi đặt chân lên vùng đất mới, sự nghiệp của ông tóm gọn hai con số 10: 10 năm lính và 10 năm tù - chấm hết.

“Tất cả đều là định mệnh, không thể tránh được,” ông tâm sự và nói thêm về cuộc chuyển nghề “Tôi bỏ súng để sang đây cầm … chảo.” 
Tuy sang Mỹ trễ nhưng chưa hẳn là xấu đối với riêng ông.
Sau biến cố 30 tháng Tư năm đó, có người lên tàu theo tàu ra khơi và đến đất Mỹ đặt chân lên đất Mỹ nhưng lại xuống tàu trở về nước thì cũng có người lên máy bay nhưng lại không bay đi mà về lại nhà như nhân vật quê Nam Định nêu trên. Rồi ra một số cũng lại qua được Mỹ để rơi vào hoàn cảnh muộn màng cả về sự nghiệp lẫn công danh. Nhưng cũng không ít người thành công tột bực cho dù đến trễ như trường hợp khác biệt đầy lý thú của một lính tác chiến đã đổi đời thành một đại lãn thơ.

Tên đầy đủ của ông: Nguyễn Thượng Dực biệt hiệu “Đại Lãn Thơ Phở.” Nếu ai chưa biết tên thật hay biệt danh của ông thì cũng phải biết tiếng Phở Bình – từng được xếp hạng danh bất hư truyền ở Sunnyvale dạo nào. Ông là bếp chính, bếp trưởng, là hoạt náo viên, phát ngôn viên, nhà thơ, người điều khiển chương trình, người quản lí với quần áo quanh năm xộc xệch cẩu thả, lê đôi dép lẹt đẹt, cằm lún phún lơ thơ chùm râu bạc… của Phở Bình tại góc Lawrence Expressway và Persian Drive. Với những người biết chuyện thì Phở Bình không chỉ là phở mà còn là nơi thi văn tao ngộ của giới văn nghệ sĩ hoặc giới chỉ độc có máu văn nghệ ở Thung Lũng Hoa Vàng. Bởi thế đại lãn mới “lẽo mép” thơ rằng:
“Ra đường ăn phở thấy ngon,
Về nhà biết dại ôm con vợ già,
Bây giờ kiếm tiền chẳng lo, phở thì không có
Cơm nhà lại ngon.”

Phở Bình & Sĩ Phú

Tại Houston, Seattle, cũng có Phở Bình nhưng chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên vì Bình ở Sunnyvale theo lời ông Dực chính là tên cô em gái của ông. Ông kể:
“Để có phương tiện kiếm cơm cho anh em trong nhà từ Việt Nam sang, cô em cho mở tiệm phở lấy tên Phở Bình từ thập niêm 90’. Đơn giản chỉ có vậy.”
Ông Dực cho hay lúc bấy giờ tuy gọi là phở nhưng là “phở giả” vì chỉ nấu cho có chứ thực sự không ai trong bếp biết nấu phở cho đúng hương vị phở Bắc. Phở Bình chỉ đạt thành công sau khi có sự góp sức bằng nghiên cứu và tài nêm nếm của ca sĩ Sĩ Phú.
“Sĩ Phú chính là thầy của Phở Bình. Tôi nhớ mãi hôm đó khi ông Phú đến ăn và khen nước dùng ngọt thì có ngọt thật nhưng không phải là nước phở vì không có vị phở. Không có vị phở, thì chỉ là canh mà thôi,” ông nói.
Phải đến nhiều tháng sau, nghiên cứu hàng chục công thức, thay đổi thêm bớt gia vị, cân nhắc từng chi tiết nguyên liệu kể cả nếm công thức phở của các tiệm khác thì tô phở Bình mới đạt đúng yêu cầu cả về lượng và phẩm để sau đó được lên báo Mỹ.
Phóng viên Ben Marks, nguyên là bếp trưởng nhà hàng, viết trên báo SF Chronicle năm 1998:
“… Ngắt mươi lá húng quế vào tô phở, cho thêm nhúm giá sống, vắt miếng chanh và xịt một hai miếng tương ớt thường được để ngay trên bàn. Kết quả là bạn có một tổng hợp hương vị dữ dội của nóng và lạnh, của ngọt và chua. Đũa và muỗng giúp bạn không bỏ sót giọt nước dùng nào. Riêng tôi thì từng được người ta biết là đã dùng cả ông hút để vét sạch tô…”
Từ đó không chỉ các kỹ sư gốc Á của các hãng 3Com hay Cisco Systems gần đó đến xếp hàng dài vào giờ trưa mà cả người Mỹ người Việt từ xa kéo đến.
Ông Dực sung sướng thổ lộ: “Thế là như diều gặp gió bốc cao, danh tiếng Phở Bình cũng vậy. Từ phở giả nay đã thành phở thiệt.”
Hỏi ông thế nào là phở ngon. Ông giải thích:
 “Phở phải thơm mùi phở, không nghiêng nặng mùi hồi, mùi quế chi, gừng, hạt ngò, củ cải, hành tây nướng … vì nếu có vị khác thì đích thực là phở giả; gia vị chỉ dùng để đánh hết cái hoi của bò nhưng mùi hương của bò phải giữ. Rất nhiều người mắc sai lầm là cho quá nhiều gia vị hay hầm xương quá lâu.”
Tuy nhiên theo ông Dực, chính yếu thực phẩm phải đều tay vì khách hàng rất sợ hôm được ăn ngon, hôm bị cho ăn dở. Bột ngọt đương nhiên phải có nhưng vừa đủ vì xương bò ở Mỹ đâu có thiếu và phụ thêm chút bột ngọt sẽ tăng thêm độ ngọt của bò.
Khách sành điệu có chút quen biết với đại lãn nhà ta mà đến với Phở Bình thường kín đáo kêu tô “Sĩ Phú” hay tô “Nhà Bếp” - không được liệt kê trong bản thực đơn, nhưng lại là tô chất lượng nhất vì đầu bếp Dực đích thân chọn miếng thịt nào ngon nhất, tuyệt nhất.
Nếu kinh nghiệm sành ăn của Sĩ Phú đã giúp Phở Bình vươn đến đỉnh cao thì khi chính ông và người tình cùng mở một nhà hàng ở Nam Cali với mục đích vừa có chỗ ăn vừa kiếm tiền và tiếp đón bạn bè, lại không thành công.
Phê bình món phở do chính mình giúp sáng tạo nên, và sau khi nếm phở khắp nơi kể cả phở trong nước, nam ca sĩ tài hoa qua đời vì bạo bệnh ở tuổi 58 nói rằng “chưa có phở nào qua mặt nổi phở Bình.”
Riêng với ông Dực thì phở Mỹ đứng số Một vì “bò Mỹ quá sức ngon, tái ở Mỹ rất mềm còn xương và gầu thì quá dư thừa và rẻ để nấu thành nồi nước lèo tuyệt chiêu.”

Từ Bình Đến Minh

Khi ông Dực rút khỏi vai trò quản lí để hưu trí và nhường cho mấy em cuối cùng từ Việt Nam sang tiếp quản, thì Phở Bình cũng từ từ đi xuống. Ông phàn nàn:
“Các em tôi không biết tiếp khách lại nghe người này người kia và thay đổi công thức nấu nên chất lượng có giảm sút.”
Ông cho hay không hẳn là dạo đó là mất hết khách nhưng có thể còn nhiều lý do riêng tư khác mà mấy em ông quyết định bỏ nghề nhà hàng và rao bán tiệm.
Thế nên thực khác nào chưa được nếm thử món phở tái, nạm, gầu, gân, sách, chín tại Phở Bình thì coi như đã quá muộn màng. Âm thầm khai trương và 15 năm sau cũng âm thầm đóng cửa, Phở Bình theo lời ông Dực nay đã đổi chủ. Tên mới sẽ là Minh – cùng gốc với Minh Milpitas.
“Cũng là định mệnh cả, nhưng buồn lắm khi mất đi một tác phẩm, một công trình do chính tay mình xây dựng nên,” ông nói, giọng chùng hẳn xuống trên khuôn mặt đầy nếp nhăn.

 Nghe, nhìn Đại Lãn biểu diễn nấu phở tại ĐÂY

Friday, May 6, 2011

Tôi Hành Nghề Thú Y


Nguyễn Tuấn
http://visontmc.com/NguyenTuan_p2.html
                                                                                                 
Năm 1978, sau khi “đi tì” về, tôi được làm việc lại tại nhiệm sở cũ.  Thế là không phải lo lắng về vấn đề hộ khẩu nghĩa là được sinh sống tại Sài Gòn, khỏi phải đi vùng kinh tế mới xa xôi.  Nhưng với đồng lương chết đói lúc bấy giờ làm sao phụ với vợ để nuôi mấy đứa con? Phải “xoay” thôi!

Tâm sự niềm lo lắng này với bạn bè, có bạn đưa ý kiến: “Anh có nhà mặt tiền, sao không kiếm cách buôn bán? Mở cửa hàng thì không được vì anh phải đi làm, chỉ có cách là kiếm cái xe bánh mì bán ngay trước cửa vào buổì chiều và tối thôi.”  Nghe thấy có lý, tôi bèn bàn với “nội tướng.” Nàng OK liền! Thế là vài ngày sau tôi đã “cải tiến” cái tủ nhỏ đựng bát đĩa trong nhà thành... tủ bán bánh mì. Sau đó là tìm mối để mua pa-tê, thịt, bánh mì v.v… Xe bánh mì được khai trương vào một buổi chiều cuối tuần. Mới đầu bà con lối xóm mua ủng hộ nhiều nên bán được và ngồi bán hàng nhìn ông đi qua bà đi lại cũng thấy vui vui.  Nhưng một thời gian ngắn sau bán chẳng được bao nhiêu, cứ phải ăn bánh mì ế hoài phát ớn nên cuối cùng … dẹp tiệm.
Sau nhiều đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ bỗng một hôm tôi nhớ câu các cụ thường nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” rồi tự hỏi: mình biết về thú y, sao không sống bằng nghề này? Thế là tôi tìm cách hành nghề thú y. Lần này, trước khi thực hiện ý định hành nghề, tôi tìm đến một thầy tử vi và cũng bạn thân cùng lớp. Thầy phán rằng: Mày mệnh thủy thì phải kiếm một việc gì liên quan đến kim loại mới khá được, kim sinh thủy mà!  À! thế thì được, có gì khó! Tôi bèn sắm một ống chích có vỏ bọc bằng inox mới tinh, một bộ kim mới và hộp đựng kim chích cũng bằng inox. Hôm sau tôi tìm trong đám sách báo nông nghiệp cũ hình một con heo mập mạp dễ thương. Cắt con heo giấy ấy dán vào một tấm tôn nhỏ, thêm một hình chữ thập xanh kèm theo hàng chũ Bác sĩ Thú Y nho nhỏ ở phía dưới  rồi treo tấm bảng ấy ngay vào chỗ trước đây là bảng luật sư của bà xã.

Hôm sau khi đạp xe đi làm về tôi thấy một người lạ ngồi ở trước cửa.  Vừa xuống xe định dắt vào nhà thì ông ấy hỏi ngay:
- Ông là bác sĩ thú y ?
- Vâng.
- May quá! Tôi đi ngang đây thấy bảng thú y nên ngồi chờ gặp ông.  Tôi có đàn heo bị bệnh nên nhờ ông chữa giùm.                                                                                                                       
Tôi vội vào nhà xách túi đồ nghề và theo ông ấy đến khu Ngã Ba Ông Tạ. Đến nơi thì  cảnh tượng não nùng hiện ra: một heo nái và bầy heo con nằm xuội lơ, phân lỏng màu xanh như xi măng vung vãi tứ tung, chân cố dãy dụa mà không đứng dậy  được. Để biết thêm về tình trạng đàn heo, tôi hỏi ông chủ?
- Bác có chích ngừa gì cho bầy heo này chưa bác?
- Tôi chích ngừa đủ thứ rồi mà nó vẫn bệnh!
Tôi quan sát kỹ hơn, thấy trên da có lấm tấm xuất huyết và lại thấy có dấu chích ở cổ.  Đo nhiệt độ thấy sốt. Những triệu chứng trên là điển hình của hog cholera rồi chứ còn gì nữa!   Chẳng lẽ mới “ra quân” lần đầu đã bị ngay cái bệnh virus bất trị này! Thấy tôi tần ngần, ông chủ gợi ý:
- Ông cố chữa, tốn kém bao nhiêu tôi cũng xin trả miễn là cứu được bầy heo. Mời ông dùng nước đã.
Chờ ông chủ vào khuất trong nhà lấy nước tôi quay sang hỏi đứa bé vẫn đứng ở đây nãy giờ:
- Mấy hôm nay cháu có thấy ai đến chích heo không cháu?
- Có bác ạ. Chích hai ba lần rồi.
Khi ông chủ trở ra tôi quyết định dứt khoát giải pháp tốt đẹp nhất cho ông ấy:
- Nên “thanh toán” đám heo này càng nhanh càng tốt bác ạ. Để không có lợi, chữa chạy thì tốn kém mà hầu như không thể khỏi được.
Nói xong tôi chào ông rồi ra về. Ông chủ có vẻ không bằng lòng. Tôi về mà lòng trùng xuống, buồn rười rượi. Buồn vì mới hành nghề lần đầu đã gặp khó khăn; vừa không có tiền, vừa làm thân chủ không vui.
Hôm sau đi làm về tôi mong có người ngồi chờ trước cửa để nhờ đi chữa bệnh nhưng chẳng có ai. Vừa dựng xe vào nhà thì bà xã nói ngay:
- Lúc nãy có ông nào đến nhờ anh chữa chó. Ông ấy để địa chỉ đây này. 
Tôi liếc qua địa chỉ: khu trường đua Phú Thọ. Tôi ăn vội bát cơm để có sức đạp tiếp đến trường đua. Khi đến đúng địa chỉ thì thấy đây là một ngôi nhà khang trang, có cây cảnh trong sân chứng tỏ trước kia chủ nhân tương đối khá giả. Sau khi ngồi vào sa lông nói chuyện vài câu xã giao, chủ nhà vào đề:
- Tôi có con chó nuôi đã lâu, cả nhà ai cũng thích. Tự nhiên nó không nhìn thấy gì ông ạ. Nhờ ông chữa, tốn kém bao nhiêu cũng đuợc, ông đừng ngại.
Tôi quan sát toàn thân con chó. Nó vẫn khỏe mạnh, lông mướt, riêng cặp mắt thì xanh lè, không có hồn. Tôi soi đèn pin để thấy rõ hơn đồng thời ôn lại sách vở trong trí nhớ thật nhanh. Chắc là bệnh blue eyes. Mà bệnh này cũng do cực vi trùng (virus) gây ra tựa như hog cholera! Tôi chích cho con vật vài mũi thuốc bổ rồi về. Vừa vào đến nhà tôi lật ngay cuốn bệnh lý dày cộp ra coi lại. Đúng là blue eyes disease rồi! Sách còn nói rõ là có vài chục phần trăm trường hợp bệnh tự nhiên khỏi nếu con vật có dinh dưỡng tốt. Tôi thầm mong con chó ở Phú Thọ nằm trong số ấy. Vài ngày sau tôi trở lại. Vừa thấy chủ nhân tươi cười ra mở cửa tôi đã đoán là có tin vui. Quả nhiên ông ấy nói:
- Ông chữa hay quá! Con Quýt bây giờ đã biết nhìn theo hướng tay tôi giơ lên.
Thế là tôi lại tiếp tục cách chữa “supportive treatment” và hai tuần sau thì con chó khỏi hẳn. Lần chót đến chữa, chủ nhân mời tôi dùng trà loại đặc biệt từ ngoài Bắc mang vào và trả thù lao rất hậu. Tôi mang tiền về cho bà xã mà lòng vui như mở hội.

Thế rồi từ đó tôi có khách lai rai. Có lần một cô gái nhờ chữa cho con heo nái. Tôi ngạc nhiên khi leo lên đến lầu ba của một ngôi nhà bề thế ngay mặt đường mà vẫn không thấy heo đâu! Cuối cùng thì cũng thấy con heo đang bệnh: nó nằm trong một gian phòng lát gạch bông ở lầu tư! Chắc là chủ nhà đã nuôi heo theo yêu cầu của phường khóm để gia tăng sản xuất. Con heo nái to đùng nằm im lìm trên nền gạch hoa. Tôi lấy bó rau muống thẩy trước mặt nó, nó dửng dưng coi như không thấy. Tôi dùng cái gậy nhỏ chọc vào đít nó, nó phản ứng yếu ớt, chỉ kêu ủn ỉn, không thèm đứng dậy. Đo nhiệt độ thấy sốt cao, không tiêu chảy, không xuất huyết. Chưa biết là bệnh gì! Tôi lại dùng bửu bối thông thường: PenStrep liều cao. Có lẽ heo bây giờ ít được dùng trụ sinh nên khi đưa trụ sinh vào là hiệu quả thấy rõ. Chẳng thế mà hôm sau tôi đến thẩy bó rau vào là nó đã cố gắng đứng dậy ăn.  Chích ba lần là nó khỏi hẳn. Thuốc trụ sinh lúc bấy giờ khó kiếm nên có bao nhiêu trụ sinh hết hạn xử dụng của ông bác sĩ anh ruột bà xã tôi đều “thầu” hết.  Thuốc Mỹ tốt thiệt! Quá date cả hai năm mà dùng vẫn hiệu quả như thường. Chả thế mà khi tôi còn bị tù cải tạo trong khám Chí Hoà, quản giáo nói rõ rằng ai nộp thuốc của Mỹ hoặc Pháp mới được chuyển thư về cho gia đình. Thuốc của phe xã hội chủ nghĩa thì quản giáo chê!

Vẫn biết rằng “bá nhân bá tánh,” có người khách sáo, có nguời ruột để ngoài da, thế  nhưng tôi chưa thấy ai có tính “tự nhiên” như một bà trong khu đường rầy xe lửa cách nhà tôi không xa. Bà ấy có con heo nái mới hạ sinh được hơn chục heo con. Hai tuần sau thì cả bầy đi tiêu chảy. Bà ấy đến nhờ tôi chữa. Ngay hôm đầu bà ấy nói rằng khi nào chữa xong thì bà ấy trả tiền một thể. Hôm cuối trước khi về tôi cố ý thu xếp đồ nghề một cách chậm chạp để chờ bà ấy trả tiền. Không thấy bà ấy động tĩnh gì mà tôi thì không có can đảm hỏi tiền thù lao! Thu xếp xong tôi chào bà ấy và lên xe đạp về. Bà ấy nói khẽ “chào thầy”, rồi... thôi! Mấy tuần sau tình cờ gặp bà ấy, tôi hỏi thăm sức khoẻ đàn heo.  Bà ấy nhanh nhảu dáp: “Thầy chữa có mấy ngày là chúng khỏi ngay rồi mà. Thôi chào thầy nhé, tôi phải đi chợ đây!”  Tôi chợt vui và cười một mình vì biết chắc bầy heo đã khỏi bệnh và biết được một người  có tính tự nhiên hiếm thấy.
Có hôm đang mặc quần đùi may-ô ở trên lầu đọc báo thì ghe tiếng gõ cửa. Tôi ngạc nhiên vì hiếm có ai leo lên đây gõ cửa nên tôi chỉ mở hé cửa xem ai. Vừa thấy người đứng trước cửa là tôi sựng ngay lại và vội lắp bắp chào: “Thưa thầy!” Thì ra đây là vi giáo sư tiến sĩ dạy tôi ở Đại Học Khoa Học hồi xưa. Không hiểu sao ông ấy lại biết nhà tôi và lên tuốt trên lầu ba này gặp tôi. Để tôi khỏi ngạc nhiên, ông thầy nói ngay:
- Nhà tôi mới xuất ngoại để lại mấy con chó. Chẳng hiểu sao bây giờ mấy mẹ con chúng đều tiêu chảy ra máu. Tôi mang chúng đến đây để anh chữa nhé!
Tôi ngần ngại vì nhà tôi làm sao chứa được bầy chó này:
- Thưa thầy, thầy không phải mang chúng lại. Thầy cứ về trước, để em lại nhà thầy xem bệnh tình chúng ra sao đã.
Thế là tôi mặc quần áo, theo địa chỉ đến nhà ông thầy. Đây là khu gia cư khá sang trọng ở ngay trung tâm Sài Gòn. Trong garage có một chuồng chó: ba, bốn con chó con nằm xẹp lép, lông xơ xác, phân và lông lẫn máu tèm lem. Ông thầy tâm sự:
- Nhà tôi trước khi xuất ngoại cưng bầy chó này lắm và dặn tôi phải chăm sóc chúng kỹ lưỡng. Nay chẳng may chúng bị bịnh. Anh cố chữa, cứ dùng thuốc ngoại, nếu không kiếm được cho tôi biết.
Tôi khám kỹ mấy con chó. Ngoài bệnh về đường ruột chúng lại bi thêm ký sinh trùng ngoài da. Tôi cho chúng thuốc bổ dưỡng qua mạch máu và cho uống thuốc trị bệnh đường ruột. Rất may là sau một tuần trị liệu bầy chó hết tiêu chảy và phục hồi sức khoẻ dần. Sau đó, việc trị bệnh ký sinh trùng ngoài da không có gì khó khăn. Tưởng đâu thế là nhiệm vụ chữa trị đã xong, nhưng không phải. Ông thầy nói với tôi hôm chót tôi đến trông nom bầy chó:
- Anh thiến con chó mẹ giùm tôi. Tôi không muốn nó đẻ nữa.
Chà! Cái này rắc rối đây vì làm một mình không nổi. Sau khi liên lạc với ông bạn chuyên về giải phẫu và được nhận lời, tôi cùng ông bạn thiến con chó cái. Kết quả tốt đẹp.

Thế nhưng, chữ nhưng tai hại, không phải lần nào cũng được tốt đẹp như vậy. Có lần một học trò cũ tìm đến nhờ tôi chữa giùm một con bò đang hấp hối ở nơi vùng quê ngoại thành, khá xa. Tôi lấy xe gắn máy đi theo anh hoc trò. Đến nơi thì thấy một con bò bụng phình to như cái trống. Đúng là bệnh phình dạ chứa rồi!  Chẳng có trocard để chọc vào bỉm. Tôi bèn yêu cầu anh học trò chặt môt nhánh tre nhỏ rồi vạt nhọn và đâm thẳng vào dạ chứa với hy vọng hơi sẽ xì ra nhưng kết quả không như ý muốn: hơi chẳng ra bao nhiêu. Bụng con bò vẫn phình to, thở thoi thóp vì tim và phổi bị dồn ép. Chắc là các bọt khí nhỏ liên kết với nhau, ống tre không thể làm cho chúng xì ra dược, nếu có mineral oil để phá vỡ đám bọt này thì… may ra. Nhưng tìm đâu ra dầu này bây giờ! Thấy tôi đăm chiêu, anh học trò đề nghị:
- Em cho nó uống bia nghe thầy! Em uống bia thấy ợ hơi nhiều lắm.
Tôi chưa kịp trả lời thì anh anh học trò lại nói thêm:
- Em cho nó uống Alka Selzer nữa nghe thầy!
Tôi chẳng biết làm gì hơn nên ừ ào cho xong chuyện rồi nổ máy xe về trước. Vài ngay sau gặp lại anh học trò. Không thấy anh ấy nói gì về con bò này. Chắc là nó đã được hoá kiếp rồi!

Gặp Nạn

Các cụ thường nói làm nghề gì cũng có thể gặp tai nạn nghề nghiệp. Quả đúng thế. Tôi hành nghề này đã có lần gặp nạn. Hôm đó một cô khá xinh mang con mèo đến nhờ trị bệnh. Khám bệnh và cho thuốc đã xong nhưng cô áy cứ đứng sát tôi rồi kể lể đủ thứ chuyện. Tình cờ bà xã tôi đi ra và tỏ vẻ khó chịu. Tôi biết ý nên nói với cô ấy là lần sau cô không phải đem mèo tới, tôi sẽ đến chữa tận nhà. Chữa vài lần là con mèo khỏi bệnh.  Cô ấy trả công hậu hĩ.  Vài tuần sau cô ấy lại tới mang theo một con chó. Sau khi đặt con chó lên bàn và trước khi khám tôi hỏi về bệnh trạng con vật.  Cô ấy cố vạch cái... chỗ ấy ra và nói là nó có mủ. Tình cờ bà xã tôi lại đi ra và tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Sau khi khách về, nàng gọi tôi vào nhà và thỏ thẻ:
- Thôi anh ạ! Em thấy anh hành nghề này vất vả quá. Hay là anh tạm nghỉ để mình từ từ tính cách khác nhé.
Tôi lơ mơ hiểu vì sao và vì không muốn làm phật lòng nàng nên tôi gật đầu nhè nhẹ dù biết rằng mình đang  có nhiều khách và chữa trị tương đối mát tay. Thế là ngay hôm sau tôi hạ bảng Bác sĩ Thú Y xuống!
Hạ bảng hành nghề xuống rồi tôi lại nằm vắt tay lên trán suy nghĩ cách kiếm tiền khác.  Nghĩ mãi chẳng ra cách nào!  Bỗng một hôm đọc báo thấy có tin Viện Pasteur bán thuốc bổ chế từ men bia Saccharomyces cereviciae. Thuốc đựng trong hôp gồm hai vỉ, mỗi vỉ có khoảng chục ông thuốc. Tôi uống thử, thấy vị lạ. Kết quả ra sao thì chưa biết nhưng điều đó khiến tôi tôi nảy ra ý định chế thuốc bổ cho gia súc. Tôi đến nhà máy bia Sài Gòn mua một ít men về xem sao đồng thời tìm đọc các tài liệu, các công trình nghiên cứu về Saccharomyces cereviciae. Sau đó loay hoay thí nghiệm ở nhà để tìm cách áp dụng cho gia súc. Đối với gia súc mà dùng dưới dạng lỏng như Viện Pasteur dùng cho người thì không ổn rồi,  phải mò mẫm chuyển sang dạng đặc mới được. Tôi lấy ngay lò nướng bánh của bà xã ra để sấy sản phẩm cho khô khiến bà xã kêu trời vì lò này là cần câu cơm của nàng khi tôi còn trong  tù cải tạo. Cuối cùng tôi cũng chế được vài chục kí sản phẩm.
Có sản phẩm rồi , làm sao tiêu thụ? Tôi bèn chất bao sản phẩm lên xe Honda đi đến các trại gà, trại heo để giới thiệu và... bán! Đi lòng vòng qua nhiều trại mà không nơi nào nhận mua viện lý do là trại không có ngân khoản nhưng có lẽ lý do thực sự  là đặc chế này còn mới lạ quá,  nếu dùng không biết kết quả sẽ ra sao.
Lúc ấy tôi đang dạy học và cần có đề tài hướng dẫn sinh viên làm tiểu luận ra trường nên đã hướng dẫn một số sinh viên thực hiện vài đề tài nhằm xác định ảnh hưởng của men bia trong việc nâng cao sản lượng thịt & trứng ở gà và tăng trọng ở heo thịt. Vì là đề tài tốt nghiệp của sinh viên nên các trại chấp thuận ngay. Tuy nhiên có một trại heo muốn chắc ăn không bị lỗ do thí nhiệm nên đã yêu cầu ký hợp đồng minh định rằng nếu heo ở lô đối chứng có tăng trọng cao hơn lô thí nghiệm thì người hướng dẫn đề tài phải bồi thường cho trại sự chênh lệch, trong trường hợp ngược lại thì người chịu tránh nhiệm đề tài được hưởng. Tôi đồng ý ký ngay. Các thí nghiệm cho kết quả không ngờ: các lô thí nghiệm với khẩu phần thức ăn có bổ túc  men bia đã giúp heo tăng trọng cao hơn rõ rệt so với lô đối chứng dùng khẩu phần không có men bia.
Kết quả thí nghiệm này được một số trại biết đến và muốn dùng thử khiến nhu cầu về sản phẩm mới này càng ngày càng tăng. Cái lò nướng bánh bé tí của bà xã tôi không đủ để sấy men nữa. Tôi phải tới Ngã Tư Bảy Hiền nơi chuyên làm các lò sấy thuốc lào để nhờ họ cải biến ra một lò sấy lớn làm bằng tôn theo sơ đồ tôi vẽ sẵn. Tôi để lò xấy này trên sân thượng cho đuợc rộng rãi. 
Chế biến men với qui mô nhỏ thì dễ nhưng với qui mô lớn hơn thì nhiều vấn đề nảy sinh.  Việc mua men gặp khó khăn vì nhiều khi mình cần thì lại không có đủ và mỗi lần mua đều phải có giấy giới thiệu của cơ quan. Xay men ra cho mịn là cả một vấn đề vì ở nhà làm gì có máy xay. Nói mãi một chỗ chuyên xay bột gạo họ mới nhận xay sau khi  đã được bảo đảm là men không có hại gì cho sức khỏe cả. Môt trở ngại khác là không có đủ mặt bằng để phơi men trước khi cho vào lò sấy. Tôi đã liên lạc với lò bánh mì gần nhà  nhờ họ sấy thuê nhưng chỉ nhờ được vài ngày thì họ từ chối vì cái mùi men làm bay đi cái mùi thơm ngon của bánh mì. Ngoài ra, làm men rất dễ bị ông Trời gây căng thẳng!  Ông trời nắng to thì được nhờ, men khô nhanh. Mỗi khi thấy mây xám giăng giăng bầu trời là phải lo cất men cho lẹ kẻo mưa xuống thì men trôi theo nước, coi như công cốc, lỗ chổng cẳng. Có lần mưa đến nhanh quá, tôi phóng như bay lên sân thượng, chẳng may bị ngã cụp sương sống phải nằm bẹp ở nhà hơn hai tuần để ông bạn già hàng ngày đến bấm huyệt mới lết dậy nổi.  
Khi đi mua men và các chất phụ gia khác tôi phải thuê xe ba gác hoặc xe xích lô để chở.  Việc chuyên chở này khá nhiêu khê và vất vả.  Sài Gòn lúc bấy giờ có nhiều  đoạn đường cấm xe ba gác hoặc xe xích lô lưu thông. Vì thế nhiều khi phải đi lòng vòng rất mất công và còn phải tránh công an để đỡ bị gỡ xuống khám xét do xe chở cồng kềnh. Có lần tôi bị “đứng tim” vì đang đi sau xe xích lô chở hàng thì đột nhiên xe biến mất trong đám xe cộ đông nghẹt. Những tưởng phen này mất trắng thì không ngờ khi về gần đến nhà đã thấy ông già đạp xích lô đúng chờ tôi ở vệ đường. Ông ấy nói rằng khi thoáng thấy bóng công an ông ấy phải đi tránh ngay sang đường khác rồi đứng đây chờ tôi.  Ông ấy quả là người tốt bụng...
Chế biến men tuy rất khó nhọc nhưng tôi may mắn có bà bác lúc nào cũng giúp đõ tối đa nên công việc được tiến hành đều đặn. Mỗi buổi chiều đi làm về đến cách nhà vài trăm thước là đã thấy thoang thoảng trong không trung mùi men thơm phức và dịu ngọt như mùi sô cô la. Mỗi lần ngửi thấy mùi men như vậy là tôi chắc chắn mẻ men này sẽ thơm ngon lắm.
Một hôm đang ngồi làm việc ở văn phòng thì có một người lạ đến xin gặp. Nói lòng vòng một hồi thì hoá ra là anh ta muốn giới thiệu một sản phẩm mới rất tốt đùng để bổ túc trong khẩu phần nuôi gia súc. Khi mở ra xem thì tôi ngạc nhiên hết sức vì đúng là chế phẩm men do mình làm ra tuy đã được trộn thêm chất phụ gia để hạ giá thành. Vì thế tôi chỉ còn biết mỉm cười cám ơn.

Tàn Lụi

Việc chế biến men phát triển rất khả quan. Nhiều trại heo đặt mua, tôi sản xuất không kịp. Có người đề nghị tôi bán công thức chế biến, có người đề nghị hợp tác xản xuất để tiêu thụ bên Campuchia. Tôi chỉ mỉm cười cám ơn vì đây không phải là mục đích của tôi: tôi đã nộp đơn xin đi theo diện HO nên chỉ làm kiếm tiền cầm hơi chờ được ra đi.
Ở đời mọi sự đều không tránh khỏi quy luật “thành , trụ, hoại, không.”  Một sự việc hay một sự vật sinh ra, phát triển rồi sẽ có lúc phải tàn lụi. Chuyện làm men của tôi cũng không tránh khỏi qui luật ấy.  Công việc đang phát triển đều đặn thì một hôm viên công an khu vực đến xét nhà. Ông ấy đi suốt từ dưới nhà lên đến sân thượng. Tôi chẳng hiểu tại sao, chỉ biết đi theo ông ấy khắp nơi trong nhà. Cuối cùng ông ấy nói:
- Anh có làm gì khiến hàng xóm khiếu nại không?
- Tôi không biết họ khiếu nại tôi điều gì.
Viên công an coi hết các bao bì và thùng đựng trong nhà và hỏi đó là những thứ gì. Tôi trình bày rõ ràng từng thứ và xuất trình giấy tờ mua bán.
- Anh mua những thứ này làm gì?
- Tôi chế biến thức ăn gia súc để giúp bà con nuôi heo mau lớn theo  đúng yêu cầu của nhà nước nhằm tăng gia sản xuất.
- Tốt! Toàn là đồ ăn cho heo gà chứ có gì đâu!
Thế là thoát nạn! Tuần sau tôi được ông hàng xóm mời sang “nói chuyện phải trái.”  Tôi chưa biết là chuyện gì nhưng đoán là có liên quan đến việc công an xét nhà nên tôi sang ngay. Khi vào nhà tôi thấy mặt ông ta hầm hầm, chưa mời ngồi ông ta đã nói ngay:
- Tôi nghiện thuốc lá. Từ ngày ông nấu sô-cô-la bên đó hơi bay sang đây khiến tôi hút thuốc mất ngon! Cái mùi ấy át mất mùi thuốc thơm của tôi! Yêu cầu ông đừng để cái mùi ấy bay sang nhà tôi nữa! 
Thì ra là thế! Tôi tưởng đâu ông ấy vu cáo tôi buôn lậu. Ai dè! Tôi buồn cười nhưng không muốn làm mất lòng hàng xóm nên trả lời ông ta một cách nghiêm chỉnh:
- Vâng. Tôi sẽ cố gắng tối đa để mùi ấy không bay sang đây. Tôi sẽ bít các cửa sổ thông sang phía nhà ông.
Ngay hôm sau tôi thực hiện việc ấy. Vài ngày sau nữa, khi thoáng thấy tôi, ông ấy nói lớn tiếng để tôi nghe: Đồ trâu bò! Mặt tôi nóng bừng. Từ nhỏ tới giờ chưa ai nói nặng lời với tôi như vậy. Tuy nhiên tôi bình tĩnh lại ngay. Có lẽ cái mùi men vẫn bay sang nhà ông ấy.  Sau khi suy nghĩ kỹ và sau khi bàn bạc vời bà xã, tôi quyết định thôi không chế biến men nữa. Lý do chính không phải do ông hàng xóm mà là do nghe ngóng biết được rằng sắp đến lượt gia đình tôi được đi theo diện HO. Sau đó tôi bán cái lò nướng và chỉ giữ lại cái thùng to đùng - trước đây dùng trong việc thủy phân men - để bác tôi dùng làm nồi nấu bánh chưng.

Tuy tôi theo học ban B tức ban Toán nhưng trong suốt thời gian theo học tại trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An, môn Vạn Vật và các thầy dạy môn này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Bây giờ nhìn lại mới thấy các thầy đã ảnh hưởng đến mình rất nhiều. Các thầy dạy về sinh học đã cho tôi có được nhũng thú vị trong lãnh vực thực vật và động vật. Một lời phê tốt của thầy trong thông tín bạ có thể làm mình sướng mãi và có thể ảnh hưởng đến quyết định về nghề nghiệp của mình trong tương lai. Vì thích về sinh học nên sau khi đỗ tú tài tôi đã nộp đơn vào trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn, nơi mà tôi nghĩ rằng sẽ cho tôi nhiều thú vị trong lĩnh vực sinh học ứng dụng. Khi mới vào học Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc tôi không hình dung nổi sau này ra trường mình sẽ làm gì. Bây giờ tôi thấy rõ rằng chính cái nghề thú y này đã giúp tôi vượt qua được một giai đoạn rất khó khăn sau khi đi cải tạo về. Thời gian hành nghề này đã để lại trong tôi nhiêu kỷ niệm khó quên. Cuộc đời như một tấn tuồng, Giờ đây nơi xứ lạ quê người, nhìn lại quãng đời đã qua tôi thấy mình đóng vai hành nghề thú y không đến nỗi tệ. Vai trò ấy đã xong. Bây giờ tôi mơ đóng được vai liên hữu một cách xuất sắc để lúc giã từ cuộc đời được về an vui nơi cõi Tịnh Độ tiếp tục tu học… Mong lắm thay!

Thursday, May 5, 2011

An Lộc: Từ Địa Ngục Đến Anh Dũng

“Nếu có người Mỹ nào thật sự muốn biết liệu kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh có thành công, hay liệu những đồng minh của người Mỹ có xứng đáng với sự hy sinh của biết bao binh lính Mỹ và gia đình, thì “Hell in An Loc” sẽ dứt khoát trả lời câu hỏi đó…”
George J. Veith, tác giả cuốn “Code-Name Bright Light: The Untold Story of U.S. POW Rescue Efforts During the Vietnam War.”

Đức Hà


Từ căn hộ tại lầu ba một chung cư hiền hòa yên bình ở Fremont, người ở có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn những hàng cây với tàn lá đổi màu theo ngày tháng, mùa hè xanh biếc, sang thu chuyển vàng rồi rụng rơi trải thảm khắp mặt đường khi đông tới. Đó là một nơi tuyệt vời để nghỉ hưu và an hưởng tuổi già sau những ngày tháng vật vã với cuộc sống và quên đi dư âm vang vọng của đại bác, chiến xa, khói lửa chiến tranh. Nhưng người ở lại là một cựu tướng, một người từng cầm quân chỉ huy thế nên tâm hồn ông, trái tim ông, suy nghĩ của ông luôn khắc khoải về đất nước mà ông đã phải bỏ lại cách nay hơn 30 năm.

“Tuy gặp may mắn hơn nhiều người Việt tỵ nạn khác khi đến định cư tại Mỹ - kể cả những người ngang cấp bậc, nhưng tôi vẫn thấy buồn. Buồn vì mất nước và buồn vì nhiều người phải vướng vào lao tù, bao nhiêu gia đình ly tán,” cựu tướng Lâm Quang Thi chia xẻ trong một buổi chiều cuối thu lạnh giá.
Gần 80 tuổi, người ông vẫn thẳng đứng, dáng mảnh khảnh, giọng nói lớn sang sảng như khi còn chỉ huy Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I năm nào. Có thể chăng vì nỗi u sầu ẩn khuất đó, nên ít thấy ông cười, cho dù câu chuyện trao đổi đôi lúc cũng ra ngoài đề tài về địa ngục An Lộc.
“Trận An Lộc được xem là trận chiến lớn nhứt trong suốt cuộc chiến Việt Nam - mà Sir Robert Thompson, cố vấn đặc biệt của Tổng Thống Nixon từng mô tả là chiến thắng quân sự lớn nhứt của Thế Giới Tự Do chống lại Cộng Sản sau Thế Chiến II, thế mà chưa bao giờ được truyền thông Mỹ nhắc tới,” ông bày tỏ sự bực tức và khẳng định rằng nếu mất An Lộc năm 1972 thì chỉ 24 tiếng đồng hồ sau quân Bắc Việt - dùng An Lộc làm bàn đạp, sẽ tiến thẳng vào Sài Gòn mà không gặp sức kháng cự nào đáng kể nữa.

Nếu chiến thắng An Lộc giúp miền Nam đứng vững thêm được ba năm nữa nhưng cũng là tiền đề cho sự xụp đổ hoàn toàn của Cộng Sản vài năm sau đó, theo lời tác giả Lâm Quang Thi. Ông giải thích:

“Đó là điều mà ít người nhận thấy. Họ (truyền thông Mỹ) chỉ đề cao những chiến thắng của người Mỹ, và sự thật về An Lộc chưa bao giờ được nhắc đến cho đến ngày hôm nay, trong cuốn sách này.”
Những trăn trở đó đã khiến vị tướng quê Bạc Liêu không tiếc thời gian, bỏ công sức hơn bốn năm dài để nghiên cứu thu thập tài liệu, sử liệu, phỏng vấn những chỉ huy mặt trận còn sống sót, tiếp xúc những quân nhân tham dự trận đánh, so sánh các tài liệu của hai phía Việt và Mỹ, kể cả tranh luận với các tác giả Mỹ để hoàn thành cuốn “Hell in An Loc: The 1972 Easter Invasion and the Battle That Saved South Viet Nam.”
Khi góp ý rằng hồi ký chiến tranh của người Việt xuất bản rất nhiều, phần lớn thổi phồng cá nhân, tài liệu dựa vào trí nhớ hay viết nhằm mục đích riêng tư nào đó nên người đọc đôi khi cảm thấy chán ngán và nghi ngờ thì cuốn Hell in An Lộc được tác giả nhấn mạnh là hoàn toàn trung thực. Ông nói:
“Năm 1972 tôi làm Tư Lệnh tại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương điều động ba sư đoàn Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn 1 Bộ Binh trấn giữ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên ở phía bắc và không liên quan gì đến chiến sự tại Vùng III nơi diễn ra trận chiến An Lộc. Thế nên tôi tin rằng có cái nhìn chính xác hơn, khách quan hơn và chủ yếu không phải phóng đại hay tâng bốc bất cứ ai.”
Ông cho biết thêm rằng khi nhà xuất bản University of North Texas Press bằng lòng cho in, sau khi hội đồng biên tập tranh luận về tính xác thực của các tài liệu, các chứng cứ ghi trong bản thảo và chấp nhận những phản bác có giá trị của ông đưa ra, thì đó là một thắng lợi nữa của An Lộc, tuy hơn muộn màng.
“Tôi không tin rằng đưa cuốn sách này ra vào thời điểm bây giờ là quá muộn cho dù câu chuyện xảy ra từ 1972; thêm vào đó sự thật về cuộc chiến An Lộc - mà tất cả người dân miền Nam đều biết dưới tên gọi Bình Long Anh Dũng trong Mùa Hè Đỏ Lửa, chưa bao giờ được nói tới.”
Tướng Thi cho hay mục đích của sách không ngoài việc cho thế hệ đi sau biết bậc cha ông đã chiến đấu dũng cảm vượt bực trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam, đồng thời cũng không quên nhắc đến vai trò thiết yếu của cố vấn Mỹ và sự yểm trợ hỏa lực tối đa của không quân và lục quân Mỹ cho An Lộc. Ông nói rằng từ cuốn sách này cộng đồng thế giới, các trường đại học, giới quân sự, các học giả có thêm một tài liệu tham khảo và biết thêm là quân dân Miền Nam đã bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước như thế nào – trái với những tuyên truyền sai lệch và ác ý trước đây.

Tác giả cuốn “A Sense of Duty: My Father, My American Journey,” Quang X. Phạm, một cựu phi công Thủy Quân Lục Chiến Mỹ nhận xét: “Cuốn sách thứ hai đáng lẽ phải được viết từ lâu của Tướng Lâm Quang Thi đã cung cấp một góc độ nhìn thiếu sót hết sức quan trọng từ phía những người bạn đồng minh Mỹ trên chiến trường Nam Việt Nam. Có thể quan trọng hơn nữa, công trình nghiên cứu của ông đã thu thập được những tài liệu về những nỗ lực dũng cảm của quân lực Nam Việt Nam trong trận chiến quy mô nhứt, không hề được truyền thông Mỹ, quân đội Mỹ và điện ảnh Mỹ quan tâm nhắc nhở. Những cố vấn Mỹ hiện nay và những nhà lãnh đạo quân đội Iraq đang hình thành có thể học hỏi được nhiều từ cuốn sách này trong sứ mạng cùng nhau đánh một mặt trận.”
Vì thế nên khi đến thị sát An Lộc ngày 7 tháng Bẩy, 1972 Tổng Thống Thiệu đã phát biểu: “Chiến thắng Bình Long không chỉ là chiến thắng của Nam Việt Nam chống Cộng Sản Bắc Việt, chiến thắng Bình Long còn là chiến thắng của Thế Giới Tự Do đối với thuyết chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng thế giới của Cộng Sản.”
Vậy thì tại sao thắng lợi đó không được truyền thông Mỹ đề cao?

Phản Chiến
Giải thích về sự thờ ơ của truyền thông Mỹ, ông Thi cho hay năm 1972 khi Mỹ bắt đầu thi hành kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, báo chí chỉ nhắm chỉ trích sự yếu kém, nhu nhược và tham nhũng của quân lực VNCH, thậm chí viết cả sách bôi nhọ chưa kể là lúc đó họ có xu hướng phản chiến và thiên tả.
Tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật. Với mức thiệt hại hơn 10,000 quân địch thuộc ba Công Trường 5, 7, và 9 trang bị hiện đại với chiến xa hạng nặng và không đầy 2,300 tử vong, 8,500 bị thương bên tử thủ, phía VNCH đã phải đối đầu với một lực lượng đông gấp ba lần và vẫn chiến thắng. Và mọi người vẫn còn nhớ câu chuyện về quân trú đóng An Lộc phải tìm cách hạ tăng địch bằng khẩu phóng lựu M-72 khiêm nhường.
Tướng Thi tin rằng nếu sự yểm trợ quân sự của đồng minh vẫn tiếp tục thì ngày 30 tháng Tư, 1975 không chắc đã xảy ra.
“Tiếc rằng người Mỹ không đủ kiên nhẫn để tham gia một trận chiến trường kỳ và cũng không dám đánh thẳng ra Bắc. Lúc đó người Mỹ có một sứ mạng rõ rệt là chận đứng đà bành trướng của Cộng Sản nhưng lại không có một chiến lược rõ ràng khi tham chiến tại Việt Nam, và đó là điều đưa đến thất bại.”
Tuy vậy vẫn theo lời tác giả Lâm Quang Thi sự kiện Nam Việt Nam mất là cơ hội để các nước láng giềng như Thái-Lan, Indonesia, Malaysia … không bị Cộng Sản hóa và tiếp tục tồn tại trong tự do.
Chuyển lời đến người Mỹ, người viết hai đầu sách về chiến tranh Việt Nam, ông George J. Veith gợi ý rằng “nếu có người Mỹ nào thật sự muốn biết liệu kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh có thành công, hay liệu những đồng minh của người Mỹ có xứng đáng với sự hy sinh của biết bao binh lính Mỹ và gia đình, thì “Hell in An Loc” sẽ dứt khoát trả lời câu hỏi đó…”

Và bên cạnh câu chuyện về viết sách, dịch sang tiếng Việt, bán sách gởi tiền giúp các cựu quân nhân thiếu thốn còn ở quê nhà, ông còn chia xẻ về niềm vui chăm sóc đưa đón ba cháu nội trai chỉ ở cách đó mươi phút. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó mới thấy gương mặt ông bớt đăm chiêu nghiêm nghị. Thế nhưng hạnh phúc hiện tại dường không thể đè lên nỗi bứt rứt của người quân nhân buộc lòng phải thua trận mất nước, vẫn sống bằng hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn cho quê hương. Sau cùng khi hỏi về một nước Việt mai sau sẽ biến chuyển như thế nào. Ông nói rằng nước Việt phải là một - đương nhiên rồi, nhưng phải thống nhứt dưới một thể chế dân chủ tự do và điều đó chưa hẳn là không thể xảy ra:
“Với tôi, cuộc chiến Việt Nam chưa hề kết thúc, mà đang diễn ra dưới một hình thức khác,” ông cả quyết.

Wednesday, May 4, 2011

Nhà văn Nguyễn Quí Đức: “Chúng ta đã chậm mất hai thế hệ để hòa giải”

Đăng Ninh
Bay Vút


Photo Duc Ha
Nhà văn Nguyễn Quí Đức là người đã giúp rất nhiều nhà văn Việt Nam chuyển ngữ và giới thiệu các tác phẩm của mình ra thế giới bên ngoài. Mặc dù đi nhiều, viết nhiều nhưng ông xuất bản rất ít. Ông đã sang Mỹ sinh sống từ sau năm 1975. Trước đó, cha ông, một công chức miền Nam, đã bị bắt trong cuộc tấn công tết Mậu Thân 1968 và bị giam tù 12 năm. Năm 1989, ông trở về Việt Nam lần đầu tiên và tới năm 2006 thì về ở hẳn để mở quán cà phê Tadioto trên phố Triệu Việt Vương, Hà Nội.
Bay Vút: Thưa ông, dưới góc nhìn của một người lưu vong sau khi trở về Việt Nam, ông nhìn vấn đề ‘mâu thuẫn dân tộc’ như thế nào?
Nguyễn Quí Đức: “Còn tùy là nói chuyện với ai và ở thế hệ nào. Mỗi thế hệ có sự khác nhau về tầm nhìn, sự hiểu biết về câu chuyện. Có thế hệ bị ảnh hưởng bởi cuộc sống thời chiến, bị va chạm với những hình ảnh và âm thanh họ nghe và thấy được nên họ có suy nghĩ khác. Nếu như đang sống trong thời chiến, một người thấy phi cơ ném bom xuống làng mình thì chắc chắn tư duy người này sẽ bị ảnh hưởng".
"Thế hệ lớn lên sau này không phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh nên họ có cái nhìn bình tĩnh và mềm mỏng hơn. Bây giờ, rất ít người tò mò về quá khứ, về chiến tranh vì người ta cũng mệt khi nghe chuyện này. Hậu chiến, đời sống cơm áo, gạo tiền, là đủ mệt rồi. Thế nhưng những người lưu vong sau 30/4 vẫn cảm thấy vương vấn về chuyện ấy, bởi vì nó vẫn chưa được nói ra một cách thỏa đáng".
"Thoạt đầu những người sang Úc, Pháp, hay Mỹ cách đây mấy chục năm chưa có một chỗ đứng vững vàng nên họ cần một cái định nghĩa: ‘Tôi là ai’. Lúc đó, để trả lời câu hỏi này thì đấy chính là cái quá khứ của chiến tranh, những mất mát, những tranh đấu mà họ đã từng trải qua. Và họ cho rằng đấy là điều quan trọng nhất trong con người của họ. Vì ra nước ngoài họ là một con người khác, phải sống cuộc sống và tiếp thu một nền văn hóa khác. Họ mất hẳn quá khứ đồng thời họ cũng bị bứng khỏi cái gốc rễ cội nguồn".
"Sau này, khi họ tạo dựng được cuộc sống, tiếp nhận được nhiều thông tin thì câu chuyện nó cũng có khác đi. Khi những người trực tiếp tham chiến già đi, đến gần cái tuổi gần đất xa trời thì họ suy nghĩ khác. Cái quan trọng đối với họ bây giờ là về lại nơi họ đã sinh ra, lớn lên. Một số muốn trở về để chết trên mảnh đất quê hương".
"Mâu thuẫn khó khăn nhất của Việt kiều là ở trong nước vẫn không công nhận cái thể chế miền Nam là một chính phủ. Chính quyền hiện nay có thể không còn gọi họ là “ngụy” nữa nhưng đồng thời cũng không gọi là ‘chính phủ miền Nam’. Thật ra, những người này vẫn có những thể chế, những niềm tin và lý tưởng, chứ họ không phải là những người chạy theo Mỹ, để bị gọi là ‘phản quốc’".
"Có nhiều người miền Bắc nói với tôi rằng người lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) là những người phản bội tổ quốc. Khi nghe như vậy tôi cũng không biết giải thích gì với họ. Do đó, cũng khó mà nói chuyện. Những người trẻ tuổi hơn thì nói họ mệt chiến tranh lắm rồi, họ muốn ô tô, vật chất và của cải, họ muốn tương lai. Đấy là sự khác biệt rất lớn: những người nước ngoài về thì muốn tìm quá khứ, nguồn gốc, còn người ở trong nước thì muốn hướng tới tương lai giàu có, vinh quang”.
Bay Vút: Hòa bình lập lại, có thể thấy số phận những người lính VNCH rất cơ cực và phải nói là bi đát. Nhưng cho tới tận thời điểm này, tình hình cũng vẫn vậy, nhất là về mặt tinh thần. Mỗi năm vào các dịp kỷ niệm chiến thắng này kia, có lẽ họ sẽ rất buồn khi xem tivi hay đọc những bài báo viết về dịp 30/4?
Nguyễn Quí Đức: “Tôi nhìn nhận chuyện này ở một phạm vi rộng hơn và ở dưới góc độ văn hóa. Nếu tôi là người chiến thắng và nếu tôi là người tự trọng, tôi tự biết tôi là ai thì tôi chẳng cần phải chê bai người khác, hạ bệ người khác để tôi được hay ho hơn. Cái tâm lý miệt thị một người khác chính là cái tâm lý muốn tự đề cao mình lên, trong khi bản chất của sự việc thì chẳng cần phải thế”.
Bay Vút: Có cảm giác phía bên này vẫn coi phía bên kia là những đứa con “hư” của dân tộc nhưng các cụ ta có câu “con hư thì vẫn là con của mẹ”. Có lẽ chúng ta cần có cái nhìn nhân ái và bao dung hơn nữa, ông có thấy vậy không?
Nguyễn Quí Đức: “Tất nhiên là có. Chúng ta cần có thời gian để sự việc tự nó lắng xuống và qua đi, để có sự độ lượng. Bất cứ chính quyền nào cũng vậy, để bảo vệ chỗ đứng của mình, thì phải tự đề cao mình lên và đặt ra cái chỗ đứng thấp kém cho một người khác. Nhưng nếu họ vững tâm hơn, và nếu họ có cái lý chính đáng thì họ sẽ không cần cái đấy nữa".
"Còn với người dân hằng ngày thì cái nỗi đau của ông bộ đội miền Bắc cũng giống nỗi đau của người mẹ miền Nam mất con. Chúng ta đã quên rằng đấy là nỗi đau chung. Về vấn đề này nói theo tinh thần nhà Phật hay Thiên Chúa Giáo thì bao giờ cũng cần cái sự độ lượng, mà độ lượng thì bây giờ đúng là cái xa xỉ. Tôi nghĩ phải mất thêm một thời gian nữa thì chuyện này mới có thể êm xuôi".
Bay Vút: Bài học từ Đông Đức và Tây Đức năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ, người dân hai miền đã ôm chầm lấy nhau và họ coi nhau là người Đức chứ không còn Đông hay Tây. Tuy nhiên, một số chính trị gia Tây Đức lại không coi như vậy mà vẫn có những quan ngại và định kiến về phía bên kia. Do vậy, tiến trình hòa giải dân tộc đã bị chậm mất một, hai thế hệ. Việt Nam dường như cũng đã mắc phải sai lầm đó, và chúng ta đã chậm mấy thế hệ và liệu còn phải chậm mấy thế hệ nữa thưa ông?
Nguyễn Quí Đức: “Đấy là điều đáng tiếc. Theo tôi thấy thì Việt Nam đã chậm mất hai thế hệ và có lẽ tình trạng này sẽ còn kéo dài thêm. Có một số dấu hiệu đang thay đổi, và tôi nghĩ đến một lúc nào đó vấn đề hòa giải sẽ tự mất đi. Bây giờ thế hệ trẻ trong nước ít người quan tâm đến chiến tranh hay mâu thuẫn, còn thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài thì vì được sống trong một môi trường giáo dục, văn hóa khác nên họ cũng không quan tâm đến nó. Những người lính già rồi cũng sẽ chết đi. Khi già thì họ sẽ có cái nhìn trầm tĩnh hơn. Những bức xúc đau khổ về những người cần hòa giải sẽ được nhìn nhận bình tĩnh hơn".
"Tôi chỉ mong nhà nước tự tin hơn, can đảm hơn để chấp nhận mọi thứ. Bây giờ Việt kiều về đây giúp tài chính, kỹ thuật. Nhưng cùng lúc đó ông ấy lại mang về những niềm tin, ý tưởng về dân chủ của cái xã hội khác. Đất nước có đủ niềm tin cho người ta có tiếng nói hay không? Do đó rất dễ hiểu là những người Việt kiều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa là những người không được nhà nước tin tưởng nhiều lắm".
"Như tôi đây, khi trở về nước tôi đâu có xin visa làm báo chí được. Do đó vấn đề ở đây là mình yêu đất nước nhưng đất nước có yêu mình không. Thế nhưng tôi không vì thế mà chống đối. Tôi về tạo dựng công ăn việc làm với quán café này, mang một cái thái độ ứng xử với mọi người khác nhau. Nhưng sau một thời gian sống ở đây thì tôi cảm thấy con người không còn cái tinh thần cộng đồng như trước nữa. Mọi người mệt nhọc quá. Họ chỉ muốn vật chất, giành giật nhau, chạy xe lỡ va quệt là đánh nhau".
"Tuy nhiên, tôi lại thấy có những mâu thuẫn khác phát sinh. Ví dụ những người trẻ bây giờ được đi ra ngoài du học, tiếp nhận những ý tưởng mới và khi trở lại họ có được áp dụng và chấp nhận hay không? Đó lại là một chuyện khác. Đấy không còn là khác biệt vì chiến tranh, mà đấy là vấn đề liên quan tới tư tưởng của thể chế".
"Lấy bài học từ chiến tranh, tôi cho rằng với những người như thế thì khi họ về nước họ có làm được gì hay không, có áp dụng được gì hay không. Hay là vì sống trong một môi trường đầy cạm bẫy như ở Việt Nam thì họ có trở nên ‘hư hỏng’ hay không. Tôi gặp những người ở độ tuổi 30 sau khi đi học ở nước ngoài về bị bất đắc chí, họ chán nản. Ở tuổi 30 họ chẳng còn cái lý tưởng nào để sống và làm việc. Một số ít thì lập nghiệp chính bằng sự quen biết, tiền bạc”.
Bay Vút: Quá khứ là một điều không dễ gì quên, đặc biệt với bối cảnh chiến tranh ở Việt Nam giữa hai miền Nam-Bắc. Nhưng khi hòa bình lập lại, điều quan trọng là cách những người còn sống hành xử với nhau thế nào với nhau, đối xử ra sao với những người đã khuất. Theo ông, thế nào là cách hành xử có văn minh và hòa hợp với nhau nhất?
Nguyễn Quí Đức: “Tôi nghĩ cách hành xử văn minh nhất chính là im lặng. Tôi đặt ngược câu hỏi lại là nếu người miền Nam thắng cuộc thì người miền Nam viết sử như thế nào về người miền Bắc? Có tắm máu, có độ lượng, có thù hằn ai không? Tôi nghĩ là sẽ có, tệ hại hơn hay không thì chưa biết".
"Ngày trước tôi đi làm phóng sự về một lính Mỹ giết một người lính Việt cộng ở Thái Bình. Về sau người này tìm lại được hài cốt và mang trả lại cho gia đình người đã khuất. Trên đường đi làm phóng sự, khi tôi ngồi trên xe thì có ông lính người Bắc nói thao thao bất tuyệt về người lính miền Nam và cho rằng lính miền Nam rất man rợ, độc ác. Tôi ngồi nghe và lặng im chẳng nói gì vì chẳng biết nói gì lúc này cả. Về sau có người về kể lại với cái ông lính người Bắc ấy câu chuyện về gia đình tôi. Sau khi nghe ra, ông ấy gửi lời nhắn mời tôi về nói chuyện với thái độ rất nhã nhặn và hài hòa".
"Mỗi năm không biết bao nhiêu chương trình trên các đài truyền hình nói về các trận chiến này, trận chiến kia. Các chương trình vẫn đều nói cùng một giọng điệu, vẫn một kiểu nói rằng con người miền Nam là con người xấu xa, tàn ác… Tại sao người trong nước là người thắng cuộc, thường dễ tha thứ cho người ta hơn, tại sao không làm được điều ấy?".
"Như bố tôi đi tù 12 năm, giờ tôi hận thù thì cũng chẳng đòi được 12 năm ấy. Cái gì qua rồi thì đã qua rồi. Đòi hỏi hòa giải nằm ở chính mình trước, đường hai chiều bắt đầu từ một chiều”.

Tuesday, May 3, 2011

Những Người Con Của USS Kirk (Phần II)


Đức Hà

Chỉ vài ngày sau khi thủy thủ trên chiến hạm USS Kirk gặp gỡ lần đầu tiên với Baby Kirk Phạm Viễn Phương trong buổi liên hoan hội ngộ tại Renton, bang Washington, ngày 12 tháng Tám 2006 thì Baby Kirk Nguyễn Hạnh Nhân xuất hiện.
Bà Nguyễn Thị Nhỏ - Camp Pendleton
“Sau khi tầu Kirk đưa đến Subic Bay thì mọi người phân tán, tôi lo cho bà xã đâu còn tâm trí đâu mà liên lạc với gia đình mấy bà bầu cùng đi trên tầu Kirk,” ông Nguyễn Hữu Nhượng, trả lời phỏng vấn của qua điện thoại từ Texas.

Ông Nhượng, công chức tại Sài Gòn trước đây kể tiếp rằng sự hốt hoảng khi xuống tàu ra đi, rồi tin Sài Gòn thất thủ, trong lúc lại phải lo lắng cho vợ, bà Nguyễn Thị Nhỏ đang mang bầu đứa con đầu lòng khiến ông hoàn toàn rối trí.
“Kể từ khi vất vả chen chân được xuống tàu HQ3 tại bến Bạch Đằng chiều tối ngày 29 tháng Tư, 1975, thì đầu óc tôi như điên cuồng. Thấy bảo xuống tàu gấp, thì tôi đi chứ chẳng biết đi đâu.”
Ông cho biết tàu không chuẩn bị nước uống và thực phẩm nên khoảng 2-3 ngàn người trên tàu bị đói dài cho đến khi gặp tàu Mỹ tại Côn Sơn.

Hàng ngàn người Việt lênh đênh trên các ghe thuyền, tàu quân sự ngoài khơi hải phận Việt Nam tháng Tư, năm 1975 đã được tàu Mỹ hộ tống hoặc cứu vớt đưa đến Vịnh Subic của Philippines an toàn. Trong số hàng ngàn người này có năm phụ nữ mang bầu được đặc biệt đưa lên tạm trú trên chiến hạm Hoa Kỳ USS Kirk trong suốt chuyến hải hành từ Côn Sơn đến Subic Bay.

Hội Ngộ

Hai mươi chín năm sau, trong lần họp mặt đầu tiên năm 2004 tại San Diego, các thủy thủ trên chiếc Kirk quyết định tìm lại năm phụ nữ từng được họ cưu mang trước đây và nhận những người con của năm bà này làm con nuôi. Năm 2005, qua một bài viết trên báo Người Việt, Baby Kirk Giáng Tiên, con gái của bà Nguyễn Thị Tường Lan gặp được những người cha nuôi trong ngày USS Kirk’s Reunion tại Orlando, Florida. Năm nay Baby Kirk Phạm Viễn Phương (xem Những Người Con Của USS Kirk - Phần 1), con gái của bà Nguyễn Thị Ân được xum họp với đại gia đình USS Kirk. Và chuyện bất ngờ nhứt là việc tìm thấy của Baby Kirk thứ ba Nguyễn Hạnh Nhân, một kỹ sư ngành hoá tại Dallas, Texas.

Hiện đang hưu trí an nhàn tại thành phố nhỏ Seguin, gần San Antonio, Texas, ông Nguyễn Hữu Nhượng, 67 tuổi nói rằng chuỗi ngày loạn ly vẫn là cơn ác mộng kinh hoàng nhứt đời, nhưng ông cũng không khỏi bỡ ngỡ và không thể quên khi vợ ông sanh con ngày 10 tháng Năm, ’75 trên một tàu hàng Mỹ di chuyển từ Subic đến Guam.
“Sanh xong, họ bắt bả đi tắm và cho ăn đủ thứ kể cả đồ chua mà không kiêng cử gì cả là điều làm tôi ngạc nhiên nhứt khi tiếp xúc với văn minh Mỹ,” ông Nhượng nói trong tiếng cười.

Từ Guam, gia đình ông Nhượng được chuyển trại đến Camp Pendleton, gần San Diego rồi từ đó về với người bảo lãnh ở Seguin.
Tại quê hương thứ hai, gia đình ông Nhượng tiếp tục bành trướng.
“Chúng tôi có thêm hai gái và một trai, tất cả đều chăm học và học thật giỏi, toàn thủ khoa,” ông hãnh diện chia xẻ.

Baby Kirk III

Thế rối, rất bất ngờ vào một ngày trời nóng bức như thường lệ của Nam Texas, ông Nhượng nhận được cú điện thoại làm ông mát rượi cả lòng:
“Ông Vinh trên Seattle gọi cho tôi sau khi hỏi thăm lòng vòng, từ người quen này sang người bạn kia, sau cùng thì tới tôi; cũng may là ông ấy còn nhớ tên Nhường nên cũng dễ kiếm.”
Ông Phạm Xuân Vinh là cha ruột của Baby Phạm Viễn Phương. Ngay sau đó cũng có tin cho biết đã “kiếm ra Baby Kirk thứ ba rồi!”

Ba cô gái 31 tuổi, Nguyễn Hạnh Nhân, Phạm Viễn Phương và Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên giờ đây là những con nuôi của tàu USS Kirk và cả ba đang chờ mong sẽ có dịp gặp nhau trong kỳ họp mặt năm 2007 tại Virginia. Cha và mẹ đã cho họ sự sống, nhưng không ai biết điều gì xảy ra nếu gia đình họ không được sự cưu mang của tàu Kirk, 31 năm trước đây. Bởi vậy khi hỏi về cảm xúc của mình trong buổi Reunion 2006 vừa qua, Baby Kirk Viễn Phương bày tỏ: “Trời ơi, nếu không có tàu Kirk, thì không biết ra sao nữa?”