Saturday, May 15, 2010

Hoàng Cầm (1922-2010)

Trịnh Hội

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh


Ðây là những dòng thơ Tình Cầm mà tôi đã nghĩ đến ngay sau khi nhận được tin ông mất chiều nay. Thế là lại có một thi sĩ đất Bắc khác cuối cùng đã quyết lìa bỏ thế gian này để trở về với cát bụi. Ðời người rõ là vô thường. Mới thấy đó mà ông và nhà thơ Hữu Loan đã vội ra đi, để lại bao tiếc thương ngậm ngùi cho những người ở thế hệ ông có dư cả tài lẫn đức nhưng ngặt nỗi lại thiếu quá nhiều điều kiện, cơ hội và cả sự trân trọng của chế độ đương thời.Người Việt Nam chúng ta thường nói thời thế tạo anh hùng. Nhưng đối với riêng tôi đã rất nhiều lần tôi thấy và nghe được tận tai là cũng vì thời thế mà nhiều anh hùng đã bị mai một không thể nào tỏa sáng được hết năng lực của mình trong lúc họ sung mãn nhất, có nhiều ý tưởng hay, sáng kiến lạ nhất.
Ông là một trong những người này. Cũng như nhà văn Phùng Quán, nhà thơ Trần Dần, nhà hoạt động nổi tiếng một thời Nguyễn Hữu Ðang người đứng đầu Ban Tổ Chức Ngày Lễ Ðộc Lập 2 tháng 9 năm 1945, nhà thơ Hữu Loan và còn nhiều, rất nhiều người nữa ông bảo thế. Lẽ ra với sự hiểu biết, học cao thấy rộng của họ, với tính cương trực và lòng ngay thẳng của họ, họ đã có thể làm được nhiều điều hơn nữa cho đất nước, để lại cho đời và di sản văn chương Việt Nam nhiều tác phẩm bất hủ hơn.

Nhưng rất tiếc họ đã không làm được như thế. Vì ở thời điểm họ sung mãn nhất vào thập niên 1950, 1960 khi họ ở khoảng độ tuổi 30, 40 lúc ấy cũng là lúc họ bị thiếu thốn nhiều nhất, trù dập nhiều nhất. Không những các tác phẩm của họ không được phép in ấn mà hơn thế nữa niềm đam mê sáng tác, đam mê đóng góp vào nền văn học, xã hội học của đất nước đã hoàn toàn bị hủy diệt. Kẻ vào tù, người ngồi khám. Hoặc như ông bị kiểm điểm từ lời thơ, kịch bản cho đến việc gặp mặt những người bạn chí thân của một thời Nhân Văn Giai Phẩm.
Nếu như tôi chỉ được phép nhớ một điều về ông, về những gì ông đã chia sẻ với tôi qua ba lần gặp gỡ trò chuyện, có lẽ đây sẽ là điều làm cho tôi nhớ nhất. Nhớ là ông đã rất thành thật lúc tâm sự với tôi và với cả chính ông. Với những gì đã xảy ra trong quá khứ, vào thời điểm tôi gặp ông, và với cả những chuyện tình cảm trong cuộc sống riêng tư của chính ông.
Nếu như khi tôi gặp nhà thơ Hữu Loan hầu như lúc nào ông cũng có thể nói về những biến động trong xã hội vào thời ông thì ngược lại, khi tôi gặp nhà thơ Hoàng Cầm, tôi hỏi điều gì ông trả lời điều ấy. Không khách sáo, không cường điệu, không ngại ngùng và phong cách giữ kẽ thường thấy ở người Bắc cũng bằng không.
Ông kể chuyện ông thầm yêu một người chị trong làng lớn tuổi hơn ông khi ông chỉ là một thằng bé tí cứ thể như là ông đang tâm sự với một người bạn cùng thế hệ. Ông đã yêu chị ấy thế nào, gặp nhau ở đâu và trong hoàn cảnh nào chị đã buông lời đố “đứa nào tìm được lá diêu bông, từ nay ta gọi là chồng”... ông đã kể cho tôi nghe rất nhiều trong suốt buổi tối hôm đầu tiên tôi tìm được đến nhà ông ở gần khu Nhà Thờ Chính Tòa trên phố Lý Quốc Sư nằm ngay bên cạnh Hồ Gươm, Hà Nội.
Tôi vẫn còn nhớ hôm ấy trời đã khuya và cả nhà người con trai thứ của ông đều đã phải đi ngủ nhưng ông vẫn vui vẻ nằm kể chuyện cho tôi nghe mãi cho đến lúc tôi chào ông ra về.

Nhưng hình như đêm hôm ấy ở Hà Nội không giống như đêm hôm nay, một đêm tối trời ở tận xứ Phi Châu nghìn trùng xa cách nơi tôi đang mãi miên man nghĩ về ông. Bật máy xem lại đoạn video phóng sự tôi làm về ông cho chương trình Asia năm nào mà cứ tưởng chừng như chỉ mới đêm hôm qua đây thôi ông vừa cho tôi biết những gì ông muốn nhắn nhủ gửi lại cho tất cả chúng ta những thế hệ mai sau của đất nước:

Các cháu cần biết là ai cũng chỉ sống có một lần. Một lần trong cuộc sống con người này phải nói là có rất nhiều chuyện: đau khổ có, vui sướng có, hận thù có, có tất. Nhưng tất cả đều quy lại là cuộc sống nhân gian này nó rất đẹp.
Thế thì khi nào ông cảm thấy hạnh phúc nhất?
Hạnh phúc nhất là khi nào mình làm được một bài thơ, hoặc đôi khi chỉ là một vài câu nhưng nó nói lên được đúng tâm trạng của mình lúc đó và mình cảm thấy thỏa thuê lắm vì từ trước đến giờ mình chưa nói ra được.
Vậy thì khi nào ông cảm thấy đau khổ nhất?

Ðó là lúc mình không nói được. Có những điều đáng nhẽ mình phải nói ra nhưng vì mình bị yếu đuối hoặc vì điều gì đó mà không thể nói được hết ý nghĩ của mình, cảm xúc của mình trong một đất nước như thế này... lúc ấy khổ lắm, khổ tâm lắm vì không viết ra được, không nói ra được.
Nếu vậy thì trải qua bao khó khăn trong cuộc đời lắm gian truân này, lời cuối cùng ông muốn chia sẻ với các thế hệ trẻ Việt Nam sẽ là gì?
Ðó là bất kể, dù có gì đi chăng nữa, các cháu thấy cái gì tốt cho dân tộc thì cứ làm. Cứ mạnh dạn mà làm. Dù cho nó có thể không được công nhận ngay bây giờ nhưng nếu các cháu thấy làm được thì cứ làm. Cái gì lợi cho dân tộc thì cứ làm.
Ðêm hôm nay, trong cơn gió mát lồng lộng từ sa mạc thổi về tôi ngước mặt nhìn lên bầu trời lấp lánh hàng vạn vì sao sáng và chợt nghĩ đã có một vì sao vừa vĩnh viễn vụt đi. Và văng vẳng từ xa tai tôi nghe như có ai thì thầm trong tiếng nhạc:

Lời ru buồn, nghe mênh mang, mênh mang
Sau lũy tre làng, khiến lòng tôi xôn xao...

Trích blog Trịnh Hội tại http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/hoi/hoang-cam-05-07-2010-93078494.html

No comments:

Post a Comment