Tuesday, May 11, 2010

Chính Trị


Trịnh Hội

Về vấn đề này thật ra tôi thấy cũng khá là buồn cười. Vì chẳng hiểu sao trong thời gian gần đây tôi lại suy nghĩ nhiều về hai chữ ‘chính trị’ mặc dù ở cái xứ Phi Châu nắng như thiêu đốt này nơi tôi đang làm việc cho một cơ quan thiện nguyện, chính trị là một điều gì đó rất xa vời, rất mơ hồ và chẳng dính dáng gì đến việc làm hằng ngày của tôi. Nhất là những chuyện chính trị liên qua đến hai chữ Việt Nam.
Nhưng tôi suy nghĩ nhiều có lẽ cũng là vì sau một thời gian ở tại đây tiếp xúc với nhiều người nghèo khó, đói khổ tôi đã có dịp nhìn lại chặng đường mà tôi đã vừa bước qua, khi ở Mỹ, lúc ở Úc, ở Việt Nam và gạn lọc lại những điều mình đã học hỏi được trong suốt 5 năm kể từ ngày tôi từ Phi Luật Tân sang định cư ở Mỹ vào cuối năm 2004. Chuyện vui có đầy nhưng chuyện buồn tôi đoán cũng không hề thua kém ai.
Tôi nghĩ có lẽ đôi khi chúng ta cần phải đi đến một nơi rất xa, rất lạ và nhất là có nhiều thời gian suy ngẫm thì chúng ta mới có thể thấy rõ hơn, hiểu rõ hơn những gì đã và đang xảy ra trong cuộc sống. Như thể chỉ khi chúng ta thoát ra được khỏi cái vòng áp lực luẩn quẩn của bạn bè, của gia đình, xã hội, cộng đồng và đứng từ bên ngoài nhìn vào khi ấy chúng ta mới có thể đánh giá sự việc, có thể nhận xét vấn đề một cách toàn diện và khách quan hơn.

Hoặc cũng có thể vì trong thời gian gần đây tôi vừa nhận được một lời chê rất thẳng (và rất mạnh) từ một người bạn đã từng có một thời rất gần, rất thân với tôi trong quá khứ bảo là tôi chỉ là một thằng ngốc ngu xuẩn, a damn fool, rỗi hơi làm những việc tầm phào như tham gia vào một video clip ngắn nói về vấn đề trang mạng Facebook bị ngăn chặn tại Việt Nam hoặc đại diện cơ quan VOICE nộp đơn khiếu kiện chính phủ Việt Nam đã vi phạm các văn bản cam kết quốc tế về nhân quyền nên chẳng đặng đừng tôi buộc phải động não!
Người dưng nước lã không quen biết mình, không hiểu rõ những việc mình làm hay ý nguyện của mình nếu như họ có ý kiến phê phán, chê bai thì tôi thường coi như đấy là cái giá mà mình phải trả khi mình quyết định lên tiếng. Còn đằng này...
Rõ là sông có khúc, người có lúc. Và chính trị sẽ luôn là một trong những vấn đề có thể làm rạn nứt hoặc đôi khi làm hoàn toàn tan vỡ tình anh em, bạn bè chí thân.
Trong thời gian qua tôi đã có nhiều suy nghĩ về vấn đề này là vì thế. Tôi nghĩ về những gì đã vừa xảy ra trong năm vừa qua lẫn những gì đã xảy ra cách đây đúng ba năm về trước khi lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là bị tẩy chay, bị một số người trong cộng đồng cho là thân cộng chỉ vì tôi không đồng ý rút tên ra khỏi chương trình của một đại nhạc hội bên Úc mà trong đó có một vài anh chị em nghệ sĩ từ Việt Nam sang dự định trình diễn chung.
Ðối với tôi sự việc lúc ấy rất đơn giản. Tôi không đồng ý với nhận định của ban đại diện cộng đồng và vì thế đã viết bài nói rõ tại sao tôi không đồng ý. Sau đó thì đường ai nấy đi. Ai thích thì đến xem. Ai không thích thì không cần đến. Tôi đã nghĩ vậy. Tôi đã ngây thơ nghĩ là nếu mình không làm chính trị và cũng chưa bao giờ làm chính trị thì cuối cùng chắc chắn sẽ không có điều gì đáng tiếc xảy ra. Vì dù sao đi nữa thì tôi và những anh em nằm trong ban đại diện cộng đồng lúc ấy đều là những người đã quen biết nhau rất lâu năm và họ hơn ai hết hiểu rõ tôi là ai, đến từ đâu và đã làm những gì suốt 10 năm trong các trại tỵ nạn ở Hồng Kông và Phi Luật Tân ngay cả trước khi tôi tốt nghiệp ra trường.

Nhưng tôi đã lầm.
Lầm to là đằng khác.
Vì từ khi tôi quyết định không rút tên theo như lời yêu cầu mà hơn thế nữa lại 'dám' viết thư lên tiếng phản bác lại những nhận định của ban đại diện thì vô hình trung việc làm ấy đã bị cho là tôi đang làm chính trị hay có thái độ chính trị. Và cho dù tôi có cố cách mấy thì những mối dây liên hệ thân tình cũng đã bị hoàn toàn cắt đứt không thể nào hàn gắn được kể từ lúc ấy.
Không những thế tôi cũng đã quá chủ quan về vấn đề cần tranh cãi trong chừng mực, sẽ không có những lời phát biểu mang tính cách hạ nhục, mạ lỵ và hơn thế nữa sẽ không có chuyện dựng lên không nói có, có nói không như tôi đã từng chứng kiến trước đó giữa hai bên chưa hề quen biết nhau.
Nhưng tôi cũng đã lầm qua nhận định này. Vì kể từ lúc tôi chính thức lên tiếng, đó cũng là lúc mà tôi được nghe và được đọc những bài viết phản bác lại ý kiến của tôi hay tư cách cá nhân của tôi kể cả thông cáo của chính ban đại diện cộng đồng lên án tôi vì tôi là người đứng ra tổ chức đại nhạc hội.
Trời! Từ một vai trò làm MC trong chương trình tôi đã được biến thành một ông bầu trong tích tắc.

Hai chữ chính trị nó quan trọng và nguy hiểm là vì thế.
Và sau ba năm kể từ ấy trong đó có một khoảng thời gian khá dài tôi sống và làm việc tại Việt Nam, tôi đã cố nghĩ làm thế nào để bốn chữ 'hòa hợp, hòa giải' có thể tồn tại và phát triển giữa hai thái cực, giữa những người chống cộng cực đoan và những người cộng sản độc tài, bất chính?
Khó. Rất khó tôi nghĩ. Vì không những họ hoàn toàn không biết nhau, không thể nhân nhượng nhau mà họ còn có quá nhiều quá khứ đan xen vào nhau không thể nào một sớm một chiều có thái độ khách quan được. Ðã thế bây giờ lại có thêm hai yếu tố mãnh liệt đó là tiền bạc và quyền lực.
Ðấy là chưa nói đến một thành phần lớn khác đã trưởng thành sau chiến tranh ở ngoại quốc hay ở Việt Nam như thế hệ của chúng tôi. Cũng cứng đầu, ngoan cố và có lý tưởng của riêng mình. Thế mới chết.
Khó. Khó lắm bạn ạ. Nhất là khi chúng ta bàn đến những chuyện chính trị liên quan đến hai chữ Việt Nam. Nhưng biết phải làm sao bây giờ khi ngày 30 tháng 4 một lần nữa nó lại đến!

No comments:

Post a Comment