Monday, July 19, 2010

Sống Chết


Trịnh Hội

Chiều hôm Chủ Nhật tuần trước khi vừa xem xong trận chung kết World Cup giữa đội Tây Ban Nha và Hòa Lan xong thì tôi nhận được cú điện thoại khẩn từ văn phòng ở Uganda báo là thủ đô Kampala vừa bị một nhóm khủng bố cho nổ bom cùng một lúc ở hai nơi ngay tại khu phố ở gần nhà tổ chức chúng tôi đang thuê. Lúc ấy tôi được cho biết là đã có hơn 20 người chết ở tại nhà hàng Ethiopia nổi tiếng mà chúng tôi thường ghé vào ăn trước khi về nhà nằm ngay trước hẻm bên cạnh.
Thế mới thấy con người ai cũng có số. Chỉ vài tuần trước tôi vẫn còn ở Kampala, ngày nào cũng đi ngang qua khu phố Kabalagala đông người qua lại, thỉnh thoảng ghé vào ăn bốc như tôi đã từng kể cho các bạn nghe ngay tại ngôi nhà hàng Ethiopia thân thuộc này thì hôm nay nó chỉ còn là một đống gạch vụn nơi hàng chục người đã vừa phải bỏ mạng chỉ vì họ kém may mắn có mặt ngay tại nơi tử thần đang chờ họ.

Họ cứ tưởng họ cũng sẽ như chúng ta, sẽ có một thời gian tuyệt vời xem trận đấu chung kết tranh tài hồi hộp, gay cấn và hấp dẫn nhất trên thế giới. Họ những tưởng hôm ấy cũng sẽ chỉ là một ngày như mọi ngày và hôm sau họ sẽ tiếp tục trở lại trường học, trở lại công ty, hãng xưởng để làm việc và bắt đầu một tuần lễ mới.
Nhưng rất tiếc điều đó đã không xảy ra và cho đến giờ phút này, tin tức cho biết có ít nhất 74 người đã không bao giờ có cơ hội trở về với gia đình và bè bạn. Có 74 gia đình hiện đang thổn thức với những mất mát to lớn nhất trong đời. Mẹ mất con. Vợ mất chồng. Và biết bao người con đã vĩnh viễn mất cả cha, mồ côi mẹ.
Trong đêm hôm ấy trước khi chập chờn vỗ mình vào giấc ngủ đầy mộng mị tôi đã tự thầm hỏi tại sao cuộc sống này đôi khi quá đỗi bất thường, mới thấy đó rồi mất đó, không có gì hiện hữu mãi mãi. Cũng như không có điều gì chúng ta có thể hoàn toàn sở hữu hoặc làm chủ kể cả cuộc sống và vận mệnh của chính chúng ta.

Nếu những gì xảy ra ở Kampala có thể đến với 74 người trong đó có nhiều người ngoại quốc từ xa đến làm việc như tôi đã từng làm trong suốt ba tháng vừa qua thì chắc chắn nó cũng có thể đến với tôi trong bất cứ lúc nào hoặc hoàn cảnh nào. Cho dù hiện tại tôi đã may mắn vừa trở về lại Mỹ hay mai sau khi tôi lưu lạc sang một đất nước khác.
Bởi thế nếu như ngày xưa tôi cho câu nói này của Mandela là hoàn toàn chính xác: “I am the master of my fate. I am the captain of my soul - Tôi làm chủ định mệnh tôi, là thuyền trưởng điều khiển chính linh hồn tôi” thì bây giờ tuy tôi vẫn rất thích câu nói ấy nhưng lòng tin của tôi đã bị giảm đi khá nhiều. Nhất là sau khi chính mắt mình thấy được bao cảnh trái ngang mà họa chăng chỉ có Phật, Trời mới có thể diễn giải.
Như cảnh đau thương chết chóc vừa xảy ra ngay cạnh khu nhà tôi ở trọ ở Uganda, tuy xa ngàn dặm nhưng tưởng chừng như chỉ quanh quẩn ở đâu đây. Nó làm tôi nhớ lại bài thơ buồn nổi tiếng “For Whom The Bell Tolls - Cho Những Ai Chuông Vừa Ðổ” của nhà thơ John Donne cách đây gần 400 năm về trước:

No man is an island
Entire of itself.
Each is a piece of the continent,
A part of the main.
If a clod be washed away by the sea,
Europe is the less...
Each man's death diminishes me,
For I am involved in mankind.
Therefore, send not to know
For whom the bell tolls,
It tolls for thee.
....
Nếu có ai giúp tôi dịch hộ bài thơ này tôi xin chân thành đa tạ.

No comments:

Post a Comment