Friday, November 27, 2015

Tiết Lộ Mới Về Mặt Trận



Đức Hà
Việt Mercury

Lần đầu tiên sau 14 năm lặng thinh, tổ chức thường được gọi tắt là "Mặt Trận Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh" đã chính thức xác nhận cái chết của các chiến hữu hàng đầu của họ cho dù từ năm 1987 đã có nhiều hình ảnh và tin tức loan tải về những nhân vật này bị tử thương trong các trận đánh tại miền nam nước Lào.
Tuy nhiên đối với ông Hoàng Xuân Yên thì "chuyện này tôi biết chính xác từ lâu rồi."
Ông Yên cho biết như vậy trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho Việt Mercury, một ngày trước khi có cuộc họp báo tại khách sạn Double Tree thứ Bảy vừa qua.
Ông là một trong hai phóng viên nhiếp ảnh và truyền hình được vào xem tận mắt điều được Mặt Trận gọi là "chiến khu giải phóng" năm 1981. Thiên phóng sự "Tôi Về Thăm Chiến Khu  Vùng Giải Phóng" ký tên Hoàng Xuyên đăng trên báo Văn Nghệ Tiền Phong đã gây được tiếng vang lớn khi từ 1,000 số báo hàng tuần đã tăng vọt lên 15,000 số phát hành dạo đó.
Ảnh viettan.org
Tuy nhiên khi tiết lộ thêm những chi tiết mới với Việt Mercury, 20 năm sau khi bài phóng sự được đăng tải thì câu hỏi được đặt ra là tại sao đến bây giờ ông mới lên tiếng.
"Trong giới bạn bè thân hữu, tôi đều có nói hết những điều tôi biết về Mặt Trận và hồi nào giờ báo chí không hỏi thì tôi nói cho ai," ông Xuyên trả lời vắn tắt.

Lên Đường Vào Chiến Khu

Là một trong những người Việt tÿ nạn đầu tiên đến Mỹ khi được hãng truyền hình NBC - mà ông cộng tác trong 11 năm liền đưa ông và gia đình di tản thẳng từ Sài Gòn đến đảo Guam vào tháng Tư năm 1975, ông Hoàng Xuyên không muốn gì hơn là có một cuộc sống ổn định tại quê hương mới. Tuy nhiên vốn là một chuyên viên quay phim chuyên nghiệp và là bạn với ông Phạm Văn Liễu, từng là người đứng đầu ngành cảnh sát Sài Gòn và là nhân vật số hai của Mặt Trận nên hai yếu tố này đã khiến ông trở thành nhà báo duy nhứt được vào thăm "chiến khu giải phóng," nhiều năm sau đó.
Định cư tại bang Maryland trong vài năm, ông và gia đình dọn về San Jose. Ông dạy học tại trường Overfelt cho đến khi hưu trí năm 1995.

Chính tại San Jose, thành phố sau này được mệnh danh "thủ phũ đấu tranh" của người Việt tỵ nạn, ông Hoàng Xuyên đã được ông Liễu mời vào chiến khu để tường trình về các hoạt động kháng chiến giải phóng Việt Nam.
"Tính hiếu kỳ của một nhà báo đã làm cho tôi rất mong được đi cho biết sự thể ra sao khi mà phong trào Mặt Trận đang ngày càng dâng cao tại khắp nơi có người Việt tỵ nạn."
Hướng dẫn đã có tổ chức lo, còn chi phí thì báo Văn Nghệ Tiền Phong bao hết vậy "tội gì không đi."
Ngày 22 tháng Hai, 1982 ông Hoàng Xuyên lúc đó đã 65 tuổi cùng với Nguyễn Ngọc Ấn làm cho hãng CBS, ông Trương Bổn Tài, một sinh viên và ông Phạm Văn Liễu cùng đáp chuyến bay từ San Francisco đến Bangkok, Thái Lan.
Ông Hoàng Xuyên cho biết đoàn người phải nằm chờ cả tuần lễ để đợi giấy phép của một viên tướng Thái Lan mới được vào khu rừng thuộc tỉnh Ubon, nơi có đặt bản doanh của "Kháng Chiến."
"Vào thời đó, mỗi tướng lãnh Thái có toàn quyền trong một lãnh vực kinh doanh; người thì nắm các nhà tắm hơi, người thì nắm sòng bài và người thì nắm một khu rừng để khai thác gỗ và bất cứ ai muốn đặt chiến khu chỉ cần đóng 10,000 đô la lệ phí và mỗi tháng thêm 2,000 đô la nữa cho viên tướng này là được cấp giấy phép hoạt động kháng chiến."
Sau cùng thì mọi việc cũng xong, đoàn người tiến vào rừng và được khoảng 10 người của Mặt Trận đón tiếp và hướng dẫn đường đi.
"Phải mất hai ngày một đêm đường rừng mới đến được nơi đặt chiến lũy của ông Hoàng Cơ Minh."
Sau một đêm nghỉ ngơi là buổi trình diện các chiến hữu trong lực lượng kháng chiến và đọc bản cương lĩnh chính trị của Mặt Trận.
"Vào hôm đó có khoảng 40 thanh niên lấy từ các trại tỵ nạn ra. Trông họ ốm yếu, xanh xao và súng ống thì lèo tèo vài khẩu từ thời Tây. Tôi thấy chỉ có một khẩu tiểu liên," ông Hoàng Xuyên kể tiếp.

Trong khi len lỏi vào hàng quân để chụp hình, ông Xuyên cho biết đã hỏi chuyện những người đứng phía sau thì ông rất ngạc thấy rằng chẳng ai trả lời.
Sau đó có một người nói được tiếng Việt cho ông biết những người Lào được thuê để đứng phía sau cho đông.
Ông còn hỏi thêm mấy nhân vật quan trọng trong tổ chức về lực lượng kháng chiến quân thì người trả lời là 400, người trả lời là 500, có người còn cho biết tổ chức có nhiều chiến khu khác nhau.
"Họ nói lung tung không sao kiểm chứng được."
Điều gây ngạc nhiên hơn nữa cho ông Xuyên là khi vừa xong buổi lễ tuyên bố bản cương lĩnh vào khoảng 12 giờ trưa thì tất cả được yêu cầu ra về ngay lập tức "vì lý do an ninh."
Ông Xuyên nói tiếp rằng ông lại càng thêm bất ngờ khi đi vô chiến khu thì mất hai ngày một đêm khi đi ra thì không đầy ba tiếng đồng hồ đã về đến khách sạn.
"Họ dắt đi vòng vòng trong rừng để gây ấn tượng, thực ra thì trại cũng đâu đó sát bìa rừng," ông Xuyên nói.

Mất Niềm Tin

Sau khi nhìn thấy những cảnh tượng như một màn kịch được bày ra để quay phim chụp hình thì ông Hoàng Xuyên cho biết ông không còn tin tưởng gì vào thực tâm "kháng chiến giải phóng chế độ cầm quyền tại Việt Nam" như được nghe nói trước khi lên đường qua Thái Lan. Tuy vậy ông chỉ để bụng và không phê bình.
"Tôi nghĩ bước đầu tổ chức nào cũng có những khó khăn, ngay cả tổ chức của Việt Minh khi còn sơ khai cũng vậy thôi. Vì thế tôi quyết định không viết bài phóng sự như đã hứa với Văn Nghệ Tiền Phong."
"Viết hết sự thật thì mang tiếng không ủng hộ một mục tiêu cao quý, mà viết sai thì mang tiếng với lương tâm một phóng viên."
Cuối cùng thì bài phóng sự đăng chín kỳ liên tiếp trên  báo Văn Nghệ Tiền Phong cũng thành hình.
"Quả thật hình ảnh và bài viết của tôi đã giúp Mặt Trận vận động thêm được rất nhiều niềm tin và sự ủng hộ trong quần chúng."
Đó là thời kỳ đâu đâu người ta cũng thấy hộp gây quỹ yểm trợ kháng chiến.
"Chính tôi cũng đã đóng góp mỗi tháng 30 đô la trong hai năm liền cho tổ chức."
"Khí thế dâng trào, lòng người đều có chung một quyết tâm: giải phóng quê hương, tôi cũng có ước nguyện đó," tác giả Hoàng Xuyên cho biết.
Cho đến nay không ai biết Mặt Trận đã thu được tổng số bao nhiêu  tiền.

Chia Tay

Năm 1983 trong cuộc họp báo tại miền Nam California, lãnh tụ Hoàng cơ Minh cho biết "Mặt Trận có 10,000 quân với đầy đủ vũ khí đang hoạt động tại vùng biên giới," và đó là câu nói làm ông Hoàng Xuyên dứt khoát chia tay với tổ chức mà ông cho rằng đã "bịa đặt quá sức."
Sự chia tay đó có thể  ảnh hưởng đến tính mạng, nên ông cho biết đã "xin giấy phép và mua súng phòng thân sau khi có nhiều người liên hệ đến nhóm này bị giết chết."
Người ta tin rằng Mặt Trận đã nhúng tay vào vụ giết hại năm nhà báo Việt Nam trong thời gian từ 1981 đến 1990 nhưng cho đến nay chưa có ai bị đưa ra trước pháp luật và Mặt Trận vẫn bác bỏ những lời cáo buộc này.
Trong cùng lúc ông Phạm Văn Liễu người bạn thân đã đưa ông Hoàng Xuyên đến gần với tổ chức chống cộng gây nhiều tiếng vang nhứt, cũng rút lui sau khi muốn biết rõ những khoản chi thu của tổ chức, theo lời ông Xuyên.
"Tuy là nhân vật đứng hàng số hai sau Hoàng Cơ Minh nhưng ông Liễu không hề biết gì về các khoản tiền quyên góp nên tôi khuyên ông ta rút lui để khỏi mang tiếng."
Ông Phạm Văn Liễu còn có bí danh Trần Trung Sơn hiện đang ở Texas và không muốn trả lời phỏng vấn của Việt Mercury.

Cái Chết Của Hoàng Cơ Minh

Theo những người Việt sống tại Thái Lan cho biết thì chi tiết về cái chết của ông Hoàng Cơ Minh không như báo chí đăng tải.
Họ nói rằng trong khi di chuyển từ Thái Lan đến Hạ Lào (vì Thái Lan không cho đặt chiến khu nữa do lời phản kháng của Hà Nội) ông Hoàng Cơ Minh và nhóm của ông đã bị quân Pathet Lào và quân Việt cộng phục kích vì bị nội phản. Một số người sống sót chạy sang Việt Nam cũng bị bắt luôn.
Cái chết của nhân vật đứng đầu tổ chức, sự rạn nứt trong nội bộ cùng các cuộc điều tra của cơ quan liên bang Mỹ đã đưa đến sự suy sụp dần dần của tổ chức mà những người còn lại cho rằng "lui vào bóng tối để củng cố hàng ngũ."
Ông Hoàng Xuyên cho rằng có thể lúc đầu ông Minh có lòng thật sự muốn kháng chiến lật đổ chế độ trong nước nhưng sau đó thấy khó khăn quá nên buông xuôi.
"Tôi rất phục tinh thần yêu nước của tổ chức này, nhưng muốn làm nên chuyện đòi hỏi nhiều yếu tố khác chứ không phải chỉ lập chiến khu, quyên góp tiền bạc và ra quân là đủ," ông nói.
Ông còn cho biết thêm rằng vì Mặt Trận đã để quá lâu mới xác nhận cái chết của các thủ lãnh nên chỉ chuốc thêm sự nghi ngờ vào lòng quần chúng.
“Bây giờ có nói gì thì người ta cũng đặt câu hỏi.”

                           Bài phóng sự được đăng trên Viet Mercury số 132 01/14/2005

Xem thêm chi tiết về nhà báo Hoàng Xuyên tại đây: http://son-trung.blogspot.com/2015/11/tan-dan-mat-tran-hoang-co-minh.html

Tuesday, October 20, 2015

Hạt Gạo Xanh



Đức Hà

Jenny Đỗ
Jenny Đỗ là một luật sư. Từ 9 đến 5 và năm ngày một tuần, Jenny bảo vệ quyền lợi lao động cho khách hàng.
“Jenny học luật vì tính thương người khi người gặp bất công, nghịch cảnh và cần người biết luật để giúp đỡ và tranh đấu.”
Jenny nói rằng cô cảm thấy thật hạnh phúc khi đại diện để nói tiếng nói cho những người không có tiếng nói.
“Jenny thích tiếp xúc và thích làm việc với con người,” cô tâm sự bằng một giọng nói quả quyết và nhiệt tình.

Đặng Phương Thanh
Đặng Phương Thanh là một nghệ sĩ sáng tác. Bằng cây cọ, bột màu, khung vải và giá vẽ, Phương Thanh giải tỏa cảm xúc của chính mình.
“Vẽ để giải quyết những rối ren của cuộc sống, để tìm thấy thanh thản cho tâm hồn,”cô nói.
Nhưng Jenny Đỗ và Đặng Phương Thanh lại là một, một phụ nữ hai dòng máu, da trắng, mắt nâu, mái tóc hung đỏ xõa ngang vai, với hai cuộc sống: thực tại và tâm linh.
Cô giải thích: “Hai thế giới luật pháp và nghệ thuật hoàn toàn khác nhau, có sự phân chia rõ ràng nhưng lại liên kết, hài hòa với nhau. Trong sinh hoạt hàng ngày, Jenny thấy được toàn cảnh xã hội trong đó có những con người, nhiều con người, nhiều cá tính, nhiều nét đặc trưng và đó là nguồn cảm hứng để bộc lộ qua nét vẽ, màu sắc và hình tượng trong tranh.”
Jenny thích vẽ về con người với hai mặt của cuộc sống.

Giải Tỏa Uẩn Ức
Nếu ban ngày trong giờ hành chánh, luật sư Jenny gặp những bất công, những mất mát, những đau thương mà chính mình phải bất lực vì bị luật lệ ràng buộc thì nghệ thuật đã giúp Phương Thanh giải tỏa nỗi uẩn ức đó. Không giới hạn. Không biên giới.
“Jenny cảm thấy được tự do trong sáng tác, để có thể truyền cảm những suy tư, bức xúc của mình lên tranh vẽ.”
Cô vẽ và vẽ rất nhiều, cũng vài mươi tác phẩm, nhưng trước hết là vẽ cho chính mình.
“Nếu lúc đầu Jenny vẽ như một lối sống, một phương tiện để giải khuây thì càng ngày Jenny càng thấy vẽ là một bức thiết để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Giá trị hơn.”
Cái ý nghĩa của cuộc sống đã làm cô ứa nước mắt khi thổ lộ rằng khách yêu tranh đã phải đấu giá để mua tranh của cô trong dịp triển lãm trước đây cho một hội đoàn thiện nguyện.
“Xem tranh, và đồng cảm với tác giả là điều quý rồi, nhưng khen tặng, khích lệ và mua tranh là điều còn quý gấp trăm lần cho nghệ sĩ sáng tác.”
Jenny bộc bạch rằng thắng một vụ kiện cho khách hàng với số tiền bồi thường rất lớn không bằng bán được bức tranh với giá rất nhỏ.

Ước Mơ Hiện Thực
Phương Thanh đam mê họa từ khi còn bé. Vẽ trên bất cứ mảnh giấy nào, vẽ cả trên vách tường và khi không có màu thì vẽ bằng bột đen lấy từ đáy nồi. Tất cả chỉ bằng cảm hứng.
“Mỗi khi đi ngang trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ở Sài Gòn, Jenny chỉ mơ ước một ngày nào đó được vào học,” cô kể lại, vẫn chưa thể quên cổng trường mỹ thuật tuy đã là quá khứ xa vắng.
Ước mơ đó phải đợi đến khi cô định cư tại Mỹ năm 1984, học xong bằng luật năm 1996 và nối tiếp bằng văn bằng cử nhân nghệ thuật của đại học San Jose State - hoàn tất tháng 5 năm nay.
“Học xong luật là điều làm cho Jenny cảm thấy tự hào đã đi qua được một chặng đường nhưng học xong ngành nghệ thuật lại làm cho tâm hồn Jenny thêm cởi mở và bay bổng hơn,” cô nói.
Tuy vậy, đối với họa sĩ Jenny Đỗ, 39 tuổi, chỉ khi nào thực hiện được phòng tranh cho người Việt thì “ước ao, hoài bão mới đạt được.”

Hạt Gạo Xanh
Vì thế phòng tranh GreenRice ra đời, từ nơi từng là văn phòng luật, để làm nơi nghệ sĩ góp mặt, tác giả giới thiệu tác phẩm và nếu được, để nghệ sĩ có chút vốn tiếp tục sáng tác, nuôi dưỡng cảm hứng.
Tại sao “Tiếng Gọi Của Núi.”
Cô kể: “Trong dịp đi thăm các buôn làng tại Hà Giang, cực bắc Việt Nam, Jenny cảm thấy rung động đến sững sờ trước vẻ đẹp của thiên nhiên nguyên thủy và của người dân tộc miền núi.”
Những con người mộc mạc, đơn sơ và lam lũ, ngày đeo gùi, tối uống rượu cần, sống nhịp nhàng, hòa đồng với thiên nhiên cây cỏ cùng tiếng khèn trữ tình, tiếng còng vang động giữa rừng, núi, mây, gió và mưa phùn rét buốt đã trở thành chủ đề chính của cuộc triển lãm với Đinh Thị Tham Poong, Kai Hoàng, Vũ Cương và Jenny Đỗ.

                                                   Bài viết được đăng trên Viet Mercury 03/04/2005

Wednesday, October 14, 2015

Chuyện Nàng Juanita



Đức Hà

Dường như chó được ưu tiên hơn vịt ở đất nước mà mọi kỳ thị đều bị lên án chỉ trích hay sao ấy. Mà thật vậy, hồi đầu năm nay 80 chú chó quê quán Hàn Quốc chuẩn bị vào lò sát sinh để trở thành cầy tơ hay rựa mận gì đó nhằm phục vụ giới nhậu người Hàn đã được ưu ái cứu mạng đưa về Bắc Cali. Cả một chuyến bay chở bầy chó - đủ cỡ, đủ mọi giống, đủ hạng tuổi - có thể mỗi con lại được đeo một thẻ I.O.M không biết chừng, đã được cơ quan San Francisco SPCA (Society for the Prevention of Cruelty to Animals) giàu lòng nhân đạo bảo lãnh mang về nuôi nấng. Từ số phận 10 phần chết cả 10 không còn cửa sống lại bỗng nhiên trở thành công dân hợp pháp ở Mỹ thì phải nói rằng chẳng đâu bằng Mỹ. Mà chó Mỹ thì số 1! Tuy nhiên chó thì đối xử như vậy, lẽ nào một con vịt - mà người Việt chỉ có thể nghĩ đến tiết canh hay xáo măng, lại có thể trở thành đề tài tranh cãi và tranh chấp giữa mấy cụ cao niên trong nhà dưỡng lão với cơ quan quản lí thú hoang dã, để rồi cả Thống Đốc bang cũng bị lôi vào vòng đôi co. Tại sao lại thương chó ghét vịt nhỉ? Rựa (nhựa) mận với xáo măng, chưa biết ai hơn ai.

Câu chuyện khởi đầu từ tháng Hai 2014 khi chú vịt trời (mallard duck) bé tí, sống dở chết dở trong công viên nọ, được cứu sống và được nhận định cư hợp pháp trong khuôn viên nhà dưỡng lão Bello Gardens Assisted Living ở San Anselmo - thành phố nhỏ ở phía bắc San Francisco, bên kia cầu Golden Gate. Theo đúng thủ tục nhập cư, vịt được cấp thẻ xanh tạm mang tên Juanita - "Quà của Thượng Đế," được cấp nhà để ở, hồ bơi để lội, có cả hòn non bộ cho thêm phần thi vị.
Mọi người, nhất là các vị cao niên tuổi không dưới 85 trong khu Bella Gardens đều suy nghĩ một cách đơn giản là rồi ra khi thẻ xanh tạm hết hạn, nàng Juanita sẽ được hưởng cơ chế thường trú vĩnh viên. Sau đó khi đủ thâm niên thì nhập tịch và bảo lãnh họ hàng thân thích ...Tuy nhiên đời lại không giản đơn như vậy. Vì đã là cư dân bất hợp pháp thì không thể một sớm một chiều trở thành hợp pháp. Vịt vẫn là vịt không thể so với chó.

Juanita - Từ Đâu Em Tới

Phải nói rằng nếu không có một bác đi cắt cỏ phát hiện thì Juanita đã bỏ xác nơi công viên lạnh lẽo. Không một mảnh chiếu che thân, không một người thân vuốt mắt tẩn liệm. Phúc cha mẹ để lại đầy ắp nên Juanita được mang về gởi gắm trong khu nhà dưỡng già của mấy bô lão vùng San Anselmo. Walter Paredes, bếp trưởng của Bello Gardens Assisted Living kể với phóng viên báo điện tử Marin Independent Journal:
"Lúc đó Juanita nhỏ tí ti èo uột, nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay, lông lá chẳng có, lơ thơ lớp lông tơ vàng. Tôi đặt em vào cái hộp có lót vải, và nuôi em bằng cơm, cà chua cùng côn trùng bắt trong vườn nhà."
Thời gian trôi qua, Juanita lớn hẳn, bộ lông mượt mà óng ánh. Tuyệt đẹp, chỉ tội đôi chân không được dài mấy. Vì sống chung với người, Juanita dạn dĩ và làm quen kết bạn nhanh chóng, cho dù không cùng ngôn ngữ.
Thương vịt như thể thương thân, bác đầu bếp Paredes đóng cho Juanita một cái chuồng nho nhỏ che mưa nắng, thiết kế một ao xinh xinh cho em tắm gội kể cả một hòn non bộ với nước chảy róc rách.

Em ... vịt như cô gái hãy còn Xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân ...

Thế rồi một ngày đẹp trời của tháng Chín, Juanita lẻn rào, ngao du cho biết đó đây vì ... ở với mấy cụ biết ngày nào khôn. Một hàng xóm bắt gặp Juanita lang thang ngoài đường phố, tưởng trẻ lạc bèn kêu ngay hội Bảo Vệ Súc Vật địa phương. Nhân viên hội này đưa Juanita về cơ quan - hầu làm rõ tình tiết nội vụ; thế nhưng như đã nói ở trên, vì ngôn ngữ bất đồng nên hội bó tay bèn bàn giao tiếp cho WildCare, cơ quan quản lí thú hoang dã quận hạt. Chuyện ông nói gà bà nói vịt thật đúng nghĩa, không sai một ly.
Trong cùng lúc cư dân tại Bella Gardens lại bấn xúc xích, tá hỏa không biết Juanita đi đâu không nói mà cũng không về dùng cơm. Cách tìm nhanh nhứt là phát tán tờ rơi khắp nơi, treo trên cột đèn đường, dán trên vách, đúng bài bản như tìm trẻ lạc. Chỉ không báo cảnh sát thôi. Đại khái ai tìm được Juanita sẽ có hậu tạ, tuyệt đối không bị làm khó dễ.
Vào ngày 16 Juanita bỏ nhà đi hoang thì qua ngày 18, người ta phát hiện Juanita bị tạm giữ ở trụ sở WildCare. Không một mảnh giấy tùy thân, lại mang hình dáng của vịt trời nên Juanita bị quản thúc không thể trở lại mái nhà thân yêu với các cụ đang đợi ngày về với tổ tiên ông bà.

Gia Cảnh Vịt Trời

Luật về thú hoang ghi rõ rằng bất cứ ai phát hiện hay bắt được chim hoang phải giao nộp ngay cho cơ quan WildCare. Luật là thế, lòng người lại khác: thấy thì thương, vương thì tội.
Thú hoang dã sinh ra để tự mưu sinh, tự phấn đấu với thiên nhiên nay mang về nuôi tự nhiên làm mất bản năng sinh tồn. Vịt Juanita vốn là vịt trời nay trở thành vịt thành phố cho nên WildCare cũng không thể trả Juanita về với thiên nhiên, mà trả về cho các cụ cũng không xong. Bế tắc là thế.
Vấn đề là tuy Juanita đầy đủ sức khỏe, không mang mầm bệnh của thú hoang, nhưng lại không thể về sống trong nhà dưỡng lão được vì Bella Gardens không có điều kiện pháp lý để nuôi thú. Mà đúng vậy, Bella Gardens Assisted Living chỉ có giấy phép nuôi và chăm sóc các cụ mà thôi. Luật lệ Mỹ rõ ràng, không nhập nhằng kiểu dược sĩ hay y tá chích dạo cũng bắt mạch cho toa chẳng kém gì thầy thuốc. Thậm chí hay hơn lương y.

Phát biểu của Melanie Piazza, giám đốc WildCare San Anselmo:
"Theo đạo luật liên bang Migratory Bird Treaty Act - có hiệu lực trên toàn quốc, chúng tôi sẽ bị chế tài, bị thu hồi giấy phép hành nghề nếu làm sái nguyên tắc."
Nói rõ hơn là WildCare không thể trao thú sống hoang dã cho một đơn vị không có lai-xân làm công tác này. Chẳng hạn giấy phép ghi rõ mở quán cà-phê nhưng chủ nhân lại chiều khách tự ý cho thêm chữ "ôm" vào là sái luật, gây hậu quả nghiêm trọng đến xã hội. Giấy phép chỉ cho xây cao ốc 10 tầng, khi xây xong thành 13, 14 tầng. Lẽ dĩ nhiên rồi cũng đâu vào đấy cho dù đã vi phạm quy định quản lý trật tự xây dựng đô thị bởi vì tất cả đều theo đúng quy trình.

Nỗ Lực Cuối

Thấu hiểu hoàn cảnh éo le của Juanita - nay là một người bạn thân thiết không thể vắng thiếu của các cụ, chưa kể Juanita cũng làm cho các cụ phấn chấn yêu đời hơn ở tuổi cuối đời nên ban giám đốc cơ sỡ dưỡng lão cũng cố gắng can thiệp. Còn nước còn tát.
Nhưng sự can thiệp với sở Fish and Wildlife cấp quận hạt cũng không mang lại chút hy vọng nào. Đơn xin giấy phép hành nghề nuôi thú coi như bị bác vì cơ quan thẩm quyền chẳng trả lời trả vốn gì tất, cũng chẳng cử người xuống xem xét thanh tra cơ sở xin phép có kế hoạch bố trí chỗ nuôi thú đúng yêu cầu hay không.
Bởi vì luật là luật nên thú sống trong hoang dã được liên bang bảo vệ và quản lí, do đó không thể mang vịt trời về nuôi thành vịt nhà được. Ngoài bệnh tật, vệ sinh chuồng ốc, an toàn còn nhiều điều khoản nữa mà một khu nhà dành cho người cao niên không thể chu toàn được. Thật vậy, trong quá khứ đã xảy nhiều vụ voi gánh xiệc dày xéo ngay cả thầy dạy, voi sở thú húc chém người nuôi ăn, cọp cắn đứt cổ người điều khiển và kéo lê khắp sân ... cho thấy cho dù có luyện tập, bản năng hung dữ của thú hoang dã vẫn còn tiềm ẩn.
Số phận của Juanita tưởng chừng kết thúc trong bất hạnh thì bỗng nhiên lại có chút ánh sáng ở cuối đường hầm.

Quy định về nuôi thú dưới dạng thú cưng trong thành phố San Anselmo ghi rõ cấm tuyệt đối nuôi gà cồ và vịt mái vì bản chất ồn ào nhưng các thú khác thì OK nuôi được, miễn là không quá 12 con. Bella Gardens chỉ xin nuôi có một con duy nhứt nên mọi người hy vọng sẽ không gặp trở ngại lớn lao. Nói là vậy nhưng phép vẫn chưa có nên toàn thể cư dân Bella Gardens và gia đình dự kiến dựng bảng đi lòng vòng trong khu vực chòm xóm chung quanh vận động chữ ký của tất cả bà con quan tâm đến nội vụ. Khi người dân bị luật chi phối chặt chẽ thì chỉ còn cách xuống đường gom chữ ký vào thỉnh nguyện thư đệ trình Thống Đốc.
Người thi hành luật khẳng định: thú hoang dã không thể nuôi trong nhà thành thú cưng. Dứt khoát không có chuyện vịt cưng.
Kẻ yêu vịt phản bác: quý vị nói rằng vịt Juanita không thể trả về rừng, thế tại sao không cho chúng tôi nuôi giữ.

Cũng cần nói thêm rằng 80 chú chó nhập cư hợp pháp vào Mỹ hồi tháng Ba năm nay đã được các gia đình Mỹ - hội đủ điều kiện tài chánh và tài sản, bảo lãnh nhận về nuôi không còn chú nào còn ở trại tạm cư. Thậm chí khi chó chưa về đến Mỹ đã tràn ngập đơn xin nhận chó nuôi rồi; cho nên nếu có ai muốn xin một em chó về nuôi làm cảnh cũng phải đợi đợt sau.
Chỉ có điều khiến mọi người thắc mắc là tại sao Bella Gardens không biết đòn phép rất hữu dụng là thủ tục đầu tiên kèm phong bì lót tay thì đơn không xin cũng được đóng dấu thuận.

Wednesday, October 7, 2015

BẮT TRẺ ĐỒNG XANH

"Ý của họ, nó tàn nhẫn đến nỗi chúng ta không dự liệu tới, không tưởng tượng được. Ðó là chỗ nhược của ta..."
  
VÕ PHIẾN (1925-2015)

Trong những ngày gần đây ai nấy chỉ những xôn xao về chuyện ngưng chiến: Bao lâu nữa nhỉ? Làm gì bây giờ?
Trong bao nhiêu năm trời, chúng ta đã quen với nếp sống chiến tranh đến nỗi hòa bình làm chúng ta bối rối. Nhưng thiết tưởng ngưng chiến không đáng làm chúng ta bận tâm đến thế. Chiến tranh này sắp kết thúc, bằng cách này hay cách khác, hoặc sớm hơn một ít hoặc chậm hơn một ít. Chuyện phải đến rồi sẽ đến, nó xảy đến ra sao dường như cũng đã được trù liệu.
Cái đáng bận tâm là những điều tiếp theo cuộc ngưng chiến ấy.
- Thì các vị lãnh đạo của chúng ta đã tiên liệu rồi: đấu tranh chính trị chứ gì? kinh tế hậu chiến chứ gì?
Ðấu tranh chính trị, nó hiển nhiên quá, nó sờ sờ ra đấy, tưởng như rờ mó được. Nói rằng trong giai đoạn tới ta với cộng sản phải đấu tranh chính trị với nhau, nói thế gần như không phải là tiên liệu gì ráo. Ðó là đối phó. Chuyện ấy đến ngay trước mắt rồi, ta buộc lòng phải đối phó tức khắc, thế thôi.
Nhưng nói thế còn là khá. Hầu hết mọi người chỉ chăm vào những cái gần hơn nữa: hàng mấy trăm ký giả mỗi tuần bu đến phòng họp báo của các phái đoàn Hoa Kỳ và Bắc Việt để ghi lấy dăm ba câu tuyên bố loanh quanh, các bình luận gia khét tiếng của báo này báo kia, đài này đài nọ bóp trán suy đoán xem lúc nào thì ngưng oanh tạc dưới vĩ tuyến 19 v.v... Thiên hạ theo dõi ý kiến của họ.

Trong lúc ấy nhóm lãnh đạo ở Hà Nội lặng lẽ lo liệu công việc mai sau: tức một cuộc chiến tranh khác. Một cuộc chiến tranh quân sự hẳn hòi. Và họ tiến hành thực hiện chuẩn bị, ngoài sự chú ý của dư luận: các bình luận gia có tiếng, khét hay không khét, gần như không mảy may quan tâm đến chuyện ấy.
Thế mà đó mới là chuyện đáng quan tâm. Thiết tưởng là chuyện đáng quan tâm hơn cả vào lúc này. Bởi vì nếu ta mù tịt về ý định của đối phương trong tương lai thì trong cuộc đối thoại thương thuyết với họ hiện thời ta làm sao biết đặt ra những điều kiện cần thiết?
Cuộc bắn giết sắp tới giữa Miền Nam và Miền Bắc đã được cộng sản xếp đặt từ lúc này, cũng như cuộc bắn giết thê thảm mười năm qua được họ xếp đặt từ trước tháng 7, 1954, trước ngày đình chiến theo Hiệp Ðịnh Genève.
Thượng tuần tháng 7, 1968 một nhóm luật gia họp ở Grenoble buộc Hoa Kỳ vào tội gây chiến tại Việt Nam. Sau đó, nhóm luật gia tranh đấu chính trị Việt Nam họp tại Sài Gòn cãi lại: Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã thành lập từ năm 1958 và ra mắt ngày 20 tháng 12, 1960, còn người lính Mỹ đầu tiên chỉ mới tử trận trên lãnh thổ Miền Nam ngày 22 tháng 12, 1961.
Người của pháp luật, họ cãi lý với nhau, họ bắt bẻ nhau như thế. Không hiểu sao họ chỉ nói tới Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Trước họ, nhiều người đã đi ngược lên tới Mặt Trận Tổ Quốc, và xa hơn Mặt Trận Tổ Quốc: tới cái nghị quyết của đảng Lao Ðộng đã đẻ ra Mặt Trận này.
Mặt trận này, mặt trận nọ..., đó là những bằng chứng đã có tên gọi. Chờ cho cộng sản đặt tên rõ ràng các hoạt động của họ mới chịu cho rằng họ hoạt động tức là nghĩ tệ về họ nhiều quá. Họ đâu có chậm chạp như vậy? Trước những hoạt động có tên gọi đã từng xảy ra nhiều hoạt động không tên gọi, và trước cả các hoạt động không tên là những toan tính xếp đặt kỹ càng.
Khi họ nhận thấy không thể thanh toán cả nước Việt Nam một lần, mà phải chấp nhận điều đình với Pháp để giữ lấy nửa nước, thì họ đã đặt ngay vấn đề: còn lại nửa nước kia, phải giải quyết ra sao? Và họ đặt kế hoạch “giải quyết,” cùng lúc với kế hoạch điều đình. Nghĩa là vào năm 1954, chứ không phải năm 1958.

Thật vậy, hiệp định đình chiến vừa ký kết, thì những điều khoản ngưng cuộc chiến tranh bấy giờ được họ thi hành đồng thời với những điều chuẩn bị cuộc chiến tranh sau. Ðồng thời, không muộn hơn một ngày nào.
Lúc ấy chính quyền quốc gia lo đùm túm kéo nhau vào Nam, và tổ chức cuộc di cư cho đồng bào Miền Bắc. Di cư là đi cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ: công chức già thì vào theo nhà nước để lãnh hương hưu, các cụ cố thì theo con cháu vào để được nuôi nấng và chết giữa đám con cháu v.v...
Cũng lúc ấy, cộng sản lo liệu công việc của họ có lớp lang:
- Vũ khí, họ chôn giấu lại một số ở Miền Nam;
- Cán bộ và binh sĩ, họ chọn lựa một số cho ở lại: có hạng được bố trí để len lỏi vào các cơ quan quốc gia, có hạng trở về cuộc sống thường dân chờ thời cơ, có hạng đổi vùng để hoạt động, có hạng vừa lẩn trốn vừa bám lấy địa phương để hoạt động v.v...
- Ðịa chủ, phú nông, trót bị ngược đãi tù tội, đều được tha thứ, giải thích, dỗ dành để xóa bỏ hận thù. Những thành phần không dỗ dành được thì họ thủ tiêu, vì xét nguy hiểm đối với tính mạng những cán bộ nằm vùng của họ;
- Tập kết theo nguyên tắc: Ðưa ra Bắc hạng trai trẻ có thể làm việc đắc lực và sản xuất giỏi cùng hạng có uy tín có khả năng; bỏ lại trong Nam hạng lão nhược có thể làm một gánh nặng cho quốc gia. Cố ý gây phân ly chia cách, làm thế nào để mỗi gia đình đều có kẻ đi người ở;
- Gấp rút tạo thêm nhiều liên hệ giữa thành phần tập kết ra Bắc và dân chúng Miền Nam: đặc biệt là tổ chức những đám cưới cấp tốc khiến cho hàng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt cộng ra đi bỏ lại trong Nam bấy nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm.
Bấy nhiêu cô vợ trẻ và gấp đôi gấp ba chừng ấy cha mẹ già cùng cô cậu chú bác, v.v... là một lực lượng đáng kể. Bằng chính sách tập kết và gây liên hệ này, cộng sản cưỡng bức một số người về sau phải làm nội tuyến cho chúng.

Ngay từ đầu, tình cảm của những người này đã hướng về Bắc, theo bóng kẻ thân yêu. Thái độ và hoàn cảnh éo le của họ khiến nhà chức trách địa phương lo ngại, đề phòng. Do đó, họ thành một khối người dần dần sống cách biệt, nếu không là đối lập với chính quyền miền Nam. Một vài trường hợp đối xử vụng về bị khai thác, một vài sự hiểu lầm bị xuyên tạc: thế là mâu thuẫn giữa hai bên trở thành trầm trọng. Rồi một ngày kia, chuyện được tính trước sẽ xảy ra. Xin thử tưởng tượng: gia đình có đứa con hay người chồng ra Bắc năm 1954, hai năm sau, một đêm nào đó, có kẻ lạ mặt lẻn vào nhà, lén lút trao cho xem một lá thư và một tấm hình mới nhất của con hay của chồng từ Bắc mang vào, gia đình nọ làm sao nỡ tố giác kẻ lạ mặt, dù biết họ đang gây loạn. Ðã không tố giác được, tất phải che giấu, nuôi dưỡng mối liên lạc. Từ việc này đến việc khác, gia đình nọ dần dần đi sâu vào sự cộng tác với tổ chức bí mật của đối phương, chịu mệnh lệnh của họ, rốt cuộc gia nhập hẳn vào hàng ngũ của họ.
Chính vì như thế mà thư từ hình bóng của cán binh tập kết có giá trị đặc biệt quan trọng: những năm 1956, 57, 58, cán bộ từ ngoài Bắc xâm nhập vào hoạt động, trong người họ bao giờ cũng mang theo một số thư từ, hình bóng của cán binh tập kết. Ðó là lợi khí hết sức đắc dụng giúp họ đặt các cơ sở quần chúng đầu tiên.
Gây được cơ sở quần chúng, vận động được sự đóng góp số lương thực tiền bạc cần thiết để nuôi quân rồi, bấy giờ các lực lượng vũ trang tại chỗ bắt đầu được thành lập, các lực lượng vũ trang ngoài Bắc kéo vào. Sau đó mới có cái Mặt Trận Giải Phóng ra đời.
Như vậy, cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau việc chính quyền Sài Gòn từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày khai sanh mặt trận nọ mặt trận kia.
Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng... Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do trưởng cơ quan, trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959, mà là những cô gái tức khắc biến thành góa bụa từ 1954.

Dân chúng Miền Nam ai nấy đều biết những bận rộn tới tấp, những công việc bề bộn ngổn ngang mà nhà cầm quyền cộng sản hồi ấy phải làm cho kịp trước khi rút ra Bắc. Trong hoàn cảnh rộn ràng bấy giờ, nếu không vì lý do quan trọng, chắc chắc đảng và nhà nước cộng sản hồi ấy không đến nỗi quá sốt sắng lo cưới vợ cho cán binh như thế. Chắc chắn. Dù tìm trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào của bất cứ dân tộc nào, cũng hiếm thấy một trường hợp chính phủ lo vợ cho quan binh túi bụi đến chừng ấy.
Cũng như hiện nay, trong giai đoạn ác liệt sau cùng của chiến cuộc tại miền Nam này, nếu không vì lý do quan trọng, đảng và nhà nước cộng sản nhất định không bao giờ khổ công gom góp thiếu nhi ở đây đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc, trong những điều kiện di chuyển nguy hiểm đến nỗi cả các binh sĩ khỏe mạnh của họ cũng phải hao mòn suy kiệt dọc đường.
Ðưa thiếu nhi Miền Nam ra Bắc, không phải cộng sản họ nhằm làm nhẹ một gánh nặng nuôi dưỡng, giúp các ông tổng trưởng Kinh tế hoặc Xã hội của chúng ta. Mọi người đều rõ, tại Bắc Việt và Trung Cộng, người ta tiết giảm sinh sản rất gắt gao: họ hạn chế hôn nhân, hạn chế luyến ái.
Ðưa thiếu nhi Miền Nam ra Bắc, cũng không phải cộng sản họ nhằm giúp ông tổng trưởng Giáo dục của chúng ta một tay để giải quyết nạn thiếu trường ở trong này.

Trong giới quan sát nhiều kẻ bảo rằng Bắc Việt kiệt quệ rồi, không đủ sức kéo dài chiến tranh nữa, họ bối rối lắm, luống cuống lắm. Dù không tin vào nhận định ấy, ít ra cũng phải chịu rằng lúc này họ bận trăm công nghìn việc, nếu chuyện bắt trẻ Miền Nam không có một tầm quan trọng đặc biệt thì họ không hơi đâu nghĩ đến. Ðàng này họ đang ra sức thực hiện một kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt, người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi trên toàn quốc Việt Nam Cộng hòa, từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mau, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Cam-bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh, nghĩa là bằng mọi phương tiện, một cách gấp gáp.
Họ bổ sung quân số đó chăng? - Không đâu. Trẻ bị bắt có hạng mới tám chín tuổi. Trong những trường hợp khẩn cấp, họ có thể tạm sử dụng một số trẻ con bắt được ngay tại địa phương; chứ thành lập những đơn vị con nít như thế để dùng ngay vào chiến cuộc này là chuyện điên rồ. Không phải bổ sung quân số đưa vào chiến cuộc đang kết thúc đâu, mà là họ đang tổ chức chiến cuộc mai sau đấy.
Ðem chút ít kinh nghiệm về lần trước để suy nghiệm về lần này, chúng ta thấy trước dăm ba điều họ sẽ làm sau khi thỏa ước ngưng chiến được ký kết:
- Họ sẽ bỏ lại Miền Nam tất cả những thương phế binh, những cán bộ lâm nạn, tàn tật, v.v... Mang mỗi phần tử vô dụng như thế về Bắc chỉ gây thêm xúc động tâm lý trong quần chúng ngoài ấy; để hạng ấy ở lại, họ tạo thêm gánh nặng cho kinh tế Miền Nam;
- Lúc cuộc “chiến tranh chính trị” mà các nhà lãnh đạo Miền Nam vẫn nói được bắt đầu, thì bao nhiêu ức vạn gia đình có con cháu ra Bắc (và những cô gái có chồng lính cưới vội cưới vàng trước khi về Bắc nữa) hóa ra những thành phần mà chánh quyền ta không sao lôi kéo tranh thủ nổi. Lòng họ hướng về những con tin ở ngoài Bắc, phân nửa sinh mạng họ do nhà đương cuộc Miền Bắc định đoạt. Thái độ của họ khiến nhà chức trách địa phương có thể phạm vào vài biện pháp kỳ thị vụng về: thế là phát sinh mâu thuẫn, bất mãn, chống đối v.v...
- Một ngày nào đó, những cán bộ từ Bắc lại lén lút xâm nhập , mang theo thư từ của con, của chồng họ: họ mừng như mở cờ trong bụng. Họ bắt tay cộng tác với những cán bộ nọ, cùng nhau hoạt động để tạo điều kiện cho chồng con họ sớm trở về ồ ạt theo những đơn vị Nam xâm v.v...
Cán binh gốc người Miền Nam đưa ra Bắc, rồi lại phái trở vào có nhiều cái lợi: khi được lệnh vào Nam hoạt động, họ mừng rỡ vì có cơ hội về quê; họ ra đi lặng lẽ, không có bà con thân thuộc ở Bắc nên không gây xao xuyến gì trong dân chúng, vừa giữ được yếu tố bí mật vừa tránh được tác động tâm lý bất lợi; họ lại được mong chờ đón đợi ở Miền Nam; và họ thông thạo am hiểu về dân tình cùng địa thế Miền Nam.
Như thế, chủ trương bắt đám trẻ em ở miền đồng bằng Nam Việt bát ngát, phì nhiêu đem ra xứ Bắc đông người đất hẹp, nhà cầm quyền Hà Nội chính đang bắt đầu chiến cuộc mai sau ngay từ lúc này, lúc mà chúng ta còn đang xôn xao mong ước ngưng chỉ chiến cuộc hiện tại. Nói họ bắt đầu lúc này cũng chưa đúng: thực ra các tài liệu về “Vấn đề gửi các cháu ra Miền Bắc” đã được phổ biến trong hàng ngũ cộng sản từ tháng 4, 1968, và thúc giục thực hiện trước mùa mưa năm nay. Tháng 4, 1968, tức là liền ngay sau khi tổng thống Mỹ mở miệng thốt ra vài dấu hiệu tỏ ý xuống thang chiến tranh để đi tới điều đình.
Ðiều đình để nghỉ ngơi, đối với Mỹ và chúng ta là thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Ðiều đình đối với cộng sản là bỏ cuộc nửa chừng, là đành không ăn được keo này. Thua keo này họ bày liền keo khác ngay, vì ngưng chiến thế nầy, theo họ, là một sự dở dang, là chưa hoàn tất công việc. “Thế này rồi thôi luôn hả? Nói thế mà nghe được! Sao có thể quan niệm một cách giải quyết giản đơn, vô duyên đến thế?”

Ý tưởng về ngưng chiến của chúng ta dính liền với một mơ ước xây dựng: bao nhiêu tỷ bạc cho Miền Nam, bao nhiêu tỷ bạc cho Miền Bắc, trao đổi kinh tế ra sao, trao đổi văn hóa thế nào v.v... Ý tưởng về ngưng chiến của cộng sản dính liền với một kế hoạch tấn công quân sự. Và những nạn nhân đầu tiên của trận chiến tương lai là những đứa bé con và bố mẹ chúng đã chịu đau thương từ sáu tháng qua rồi. Trận chiến tranh tương lai đã chọn nạn nhân của nó trong đám trẻ thơ, đàn bà Miền Nam, để biến họ thành con côi vợ góa. Xong rồi. Việc đã bắt đầu từ nửa năm nay rồi.
Trước một đối thủ như thế, thái độ của những chính khách Việt Mỹ hằng ngày đấm ngực đồm độp, băn khoăn, tự trách mình cái lỗi không kết thúc được chiến cuộc, thái độ ấy ngây ngô đã đành. Thái độ của những người hớn hở với một kế hoạch kinh tế hậu chiến nào đó, nghĩ cho cùng cũng mỉa mai tội nghiệp: liệu rồi hưởng được mấy năm hòa bình trước mắt mà hí hửng tính chuyện xây dựng, mà mơ cảnh thịnh vượng? Rồi đến thái độ của những kẻ nhìn xa để báo động về một cuộc chiến tranh chính trị: bảo rằng đối phương rồi đây chỉ có hoạt động chính trị, như vậy không khác gì chỉ vào con cọp mà gọi là con chó. Gần như tự lừa mình, như giúp địch ngụy trang.
Dù cho chỉ có chiến tranh chính trị với nhau, đố ai, đố đảng phái nào, liên minh nào, phong trào nào của chúng ta mà thuyết phục được mấy vạn ông bà cha mẹ có con cháu ở Bắc, mấy vạn góa phụ có chồng ở Bắc, thuyết phục được họ thành thực theo ta? Chỉ nắm lấy chừng ấy vạn người, cộng sản Bắc Việt đã có trong tay một lực lượng to lớn hơn mọi đoàn thể chính trị của chúng ta, lực lượng nằm ngay trong lòng quần chúng ta, hàng ngũ ta, mà hoạt động. Ấy là chỉ so sánh về lượng. Mặt khác, trong số các đoàn viên phong trào quốc gia, đảng viên quốc gia, v.v... hạng thực sự nhiệt thành vì lý tưởng được bao nhiêu? Và riêng trong hạng nhiệt thành có được bao nhiêu kẻ mà lòng thiết tha đối với lý tưởng có thể mạnh hơn lòng thiết tha với chồng con của những phần tử bị cộng sản lợi dụng kia?
Dù cho chỉ có đấu tranh chính trị với nhau thôi, chúng ta đã bất lợi như thế. Huống chi đó chỉ là hành vi tốt lành lương thiện mà ta gán cho đối phương. Còn họ..., nếu vạn nhất trong thời gian năm bảy năm sắp tới mà đất nước này thoát khỏi một trận chiến tranh nữa, thì đó là ý trời, không phải là ý của họ đâu.
Ý của họ, nó tàn nhẫn đến nỗi chúng ta không dự liệu tới, không tưởng tượng được. Ðó là chỗ nhược của ta.
Năm 1954, sau chín năm ê chề mòn mỏi vì chiến tranh, thấy hòa bình ai nấy nhẹ nhõm; nếu có kẻ nào lúc đó mà xếp đặt một cuộc tàn sát nữa, kẻ ấy tất gan đồng dạ sắt.
- Thì Hồ Chí Minh đã xếp đặt cuộc tàn sát ngay vào thời kỳ ấy.
Năm 1968, sau hăm ba năm chiến tranh thảm khốc, nghe nói hòa bình mọi người mừng rơn. Nghĩ tới hàng triệu người đã bỏ thây trong thời gian qua, ai cũng tưởng làm người Việt Nam mà có kẻ dám để ý nghĩ mon men đến chiến tranh nữa, kẻ ấy thật mặt dày mày dạn, táng tận lương tâm.
- Thì Hồ Chí Minh chính đang xếp đặt thêm một cuộc chiến tranh.
Vậy mà ông ta vẫn an nhiên hưởng sự trọng vọng của bao nhiêu người, kể cả người Việt Nam! Cho hay cái sản phẩm quái dị của thế kỷ văn minh này là tuyên truyền chính trị, nó có một ma lực mê hoặc phi thường. Không phải thứ tuyên truyền yếu ớt vận dụng một cách khó khăn trong khung cảnh các nước tự do, mà là thứ tuyên truyền một chiều, qui mô, toàn diện, có thể sử dụng các quyền lợi kinh tế hỗ trợ cho nó như ở tại các quốc gia độc tài: Nga Xô, Trung Cộng, Bắc Việt, Ðức quốc xã, v.v...

Và Hồ Chí Minh không phải chỉ được thứ tuyên truyền ấy xóa cho mình cái chân tướng hiếu sát phi nhân. Ông ta còn hóa thành thiên tài lỗi lạc dưới mắt nhiều người vì đã tổ chức giặc giã trong một phần tư thế kỷ để giành nửa nước, trong khi tại khắp các nước Á Phi, những lãnh tụ bất tài nhất cũng dần dần thu hồi được độc lập toàn vẹn cho quốc gia họ với những tổn thất nhẹ hơn nhiều. Ông ta còn hóa thành chính trị gia khôn ngoan, thành “cha già dân tộc” dưới mắt nhiều người, trong khi ở các xứ khác cùng lâm vào tình trạng lưỡng phân không có chính quyền nào nỡ giải quyết tình trạng một cách vô hiệu mà bất nhân đến thế, trải bao nhiêu năm cứ nhất mực khăng khăng chủ trương hết cuộc tàn sát này đến cuộc tàn sát nọ, không một mảy may sờn lòng xúc cảm trước cảnh chết chóc thê thảm làm cho cả nhân loại đều ái ngại.
Người như thế, không biết lòng dạ ra sao, tim óc ra sao. Bảo rằng cùng trong một người, vừa chứa đầy những kế hoạch xua ngay đồng bào mình vào chiến tranh liên tiếp vừa có chỗ cho tình yêu thương đồng bào, thật không thể hiểu thấu.
Những lời trên đây không được nhã nhặn. Quả thật không nhã nhặn. Và kẻ viết ra phải lấy làm ngượng về lời lẽ mình. Nhưng khi mình là dân một nước đã trải qua bao nhiêu năm khói lửa, rồi lại trông thấy trước mặt một viễn tượng đầy máu me, khi ấy nói về kẻ gây thảm họa thật khó giữ lòng bình thản để nói lời tao nhã.
Có thể nào không giận? Ông ta bảo phải đeo đuổi cuộc tàn sát nọ là vì nguyện vọng dân tộc? - Trời, dân tộc này ai cũng xưng biết rõ vanh vách nguyện vọng, ai cũng đòi hành động nhân danh nguyện vọng dân; có điều mỗi người nêu lên một nguyện vọng khác nhau, hoàn toàn khác nhau, lắm khi mâu thuẫn nhau. Ðâu là nguyện vọng đích thực, để hồi sau phân giải. Cái chắc chắn là dân tộc này không hề nằng nặc thiết tha với cộng sản đến nỗi chịu chết năm ba thế hệ liên tiếp để rước kỳ được chế độ ấy về. Vả ông ta chừng ấy tuổi tác rồi, tai nghe mắt thấy đã nhiều, từng trải việc đời đã nhiều, ông ta đâu còn ngây thơ mà quáng mắt vì những danh từ khoác lác, những hứa hẹn hão huyền xa xôi của một chủ thuyết. Ông ta hẳn thừa rõ những gì đê tiện xấu xa xảy ra phía sau các khẩu hiệu tuyên truyền, thừa rõ sống ở Ðông Ðức đâu bằng ở Thụy Ðiển, Hòa Lan, thừa rõ con đường từ Hung Gia Lợi, Lỗ-ma-ni tiến đến dân chủ và hạnh phúc, phải xa hơn con đường từ Thụy Sĩ, Phần Lan.
Mà dù ông ta có không nghĩ như thế, có cho rằng Tiệp Khắc sung sướng và tự do hơn Thụy Ðiển đi chăng nữa, thì sự hơn thua chút ít cũng không đến nỗi bắt phải đổi lấy bằng ba bốn cuộc chiến tranh trong đôi ba mươi năm liền. Ðáng lẽ ông ta để cho dân tộc nhỏ bé đã chịu quá nhiều đọa đày vì ngoại thuộc này được yên thân để làm ăn, để sống cho ra sống trong ít lâu.
Ðã không vì nguyện vọng, quyền lợi dân tộc, ông ta hành động vì lẽ đảng ông ta nhất định phải thắng các đảng khác, vì lẽ người như ông ta không chịu thất bại nửa đường?
- Chừng ấy tuổi tác rồi, lẽ nào vì tranh hơn tranh thua, mà ông mạnh tay sát hại đồng bào không xót thương đến thế? Người ta có thể vì tức khí, nóng giận mà tàn nhẫn, vung tay quá đà. Ðó là chuyện nhất thời. Còn ông, ông dai dẳng quá.

Vì cuồng tín chăng? Vì tự ái chăng? Vì cái gì ông ta cũng đáng trách đáng giận quá.
Nhưng trong vấn đề này, trách móc với giận hờn đâu có ăn thua gì. Một biểu thị tình cảm: thật vu vơ, vô hiệu. Ăn thua chỉ có chiến lược thâm hiểm, hành động thích hợp. Lời nói - dù nhã hay bất nhã - rồi sẽ bay đi theo mây gió. Chỉ có hành động mới sửa đổi được tình thế. Mà hành động thì...
Thì rồi chắc chắn ở phía bên này thoạt tiên ai nấy sẽ nhảy lên mừng hòa bình, rồi tiếp sau đó sẽ bất đồng cãi cọ nhau ỏm tỏi về chuyện xây dựng, sẽ tranh nhau làm ăn tới tấp. Cùng lắm, lâu lâu sẽ có người sáng suốt nhắc khẽ đến chiến tranh chính trị. Thế thôi.
Trong lúc ấy Bắc Việt lặng lẽ điều khiển cán bộ của họ ở trong nầy âm thầm nhen nhóm cơ sở. Rồi đôi ba năm sau, một ngày nào đó xét thấy thuận tiện, họ cho lệnh bùng nổ. Thế là chiến tranh tái diễn.
Chiến tranh tái diễn: mọi người trên thế giới đang sống an lành bỗng bị quấy rầy, bị ảnh hưởng, có một số bị lôi cuốn vào chiến cuộc, lấy làm lo ngại, bực mình, quay đầu về cái xứ lắm chuyện này nhìn bằng cái nhìn xoi mói, nghiêm khắc, trách vấn: “Rầy rà thật! Ra cái xứ ấy tệ thật, tự xử không nên thân. Loạn lạc này đích thị do độc tài, tham nhũng, bất công, kỳ thị tôn giáo v.v... khiến dân chúng bất mãn nổi lên chống chế độ. Dung dưỡng những chính quyền, những chế độ như thế chỉ tổ tai hại v.v...”
Chiến tranh ác liệt thêm: lương tâm nhân loại bị xúc phạm, các nhà triết học gọi nhau họp ở Thụy Ðiển, các luật gia rủ nhau họp ở Grenoble, v.v... trịnh trọng suy tư, trịnh trọng bàn cãi, rồi lên án, kết tội v.v... Trong khi ấy các lãnh tụ Hà Nội họ chỉ cần khéo che miệng nín cười. Ðó là điều quan trọng: họ không được phép cười. Họ không được phép chế giễu lương tâm và trí thông minh của loài người. Họ không được vô lễ; họ chỉ được tiếp tục đánh thật mạnh.
Cứ thế cho đến khi hoặc chúng ta chịu không nổi những đòn đánh từ bên ngoài và những dằn xóc từ bên trong, chúng ta bỏ cuộc và cộng sản tiến đến Cà Mau; hoặc bên phía chúng ta cùng đồng minh có những kẻ thật chì, cộng sản liệu ăn không nổi, thế là lại điều đình và lại xếp đặt một kế hoạch khác... Như vậy không biết đến bao giờ.
Còn ba mươi hai năm nữa, chúng ta bước sang thế kỷ XXI. Nhiều người xem như bước sang một kỷ nguyên mới, một nền văn minh mới: con người sẽ không chỉ biết có quả đất, nhiều quốc gia sẽ tiến đến nền kinh tế kỹ nghệ hậu. Ðó chưa hẳn là cực lạc, nhưng cũng là cái gì vượt xa tình trạng hiện tại. Thiên hạ nô nức đua nhau tiến đến mặt trăng, đến kinh tế kỹ nghệ hậu. Như thể cá vượt Vũ Môn.

Riêng dân tộc chúng ta, ba mươi hai năm nữa e vẫn còn đánh nhau, nửa nước túm lấy nửa nước dìm nhau trong bể máu. Các dân tộc, bất cứ da đen hay da đỏ, đều có thể nô nức, hy vọng ở thế kỷ XXI. Riêng chúng ta, chúng ta chỉ còn có mỗi một điều để đón đợi: là hết chiến cuộc này đến chiến cuộc khác, nếu Hà Nội không từ bỏ quyết tâm của họ. Và cho đến bây giờ, họ chưa có dấu hiệu từ bỏ.
Hỡi các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Riêng về phần mình, các em đã chịu côi cút ngay từ lúc này; còn đất nước thì sẽ vì những chuyến ra đi của các em mà lâm vào cảnh đau thương bất tận. Tai họa hiện xảy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở. Ðã sáu tháng qua rồi. Dù người ta có thôi dài cổ ngóng về Ba-lê, để nghĩ cách cứu các em, thì cũng đã muộn.
Nhưng đâu có ai chịu thôi ngóng chờ? Và trong không khí thấp thỏm chờ đợi hòa bình, ngày ngày báo chí chỉ những rập rình từng thoáng tin ngưng oanh tạc, tôi hướng về các em những ý nghĩ vô cùng buồn thảm, đen tối.

Viết trong tháng 10 năm 1968

* Nhan đề bài này mượn từ một cuốn sách của Phùng Khánh, dịch truyện The Catcher in the Rye của J.D. Salinger. Sách Phùng Khánh do Thanh Hiên xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn.

Friday, September 11, 2015

Niềm Tin Tôn Giáo



Đức Hà

Hai nhân vật, hai câu chuyện, một vấn đề: niềm tin tôn giáo.
Vì đức tin tôn giáo, người ta có thể kiêng ăn thịt vào ngày thứ Sáu hàng tuần, không ăn thịt bò, cử ăn thịt heo, hay tránh sát sinh và chỉ ăn rau và đậu nhưng liệu người ta có thể vì đức tin tôn giáo mà đứng trên luật pháp được chăng?
Ít ra đã có hai trường hợp để lòng xác tín tối thượng lên trên luật và hệ lụy là một phải đi tù và một bị sa thải.

Câu Chuyện Thứ Nhất

Bà Kim Davis, 49 tuổi, là công chức được bầu vào cơ quan hộ tịch Quận Hạt Rowan, bang Kentucky với mức luơng năm 80 ngàn đô. Trong chức vụ trưởng phòng, bà ký tên và cấp giấy xác nhận tư cách vợ chồng cho cư dân Rowan County. Tuy nhiên mấy tuần lễ gần đây bà từ chối cấp giấy giá thú cho những cặp đồng tính viện lý do là trái với lòng tin của đạo cơ đốc Apostolic Christian. Bà cho biết tín ngưỡng bà thờ phụng xác định hôn nhân là giữa người nam và người nữ, một "quyền năng của Thượng Đế." Thế nên nếu bà ký tên và ban phát giấy hôn thú cho người đồng tính là phản lại điều răn mà bà thấm nhuần từ tôn chỉ đạo Apostolic Christian. Dứt khoát bà không ký và cũng không cho phép các phụ tá ký thay.

Như vậy đức tin tôn giáo của bà đã vượt lên trên phán quyết hồi tháng Sáu của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nói rằng hôn nhân đồng tính là quyền hợp pháp của con người. Khinh thường và thách thức với lệnh tòa cao nhất liên bang đưa đến việc bà phải vào tù cho dù không phải 100% người dân Mỹ đều thống nhất quan điểm với phán quyết tòa tối cao. Cũng cần nhắc lại là tuy Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết hợp thức hóa hôn nhân đồng tính nhưng chỉ có năm phiếu thuận và bốn phiếu chống. Thăm dò của hãng tin AP cho thấy chỉ hơn phần nữa dân Mỹ ủng hộ hôn nhân đồng tính. Thật ra thì quyết định không lay chuyển của bà Davis cũng đã làm bùng nổ thái độ chống đối của tầng lớp người Mỹ bảo thủ không hài lòng với quyết định công nhận tính hợp pháp của hôn nhân người đồng giới. Ngay cả hai ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa Ted Cruz (Texas) và Mike Huckabee (Arkansas) - nằm trong số những người lớn tiếng ủng hộ hành động của bà Davis cũng vào nhà giam thăm hỏi động viên.

Bà Kim Davis, từng lập gia đình đến bốn lần trong đó hai lần với cùng một người chồng nói rằng kể từ khi bà cải đạo sang Apostolic Christian với những nguyên tắc đạo đức khắt khe, bà đã trở thành con người mới và đi lễ "bất cứ khi nào thánh đường mở cửa."
Bà nói với cánh nhà báo rằng bà không toàn hảo:
"Tôi không phải là người không có khuyết điểm. Ai chẳng thế. Nhưng tôi đã được tha thứ và tôi tôn xùng, vâng lời Chúa của tôi cũng như tuân thủ những lời răn dạy."
Vì được học đạo như vậy nên ký tên trên giá thú cấp cho người đồng tính là sự "xâm phạm đến lương tâm." Bà khẳng định chọn lựa đó đối với bà "không dễ dàng; đó là một quyết định giữa thiên đàng hay địa ngục."

Luật là luật, bản tin dẫn lời công tố viên liên bang Kerry B. Harvey cho hay "Công chức nhà nước được tự do bất đồng với luật, nhưng không được bất tuân. Bà Davis đã tự đặt mình vào vị trí đối nghịch với hệ thống pháp lý Hoa Kỳ và lên đến tận Tối Cao Pháp Viện. Bây giờ là lúc bà Davis và phòng hộ tịch quận hạt phải tuân thủ luật pháp."

Tin mới nhất cho biết vào thứ Ba vừa qua, bà Kim Davis đã được trả tự do sau sáu ngày giam cầm. Lệnh phóng thích do quan tòa U.S. District Judge David Bunning ký có kèm theo điều kiện: "Bà Kim Davis không được ngăn trở bất cứ bằng cách nào, trực tiếp hay gián tiếp, với công tác cấp phát giấy hôn thú cho mọi cư dân có đủ tư cách pháp lý."
Phát biểu trước đám đông hơn bốn ngàn người ủng hộ quan điểm chống hôn nhân đồng tính, luật sư của bà Davis, Matthew Staver nói rằng bà Davis sẽ công tác tốt, phục vụ cư dân đúng theo nhu cầu của họ. Bà vẫn trung thành với tín ngưỡng và sẽ không làm điều gì trái lương tâm.

Câu Chuyện Thứ Hai:

Charee Stanley, 40 tuổi, là tiếp viên hàng không của hãng ExpressJet. Với nhiệm vụ của một tiếp viên trên phi cơ, bà Stanley phải phục vụ nhu cầu của mọi hành khách từ nước uống thức ăn, hướng dẫn khi có trường hợp khẩn cấp, sắp xếp trật tự trong khoang hành khách... Thế nhưng câu chuyện trở nên phức tạp khi bà Stanley viện cớ tín ngưỡng Hồi giáo, không bưng rót rượu cho hành khách.

Bà Stanley được tuyển chọn vào hãng ExpressJet cách nay ba năm. Một năm sau bà cải đạo sang Hồi giáo. Theo giáo lý Hồi giáo, tín đồ đạo này không được dùng rượu và cũng không được bưng rót rượu mời người khác và luôn phải quấn khăn che tóc. Giới chức điều hành của ExpressJet tạo điều kiện dung hòa và khuyến cáo bà Stanley nên dàn xếp công việc với đồng nghiệp để không phải bưng rượu cho khách đi phi cơ. Câu chuyện đã rối rắm tưởng êm lại trở nên rối hơn khi một tiếp viên khác than phiền với cấp trên rằng bà Stanley không làm tròn nhiệm vụ của một tiếp viên. Thêm vào đó người này còn cho biết bà Stanley không những không chịu bưng rượu cho khách, còn quấn khăn và đọc loại sách gì đó có in chữ lằng nhằng.

Giọt nước làm tràn ly khi vào tháng Tám ngày 25, bà Stanley nhận được một văn thư của hãng ExpressJet cho biết không còn chấp nhận các đặc quyền với lý do tôn giáo dành cho bà nữa và cho bà nghỉ không lương. Văn thư còn cảnh báo hãng có thể chấm dứt hợp đồng công tác (tức sa thải) sau 12 tháng.
Cho rằng hãng ExpressJet bất công và kỳ thị, bà Stanley đệ đơn kiện với ủy ban Equal Employment Opportunity Commission - cơ quan liên bang thi hành và thực thi quyền dân sự chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Luật sư của bà nói rằng "Không một ai phải lựa chọn giữa tín ngưỡng và sự nghiệp." Trong đơn thưa bà Stanley cho biết bà muốn trở lại làm việc với mọi sự dễ dàng để bà vẫn tôn xùng tín ngưỡng của bà và công ty phải tạo bầu không khí an toàn tại nơi làm việc cho nhân viên.

Niềm Tin Tôn Giáo

Điều kiện tiên khởi để con người đến với tôn giáo là niềm tin. Không có niềm tin, con người không thể đến với đạo. Hẳn nhiên một khi đã có đạo, con người cũng đã tích tụ được một số vốn ít nhiều về giáo lý, cùng tuân thủ những phép tắc tôn giáo. Nhưng liệu người ta có thể viện dẫn tự do tôn giáo, áp dụng những phép tắc đó, niềm tin đó vào công việc hàng ngày. Nói tóm gọn: người ta có nên mang tôn giáo vào sở làm hay không?

Bà Kim Davis được bầu vào chức vụ trưởng phòng hộ tịch. Đúng lý ra bà phải làm tròn nhiệm vụ cử tri ủy quyền trao cho bà. Xem các đoạn video trên truyền hình do các phóng viên ghi nhận, người ta được nghe những người đồng tính nam đến lập hôn thú gào thét: "Chúng tôi đóng thuế để trả luơng cho bà, sao bà lại từ chối trách nhiệm đã được ghi rõ trong văn bản." Mẹ bà Davis cũng từng đứng đầu phòng hộ tịch trong 37 năm trước khi bàn giao cho con gái. Hiện nay Nathan, con trai bà Davis cũng là nhân viên dưới quyền bà Davis.
Cũng thế tiếp viên Charee Stanley, đã mang tín ngưỡng Hồi giáo vào sở làm. Công việc nào đụng chạm hay trái với giáo lý giảng dạy trong kinh thánh Coran thì bà Stanley từ chối không làm nhưng vẫn đòi bình đẳng. Vì bị từ chối nên bà gọi đó là kỳ thị tại sở làm.
Chỉ có điều không hiểu rồi một ngày nào đây lại có người viện cớ chay trường để không bưng dĩa bò lúc lắc hay tô phở tái nạm gầu cho thực khách được chăng?

Thursday, August 13, 2015

Vụ Kiện Da Cam

VỤ KIỆN DA CAM: THIẾU CHỨNG CỨ KHOA HỌC THUYẾT PHỤC

Tạ Phong Tần

Hôm nay (09/8/2011), toàn bộ báo đài “lề phải” đồng loạt đưa tin Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ hai đã khai mạc tại Hà Nội vào sáng 8/8/2011, do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức “đúng dịp 50 năm (10.8.1961-10.8.2011) thảm họa da cam ở Việt Nam”. Báo, đài cũng cho hay phía Việt Nam sẽ tiếp tục đưa vụ kiện đến một Tòa án khác ở Mỹ.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với danh nghĩa là do nhóm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin tổ chức hoạt động, nhưng lâu nay được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phú Việt Nam về mọi mặt. Nói cách khác, Hội này hoạt động dưới sự chỉ huy, lãnh đạo của đảng CSVN và nhà nước Việt Nam.

Vụ kiện “hậu quả chất độc màu da cam trong Chiến tranh Việt Nam” do nguyên đơn Việt Nam khởi kiện 37 công ty hóa chất Mỹ (đã sản xuất chất da cam) vào ngày 31/1/2004 đến Tòa án liên bang tại quận Brooklyn. Tuy nhiên, Tòa án liên bang bác đơn của nguyên đơn vì “bên nguyên chưa có bằng chứng khoa học chứng minh mối quan hệ giữa bệnh tật của họ với chất dioxin” là nguyên nhân cơ bản nhất trong số 3 căn cứ được liệt kê. Phía Việt Nam tiếp tục kháng cáo lên Tòa phúc thẩm, ngày 2/3/2009 tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn Việt Nam.
Suốt gần chục năm nay, báo chí trong nước liên tục đăng rất nhiều bài kể lể về nỗi thống khổ của những gia đình Việt Nam có người thân sinh ra bị dị tật, và cuối cùng báo chí tự kết luận nguyên nhân dị tật là do nhiễm chất da cam trong chiến tranh Việt Nam. Cũng theo báo “lề phải”, khu vực bị rải chất da cam là từ Đà Nẵng trở vào miền Nam, nhiều nhất là Đồng Nai (Biên Hòa).
Tất nhiên, nếu nguyên đơn khởi kiện ở Mỹ thì mọi nguyên tắc, thủ tục đều phải tuân theo pháp luật Mỹ, một đất nước vốn có hệ thống pháp luật chặt chẽ, chi tiết và đội ngũ luật sư cũng hết sức chuyên nghiệp, chuyên sâu.
Khi tôi học lớp đào tạo luật sư của Học viện Tư pháp (2007), các giảng viên thường nói vui rằng: Luật sư Việt Nam giỏi nhất thế giới, giỏi hơn cả luật sư Mỹ, bởi lẽ luật sư ở Mỹ mỗi người thường chỉ chuyên về một lĩnh vực. Ai chuyên thuế chỉ nhận các vụ việc về thuế, ai chuyên bảo hiểm chỉ nhận vụ việc về bảo hiểm, ai chuyên hình sự thì chỉ nhận vụ việc hình sự, v.v… Không phải như ở Việt Nam,vụ thượng vàng hạ cám bất cứ lĩnh vực nào, từ hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, thuế khóa, kinh doanh… chỉ cần một luật sư cũng nhận làm hết tuốt tuồn tuột.
Dù dở tệ cỡ nào, người hành nghề luật ở Việt Nam cũng biết rằng muốn đòi bồi thường tổn thất thì phải chứng minh được 3 điều: Thứ nhất, phải có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra; thứ 2, phải có hậu quả xảy ra (thiệt hại vật chất hoặc tinh thần); thứ 3, phải chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, tức là kết quả A’ phải do chính hành vi A mà ra, và ngược lại, nếu thực hiện hành vi A có thể thấy trước sẽ phát sinh hậu quả A’. Nói theo ngôn ngữ dân gian nôm na là “Nhân nào quả nấy”.
Ví dụ cụ thể hơn, ai cũng biết thuốc trừ sâu có thể gây ngộ độc dẫn đến chết người. Trong làng có nhà ông B, ông C, ông D đều dùng thuốc trừ sâu khi làm nông. Bà E bị ngộ độc thuốc trừ sâu. Bà E muốn đòi bồi thường trước nhất phải chứng minh được nguyên nhân bà E ngộ độc, từ nguồn nào (do phơi nhiễm từ các hộ B, C, D hay là bà E bị nhiễm từ các nguồn khác, độc chất khác, bà E tự làm cho mình ngộ độc…) chớ không thể “quơ đũa cả nắm” hễ ai trong làng nhiễm độc cũng đều “đè đầu” 3 hộ B, C, D bắt phải chịu trách nhiệm.
Trong vụ kiện da cam, phía nguyên đơn Việt Nam đã không chứng minh được điều này.
Từ trước đến nay, theo các báo “lề phải”, thông tin mà phía Việt Nam có được và trình ra trước Tòa chỉ chung chung theo kiểu “Tao mới mất búa mà hôm qua thấy mày chẻ củi thì mày chính là thằng ăn cắp búa”.
Ví dụ: Trường hợp ông Nguyễn Minh Thao, trước là bộ đội đóng quân ở Quảng Trị (1965-1971). Ông Thao là đối tượng được nhà nước cho hưởng trợ cấp chất độc da cam (xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây). Ông có 3 người con, 5 cháu nội ngoại. Bài báo không nói ông Thao bị biến chứng gì do nhiễm độc, các con ông Thao cũng bình thường. Nhưng cháu ông Thao là Đỗ Thúy Lan, 3 tuổi bị dị tật một bên tai, cháu Nguyễn Minh Tuấn vừa sinh ra đã bị u thanh quản, vậy là kết luận cháu ông Thao bị dị tật vì chất da cam từ ông Thao (Việt Báo ngày 18/7/2005).
Không hề có công trình nghiên cứu khoa học nào chỉ ra được ông Thao bị nhiễm chất da cam như thế nào, mức độ nhiễm, mức độ ảnh hưởng sức khỏe, vì sao con ông Thao không hề bị gì, tại sao cháu ông Thao bị dị tật, nguyên nhân từ bên nội hay là do di truyền từ bên ngoại, tình trạng sức khỏe bên ngoại cháu ông Thao thế nào, hay do chính người mẹ trong thời gian mang thai bị bệnh, dùng thuốc làm thai nhi bị ảnh hưởng, v.v…?
Chưa hề thấy công bố kết quả khảo sát, thống kê rõ ràng về một địa bàn nào đó. Ví dụ: Tỉnh Đồng Nai tại thời điểm bị rải chất da cam có bao nhiêu người sinh sống? Phía bên “đỏ” là những ai, bao nhiêu người bị phơi nhiễm? Hậu quả? Phía bên “xanh” là những ai, bao nhiêu người bị phơi nhiễm? Hậu quả? Dân thường là những ai, bao nhiêu người bị phơi nhiễm? Hậu quả? Mỗi loại chiếm bao nhiêu phần trăm dân số tỉnh?… Điều bất hợp lý là các nạn nhân mà phía Việt Nam lôi đi khắp thế giới để kiện cáo và lên án Mỹ toàn thấy con em bộ đội và một ít dân thường, không hề thấy ai thuộc thành phần “ngụy quân, ngụy quyền” cả. Chất da cam cũng có con mắt biết phân biệt “địch”, “ta” chăng?
Từ năm 1995 đến nay, tôi không ăn trái sơ-ri, sau khi nghe chính bà chủ vườn sơ-ri nói cho biết muốn sơ-ri sớm có trái thì phun thuốc diệt cỏ cho nó rụng lá, phun thuốc thúc ra hoa, khi có trái rồi trước khi hái bán lại phun thuốc diệt cỏ lần nữa cho trái đẹp. Thuốc diệt cỏ dùng trong nông nghiệp chẳng phải là chất khai quang hay sao? Người dân nào lỡ ăn loại sơ-ri này, hay chính bà chủ vườn, mai mốt bị phơi nhiễm chất khai quang rồi sinh con dị tật cũng đem đi kiện được chăng?
Hễ có đi bộ đội, cứ đã từng sống trong vùng bị rải chất da cam, mà sinh con có dị tật đều “đè đầu” đổ cho chất da cam hết. Lập luận kiểu đó, ngay cả kiện ra tòa án Việt Nam, căn cứ pháp luật Việt Nam mà xử công bằng thì không thể xử cho nguyên đơn thắng kiện được, nói gì đến pháp luật Mỹ.
Tôi cũng rất lấy làm lạ khi Việt Nam tự hào có hơn 2 ngàn vị tiến sĩ, mà không có lấy một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào về việc phơi nhiễm chất da cam được công bố một cách đàng hoàng. Trong khi, ai cũng biết rõ, với loại công trình nghiên cứu này, kinh phí thực hiện dễ dàng được “nhà nước ta” bảo kê 100%.
Điều này đặt ra những nghi vấn:
1- Lực lượng khoa học trong nước không đủ năng lực, trình độ làm công trình nghiên cứu khoa học?
2- Không thể chứng minh được các bệnh nhân (đã mang đi kiện) bị dị tật là do chất da cam?
3- Vụ kiện chất da cam chỉ là cái cớ cho những mưu đồ chính trị do đảng CSVN và nhà nước VN đứng giật dây phía sau lưng?

https://taphongtan.wordpress.com/2011/08/26/4130/

 https://www.blogger.com/blogger.g?blogID=2648274234669094769#editor/target=post;postID=6087771475724050465;onPublishedMenu=allposts;onClosedMenu=allposts;postNum=105;src=postname

Tuesday, July 7, 2015

Xe Phở Nhà Tôi



“Vì khách ăn quen rồi nên hay cho thêm phụ tùng như tương đen, tương ớt, húng quế, ngò gai, giá sống chứ chính gốc phở Bắc chỉ có ngò, hành là và vài lát hành tây. Nhưng dù thế nào thì phở Nhà Tôi cũng đảm bảo đầy đặn với nước trong, thịt filet mignon thật mềm, nhẹ nhàng thanh nhã,”

Đức Hà
OneViet.com

Thời gian gần đây, người qua lại trên đường William ở San Jose không thể không để ý đến một chiếc thùng vuông góc đặt trên bánh xe, bọc inox sáng loáng bên trên có mái che, với hai thùng tròn bốc khói nghi ngút liên tục từ sáng sớm đến tối khuya. Mỗi khi bác tài xế mở nắp thì mùi hồi, mùi bò xực vào mũi, tỏa rộng bay theo gió. Và người đứng tận bên kia đường đôi khi cũng thấy thoang thoảng mùi bò lại đâm thèm. Bên trên thùng là một tủ kiếng bày mấy bó hành, vài trái cà chua, chanh, ớt, và củ hành tây. Lẽ dĩ nhiên người Việt phải ngạc nhiên kêu trời: “Ồ xe phở Việt Nam kìa!” Nguời Mễ hay Mỹ thì không thể hiểu tại sao bao nhiêu tiệm bán noodle soup của nguời Việt, lại chỉ có mỗi tiệm này có cái xe lạ lùng như vậy.

“Quê hương, kỷ niệm Việt Nam đấy,” chủ nhân nhà hàng Nhà Tôi, Bùi Thị Trường, hãnh diện giới thiệu, trong lúc tay không ngưng rắc tiêu, nêm thêm chút nước mắm đặc biệt vào tô tái bằm bàn số 2.
Rồi chị tâm sự “nhà hàng đã có phở chính gốc hương vị Bắc từ ngày khai trương, nhưng vẫn cảm thấy thiếu thiếu điều gì.”
Cái thiếu thiếu đó là một chiếc xe phở, mà khắp nơi ở Việt Nam mỗi tiệm bán phở, mì hủ tíu, bánh mì thịt nguội hay bột chiên đều có một chiếc xe thiết kế đặc biệt đặt ngay phía trước.
Từ suy nghĩ đó đưa đến việc đặt làm một chiếc, to hơn, rồi tháo rời và gởi đường tàu sang Mỹ.
“Xe phở mang hình dáng Việt Nam nhưng là tiêu chuẩn vệ sinh Mỹ tức đã được Sở Y Tế County cho phép sử dụng,” chị giải thích.

Xe Phở

Hỏi sao trong tủ kiếng chẳng thấy treo miếng thịt bắp, miếng gân, miếng nạm hay con gà luộc, chị cho hay thịt phải để lạnh, mang ra làm cũng phải để trên khay đá cho đến khi nhúng vào nước lèo. Chẳng thế nên cây quạt điện nhỏ đuổi ruồi – vẫn thường thấy bên nhà, trở nên không cần thiết. Tại Mỹ, không thể phơi thịt khơi khơi ở bên ngoài, rồi sau đó thái ra làm cho khách ăn.
Không chỉ chiếc xe, một hàng ghế và bàn thấp đặt dọc theo vách tường càng làm cho cảnh tượng thêm hương vị Việt Nam. Khách có thể ngồi ngay hàng hiên hay vào bên trong để thưởng thức tô phở nóng hổi, bốc khói.
“Vì khách ăn quen rồi nên hay cho thêm phụ tùng như tương đen, tương ớt, húng quế, ngò gai, giá sống chứ chính gốc phở Bắc chỉ có ngò, hành là và vài lát hành tây. Nhưng dù thế nào thì phở Nhà Tôi cũng đảm bảo đầy đặn với nước trong, thịt filet mignon thật mềm, nhẹ nhàng thanh nhã,” chị Trường tiếp thị món phở truyền thống.

Với thời gian món phở Bắc cũng đã biến đổi nhiều khi di cư vào Nam cũng như sau khi vượt biên sang Mỹ. Nước lèo váng mỡ, béo ngầy ngậy nay phải là nước thật trong nhưng vẫn ngọt ngào đậm đà của xương của thịt được hầm từ ngày trước chung với củ hành nướng, củ gừng và nhiều gia vị bí mật khác, rồi để nguội và vớt váng mỡ. Từ thịt gà thường, nay phải là gà dai, gà đi bộ. Thịt bò từng được thái bằng bàn tay điêu luyện lành nghề và con dao thật bén, thì nay được máy sản xuất hàng loạt lát thịt mỏng đều đặn chỉ với một nút bấm. Nhưng máy lại không chẻ được hành, thế nên năm ngón tay, con dao bài thật sắc lại được sử dụng.
“Khi khách yêu cầu hành trần, thì tại Nhà Tôi hành trần được chẻ hoa rất thi vị,” chị Trường tươi cười quảng cáo.

Là một nghệ sĩ, yêu phim ảnh, ca nhạc văn nghệ, chủ nhân Bùi Thị Trường - mẹ của hai đạo diễn điện ảnh Tim Bùi và Tony Bùi, chủ trương thức ăn ngon không đủ mà phải mang tính nghệ thuật. Nghệ thuật cao là đằng khác.
“Vì tính đam mê nghệ thuật đó mà chính mình lại tự làm khó, làm khổ mình đấy!” chị nói.
Vào mùa hè, xe phở sẽ treo thêm chiếc đèn bão (măng-xông) khi màn đêm phủ xuống và khi phở tiếp tục được phục vụ khách từ 10 giờ tối.
“Chẳng hạn cái tô cũng thành vấn đề; sau khi suy tính thì Nhà Tôi chỉ có một loại tô duy nhất là trung bình, lớn hơn tô nhỏ và nhỏ hơn tô lớn so với các tiệm khác. Hệt như làm dâu trăm họ,” chị phân trần nhưng dường như rất thích thú.
“Nào là bánh lớn, bánh nhỏ, nào là ít bánh, không hành, nhiều nước, tái để ngoài, gà bỏ da … lấy order mà biên không khéo là lộn ngay thôi, nhưng dứt khoát là phải làm vui lòng khi khách đi.”

Bếp Chính

Với hàng chục năm đứng bếp chuyên trị phở từ Việt Nam, đầu bếp Nguyễn Thế Toàn, năm nay gần 60 nói rằng nấu phở dễ thôi. Chỉ là chuyện nhỏ.
“Đầu tiên là nhúng bánh và tráng tô cho nóng. Bánh tươi sợi lớn nhúng thì nát nên chỉ tráng tô thôi. Bánh nhỏ nhúng vừa phải, nhúng quá đâm nát. Sau đó xếp thịt thái sẵn hoặc bằm, thêm hành, xối nước lèo đều lên trên thế là xong, mời khách xơi.”
Nói vậy nhưng không phải vậy. Chỉ thử mở nắp thùng nước sôi hay thùng nước lèo (còn được gọi là nước dùng) thì biết ngay sự thật: hơi nước nóng bốc nghi ngút cay sè mắt khiến chẳng còn thấy hành đâu mà vớt cho kịp để đạt tiêu chuẩn hành trần thay vì hành luộc.
Tô phở $5.75 được rắc thêm tiêu, nêm chút nước mắm và một tiếng hô to “bàn số 5” chấm dứt quy trình trong bếp. Tô phở đặt lên khay cùng với dĩa rau tươi được chuyển tiếp đến vị khách bụng cào đói.

Khai trương cách nay hơn một năm, nhà hàng Nhà Tôi với thực đơn đặc biệt quê hương như cá nục kho mía, cá thu kho riềng, canh mồng tơi, canh rau đay mướp cua, cà pháo mắm tôm, giò heo giả cày và một dàn các loại mắm như mắm thu chà Quy Nhơn, mắm tôm chà Gò Công, mắm Bắc xủi bọt … nhằm cố gắng mang lại cho thực khách một món ăn gợi nhớ, một kỷ niệm, một góc Việt Nam trong lòng.
“Chúng tôi nuôi cả mẻ để làm giả cày cho thật đúng điệu.”
Ngoài phục vụ món ăn, Nhà Tôi còn là nơi tụ tập văn nghệ nhà nghề cũng như cây nhà lá vườn.
“Sau khi hết khách, đóng cửa hạ màn che, anh chị em nghệ sĩ, bạn bè ở gần hay từ xa đến lại xúm tụm nhau, hát hò, chè chén vui chơi đến sáng,” người phụ nữ, cựu học sinh trung học Nha Trang giới thiệu chương trình không có trong menu, mắt sáng rực, niềm vui tràn đầy che lấp nỗi cực cằn của nghề mở nhà hàng, một nắng hai sương, làm dâu vài … trăm họ.

                                                         Bài  được đăng trên OneViet 06/29/2007