Trong buổi họp báo thứ
Hai vừa qua tại Tòa Bạch Ốc, phát ngôn viên Sarah Sanders cho hay Tổng Thống
Donald Trump đang cứu xét tước quyền đặc miễn dành cho các giới chức cấp cao
trong chính quyền trong đó có quyền được tham khảo các tài liệu hay thông tin
mật hoặc tự do ra vào các khu vực hạn chế. Những nhân vật được nêu tên đều là
thành viên chính quyền trước đây: Giám Đốc CIA John Brennan, Giám Đốc FBI James
Comey, Phó Giám Đốc FBI Andrew McCabe, Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia James
Clapper, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice và Giám Đốc CIA Michael Hayden.
Các quan chức này cũng
được nhắc đến trong bài viết của tác giả Newt Gingrich - nguyên Chủ Tịch Hạ
Viện Hoa Kỳ từ 1997 đến 1999. Bài viết của ông giải thích mối quan hệ phức tạp
của ba vị Tổng Thống Trump, Putin và Obama đồng thời cho thấy một quan điểm trái
chiều với truyền thông Dân Chủ cấp tiến. Bài "Newt Gingrich: The truth about Trump, Putin, and Obama" được đăng trên trang mạng Fox
News, Đức Hà chuyển ngữ.
Cuộc họp thượng đỉnh của hai vị Tổng Thống Trump và Putin ở Helsinki , Phần Lan đã tạo
ra cơn bão mâu thuẫn và tranh cãi. Ông Trump có vẻ như công khai đứng về phía
nhà độc tài Nga Vladimir
Putin phê phán các cơ quan tình báo Mỹ.
Nhìn bề ngoài ngay từ đầu trông tệ hại đến nỗi tôi phản ứng
mạnh khi tweet: "Tổng Thống Trump phải làm rõ các lời phát biểu của ông
tại Helsinki về
hệ thống tình báo Mỹ và ông Putin. Đây là lỗi lầm nghiêm trọng tệ hại nhứt
trong nhiệm kỳ tổng thống và cần phải sửa sai ngay tức thì." — Newt
Gingrich (@newtgingrich) July 16, 2018
Sau khi từ Helsinki trở về Mỹ và tham khảo các băng ghi hình
cùng bản chép lại cuộc họp báo với ông Putin, Tổng Thống Trump nói "Ông
hoàn toàn tin tưởng và hậu thuẫn các cơ quan tình báo tuyệt vời của Mỹ" và
chấp nhận "kết luận của tình báo Mỹ rằng Nga có can dự vào cuộc bầu cử năm
2016."
Thêm vào đó qua phản ánh với Quốc Hội được truyền hình rộng
rãi, ông Trump nhìn nhận rằng ông cần làm sáng tỏ lời phát biểu ở Helsinki . Ông nói:
"Điều rất rõ ràng - tôi nghĩ rằng sẽ rõ ràng - nhưng tôi muốn làm cho rõ hơn, nếu thực tế
không được trong sáng. Trong một câu phát biểu, tôi đã dùng từ
"would" thay vì "wouldn't". Câu nói của tôi phải hiểu như
sau: "I don’t see any reason why I wouldn’t – or why it wouldn’t be Russia .
Tôi nhắc lại là tôi dùng từ "would" thay vì phải
"wouldn't." (Tôi không thấy có lý
do nào để nói không phải là người Nga - tức là chính Nga)
"Trong nhiều thời điểm, tôi đã nhấn mạnh tình báo Mỹ đã
phát hiện Nga có toan tính can dự vào các cuộc bầu cử của Mỹ. Không như các
chính quyền trước, chính quyền hiện tại đã và sẽ có những biện pháp mạnh mẽ
ngăn chận các nỗ lực đó. Chúng tôi sẽ làm mọi cách trong khả năng để ngăn chận
Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử năm nay 2018."
Đối với những ai nghiên cứu về Tổng Thống Trump đều thấy
rằng ông ghét nhìn nhận mình bị lầm lỗi. Cách ứng xử thường tình của ông là lờ
đi và tiến bước sang chuyện khác. Nhưng lần này, đối với cá nhân ông ta đây là
một chỉnh sửa quan trọng (như tôi khẳng định trước đó rằng đây là điều tuyệt
đối cần thiết phải làm)
Trong chuyến công du tại thủ đô Helsinki vừa qua Tổng Thống Trump nhắc nhở
mọi người rằng chính quyền Obama đã không làm đủ trách nhiệm trong việc ngăn
chận Nga can dự vào bầu cử. Tổng thống nhấn mạnh rằng Tổng Thống Obama và các
cố vấn có đầy đủ thông tin rằng Nga đã tìm cách can thiệp vào bầu cử nhưng họ
lại lờ đi, bởi vị họ tin chắc rằng ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton sẽ thắng
cử.
Ông Trump nói: "Tổng Thống Obama, cùng với Giám Đốc CIA
lúc đó là ông John Brennan và Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia James Clapper
và toàn thể bộ sậu mà quý vị thấy xuất hiện trên hệ thống TV hiện nay - không
chừng đã được các cơ quan truyền thông của quý vị chung tiền hậu hĩnh - họ biết
Nga toan tính can thiệp vào bầu cử hồi tháng Chín, và họ hoàn toàn chôn vùi
điều đó đi. Và như tôi từng nói, họ chôn vùi vì nghĩ rằng bà Hillary Clinton
rồi ra sẽ thắng cử. Kết quả là điều ngược lại đã xảy ra.
"Trái lại, chính quyền của tôi đã có một lập trường rất
cứng rắn - tôi nói lại là rất cứng rắn trong hành động chống trả. Chúng tôi sẽ
có biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ sự toàn vẹn của hệ thống và tiến trình bầu cử."
Có hai điểm chính yếu cần nêu lên qua phát biểu của Tổng
Thống Trump.
Một là chính những người lớn tiếng chỉ trích Tổng Thống
Trump về quan điểm của ông tại Helsinki
cũng chính là những người không làm tròn nhiệm vụ trong việc bảo vệ nước Mỹ
chống lại sự can thiệp của Nga vào kỳ bầu cử 2016. Cường độ và sự hung hãn của
cựu Giám Đốc CIA Brennan và cựu Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia Clapper là một toan
tính nhằm đánh lạc hướng dư luận về sự thất bại của họ trong công tác bảo vệ
nước Mỹ. Đó chính là nhiệm vụ của họ trong năm 2016 chớ không phải của ứng cử
viên Donald Trump.
Thứ hai là chính quyền hiện nay cho thấy đã cứng rắn hơn
nhiều so với dưới thời Obama dù chỉ mơ được như vậy. Chính quyền Trump đã có
những biện pháp cụ thể nhằm làm suy yếu nước Nga và buộc Tổng Thống Putin phải
thay đổi hành vi xâm lược. Chính quyền hiện tại đã ban hành những biện pháp
trừng phạt nghiêm ngặt đối với Nga. Thêm nữa, lời phát biểu công khai của Tổng
Thống Trump về nước Đức không nên mua khí đốt thiên nhiên từ Nga là nhằm cắt
đứt nguồn cung cấp ngoại tệ nặng (đô-la) lên đến hàng chục tỉ và đồng thời làm
suy yếu hơn nữa nền kinh tế của Nga. Chưa hết, nỗ lực của ông Trump đốc thúc
các đồng minh Châu Âu gia tăng chi tiêu về quốc phòng sẽ ảnh hưởng trực tiếp
đến Putin. Tổ chức NATO hùng mạnh bao nhiêu thì nước Nga càng khó xoay xở bấy
nhiêu.
Ngoài việc tạo áp lực vào các quốc gia đồng minh, Tổng Thống
Trump còn có các biện pháp cụ thể đối với Nga như:
Khi ông Obama khước từ không cung cấp vũ khí tấn công cho
Ukraine để nước này tự bảo vệ biên giới thì Tổng Thống Trump thông qua lệnh bán
vũ khí giúp Ukraine khiến Nga phải trả giá đắt hơn cho hành vi xâm lấn của
mình.
Khi Nga dùng vũ khí hóa học ở Anh, ông Trump đã sát cánh
cùng với đồng minh và trục xuất 60 nhân viên tình báo Nga ở Hoa Kỳ.
Khi Nga trả đũa, chính quyền Trump đóng cửa lãnh sự quán Nga
ở Seattle .
Trước đó cơ quan lãnh sự Nga ở San Francisco
cũng được lệnh phải giải tán cùng với vài cơ sở nhỏ hơn ở Washington
và New York .
Hơn 100 công dân Nga và công ty đã bị những chế tài vì nhiều
lý do khác nhau.
Cho dù có sự cuồng loạn của cánh tả, không thể nào nói khác
hơn là chính quyền hiện nay rất cứng rắn đối với Nga.
Những gì diễn ra ở Helsinki
không hề làm cho chế độ Putin nhẹ nhàng hơn trong lúc phải đối phó với nền kinh
tế suy xụp và nền ngoại giao cô lập do chế độ khắc nghiệt.
Sau cùng, tôi có vài điều ngắn gọn về ngôn từ chỉ trích mạnh
mẽ và những lời bình phẩm ác ý về vị nguyên thủ Hoa Kỳ.
Chúng ta đang ở trong thời kỳ sơ khởi cuộc nội chiến văn hóa
trong đó phía tả đang tự xem là thua cuộc. Đó là điều khiến tôi viết cuốn sách
bán chạy nhứt theo tờ New York Times “Trump’s America : The Truth About Our Nation’s
Great Comeback."
Với thời gian, cánh cực đoan cấp tiến của đảng Dân Chủ ngày
càng chiếm lĩnh nhiều hơn vị trí thượng phong. Với việc Tổng Thống Trump đề cử
Thẩm Phán Brett Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, điều rõ ràng cho thấy
là bất cứ ai được ông Trump đề cử cũng bị tấn công. Sự thật hiển nhiên là bốn
thẩm phán nằm trong danh sách sau cùng đều nằm trong tầm nhắm chống đối, cho dù
ông có chọn ai.
Cũng vậy, các giới chức phụ trách an ninh quốc gia thời
Obama đều quyết tâm dùng ngôn từ khắc nghiệt nhứt để tấn công Tổng Thống Trump.
Tôi nghĩ rằng những phát biểu nặng lời như vậy và sự cuồng loạn của họ bắt
nguồn từ chính sự phạm tội của họ.
Cho dù Nga có hành vi gì đi nữa đều diễn ra dưới thời
Brennan giữ chức vụ Giám Đốc CIA, Clapper phụ trách cơ quan An Ninh Quốc Gia,
và James Comey làm Giám Đốc FBI. Các giới chức này tấn công hung bạo Tổng Thống
Trump chỉ để che dấu sự thất bại và mặc cảm tội lỗi của chính họ. Quý vị nên
nhớ điều đó nếu thấy họ xuất hiện trên tivi.
Tôi tiên đoán rằng Tổng Thống Donald J. Trump sẽ vẫn cứng
rắn với Nga, và cuộc họp báo ở Helsinki
phải được hiểu một cách chính chắn.
No comments:
Post a Comment