Friday, December 30, 2016

Người Có Số Làm Tổng Thống

Đức Hà

 Chuyện bầu cử 2016 như vậy là chấm dứt chỉ còn chờ ngày đăng quang nhậm chức 20 tháng Giêng 2017. Ứng cử viên nào có tướng mệnh vững tốt, công danh sáng ngời, quan lộc có Tả Phù chiếu thăng quan tiến chức ... đại loại như thế sẽ là Tổng Thống thứ 45 của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Vị trí lãnh đạo tối cao đó rõ ràng đã về tay nhà tỷ phú Donald John Trump. Nhưng đường công danh của ông không thuận buồm xuôi gió: chông gai, trắc trở, đánh phá, bôi bẩn, trúc trắc ... ông lãnh đủ suốt, từ A đến Z.

Đầu tiên để được đảng Cộng Hòa đề cử, ông Trump phải đấu tranh đánh hạ 16 đối thủ cực kỳ "nặng ký". Phải nói thật là 16 nhân vật kia đều là những tay lão luyện trong ngành hành pháp hay lập pháp: nếu không từng là Thống Đốc thì hiện cũng là Thượng Nghị Sĩ ngoại trừ một bác sĩ hưu trí là ông Ben Carson. Duy nhứt chỉ có hai doanh nhân là bà Carly Fiorina - từng làm CEO của HP, và ông Trump. Hỏi một thường dân gốc Việt xem có ai biết Donald Trump không thì câu trả lời đại khái chỉ vỏn vẹn bấy nhiêu: "Ông ta là đại gia, là chủ khách sạn, ai đi Vegas đều thấy khách sạn màu vàng chói của ông."
Nói như vậy để thấy rằng ông Trump được đánh giá không mấy chính xác chỉ là người có tiền của, là chưa đánh đã thua, chưa thi đã rớt - nói theo ngôn ngữ nhập từ quê nhà đưa qua là "thua ngay từ khâu gởi xe." Nói vậy mà không phải vậy. Ông Donald Trump là cả một nguồn năng lực dường như vô bờ bến, một đầu óc bén nhậy sắc sảo và mưu trí, một tài năng chưa bột phát, chưa có dịp thi thố từ trước đến nay trong vai trò lãnh đạo công quyền. Ít ra là cho tới nay người ta phải công minh mà suy xét như vậy. Nếu không thì ông đã bị lọt sổ ngay từ thủa ban đầu tức thời kỳ tuyển chọn sơ bộ - primaries, năm 2015 rồi.

Sau khi được đảng đề cử, ông lại phải chạy đua thi thố tài năng với ứng viên khổng lồ của đảng Dân Chủ là cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, người vai vế với hồ sơ lý lịch dày cộm. Nếu thi tài với Bernie Sanders thì khả năng thắng tương đối nhưng thi thố với bà Clinton chắc chắn phần thua phải về ứng viên Trump - người bị tố giác đủ thứ bê bối suốt từ hồi trai trẻ cho đến tận ngày hôm nay. David đấu với Goliath: Được hầu như toàn bộ hệ thống truyền thông dòng chính (thiên tả) hậu thuẫn tối đa, được phu quân là cựu Tổng Thống Clinton lẫn Tổng Thống Obama hết lòng ủng hộ, đương kim Đệ Nhất Phu Nhân cũng không ngớt lời cổ võ động viên, và trên hết được cử tri khắp USA sẵn sàng đóng góp tiền bạc và nhân lực cho quỹ tranh cử và hậu thuẫn cả hai tay ... và nhiều điều tích cực nữa. Chưa hết, ngay cả một số đồng chí đồng đảng Cộng Hòa với ông Trump cũng chém vè. Tất cả 100% thăm dò trước ngày Tám tháng 11 đều khẳng định ứng viên có chủ trương Stronger Together dứt khoát phải thành công, thành công, đại thành công. Ấy vậy mà thua. Đau.

Hoạn Lộ

Không hanh thông. Sự thật đúng như vậy, như mọi người đều thấy cho dù phe Dân Chủ hay Cộng Hòa. Kết quả chung cuộc của Tổng Tuyển Cử cho thấy ông Trump thua bà Clinton đến gần ba triệu phiếu. Số cách biệt quá lớn cho thấy cử tri Mỹ rất muốn có một nữ tổng thống. Tuy nhiên ông Trump lại thắng nước rút nhờ hệ thống bầu cử quy định rằng phiếu bầu của Cử Tri Đoàn mới là quyết định sau cùng. Ông được 304 phiếu và bà Clinton được 227. Người dân đi bầu - không phải toàn thể nhân dân Mỹ, đã nói tiếng nói của mình qua lá phiếu. Sự thật không tranh cãi là dàn phụ tá, cố vấn trong chiến dịch tranh cử của ông Trump quá xuất sắc, dùng thế yếu về tài chính và nhân sự để đánh vào sơ hở là quá tự tin quá kiêu của đối phương để ghi bàn. Phía ông Trump mai phục và trường kỳ kháng chiến ở vùng xưa nay vốn là những bang lưng chừng - swing states. Báo mạng The Federalist ở Virginia phạng một câu điếng người: "Chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton thất bại không phải vì Nga, FBI, hay tin giả hiệu, nhưng bởi một loạt những quyết định sai lầm khó đỡ của giới chóp bu ở Brooklyn." Đó là cây đinh cuối cùng đóng chặt nắp hòm. Trong khi đó ông Trump ở vị thế dưới cơ lại sử dụng chiến thuật - cứ tạm gọi lấy nhu thắng cương cộng với lối phát biểu bạt mạng, gặp đâu nói đó nhưng đánh đúng tâm lý những điều người dân trung lưu muốn nghe. Báo chí cứ thế khai thác triệt để, có dè đâu càng khai thác, càng bôi bác thì ông Trump càng được chú ý, càng nổi đình đám hơn. Chính những người bị bỏ quên đó vùng Rust Belt đã chọn ông Trump. Quả là khôn.

Như vậy tưởng như ván đóng thuyền chờ ngày tuyên thệ nhậm chức? Không hẳn thế. Đầu tiên là biểu tình xuống đường rầm rộ xô xát đổ máu đều khắp với biều ngữ “Not My President” ngay sau ngày Tám tháng 11. Kế đến là hai chuyện: kiểm phiếu ở các bang quyết định then chốt và thỉnh nguyện thư sửa luật bầu cử - chủ yếu là bãi bỏ Electoral College. Lại bao nhiêu công sức, tiền của đổ vào chuyện - mới nghe thì đúng, nhưng nhìn kỹ lại thì sai ngay từ đầu. Ứng viên thuộc đảng Xanh mở chiến dịch quyên góp tiền bá tánh để chi trả cho phí đếm phiếu lại chỉ đạt không đầy 1,5 triệu phiếu phổ thông thì không có lý do gì để đòi kiểm phiếu. Thế là ông tòa phán quyết dẹp ngay. Thỉnh nguyện thư đề nghị sửa luật bầu cử cũng chìm xuồng vì thủ tục cực rắc rối khi đụng đến Hiến Pháp Hoa Kỳ được biên soạn từ thời lập quốc. Cho đến ngày 19 tháng 12 vừa qua khi các đại biểu thuộc Cử Tri Đoàn chính thức bỏ phiếu chọn tổng thống và phó tổng thống cho nhiệm kỳ bốn năm tới, người ta lại thấy dấy lên phong trào xuống đường trước các nghị viện tiểu bang kêu gọi các đại biểu không theo quy định winner-takes-all mà bầu theo lương tâm. Sáng kiến muộn màng này làm ông Trump mất hai phiếu và bà Clinton sụt thêm bốn phiếu so với kết quả ban đầu. Vết thương chưa lành lại rướm máu.
Thế nhưng chuyện đâu đã êm. Bất thình lình cả đương kim Tổng Thống lẫn hai cơ quan an ninh xừng xỏ là FBI và CIA đều đồng thanh đồng loạt một tiếng nói rằng Nga xâm nhập bầu cử Mỹ cố tình tạo thuận lợi cho ứng viên Donald Trump - người được mô tả là có cảm tình với Tổng Thống Nga Vladimir Putin.

Cho đến nay chưa thấy dẫn chứng chi tiết nào về vụ hack này, chưa thấy những phụ nữ từng cáo buộc ông Tump sàm sỡ, miệt thị tiếp tục chương trình nghị sự; chỉ thấy ông Trump phải dàn xếp êm vụ kiện liên quan đến đại học Trump University và hứa đóng cửa hội từ thiện Trump Foundation - cũng đang bị điều tra. Báo chí thì vẫn gán cho ông các danh hiệu không mấy thân thiện như kỳ thị, thành kiến Hồi giáo, bài ngoại, ghét cánh phụ nữ, phân biệt đối xử Do Thái - racist, Islam phobic, xenophobic, misogynistic and anti-Semitic. Tuy nhiên lại thấy lãnh tụ Tập Cẩm Bình bên kia bờ Thái Bình Dương có vẻ lo chỉ vì một cú điện thoại với Bà Tổng Thống Đài Loan, thấy thế giới rất ư ngại ngùng khi ông Trump có ý muốn hồi phục thế thượng phong về vũ khí nguyên tử của Mỹ. Cùng lúc cuối năm lại thấy Tổng Thống Obama được chấm điểm cao 56% thuận lợi theo thăm dò của viện Gallup trong khi phần lớn các vị tiền nhiệm chỉ đạt 52, 53%. Nhưng cụ thể là dưới tám năm của ông Obama đảng Dân Chủ từ chiếm đa số ghế tại Quốc Hội lại tụt xuống để Cộng Hòa vươn lên nắm cả hai viện và tương lai khó tránh là luôn cả đa số trong Tối Cao Pháp Viện. Tin cho biết đảng Dân Chủ mất tổng cộng 1,042 ghế ở cấp tiểu bang, liên bang, kể cả cấp thống đốc, và sau cùng là ghế trong Tòa Bạch Ốc.

Bốn Năm Tới

Với lối phát biểu ngắn gọn thẳng thừng hầu như chỉ qua mạng Twitter, vui lắm thì thêm một video clip trên YouTube mà có người cho là bốc đồng, người bảo đầy tính toán cân nhắc, đầy ý đồ mà trong thời tranh cử ông bị gán cho danh hiệu không đủ chuẩn để làm tổng thống - unfit for president. Thế nên người có nhìn xa trông rộng cách mấy cũng không tiên đoán nổi bước đi sắp tới của tân Tổng Thống Donald Trump sẽ như thế nào. Liệu ông có làm sạch khu bùn lầy nước đọng ở D.C., có cải tổ hệ thống an sinh xã hội, sửa đổi luật di trú, bãi bỏ kế hoạch sản xuất thêm chiến đấu cơ F-35, có thân thiện với Nga, có ngăn Trung bằng thiết lập thế mạnh của Mỹ ở Biển Đông và vv ... chưa ai dám đoan chắc cho đến sau 20 tháng Giêng 2017.

Nhưng nếu dựa vào cuốn The America We Deserve của tác giả Donald Trump - xuất bản năm 2000, thì đây là sơ lược vài điểm được nêu ra trong sách:
  • Về phá thai: cho phép phụ nữ được chọn lựa nhưng cấm chỉ phá thai vào tháng thứ năm hay sáu - ban partial-birth abortion.
  • Về dân quyền: chủ trương đa chủng đa sắc tộc nhưng ngăn chận triệt để tội ác do hận thù giới tính, màu da, tôn giáo
  • Về đối ngoại: chấm dứt trò ngoại giao trên bàn cờ tướng mà phải ngả giá, thương lượng luôn đặt quyền lợi nước Mỹ lên trên hết. Cứng rắn với Trung Quốc, hậu thuẫn với Nga nhưng có điều kiện.
  • Về mậu dịch: duyệt xét lại tất cả các hiệp ước mậu dịch, đặt điều kiện công bằng cho các bên ký kết.
  • Về di dân: bảo vệ biên giới,  ngay cả vấn đề di dân hợp pháp cũng chặt chẽ
(xem thêm chi tiết tại đây: http://www.ontheissues.org/America_We_Deserve.htm)

Nếu tám năm trước đây tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ thắng cử với khẩu hiệu "Change We Can Believe In" rồi tám năm sau vẫn không có bao nhiêu đổi thay - nếu không nói là bế tắc trì trệ, nợ công tăng vọt thì nay với một vị tổng thống tranh cử với chủ đề xóa bài làm mới lại "Make America Great Again" thì chẳng khác một cuộc cách mạng. Liệu cách mạng sẽ thành công chăng?
Câu trả lời là "không" theo Tổng Thống Barack Obama - người sắp phải bàn giao Phòng Bầu Dục cho người kế nhiệm. Trong cuộc phỏng vấn mới đây ông phát biểu nếu có nhiệm kỳ ba thì ông lại thắng lớn. Ông nói:
"Trong chiều hướng đó thì tôi hoàn toàn tự tin và đoan chắc rằng nếu - nếu ra tranh cử lần nữa và phát huy hết khả năng, thì tôi nghĩ có thể huy động một đa số nhân dân Mỹ đứng sau lưng tôi."
Phản hồi của tổng thống tân cử rất ngắn và gọn, nhưng không kém phần ngang tàng - cũng vẫn qua mạng Twitter: "No way."


Friday, November 11, 2016

BẦU CỬ 2016: Hy Vọng và Thất Vọng

 Đức Hà

Cuộc tranh cử và tranh tài đầy kịch tính và khốc liệt đã kết thúc đêm thứ Ba vừa qua với kết quả nghiêng về đội Cộng Hòa. Hai kỳ phùng địch thủ, cạn tầu ráo máng từ lời nói đến cử chỉ xỉa xói nhau đã chấm dứt khi bên thắng cuộc ngỏ lời với bên thua cuộc:
"Đây là lúc để nước Mỹ hàn gắn vết thương chia rẽ; hãy cùng nhau chung sức xây dựng đất nước. Cử tri Cộng Hòa, Dân Chủ hay độc lập trên toàn quốc, tôi muốn gởi đến quý vị lời thỉnh cầu rằng đây là lúc để chúng ta một lòng đoàn kết thành một khối.
Thời điểm đã đến rồi. Tôi xin hứa với mọi người dân trên giang sơn này rằng tôi sẽ là tổng thống của mọi người, và đó là điều hết sức hệ trọng đối với tôi. Với những người trong quá khứ đã không ủng hộ tôi, mà số lượng không phải là ít ... tôi rất trân trọng được nghe lời chỉ giáo cùng sự giúp sức để chúng ta cùng nhau cộng tác và hợp nhất quốc gia vĩ đại này."

Nếu Hoa Kỳ bắt đầu một kỷ nguyên mới thì kết quả bầu cử vừa qua đã làm không ít người thất vọng đau buồn đến rơi nước mắt và cùng lúc với bao nhiêu người hả hê hy vọng vào một Hoa Kỳ hùng mạnh hoặc cả hai vừa thất vừa hy. Người này bất mãn vì thần tượng xụp đổ, người kia bực tức vì mong muốn có một nữ tổng thống lại không gặp may. Và rồi họ trút bực tức lên chữ viết trên mạng xã hội cả người Mỹ lẫn người Việt, làm như quên hẳn yếu tố thiểu số phục tùng đa số. Còn dạng người xưa nay vốn thờ ơ với chuyện chính trường - mà lại chiếm tỷ lệ không nhỏ, không ngần ngại nói rằng phải chi họ không ra ứng cử thì mấy ai biết và quan tâm những chuyện thâm sâu bí hiểm phía sau bộ mặt thật. Thật vậy đâu có bao nhiêu người biết bà Clinton sử dụng một hệ thống máy chủ (server) đặt tại nhà riêng, hủy mấy chục ngàn điện thư khi cơ quan FBI muốn thanh tra hay bà và cựu Tổng Thống Clinton cùng con gái đã vận động bao nhiêu tiền của cho quỹ Clinton, Inc.; và cũng nào ai biết cách nay mười mấy năm chàng trai trẻ Trump có những lời lẽ xúc phạm phụ nữ trong phòng thay quần áo, hay chàng đã lợi dụng khe hở của luật thuế để tránh né ... cùng nhiều vấn đề khác nữa. Kết quả là qua ba cuộc tranh luận công khai cùng các chuyến đi vận động, cả nước Mỹ đều biết rõ từng mặt trái của mỗi ứng viên. Sau cùng có thể cử tri đành chọn người ít xấu nhất giữa hai người - the lesser of the two evils.

Vài tiếng đồng hồ sau khi đối thủ Donald Trump ngỏ lời với nhân dân Mỹ sau khi thắng cử, bà Hillary Clinton đã có lời phát biểu - được cho là hay nhất và đau nhất từ 17 tháng qua. Bà nói: "Thật là đau lòng và nỗi đau này sẽ kéo dài trong thời gian lâu."
Nhưng bà cũng hối thúc người dân hãy chấp nhận kết quả để cuộc chuyển quyền diễn ra trong êm thắm.
"Ông Donald Trump sẽ là Tổng Thống của chúng ta. Chúng ta nên đón nhận ông với một tinh thần cởi mở và cho ông cơ hội để lãnh đạo."
Bà cũng không quên nhắc nhở những người ủng hộ hãy tiếp tục công cuộc đấu tranh.
"Thất bại này thật đau đớn, nhưng xin đừng bao giờ từ bỏ niềm tin rằng đấu tranh cho lẽ phải rất xứng đáng."
Nào ai có thể ngờ ứng viên sáng giá, một cựu Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ, với bao kinh nghiệm lãnh đạo hành pháp, lập pháp, tư pháp, chiến thắng đều khắp như chẻ tre, vận động gây quỹ dễ dàng và vô tận, được cả một hệ thống truyền thông Cộng Hòa lẫn Dân Chủ hậu thuẫn ... cuối cùng lại phải đứng Bên Thua Cuộc.

Bầu Cử

Dân số Mỹ hiện nay trên 320 triệu và theo quy định chỉ có người có quốc tịch Mỹ mới được đi bầu. Có tịch rồi lại phải đăng ký mới được lên danh sách cử tri. Toàn quốc có hơn 231 triệu cử tri ghi danh đi bầu, số phiếu thật sự đếm được chỉ có 118,667,110 cho thấy hơn 111 triệu người đủ điều kiện nhưng không bỏ phiếu. Và số phiếu của cử tri bầu chọn cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton (59,888,392) nhiều hơn tỉ phú Donald Trump hơn 219 ngàn đã nói lên ý muốn của người dân có tham gia bầu cử. Rõ ràng cử tri muốn Hoa Kỳ có một nữ tổng thống cho dù tư cách phẩm giá có như thế nào đi nữa. Nhưng quy trình bầu bằng Cử Tri Đoàn đã đưa phần thắng về cho ông Trump (279 vs 228). Đây là lần thứ hai kể từ 16 năm, người thắng phiếu phổ thông lại thua phiếu của Cử Tri Đoàn. Thêm vào đó đảng Dân Chủ không chỉ thua ghế trong Tòa Bạch Ốc, mà cũng không chiếm được đa số cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện.

Với kết quả như vậy, diễn biến mới ở ngành hành pháp và lập pháp khó có hướng đi thuận chiều xuôi mái khi sự phân hóa trong nội bộ đảng thắng và hố sâu chia cắt giữa hai đảng trở nên trầm trọng để rồi ra sẽ đưa đến những va chạm trong bốn năm tới. Sự hàn gắn vết thương đó không hề dễ như ý muốn của ông Trump. Những người Cộng Hòa không hậu thuẫn ông Trump lại chọn bà Clinton - trong đó có Tướng Colin Powell và hàng loạt nhân vật Cộng Hòa khác không chọn ông Trump - trong đó có các vị Tổng Thống tiền nhiệm, có Thượng Nghị Sĩ John McCain, cựu Thống Đốc Arnold Schwarzenegger... liệu có xoay chiều đổi gió hay không khó mà biết. Ngoài ra hệ thống truyền thông dòng chính Hoa Kỳ xưa nay vốn ngay thẳng, công minh, rất dân chủ ở mức độ nào đó, tự nhiên chuyển hướng sang lũng đoạn, bè phái, thiên lệch trong thời gian vừa qua thì nay viết lách, biện minh ra làm sao. Bài viết, bài nhận định, bài quan điểm có ai đọc ai tin được nữa không mới là bước thụt lùi tệ hại. Nói rằng họ bị một thế lực nào đó mua chuộc chắc cũng không mấy sai.

Chẳng hạn báo Arizona Republic phát hành ở Arizona, một bang đỏ lâu đời viết:
"Kể từ khi báo được thành lập năm 1890, chúng tôi chưa bao giờ hậu thuẫn cho một ứng viên Dân Chủ thay vì ứng viên Cộng Hòa. Chưa hề có. Đó là để phản ánh sự trân trọng mang tính triết lý sâu xa đến nguyên tắc và ý tưởng bảo thủ của đảng Cộng Hòa.
Năm nay có sự khác biệt.
Ứng viên đại diện Cộng Hòa không phải là người bảo thủ và ông ta không hội đủ tư cách.
Đó là lý do tại sao, lần đầu tiên trong lịch sử, báo The Arizona Republic chọn hậu thuẫn cho ứng viên Dân Chủ."
Đến nay thì ứng viên sáng giá mà báo này hậu thuẫn – và coi như bước ngoặt chưa từng có, lại thua cuộc thì báo này quả bẽ bàng. Bà Clinton không trúng cử thì về tiếp tục cai quản Clinton Foundation, còn Arizona Republic vẫn tiếp tuc ra báo hàng ngày sẽ ăn nói sao đây với độc giả - hầu hết là Cộng Hòa.

Cùng lúc thì những người từng phát biểu liều lĩnh mạnh miệng còn hơn cả ông Trump nữa rằng nếu ổng mà thắng cử thì đi nước khác sống vì nước Mỹ trở nên quá xấu xí. Không chừng đây chỉ là dám nói mà không dám làm. Những người đòi di tản sang nước khác gồm có một số ca sĩ diễn viên danh tiếng như Cher, Barbara Streisand, Whoopi Goldberg, Miley Cyrus, Samuel Jackson ... kể cả nhiều dân thường viết status trên trang Facebook - nhưng rồi có đi thật hay không lại là chuyện khác.
Một con số thống kê chia xẻ nơi đây để biết: toàn bộ chi phí tiêu hao trong kỳ bầu cử vừa qua ước tính xấp xỉ bảy tỷ đô. Món cần sa mà nhiều bang đưa ra hỏi ý dân có nên hợp thức hóa cho bán công khai hay không thì thương vụ cũng chỉ ở mức dưới 5,5 tỷ. Làm dân chủ kiểu Mỹ đâu có rẻ - nói một cách khác là phải giàu có mới làm dân chủ được. Kết luận này dường như đúng: cứ nhìn sang các nước không dân chủ thì thấy ngay là lãnh đạo chỉ nhắm vào chuyện làm giàu cho cái túi riêng không đáy hơn là lo cho dân cho nước.

Khó Khăn

Trong bốn năm sắp tới lời hứa "Make America Great Again - làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại," có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào tài kinh bang tế thế của nhà tỉ phú chưa bao giờ nắm một chức vụ dân cử nhưng có tài kinh doanh làm giàu. Tổng Thống Donald Trump cũng phải vực lại nước Mỹ, sửa chữa những đường lối chính sách quá mềm mỏng trong tám năm qua tác hại đến quyền lợi của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Cũng cần phải nói thêm rằng một người từng đánh bại cả chục đối thủ chuyên nghiệp để được đảng Cộng Hòa để cử làm ứng viên chính thức thì cho dù có ganh ghét tị hiềm đến mấy cũng phải công nhận rằng ông có tài, có khả năng lãnh đạo - tuy có bốc đồng, nói cho công minh. Thời gian 100 ngày đầu của nhiệm kỳ sẽ chứng minh sự thật: huy hoàng hay kinh hoàng còn phải chờ xem.

Những bơi móc, chỉ trích, đánh phá chưa từng có trong các cuộc bầu cử cấp tổng thống cuối cùng cũng sẽ từ từ đi vào quên lãng (cho đến hết bốn năm nữa) để nước Mỹ lại vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn lãnh đạo thế giới, vẫn là cường quốc, đồng đô xanh vẫn ăn trùm thế giới ... để mọi người vẫn mê mẩn đi tìm Giấc Mơ Mỹ.


Friday, October 28, 2016

BẦU CỬ 2016

Những Điều Cần Biết

Đức Hà

Như mọi người cũng đã thấy, chuyện tranh cử chức vụ lãnh đạo quốc gia - tức tổng thống và phó tổng thống cho bốn năm tới, đầy kịch tính và tràn ngập những âm mưu, cáo buộc, tố giác, đánh phá kể cả những tiết lộ động trời, không thể tin nổi từ trang web WikiLeaks. Thật hay giả, bịa đặt hay chính xác thật khó mà lượng định được nhưng có một điều rõ ràng là truyền thông dòng chính dành rất nhiều thời giờ trên mạng và đài, dùng mọi chiêu trên nhiều trang báo để chỉ trích, bới móc, kết tội ứng cử viên này mà hầu như nhẹ tay với ứng cử viên kia, nếu không nói là phớt lờ. Rõ ràng là người dân cảm thấy các ứng cử viên như đang diễn theo một kịch bản viết sẵn. Liệu tất cả mọi chuyện rồi ra có chấm dứt vào ngày Tám tháng 11 tới hay không, là câu hỏi chưa có trả lời.



Người này thì bị tra tấn liên hồi về những câu nói cực kỳ thiếu đạo đức trong phòng thay quần áo hơn 10 năm trước đây, bị cáo buộc tội sờ soạn phụ nữ bất hợp pháp, nhưng chưa thấy ai đâm đơn kiện cáo hay đòi bồi thường thiệt hại về danh dự ngoài mấy giọt nước mắt trước ống kính tivi. Còn người kia gian dối ngay cả trong lời khai hữu thệ vẫn bình chân như vại. Lẽ nào một thường dân chỉ cần vi phạm một lỗi nhỏ đã có thể bị truy tố ra trước pháp luật và phải trả giá cho sai sót đó bằng án tù trong khi một người có thế lực chính trị, có của cải, có hậu thuẫn lại không hề hấn gì? Câu hỏi này cũng chưa có câu trả lời.

Điều hết sức khác biệt trong năm nay là từ xưa đến nay cứ tuần tự hết Dân Chủ lãnh đạo thì đến Cộng Hòa cầm quyền hay ngược lại dựa trên ý niệm của phần đông cho rằng đã chán ngán sau tám năm dưới đảng A hay đảng B và muốn có sự đổi thay: năm nay rất có khả năng chủ trương này bị phá vỡ. Trong quá khứ Tổng Thống thứ 15 James Buchanan lên thay Tổng Thống Franklin Pierce cả hai đều thuộc Dân Chủ và Tổng Thống thứ 8 ông Martin Van Buren lên thay ông Andrew Jackson cũng cùng đảng Dân Chủ. Vậy thì bà Hillary Clinton với khẩu hiệu "Stronger Together"  có khả năng nối tiếp đường lối Dân Chủ của đương kim Tổng Thống Obama thêm bốn hay tám năm nữa hay không - còn phải đợi và xem.

Bầu Cho Ai

Cho đến giờ này cử tri gốc Việt đã nhận được phiếu bầu bằng thư. Có người cũng đã gởi đi rồi. Người khác chờ đến đúng ngày Tám tháng tới để đến phòng phiếu. Vì tổng thống và phó tổng thống do phiếu cử tri đoàn - Electoral College quyết định mà Cali có 55 phiếu, nên cử tri Việt dù  gạch nối mũi tên đen trong phiếu bầu có chấm Cộng Hòa hay Dân Chủ cũng không thể lay chuyển quyết định của 55 lá phiếu của cử tri đoàn trung thành với Dân Chủ. Cali xưa nay vẫn là thành trì vũng chắc của Dân Chủ. Kết quả bầu cử sơ bộ ngày Bẩy tháng Sáu cho thấy bà Clinton đạt 1,940,580 phiếu và ông Trump được 1,174,829.

Tại các bang lưng chừng, nơi mà cả Cộng Hòa và Dân Chủ đều có tầm ảnh hưởng ngang nhau như Ohio, Florida ... sẽ là nơi có quyết định sau cùng khi chuyển màu sang toàn xanh hay toàn đỏ vào ngày Tổng Tuyển Cử. Bởi vậy hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump đều dồn nỗ lực để thuyết phục cử tri những bang này. Liệu điều đó có làm thay đổi được cục diện hay không thì không ai tiên đoán được ngoại trừ mấy tờ báo được cho là thiên lệch. Chỉ xin nhắc lại chuyện bầu bán năm 1980: theo thăm dò trước bầu cử thì ứng viên Ronald Reagan bị đương kim Tổng Thống Jimmy Carter vượt xa - coi như nắm chắc thất bại trong tay; thế nhưng kết quả sau cùng cho thấy ông Reagan thắng lớn với 489 phiếu và trở thành Tổng Thống thứ 40 của Hoa Kỳ. Ông Reagan thắng không chỉ bằng phiếu của Cử Tri Đoàn mà cả phiếu phổ thông 43,903,230 so 35,480,115 của ông Carter. Nói như thế để thấy các thăm dò trước bầu cử - báo này nói thế này, báo kia nói thế khác, trở thành khó tin. Thăm dò mùa bầu bán năm nay lại càng khó nhai hơn bao giờ. Không ít người theo dõi mấy cuộc tranh luận vừa rồi đã khẳng định ứng viên này hay hơn ứng viên kia - nhưng thăm dò dư luận hầu như tất cả lại cho kết quả ngược lại. Có thể người dân thường nghe bùi tai nhưng chưa đủ trình độ để đánh giá toàn bộ và sâu sắc về phong cách, lời lẽ, thái độ, biện luận của từng ứng viên chăng?

Tóm lại toàn nước Mỹ có 538 phiếu của Cử Tri Đoàn và ứng viên thắng cử phải hội đủ 270 phiếu. Nói một cách giản đơn là nếu đêm bầu cử, phòng phiếu đóng vào tám giờ tối giờ miền Đông mà các bang miền Đông chuyển màu xanh hết hay đỏ hết thì kết quả chung cuộc sẽ đúng như vậy. Sở dĩ cử tri ở Mỹ không bầu trực tiếp tổng thống và phó tổng thống bởi vì từ thủa xa xưa khi khái niệm dân chủ vẫn còn lờ mờ, người ta không tin rằng người dân thường có đủ sáng suốt để chọn lựa hai chức vụ lãnh đạo cao cấp và quan trọng của đất nước nên những người soạn thảo Hiến Pháp mới quyết định chia quyền bầu chọn cho Cử Tri Đoàn và người dân thường.

Lá Phiếu Để Làm Gì

Nói rằng Cử Tri Đoàn sẽ có tiếng nói sau cùng về hai lãnh đạo nước Mỹ sắp tới đây, vậy thì gạch đen chọn người trong phiếu bầu để làm gì?
Trong cuộc tổng tuyển cử ngày Bốn tháng 11 năm 2008 liên danh Barack Obama – Joe Biden thắng vượt trội với 365 phiếu của Cử Tri Đoàn và 69,498,516 phiếu phổ thông trong khi liên danh John McCain – Sarah Palin chỉ đạt 173 phiếu Cử Tri Đoàn và 59,948,323 phiếu phổ thông. Như vậy mỗi gạch đen dành cho ứng viên nào đó được tính là một phiếu. Thống kê cho biết số 69.5 triệu phiếu dành cho ông Obama là con số bầu chọn lớn nhứt cho một ứng viên tổng thống. Thêm vào đó với tổng số 133 triệu người Mỹ đi bầu (43% dân số Mỹ) thì cũng là kỷ lục trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Năm nay người ta tin rằng số người Mỹ dắt díu nhau đi bầu sẽ phá kỷ lục chưa từng có. Một mặt có thể là lần đầu tiên nước Mỹ có một phụ nữ từng là Đệ Nhất Phu Nhân ra tranh cử, mặt khác cũng có thể là Nước Mỹ đang cần một người bạo miệng, gặp đâu nói đó, toạc móng heo, thẳng ruột ngựa chẳng nể nang ai để đưa nước Mỹ "Great Again."

Năm 2000 liên danh Al Gore – Joe Lieberman đạt 50,999,897 phiếu phổ thông nhiều hơn liên danh George W. Bush – Dick Cheney nhưng lại thua phiếu Cử Tri Đoàn (271-266) nên đành chấp nhận thất bại.
Điều cần biết ở đây là cho dù cử tri đăng ký với Dân Chủ hay Cộng Hòa thì khi bầu chọn vẫn có thể đề cử người của đảng khác mà mình nghĩ rằng xứng đáng hơn. Chẳng hạn báo Arizona Republic xưa nay vẫn một mực hậu thuẫn cho người của Cộng Hòa, năm nay lại đổi tông ủng hộ ứng viên Dân Chủ. Cựu Thống Đốc Cali Arnold Schwarzenegger thuộc đảng Cộng Hòa cho hay sẽ không bầu cho ông Trump nhưng không nói có chọn bà Clinton hay không. Cựu Ngoại Trưởng Colin Powell thuộc đảng Cộng Hòa, trước đây đã chọn ông Obama và nay cho biết sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton.

Tiếng Nói Của Cử Tri

California như tất cả 50 tiểu bang có hai diện tại Thượng Viện Hoa Kỳ. Bà Loretta L. Sanchez, hiện là Dân Biểu tại Hạ Viện Mỹ và bà Kamala D. Harris sẽ tranh ghế thượng nghị sĩ vào kỳ bầu cử tháng 11 tới. Cả hai đều thuộc đảng Dân Chủ, vậy chọn ai bây giờ? Câu trả lời là cử tri sẽ quyết định ai được ai thua.
Một nhân vật thường gần gũi với cộng đồng Việt là Dân Biểu Liên Bang Mike Honda thuộc Congressional District 17. Kỳ này ông phải tranh tài với ông Ro Khana. Trong lần bầu cử sơ bộ hồi tháng Sáu, ông Khana đạt 39.1% phiếu bầu nhiều hơn ông Honda (37.4%.) Nhưng nếu vào kỳ Tổng Tuyển Cử tháng 11 tới mà cử tri lại đổi ý chọn ông Honda - tức nhiều phiếu hơn, thì ông Honda lại tiếp tục đại diện cho District 17 tại Hạ Viện Hoa Kỳ - bao gồm các thành phố Sunnyvale, Cupertino, Santa Clara, Fremont, và Milpitas.

Trong cùng lúc tại California Assembly District 27 bao gồm vùng San Jose, cử tri sẽ phải chọn giữa hai ứng viên Madison Nguyễn và Ash Kalra. Mỗi gạch đen nối liền mũi tên trên phiếu dành cho một trong hai ứng viên sẽ là một tiếng nói đưa ứng viên đó gần hơn với chiếc ghế tại Nghị Viện Cali ở Sacramento. Cũng thế tại thành phố Milpitas, hiện có năm người tranh chức vụ Thị Trưởng thay ông Jose Estevez mãn nhiệm. Người đạt nhiều gạch đen nhứt sẽ là người thắng cử.
Lá phiếu của cử tri có giá trị then chốt trong sự lựa chọn người lãnh đạo. Bởi vậy cử tri phải bầu đông và cử xứng đúng tinh thần "Your Vote Counts" hay nói như người Việt là "Mỗi lá phiếu là một viên gạch xây nền dân chủ."

Dù ai thắng ai thua, nước Mỹ vẫn là lãnh đạo thế giới. Nước Mỹ có chuyển trục từ Trung Đông sang Đông Nam Á, ISIS có bị tiêu diệt, chiến tranh Syria có chấm dứt, bức tường ngăn di dân Mễ nhập lậu có thành hình ... hay vẫn nối tiếp chính sách mềm mỏng nhân nhượng của vị tổng thống sắp mãn nhiệm thì quyền lợi của Hoa Kỳ vẫn là ưu tiên một. Chỉ có điều không ít người sẽ buồn lòng vì ý dân không được toại nguyện - hay nói khác hơn ý dân không đúng ý Trời. Mình tưởng đã sáng suốt cử xứng mà rồi kết quả lại không như ý muốn. Nền dân chủ của Mỹ từ bao đời nay là như vậy. Người có thái độ hoài nghi sẽ không ngần ngại phát biểu rằng tưởng vậy mà không phải vậy.

Monday, October 10, 2016

Ổ Bánh Mì Thịt Làm Nên Sự Nghiệp

Đức Hà
Việt Mercury

Người Việt thích ăn bánh mì thịt. Sáng, trưa, chiều, tối, khuya, nửa đêm về sáng, dù buồn hay vui, dù nghèo hay khá giả lúc nào cũng có thể ăn ổ bánh mì kẹp thịt. Rẻ tiền và ngon miệng. Vì vậy khi di dân sang Mỹ, bánh mì thịt cũng được mang theo và có mặt tại bất cứ nơi nào có người Việt định cư.
San Jose có hàng chục cửa hàng bán bánh mì thịt nguội. Từ một tiệm, một chủ, hệ thống hai, ba tiệm một chủ, và quy mô đến hàng chục tiệm cũng cùng một chủ đã trở thành những địa điểm cung cấp món thức ăn nhanh, gọn, hạp khẩu vị Việt Nam với giá cả nhẹ nhàng trong mọi hoàn cảnh kinh tế.
Tuy nhiên nếu có tiệm chủ yếu vẫn nhắm vào khách hàng người Việt thì hệ thống Lee’s Sandwiches với bẩy tiệm đang hoạt động và năm tiệm nữa sẽ khai trương từ nay đến cuối năm thì khách hàng cần phải tranh thủ là những sắc dân khác không phải người Việt.
“Muốn phát triển rộng thì cần phải tiếp cận với giòng chính, tạo một hình ảnh tốt cho khách hàng và một khẩu vị thích hợp,” ông Lê Văn Hướng, 46 tuổi, phụ trách kế hoạch của công ty Lee’s cho biết.


 Hình ảnh mới về một tiệm bánh mì của người Việt được khởi sự tại khu Bolsa, phố chính của người Việt tại miền Nam California và đang được nhân rộng để có thể có mặt khắp nước Mỹ trong thời gian sắp tới.
“Hướng đi trong tương lai của Lee’s là có mặt khắp nơi, như McDonald’s, hay Subway của Mỹ để mang khẩu vị đặc biệt của bánh mì thịt Việt Nam phục vụ mọi sắc dân.”
Thành quả ngày hôm nay của Lee’s là kết quả của những nỗ lực, những cần cù và lao động không mệt mỏi từ mọi người trong gia đình họ Lê. Công khó được đền đáp khi Lee’s trở thành hệ thống cửa hàng bánh mì thịt lớn nhứt của người Việt ở California với doanh thu hàng năm trên 10 triệu đô la.

Lò Đường

Vượt biển đến Mỹ năm 1979 và để lại Việt Nam một gia tài khổng lồ, gia đình họ Lê ở Long Xuyên đã phát triển ngành xe lunch và tiệm bánh mì thịt từ con số không thành một hệ thống quy mô khắp California với tài sản ước lượng khoảng 50 triệu đô la.
“Nếu so với cơ ngơi của ông già hồi còn ở Việt Nam, thì thành quả hiện nay của chín anh em trong gia đình cộng chung cũng chưa bằng,” ông Lê Văn Hướng, người con thứ hai của ông Lê Văn Bá cho biết.
Với người miền Tây, vùng Long Xuyên Thốt Nốt lò đường của ông Bá được xem là lớn nhứt thời trước năm 1975.
“Mới 16 tuổi tôi đã đi buôn chuyến từ Long Xuyên lên Sài Gòn, rồi chuyển sang nghề nấu rượu, thầu dịch vụ bến đò cho đến năm 1961 thì mở lò đường,” ông Bá, năm nay 71 tuổi kể lại từ văn phòng mới của tổng công ty Lee’s đặt tại Saigon Business Center khai trương hồi tháng trước.

Ông nói rằng nghề dạy nghề và đi nhiều nơi học hỏi đã giúp ông trở thành nhà kinh doanh thành công ở miền Tây với hệ thống lò đường, nhà máy nước đá và cả một đội xe tải riêng. Với hàng trăm tấn đường thẻ sản xuất lúc bấy giờ, lò đường Vĩnh Phước cung cấp đến 30% nhu cầu đường cho miền Tây. Tuy nhiên sau năm 1975 tất cả đều trở thành tài sản nhà nước và đến năm 1979 thì hoàn toàn tê liệt.
“Những người tiếp quàn hầu như chẳng biết gì về nghề làm đường mặc dù được chỉ vẽ đầy đủ.”
Ông Bá kể lại rằng với chức vụ phó giám đốc, ông được mời đi tham quan Hà Nội và nhựng điều trông thấy đã khiến ông quyết định phải ra đi.
“Chuyến đi thăm Hà Nội năm 1976 làm tôi hãi sợ và có quyết định ngay là phải đưa hết cả nhà ra đi càng sớm càng tốt.”

Xe Lunch

Không phải tự nhiên mà tháng Năm vừa qua, cơ quan quản trị ngành tiểu thương Hoa Kỳ SBA văn phòng San Francisco đã trao tặng giải thưởng SBA 2003 Entrepreneurial Success Winners cho Lee Brothers Foodservices và Lee’s Sandwiches. Bằng tuyên dương của SBA nói rằng hệ thống Lee’s đã có những đóng góp lớn lao cho sự phồn thịnh của California và mang lại công ăn việc làm cho hàng ngàn người. Và cũng như lò đường bên Việt Nam, cơ sở mới của hệ thống Lee’s cũng bắt đầu từ không thành có.
Khởi đầu sự nghiệp tại Hoa Kỳ với chân phụ việc trên một chiếc xe lunch cung cấp thực phẩm cho trường học năm 1981, ông Lê Văn Chiêu, người con trưởng trong gia đình đã phát triển thành Lee Brothers Foodservice, một hệ thống cung cấp thực phẩm quy mô với 500 xe và hơn 1,000 nhân viên hoạt động khắp Vùng Vịnh.
“Những ngày đầu làm xe lunch của anh em chúng tôi cũng hệt như những ngày đầu của thời ba chúng tôi đi buôn bên nhà. Chủ yếu là sức lao động,” ông Chiêu, 47 tuổi nhớ lại thời kỳ đầu khi ông nấu và vợ ông, bà Lê Quách Ngọc Yến lái xe từ hãng xưởng này qua công ty khác ở San Jose mang thức ăn trưa đến cho mọi người.
Không đầy hai năm sau, công ty có hơn 10 chiếc để sau cùng lên đến trên 500 chiếc hoạt động hoàn toàn độc lập.
“Chúng tôi giúp anh em tự làm chủ chiếc xe của mình, công ty chỉ cung cấp hàng và bến đậu ban đêm.”
Bước đi của Lee Brothers Foodservices đã được đồng hương người Việt nhanh chóng noi theo để hiện nay nắm trọn ngành xe lunch tại vùng Bắc California với sáu công ty của người Việt.
Cùng lúc với xe lunch, công ty Lee’s cũng đầu tư vào ngành địa ốc và tham gia rất nhiều vào các sinh hoạt cộng đồng như đóng góp cho các chương trình cứu trợ lũ lụt, các hoạt động bảo tồn văn hóa kể cả các buổi gây quỹ cho các chính trị gia Mỹ và Việt.

Bánh Mì Thịt

Trong khi người con trưởng bành trướng hệ thống xe lunch thì ông Bá và vợ, bà Nguyễn Thị Hạnh dốc toàn lực vào việc gầy dựng tiệm bánh mì trên đường King. Ông Bá kể lại:
“Đầu tiên chúng tôi làm nhà hàng trên đường Mười Ba, rồi lấy hàng của ông Ba Lẹ bán trên xe lunch, sau cùng thì chúng tôi mở tiệm bánh mì đầu tiên trên đường King.”
Thành công của tiệm Lee’s đã đưa đến sự xuất hiện một loạt các tiệm bánh mì thịt khác như Hương Lan, Thanh Hương, Đa Kao ... Trong khi đó tại Hawaii cũng xuất hiện một loạt các cửa tiệm bánh mì thuộc hệ thống Ba Lẹ. Ngoài bánh mì, Ba Lẹ Hawaii còn mở rộng dịch vụ và cung cấp thực phẩm cho các khách sạn và hãng hàng không.

Tuy cửa hàng bánh mì trên đường King có nhiều khách hàng nhưng để đi vào giòng chính thu hút nhiều khách mới, Lee’s Sandwiches cần có bộ mặt mới, hiện đại hơn. Đó là ý kiến của một thành viên trẻ thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình họ Lê.
“Cháu Minh muốn thí nghiệm ý định của mình tại ngay Bolsa, nơi đón nhận người Việt và du khách từ khắp nơi trên thế giới đến thăm Little Saigon,” ông Chiêu nhắc lại một kỷ niệm cũ đau lòng khi cửa hàng chưa khai trương thì người con trai trưởng qua đời trong một tai nạn lưu thông.
Thành công của tiệm Lee’s đầu tiên ở phố Bolsa, nơi có sức cạnh tranh của hàng chục tiệm bánh mì khác, đã làm người Việt hết sức ngạc nhiên. Lần đầu tiên người đi mua bánh mì phải xếp hàng, lấy số trong lúc cả một hệ thống máy điện toán được đưa vào sử dụng. Và cũng lần đầu tiên người ta thấy tiệm bánh mì mở cửa 24/24.

Tuy nhiên phương hướng phát triển mới, mở rộng ra khỏi phạm vi dòng họ không được tất cà các thành phần trong gia đình đồng ý.
“Bà già thì không bao giờ muốn mở thêm tiệm,” ông Chiêu cho biết.
Thật ra, theo lời ông Hướng, trong gia đình đang có hai khuynh hướng khác nhau: một là tiếp tục hoạt động như hiện nay và giới hạn trong phạm vi dòng họ, và hai là mở rộng đón nhận đầu tư kể cả nhân lực từ bên ngoài.
Chuyên gia tham vấn trong lãnh vực kinh doanh gia đình Quentin Fleming ở Los Angeles nói về những khuynh hướng dị biệt trong vấn đề mơœ mang cơ sở làm ăn.
“Khi tôi làm tham vấn cho các doanh nghiệp người di dân gốc Á, thì điều rất hay xảy ra là họ muốn dấu bớt và không nói hết về ngành nghề của mình. Nhưng tại Mỹ này, một khi đã phát triển lớn thì phải có sự tham gia của người và vốn bên ngoài.”

Con đường làm ăn quy mô này đã được hệ thống Phở Hòa đi trước từ năm 1983 và phát triển thành 91 cửa tiệm dưới dạng franchise tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới.
Ông Nguyễn Bính, 48 tuổi một trong những người sáng lập hệ thống Phở Hòa có trụ sở chính tại Sacramento nói rằng người Việt có thói quen dấu nghề:
“Muốn bành trướng, gia tăng doanh thu thì phải mở rộng ra bên ngoài chứ không như suy nghĩ của phần đông người Việt là khi chia sẻ kinh nghiệm với người khác sẽ làm giảm giá trị ngành nghề của mình.”
Ông Bính nêu thí dụ về công thức nhồi bột lăn gà chiên của hệ thống KFC chẳng hạn vẫn là những điều được giữ kín.
“Làm franchise đòi hỏi phải nghiên cứu thị trường và vốn lớn ban đầu cho nên đó cũng là điều gây trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam,” ông Bính nhận xét.

Lên phát biểu tại buổi lễ nhận giải thưởng của SBA hồi tháng Năm, bà Lê Quách Ngọc Yến cho hay công ty Lee’s Sandwiches đang có kế hoạch mở rộng cơ sở làm ăn sang các tiểu bang khác dưới hình thức franchise.
“Chúng tôi đã nhận được hơn 200 đơn từ nhiều tiểu bang muốn hợp tác làm ăn,” ông Hướng nói với Việt Mercury.
Rõ ràng là bán bánh mì có vẻ là nghề “ngon cơm.”
Trong cuộc phỏng vấn trước đây, ông Tô Văn Lai của trung tâm băng nhạc Thúy Nga Paris có đưa ý kiến về những nhiêu khê khi kinh doanh văn hóa văn nghệ:
“Cứ bán bánh mì như Lee’s Sandwiches vậy mà khỏe.”

        Bài viết được đăng trên Viet Mercury số 232 ngày 04 Tháng Bẩy 2003


Saturday, July 23, 2016

Đệ Nhất Thợ Cạo

Đức Hà

Nhìn gương mặt của các lãnh đạo thế giới, người ta đều nhận thấy rằng khi tuyên thệ nhậm chức mái tóc người nào cũng đen mượt, óng ả nhưng chỉ sau một nhiệm kỳ thì

            Xoa đầu tóc bạc ngắn nhiều
            So le lởm chởm khó điều cài trâm 

Sau hai nhiệm kỳ thì

            Bao nhiêu năm làm kiếp con người
            Chợt một chiều tóc trắng như vôi

Tuy nhiên kiểu tóc, độ dài - không như mô tả của mấy câu thơ trên vì mái tóc của các Ngài trước sau như một, không bao giờ thay đổi ngoài trừ màu bạc. Lúc nào các lãnh đạo cũng có bác thợ cạo riêng, ăn lương nhà nước chỉ để chăm sóc mái tóc, bất kể giờ giấc nào, tình huống nào, cho dù kinh tế đang lên hay suy thoái, bất kể thị trường chứng khoán NASDAQ, chỉ số S&P lên hay xuống, thị trường địa ốc tăng hay giảm vv... Quan trọng hơn cả là bác thợ cạo tất nhiên phải dùng dao, kéo bén nhọn làm việc trên đầu lãnh đạo thì vấn đề an toàn cho lãnh đạo cần phải đặt lên hàng đầu. Và để duy trì được bác thợ cạo quen biết, khéo tay đồng thời bảo đảm an toàn bản thân tuyệt đối cho lãnh đạo thì phải nảy sinh nhiều chuyện đáng bàn ra tán vào.

Bác Thợ Cạo Nước Mình: BarberGate

Vị đương kim lãnh đạo Hoa Kỳ và sắp mãn nhiệm vào tháng Giêng 2017 chỉ dùng một bác duy nhất từ tám năm nay - nếu tính luôn thời gian trước đó ông ở Chicago, tổng cộng thành 16 năm. Bác Zariff chính là Đệ Nhất Thợ Cạo gọi tắt là FBOTUS (First Barber of The President of the US). Bác có cửa tiệm treo bảng hiệu "Hyde Park Hair Salon" phục vụ cắt sấy gội uốn ép nhuộm chải (không nhận lấy ráy tai) cho cư dân Chicago; vậy làm thế nào bác ở Chicago lại có thể phục vụ cho mái tóc của nhà lãnh đạo trong tòa Bạch Ốc? Chuyện quả quá khó đối dân thường nhưng quá dễ đối với đệ nhất lãnh tụ thế giới. Thế nên mới nảy sinh chuyện BarberGate:

Mỗi tháng hai lần bác Zariff bay về D.C. để làm công việc trùng tu và sửa sang mái tóc cho thân chủ. Tính trung bình khoảng 300 đô vé khứ hồi Chicago - D.C. cộng tiền công cắt là 21 đô/một lần. Tính chung 12 tháng 7,200 đô vé máy bay + 504 đô tiền cắt = 7,704 đô/năm. Báo đăng như vậy và đặt dấu hỏi: ai thanh toán số tiền này? Chính người được cắt tóc móc bóp trả tiền cộng với tiền bo hay dùng quỹ riêng tòa Bạch Ốc - do tiền thuế của bá tánh chi trả. Bí mật quốc gia. Cho đến nay chưa ai biết khoản gần tám ngàn đô đó do ai đài thọ hay từ ngân sách nào chi ra. Wikileak cũng chịu thua khoản chi tiêu này. Bác Zariff dứt khoát không cho biết chi tiết liên quan đến chi phí vụ cắt gội này, bác cũng không tiết lộ ngày nào bác lên máy bay đi D.C. Bác chỉ phát biểu đúng một câu:
"Khách hàng quen có lấy hẹn hay walk-in, nhân vật VIP nổi tiếng hay phó thường dân, tất cả đều có một giá duy nhất 21 tì. Chấm hết."
Nói thì nói vậy thôi chứ nổi tiếng như bác Zariff thì ai đó đi ngang tạt vào và đợi cắt chắc còn khuya mới tới phiên.
Ông nói thêm rằng ông đến đó (tức thủ đô D.C) chăm sóc mái tóc cho Ổng vậy thôi - chuyện đến đó bằng phương tiện gì hay thời gian nào thì chỉ là chuyện không đáng quan tâm. Nếu bàn rộng ra rằng tòa Bạch Ốc có đưa một chiếc máy bay nhỏ hai chỗ ngồi để đón bác thợ cạo từ Chicago về D.C. phục vụ lãnh đạo thì bàn dân thiên hạ cũng đành botay.com

Hẳn nhiên đó là chuyện riêng tư giữa vị lãnh đạo tối cao USA và bác FBOTUS nhưng đối với truyền thông thì lại là chuyện lớn nếu không nói là lớn chuyện vì sự hao công tốn của.
Một độc giả phê phán trên Fox News Nation: "Rõ ràng là tổng thống chẳng màng đến chuyện tác hại môi sinh chỉ vì muốn làm đẹp mái tóc do đôi bàn tay quen thuộc."
Bác Zariff phản hồi ngay và cho rằng nếu bạn bạ đâu hớt tóc đó thì cái đầu bạn sẽ ra sao. Bác hỏi thêm vậy bạn có muốn đưa mái tóc cho một người quen làm thường xuyên không? Phát biểu xong bác Zariff hãnh diện khoe: "Tôi là thợ cạo chính thức của Ổng."
Như đã nói ở trên, gương mặt của lãnh đạo luôn luôn phải gọn gàng, đều đặn, sáng sủa để tạo một hình ảnh tối ưu. Chả thế mà tục ngữ Việt Nam có câu “Cái răng, cái tóc là góc con người." Ngay cả Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders nếu được chọn làm tổng thống cũng sẽ phải xóa bỏ mái tóc bạc trắng bay lù xù trong gió hiện nay.
Điều cần phải nói thêm là tại cửa hiệu cắt tóc của bác Zariff ở Chicago có liệt kê "kiểu tóc Obama," ai thích thì bác chiều. Cũng tại đó chiếc ghế mà ngày xưa Thượng Nghị Sĩ Obama - dạo còn ở Chicago vẫn ngồi để tỉa tóc thì nay bác Zariff cho đóng kín trong lồng kiếng đạn bắn không thủng, để không bị vấy bẩn tóc người khác.

Khi được hỏi rằng bác có nhận thấy tóc của POTUS ngày một bạc hơn không thì bác trả lời rất ba phải: "Ở lứa tuổi đó tóc ai chả bạc." Sự thật thì thời POTUS nào cũng vậy qua nhiệm kỳ hai thì ai nấy đều bạc - bởi vì có cả trăm thứ đổ lên "đầu" đủ các nghị trình, đủ mọi vấn đề từ chuyện xả xúng trường học, Ai-Sít khủng bố, biển Đông, chiến tranh Iraq, muỗi Zika, bạo lực cảnh sát, nay đổ quân chỗ này, mai tăng viện chỗ kia, cứu trợ thiên tai vv...Tóc tuy bạc nhưng cho đến nay chưa thấy có vị tổng thống nào nhuộm tóc cả.

Bác Thợ Cạo Nước Bạn: CoiffeurGate

Nếu ở trời Tây chuyện lãnh đạo có phòng nhì hay tình cảm lăng nhăng, thậm chí có con ngoài luồng là chuyện thường - không được xếp hạng xì-căng-đan, thì chuyện cái tóc cái tai lại thành to chuyện. Tin cho hay Tổng Thống thuộc đảng Xã Hội Francois Hollande ở Pháp mới bị phát hiện đã chi trả hàng tháng 11,000 đô (mười một ngàn đô) lấy từ ngân sách quốc gia để chăm sóc mái tóc được mô tả là tóc chả bao nhiêu mà hói rất nhiều.
Tuần báo trào phúng Le Canard Enchainé, số ra ngày 13 vừa qua chạy tít màu đỏ "Document: 9895 euros, c'est le salaire mensuel du coiffeur de Hollande!" Và đó cũng là phiên bản tiếng Pháp CoiffeurGate của BarberGate USA.

Bị chất vấn về vụ CoiffeurGate tại cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn của điện Élysée chống chế (yếu xìu): "Ơ kìa ai cũng phải hớt tóc phải không nào?"
Thì đúng vậy, ai chả phải đi hớt tóc nhưng trả lương cho bác thợ cạo gần bằng lương bộ trưởng trong nội các thì hơi bị vượt chỉ tiêu nhỉ. Bác Olivier B. - không rõ là tên thật hay bí danh của Đệ Nhất Thợ Cạo Pháp, có vài ràng buộc như phải tuyệt đối giữ bí mật nghề nghiệp và phải có mặt bất kể lúc nào có yêu cầu nghĩa là 24/7 khi nhận job trong phủ tổng thống. Bởi vậy bác B. than phiền với Le Canard Enchainé rằng ngay cả các con ra chào đời ông cũng không bao giờ có mặt.
Tổng Thống Hollande, vốn đã không được sự ủng hộ của toàn dân, lại càng mất điểm với vụ CoiffeurGate. Người dân bực bội vì lương bác thợ cạo quá cao mà công việc chả bao nhiêu vì lãnh đạo đâu còn bao nhiêu tóc, trong khi mức thu nhập bình quân của dân Pháp không quá 41,000 đô/năm.
Nói về nỗi cơ cực của bác B., phát ngôn viên nhà nước cho hay ông ta phải bỏ cơ sở làm ăn để bám theo lãnh đạo, kể cả khi lãnh đạo đi công cán xa. Thế nên bác chỉ có một vị khách duy nhất là Tổng Thống Pháp.
"Thế nên mức lương như vậy là xứng đáng, khi ông ta còn phải nuôi vợ con," báo Le Canard Enchainé trích lời người phát ngôn. Nói theo chữ ở trong nước rất phổ biến hiện nay là "tuyển dụng đúng quy trình."

Người dân hẳn nhiên không mấy đồng tình với lối phung phí ngân sách như vậy - thế nên điểm hậu thuẫn cho ông Hollande ngày càng đi xuống thảm hại. Ấy vậy mà lúc tranh cử đối đầu với ông Nicolas Sarkozy, ông tự xưng là "một con người bình thường" và thường xuyên chỉ trích sự hoang phí của người tiền nhiệm.
Trả lời phỏng vấn của báo chí nhân ngày 14 Juillet vừa rồi, Tổng Thống Hollande nói phớt về vụ CoiffeurGate:
"Kể từ khi thắng cử năm 2012, tôi đã tự giảm mức lương 30%, giảm ngân sách điện Elysee 9 triệu euros và cũng cắt giảm 10% nhân viên phủ tổng thống. Quý vị có thể chỉ trích tôi về bất cứ chuyện gì ngoài chuyện đó."
Dựa vào thăm dò dư luận, truyền thông Pháp bình luận:"Chắc đây là lần cuối ông ta dự lễ duyệt binh ngày Quốc Khánh 14 tháng Bảy."
Pháp sẽ có tổng tuyển cử vào tháng Năm 2017.


Điểm sau cùng cần nhấn mạnh là nếu ứng viên hàng đầu của đảng Cộng Hòa hiện nay mà trúng cử tổng thống ngày 08 tháng Mười Một năm nay thì dĩ nhiên bác Zariff sẽ không còn dịp lui tới tòa nhà màu trắng nữa - nhưng bác Đệ Nhất Thợ Cạo tương lai sẽ phải tốn nhiều thời gian để chăm sóc cho mái tóc rất đặc biệt của nhà tỷ phú bộc trực ăn to nói lớn. Chỉ có điều người thọ thuế không phải lo vì ổng quá nhiều tiền để phải lợi dụng ngân sách nhà nước.

Wednesday, June 29, 2016

BLITZ MEDICAL GROUP: Phòng Mạch 15 đô

Đức Hà
Việt Mercury

Thất nghiệp, mất bảo hiểm y tế, gia đình đông người, tiền nhà chưa kịp trả và bị bệnh thì làm sao? Câu hỏi này được bác sĩ Lê Văn Minh trả lời như sau:
“Nhóm y tế Blitz sẽ giúp khám bệnh và chữa trị với lệ phí tối thiểu.”
Thành lập từ tháng Tám, 2002 Blitz Medical Group có mục đích cung cấp cho cộng đồng dịch vụ y tế chỉ với 15 đô la lệ phí khám bệnh, bất kể bệnh nhân thuộc thành phần nào và có bảo hiểm hay không. Vì thế câu châm ngôn của Blitz là “Home of the $15 exam,” được ghi rõ trong phòng mạch trên đường số 14 tại San Jose


Vào lúc phí bảo hiểm y tế ngày một tăng cao và việc chữa bệnh đối với người không bảo hiểm là một trở ngại lớn khi tiền khám bệnh thông thường ít nhứt cũng 30 đô la và thường thấy ở mức 80 đô la chưa kể tiền viết toa, làm xét nghiệm máu, nước tiểu … tổng cộng cũng lên đến 200 đô la hay hơn nữa đã trở thành nỗi lo không lường của nhiều bệnh nhân đang bị mất việc lại mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, cao máu ... cần được chăm sóc thường xuyên và liên tục. Khoản chi phí ban đầu đó vẫn mới chỉ là khám và định bệnh chưa nói đến chữa trị bằng thuốc đặc trị thì khả năng tài chính của người túng thiếu không thể cáng đáng nổi. Vì thế đi khám bác sĩ trở thành một thứ xa xỉ hơn là một nhu cầu đối với người túng thiếu và nhiều người đã quay sang thuốc bắc hoặc thuốc nam.

Bác sĩ Đặng Phương Trạch có phòng mạch tại San Jose từ tám năm nay nhận xét:
“15 đô la chỉ bằng một lần đi hớt tóc nam thành ra nếu chỉ lấy tiền khám 15 đồng thì không thể nào đủ chi phí cho một phòng mạch, trừ phi mỗi ngày phải khám đến cả trăm người, điều không thể làm được.”
Ông cho biết ngay cả nhân viên phụ giúp phòng mạch cũng phải trả ít nhứt cũng $10/giờ chưa kể thuê mướn mặt bằng và điện nước, bảo hiểm …
“Thường thường lần khám đầu cũng phải 60 đô la và các lần theo rõi kế tiếp khoảng 25-30 đô la; nhưng nếu chuyển sang cho các bác sĩ chuyên môn Mỹ thì số tiền phải trả rất nhiều như khám đường ruột cũng $300 hay khám tim trên $1,000 là chuyện bình thường.”
Ông kết luận “không thể nào sống nổi nếu mở phòng mạch chỉ lấy $15 tiền khám.”
Thống kê của California trong tháng Mười Hai vừa qua cho thấy 40% cư dân Thung Lũng Điện Tử không có bảo hiểm y tế với 73,800 người đang trong tình trạng thất nghiệp tại quận hạt Santa Clara.

Chia xẻ nỗi khó khăn đó của người bệnh, bác sĩ Minh, 30 tuổi tốt nghiệp y khoa năm 1998 trường Albert Einstein ở New York nói rằng phải tìm cách nào giúp đỡ người đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
“Tất cả chúng ta đã có cơ hội đi học tới nơi tới chốn và thành người thì tôi nghĩ phải đáp trả và đóng góp lại cho cộng đồng cái thành quả học vấn của mình,” bác sĩ Minh tâm sự và cho biết trong quá trình đi học từ trung học lên đại học và trường y khoa nhiều vị y sĩ sau khi ra trường không còn mang cái hoài bão ban đầu nữa.
Thật vậy với khoảng 12 năm trên ghế nhà trường và món nợ ít nhứt cũng từ 170 đến 200,000 đô la để tốt nghiệp y khoa, phần lớn các bác sĩ, nha sĩ sau khi ra trường đều muốn kiếm tiền để trả nợ và làm ... giầu. Điều này được thấy rõ tại các phòng mạch bác sĩ Việt Nam với bệnh nhân ngồi chật phòng đợi và bác sĩ chạy con thoi giữa bệnh viện và phòng mạch tư. Đi ngược lại truyền thống đó, bác sĩ Minh đã thành lập nhóm Blitz và hành nghề y khoa theo một đường hướng mới: cung cấp dịch vụ y tế đến tất cả mọi người và không bị ràng buộc bởi bảo hiểm.

Vượt biên đến Mỹ năm 1979 lúc mới 6 tuổi, Lê Văn Minh cùng với mẹ và các em đều phải sống nương tựa vào trợ cấp xã hội và bảo hiểm Medi-Cal dành cho người có lợi tức thấp. Từ kinh nghiệm thời niên thiếu đó anh nhận thấy rằng bảo hiểm y tế rẻ tiền là điều bức thiết và hết sức quan trọng để từ đó anh nuôi mộng làm được điều gì mới mẻ và có ích cho người nghèo khó.
“Giúp đỡ người là ưu tư lớn nhứt suốt cuộc đời tôi,” anh thổ lộ và nói tiếp rằng giờ đây khi ra trường rồi, hoàn tất xong bốn năm nội trú ở Pennsylvania và tại bệnh viện Kaiser Permanente ở Santa Clara, anh muốn mang khả năng học vấn của anh công hiến cho cộng đồng.
“Phần lớn sau khi ra trường các bác sĩ chúng tôi hoặc xin làm việc cho một bệnh viện hay mở phòng mạch tư và kiếm nhiều tiền để có một cuộc sống phú túc, nhưng sự giúp đỡ đó chỉ có nếu bệnh nhân có bảo hiểm hay có thể trả nổi tiền mặt cho bác sĩ.” Và anh nói tiếp, “Bảo hiểm sức khỏe hoàn toàn trói chặt tay lương y.”
Ngay từ đầu, sáng kiến mở phòng mạch tư và chỉ lấy 15 đô la cho mỗi lần khám không được mọi người hoan nghênh:
“Biết bao nhiêu người đã chỉ trích, hoài nghi, thậm chí cả chê bai và nói rằng không thể sống nổi với số tiền 15 đô la thu của bệnh nhân,” bác sĩ Minh kể lại thời gian mấy tháng đầu anh đã phải nghe những tiếng nói chống lại lối làm việc của Blitz.
Nhưng tính đến nay hơn bảy tháng trôi qua, từ  không có bệnh nhân nào giờ đây có trên 500 bệnh nhân trong đó đến 25% là người gốc Việt, phần còn lại là người Phi, Ấn Độ, Hoa kể cả người da trắng đã đến với Blitz.

Tại phòng mạch của nhóm Blitz, người ta không thấy đủ loại báo chí Việt ngữ như thường thấy tại các phòng mạch khác và anh giải thích:
“Chúng tôi chỉ đủ trả tiền thuê mướn văn phòng và chi phí điện, nước, dụng cụ y khoa, đâu có dư để đăng quảng cáo. Blitz chỉ nhờ vào lời đồn miệng của cộng đồng.”
Bà Huỳnh Thị Khánh và chồng bị thất nghiệp từ một năm nay và cả hai đều bị bệnh cao máu.
“Tôi được người bạn giới thiệu đến bác sĩ Minh; 15 đồng để khám bệnh, tôi nghĩ không có bác sĩ nào lấy giá đó. Trong lúc thất nghiệp nhiều như vầy mà có người tốt như bác sĩ Minh cũng mừng cho cộng đồng,” bà Khánh nói với Việt Mercury.
Bà cho biết đã giới thiệu cho nhiều người khác cũng trong hoàn cảnh không có bảo hiểm sức khỏe.
Bác sĩ Rich Buxton, thuộc trường y UC Davis phát biểu:
“Rõ ràng là với số tiền 15 đô la thì không thể nào trang trải nổi cho một phòng khám tư nhưng khi làm như vậy bác sĩ Minh không còn bị áp lực của đồng tiền mà chỉ nhắm vào mục tiêu nhân đạo giúp đỡ bệnh nhân. Ông ta phải kiếm sống bằng một việc làm khác để bù đắp cho chi phí điều hành phòng mạch của ông ta.”

Quả vậy, ngoài giờ làm việc tại phòng mạch anh Minh còn hợp tác với bệnh viện Kaiser Permanente làm cuối tuần và hợp tác với các bạn trẻ trong các dịch vụ khác như bán bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ và cố vấn kế hoạch tài chính cho các cơ sở thương mại. Ngoài ra anh còn mở thêm các lớp chỉ dẫn phương pháp dinh dưỡng tránh béo phì và xuống cân để tăng thêm lợi tức quá khiêm nhường của phòng mạch.
“Lúc đầu rất là khó khăn nhưng nay đã được bảy tháng và mọi việc dường như trôi chảy hơn, vấn đề không phải là bệnh nhân quay trở lại mà chính yếu là tôi có thể chăm sóc bệnh nhân bị tiểu đường, cao máu hay những bệnh khác cần sự theo rõi liên tục của người chuyên môn.”
Đường lối hoạt động của Blitz cũng giúp cho những thương nghiệp nhỏ không đủ khả năng mua bảo hiểm y tế có chỗ dựa an toàn khi cần.
“Tôi chỉ mua bảo hiểm y tế cho các cháu nhỏ còn vợ chồng tôi thì khi nào bệnh mới đi bác sĩ và 15 đô một lần khám là điều rất tiện cho những người làm ăn nhỏ như tôi,” ông Thanh, làm nghề cắt cỏ vùng phía bắc San Jose cho biết.

Trong lúc làm được việc tốt giúp ích cộng đồng, bác sĩ Minh cũng có một cuộc sống giản dị và khiêm tốn. Tuy chạy một chiếc xe đời 90, ở nhà thuê tại vùng phía nam San Jose nhưng niềm vui của anh thì vô cùng.
“Chia xẻ được nỗi đau bệnh tật của mọi người là niềm hãnh diện của tôi. Bệnh nhân đến với Blitz và biết sẽ chỉ trả một lệ phí thấp thì khi ra về có thể cơn bệnh cũng giảm một phần nào rồi,” anh chia xẻ suy nghĩ về nghề thầy thuốc với lời thề với Hypocrate khi ra trường phải làm tất cả vì bệnh nhân.
Bà Vũ Thứ Cẩm, 54 mẹ ruột cảa người con trưởng là bác sĩ Minh chia xẻ:
“Tôi khuyên cháu ngay từ lúc mới bắt đầu theo học ngành y rằng nếu có học thì hãy học để giúp người chứ đừng đề làm giàu. Tôi cũng chỉ khuyến khích vậy thôi chứ Minh tự vay mượn và học thành tài chứ gia đình không đủ khả năng tài chánh giúp cho Minh.”
Ngay chính bà Cẩm đã là tấm gương để bốn người con noi theo khi bản thân bà đã theo học tại trường San Jose State để hoàn thành văn bằng kế toán trong lúc vừa phải lo cho gia đình vừa phải kiếm sống.
Bước đi kế tiếp của nhóm Blitz Medical Group là mở rộng tầm hoạt động để bao gồm cả răng và những dịch vụ y tế khác đồng thời đón nhận nhiều bệnh nhân hơn.
“Đó cũng là ước mơ nhỏ khác của bản thân tôi,” anh nói.

                        Bài viết được đăng trên Viet Mercury số 216 ngày 14 tháng Ba, 2003


Friday, May 20, 2016

Nỗi Đau Khốn Cùng

Đức Hà

Hai mươi năm chiến tranh Vietnam (1955 - 1975) đã để lại nhiều bức ảnh để đời; đặc biệt có bốn bức đoạt giải Pulitzer. Cả bốn đều diễn ta cái chết, cả bốn đều làm rúng động thế giới về nỗi kinh hoàng của chiến tranh - từ cái chết thể xác đến cái chết tâm hồn.

“American Soldiers Dragging Viet Cong,” xác một bộ đội Bắc Việt hay có thể là một du kích quân, chân đất quần xà lỏn mặt úp xuống đất được quân Mỹ cột giây kéo lê đến mồ chôn phía sau chiếc thiết vận xa M113 thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ. Lời chú thích của hình ghi là "a Viet Cong soldier" - không tên, không tuổi, chỉ ghi vắn tắt anh ta là một trong nhiều người chết trong trận đụng độ ác liệt giữa quân Úc, Mỹ và quân Giải Phóng tại Long Tân, Núi Đất, Vũng Tàu. Wikipedia trích lời một cựu chiến binh Quân Giải Phóng cho hay Trung Đoàn 275 thuộc Quân Giải Phóng là đơn vị giao tranh trong khu rừng cao-su gần xã Long Tân ngày 19 tháng Tám, năm 1966. Phe chống chiến tranh gọi bức ảnh là một thí dụ về sự tàn bạo của con người và biện minh rằng Mỹ phải rút khỏi Việt Nam.
Tác giả: nhiếp ảnh gia Nhật Kyōichi Sawada của hãng thông tấn UPI.

Bức thứ hai "Saigon Execution" của Eddie Adams chụp trong lúc đang diễn tiến cuộc tổng công kích Mậu Thân ngày 1 tháng Hai, 1968. Đại úy đặc công Nguyễn Văn Lém bị bắt sau khi cầm đầu nhóm quân cảm tử tấn công vào nhân viên cảnh sát gần khu vực Chùa Ấn Quang, Chợ Lớn. Lém bị bắt giữ gần mồ chôn tập thể bảy cảnh sát Saigon cùng với gia đình, tổng cộng 34 xác chết. Khi Lém được đưa đến trình diện Tướng Nguyễn Ngọc Loan, ông này móc khẩu P 38 kết thúc luôn mạng sống của tay đặc công. Eddie Adams đứng gần đó và ghi vào phim nhựa giây phút có một không hai này. Ông Adams kể lại: "Vị tướng bước lại gần tôi và nói 'Tay nay giết hại nhiều nhân viên của tôi, và kể cả của ông nữa,' rồi bỏ đi.

Bức "The Napalm Girl" của Huỳnh Công Út ra đời năm 1972. Lúc đó Phan Thị Kim Phúc được chín tuổi. Kim Phúc bỏ chạy khỏi ngồi làng bị bom phá hủy ở Trảng Bàng. Ngôi làng bị Cộng quân tràn ngập và chiếm đóng. Dân làng bỏ chạy - trong đó có Kim Phúc, phi cơ lầm tưởng là quân địch nhào xuống thả bom tiếp. Kim Phúc hốt hoảng hãi sợ trốn chạy trên đường lộ, quần áo cháy xém không còn mảnh nào che thân và cháy khắp cả da thịt. Nick Ut ghi nhận được bức ảnh đó ngày 08 tháng Sáu, 1972.

Hai đặc công trong ảnh của Sawada và Adams chắc chắn đã được phong liệt sĩ và được chế độ mới ghi công tưởng thưởng. Phan Thị Kim Phúc hiện sống yên ổn cùng gia đình ở Ontario, Canada; vết bỏng trên da cũng đã lành sau nhiều lần chữa chạy. Cho dù nhìn từ góc độ nào, đó cũng là nỗi buồn của chiến tranh, nỗi đau của đổ máu, của mất mát, của người Việt giết hại lẫn nhau. Bức ảnh thứ tư đoạt giải Pulitzer được chụp tại nước Mỹ thanh bình, không có cảnh chết, không đổ máu, mới xem những tưởng là nỗi vui tràn đầy - nhưng bên trong lại chứa đựng những nỗi đau khốn cùng về lòng dạ con người.

"Burst of Joy"
Burst Of Joy by Slava "Sal" Veder

Đó là câu chuyện của Trung Tá Không Quân Hoa Kỳ Robert L. Stirm. Có thể nói chuyện rất giống với hoàn cảnh của nhiều gia đình Việt khi chồng đi tù cải tạo sau 1975, vợ ở nhà - vì duyên cớ gì đó lại lập gia đình với bên thắng cuộc hay mang con vượt biên để rồi cũng sang ngang ở nước ngoài. Người chồng, người cha đi tù trở về với hai bàn tay trắng - không chỉ phải đương đầu với xã hội mới, chế độ mới mà luôn cả với sự ngỡ ngàng hụt hẫng khi gặp lại vợ và con hay chẳng bao giờ gặp được ai nữa.
Hoàn cảnh phi công F-105 Stirm chẳng khác. Trong một phi vụ bỏ bom ở bắc Việt Nam ông bị bắn rơi năm 1967. Sau gần sáu năm tù đầy, tra khảo, đói khổ, bệnh tật trong nhà lao khét tiếng Hanoi Hilton, ông được trao trả vào tháng Ba 1973. Còn gì vui sướng bằng được trở về Mỹ, được đoàn tụ với gia đình thân quyến gồm vợ và bốn con.
Phóng viên ảnh Slava "Sal" Veder của hãng tin AP có mặt từ sớm tại sân bay Travis AFB để làm phóng sự hình về chuyến trở về của 20 tù binh Mỹ bị giam giữ ở Hà Nội. Bức ảnh trắng đen "Burst of Joy" chụp đúng lúc cả gia đình ông Stirm, nụ cười rạng rỡ, vòng tay mở rộng chạy như bay về phía người cha, người chồng vừa thoát cảnh ngục tù Việt Nam. Với bốn người con của Trung Tá Stirm, ngày 17 tháng Ba, 1973 là ngày giấc mơ thành hiện thực hay nói một cách tôn giáo là lời cầu nguyện đã được Ơn Trên đáp lời.
Chiến tranh kết thúc. Gia đình đoàn tụ. Hạnh phúc tràn đầy.

Sự thật không phải vậy. Trả lời phỏng vấn của nhiều phóng viên, cựu Đại Tá Robert Stirm cay đắng: "Tôi được tác giả gởi tặng nhiều phiên bản của bức ảnh đó, nhưng không treo tấm nào trong nhà."
Ông Stirm, nghỉ hưu với cấp bậc Đại Tá năm 1977, hiện ở Foster City, California chỉ tay vào người phụ nữ trong hình nói: "Vì người này."
Cũng như Thượng Nghị Sĩ John McCain - một tù binh tại khám Hỏa Lò Hà Nội, ông Stirm không mấy oán giận hay căm thù những cai tù từng tra tấn, hành hạ, bỏ đói ông trong thời gian bị bắt giữ mà ông lại cay đắng với người từng là một nửa kia của ông - mẹ của bốn con.
Thật ra ngay từ khi còn ở Phillipines để làm thủ tục trước khi về Mỹ, vị mục sư tuyên úy có chuyển cho ông bức thư dạng "Dear John*" ký tên Loretta Stirm, vợ ông.
Thư viết:

"Em đã thay đổi nhiều lắm - em bị đưa đẩy vào một hoàn cảnh mà cuối cùng em phải quyết định. Anh Bob, em yêu anh - cả nhà đều yêu thương anh nhưng em tin rằng tự đáy lòng anh biết rằng chúng mình không thể kết hợp lại như xưa được nữa - và rất vô lý khi lại phải chịu đựng sự bất hạnh khi anh có thể có chọn lựa khác. Cuộc đời vốn ngắn ngủi phải không anh. Chúng mình hoàn toàn không hạp tính nhau, không nên làm khổ nhau thêm nữa. Em rất muốn gặp khi anh trở về - nhưng em sẽ thông cảm nếu anh không muốn như thế."

Người ta không hiểu bà Loretta có mặt tại sân bay vào thời điểm đó để làm gì, để cũng (đóng kịch) cười cũng rạng rỡ như bao người vợ đón mừng chồng trở về từ ngục tù tăm tối, trong khi bà đã ở với người đàn ông khác. Sự thật thì chỉ một năm hơn sau khi bặt tin chồng (lúc đó không biết Trung Tá Stirm bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh hay chết khi trúng đạn phòng không địch), bà Loretta đã bỏ bê gia đình nhưng lại không thật thà khai báo với bốn con. Ông Stirm cho hay bà ấy từng nhận lời cầu hôn của ba người khác nhau trong lúc ông ngồi tù:
"Bức ảnh không nói lên sự thật phũ phàng tiềm ẩn phía sau." - thế nên tác giá mới đặt tên là 'Burst of Joy - Niềm Vui Chan Hòa' khi cả năm mẹ con đều cho thấy vẻ mặt hạnh phúc cùng cực khi được gặp lại người xưa.
Vợ chồng họ Stirm nạp đơn ly dị một năm sau khi ông được hồi hương. Cả hai đều lập gia đình riêng sáu tháng sau đó. Tòa quyết định hai người con đầu - Lorrie và Robert về ở với cha, hai người con sau - Roger và Cindy ở với mẹ. Người vợ được hưởng nguyên căn nhà và gần nửa tiền hưu của chồng - cho dù quan tòa xác nhận có nhiều bằng chứng cho thấy người vợ có những hành vi không xứng đáng khi chồng còn ở trong tù.

Với nhiều người Việt đi tù cải tạo, cũng như cựu Đại Tá Stirm nằm tù Hỏa Lò, gia đình là niềm tin yêu và hy vọng cuối cùng cũng như trên hết để phấn đấu qua mọi thử thách gian nan hầu có ngày được gặp lại người thân. Với người này chiến tranh chấm dứt có nghĩa là đoàn tụ, xum họp và hàn gắn; với người không may, có thể vì nghiệp chướng hay số phận những đau khổ trong chiến tranh cũng vẫn tiếp tục khổ đau trong hòa bình - không phải ai cũng được hưởng niềm vui chan hòa.


*"Dear John letter" là dạng thư của người vợ hay người yêu ở hậu phương gởi cho chồng hay bạn trai đang ở chiến trường báo tin tình của đôi ta chỉ thế thôi, phần lớn có nghĩa người ở lại đã có tình mới.

Friday, April 29, 2016

Phát Động Chiến Dịch AIM–B

Đức Hà

Sáu năm sau khi phát hiện bị viêm gan siêu-vi B vào năm 1990, ông Lâm Toàn, 67 tuổi, đã được các bác sĩ khuyến cáo phải chuẩn bị để về thế giới bên kia nếu không thay được gan. Năm 1996 ông Toàn nằm trong danh sách của những người đợi thay gan của toàn quốc Hoa Kỳ.
“Bác sĩ đề nghị cắt 2/3 lá gan, tôi không chịu, vì sau khi được chích thuốc tôi cảm thấy khỏe hơn, ăn uống bình thường kể cả chơi thể thao,” ông Toàn kể lại với đề nghị được đổi tên vì những chi tiết bệnh lý cá nhân.
Ông cho biết lúc đầu mắt trở nên vàng, toàn thân mệt mỏi, về chiều thì cảm thấy ớn ớn lạnh, buồn nôn và biếng ăn; sau đó bác sĩ cho uống loại thuốc Lamivudine thì tình hình cải thiện, thành ra ông không muốn giải phẫu cắt gan. Nhưng theo lời các bác sĩ của trung tâm gan bệnh viện Stanford cho biết thì đó là một “cái cây đang héo từ từ và chờ chết.”
Cơ may đến với ông Toàn vào ngày 7 tháng Tư năm 2004 khi ông được tin đã có gan và phải thực hiện ca mổ ngay.
“Một tuần sau tôi xuất viện, lúc đầu phải tái khám tuần một lần, rồi tháng một lần, rồi nửa năm một lần, giờ đây đã bình phục hoàn toàn, và cả lên cân,” ông kể lại, giọng nói phấn chấn lạc quan. 
CDC.gov infographic


Ông Toàn là một trong số 12 triệu người Mỹ bị nhiễm vi-rút Hepatitis loại B, với hơn 1 triệu người bị viêm gan mãn tính và khoảng 6,000 người chết mỗi năm do biến chứng của gan, thống kê của cơ quan kiểm soát dịch bệnh CDC bang Atlanta cho biết.
Do tầm nguy hiểm, dễ lây nhiễm qua đường huyết nếu không cẩn trọng, và có triệu chứng bình thường khiến nhiều người lầm tưởng là bệnh cảm cúm, Hiệp Hội Hepatitis B (www.hepb.org) và công ty dược phẩm Bristol-Myers Squibb (www.bms.com) đã phát động chiến dịch “AIM for the B” (Awareness, Involvement and Mobilization for Chronic Hepatitis B) khắp Hoa Kỳ trong mục đích giáo dục và nhắc nhở mọi người, nhứt là người gốc Á về bệnh viêm gan B. Trong cùng lúc Thượng Viện Hoa Kỳ cũng ban hành nghị quyết SR-117 xác định tuần lễ đầu tháng Năm vừa qua là tuần lễ lưu ý bệnh gan B “National Hepatitis B Awareness Week.” Ngoài ra trung tâm ung thư trường UC Davis cũng được tài trợ một ngân khoản gần 4 triệu rưỡi để nghiên cứu giảm tỉ lệ tử vong về ung thư các loại nơi người gốc Á tại Hoa Kỳ.
“Thống kê chính xác về bệnh viêm gan loại B cho thấy 13% tổng dân số người Việt ở trong nước bị viêm gan mãn tính, đứng đầu thế giới trong đó 90% đã bị nhiễm bệnh và lành bệnh, do đó người Việt nên đặc biệt quan tâm đến căn bệnh này,” bác sĩ Trịnh Ngọc Huy, chuyên khoa bệnh tiêu hóa và gan ở San Jose cho biết.
Ông khuyến cáo nếu sinh đẻ tại Việt Nam, trong gia đình có người ung thư gan, có giao du tình dục không bảo vệ hoặc chích ma túy thì phải yêu cầu bác sĩ gia đình đi thư máu truy tầm siêu vi B càng sớm càng tốt.
“Đây là căn bệnh thầm lặng gây chết người và kéo dài từ 30 đến 40 năm cho đến khi trở nên trầm trọng thì không thể cứu vãn được nữa.”

Điều đáng mừng là hiện nay đã có ba loại thuốc uống và một loại thuốc chích có khả năng ngăn chận sự phát triển siêu vi B trong gan do đó theo lời bác sĩ Huy “siêu vi B không tàn phá gan, không tạo ra những vết thẹo chai gan, và có thể đưa từ giai đoạn nặng trở về giai đoạn nhẹ hơn và theo một số quan điểm có thể làm giảm thời gian dắt đến ung thư gan.”
Khi hỏi ông Lê Toàn rằng sau khi được thay gan, bác sĩ có cho biết tuổi thọ kéo dài thêm được bao nhiên lâu nữa, và được ông trả lời:
“Tôi không dám hỏi.”
Ông cho biết hồi còn ở Việt Nam mỗi lần bệnh hay nhờ y tá chích nên có thể bị nhiễm vi-rút B do kim chích không được tiệt trùng mà không biết.
Phát biểu nhân ngày phát động chiến dịch AIM–B tại Santa Clara, ông Molli Conti, phó chủ tịch Hepatitis B Foundation cho biết:
“Chúng tôi rất cám ơn Hội Đồng Giám Sát Quận Hạt Santa Clara và thành phố San Jose đã đặt ưu tiên hàng đầu về việc truy tầm bệnh gan B. Không đầy 30% những người bị nhiễm B chỉ cảm thấy như bị cúm nhẹ và bỏ qua, do đó tỉ lệ người bị nhiễm B và được chữa trị đúng mức rất thấp. Chúng tôi đề ra chương trình AIM-B nhằm giáo dục mọi người và khuyến khích đi thử máu để biết rằng nếu bị nhiễm thì phải được chữa trị đúng mức.”
Thống kê cho thấy trong số những bệnh nhân bị viêm gan mãn tính tại Hoa Kỳ, hơn phân nửa là người gốc Á và về tỉ lệ tử vong của người gốc Á cũng chiếm phân nửa so với các sắc dân khác.Tính toàn cầu cứ 10 người Châu Á - Thái Bình Dương lại có một người sống chung với Hepatitis B mãn tính.


Xem thêm chi tiết tại Hội Nghiên Cứu Gan Hoa Kỳ www.liverfoundation.org hoặc Trung Tâm Gan trường Stanford www.livercancer.standford.edu

                                                Bài viết được đăng trên Viet Mercury số 338 12/14/2005

Saturday, April 23, 2016

Ghé Bến Thượng Hải

Đức Hà

Long ban long lau
Maan lei tou tou gong seoi wing bat jau
Tou zeon liu sai gaan si
Wan zok tou tou jat pin ciu lau ...

PUDONG, Thượng Hải - Nhạc khúc nổi tiếng "Bến Thượng Hải" xuất hiện từ thập niên 80' mãi đến nay tôi mới có dịp ghé Thượng Hải tham quan cho biết sự tình - nói rõ hơn là chỉ quá cảnh Pudong, sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải nguyên gốc viết như sau: 上海浦东国际机场. Cũng chưa có dịp ra đến bến của thành phố khổng lồ hơn 24 triệu dân nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Nếu tính thêm vùng phụ cận con số lên đến 34 triệu hơn. Thế nhưng vẫn có thể ba điều bốn chuyện về Thượng Hải tuy chỉ ngồi phòng đợi ở Pudong hoành tráng và ấn tượng. Thú thật nếu có cho xuống phố chơi thì cũng "Bù, xièxiè - no thank you" bởi vì downtown Thượng Hải có mức độ không khí ô nhiễm hàng đầu Trung Quốc ngang ngửa Bắc Kinh, Thiên Tân ... khói than nhà máy nhiệt điện, khói xe hơi, khói thuốc lá và đủ các loại khói và hơi khác nữa thì thà ngồi sân bay ít ra không khí cũng đã được lọc bớt cặn.


Sân Bay Quốc Tế Shanghai Pudong 
 Thuốc Lá

Không biết thủa xưa người Hoa, người Thượng Hải hút thuốc mức độ nào chứ hiện nay thì ai ai đều hút, mọi người cùng hút. Hình như vậy. Nhưng làm thế nào để mồi thuốc khi tất cả các kiểu quẹt ga hay xăng đều bị tịch thu ngay ở khâu kiểm soát an ninh sân bay - điều mà ở Mỹ TSA đã cho phép. Đảng và Nhà Nước TQ đã lo toan đầy đủ nhằm phục vụ phúc lợi cho nhân dân: ngay tại khu hút thuốc tự do đã để sẵn một loạt mấy kiểu hộp quẹt. Quẹt được cột chặt vào đế giống như mấy cây viết tại ngân hàng vậy. Tha hồ quẹt, tha hồ mồi thuốc nhưng không thể có bàn tay nhám nào cầm nhầm được. Tôi thấy cả ông lẫn bà, trẻ lẫn già, quần áo rất thời thượng à la Shanghai, ngồi phì phèo trong phòng kiếng mịt mùng khói thuốc. Họ cần phải rít nhiều hơi, ém đầy hai lá phổi trước khi lên máy bay chịu trận nhiều tiếng đồng hồ. Điều này cũng đúng thôi khi TQ sản xuất hơn 42% thuốc lá toàn thế giới với 350 triệu người ghiền thuốc - con số đông nhứt thế giới ghi nhận năm 2010 của Wikipedia. Tính bình quân toàn cầu cứ ba điếu thuốc được mồi lên thì có một điếu trên môi (thâm xì) người Hoa. Đã hút thì phải chết, trước sau gì cũng về với Ông Bà tổ tiên: hàng năm có một triệu người Hoa chết vì thuốc lá, thêm vào đó khoảng một trăm ngàn chết vì hít khói sái nhì. So với tổng dân số 1.357 tỉ thì chả sứt mẻ bao nhiêu.
Cơ quan Y Tế Quốc Tế - WHO ước tính với đà tiến nhanh như vậy thì vào năm 2050 sẽ có 3 triệu người chết mỗi năm nếu không có biện pháp chấn chỉnh ngay bây giờ. Chỉnh làm sao được khi nhà máy thuốc lá đều nằm trong hệ thống công ty quốc doanh - mà đã quốc doanh thì chủ chỉ có thể là nhà nước.

Trung Hoa vĩ đại, có nền kinh tế nhất nhì thế giới cũng nổi tiếng về hàng nhái, hàng giả, hàng lậu. Malboro xanh, đỏ, trắng cũng là nạn nhân thê thảm của cường quốc này.
Theo trang web Organized Crime and Corruption Reporting Project - OCCRP, trung tâm phối hợp các chương trình điều tra các vụ tham ô và tổ chức tội phạm toàn cầu đã gọi TQ là trùm quốc tế sản xuất thuốc lá giả. Hàng trăm nhà máy thuốc lá trong vùng Vân Tiêu, phía nam Phúc Kiến có khả năng đưa ra thị trường 400 tỉ điếu mỗi năm, đủ để cung cấp cho dân ghiền ở Mỹ hàng năm mỗi người 460 gói. Thuốc lá thật Made in USA vốn đã độc hại, thuốc giả lại còn độc hại gấp bội lần, nhưng con buôn không thể không chuyển hàng tấn bao thuốc giả đi khắp thế giới từ Châu Mỹ đến Châu Âu vì lợi nhuận quá sức béo bở. Giá vốn ở TQ theo nhà báo Te-Ping Chen của OCCRP chỉ không tới 20 cents gói sang đến Mỹ trở thành từ 5 đến 13 đô tùy bang. Hãng Phillip Morris International ở Virginia cho biết TQ sản xuất đến 60 loại bao bì Malboro khác nhau cho mỗi nước, từ tem thuế giả đến nhãn hiệu giả. Đại khái là bao bì được thực hiện theo yêu cầu của mỗi địa phương theo đúng tôn chỉ khách hàng là vua. Thuốc lá giả có đến 80% nhiều nicotine hơn, 130% carbon monoxide hơn, chưa kể vô số tạp chất như phân chim, phân người ... hít vào cực khoái nhưng sớm muộn cũng "Nay mai về với Ông Bà, Nấp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân."

Nhẩm Xà

Bên trong sân bay Pudong, từ khu chịu thuế đến khu miễn thuế - tức là qua khỏi khu kiểm soát an ninh, chỗ nào cũng có cửa hàng trà. Cửa hàng chong đèn sáng rực, trà bày tầng tầng lớp lớp hoa cả mắt, nhiều vô số kể, đủ kiểu bao bì, đủ dạng đủ màu sắc. Không chỉ trà rời, trà bột, trà lá, trà cọng, trà viên, trà gói mà cả trà kẹo, trà ngậm, trà nhai, trà bánh ... tất cả đều in chữ Hán, có Trời hiểu họ biên cái gì, ướp chất gì.
Điều cũng dễ hiểu bởi người Trung Quốc có tập quán lâu đời là “Ăn xong uống một tách trà,” cho nên trà có nguồn gốc văn hóa và lịch sử lâu đời ở đất nước này. Nghe đâu trà có cội nguồn từ Trung Hoa và cũng là cái nôi của văn hóa trà. Thế nên bên hàng ghế phải, bên trái, trước mặt, phía xa xa nơi tôi ngồi, quý vị cao niên, quý đồng chí, quý bà con phú nông công thương ... người nào cũng mang trong ba-lô, sách tay một bình trà nhựa. Nói chung không phải đa số mà phải là tuyệt đại đa số đều "nhẩm xà." Vì bình có nước không qua được máy kiểm soát an ninh nên họ mang bình không, dưới đáy có sẵn trà. Chỉ cần lại máy mở nước sôi đầy bình là có bình trà nhà mang đi. Nếu ai có cơ hội du lịch hay di chuyển bằng phi cơ thì máy uống nước công cộng ở phi trường chỉ có nước lạnh: người khát chỉ cần cúi xuống bấm nút là nước mát lạnh phun thẳng vào miệng hay vào bình chứa.

Shanghai có sự khác biệt. Cũng như phần thuốc lá nói trên, Đảng và Nhà Nước cũng lo không thiếu gì cho nhân dân của họ. Máy làm nước nóng, nước sôi để khắp nơi, cứ đi vài bước lại thấy kê một cái máy tương tự, vậy mà vẫn thấy đông người đứng chờ đến lượt lấy nước. Không thấy họ nối đuôi xếp hàng, nhưng có vẻ trật tự, ai đến trước lấy trước. Trên máy có ghi cách sử dụng bằng Hoa ngữ và Anh ngữ cùng xác nhận là nước được đảm bảo sát trùng 100% và có hai chế độ nước: ấm và sôi. Ai muốn sơi mì tô, mì ly có thể bấm nút cho nước sôi đúng nhiệt độ mình muốn (nhiệt độ điều chỉnh tùy thích) và cho vào mì. Người uống bình thường có thể lấy ly giấy nhỏ để kế bên máy và lấy nước ấm uống. Nếu có người cắc cớ muốn uống nước lạnh thì sao? có lẽ không được vì trên máy chỉ có hai nút: Warm và Hot.
Có bình trà Ô Long nóng nhâm nhi, thèm quá thì bước vào phòng khói làm vào điếu cho đỡ vã rồi ra ghế ngồi tán dóc ... ồn ào như phiên chợ. Hai người chuyện trò cũng đủ ồn, họ lại tụm năm tụm bảy xát phạt thì thử hỏi ồn đến chừng nào. Người Hoa xưa nay vẫn thế, ăn ồn, nói ồn. Húp mì muốn trôi người kế bên, uống ngụm trà xong là đắc chí khà khà muốn bay người đối diện. Nhưng trong bối cảnh vui nhộn, ầm ĩ và sinh động đó cho thấy dường như họ đang hạnh phúc viên mãn, vui với cuộc sống hiện tại. Mà đúng vậy cho dù "Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng miễn là nó bắt được chuột," chính sách cải cách và mở cửa tháo gỡ xiềng xích cho kinh tế tư nhân của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã mang lại giàu sang phú quý cho người dân. Từ nghèo khó vươn tới thịnh vượng - chỉ đứng hàng thứ hai sau Hoa Kỳ, Đảng và Nhà Nước đã mang lại sức sống tuyệt vời cho hàng triệu người dân. Giờ đây họ du lịch khắp thế giới, tiền tiêu như xả rác, kéo nhau đi hàng đoàn, hàng hàng lớp lớp với hướng dẫn viên cầm cờ đỏ đi đầu. Washington DC, New York City tràn ngập du khách Hoa kiều, Las Vegas, Grand Canyon, San Francisco, Thai Lan, Phuket ... đâu đâu cũng thấy họ. Ngay tại các cửa hàng sang trọng Galeries Lafayette, Au Bon Marché, Printemps Haussann ở Paris cũng phải thành lập một đội ngũ nhân viên tiếp thị nói tiếng Hoa để phục vụ Thượng Đế đại gia từ lục địa sang. Thậm chí vì nạn trai thừa gái thiếu ở trong nước, họ cần lấy vợ trẻ đẹp cũng sang Việt Nam - đất nước mà cách nay 38 năm lãnh tụ của họ từng phát biểu "Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học."

Chỉ có điều họ chỉ được biết điều gì Đảng cho biết thế nên nếu họ hãnh diện khi chánh quyền quyết tâm bài trừ tham ô qua chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" thì cũng chính thành viên trong chánh quyền đó có tên trong hồ sơ Panama Papers vừa được phát hiện - mà họ không hề biết.

Gàobié - 告别 (Chào Tạm Biệt)

Sau gần năm tiếng đồng hồ nằm, ngồi, đi đi lại vật vã tại sân bay Pudong, cuối cùng thì tiếng loa phát từ trần nhà cũng trân trọng "Xin mời quý khách đáp chuyến bay 9858 của Shanghai Airlines ra cổng số ...." Đoàn khách 100% người Hoa lục tục kéo nhau lên ngồi kín chiếc Boeing. Không hiểu họ có than phiền sự chậm trễ của chuyến bay hay không hay là họ quá quen thuộc với tình trạng ban phước này rồi.
Gởi lại lời nhắn cho Thượng Hải bằng phiên bản Việt của Bến Thượng Hải:


Người tình ơi giờ xa rồi
Làm sao ta biết nơi đâu là bến mơ
Còn đâu nữa giấc mơ thuở nào
Người ngày sau sẽ không bao giờ xa nhau.

Sunday, March 20, 2016

Phở Phần Lan


TURKU, Phần Lan - Bài tùy bút viết về Phở khá nổi tiếng của Nguyễn Tuân được ra đời là do một chuyến đi dự hội nghị gì đó ở Helsinki mấy chục năm xưa. Thời Chiến Tranh Lạnh, với truyền thống trung lập, Phần Lan thường được chọn làm nơi tổ chức các hội nghị giữa hai khối trắng, đỏ. Bấy giờ chẳng có người Việt nào lại đến sống ở xứ sở tuy rất đẹp nhưng lạnh lẽo này. Vì các món ăn Phần Lan không hợp khẩu vị, lúc ấy Nguyễn Tuân đứng ở bờ hồ băng tuyết, nghĩ đến một bát phở nghi ngút khói. Thèm nhỏ rãi mà chữ nghĩa tuôn thành bài tùy bút này.
 
Hình NBT 
Mấy chục năm sau, Cộng Sản Bắc Việt “giải phóng” miền Nam. Dân miền Nam bị “phỏng dái” vì các biện pháp “đánh tư sản”, bị lùa đi “Kinh Tế Mới”. Bị lừa vào các trại “Học Tập Cải Tạo” vô thời hạn trong rừng sâu núi thẳm. Thấy được bộ mặt thật của một chế độ tuy ngu muội nhưng quỷ quyệt, bất kể sống chết họ bồng bế nhau xuống những chiếc ghe mỏng manh. Hàng triệu người vượt biên, tấp đến các hòn đảo ở Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Singapore…Nhiều người kẹt rất lâu trong các trại tỵ nạn.

Phần Lan với dân số ít oi chưa đến 5 triệu người, nhưng với truyền thống nhân đạo cũng đã mở vòng tay tiếp nhận khoảng hơn hai ngàn người Việt về định cư ở đất nước này.
Nhờ thế ngày nay bát phở đã có mặt tại Phần Lan.
*
Tôi đi Mỹ mới về Phần Lan được hai ngày.
Trong 6 tuần ở California, tôi đã hăng hái ăn vài chục bát phở cho đã thèm. Những khoanh filet mignon thượng hạng được dùng làm thịt tái, mềm mại như những lời tỏ tình. Những lát vè dòn, vè dầy, nạm, gầu, gân…mới bỏ lên môi đã trôi xuống họng. Nguyên liệu, gia vị, rau cỏ phong phú, mà sạch sẽ. Tất cả đều được kiểm phẩm theo đúng phép vệ sinh để bảo đảm sức khỏe người tiêu thụ.
Xuống Quận Cam vùng Nam Cali, tôi thường ăn phở Nguyễn Huệ ở đường Bolsa của bác Cảnh, anh ruột nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Cung, nấu đúng truyền thống Hà Nội trước 1954. Hoặc phở Quang Trung đường Westminster, Garden Grove có món tái vè dầy xuất sắc. Còn ở San Jose vùng Bắc Cali trước tôi thích nhất tiệm phở Bình của bác Dực. Từng miếng nạm, miếng gầu, sợi phở, rau cỏ đâu ra đó. Bác Dực sửa soạn bát phở với tất cả tâm hồn của một nghệ sĩ. Phở ăn rất ngon, nhưng phải kiên nhẫn lắng nghe bác nói chuyện thơ văn, hay nghe những mẩu chuyện về ca sĩ Sĩ Phú là tiếng hát mà bác yêu mến nhưng đã qua đời.
Từ khi bác Dực nghỉ hưu, có người bạn giới thiệu tiệm phở Pasteur trong khu nhà lồng Lion Plaza, San Jose, tôi thấy cũng ngon. Nhưng trước khi về lại Phần Lan, đến nghe nhạc ở phòng trà Jade Leaf (trước nhà thờ chính tòa San Jose, do nhạc sĩ Lê Huy và ca sĩ Ngọc Diệp làm chủ), tôi ngạc nhiên khi ăn bát phở tại đây. Bát phở này là… hoa lạc giữa rừng gươm! Vì phở được dọn lên trong tiếng nhạc Jazz rộn ràng, đèn mầu nhấp nháy, những đôi chân lả lướt trên sàn…thế mà mùi quế , mùi tiêu, mùi hồi vẫn đủ chỗ bốc lên ngạt ngào xuất sắc. Hỏi mới biết tác giả trước nấu cho phở Công Lý cũ.

*
Hai tuần trước khi tôi rời Cali về Phần Lan, có tin Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đột ngột qua đời trên chuyến bay tới thủ đô Philippines tham dự một hội nghị cổ xúy cho chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Ngậm ngùi trước tin buồn của những người quen biết, những người bạn đang lần lượt ra đi và sắp sửa ra đi.

Về đến Phần Lan, mệt mỏi vì chuyến bay dài và thay đổi múi giờ. Đêm thức ngày ngủ, lẫn lộn giữa mộng, thực. Cứ nghĩ mãi đến hình ảnh Họa Sĩ Hà Cẩm Tâm nằm trên giường bệnh tại một Viện Dưỡng Lão ở San Jose. Trong chuyến về Cali lần này, thăm anh ba lần. Lần đầu, thấy anh nằm dài, suy sụp, nhưng vẫn giữ phong độ của một nghệ sĩ yêu vẻ đẹp, yêu sự chân thực, luôn luôn khôi hài cho mọi người vui. Anh nhắm mắt, cười như mếu, nói như nói thầm “Cuộc đời buồn cười quá”. Còn nhớ, đột nhiên anh nhại một câu của Hồ Chí Minh, chỉ đổi đi một chữ “Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Chân lý ấy…LUÔN LUÔN thay đổi”. Lại mỉm cười, bảo “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp chúng ta!”. Ngừng, nhắm mắt, nói tiếp “Có thằng nhỏ, nó viết thêm vào một chữ THẤT”. Nhắm mắt. Nhớ ngày xưa anh thường say sưa nói về vẻ đẹp của những bông hoa súng trong lúc chèo thuyền trên sông rạch Đồng Tháp thủa kháng chiến chống Pháp. Lần thứ ba, đến thăm trước hôm về Phần Lan, có chiến sĩ nhẩy dù Nguyễn Thành Út và nha sĩ quân y Bùi Ngọc Tô. Anh Tâm suy sụp hoàn toàn, nằm không nhúc nhích. Anh Tô và tôi bối rối không biết làm gì thì Út đã nhanh nhẹn chà mạnh hai bàn tay rồi xoa lên đầu, lên má, lên cổ anh Tâm. Hình ảnh của người cựu chiến binh với đôi tay thô kệch mà lại dịu dàng xoa bóp người bạn già làm tôi cảm động. Út tìm cái thìa múc loại sữa dinh dưỡng mà Út mang theo, vừa nói vừa dỗ dành rồi đặt thìa sữa lên môi anh Tâm. Đôi môi khẽ động đậy, nuốt muỗng sữa. Được một lúc, cặp mắt hơi mở ra, hỏi “có cam không”. Anh Tô vội bóc miếng cam, vắt nước, đặt vào miệng anh Tâm. Chừng nửa giờ sau, anh thều thào nói được. Còn nhớ một câu anh bảo “Bạn bè mình nhiều người bị Cộng Sản giam giữ, đánh đập, khinh khi, chửi bới. Nằm ở đây là sướng lắm”. Tôi lén chụp vài tấm ảnh vì biết đây sẽ là những tấm ảnh cuối cùng mà tôi chụp người bạn già.

Cũng nhớ lần này xuống quận Cam, hai người bạn học Phan Nhật Nam và Phan Bá Sáu lái xe cho tôi xuống San Diego thăm thầy cựu hiệu trưởng trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Ông hiệu trưởng già nua, cũng là ông thầy dậy Việt Văn từng làm cho chúng tôi biết yêu Chinh Phụ Ngâm và những câu thơ trong truyện Kiều, từng có lần nắm tay tôi trong một lần họp mặt mấy năm trước mà bảo “Sao Trạc hay viết những câu cười cợt làm gì?” Trong một lần khác, thầy nói thẳng “Con phải viết để nhắc cho mọi người rằng chế độ Cộng Sản khốn nạn lắm”. Thầy có một người con trai chết trong tù cải tạo sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam. Lần này sức khỏe ông thầy đã như ngọn đèn trước gió. Cố nhỏm ngồi dậy. Cặp mắt lòa bỗng chẩy giòng lệ ướt khi Phan Nhật Nam nói lớn “Con đưa Nguyễn Bá Trạc đến thăm thầy đây”.

Trong cuốn lưu bút khi tôi rời Phan Châu Trinh, thầy có viết mấy chữ. Cuốn lưu bút không còn, nhưng những giòng chữ ấy không bao giờ mất trong tâm trí tôi:
“Sao chiếu mạng! Trong muôn vàn chúng ta là một. Một không phải là không. Ngước nhìn bóng ta ở trên trời”. Ký tên “Nguyễn Đăng Ngọc”.

*
Về Phần Lan mới được hai ngày, sáng nay anh Thảo đã điện thoại mời tôi đến nhà ăn phở. Tuy mệt, nhưng biết việc nấu một nồi phở ở Phần Lan không phải là đơn giản, tôi nhận lời. Ở thành phố Turku này, muốn có ít rau ngò rau quế để nấu phở thì phải canh chừng để mua cho được ở một ngôi chợ Á Đông, nhập cảng từ Thái Lan, một tuần chỉ có một lần.
Anh Thảo chỉ cho tôi thấy một cái nồi giữ nhiệt hiệu Stiger của Nhật mà anh mua từ bên Mỹ, bên trong có một cái nồi khác. Bỏ tất cả xương, sườn…vào cái nồi bên trong, đặt lên bếp nấu khoảng nửa giờ, rồi bỏ vào nồi giữ nhiệt. Không cắm điện nhưng sau một đêm, thịt xương đều nhừ, nước rất ngọt, anh Thảo nói.
Tôi lấy cái máy ảnh luôn luôn đem theo, chụp từ cọng rau, đĩa thịt, cái nồi, với bát phở đặt trên bàn. Đây là bát phở Phần Lan. Bát phở mà ông Nguyễn Tuân mơ ước vì không có mà ăn khi đến xứ này. Nhắc Nguyễn Tuân lại nhớ sau thời Nhân Văn Giai Phẩm, ông ấy có tâm sự rằng “Tôi còn sống được là vì tôi biết sợ”.
Ai mà chẳng sợ? Sợ nên phải chạy trối chết. Đặt hết sinh mạng vợ con, cha mẹ và bản thân lên những con thuyền chỉ đi trên sông, mà tuôn ra giữa đại dương.
Lại nhớ trước hôm rời Cali đến thăm Tường Vũ Anh Thy Vũ Tiến Thủy. Anh ta cũng đang trong tình trạng sức khỏe ngặt nghèo, gần đây có lần bất tỉnh trong phòng tắm đến hơn 7 tiếng đồng hồ. Anh đã bán căn nhà tiền chế ở San Jose để chuẩn bị sang Florida ở với một người cháu. Hôm đến thăm, lúc tôi lên cơn gay gắt nói về những chuyện “Sang, Trọng, Hùng, Dũng” và tình trạng Bắc Thuộc đang xẩy ra thì anh gạt đi mà bảo “Việt Nam chỉ còn là quê hương trong tâm tưởng. Hiện tại không có. Tương lai cũng không có.”

Có lẽ thế. Nên hôm nay với quê hương trong tâm tưởng, chúng tôi ngồi ăn bát phở Phần Lan, miên man nghĩ đến những bát phở CaLi

Tất nhiên là ngon, vì đây là những bát phở của tình nghĩa, bát phở của những người bạn nấu cho nhau ăn. 

Bát phở của những người bỏ nước ra đi vì yêu chuộng tự do, yêu chuộng phẩm giá con người.

NBT 20/3/2016 (ngày sinh nhật DM)