Monday, October 10, 2016

Ổ Bánh Mì Thịt Làm Nên Sự Nghiệp

Đức Hà
Việt Mercury

Người Việt thích ăn bánh mì thịt. Sáng, trưa, chiều, tối, khuya, nửa đêm về sáng, dù buồn hay vui, dù nghèo hay khá giả lúc nào cũng có thể ăn ổ bánh mì kẹp thịt. Rẻ tiền và ngon miệng. Vì vậy khi di dân sang Mỹ, bánh mì thịt cũng được mang theo và có mặt tại bất cứ nơi nào có người Việt định cư.
San Jose có hàng chục cửa hàng bán bánh mì thịt nguội. Từ một tiệm, một chủ, hệ thống hai, ba tiệm một chủ, và quy mô đến hàng chục tiệm cũng cùng một chủ đã trở thành những địa điểm cung cấp món thức ăn nhanh, gọn, hạp khẩu vị Việt Nam với giá cả nhẹ nhàng trong mọi hoàn cảnh kinh tế.
Tuy nhiên nếu có tiệm chủ yếu vẫn nhắm vào khách hàng người Việt thì hệ thống Lee’s Sandwiches với bẩy tiệm đang hoạt động và năm tiệm nữa sẽ khai trương từ nay đến cuối năm thì khách hàng cần phải tranh thủ là những sắc dân khác không phải người Việt.
“Muốn phát triển rộng thì cần phải tiếp cận với giòng chính, tạo một hình ảnh tốt cho khách hàng và một khẩu vị thích hợp,” ông Lê Văn Hướng, 46 tuổi, phụ trách kế hoạch của công ty Lee’s cho biết.


 Hình ảnh mới về một tiệm bánh mì của người Việt được khởi sự tại khu Bolsa, phố chính của người Việt tại miền Nam California và đang được nhân rộng để có thể có mặt khắp nước Mỹ trong thời gian sắp tới.
“Hướng đi trong tương lai của Lee’s là có mặt khắp nơi, như McDonald’s, hay Subway của Mỹ để mang khẩu vị đặc biệt của bánh mì thịt Việt Nam phục vụ mọi sắc dân.”
Thành quả ngày hôm nay của Lee’s là kết quả của những nỗ lực, những cần cù và lao động không mệt mỏi từ mọi người trong gia đình họ Lê. Công khó được đền đáp khi Lee’s trở thành hệ thống cửa hàng bánh mì thịt lớn nhứt của người Việt ở California với doanh thu hàng năm trên 10 triệu đô la.

Lò Đường

Vượt biển đến Mỹ năm 1979 và để lại Việt Nam một gia tài khổng lồ, gia đình họ Lê ở Long Xuyên đã phát triển ngành xe lunch và tiệm bánh mì thịt từ con số không thành một hệ thống quy mô khắp California với tài sản ước lượng khoảng 50 triệu đô la.
“Nếu so với cơ ngơi của ông già hồi còn ở Việt Nam, thì thành quả hiện nay của chín anh em trong gia đình cộng chung cũng chưa bằng,” ông Lê Văn Hướng, người con thứ hai của ông Lê Văn Bá cho biết.
Với người miền Tây, vùng Long Xuyên Thốt Nốt lò đường của ông Bá được xem là lớn nhứt thời trước năm 1975.
“Mới 16 tuổi tôi đã đi buôn chuyến từ Long Xuyên lên Sài Gòn, rồi chuyển sang nghề nấu rượu, thầu dịch vụ bến đò cho đến năm 1961 thì mở lò đường,” ông Bá, năm nay 71 tuổi kể lại từ văn phòng mới của tổng công ty Lee’s đặt tại Saigon Business Center khai trương hồi tháng trước.

Ông nói rằng nghề dạy nghề và đi nhiều nơi học hỏi đã giúp ông trở thành nhà kinh doanh thành công ở miền Tây với hệ thống lò đường, nhà máy nước đá và cả một đội xe tải riêng. Với hàng trăm tấn đường thẻ sản xuất lúc bấy giờ, lò đường Vĩnh Phước cung cấp đến 30% nhu cầu đường cho miền Tây. Tuy nhiên sau năm 1975 tất cả đều trở thành tài sản nhà nước và đến năm 1979 thì hoàn toàn tê liệt.
“Những người tiếp quàn hầu như chẳng biết gì về nghề làm đường mặc dù được chỉ vẽ đầy đủ.”
Ông Bá kể lại rằng với chức vụ phó giám đốc, ông được mời đi tham quan Hà Nội và nhựng điều trông thấy đã khiến ông quyết định phải ra đi.
“Chuyến đi thăm Hà Nội năm 1976 làm tôi hãi sợ và có quyết định ngay là phải đưa hết cả nhà ra đi càng sớm càng tốt.”

Xe Lunch

Không phải tự nhiên mà tháng Năm vừa qua, cơ quan quản trị ngành tiểu thương Hoa Kỳ SBA văn phòng San Francisco đã trao tặng giải thưởng SBA 2003 Entrepreneurial Success Winners cho Lee Brothers Foodservices và Lee’s Sandwiches. Bằng tuyên dương của SBA nói rằng hệ thống Lee’s đã có những đóng góp lớn lao cho sự phồn thịnh của California và mang lại công ăn việc làm cho hàng ngàn người. Và cũng như lò đường bên Việt Nam, cơ sở mới của hệ thống Lee’s cũng bắt đầu từ không thành có.
Khởi đầu sự nghiệp tại Hoa Kỳ với chân phụ việc trên một chiếc xe lunch cung cấp thực phẩm cho trường học năm 1981, ông Lê Văn Chiêu, người con trưởng trong gia đình đã phát triển thành Lee Brothers Foodservice, một hệ thống cung cấp thực phẩm quy mô với 500 xe và hơn 1,000 nhân viên hoạt động khắp Vùng Vịnh.
“Những ngày đầu làm xe lunch của anh em chúng tôi cũng hệt như những ngày đầu của thời ba chúng tôi đi buôn bên nhà. Chủ yếu là sức lao động,” ông Chiêu, 47 tuổi nhớ lại thời kỳ đầu khi ông nấu và vợ ông, bà Lê Quách Ngọc Yến lái xe từ hãng xưởng này qua công ty khác ở San Jose mang thức ăn trưa đến cho mọi người.
Không đầy hai năm sau, công ty có hơn 10 chiếc để sau cùng lên đến trên 500 chiếc hoạt động hoàn toàn độc lập.
“Chúng tôi giúp anh em tự làm chủ chiếc xe của mình, công ty chỉ cung cấp hàng và bến đậu ban đêm.”
Bước đi của Lee Brothers Foodservices đã được đồng hương người Việt nhanh chóng noi theo để hiện nay nắm trọn ngành xe lunch tại vùng Bắc California với sáu công ty của người Việt.
Cùng lúc với xe lunch, công ty Lee’s cũng đầu tư vào ngành địa ốc và tham gia rất nhiều vào các sinh hoạt cộng đồng như đóng góp cho các chương trình cứu trợ lũ lụt, các hoạt động bảo tồn văn hóa kể cả các buổi gây quỹ cho các chính trị gia Mỹ và Việt.

Bánh Mì Thịt

Trong khi người con trưởng bành trướng hệ thống xe lunch thì ông Bá và vợ, bà Nguyễn Thị Hạnh dốc toàn lực vào việc gầy dựng tiệm bánh mì trên đường King. Ông Bá kể lại:
“Đầu tiên chúng tôi làm nhà hàng trên đường Mười Ba, rồi lấy hàng của ông Ba Lẹ bán trên xe lunch, sau cùng thì chúng tôi mở tiệm bánh mì đầu tiên trên đường King.”
Thành công của tiệm Lee’s đã đưa đến sự xuất hiện một loạt các tiệm bánh mì thịt khác như Hương Lan, Thanh Hương, Đa Kao ... Trong khi đó tại Hawaii cũng xuất hiện một loạt các cửa tiệm bánh mì thuộc hệ thống Ba Lẹ. Ngoài bánh mì, Ba Lẹ Hawaii còn mở rộng dịch vụ và cung cấp thực phẩm cho các khách sạn và hãng hàng không.

Tuy cửa hàng bánh mì trên đường King có nhiều khách hàng nhưng để đi vào giòng chính thu hút nhiều khách mới, Lee’s Sandwiches cần có bộ mặt mới, hiện đại hơn. Đó là ý kiến của một thành viên trẻ thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình họ Lê.
“Cháu Minh muốn thí nghiệm ý định của mình tại ngay Bolsa, nơi đón nhận người Việt và du khách từ khắp nơi trên thế giới đến thăm Little Saigon,” ông Chiêu nhắc lại một kỷ niệm cũ đau lòng khi cửa hàng chưa khai trương thì người con trai trưởng qua đời trong một tai nạn lưu thông.
Thành công của tiệm Lee’s đầu tiên ở phố Bolsa, nơi có sức cạnh tranh của hàng chục tiệm bánh mì khác, đã làm người Việt hết sức ngạc nhiên. Lần đầu tiên người đi mua bánh mì phải xếp hàng, lấy số trong lúc cả một hệ thống máy điện toán được đưa vào sử dụng. Và cũng lần đầu tiên người ta thấy tiệm bánh mì mở cửa 24/24.

Tuy nhiên phương hướng phát triển mới, mở rộng ra khỏi phạm vi dòng họ không được tất cà các thành phần trong gia đình đồng ý.
“Bà già thì không bao giờ muốn mở thêm tiệm,” ông Chiêu cho biết.
Thật ra, theo lời ông Hướng, trong gia đình đang có hai khuynh hướng khác nhau: một là tiếp tục hoạt động như hiện nay và giới hạn trong phạm vi dòng họ, và hai là mở rộng đón nhận đầu tư kể cả nhân lực từ bên ngoài.
Chuyên gia tham vấn trong lãnh vực kinh doanh gia đình Quentin Fleming ở Los Angeles nói về những khuynh hướng dị biệt trong vấn đề mơœ mang cơ sở làm ăn.
“Khi tôi làm tham vấn cho các doanh nghiệp người di dân gốc Á, thì điều rất hay xảy ra là họ muốn dấu bớt và không nói hết về ngành nghề của mình. Nhưng tại Mỹ này, một khi đã phát triển lớn thì phải có sự tham gia của người và vốn bên ngoài.”

Con đường làm ăn quy mô này đã được hệ thống Phở Hòa đi trước từ năm 1983 và phát triển thành 91 cửa tiệm dưới dạng franchise tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới.
Ông Nguyễn Bính, 48 tuổi một trong những người sáng lập hệ thống Phở Hòa có trụ sở chính tại Sacramento nói rằng người Việt có thói quen dấu nghề:
“Muốn bành trướng, gia tăng doanh thu thì phải mở rộng ra bên ngoài chứ không như suy nghĩ của phần đông người Việt là khi chia sẻ kinh nghiệm với người khác sẽ làm giảm giá trị ngành nghề của mình.”
Ông Bính nêu thí dụ về công thức nhồi bột lăn gà chiên của hệ thống KFC chẳng hạn vẫn là những điều được giữ kín.
“Làm franchise đòi hỏi phải nghiên cứu thị trường và vốn lớn ban đầu cho nên đó cũng là điều gây trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam,” ông Bính nhận xét.

Lên phát biểu tại buổi lễ nhận giải thưởng của SBA hồi tháng Năm, bà Lê Quách Ngọc Yến cho hay công ty Lee’s Sandwiches đang có kế hoạch mở rộng cơ sở làm ăn sang các tiểu bang khác dưới hình thức franchise.
“Chúng tôi đã nhận được hơn 200 đơn từ nhiều tiểu bang muốn hợp tác làm ăn,” ông Hướng nói với Việt Mercury.
Rõ ràng là bán bánh mì có vẻ là nghề “ngon cơm.”
Trong cuộc phỏng vấn trước đây, ông Tô Văn Lai của trung tâm băng nhạc Thúy Nga Paris có đưa ý kiến về những nhiêu khê khi kinh doanh văn hóa văn nghệ:
“Cứ bán bánh mì như Lee’s Sandwiches vậy mà khỏe.”

        Bài viết được đăng trên Viet Mercury số 232 ngày 04 Tháng Bẩy 2003


No comments:

Post a Comment