Lâm Văn Sang
Tường trình, ghi chép lại quá khứ không phải lúc nào cũng là
chuyện dễ dàng. Bài học vỡ lòng dành cho một sử gia thận trọng, được chỉ dẫn khi
còn ở trường ốc, là cái khoảng cách thời gian cần phải có trước khi một giai đoạn
lịch sử nào đó, một biến cố nào đó, ở đâu đó trên thế giới này, một quyển sử
nghiêm chỉnh được viết ra. Người ta lo sợ rằng ở một khoảng cách quá gần, ở một
biến cố vẫn còn quá mới, người viết sử dễ đánh mất đi sự khách quan, vô tư của mình.
Cái khoảng cách an toàn này là bao xa, dường như chưa ai định rõ. Hơn một phần
tư thế kỷ đã trôi qua sau khi chiến tranh ở Việt Nam
chấm dứt. Liệu cái khoảng cách thời gian này có đủ cho một quyển sử không thiên lệch về cuộc chiến này được viết ra?
Cho đến nay, bất cứ một quyển sách nào trình bày lại giai
đoạn lịch sử nói trên đều không tránh khỏi trở thành một đề tài tranh cãi. Con đường
đi đến sự thật lịch sử có phải vì vậy ngày càng xa hơn? Quyển Diem’s Final Failure:
Prelude to America’s War in Vietnam của Philip E. Catton, giáo sư phụ giảng
về sử của Stephen F. Austin State University,
do nhà xuất bản Đại Học Kansas
phát hành năm vừa qua, dường như đã thu ngắn con đường này lại, một phần.
Tác phẩm là một quyển sách mỏng, 298 trang, nếu so sánh với
nhiều tác phẩm sử khác xuất bản gần đây ở Hoa Kỳ, với 85 trang dành cho chú
thích, sách tham khảo, phần chỉ dẫn danh mục. Tác giả, ông Catton, trong lời
nói đầu, đã giải thích quyển sách khởi đầu từ luận án tiến sĩ của ông với đề
tài về Ấp Chiến Lược được thực hiện ở miền Nam trong thời gian 1961-1963.
Quá trình nghiên cứu, sưu tập tài liệu đặt ông trước nhiều
câu hỏi không có câu trả lời về cá nhân ông Ngô Đình Diệm, khiến ông phải xét
lại diễn tiến của mối quan hệ Mỹ-Việt từ 1954 cho đến 1963. Ông không chấp nhận
quan niệm phổ biến của Tây phương (một thứ phán xét duy nhất, tuyệt đối, và sau
cùng) coi họ Ngô như là "nhà nho cuối cùng" hay "một ông quan phong kiến." Ông cũng không chấp
nhận cái hình ảnh tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức để đơn giản kết án chính quyền, chính
thể ở miền Nam
có tính đàn áp, là biểu hiện của sự phá sản về chính trị và đạo đức. Để làm
sáng tỏ được điều này ông thu thập tài liệu không phải chỉ ở về phía Hoa kỳ và
Tây phương mà còn cả tài liệu bằng tiếng Việt ở cả hai miền Nam và Bắc. Phần lớn tài liệu tiếng
Việt do chính ông phiên dịch ra tiếng Anh. Diem’s Final Failure là câu trả lời
trước hết cho chính ông về giai đoạn lịch sử đó.
Tác phẩm đặt trên chủ điểm "người Việt và người Mỹ
không hiểu nhau." Và "sự xung đột trong quan hệ Mỹ-Việt tiêu biểu cho
sự chạm trán giữa hai nhãn quan xây dựng đất nước và phương cách hiện đại hóa
Nam Việt Nam."
Nhưng Catton không phân tích chế độ của Ngô Đình Diệm như là lịch sử của chính
sách đối ngoại Mỹ mà dựa vào văn bản của lịch sử Việt Nam hiện đại. Người Việt không phải
là kẻ đứng bên lề lịch sử, họ góp phần tạo nên lịch sử đó. Tác phẩm không đi
tìm cách trả lời cho câu hỏi vốn vẫn được nhiều người quan tâm về giai đoạn lịch
sử này, chẳng hạn như ai ra lệnh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, ai ra lệnh hạ
sát anh em ông Diệm. Tác phẩm vẽ ra một bức tranh tương đối toàn diện hơn về
tình hình miền Nam
từ chính trị, quân sự cho đến văn hóa, đời sống. Bức tranh đó không phải vì vậy
nhất thiết chỉ tô son điểm phấn cho chính quyền miền Nam hay thần thoại hóa lãnh tụ của chính quyền đó.
Thất bại của chính quyền Đệ nhất Cộng hòa đến từ nhiều phía.
Ấp chiến lược sau những thành tựu ban đầu tạo thật nhiều khó khăn cho Mặt Trận
Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) đã tỏ ra không đứng vững được trước sự xâm nhập
thêm người và vũ khí từ miền Bắc (tác giả dùng cả chương sách nói về tỉnh Bình
Dương ra làm thí dụ). Kế tiếp, cuộc khủng hoảng Phật giáo tại các thành thị
miền Nam
đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ
Mỹ-Việt. Sài Gòn của năm 1963 là cái nôi của mọi tin đồn lớn nhỏ khác nhau.
Philip E. Catton ghi nhận trên tờ Times of Viet Nam một bài viết có thể là của
bà Ngô Đình Nhu kết án CIA tìm cách lật đổ chính phủ. Trong khi đó ông Nhu công
khai đề cập đến việc miền Nam
cần phải tiết kiệm và bảo toàn tài nguyên chuẩn bị cho tình trạng tự lực khi
cần. Tin tức chính quyền họ Ngô tìm cách liên lạc và nói chuyện với phía Hà Nội
như đổ thêm dầu vào ngọn lửa của tình hình. Thực hư thế nào, đến nay vẫn chưa
rõ.
Theo tác giả có thể chính quyền miền Nam chỉ dùng tin đồn này để làm
giảm bớt áp lực của Hoa Kỳ. Điều này thật ra đã không cải thiện được mối bang
giao giữa Sài-Gòn và Hoa Thịnh Đốn. Cuộc khủng hoảng chính trị đó đã gây phương
hại đến nỗ lực quân sự của chính quyền ở miền Nam nhưng Ấp chiến lược chỉ thực
sự đổ vỡ hoàn toàn sau khi tổng thống Diệm bị lật đổ và chính quyền mới đã
không có một chính sách nào rõ ràng sau đó. Cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm còn
mang lại nhiều hậu quả khác, trong đó có sự can dự của người Mỹ vào chiến tranh
Việt Nam
ngày càng nặng nề hơn.
Diem’s Final Failure hẳn nhiên không phải là câu trả lời làm
hài lòng tất cả mọi người. Edward Miller, một tiến sĩ sử học khác của Đại học
Harvard, cho rằng trường hợp thất bại của kế hoạch Ấp chiến lược ở Bình Dương không
chứng minh được điều tác giả muốn chứng minh và sự thất bại của Ấp chiến lược ở
nơi đây không tiêu biểu cho kế hoạch này trong cả nước.
Tác phẩm ít nhất đã chứng minh được một điều mà Catton trích
lại trong phần kết luận cuối sách như sau: "Người Mỹ và người Việt đi trên
cùng một chiếc xe, nhưng tình trạng bất hòa thường xuyên xảy ra về chuyện ai
lái xe, đi về đâu và sử dụng lộ trình nào để
đến đó."
Diems Final Failure: Prelude
to Americas
War in Vietnam.
Philip E. Catton. University
Press of Kansas, Lawrence
(Kansas), 2002.
Bài được đăng trên Viet Mercury số 250 11/07/2003
Bài được đăng trên Viet Mercury số 250 11/07/2003