Monday, September 29, 2014

Tệ Nạn Sang Băng Lậu



Đức Hà
Việt Mercury

Các băng video phóng sự “Saigon Ăn Nhậu và Chơi” hoặc ca nhạc như “Những Tình Khúc Vượt Thời Gian” hay “Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời” là những băng video được nhiều người Việt ưa thích và vẫn kiếm mua cho dù đã được đưa ra thị trường từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên nếu các trung tâm sản xuất đã đầu tư vốn liếng và công sức kể cả chất xám để hình thành những sản phẩm nghệ thuật nhằm phục vụ người xem thì lại có những cơ sở kiếm sống bằng cách sao chép lại y khuôn và bán với giá rẻ hay sang thành nhiều bản để cho thuê không hề có sự đồng ý của nhà sản xuất.
Những việc làm phi pháp đó đã làm các nhà sản xuất thiệt hại hàng triệu đô la và khiến họ gặp trở ngại khi tiếp tục sản xuất những sản phẩm mới. Vì thế các trung tâm lần đầu tiên đã ngồi lại với nhau và ra một thông báo giải thích việc vi phạm Luật Bản Quyền Quốc Tế và yêu cầu người tiêu thụ “nên mua băng gốc và nghĩ đến việc nâng đỡ đời sống nghệ sĩ,” thay vì “đi thuê mướn là trái với lương tâm con người và là một hành động tiếp tay cho việc kinh doanh bất hợp pháp.”


 San Jose cũng như tại nhiều thành phố có người Việt định cư, việc vi phạm tác quyền này xảy ra thường xuyên, có hệ thống và gần như công khai.
Trong số nhiều tiệm cho thuê video tại San Jose, Việt Mercury nhận thấy tại tiệm trên đường Senter băng “Nụ Cười Năm 2000” của công ty Kim Lợi được để trong danh sách cho thuê và tiệm trên đường Alum Rock thì cho thuê đủ loại băng ca nhạc của Thúy Nga Paris, Kim Lợi, Asia … với giá 1 đô la mỗi băng. Còn tại mấy tiệm khác, nhân viên bán hàng đều trả lời chỉ cho thuê video ca nhạc của các trung tâm tại Việt Nam mà thôi. Tuy nhiên theo lời những khách hàng có đóng tiền thuê phim thường xuyên thì “băng gì họ cũng có hết.”
Để chứng minh mình là chủ quyền hợp pháp của sản phẩm, các trung tâm sản xuất đều đã đăng ký với Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ tại Washington để được phép in hàng chữ ví dụ như Copyright by Kim Loi Productions trên bao bì. Ngoài ra trong phần đầu của mỗi băng video đều có 1 đoạn phim ngắn bằng hai thứ tiếng Anh và Việt ghi lời cảnh cáo của cơ quan FBI theo đó mọi vi phạm như sao chép, cho thuê hay phân phối không có sự thỏa thuận với chủ nhân gốc đều vị trừng phạt theo tội đại hình và phạt tiền đến 250,000 đô la và 5 năm tù.
Nếu ông Phan Kiên thuộc trung tâm FarEast nói rằng ông chỉ hành nghề ở quy mô nhỏ, “một cách cò con” nên không có khả năng kiện cáo thì ông Tô Văn Lai thuộc trung tâm Thúy Nga Paris tại Quận Cam cũng như ông Nguyễn Thành thuộc trung tâm Kim Lợi tại San Jose lại cho biết “Chúng tôi đã bắt quả tang những hành vi làm ăn gian dối, tốn kém hàng chục ngàn đô la luật sư, tòa án, thưa kiện … rốt cuộc chỉ cười trừ, đâu lại vào đó.”
Năm 1994, khi Kim Lợi tung ra bộ video ca nhạc “Tạ Ơn Đời, Tạ Ơn Người” với ca sĩ Elvis Phương thì chỉ ba ngày sau hàng ngàn bộ phim giả đã tràn ngập thị trường thế giới tại bất cứ nơi nào có người Việt định cư.
“Họ chỉ cần mua 1 bộ phim gốc, chuyển sang loại băng master tape và sau đó muốn in bao nhiêu cũng được; chất lượng không kém băng gốc và bán nửa giá thì khách hàng sẵn sàng mua thôi,” Ông Nguyễn Thành, giám đốc Kim Lợi, Inc. cho biết.
Một khách hàng không muốn nêu danh tính được tiếp xúc tại khu Lion Plaza thú nhận rằng rất thường mua video và dĩa CD nhưng cho biết không sao phân biệt được “đồ thật đồ giả vì hình ảnh và âm thanh rất tốt.”
Nhưng người này cũng nói rằng thường mua với giá 10 đô cho bốn CD thay vì 7,8 đô/1 dĩa.
Ông Thành cho biết tất cả những CD hiện bán với giá rẻ như vậy đều là dĩa giả in lại gồm cả những bài hát do Kim Lợi độc quyền. Tuy nhiên nạn nhân bị nặng nhứt là băng nhạc của Thúy Nga vì sức thu hút và tiếng tăm của video do trung tâm này sản xuất. Ông Tô Văn Lai được giới làm video ca nhạc cho là người “làm dữ nhứt” cũng đã thú nhận “chẳng đi đến đâu.”
Ông nói: “Có lúc chúng tôi cho cài đặt kỹ thuật microvision vô phim video để chống việc sang băng như chỉ ngăn được loại máy VCR dùng ở nhà thôi, còn với kẻ gian thì họ tìm cách ‘bẻ khóa’ thế là xong.”

Nhưng nếu đã bắt được quả tang làm băng giả hay băng sang lại cho thuê thì như vậy là có đủ bằng chứng để nhờ pháp luật can thiệp sao lại nói rằng cuối cũng chỉ “cười trừ” hay “chẳng đi đến đâu?”
Về vấn đề này cả hai trung tâm Kim Lợi và Thúy Nga từng nhờ pháp luật xử lý đã giải thích như sau:
“Những người chủ mưu thực sự đều đứng đằng sau, trong bóng tối. Họ nhờ những người mới từ VN sang, hay người không có tài sản đứng tên cơ sở làm ăn, thành ra khi kiện thì gặp ngay một người “trọc đầu” không có tóc thì lấy gì mà thưa?”
Ông Thành nói rằng đã đưa nhiều vụ ra tòa cuối cùng chỉ gặp bên bị cáo là những cụ già lớn tuổi hay người chỉ có hai bàn tay trắng thì đúng như ông giải thích ở trên là “cười trừ” rồi thôi.
Nếu tại VN thời kỳ trước 75, việc sang băng nhạc từ băng lớn sang cassette rất phổ biến và công khai thì theo lời ông Lai, tình hình làm ăn gian dối bắt đầu xuất hiện tại Mỹ khi loại phim bô Trung Hoa được đưa vào thị trường người Việt tị nạn. Ông nói:
“Khi phim Tầu bắt đầu xuất hiện tại Mỹ thì tệ nạn sang băng để cho thuê cũng phát triển theo rất rầm rộ, nhưng rồi sau đó đã bị ngăn chận là vì các hãng phim Tầu có nhiều phương tiện kể cả tài chính và nhân lực để ngăn chận việc làm ăn phi pháp này.”
Luật sư Trương Phú Hòa, có văn phòng tại Quận Cam, và là đại diện cho quyền lợi của nhiều trung tâm sản xuất băng nhạc nói rằng vấn đề kéo dài đến ngày hôm nay 1 phần cũng vì người Việt với nhau không muốn làm lớn chuyện. Ông giải thích:
“Trước đây hầu như trung tâm nào cũng rất tế nhị trong quan hệ với người đồng hương. Chỉ khi nào bị thiệt hại thật nhiều đến quyền lợi thì mới nhờ đến luật pháp can thiệp. Tuy nhiên tình hình đó nay đã thay đổi.”

Trong khi các đài phát thanh sử dụng dĩa nhạc CD của các trung tâm sản xuất 1 cách tùy tiện, các ca sĩ hát nhạc của các tác giả bất kể luật lệ về sản phẩm trí tuệ thì nhạc sĩ Lê Huy thổ lộ rằng từ lâu ông đã có ý muốn làm “một cái gì đó” để sửa đổi vấn đề, nhưng vẫn chưa làm được.
“Khi làm bầu show tổ chức các buổi văn nghệ tôi có nghĩ đến tác giả, các nhà soạn nhạc và nhận thấy phải chia xẻ và đền bù cho công sáng tác của họ. Bầu show bán vé lấy tiền, ca sĩ được trả cachet, còn người sáng tác chẳng được gì.”
Ông Huy nói thêm rằng chi phí quá nặng “nhứt là khỏa trả tiền cho ca sĩ” đã khiến ông không thực hiện được điều ông cho là “thiếu công bằng đối với người sáng tác.”
Nhạc sĩ Trần Quảng Nam, tác giả nổi tiếng với bản 10 Năm Tình Cũ cho biết ông được trả tất cả khoảng 7,000 đô cho nhạc bản đó mà theo ông nếu được thanh toán “sòng phẳng” thì ít nhứt cũng phải đến hơn 100,000 đô.
Ông Nam nói rằng đã phải làm thêm nhiều nghề khác để nuôi “cái đam mê sáng tác.”
“Không có nhạc sĩ VN nào có thể kiếm miếng cơm chỉ bằng sáng tác không mà thôi,” ông nói thêm.
Với việc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa mới qua đời, người ta biết rằng ông đã sáng tác đến 600 bản nhạc và người ta cũng biết rằng Trịnh Công Sơn không sống nhờ vào bản quyền các tác phẩm của ông.
“Vấn đề chính là ý thức của người tiêu thụ,” luật sư Hòa cho biết. Ông cho hay luật tác quyền của Mỹ đã có từ lâu và người Mỹ được giáo dục từ bé để hiểu thế nào là tác quyền; trong khi đó người VN trái lại đến từ 1 quốc gia nghèo và tuy đã định cư tại Mỹ đã 26 năm rồi nhưng vẫn chưa có 1 khái niệm đúng đắn về điều luật quan trọng này. Ông phân tích:
“Người mình có thói quen tiết kiệm nên có khuynh hướng đi thuê cho rẻ. Còn người cho thuê thì nghĩ rằng nếu mua băng gốc về cho thuê là được rồi. Và điều chính yếu là không thể nói rằng nếu thuê phim Mỹ phim Tầu được thì tại sao không thuê phim VN được, bởi vì người cho thuê không hề được sự đồng ý của các nhà sản xuất VN.”
Luật sư kể lại vào năm 1995 ông đã giúp trung tâm Triều Thành tại San Jose giải quyết vụ làm băng giả quy mô nhứt trong lịch sử cộng đồng Việt. Ông nói:
“Riêng tại thành phố Westminster ở Quận Cam, cơ quan công quyền đã bắt được hơn 300,000 băng giả với 1,000 đầu máy VCR.”
Nhưng “thói quen ham lợi” vẫn không bỏ được cho dù đã bị phạt tiền và tù nên 1, hai nơi lại tiếp tục làm băng giả,” ông cho biết thêm.

Tại Vùng Vịnh, các chiến dịch Operation Copycat thực hiện trong các năm trước đây với sự phối hợp của cảnh sát địa phương, FBI và IRS đã tịch thu được vài chục ngàn cuốn băng giả, phần lớn là video phim Mỹ. Nhiều người Việt dính líu vào các vụ sang băng và cho thuê video trái phép này đều bị truy tố ra tòa và lãnh án tù.
Và những khách du lịch có dịp về thăm VN hay Hongkong đều thấy các loại phim ảnh Hollywood, nhu liệu máy điện toán, CD nhạc, quần áo, đồng hồ làm giả được bày bán khắp nơi.
Trong khi việc làm video giả hiện nay chưa có chiều hướng giảm bớt thì việc làm này lại được nâng lên 1 cấp cao hơn.
Trước tiên là dĩa DVD. Các nhà sản xuất cho phát hành băng video xong thì cho ra tiếp loại DVD/karaoke. Giới làm đồ giả cũng nhanh chóng tung ra những DVD tương tự, thậm chí còn hay hơn vì họ dùng hai, ba DVD của nhà sản xuất để làm ra 1 DVD tổng hợp thì dĩ nhiên phải hay rồi, theo lời ông Thành.
Kế đó là dùng internet để phổ biến miễn phí băng nhạc của các trung tâm.
“Tại địa chỉ www.rangdong.com, người ta thấy băng Paris By Night 58, Asia 32 và Hoài Linh 4 đều có sẵn để mọi người tự do download và xem thoải mái trên máy điện toán,” ông Lai cho biết qua điện thoại từ Nam Cali. “Chúng tôi đã báo luật sư và mong sẽ ngăn chận được như người Mỹ đang tìm cách ngăn chận việc làm của Napster.”
Ông Chu Khang đại diện cho nhóm chủ trương trang web rangdong.com nói rằng đã liên lạc với Thúy Nga để xin phép từ nhiều tháng nay nhưng chưa thấy trả lời; còn đối với video của Asia hay Hoài Linh thì “không thấy họ khiếu nại.”
Tuy nhiên với thông báo của Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Video VN tại Hải Ngoại với câu cuối cùng là “Mong quý vị (người tiêu thụ) suy nghĩ lại (đừng thuê mướn video hay đừng mua video giả) thì theo lời luật sư Hòa đó là “một lời báo trước, nếu vẫn vi phạm thì hình phạt sẽ nặng hơn và không thể chối cãi được nữa.” Ông không cho biết thêm là liệu có nhờ cơ quan công lực mở chiến dịch tấn công vào các cơ sở làm ăn phi pháp này hay không.
Thứ Sáu vừa qua băng video phóng sự “Đà Lạt-Nha Trang” của trungtâm FarEast đã được phát hành ra thị trường.
“Chắc chắn chỉ hai, ba ngày sau thì đã có băng cho thuê,” ông Kiên khẳng định.
“Nhưng băng giả, bán rẻ thì chưa biết vì họ cũng khôn lắm; khi nào thấy có ăn mới làm giả. Mình dọn cơm sẵn cho người ta ăn, nhưng biết làm sao,”ông than thở như vậy.

Bài được đăng trên tuần báo Việt Mercury số ra ngày 04 tháng Năm, 2001

Friday, September 12, 2014

Sau Lưng Người Đàn Ông Thành Công



Đức Hà

Sau lưng người đàn ông thành công có bóng dáng người phụ nữ ... phá của là câu châm ngôn có thể mô tả đích thực hoàn cảnh chẳng đặng đừng của cựu Thống Đốc Virginia Robert F. McDonnell - ít ra theo lời tố cáo của chính ông trước tòa về người vợ 37 năm Maureen McDonnell và cũng là mẹ của năm người con.
Vụ án - được mô tả như một vở tuồng cải lương trên sân khấu thủ phủ Richmond của Virginia đã chấm dứt hồi tuần qua sau năm tuần xét xử và ba ngày bồi thẩm đoàn hội ý và nghị án. Cả hai ông bà cựu thống đốc đều bị xét có tội; ông 11 trên 13 tội danh và bà chín trên 13 tội danh và án tù có thể lên đến 30 năm cùng bồi thường một triệu đô. Và tội danh nặng nhất là chủ xướng chế độ ưu đãi dành cho một đại gia chủ hãng sản xuất viên dược thảo để đối lấy quà tặng, tiền cho vay cùng nhiều bổng lộc khác trị giá hơn 177,000 đô. Cả hai còn bị tội dùng giấy tờ giả để vay tiền ngân hàng, lạm dụng công quỹ, lạm dụng chức quyền. Đại gia Jonnie Williams Sr. - CEO của công ty Star Scientific Inc., là người thứ ba có liên hệ với hộ McDonnell trong vụ lùm xùm này. Ông Williams được tòa miễn trừ mọi tội danh khi đứng ra làm chứng buộc tội gia đình nhà McDonnell. Thế nên Williams thành khẩn khai rằng ông ta rải tiền, biếu quà như đồng hồ Rolex, y phục hàng hiệu Oscar de la Renta, Louis Vuitton ..., bao các tua du lịch cao cấp cho cặp McDonnell, cho sử dụng chiếc Ferrari, kể cả ứng $50,000 không cần giấy nợ để tổ chức đám cưới cho con gái hầu mong được chính văn phòng thống đốc Virginia bảo trợ cho loại dược thảo do hãng Star Scientific bào chế. Hồ sơ tòa còn ghi nhận ông Williams từng nói chuyện phone hàng nhiều giờ với bà Maureen khiến dấy lên nghi ngờ có thể có cả tình ái vụng trộm giữa đôi bên.


Ông McDonnell không phải là thống đốc Mỹ đầu tiên từ đỉnh cao danh vọng rớt xuống bùn nhơ vì những lý do không đáng. Chẳng hạn ông Mark San Ford ở South Carolina rớt đài chỉ vì có vợ nhưng vẫn liều lĩnh dan díu ngoài giờ với một phụ nữ Argentina. Ông Rod Blagojevich ở Illinois mất ghế ngồi và lãnh 14 năm tù vì trò mua quan bán chức trái phép. Ông John G. Roland ở Connecticut, 14 năm tù, tội nhận quà của các nhà thầu mà không thành thực khai báo. Ông Jim McGreevey ở New Jersey từ nhiệm thống đốc sau khi thú nhận có quan hệ tình cảm với một người phái nam, cho dù đang có vợ. Thống Đốc New York Eliot Spitzer lại dùng công quỹ để quan hệ du dương tươi mát với các nhà thổ hạng sang. Tuy nhiên nếu dưới con mắt của các lãnh tụ Xã Hội Chủ Nghĩa họ Nguyễn, họ Chu, họ Bạc ... bên kia Thái Bình Dương thì các vụ đánh bẩn, ăn bẩn của quan tham Mỹ đúng là chuyện (vô cùng) nhỏ đối với họ - mà báo chí và công luận của một nước dân chủ đã xé ra to để ngăn chận tệ nạn tham ô đút lót, lạm dụng quyền bính - không được chấp nhận trong xã hội phương Tây; trong khi chỉ là chuyện thường ngày trong XHCN độc lập - tự do - hạnh phúc.
Thật là vô lý đến tận cùng khi một viên chức nhà nước Mỹ - tức người có chức có quyền, lại không được nhận quà trị giá $25 đô hay nhiều hơn và tiền không quá $100 trong một năm. Mà nếu có nhận lại phải khai báo công khai. XHCN làm gì có luật kỳ cục như vậy.

Tiểu Sử

Ông Robert F. McDonnell, 60 tuổi, là trung tá trong lực lượng trừ bị Bộ Binh Hoa Kỳ, từng là thành viên hạ viện tại nghị viện Virginia, nguyên bộ trưởng tư pháp Virginia trước khi được bầu làm Thống Đốc thứ 71 bang Virginia năm 2010. Phải nói rằng công danh của chính trị gia McDonnell lên như diều gặp gió tại Virginia, một ngôi sao sáng. Tên ông đã được nhắc tới như một ứng viên có khả năng đứng phó trong liên danh Mitt Romney của phe Cộng Hòa năm 2012. Tên ông cũng lại được nêu lên trong kỳ bầu cử tổng thống sắp tới. Nếu những điều đó diễn ra đúng như dự định, thì mơ ước bước chân vào Tòa Bạch Ốc của ông gần như trong tầm tay, nhưng ông lại không may chọn sai người chia sẻ ngọt bùi cho suốt cuộc đời và ông ... lãnh đủ. Tuy vậy cặp đôi này đã đóng bộ phim tình ái thật tài tình. Ông Bob Holsworth, cựu chuyên gia môn chính trị học đại học Viginia Commonwealth University nhận xét với báo Washington Post: "Họ cho công chúng thấy một cặp đôi toàn hảo mà tôi nhận thấy từ 30 năm nay. Họ luôn xuất hiện trong các sự kiện công cộng, tay trong tay, tay năm tay suốt cả buổi."

Bênh vực cho hộ McDonnell trước tòa cả luật sư của ông và bà đều cùng một luận điệu: "Họ bị vướng vào một cuộc hôn nhân đổ vỡ và đôi bên hầu như không hề nói chuyện với nhau."
Bà Maureen McDonnell bực bội vì không có đủ tiền tiêu xài, bực bội vì chồng thường xuyên công tác xa nhà, thậm chí cả thù ghét vì ông không ở bên cạnh khi bà cần, theo lời luật John Brownlee.  Luật sư của bà McDonnell biện minh rằng vì cuộc hôn nhân không còn vững nữa nên bà nhà mới tìm an ủi và chỗ dựa nơi đại gia Williams. Ngược lại ông chủ hãng Star Scientific Inc., lại có nhiều quan tâm sâu sắc với đệ nhất phu nhân Virginia và vung tiền không tiếc tay để làm vừa lòng người đẹp.
Chiến thuật của luật sư là muốn đổ hết tội lên người đàn bà tham lam và bất hạnh còn người chồng tuy nắm quyền nhưng lại vô phước lấy lầm người, do đó hai người không thể cùng nhau âm mưu lừa đảo. Tuy nhiên điều này đã không thuyết phục được công tố viện. Và như kết quả phiên xử cho thấy cả hai đều bị bồi thẩm đoàn xét có tội.

Sau khi tòa công bố phán quyết với ông bà McDonnell, Bộ Trưởng Tư Pháp Virgina Mark Herring có lời nhận xét:
"Chúng ta cần nhiều thời gian để hồi phục niềm tin của công chúng sau khi xảy vụ tai tiếng nghiêm trọng này tại Virginia. Nếu ai còn nghi ngờ gì nữa, thì điều rõ ràng trắng đen là nhân dân Virginia đáng được hưởng một cuộc cải cách đạo đức thực sự theo đó phải có phương cách ngăn chận nạn quà cáp, vé đi xem thể thao, và du lịch để từ đó nẩy sinh ra chuyện lạm dụng quyền hành đồng thời làm vỡ niềm tin của nhân dân vào chính quyền. Bởi vậy trong ngày tôi nhậm chức vai trò bộ trưởng tư pháp, tôi đã cho thi hành quy định tuyệt đối cấm biếu xén và một chính sách đạo đức trong văn phòng tư pháp. Quy định đó được áp dụng cho tôi, gia đình tôi và nhân viên là không được nhận quà trị giá $25 hay nhiều hơn, không nhận tiền quá $100 từ một người trong một năm."

Duyên Phận

Tập san U.S. News & World Report chạy hàng tít rất cải lương khi tường thuật vụ án tình tiền và danh vọng này: "Til Death Do Us Part ... Unless Facing Jail Time." - chỉ có cái chết mới chia rẽ chúng ta ... trừ phi phải đi tù.
Theo tường thuật của báo chí địa phương theo dõi vụ việc thì toàn bộ vụ xì-căng-đan này đã không thể xảy ra nếu vào ngày hôm đó người đẹp Maureen không đến dự buổi dạ hội. Lúc đầu Maureen Gardner (tên lúc còn con gái) không hề muốn đi, sau không biết tại sao lại đổi ý và trong buổi dạ hội này chàng đã gặp nàng và kết thành duyên phận. Cặp vợ chồng danh giá này có năm người con. Thế rồi không ai được biết chuyện tình của nhà McDonnell bắt đầu rạn nứt từ lúc nào, nhưng bức email ông viết gởi cho bà năm 2011 do luật sư đưa ra trước tòa theo đó tánh tình của bà trở nên "giận giữ, căm hận ... xảy ra thường xuyên hơn." Ông khai đã cầu nguyện để tánh khí của vợ được ổn định an bình. Ông nói:
"Nếu trong lối hành xử vợ tôi làm tốt công việc của một đệ nhất phu nhân Virginia, thì trong chỗ riêng tư, cách cư xử của bà ta với tôi và nhân viên phục dịch không thể chấp nhận được." Ông còn cho tòa biết vợ ông đã phải đi chữa trị tâm thần năm 2012.

Tám triệu người dân Virginia hiện nay không còn hãnh diện về vùng đất nổi tiếng là có một chính quyền trong sạch trong suốt quá trình lịch sử đất nước Hoa Kỳ. Từ trước đến nay tòa nhà màu trắng do Thomas Jefferson thiết kế và xây dựng thành Nghị Viện Virginia, không chỉ là nơi các nhà luật pháp thảo luận và soạn thảo luật lệ cho tiểu bang mà còn là nơi để các đại biểu cho dân cho thấy cách cư xử quý phái lịch lãm và minh bạch. Giờ đây tòa nhà này cũng lại phải ghi nhận vết nhơ như nhiều nơi khác khi người mà họ chọn lựa và bầu lên để lãnh đạo sắp vào tù. Cũng cần biết thêm Florida đứng đầu bảng với nhiều quan tham nhất nước, California đứng hạng năm theo thống kê của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ.

Trong khi phiên tòa kết án được dự kiến vào ngày 20 tháng Giêng 2015, thì luật sư của hai bị cáo đều phát biểu sẽ chống án.