Đức Hà
Người dân của bất cứ chính quyền nào trong một đất nước tự do dân chủ đều là cốt lõi để giai cấp lãnh đạo dựa vào đó điều hành đất nước. “Ý dân là ý Trời” là vậy. Tổng Thống Abraham Lincoln từng nói: “… that these dead shall not have died in vain—that this nation, under God, shall have a new birth of freedom — and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth - rằng những người đã quá vãng này sẽ không chết một cách vô ích — rằng quốc gia này, dưới sự dẫn dắt của Thượng Đế, sẽ khai sinh ra một nền tự do mới — và rằng chính quyền của dân, do dân, vì dân, sẽ không lụi tàn khỏi thế gian này.” Từ ngàn xưa, Mạnh tử cũng có một câu tương tự: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.”
Nếu một chính quyền coi dân là trọng hơn cả, xã tắc đứng sau, còn vua thì càng nhẹ hơn nữa thì tốt đẹp biết bao. Nhưng một khi nắm quyền rồi thì người ta quên là chính họ từ dân mà ra – do dân bầu lên. Họ tách ra khỏi người dân và không vì dân mà phục vụ nữa – mà phục vụ cho chính lợi ích riêng tư của một nhóm thiểu số cầm quyền thì chuyện gì phải đến sẽ đến. Không tránh khỏi. Chuyện đã xảy ra ngay tại đất nước được xem là dân chủ hàng đầu của thế giới.
Người dân bị ép buộc phải im tiếng, không được chỉ trích chính quyền dù có xây dựng ý tốt. Vi phạm ngay Tu Chính Số 1 được bật tổ phụ viết ngày lập quốc. Họ bị kiểm duyệt từ tiếng nói đến hành động. Con cái họ bị nhà trường tách riêng khỏi bậc phụ huynh để dạy dỗ theo hướng đi nhồi sọ chính sách Đa Dạng - Bình Đẳng - Bao Gồm Mọi Thành Phần (DEI). Ngay cả chuyện phát biểu chống phá thai cũng bị đàn áp răn đe. Trong khi đó thuế lợi tức hàng năm vẫn phải đóng đầy đủ để chính quyền ban hành hết bộ luật này đến bộ gói nọ, vung vãi đi khắp nơi tiền kiếm bằng mồ hôi nước mắt của người lao động chân chính.
Trong khi nhân dân bị áp bức như vậy, trong một đất nước suy thoái mọi bề thì một nhân vật liều mình đứng ra mong muốn và quyết tâm cứu nguy trước khi suy tàn. Ngay lập tức ông bị vùi dập xuống bùn nhơ bằng đủ mọi phương cách … bá đạo. Càng đánh ông càng vùng lên. Ông bị xem là mối đe dọa cho nền dân chủ của đất nước, là độc tài, phát-xít, kỳ thị. Càng vươn lên ông càng bị đè xuống. Vừa thượng đài ông bị quả thôi sơn hội đồng dập ngay xuống sàn. Cứ thế ông vẫn chịu đựng, lại thượng đài tỷ thí với một tập đoàn thông đồng ác ôn gian tà. Kẻ thù của ông cũng là kẻ thù của nhân dân đã đưa ông vào hai cuộc đàn hặc, một cuộc điều tra của Quốc Hội – gồm toàn những người được lựa chọn, rối đến các công tố viên đặc biệt nặn ra tội, vẽ ra tội, chế ra tội để truy tố, hạch tội, đấu tố và buộc tội bất kể chứng cớ. Ngay trong đảng của ông, trong nội các của ông cũng có người phản phúc, chống đối. Ông bị bốn phía bủa vây – không lối thoát. Một vài tiếng nói bảo thủ thưa thớt đã ví các phiên tòa xử trảm ông như các phiên tòa Kangaroo của một nước Cộng Hòa Chuối. Vì đất nước đặt nền tảng pháp trị cho dù chính quyền đã vũ khí hóa, nên ông vẫn còn chút cơ may để thoát hiểm – kể cả mấy vụ âm mưu ám sát. Chính quyền không chỉ đàn áp đối thủ chính trị mà muốn cả triệt tiêu luôn – tức là tống giam. Một nhà tù ở thành phố nọ cũng đã chuẩn bị xà-lim để chờ ông vào thọ án. Ông chưa bị còng tay, nhưng cũng đã được chụp hình lăn tay đúng thủ tục như một kẻ phạm pháp. Tội tầy trời của ông là dám ứng cử chống lại chính quyền đang dùng quyền lực để kìm kẹp thống trị.
Điều không may cho những kẻ cầm quyền lũng đoạn – càng đánh ông càng vùng lên và người dân càng thương ông hơn. Hậu thuẫn càng nhiều hơn. Quan tòa, chánh án, công tố ra tòa và cả đi tranh cử đều với nghị trình phải triệt hạ ông thì nếu là người dân cô thế có thể đã mất mạng từ lâu. Và khi những người dân ủng hộ ông đã quá đà xông vào tòa nhà quyền lực của đất nước đã bị kết án tối đa – tội âm mưu lật đổ chính quyền hợp pháp. Giờ này cho dù đang ở trong tù, họ đã chứng tỏ cho thấy nền dân chủ pháp trị của đất nước bị đe dọa thật sự – thậm chí bị phá sản. Họ nổi giận, người dân thức tỉnh và ngày phán quyết Năm tháng 11 đã đến. Sau không đầy bốn năm cầm quyền, Hoa Kỳ đã sinh ra bao nhiêu vấn đề nóng hổi từ kinh tế, xã hội, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, đến y tế. Làm sao cử tri có thể bầu cho một ứng cử viên vào chức vụ lãnh đạo không chỉ đất nước Hoa Kỳ mà cả thế giới tự do rằng khi được một nhà báo hỏi về việc điều hành quốc gia khác với hiện tại? Ứng viên tổng thống đó trả lời rằng “Hiện không có gì trong tâm trí.”
Vào ngày trọng đại đó – ngày Tổng Tuyển Cử để lựa chọn giữa lẽ phải và sự bất công, tôi đi bầu cho người từng hứa hẹn nhiều lần là đất nước sẽ vĩ đại trở lại khi được bầu làm lãnh đạo. Khi chính trị gia tranh cử hứa hẹn thì phải nghi ngờ, đặt ngay dấu hỏi. Kinh nghiệm cho thấy chính quyền lãnh đạo từng hứa hẹn sẽ đoàn kết dân tộc đã đi ngược lại, phản bội ngay lời hứa – và đất nước trở nên chia rẽ ung thối trầm trọng. Nhưng với ông, tôi tin ông sẽ làm điều đó vì đất nước mà ông yêu quý.
Không chỉ riêng tôi mà 74,650,754 cử tri khi đi bỏ phiếu cũng cùng một niềm tin đó: Niềm Tin MAGA.