(tưởng nhớ anh Hoàng Hải Thủy)
tạp văn. ngọc tự
Buổi sáng thứ hai 7.12.2020, các bạn hữu của tôi ở vùng
Virginia, liên tục gửi tin nhắn và emails báo tin anh Hoàng Hải Thủy vừa từ trần
đêm Chủ nhật hôm trước tại Virginia Hospital Center, Arlington, sau hai tuần được
đưa vào đây. Đến buổi chiều, sau khi lo xong mọi thủ tục với nhà quàn về ngày
giờ và việc tang lễ, qua điện thoại, Kiều Giang mới bình tâm ngồi kể lại cho vợ
chồng tôi nghe chi tiết những giờ phút cuối đời của bố mình.
Trước đấy, lúc thăm hỏi bố qua điện thoại từ nhà, cũng khá
xa, nghe tiếng bố ho nhiều, Kiều Giang đã lái xe sang ngay để lo việc chăm sóc.
Đến hôm ấy, thấy sức khỏe của bố có dấu hiệu suy giảm nhanh quá, nên gọi xe cấp
cứu để đưa vào bệnh viện, nhưng rồi cũng không thể làm gì hơn.
Đang trong tình hình dịch bệnh, việc ra vào thăm viếng bệnh
nhân của người nhà, vô cùng giới hạn và khó khăn. Gia đình chỉ được nhận các
thông tin từ bệnh viện qua điện thoại.
Cũng mừng vì nhiều ngày trước, Kiều Giang đã xin Linh mục
Tuyên úy bệnh viện cử hành các bí tích nhà đạo, lo liệu xong phần thiêng liêng
cho bố. Sau ngày mẹ mất, Kiều Giang biết bố mình đã có lòng trông cậy và vẫn
luôn thì thầm cầu nguyện với Chúa cho mẹ (là người Công giáo đạo gốc).
Vậy là anh đã yên nghỉ trong Chúa thật thanh thản nhẹ nhàng
và an lành, như đi vào một giấc ngủ và chẳng bao giờ còn thức dậy nữa.
Cuộc giã từ cõi trần đời vô cùng êm ả và thật đẹp đến thế là
cùng. Lão ông công tử gốc Hà Đông, lặng lẽ giã biệt đất trích Rừng Phong yêu mến
của mình, giã biệt những con chữ qua bao tháng năm được anh cho nhẩy múa mải mê
trên từng trang viết, làm vui cho người cho đời; để cất bước tiêu dao nơi chỗ
có nhiều niềm vui mới.
Công tử Hà Đông là một trong những bút hiệu (như Gã Thâm)
anh sử dụng, để viết văn trào phúng trên tuần báo Con Ong từ những năm 1970,
cùng với anh Dê Húc Càn (Dương Hùng Cường).
Đã có những tâm tình thương quý anh và chia sẻ sự đau buồn với
tang quyến, được bầy tỏ rất sớm, từ khắp nơi qua những trang mạng, facebook….
Tôi nhẩm đếm nhanh ngưỡng tuổi tám mươi tám của anh, sắp đến
chín bó rồi, theo cách ví von tuổi tác vui đùa anh hay nói. Tôi cũng nói vui với
mấy người bạn thân thiết rằng, vì quá nhớ thương chị
Sau ngày chị bỏ anh lại để ra đi trước cách đây hai năm, chừng
như anh bắt đầu suy sụp dần. Ngày ấy, tuy có lúc phải dùng xe lăn, anh vẫn khỏe
mạnh và chậm rãi kể cho tôi nghe từng chi tiết về mấy ngày cuối đời của chị. Có
lẽ, mỗi ngày anh đều phải chống chỏi với sự cô đơn và thương nhớ nơi căn phòng
trong chung cư dành cho người cao niên, vốn đầy ắp sự hiện diện quen thuộc của
chị.
Thật xúc động quá, sau khi chị mất và được hỏa thiêu, anh đã
giữ hũ đựng tro cốt của chị tại ngay căn phòng này, để ngày ngày anh vẫn có thể
thấy chị gần gũi, và vẫn được chuyện trò, như chưa hề có chia ly cách biệt. Anh
dặn rằng đến lúc anh giã từ cuộc đời, và sau khi hỏa thiêu, đem hòa trộn tro cốt
anh chung với tro cốt chị, để anh chị vĩnh viễn được ở bên nhau. Có gì còn tuyệt
mỹ hơn như thế.
Từ ngày xưa, anh đã nổi tiếng trong văn giới là người rất
thương chị vô cùng. Đến nỗi anh Duyên Anh từng bảo anh là người “lụy”vợ.
Theo thời gian, tuổi đời chồng chất thêm lên và sức khỏe thì
giảm sút hẳn, khi mùa đông lạnh giá năm nay đã đến, anh không vượt qua được cái
giới hạn cuối cùng của phận người mong manh.
Theo cách nói lãng mạn, như vậy anh chị đã có cuộc trùng
phùng, sau một quãng đời cách xa ngắn ngủi.
Trong nỗi bùi ngùi, tôi bồi hồi nhớ lại ít nhiều kỷ niệm với
anh Hoàng Hải Thủy và gia đình anh chị, từ những năm tháng cũ.
*
Trước ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, như mọi người khác,
tôi cũng chỉ là một trong những độc giả của anh, và đương nhiên có một khoảng
cách xa lạ, vì khác biệt môi trường sinh hoạt.
Thế rồi, sau khi đi tù cải tạo ở ngoài Bắc về hồi đầu năm
1981, qua anh Dương Hùng Cường, một ông anh nhà văn nhà báo thân quen cùng đơn
vị ở Không quân ngày trước, tôi có nhiều thuận dịp gặp gỡ, rồi dần dần cũng trở
thành thân quen, gần gũi với anh Hoàng Hải Thủy cùng cả nhà (giống như với anh
Duy Trác). Anh Hoàng Hải Thủy là một trong số mấy văn nghệ sĩ, vẫn còn ở lại Việt
Anh Trần Tam Tiệp cũng là một ông anh sinh hoạt văn chương
báo chí Không Quân, mà tôi có nhiều gắn bó thân tình từ trước năm 1975. Lúc đó,
anh là Tổng thư ký Văn bút Việt
Có thể vì biết mối giao tình của tôi với anh Trần Tam Tiệp
và anh Dương Hùng Cường, nên anh Hoàng Hải Thủy dễ dàng dành cho tôi nhiều thiện
cảm. Tuy vậy, tôi vẫn luôn giữ khoảng cách chừng mực cần thiết, để biếu tỏ sự
tôn trọng trên dưới, như đối với những ông anh khác. Chính anh chị đã xóa đi sự
ngại ngần của tôi và tạo sự gần gũi thân tình hơn, xem tôi như một người em
trong gia đình, để sẵn lòng chuyện trò mọi thứ, mỗi khi tôi đến thăm anh chị ở
khu cư xá Tự do vùng Chí Hòa, gần ngã ba Ông Tạ và ngã tư Bẩy Hiền. Tôi nhận ra
anh là người dễ gần gũi hòa đồng, không có vẻ gì tỏ ra từng là một nhà văn nổi
tiếng một thời.
Chị vui miệng kể về cuộc tình thật đẹp với anh, từ hồi 1954.
Bắt đầu tình yêu với một ông viết văn làm báo, nhưng chị lại đắm đuối vì những
lời thơ lãng mạn anh viết cho chị, hơn là những dòng chữ của con người tài hoa.
Nhiều lần, tôi vẫn nghe chị đọc những câu thơ đã nhập tâm và thuộc nằm lòng:
Mùa Thu
mây trắng xây thành
Tình em mầu
ấy có xanh da trời
Hoa lòng em về có
tươi
Môi em có
thắm nửa đời vì anh.
Cũng không thiếu những sóng gió, chị nói kèm theo nụ cười
hóm hỉnh khi nhắc đến chuyện đã từng có thời gian giận dỗi anh rất lâu. Anh thì
tâm tình với tôi, hồi trẻ quần áo rất lôi thôi, xuề xòa và cù lần lắm. Từ khi
có sự chăm chút của chị, anh mới bắt đầu chưng diện và ăn mặc đỏm dáng. Chị chọn
cho anh từ mầu áo sơ mi cho đến từng cái dây thắt lưng, đôi giầy vớ…
Một lần, nghe chị bảo nhìn anh mặc đi mặc lại mấy quần tây cũ,
trông bèo nhèo thảm não quá, anh ngỏ ý nhờ tôi nói với dượng Ba (tên riêng
chúng tôi gọi anh Trần Tam Tiệp) gửi cho anh cái quần jean Levi’s, để cho dáng
vóc có vẻ khỏe mạnh hơn. Từ khi nhận được món quà này, thấy anh mặc thường
xuyên mỗi khi ra khỏi nhà.
Thỉnh thoảng có anh Dương Hùng Cường cùng ghé đến anh chị.
Anh em chúng tôi ngồi chuyện trò lâu hơn. Cũng có khi đi đâu đó ngang qua vùng
Phú Nhuận nhà tôi, anh tạt vào rủ đi uống cà phê, hay ra quán cóc đầu hẻm cổng
xe lửa số 6, ngồi uống xị rượu thuốc, và đồ mồi là đĩa đậu phụng rang, tán gẫu
chuyện đời.
Tính anh rất thẳng và bộc trực. Một vài lần đến dự buổi gặp
mặt thân hữu tại nhà anh Cao Nguyên Lang, ở làng báo chí cũ, khi thấy cũng có mặt
mấy ông nhà văn thân Cộng, anh bầy tỏ thái độ không vui và gọi tôi bỏ ra về
ngay.
Tôi còn nhớ dịp gần đến tết Nhâm Tuất, hồi đầu năm 1982, Văn
Bút hải ngoại có nhờ anh Duy Trác tổ chức bữa họp mặt tất niên, khách mời gồm một
số văn nghệ sĩ tên tuổi. Địa diểm là căn nhà của chị Kiều Chinh ở cư xá Lữ Gia
Phú Thọ, mà anh Duy Trác hỏi mượn được. Anh Hoàng Hải Thủy dặn tôi ghé qua anh
để cùng đi, vì tiện đường. Chiều hôm ấy, khi tôi đến nhà, thấy anh đang ngồi tiếp
chuyện anh Duyên Anh. Anh ra hiệu cho tôi vào phòng trong để nói tôi cứ đi trước.
Hình như mọi người đang có ý đợi nên tỏ vẻ ngạc nhiên khi
không thấy anh Hoàng Hải Thủy cùng bước vào. Nghe tôi nói sự việc, không khí bắt
đầu bàn tán sôi nổi. Tôi nghe có vị bảo nhân tiện thì mời luôn Duyên Anh cho
vui, nhưng mấy vị khác nói hễ có Duyên Anh thì các vị ấy sẽ về. Anh Duy Trác
hơi bối rối, nhờ tôi quay trở lại cho anh Hoàng Hải Thủy biết mọi chuyện như thế.
Tôi ra lấy xe đi ngay. Nhưng rồi nơi phòng khách nhà anh, chừng
như anh Duyên Anh vẫn còn tiếp tục say sưa câu chuyện chưa muốn dứt. Anh Hoàng
Hải Thủy lộ rõ sự bồn chồn khi thấy tôi quay lại. Anh theo vào dưới nhà bếp,
nghe tôi kể lại đầu đuôi. Và anh bước lên nhà trên, nói thẳng luôn với anh
Duyên Anh nguyên văn những ý kiến của các vị khách mời bên buổi họp mặt đang ngồi
chờ bắt đầu bữa ăn. Anh Duyên Anh nghe xong điềm tĩnh đứng dậy vui vẻ ra về và
chúc chúng tôi có một buổi họp mặt vui. Tôi giật mình vì sự thẳng thắn của anh,
cứ nghĩ rằng anh sẽ có cách nói khéo léo tế nhị nào đó, đâu ngờ.
*
Cũng từ việc liên lạc với anh Trần Tam Tiệp, nhận quà cáp, gửi
bài vở ra hải ngoại, tôi cũng bị chính quyền Cộng sản bắt vào đầu tháng 5/1984,
cùng với anh và các anh chị khác (Doãn Quốc Sỹ, Dương Hùng Cường, Duy Trác, Hiếu
Chân Nguyễn Hoạt, Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn), rồi ra tòa nhận án tù, trong vụ
án quen gọi là “Những tên biệt kích cầm bút”. Từ ngày đó, anh em chúng tôi thêm
gần gũi và thân thiết hơn.
(Khi sang Hoa Kỳ, bên cạnh những sáng tác khác, để phản bác
chế độ Cộng sản, anh đã kể lại câu chuyện vụ án này, qua những bài viết, rồi được
tập hợp in thành sách với nhan đề cùng tên, giúp mọi người hiểu thêm nhiều tình
tiết sự việc.)
Tháng 5/1988, tôi và anh Duy Trác ra tù trước. Rồi trong cuộc
mưu sinh, theo chân chị Dương Hùng Cường, mấy gia đình cùng đi vào nghề bán Căng
tin trường học.
Kiều Giang len lỏi bỏ thầu, kiếm được một chỗ ở ngôi trường,
nằm ngay góc ngã tư đường Nguyễn Bỉnh Khiêm-Hồng Thập Tự, sát cạnh Thảo Cầm
Viên, ngay niên khóa 1988-1989, và rủ ông chú tham gia việc buôn bán này. Năm học
tiếp theo, 1989-1990, chuyển sang một trường trung học lớn hơn trên đường Lý
Thường Kiệt (Nguyễn Văn Thoại cũ), gần chợ Tân Bình. Đây cũng là thời gian anh
Hoàng Hải Thủy mãn án tù, về sum họp với gia đình.
Kiều Giang huy động anh em trong nhà, Hoàng Hoài Nguyên,
Hoàng Hải Triều và thêm vài người thân quen nữa, mới đủ nhân lực bán hàng cho
các lúc đầu buổi học, giờ ra chơi của học trò. Mấy chú cháu đã có một thời gian
dài, mấy năm liền, ngày ngày cùng nhau chia sẻ vui buồn, cay đắng nơi công việc
buôn bán, tưởng chừng tạp nham vặt vãnh, nhưng cũng tạm ổn định phần nào cho cuộc
sống khi ấy, của gia đình anh chị Hoàng Hải Thủy. Tôi biết trước đó, để lo cho
bố mẹ, Kiều Giang đã phải tất tả ngược xuôi, bươn chải với đủ thứ công việc thất
thường ngày đêm, vô cùng vất vả khổ nhọc.
Riêng tôi, làm sao có thể quên được ngày tháng ấy của mình:
Tấp tểnh theo đòi việc bán buôn
Loanh quanh qua buổi
cũng đỡ buồn
Vài ba cục kẹo dăm đồng lẻ
Một lũ trẻ ranh quấy
rầy luôn
May ra đỡ vợ được tí
gạo
Chợ đời nhấp nhổm khỏi
lỏi luồn
Ai buôn thất nghiệp
mơ triệu phú
Riêng mỗi mình ta một
nỗi buồn
Anh Hoàng Hải Thủy nói vì tuổi tác, nên không biết xoay sở
cách gì để có thể lo cho gia đình. Anh nói cám ơn tôi vì đã luôn bên cạnh để
chung sức và giúp đỡ các cháu. Tôi cũng thật lòng thưa lại với anh, dù chú cháu
cùng nương tựa vào nhau, nhưng mọi thứ đều do công lao khó nhọc của Kiều Giang
là chính, tôi chỉ góp phần phụ vào, đâu đáng gì.
Có thể anh được nghe kể đủ thứ chuyện liên quan đến việc
buôn bán hàng ngày ở trường học của mấy chú cháu chúng tôi, liên tục từ sáng sớm
với mọi thứ chuẩn bị cần thiết, cho đến khi chiều muộn, dọn dẹp xong xuôi mới
có thể về nhà. Chắc hẳn không thiếu chuyện căn phòng nhỏ nhà trường dành làm
kho cho căng tin, cũng là chỗ các ông thầy giáo trẻ, kể cả Hiệu phó (đều
là dân sư phạm miền Nam), ra vào thường xuyên hơn phòng giáo viên trên văn
phòng, mỗi khi giờ ra chơi, trống giờ dậy hay chờ đổi lớp; để có thể thoải mái
ngồi hút thuốc, uống cà phê, nước trà (mà không phải tốn phí), tán gẫu đủ thứ
chuyện, nhất là về banh bóng, thể thao. Tôi lo việc thù tiếp này như thể một
công tác Tâm lý chiến. Đây là thành phần luôn hậu thuẫn mạnh mẽ cho chú cháu
chúng tôi, mỗi lần Hiệu trưởng hay phụ trách Công đoàn (là nữ giới, người ngoài
Bắc vào) muốn kiếm chuyện và đặt vấn đề này nọ. Lũ học trò cũng e dè, không dám
quậy phá gì khi ghé xuống Căng tin mua bánh kẹo hay quà vặt.
Để có thêm thu nhập cho gia đình, tôi biết có một dạo, anh
Hoàng Hải Thủy đã không nề hà nhận dịch sách thuê hay viết tiểu thuyết tình cảm
bình dân, nội dung lâm ly thống thiết (dĩ nhiên với một bút hiệu vô danh lạ hoắc),
theo sự đặt hàng của những tay làm xuất bản sách khi đó (còn gọi là lái sách, đầu
nậu), rất am hiểu nhu cầu thị trường, nhất là thị hiếu của rất đông đảo các bà
các cô trong giới buôn bán. Khi các sách loại này ấn hành, anh đều có bản tặng
vợ chồng tôi.
Cũng thật mừng việc anh chị được đi Hoa Kỳ định cư cuối năm
1994, chỉ sau vài năm ra tù, nhờ có sự giúp đỡ tích cực của các hội đoàn hải
ngoại. Đây là lối thoát thật tốt đẹp mà anh hằng chờ đợi.
Tôi ngỡ tưởng mối tương giao với anh sẽ chấm dứt, nhưng rồi
không phải như thế. Ít lâu sau ngày anh chị xuất cảnh, tôi rất bất ngờ khi nhận
được một gói quà anh gửi về. Anh nói có chút ít vài món lặt vặt để gọi là nhớ
nhau. Thật cảm động quá vì anh chị sang bên ấy chưa được bao lâu, còn có bao
nhiêu khó khăn nơi cuộc sống mới ở xứ người.
Năm 1997, gia đình chúng tôi làm đám cưới cho con gái lớn.
Biết tin, anh gửi thư về chúc mừng và gọi tôi là ông “nhạc trẻ”.
Anh em chúng tôi giữ liên lạc nhưng không được thường xuyên,
vì hoàn cảnh khi đó không có nhiều phương tiện thuận lợi như sau này.
Vào khoảng cuối tháng mười một năm 2006, nghe biết gia đình
tôi cũng sắp đi Hoa Kỳ định cư, qua thông tin bạn hữu tôi trao đổi trên
internet bên đó, anh gọi điện thoại về vui mừng thăm hỏi. Khi biết tôi chọn nơi
đến là
Tôi cứ tưởng sang đến nơi, anh em sẽ dễ dàng được gặp mặt
nhau, nhưng rồi nhiều điều kiện thực tế không cho phép. (Nhưng tôi được gần gũi
gia đình anh chị Duy Trác, ớ cách chỗ tôi chừng hai mươi phút lái xe). Chúng
tôi chỉ chuyện trò qua điện thoại. Anh nói rất cảm động và cám ơn tôi đã đến dự
đám cưới Hoàng Hải Triều rồi Hoàng Hoài Nguyên, dù không có sự hiện diện của
anh chị, nhất là việc tôi kịp thời“cứu bồ” trong đám cưới Nguyên. Chả là buổi tối
hôm ấy trời mưa tầm tã, người phụ trách dẫn chương trình tiệc cưới, không biết
sao mà mãi chưa thấy đến (rồi vắng mặt luôn). Tới giờ khai mạc, chú rể cầu cứu
ông chú, và tôi cũng thực hiện trọn vẹn mọi việc suôn sẻ tốt đẹp. Anh để tâm nhớ
cả từng điều nhỏ nhặt thường tình, từ những năm tháng cũ như thế đấy.
Tôi cũng nói việc anh Nguyễn Thụy Long đã tỏ ra ân hận vì những
lời qua tiếng lại có hơi nặng nề với anh, ồn ào một thời, quanh chuyện anh ấy
được giải thưởng văn học do báo Khởi Hành của nhà văn Viên Linh trao tặng hồi
năm 2005. Tôi cũng nói thêm là anh Hồ
Anh kể lại cho nghe những chuyện vui buồn, những lần được đi
đây đó do bạn hữu thân tình tài trợ mọi chi phí. Có lần, một bà chủ báo mà anh
cộng tác thường xuyên, đã bất ngờ “xỉ vả”anh thậm tệ vì chuyện không đâu, nhưng
là chuyện nhỏ, chẳng thành vấn đề với anh.
Tôi cũng biết có nhiều người không mấy thiện cảm với anh
vì ngộ nhận, hay vì cách viết của anh. Nhưng anh là người luôn được các bằng hữu
và đông đảo độc giả mến mộ, yêu quý. Anh cũng có thêm nhiều độc giả mới thuộc mọi
lứa tuổi sau này ở hải ngoại.
Chỉ có chị là tôi từng được gặp lại, trò chuyện thật nhiều,
một lần khi chị về Việt
Suốt thời gian ở Hoa Kỳ, tôi như đã được gặp anh khi theo
dõi đọc những bài anh viết, được phổ biến trên báo in hay mạng internet, để biết
anh vẫn khỏe mạnh, sức viết vẫn đầy sung lực. Thêm nữa là những lần điện thoại
thăm hỏi. Tôi cũng thường thăm hỏi để biết tin tức của anh qua các cháu trong
gia đình, nhất là sau ngày chị mất.
Anh đã yếu dần đi và phải cố gắng chiến đấu với tuổi già từng
ngày. Các cháu có tính đến chuyện đưa anh về
Anh vẫn thường tự nhận là người nghiện computer và
say mê việc viết. Nhưng rồi cũng đến lúc anh phải ngừng lại tất cả, vì sức khỏe
không còn cho phép được tiếp tục. Tôi biết nỗi buồn của anh đã như thế nào, khi
anh ngồi gõ những trang chữ cuối cùng vào khoảng cuối 2017, để rồi sau đấy
ngưng luôn, mà anh hiểu là kết thúc một đời vui với văn chương chữ nghĩa của
anh.
Và cuối cùng, buổi tối khuya đêm Chủ nhật 6.12.2020 an bài ấy…
Giữa hoàn cảnh dịch bệnh, tang lễ của anh thật đơn giản và
chỉ gói gọn trong vài giờ đồng hồ ngày thứ bẩy vừa mới đây. Rất ít người có thể
đến chào tiễn biệt anh lần cuối. Hôm nay, sau khi hỏa táng, xong xuôi mọi sự,
anh đã trở về với thân phận bụi tro. Và rồi tro cốt anh sẽ được hòa trộn chung
với tro cốt chị, đúng như nguyện ước của anh.
Hạnh phúc cho anh biết bao vì tràn ngập những thương mến yêu
quý, những lưu luyến bùi ngùi, của con cháu thân tộc, của bằng hữu, và độc giả
mến mộ, khi anh bỏ lại Rừng Phong, đem theo ông công tử Hà Đông, đi mãi không về
nữa.
Hành trình đi ngang qua trần gian của mỗi người, khởi đầu từ
tiếng khóc chào đời và kết thúc khi nhắm mắt xuôi tay. Có hành trình thật bình
lặng nhẹ tênh, nhưng cũng có hành trình vô cùng rộn ràng sôi nổi, Anh Hoàng Hải
Thủy đã đi trên hành trình sau.
Nói về giây phút cuối cuộc đời, Hermann Hesse ước mong: “Tôi
hy vọng cái chết sẽ là hạnh phúc lớn lao, lớn lao như tình yêu được thỏa nguyện”.
Anh Hoàng Hải Thủy đã có đầy đủ các điều ấy.
Trong cuộc sống, có những người mà ta đã được gặp gỡ qua
tháng năm, ở nhiều khung cảnh, và từng nơi chỗ, sẽ là những cột mốc cho ta ghi
nhớ luôn mãi, về những điều của riêng mình. Dẫu có khi là
niềm vui, nhưng cũng có khi là một nỗi buồn.
Với tôi, anh Hoàng Hải Thủy là một người như thế, bên cạnh
những hiền huynh vô cùng thân quý khác, cũng đã đi về nơi xa khuất.
Bước chân anh Hoàng Hải Thủy đang hoan vui đi vào cõi nghìn
thu. Và ở đó có nụ cười của chị
Kính biệt anh.
ngọc tự.
12/14/2020
No comments:
Post a Comment