Friday, January 13, 2017

Yêu & Ghét

Đức Hà

Chỉ còn mấy ngày nữa nước Mỹ sẽ có vị Tổng Thống thứ 45: ông Donald J. Trump. Ông thắng cử nhờ phiếu của Cử Tri Đoàn, nhưng ông thua phiếu phổ thông: gần ba triệu phiếu. Điều này cho thấy nhân dân Mỹ không 100% ủng hộ ông. Cử tri phát biểu lập trường chính trị của mình qua lá phiếu nhưng vì quan điểm chính trị khác biệt nên một số đông cử tri không chấp nhận ứng viên Cộng Hòa là điều dễ hiểu "Not My President" nhưng đồng thời cũng không chấp nhận cả bà Melania Trump, người sẽ là Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ - "Not My First Lady" nghe có vẻ hơi cực đoan cố chấp. Việt Nam ta có câu "Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng" vậy thì liệu có phải vì tư duy, lý luận hay phán đoán của người Việt ở Mỹ đã lây sang cho người Mỹ hay không, nhưng hiện này rõ ràng đang có hiện tượng như vậy.

Ghét

Mọi sự bắt đầu từ lời phát biểu đầy chỉ trích của một nhà thiết kế thời trang Sophie Theallet, gốc Pháp hiện sinh sống và hành nghề ở New York. Chỉ hơn tuần lễ sau đêm bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái, bà Theallet cho công bố thư ngỏ về lập trường cứng rắn dứt khoát không cộng tác với tân đệ nhất phu nhân về y phục. Thư có đoạn:

"... Là một di dân sinh sống tại đất nước này, tôi được hân hạnh có cơ hội tiếp tục thực hiện ước mơ của tôi tại Hoa Kỳ. Là người thiết kế thời trang cho Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama từ tám năm qua đó là một vinh hạnh, một điểm nhấn quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Bà Obama đã giúp phát huy thương hiệu của chúng tôi cũng như tạo cơ hội cho chúng tôi được sự trân trọng khắp thế giới.
Hành động, đạo đức nề nếp và nét kiều diễm của bà luôn được tôi hân hoan đón nhận tận đáy lòng.
Là một người có chủ trương và ngợi ca sự đa dạng trong xã hội, phát huy tự do cá nhân và tôn trọng mọi lối sống, tôi sẽ không tham gia dưới bất kể hình thức nào hay thiết kế y phục cho Đệ Nhất Phu Nhân sắp tới đây của Hoa Kỳ. Luận điệu kỳ thị, phân biệt giới tính, căm ghét người nước ngoài do chồng bà ta phát động trong suốt mùa bầu cử vừa qua không phù hợp với giá trị đạo đức mà bản thân tôi quyết tâm theo đuổi và chia xẻ.
Tôi khuyến khích các đồng nghiệp trong ngành thời trang hãy cùng tôi giữ vững niềm tin này.
Thái độ chính trực là kim chỉ nam duy nhứt mà chúng tôi trân quý."

Ơ kìa! bà Theallet này ngộ nhỉ. Chồng làm thì bà cứ ghét ông chồng, không bỏ phiếu cho ông ta chứ bà vợ có làm chính trị đâu mà bà lại phản đối. Không lẽ bà cũng chủ trương "Ghét ai ghét cả ..." chăng? Nếu vậy thì tội cho bà Melania quá. Hơn nữa bà lại gốc Pháp, người Pháp nổi tiếng là lịch lãm, cởi mở, mọi chuyện đều có thể nhún vai trề môi Xà Và (ça va) bà quên gốc gác nòi giống rồi hay sao?
Nhưng thực sự bà Trump nào có cần đến chiếc áo của nhà Theallet đâu cơ chứ. Báo chí tường thuật vào đêm đón Giao Thừa sang năm mới 2017, tân Đệ Nhất Phu Nhân lên một cái áo dạ hội của nhà may Ý nổi tiếng  Dolce & Gabbana trị giá ba nghìn đô. Nhà thiết kế Stefano Gabbana viết trên mạng Instagram rằng bà Trump cực kỳ quyến rũ trong chiếc áo do ông thiết kế và ông rất cám ơn bà đã chọn mẫu áo của nhà D&G.
Lời phát biểu khen tặng đầy mỹ ý này trở thành cơn sóng thần trong giới làm thời trang quốc tế.
Báo W Magazine viết: "Sự kiện nhà D&G hồ hởi phấn khởi khi được bà Trump chiếu cố chiếc áo của họ đã đẩy nhà tạo mẫu này về phía cực xa của một trong những chia rẽ lớn nhất trong ngành công nghiệp thời trang."
Ngay sau đó một độc giả góp ý thêm rằng ông Gabbana nên suy xét kỹ trước khi dùng tài sức để lo quần là áo lụa cho bà Trump: "Thật đáng buồn khi một nhà thiết kế đồng tính lại không quan tâm đến những nhóm người khác (sắp) bị chèn ép. Ông chỉ biết đến tiền thôi à?"

Nỗi bức xúc đó cũng thể hiện qua một nhận định đăng trên tờ LA Times rằng quả thật có rất ít hậu thuẫn đối với bà Trump trong giới thiết kế thời trang.
Những nhà thiết kế nổi tiếng như Tom Ford, Marc Jacobs, Derek Lam, Phillip Lim ... cũng đồng lòng từ khước hợp tác với họ hàng nhà Trump. Một ông phát biểu rằng ông Trump không nhất thiết là khuôn mẫu lý tưởng và ông đã từ chối nhiều lần thiết kế y phục cho bà Melania. Trong cùng lúc ông Jacobs đưa ra nhận xét: "Tôi sẽ dùng hết năng lực để giúp những người bị ông Trump và những người theo ông ta làm tổn hại."
Thì ra là vậy, cũng hệt như nhóm hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử ở Silicon Valley, giới làm thời trang đều trước sau như một, sống chết với Dân Chủ, son sắt một lòng với bà Hillary Clinton. Cali, New York là hai thành trì vững chắc của Dân Chủ nên giới điện ảnh ở Hollywood, giới nghệ sĩ trình diễn ... đều một mực hậu thuẫn cho ứng viên có chủ trương Stronger Together. Vừa mới Chúa Nhật vừa qua thôi, một diễn giả đã không bỏ lỡ cơ hội để chỉ trích tổng thống tân cử tuy không nêu đích danh. Khi nhận giải thưởng Cecil B. DeMille tại lễ trao giải Golden Globes, diễn viên Meryl Streep từng lãnh ba giải Oscar khai hỏa:
"Không tôn trọng dẫn đến sự bất kính. Bạo lực kích động bạo lực. Và khi kẻ mạnh sử dụng quyền thế để tấn công người khác, thì tất cả chúng ta đều bị thiệt thòi ..."
Ý bà Streep là nhắm vào ông Trump đã có lần chế diễu một nhà báo tàn tật dạo tranh cử. Lời nói của bà được cử tọa vỗ tay nồng nhiệt tán thưởng, trong đó có tài tử George Clooney. Ông Clooney không ngần ngại nói thẳng rằng nước Mỹ đã may mắn có được các vị lãnh đạo như Jefferson, Lincoln, Roosevelt và Kennedy, hơi bị thiếu may với Bush và bây giờ thì "Tôi nghĩ chúng ta lại thiếu may mắn nữa."

Vì lý do đó nhiều ca sĩ, nhiều ban nhạc của trường học đã từ chối biểu diễn tại liên hoan nhậm chức của ông Trump. Nhưng nhóm chuyển giao quyền lực ở Washington DC có một giải pháp khác là cho mời cả những người từng phát biểu "Not My President" đến chung vui nữa. Tuy không nói ra nhưng câu "Không mợ chợ vẫn đông" mô tả đúng với sự thật dự kiến sẽ diễn ra ngày 20 tới đây tại tiền đình trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ. Tuy nhiên cũng phải công nhận rằng làm nghệ thuật không thể phi chính trị, phi đảng phái được.
Theo quan điểm của giới làm thời trang thân Dân Chủ, thiết kế y phục cho bà Melania Trump tức là ngầm ủng hộ đường lối chính sách gây nhiều tranh cãi và gây nhiều bất mãn của ông Donald Trump. Rõ ràng là sau khi bà Hillary Clinton (bất ngờ) thất cử thì nước Mỹ bị phân hóa trầm trọng, trong mọi tầng lớp nhân dân, mọi ngành nghề, mọi sắc dân, mọi khuynh hướng chính trị - kể cả trong nội bộ đảng Cộng Hòa. Chẳng hạn cầu thủ bóng rổ lừng danh bốn lần MPV Lebron James của đội Cavaliers ở Cleveland cùng nhiều bạn bóng rổ khác đã từ chối không chịu ở khách sạn mang tên Trump trong thời gian đi đấu xa nhà.

Nhưng cũng may cho USA là Phó Tổng Thống Biden, người từng phát biểu "Grow up, Donald - hãy cư xử như một người trưởng thành đi," đã trân trọng xác nhận ông Donald Trump là Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ trong buổi họp của lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 06 vừa qua.
Với cái búa gỗ khõ mạnh xuống bàn, ông Biden khẳng định: "It's over - Từ này chấm dứt không bàn cãi gì thêm về phiếu bầu nữa nha."
Theo truyền thống có từ thời vị tổng thống đầu tiên George Washington là trước khi chào tạm biệt nhân dân lúc mãn nhiệm vị đương nhiệm luôn luôn nhắc nhở đồng bào phải hành xử tử tế với người kế nhiệm. Trong bài phát biểu năm 1953, Tổng Thống Harry Truman nói:
"Tôi muốn tất cả quý vị phải nhận biết rằng công việc lãnh đạo đất nước rất phức tạp và trách nhiệm nặng nề - không phải cho tôi vì tôi sắp rời khỏi đây rồi - mà cho lợi ích của người kế nhiệm. Ông ta cần sự thông cảm và sự giúp đỡ của mọi công dân."

Yêu

Có người ghét thì đương nhiên phải có người thương. Báo mạng McClatchyDC liệt kê một loạt các nhà thiết kế có quan điểm trái ngược - không để chính trị ảnh hưởng đến ngành nghề. Chẳng hạn nhà thiết kế Diane von Fustenberg phát biểu rằng ông Donald Trump đã được bầu lên, và ông ta sẽ là Tổng Thống của chúng ta. Bà Melania xứng đáng được tôn trọng như tất cả các FLOTUS - Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ tiền nhiệm. Bà nói:
"Vai trò của chúng tôi, một phần của ngành công nghiệp thời trang là để quảng bá vẻ đẹp, tính toàn diện, nét đa dạng. Mỗi chúng ta nên phát huy với tất cả khả năng có thể và từ đó tác động đến mọi tầng lớp quần chúng."
Nhóm các nhà thiết kế ôn hòa như Calvin Klein, Tommy Hilfiger, Jean-Paul Gaultier, Carolina Herrera ... nói rằng họ không có vấn đề gì nếu được yêu cầu chăm sóc y phục cho họ nhà Trump.
Tình hình kẻ thương người ghét hiện nay là như vậy - nhưng liệu họ có tiếp tục ghét trong bốn năm sắp tới hay không là câu hỏi báo McClatchyDC đặt ra cho bài phóng sự liên quan đến áo quần của Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump. Theo trang Facebook thì có đến vài chục ngàn người thường xuyên truy cập Facebook để tìm kiếm hình ảnh của bà Melania. Mà không phải chỉ để kiếm hình xem mặt thôi mà kiếm để xem kiểu tóc, thời trang ưa chuộng của bà Melania suốt từ thời con gái, làm người mẫu thời trang đến khi trở thành bà xã của đại gia Donald Trump.


Thắc mắc cuối cùng là không hiểu vụ việc ghét/yêu này có phải là một cú thọc gậy bánh xe khác của trùm tình báo Putin hay không. Dạo này bất cứ chuyện gì xấu xa cứ chỉ ngón tay vào Putin "chính ông ta" cho hợp thời trang.

No comments:

Post a Comment