Đức Hà
Hai nhân vật, hai câu chuyện, một vấn đề: niềm tin tôn giáo.
Vì đức tin tôn giáo, người ta có thể kiêng ăn thịt vào ngày
thứ Sáu hàng tuần, không ăn thịt bò, cử ăn thịt heo, hay tránh sát sinh và chỉ
ăn rau và đậu nhưng liệu người ta có thể vì đức tin tôn giáo mà đứng trên luật
pháp được chăng?
Ít ra đã có hai trường hợp để lòng xác tín tối thượng lên
trên luật và hệ lụy là một phải đi tù và một bị sa thải.
Câu Chuyện Thứ Nhất
Bà Kim Davis, 49 tuổi, là công chức được bầu vào cơ quan hộ
tịch Quận Hạt Rowan, bang Kentucky với mức luơng năm 80 ngàn đô. Trong chức vụ
trưởng phòng, bà ký tên và cấp giấy xác nhận tư cách vợ chồng cho cư dân Rowan County.
Tuy nhiên mấy tuần lễ gần đây bà từ chối cấp giấy giá thú cho những cặp đồng
tính viện lý do là trái với lòng tin của đạo cơ đốc Apostolic Christian. Bà cho
biết tín ngưỡng bà thờ phụng xác định hôn nhân là giữa người nam và người nữ,
một "quyền năng của Thượng Đế." Thế nên nếu bà ký tên và ban phát
giấy hôn thú cho người đồng tính là phản lại điều răn mà bà thấm nhuần từ tôn
chỉ đạo Apostolic Christian. Dứt khoát bà không ký và cũng không cho phép các
phụ tá ký thay.
Như vậy đức tin tôn giáo của bà đã vượt lên trên phán quyết
hồi tháng Sáu của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nói rằng hôn nhân đồng tính là quyền
hợp pháp của con người. Khinh thường và thách thức với lệnh tòa cao nhất liên
bang đưa đến việc bà phải vào tù cho dù không phải 100% người dân Mỹ đều thống
nhất quan điểm với phán quyết tòa tối cao. Cũng cần nhắc lại là tuy Tối Cao
Pháp Viện ra phán quyết hợp thức hóa hôn nhân đồng tính nhưng chỉ có năm phiếu
thuận và bốn phiếu chống. Thăm dò của hãng tin AP cho thấy chỉ hơn phần nữa dân
Mỹ ủng hộ hôn nhân đồng tính. Thật ra thì quyết định không lay chuyển của bà Davis cũng đã làm bùng nổ
thái độ chống đối của tầng lớp người Mỹ bảo thủ không hài lòng với quyết định
công nhận tính hợp pháp của hôn nhân người đồng giới. Ngay cả hai ứng cử viên
tổng thống đảng Cộng Hòa Ted Cruz (Texas) và
Mike Huckabee (Arkansas) - nằm trong số những
người lớn tiếng ủng hộ hành động của bà Davis
cũng vào nhà giam thăm hỏi động viên.
Bà Kim Davis, từng lập gia đình đến bốn lần trong đó hai lần
với cùng một người chồng nói rằng kể từ khi bà cải đạo sang Apostolic Christian
với những nguyên tắc đạo đức khắt khe, bà đã trở thành con người mới và đi lễ
"bất cứ khi nào thánh đường mở cửa."
Bà nói với cánh nhà báo rằng bà không toàn hảo:
"Tôi không phải là người không có khuyết điểm. Ai chẳng
thế. Nhưng tôi đã được tha thứ và tôi tôn xùng, vâng lời Chúa của tôi cũng như
tuân thủ những lời răn dạy."
Vì được học đạo như vậy nên ký tên trên giá thú cấp cho
người đồng tính là sự "xâm phạm đến lương tâm." Bà khẳng định chọn
lựa đó đối với bà "không dễ dàng; đó là một quyết định giữa thiên đàng hay
địa ngục."
Luật là luật, bản tin dẫn lời công tố viên liên bang Kerry
B. Harvey cho hay "Công chức nhà nước được tự do bất đồng với luật, nhưng
không được bất tuân. Bà Davis đã tự đặt mình vào vị trí đối nghịch với hệ thống
pháp lý Hoa Kỳ và lên đến tận Tối Cao Pháp Viện. Bây giờ là lúc bà Davis và phòng hộ tịch
quận hạt phải tuân thủ luật pháp."
Tin mới nhất cho biết vào thứ Ba vừa qua, bà Kim Davis đã
được trả tự do sau sáu ngày giam cầm. Lệnh phóng thích do quan tòa U.S.
District Judge David Bunning ký có kèm theo điều kiện: "Bà Kim Davis không
được ngăn trở bất cứ bằng cách nào, trực tiếp hay gián tiếp, với công tác cấp
phát giấy hôn thú cho mọi cư dân có đủ tư cách pháp lý."
Phát biểu trước đám đông hơn bốn ngàn người ủng hộ quan điểm
chống hôn nhân đồng tính, luật sư của bà Davis, Matthew Staver nói rằng bà
Davis sẽ công tác tốt, phục vụ cư dân đúng theo nhu cầu của họ. Bà vẫn trung
thành với tín ngưỡng và sẽ không làm điều gì trái lương tâm.
Câu Chuyện Thứ Hai:
Charee Stanley,
40 tuổi, là tiếp viên hàng không của hãng ExpressJet. Với nhiệm vụ của một tiếp
viên trên phi cơ, bà Stanley
phải phục vụ nhu cầu của mọi hành khách từ nước uống thức ăn, hướng dẫn khi có
trường hợp khẩn cấp, sắp xếp trật tự trong khoang hành khách... Thế nhưng câu chuyện
trở nên phức tạp khi bà Stanley
viện cớ tín ngưỡng Hồi giáo, không bưng rót rượu cho hành khách.
Bà Stanley được tuyển chọn vào hãng ExpressJet cách nay ba
năm. Một năm sau bà cải đạo sang Hồi giáo. Theo giáo lý Hồi giáo, tín đồ đạo
này không được dùng rượu và cũng không được bưng rót rượu mời người khác và
luôn phải quấn khăn che tóc. Giới chức điều hành của ExpressJet tạo điều kiện
dung hòa và khuyến cáo bà Stanley
nên dàn xếp công việc với đồng nghiệp để không phải bưng rượu cho khách đi phi
cơ. Câu chuyện đã rối rắm tưởng êm lại trở nên rối hơn khi một tiếp viên khác
than phiền với cấp trên rằng bà Stanley
không làm tròn nhiệm vụ của một tiếp viên. Thêm vào đó người này còn cho biết
bà Stanley không những không chịu bưng rượu cho khách, còn quấn khăn và đọc
loại sách gì đó có in chữ lằng nhằng.
Giọt nước làm tràn ly khi vào tháng Tám ngày 25, bà Stanley nhận được một văn
thư của hãng ExpressJet cho biết không còn chấp nhận các đặc quyền với lý do
tôn giáo dành cho bà nữa và cho bà nghỉ không lương. Văn thư còn cảnh báo hãng
có thể chấm dứt hợp đồng công tác (tức sa thải) sau 12 tháng.
Cho rằng hãng ExpressJet bất công và kỳ thị, bà Stanley đệ đơn kiện với
ủy ban Equal Employment Opportunity Commission - cơ quan liên bang thi hành và thực thi quyền dân
sự chống phân biệt đối xử tại nơi
làm việc. Luật sư của bà nói rằng "Không một
ai phải lựa chọn giữa tín ngưỡng và sự nghiệp." Trong đơn thưa bà Stanley cho biết bà muốn
trở lại làm việc với mọi sự dễ dàng để bà vẫn tôn xùng tín ngưỡng của bà và
công ty phải tạo bầu không khí an toàn tại nơi làm việc cho nhân viên.
Niềm Tin Tôn Giáo
Điều kiện tiên khởi để con người đến với tôn giáo là niềm
tin. Không có niềm tin, con người không thể đến với đạo. Hẳn nhiên một khi đã
có đạo, con người cũng đã tích tụ được một số vốn ít nhiều về giáo lý, cùng
tuân thủ những phép tắc tôn giáo. Nhưng liệu người ta có thể viện dẫn tự do tôn
giáo, áp dụng những phép tắc đó, niềm tin đó vào công việc hàng ngày. Nói tóm
gọn: người ta có nên mang tôn giáo vào sở làm hay không?
Bà Kim Davis được bầu vào chức vụ trưởng phòng hộ tịch. Đúng
lý ra bà phải làm tròn nhiệm vụ cử tri ủy quyền trao cho bà. Xem các đoạn video
trên truyền hình do các phóng viên ghi nhận, người ta được nghe những người
đồng tính nam đến lập hôn thú gào thét: "Chúng tôi đóng thuế để trả luơng
cho bà, sao bà lại từ chối trách nhiệm đã được ghi rõ trong văn bản." Mẹ
bà Davis cũng từng
đứng đầu phòng hộ tịch trong 37 năm trước khi bàn giao cho con gái. Hiện nay Nathan,
con trai bà Davis cũng là nhân viên dưới quyền
bà Davis.
Cũng thế tiếp viên Charee Stanley, đã mang tín ngưỡng Hồi
giáo vào sở làm. Công việc nào đụng chạm hay trái với giáo lý giảng dạy trong
kinh thánh Coran thì bà Stanley
từ chối không làm nhưng vẫn đòi bình đẳng. Vì bị từ chối nên bà gọi đó là kỳ
thị tại sở làm.
Chỉ có điều không hiểu rồi một ngày nào đây lại có người
viện cớ chay trường để không bưng dĩa bò lúc lắc hay tô phở tái nạm gầu cho thực
khách được chăng?