Đức Hà
Kaci Hickox, nữ y tá tình nguyện với tổ chức Y Sĩ Không Biên
Giới, vừa từ Sierra Leone
trở về Mỹ. Sierra Leone, Guinea và Liberia - ba nước thuộc Tây Châu Phi, là nơi
dịch Ebola đang hoành hành dữ dội. Tính cho đến nay đã có hơn 10 ngàn người
nhiễm bệnh và 5,500 người tử vong. Con số tăng từng ngày và chưa ai biết đến
bao giờ mới có thể chận đứng nạn dịch lan nhanh và chết người này.
Hoa Kỳ cũng như phần còn lại của thế giới đều tìm mọi biện
pháp để ngăn Ebola lan tràn sang nước mình. Chi tiết về mức độ kiểm soát và
thanh lọc gắt gao người từ vùng dịch trở về được bà Hickox kể lại trên báo
Dallas Morning News. Bà viết:
"Tôi là một y tá vừa trở về Mỹ sau chuyến công tác với
tổ chức Doctors Without Borders tại Sierra Leone - nơi dịch Ebola đang
tiếp diễn. Tôi bị cách ly tại New
Jersey. Đây là tình huống tôi hy vọng không ai phải
trải qua, và tôi hãi sợ cho những người đi sau tôi.
Tôi lo ngại khi nhân viên y tế bị đối xử tồi tệ tại cửa khẩu
khi họ khai báo vừa từ vùng bệnh Ebola ở Tây Phi trở về. Tôi lo ngại cho họ,
cũng như cho chính tôi, khi về đến Mỹ và phải đối đầu với tình trạng rối ren,
hãi sợ và kinh hoàng nhất là bị cách ly.
Tôi đến sân bay quốc tế Newark, New Jersey khoảng 1 giờ trưa thứ Sáu, sau chuyến đi hai ngày mệt mỏi từ Sierra Leone. Tôi bước đến quầy nhập cư ở sân bay và được nhân viên chào đón bằng một nụ cười và tiếng "Hello".
Tôi nói với ông ta rằng vừa từ Sierra Leone về và ông ta đáp không
mấy hồ hởi: "Không sao đâu. Chắc chắn họ sẽ hỏi bà vài câu thôi." Thế
rồi ông ta xỏ bao tay, đeo mặt nạ lên và gọi một người nào đó. Tôi được bảo
phải ngồi yên tại chỗ. Nhìn chung quanh tôi thấy mọi người chạy ra vào xốn xáo,
mặc đồ bảo hộ trắng xóa, bao tay, mặt nạ và cả khẩu trang. Hết người này đến
người kia thay nhau tra vấn tôi. Có người tự giới thiệu, có người phớt lờ. Một
ông dường như là nhân viên phụ trách di trú vì tôi thấy có đeo súng - vì súng
nhô ra khỏi áo bảo hộ. Ông ta thẩm vấn tôi y như tôi là một tội phạm. Hai người
khác hỏi tôi về việc làm ở Sierra
Leone. Một trong hai người là giới chức của
cơ quan phòng ngừa dịch Centers for Disease Control and Prevention (CDC). Họ
ghi ghi chép chép bên lề của tờ khai, dường như tờ khai liệt kê không đủ chi
tiết để viết những điều thu thập được.
Tôi cảm thấy mệt mỏi, đói và rối rắm, nhưng ráng giữ vẻ bình
thản. Họ dùng máy đo nhiệt độ lấy ở trán: 98 độ. Thực sự mà nói tôi cảm thấy
trong người bình thường nhưng tinh thần rã rời. Ba giờ đồng hồ trôi qua. Không
ai có một quyết định nào. Không ai cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra hay sẽ
xảy ra cho tôi. Tôi gọi điện thoại về nhà báo cho biết tôi OK. Vừa đói và khát,
tôi hỏi xin cái gì ăn lót dạ. Họ
cho tôi thanh kẹo granola bar và nước uống. Tôi không hiểu đã làm gì sai trái.
Bốn tiếng
đồng hồ sau khi đáp xuống phi trường, một nhân viên y tế đến lấy nhiệt độ từ
trán tôi. Mặt tôi nóng bừng, bực bội vì bị cầm giữ mà không một lời giải thích.
Máy đo nhiệt giờ đây chỉ 101 độ. Người này nói một cách tự mãn: "Bà bị sốt
rồi đấy." Tôi trả lời rằng lấy nhiệt từ trong miệng sẽ chính xác hơn lấy ở
trán vì đang bực dọc. Lại thêm ba giờ đồng hồ ngồi một mình trong căn phòng ở
sân bay. Đến khoảng 7 giờ tối, họ cho biết tôi phải đến một bệnh viện ở Newark
- mà cũng chẳng nói rõ bệnh viện nào ở đâu, cho đến khi tôi hỏi họ mới trả lời.
Tám xe cảnh
sát hụ còi, đèn chớp rầm rộ hộ tống tôi đến bệnh viện University Hospital ở
Newark. Tôi vẫn chưa hiểu, tôi đã làm gì mà nên nỗi này. Cả tháng qua tôi từng
nhìn thấy hàng chục trẻ em chết, không cha mẹ kế bên. Tôi là chứng nhân hàng
ngày thảm họa của loài người. Tôi đã cố trợ giúp họ được chừng nào hay chừng ấy
trong khi toàn thế giới chỉ nhìn và bất động. Tại bệnh viện, tôi được hộ tống
đến một căn lều dựng bên ngoài. Bác sĩ khoa truyền nhiễm và cấp cứu lấy nhiệt
độ và làm vài thao tác khác. Ông có vẻ bối rối khi nói: "Nhiệt độ của bà
là 98.6, không bị sốt nhưng người ta báo là bị sốt." Sau khi lấy nhiệt độ
từ miệng là 98.6, ông dùng máy đo từ trán và thấy 101 độ F (38.3 Celsius). Ông
bác sĩ này nắn cổ tôi và nhìn nhiệt kế lần nữa: "Không thể gọi là sốt
được, bà chỉ bị nóng mặt." Họ lấy mẫu máu thử xem có nhiễm Ebola. Kết quả:
âm tính (không bị nhiễm).
Ngồi một
mình, cách ly trong căn lều vải, tôi bỗng nghĩ đến các đồng nghiệp rồi ra sẽ
trở về Mỹ và đối đầu với những thử thách tương tự. Liệu họ sẽ được đối xử như
tội phạm hay tù nhân? Tôi còn nhớ đêm cuối cùng tại trung tâm điều hành Ebola ở
Sierra Leone khi được gọi thúc dạy lúc nửa đêm vì bé gái một tuổi lên cơn co
giựt. Tôi cố nhét Tylenol và thuốc chống co giựt đã nghiền nát vào họng cháu bé
trong khi thân xác bé cứ nhảy chổm trên giường. Đó là đêm hãi hùng nhất đời
tôi. Đứa bé chết dần trong căn lều, không người thân bên cạnh. Với rất ít
phương tiện và không thuốc chữa trị Ebola, chúng tôi cố mang lại cho bệnh nhân
chút nhân phẩm trong khi họ phải đối phó với nghịch cảnh vô bờ bến. Ebola tiếp
tục tàn phá Tây Phi. Tổ chức Y Tế Thế Giới cho biết có đến hơn năm ngàn người
chết vì Ebola. Chúng ta cần có thêm nhân y tế giúp đối phó với dịch bệnh. Nước
Mỹ cần phải đối xử với nhân viên trở về từ vùng dịch bằng một thái độ đứng đắn
và tôn trọng phẩm giá."
New York, New Jersey Lên Tiếng
Phản hồi về nỗi bức xúc của bà Kaci Hickox khi trở về Mỹ,
thống đốc New York và New Jersey đều khẳng định những biện pháp đề ra để kiểm
soát dịch Ebola tại Mỹ là đúng đắn. Theo quy định nhân viên y tế có tiếp xúc
với bệnh nhân nhiễm Ebola từ Tây Phi khi trở về Mỹ phải được cách ly, cho dù có
nhiều quan tâm nói rằng sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch chống Ebola kể cả điều cũng
chưa rõ liệu kế hoạch phòng chống đó có mang lại hiệu quả hay không.
Thống Đốc New Jersey Chris Christie nhận xét: "Chúng
tôi ban hành biện pháp ngặt nghèo này, không một chút do dự."
Kể từ thứ Sáu tuần qua quy định của New Jersey và New York -
nghiêm ngặt hơn cả quy định của liên bang đã tác động đến y tá Kaci Hickox -
người đầu tiên từ vùng dịch trở về Mỹ. Tất cả những người có tiếp xúc với bệnh
nhân nhiễm Ebola - không trừ người nào đều phải bị cách ly 21 ngày cho dù có
triệu chứng mầm bệnh Ebola hay không.
Tin cho biết Tòa Bạch Ốc không hài lòng với quy định quá
khắt khe và muốn New Jersey và New York đình chỉ quy định được đánh giá là thiếu phối
hợp, quá vội vã và là một phản ứng không khoa học phát xuất tức thời từ một ca
bệnh ở New York.
Phát biểu về vấn đề này, Tiến Sĩ Anthony Fauci, giám đốc
Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Bệnh Dị Ứng và Truyền Nhiễm - NIH, cảnh cáo rằng những
chính sách quá tích cực như vậy có thể khiến nhân viên y tế ngân ngại đến vùng
Tây Phi tham gia công tác ngăn chận dịch bệnh lan rộng, và như vậy càng làm
nguy hại cho nền y tế công cộng toàn cầu:
"Đừng quên rằng phương thức tốt nhất để ngăn chận Ebola
và bảo vệ nước Mỹ là ngăn từ Châu Phi và chỉ có thể làm điều đó nếu người chúng
ta, những anh hùng, những nhân viên y tế đến với Châu Phi và giúp chúng ta bảo
vệ nước Mỹ."
Trả lời phỏng vấn của hệ thống CNN hôm Chúa Nhựt, bà Kaci
Hickox nói:
"Biện pháp cực đoan này không thể chấp nhận được, và
tôi cảm thấy như quyền làm người của tôi bị chà đạp."
Theo bà Hickox, 33 tuổi một chuyên viên về bệnh truyền nhiễm
tốt nghiệp đại học University of Texas ở Arlington và trường Johns Hopkins
University, chuyện cách ly hay không phải do giới chức y tế công cộng quyết
định, chứ không phải do các chính trị gia. Cưỡng bách cách ly không phải là
biện pháp hợp lý.
Bà Hickox còn cho hay dù biết trước sẽ phải trải qua những
ngày cách ly và cách đối xử như hiện nay, bà không ngần ngại lên đường đi Sierra Leone,
vì "đó là một cơ hội cao quý phục vụ nhân loại."