Đức Hà
Người tù của xà lim số 10 nhà tù Hỏa Lò Hà Nội cuối cùng đã
được an táng trong buổi lễ trang nghiêm tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Virginia
tuần vừa qua.
Đúng ra ông mất ngày 28 tháng Ba tại Virginia Beach, thọ 89
tuổi nhưng mãi đến nay - vì nhiều lí do khách quan, quan tài mới được chuyển
vào nơi an nghỉ của những người có nhiều công lao với đất nước. Ông được biết
khi giữ các chức vụ cao cấp trong quân đội và chính quyền liên bang sau khi rời
quân đội, nhưng nổi tiếng nhứt là lúc còn là tù binh thời chiến tranh Việt Nam. Trung Tá
Hải Quân Jeremiah Andrew Denton,
Jr. là người đã dùng mắt đánh tín hiệu Morse để loan báo cho toàn thế giới được
rõ rằng "Tù binh Mỹ tại Hà Nội đều bị tra tấn," trái ngược với những
lời tuyên truyền tốt đẹp đầy tính nhân đạo của Nhà Nước Hà Nội. Lẽ dĩ nhiên câu
chuyện "siêu lừa" của tù binh Trung Tá Denton vào ngày 17 tháng Năm,
1966 không hề được các quản giáo trại giam nhắc lại hay báo Đảng đưa tin.
Tháng Bảy, 1965
Theo báo chí Hà Nội, ông là một giặc lái đế quốc Mỹ bị lực
lượng phòng không Quân Đội Nhân Dân anh hùng bắn hạ và bắt sống khi tham gia
phi vụ hành quân thứ 12 tại miền Bắc Việt Nam. Ngày 18 tháng Bảy, 1965 phi tuần
trưởng Trung Tá Hải Quân Denton dẫn đầu với 28 phản lực cơ A-6 Intruder cất
cánh từ hàng không mẫu hạm Independance - từ ngoài khơi biển Nam Hải, nhắm
hướng Thanh Hóa. Mục tiêu ngày hôm đó: đánh bom và phá hủy một số nhà kho quân
sự phía nam Hà Nội. Không may cho ông và bạn đồng hành Trung Úy Bill Tschudy,
phi cơ trúng đạn phòng không và tê liệt. Cả hai thoát hiểm nhưng sau đó phải
trải qua gần tám năm trong nhà giam Cộng Sản - với bốn năm cách ly ngục tối.
Một năm sau, vì là tù nhân gương mẫu ông được chọn để nhóm phóng viên truyền
hình Nhật phỏng vấn nhằm mục đích tuyên truyền cho chế độ khoan dung cho dù đối
với người gây tội ác cho nhân dân Việt Nam - nghĩa là cho dù là kẻ thù, Hà Nội
vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh quy ước Genève về tù binh. Trong cuộc phỏng vấn có thu
hình, ông Denton đã nói cực tốt về đời sống của tù binh Mỹ trong trại giam để
lừa cai tù nhưng đồng thời chớp mắt bảy chữ "T-O-R-T-U-R-E" duới dạng
Morse. Từ đó người ta mới biết sự thật là tù binh Mỹ không hề được đối xử một
chút nào gọi là tử tế.
Sau đòn tâm lý chiến ngoạn mục đó, tù binh Denton được bị đánh
đòn không biết bao nhiêu trận và tống vào khu biệt lập "Alcatraz" - được
tù binh Mỹ đặt tên dựa theo danh xưng của nhà tù nổi tiếng trong Vịnh San
Francisco. Trong khu Alacatraz - tách biệt khỏi nhà tù Hỏa Lò tức Hanoi Hilton,
có tất cả 11 xà lim, và ông Denton được tạm trú trong xà lim số 10. Tất cả đều
là phi công Hoa Kỳ, bị bắt khi bay tác chiến ở Bắc Việt Nam và đều được xếp vào dạng ương
ngạnh, cứng đầu, khó cải tạo. Ông bị giam trong ngục thất Alcatraz
hai năm liền và chứng kiến cái chết của một tù binh phi công Không Quân năm
1970. Tất cả được trao trả về phía Mỹ năm 1973, sau khi Hiệp Định Paris được ký kết.
Ông Robert Shumaker, phi công thứ hai của Mỹ bị bắt làm tù
binh nói với phóng viên trong lễ đưa hài cốt của ông Denton
vào Arlington
rằng tuy bị cách ly nhưng rất gần nhau. Ông nói:
"Ông ta (Denton)
luôn luôn giữ vai trò lãnh đạo dù đang trong cảnh tù tội. Ông bày ra cách gõ
vào vách đá xà lim để liên lạc thông tin với bạn tù."
Ông Shumaker cho biết mỗi xà lim trong khu Alacatraz rộng
khoảng 0.9 mét, dài 2,7 và cao 3,6 mét, không cửa sổ và đèn thắp sáng 24 trên
24 trong khi chân đeo cùm mười sáu tiếng một ngày.
Là người đầu tiên bước ra khỏi máy bay khi trở về từ ngục tù
tháng Hai 1973, miệng cười tươi, ông không một lời oán trách chính sách đã đưa
bao nhiêu thanh niên Mỹ đến chỗ thương vong tù đầy. Ông phát biểu ngắn gọn:
"Chúng tôi rất vinh dự có cơ hội phục vụ đất nước trong
những hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi hết lòng biết ơn vị tổng tư lệnh quân lực
và đất nước Hoa kỳ cho ngày hôm nay. Xin Ơn Trên phù hộ Hoa Kỳ."
Tháng Bảy, 2014
Mười một người trong trại Alcatraz với một chết trong tù và
bốn qua đời khi chiến tranh chấm dứt, nhóm "Alcatraz
11" nay chỉ còn sáu. Vào ngày đưa ông Denton vô nghĩa trang quốc gia, bốn bạn tù
của ông cũng đã có mặt và cùng tháp tùng theo cỗ xe tang chở quan tài người mà
nhân dân Mỹ gọi là anh hùng.
Tiễn đưa cựu Thiếu Tướng Hải Quân, Cựu Thượng Nghị Sĩ
Alabama Jeremiah A. Denton, Jr. ngoài đội binh chào kính Hải Quân còn có hai
phản lực cơ từ căn cứ Hải Quân ở Virginia
Beach bay vụt qua, cùng 21 phát súng. Virginia Beach là nơi ông
cư ngụ những ngày tháng cuối đời.
Sau khi đọc cuốn tự truyện "When Hell Was In
Session" của tác giả Jeremiah Denton,
một độc giả đã bày tỏ cảm tưởng như sau:
"Trong bảy năm rưỡi bị cầm tù, với một khoản thời gian
không ít trong ngục tối, ông đã trải qua những cuộc tra tấn kinh hoàng và cách
đối xử tàn tệ mà một người bình thường chỉ có thấy trong những cơn ác mộng hãi
hùng nhất. Không thể chối cãi được rằng tác giả Denton là một người dũng cảm và đáng kính
trọng với một í chí sắt thép khi ông kháng cự lại với bọn cai tù từng bước một.
Thêm nữa đây cũng là bằng chứng về con người cùng lòng quả cảm của chính ông khi
ông chọn sống lại quá khứ với những năm tháng ác liệt đó để có thể hoàn tất tập
sách phong phú này. Cho dù sách chỉ có 182 trang, nhưng nội dung có thể là một
trong những chuyện mắt thấy tai nghe đầy đủ và hay nhất từ một người Mỹ bị giam
tại nhà lao nổi tiếng Hanoi Hilton. Bản thân tôi đã đọc vài cuốn tự truyện của
tù binh Mỹ trở về từ ngục tù Hanoi,
nhưng cuốn này xứng đáng được xếp hàng đầu. Tôi hân hạnh gợi ý với quý vị nào
thích các loại đề tài này thì rất nên đọc cuốn When Hell Was In Session ..."
Khi còn sống Tổng Thống Ronald Reagon gọi ông là "Kho
báu quốc gia."
Xem lễ an táng cố Thiếu Tướng Hải Quân Jeremiah A. Denton tại
đây