Wednesday, January 29, 2014

Seoul, Nắng, Nóng và Ve Sâu

Đức Hà

SEOUL - Thoát khỏỉ cơn nóng bức của Saigon, khách du lịch đến thủ đô Hàn Quốc lại phải đối đầu với lò nung hãi hùng không kém ở mức 90+ F hàng ngày và mỗi ngày. 

Cũng như Saigon, nóng ở đây có thêm độ ẩm cao lại càng khiến không khí thêm ngột ngạt, người lúc nào cũng hâm hấp khó chịu. Nhưng để đổi lại, tiếng ve sầu ỉ oi ca hát liên tục tạo thành bản hòa ca đơn điệu nhưng lại phần nào làm dịu bớt sự bực bội của thời tiết, không hàn chút nào như tên gọi. Thật là kỳ lạ, bất cứ nơi đâu có bụi cây, ngọn cỏ là có tiếng ve sầu. Không lẽ ve sầu Hàn Quốc sống còn vì không nghẹt thở vì khói xe gắn máy, không chết vì thuốc rầy và khói thuốc lá. Không biết tại các thành phố khác như thế nào, tại Seoul xe gắn máy - phần nhiều thuộc phân khối lớn, không dày đặc như nêm; trong khi việc hút thuốc nơi công cộng bị cấm triệt để - có cả một đội quân chuyên môn mặc đồng phục nhẹ nhàng nhắc nhở kẻ hút lén (trong đó có bạn tôi.) Tôi đến Hán Thành như vậy và ngay lập tức bị choáng ngập bởi sự phát triển kỳ diệu của đất nước chỉ mới bắt đầu chấp cánh vào thập niên 60' trở lại đây.

Tìm Quá Khứ

Bị Mông Cổ xâm lăng vào thế kỷ 13, rồi đến Nhật đô hộ từ 1910 đến hết Thế Chiến II và sau cùng là chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 với hơn một triệu người thương vong thì đã quá đủ nếu không nói là dư thừa để xây dựng những tượng đài vinh danh, những bảo tàng tội ác chiến tranh, nghĩa trang liệt sĩ ... Tuy nhiên người Hàn không làm vậy; họ biến sự căm thù (nếu có) và tận dụng tất cả nỗ lực vào công tác xây dựng đất nước rõ ràng là to đẹp hơn, hoành tráng hơn gấp mười ngày trước. 

Theo Wikipedia, 7,000 người biểu tình bất bạo động ngày 1 tháng Ba, 1919 đã bị người Nhật thảm sát, trên năm triệu người bị tập trung lao động trong khi khoảng 200,000 phụ nữ Hoa và Triều Tiên bị buộc làm nộ lệ tình dục cho đội quân Thiên Hoàng. Vào thời kỳ đô hộ Triều Tiên, quân Nhật còn tìm cách xóa bỏ ngôn ngữ bản xứ, ban hành luật buộc người bị trị phải lấy họ Nhật và trước khi rút không quên vơ vết nhiều cổ vật về nước.
Ngay tại Khu Phi Quân Sự (DMZ) nơi vĩ tuyến 38 chia cắt hai miền Nam-Bắc, người ta chỉ thấy duy nhứt các khẩu hiệu với chủ đề kêu gọi đôi bên cùng nhau thống nhứt trong hòa bình. Người ta tin rằng người Hàn ở hai miền - cho dù vẫn có những va chạm đôi khi có cả súng đạn tham gia, cũng đủ sáng suốt và khôn ngoan để tránh đổ máu thêm cho dân tộc. Hiện nay cả hai bên đều nỗ lực xúc tiến chương trình đoàn tụ những gia đình bị ly tán do cuộc chiến hai miền - tuy không liên tục và có lúc chính quyền miền Bắc đe dọa dẹp bỏ, kể cả xóa bỏ miền Nam trù phú nhưng ít ra cũng là một đường lối ôn hòa các lãnh tụ chủ trương giải phóng quốc gia nước tôi không dám nghĩ chẳng dám làm.

Các cung điện, tường thành tại thủ đô Seoul hầu như bị Nhật phá hoại gần hết đều được trùng tu, phục chế trông như mới. Bên cạnh mỗi di tích như vậy đều có một bia đá nhỏ viết lại quá trình hình thành, bị tàn phá và tái dựng lại sau khi Triều Tiên được độc lập. Ngay tại khu phân chia hai miền, người Nam Hàn đã biến thành một khu du lịch với nhiều chiến tích lịch sử và cả một khu vui chơi giải trí. Chẳng hạn con đường sắt từng chạy từ bắc xuống nam bị đứt quãng tại đây trong cuộc chiến Triều Tiên và khách đến thăm còn được xem tận mắt một đầu máy xe lửa lỗ chỗ với 1,020 vết đạn. Bia đá cạnh đó ghi: "Chiếc đầu máy hơi nước này là chứng tích của cuộc chiến bi thảm chia đôi Bắc - Nam. Đầu máy bị bom đánh lật khỏi đường rây và vứt bỏ tại khu vực phi quân sự, lúc đó đang làm nhiệm kéo đoàn tàu chở vũ khí đến Bình Nhưỡng ..." 

Con Người Tử Tế

Với trên 5,000 năm văn hiến, người ta vẫn còn tìm thấy đây đó di tích của nền văn minh cổ nước Triều Tiên, cho dù đã trải qua hai cuộc chiếc tàn khốc do Nhật xâm lăng - thế kỷ 26 và đô hộ cùng đồng hóa cũng do người Nhật từ 1910 đến 1945, và chiến tranh Cao Ly chia cắt đất nước. Trước khi xảy ra những thời kỳ bi thảm trong lịch sử Triều Tiên, quốc gia này đã là một trong những nền văn minh tiên tiến nhất thế giới với nhiều phát minh mới lạ. Bên cạnh những đại công ty điện tử thống trị thế giới, Hàn Quốc còn được xem là một trong những đất nước an ninh nhất thế giới. Và tại Seoul, lời khuyên ghi nhận rằng phụ nữ du lịch một mình tại đây không phải ưu lo về vấn đề an ninh, an toàn cho bản thân. Vào khoảng tháng Tư 1960 sinh viên tại Seoul xuống đường biểu tình hầu như hàng ngày đã làm cho Tổng Thống Lý Thừa Vãn thuộc Đệ Nhất Cộng Hòa phải từ chức để chuyển tiếp qua Đệ Nhị Cộng Hòa; nhưng chẳng bao lâu sau Tướng Phác Chính Hy lãnh đạo một cuộc đảo chánh và thiết lập Đệ Tam Cộng Hòa. Đương kim tổng thống thuộc Đệ Lục Cộng Hòa là bà Phác Cận Huệ, trưởng nữ của Tướng Hy. Chính quyền không còn do quân đội nắm giữ, lối cai trị chuyên chế cũng chấm dứt theo cùng với cảnh sinh viên biểu tình chống nhà nước. Vì là một đất nước tự và dân chủ người dân có quyền bày tỏ quan điểm về bất cứ vấn đề gì - thế nên mỗi khi có đám đông trương biểu ngữ tụ họp tại quảng trường chính thì y như là hàng đoàn cảnh sát lại bủa ra dàn chào kỹ càng.

Nếu có cơ hội lang thang ban đêm, nửa khuya khách bộ hành cứ vô tư đi vào các khu lao động, ngõ hẹp đường mòn .. sẽ thấy người không nhà trùm bao ny-lông ngủ vùi hay say khướt bên đường nhưng nạn móc túi, giật bóp, cướp điện thoại di động, cưỡng hiếp không mấy phổ biến. Wikipedia viết "Nam Hàn có tỉ lệ tội ác thấp hơn những quốc giá có cùng mức độ phát triển kinh tế." 
Có lẽ câu giải thích đúng đắn nhất cho câu hỏi về sự tử tế, tôn trọng luật pháp cao độ của người dân xứ Hàn là do giáo dục, giáo dục và giáo dục cộng với ý thức. Bạn cứ thử vào xem bất cứ một viện bảo tàng nào ở thủ đô sẽ bắt gặp nhiều đoàn học sinh được thầy cô đưa dắt tới để tìm hiểu gương của các bậc tiền bối đã xây dựng nên nước Triều Tiên ngày nay.

Lẽ dĩ nhiên khi phát triển không thể tránh nạn tham nhũng. Chủ tịch tập đoàn Samsung từng phải từ bỏ ghế chủ tịch vì cáo buộc mua chuộc tòa án trong việc tài trợ bất hợp pháp cho các chính trị gia. Báo Economist và nhiều người chống đối tập đoàn khổng lồ này (1/5 kim ngạch xuất khẩu, tương đương 17% tổng sản lượng GDP của Hàn Quốc) cho hay Samsung rõ ràng đã kiểm soát toàn bộ sự nghiệp của các công tố đồng thời sẵn sàng triệt hạ những người có manh nha soi mói vào hành vi của họ. Cuối cùng thì vị chủ tịch mất chức lại trở lại ghế chủ tịch cho dù có cáo buộc (không được tòa công nhận) như đút lót, trốn thuế, ấn định trước giá bán sản phẩm ra thị trường. 

Hàn Quốc vẫn bành trướng sức mạnh và đẩy mạnh thương vụ đi khắp địa cầu và ve sầu vẫn tiếp tục hót suốt mùa hè. 

Hè 2013

No comments:

Post a Comment