Tuesday, December 21, 2010

Rủi Ro Khi Lái Xe Mà Nói Điện Thoại

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
http://www.bsnguyenyduc.com


Ngày thứ Ba, 12/1/2010, bà Janet Froescher, Chủ tịch tổ chức National Safety Council tại Hoa Kỳ phổ biến một báo cáo cho biết mỗi năm ít nhất có 1.6 triệu trường hợp đụng xe ( khoảng 28% trong tổng số các tại nạn xe cộ) là do điện đàm + lái xe (1.4 triệu vụ) và nhắn tin texting (200.000 vụ). Bà kết luận là các tai nạn này đều có thể tránh được và nếu không làm gì để giải quyết ngay từ bây giờ là điều rất đáng trách.
Tại Hoa kỳ, hiện nay có khoảng 100 triệu điện thoại di động, thì 85% chủ nhân ông đều sử dụng khi lái xe. Họ đã tận dụng thời gian ngồi trên xe rồi điện đàm hoặc dùng vi tính để giải quyết công việc. Thực là tiện lợi, nhưng mặt trái của sự việc cũng có nhiều ảnh hưởng không tốt tới khả năng điều khiển tay lái, cũng như quan sát sự vật xung quanh.
Theo tập san y học New England Journal of Medicine số tháng 2 năm 1997 thì rủi ro tai nạn do lái xe + nói cell phone tương đương lái xe + say rượu với mức độ cồn trong máu ở giới hạn hợp pháp (blood alcohol level at the legal limit).
Nghiên cứu tại Trung tâm Phân Tích Rủi Ro, Đại học Harvard (Harvard Center of Risk Analysis) cho hay, hàng năm tại Hoa Kỳ, lái xe + điện đàm gây ra 636.000 vụ đụng xe, 333.000 thương tích với 12.000 thương tích nặng, 2600 tử vong và tổn phí chung lên tới 43 tỷ mỹ kim.
Các khoa học gia tại Ðại học Johns Hopkins, Baltimore Hoa Kỳ đã nghiên cứu hoạt động của não bộ khi làm hai việc một lúc. Kết quả cho thấy khi não chú tâm vào sự nhìn thì khả năng nghe hơi giảm đi một chút. Do đó họ khuyên là không nên vừa nói vừa nhìn đường trong khi lái xe. 
Tháng 7 năm 2009,Viện Kỹ Thuật Giao Thông Virginia ( Virginia Tech Transportation Institute) công bố kết quả nghiên cứu cho hay tai nạn khi lái xe + bấm nhắn tin (texting) tăng 23% so với không nhắn tin.
Trong khi đó, Pew Internet & American Life Project thực hiện thăm dò vào mùa Hè năm 2009 cho biết có khoảng 26% thiếu niên tuổi 16-17 lái xe + bấm nhắn tin, 43% lái xe + điện đàm.
Kết quả nghiên cứu do Donald Redelmeier và Robert Tibshirani tại Đại học Toronto, Canada, cho hay điện đàm + lái xe sẽ gây ra tai nạn nhiều hơn khi không điện đàm từ 4 tới 5 lần, và nói với tay không cầm điện thoại hand-free cell phone có vẻ cũng không an toàn hơn. Theo nghiên cứu này thì tai nạn xảy ra là do giảm sự chú ý khi vừa lái vừa nói, hơn là sự khéo tay, tài nghệ lái. Nghiên cứu cũng chi tiết thêm rằng:

-Rủi ro tai nạn 5 lần nhiều hơn bình thường khi tài xế nói trong 1 hoặc 5 phút trước khi tai nạn xảy ra.
-Tỷ lệ đụng xe 4 lần cao hơn bình thường khi điện đàm bắt đầu 15 phút trước khi có tai nạn.
-Rủi ro tai nạn thường xảy ra 15 phút sau khi tài xế ngưng nói
-Tài xế trẻ hoặc già đều có tỷ lệ rủi ro như nhau khi lái xe lại điện đàm.

Thời gian phản ứng (reaction time) của tài xế cũng thay đổi: Lái xe + điện đàm, thời gian này chậm hơn bình thường tới 50%, khi say rượu chỉ có 30%.
Những rủi ro khi điện đàm + lái xe:

-Gây bối rối, lãng trí người đang lái xe khiến cho họ không tập trung nhìn làn đường trong khi nói và quay số điện thoại;
-Giảm khả năng điều khiển, kiểm soát động tác lái xe. Tài xế say mê với điện đàm mà lơ đãng việc điều khiển tay lái, đưa tới rủi ro cho người trên xe và khách bộ hành.
-Giảm sự chú ý của tài xế với mọi sự việc đang diễn ra trên đường phố ở xung quanh.
-Không lái đúng trong lằn đường quy định
-Không giữ được tốc độ cố định thích hợp
-Không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước
-Phản ứng với các biến cố thường chậm lại
-Giảm khả năng nhận xét về an toàn xa lộ, dấu hiệu chỉ đường.

Thường thường, khi lái với tốc độ 70 mile/giờ (112 km) cần một khoảng cách là 46 feet (14 thước) để tài xế có đủ thì giờ bắt đầu phản ứng với chuyện xảy ra trước mắt. Nếu điện đàm, dù là lái với 2 tay, tài xế cần khoảng thêm khoảng đường 26 feet ( gần 8 thước) để phản ứng, so với không điện đàm.
Ngoài ra đang lái xe mà nói quá nhiều, ăn uống luôn miệng luôn tay, trang điểm má phấn môi son là những giây phút lơ đãng rất ư là tai hại.
Ðã có tới 40 quốc gia trên thế giới ban hành luật cấm dùng điện thoại di động khi lái xe, như Pháp, Anh, Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Hàn, Thụy sĩ, Đức, Hồng Kông, Tân Gia Ba, Gia Nã Đại...
Riêng tại Hoa Kỳ, hiện nay có 7 tiểu bang cấm cầm cell phone để nói chuyện trong khi lái xe. Đó là California, Connecticut, New Jersey, New York, Oregon, Utah, tiểu bang Washington cộng thêm District of Columbia. Trong khi đó đã có 18 tiểu bang + District of Columbia cấm nhắn tin + lái xe.
Tháng 10 năm 2009, Tổng Thống Hoa Kỳ Barrack Obama đã ký sắc lệnh cấm nhân viên dân chính, quân sự liên bang sử dụng điện thoại di động khi lái xe thi hành công vụ, với xe, điện thoại công hoăc cá nhân.

Lái xe mà có điện thoại di động để khi khẩn cấp có phương tiện thông tin, cấp cứu, cũng là điều thuận lợi. Tuy nhiên, đang điều khiển xe mà điện đàm tâm sự ba hoa thì tai nạn cũng dễ dàng xẩy ra với tử vong cho người lái và người khác.
Đã có nhiều vụ kiện do người vừa lái xe vừa nói điện thoại rồi gây ra tai nạn và sự bồi thường lên rất cao. Tháng 12 năm 2007, một công ty tư nhân đã phải điều đình bồi thường những 5.2 triệu mỹ kim cho một phụ nữ tại Georgia, vì bà bị thương tích đụng xe do tài xế của công ty vừa điện đàm + lái xe.
Bài học căn bản về lái xe là:
-Cần luôn luôn đề cao cảnh giác, thận trọng với tác phong lịch sự.
-Đầu hướng về phía trước, mắt vừa nhìn đường vừa ngó kính chiếu hậu và quan sát người lái chung quanh.
-Tôn trọng luật đi đường, giới hạn tốc độ và mang nịt an toàn.
Nếu lại dùng cell phone thì cũng tốt thôi, vì phương tiện này có nhiều ích lợi thực tiễn: giúp ta liên lạc với nhau, giải quyết vấn đề cấp bách và mang lại cấp cứu cho ta cho người khi hoạn nạn.
Chủ nhân xe vận tải hành khách cũng như hàng hóa đều quan tâm tới việc tài xế vừa lái vừa điện đàm: họ có thể gây ra tai nạn và chủ xe cũng có phần trách nhiệm dân sự vì đã không đặt quy luật dùng điện thoại cho tài xế. Phía thùng xe sau những xe này đều có hang chữ "Tôi lái xe đàng hoàng không?" với số điện thoại của công ty để người khác có thể kêu, báo cáo hành vi tài xế.
Do đó, khi phải dùng điện thoại khi lái xe, cũng nên để ý mấy điều sau đây:

  1. Điện thoại bây giờ có nhiều nút, nhiều cách dùng phức tạp nhưng nếu làm quen được với chúng thì lại rất có lợi. Chẳng hạn nút kêu khẩn cấp, nút kêu lại tự động, nút số điện thoại thường kêu... mà khi cần, chỉ việc nhấn nút là nói chuyện được.
  2. Sắm thêm trang bị phụ để khỏi phải dùng tay cầm điện thoại áp vào tai, dành hai tay cho bánh lái. Hiện nay có nhiều trang bị phụ như giá cài điện thoại vào xe, dây điện thoại gắn vào tai, ống nghe không dây...Vừa an toàn hơn mà vừa tránh được rủi ro gây ra do phóng xạ từ điện thoại.
  3. Ngay khi lên xe là để điện thoại gần chỗ mình ngồi, dễ lấy, không phải quay mình ra sau, đảo mắt tìm kiếm.
  4. Đang nói chuyện mà thấy có bất an lưu thông như tai nạn trước mặt, mưa to chợt đổ xuống, nhiều xe cộ qua lại... thì xin lỗi đối tượng rồi ngưng nói, chú tâm vào đường xá, lưu thông.
  5. Đang lái xe mà cần khẩn cấp dùng điện thoại thì táp vào lề đường hoặc nơi an toàn, khóa cửa xe rồi quay số.
  6. Giới hạn quay số điện thoại khi đang lái. Quay số khi xe ngừng nơi đèn đỏ hoặc bảng stop. Nếu cần lắm thì quay một nửa các con số, nhìn đường rồi quay tiếp.
  7. Không ghi chép, tìm số điện thoại, đọc danh sách việc cần làm trong khi lái xe.
  8. Tránh nói chuyện gây nhiều xúc động mạnh trong lúc vừa lái vừa nói vì ta rất dễ bị chia trí, gây ra tai nạn. Tránh hào hứng, ba hoa tán hươu tán vượn qua điện thoại khi đang lái xe. Để gặp nhau, tha hồ mà phát ngôn.
  9. Lái xe trên lằn đường bên phải trong khi dùng điện thoại, như vậy chỉ cần để ý tới giao thông ở phía trái thôi; Dùng di động khi gặp trường hợp khẩn cấp: đây là phương tiện rất hữu ích để bảo vệ mình và gia đình khi có rủi ro xẩy ra. Ta có thể kêu cấp cứu với cơ sở y tế, cảnh sát giao thông...
  10. Dùng di động để giúp đỡ người khác khi họ gặp tai nạn, khó khăn.

Kết luận
Mark Edwards, Giám đốc An Toàn Giao Thông của công ty Bảo hiểm Xe hơi Hoa Kỳ nhắc nhở "Các nghiên cứu cho hay khoảng từ 20-50% của tổng số các vụ đụng xe tại Hoa Kỳ đều có nguyên nhân là sự không chú tâm của người lái".
Ngày nay, cell phone đã trở thành một phần của nếp sống con người. Nhưng dùng chúng một cách an toàn và khôn ngoan là một thói quen tốt mà mọi người nên có.
Phải chi mà ai ai, và ngay bản thân mình, cũng cẩn tắc vô áy náy như vậy thì đỡ việc cho mấy chủ nhân nhà hòm biết mấy!

No comments:

Post a Comment