Sunday, October 20, 2024

Lên Đỉnh La Cruz del Cerro

 Đức Hà

PUERTO VALLARTA, Mexico – Nếu du khách muốn ngắm toàn cảnh Paris, Seattle hay NYC thì có thể lên đỉnh tháp Eiffel, tháp Space Needle ở Seattle, tòa Empire State Building ở New York hay bất cứ nơi nào khác thì chỉ cần xếp hàng, mua vé, bước vô thang máy và chỉ trong vài phút là gần với gió, mây và trời. Ngược lại ở Puerto Vallarta mà muốn nhìn toàn cảnh tuyệt đẹp của thành phố thì đã có đỉnh La Cruz del Cerro – Đồi Thánh Giá. Có điều khác là không phải xếp hàng lấy vé, không chen lấn ồn ào, không bị dồn vào thang máy bít bùng hơi người nồng nặc mà hoàn toàn ngoài thiên nhiên gió lồng lộng nắng chói chang. Điều kiện ắt có và đủ là phải có đôi chân (thật) vững vàng chịu leo dốc, đôi giầy êm, bền chắc bám đường đi, và có nhiều - vâng rất nhiều mồ hôi để đổ. Nếu đi đừng quên thủ thêm chai nước vì vã mồ hôi hột, mất muối mà không có chai nước thì có nhiều cơ may bị say nằng té xỉu như chơi. Tóm lại đến Puerto Vallarta (PVR) mà không dành một buổi ghé qua “Đồi Thánh Giá” là một thiếu xót vô cùng lớn. Vì từ đỉnh cao đó, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố với những mái đỏ chót nhỏ li ti trải rộng bên dưới như một bức tranh với những nét chấm phá ngoạn mục và xa xa là biển Thái Bình Dương xanh ngắt ngút tận chân trời mà xa hơn nữa là quê cũ ... Việt Nam - nếu ai còn nhớ.

Lên đến đỉnh, đứng cạnh bệ đá với cây thánh giá uy nghi cao vút, cho dù không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo thì con người cũng cảm nhận có một đức tin thiêng liêng mãnh liệt. Tin vào Trời – Đất – Vạn Vật. Thật vậy khi lên đến đỉnh đồi, nhìn vào không gian tĩnh lặng hùng vĩ rộng mở bao la trước mắt - đẹp như cõi thần tiên, du khách không thể không hãnh diện về đôi chân cứng cáp, sức khỏe tràn đầy, năng lượng dư thừa và thốt ra mấy chữ như WOW! OMG! HOLY CRAP! … kể cả những chữ có trong tự điển nhưng không tiện viết ra ở đây.

Lên Đường

Trước tiên là phải đến khu trung tâm - quảng trường El Malecon (sẽ trở lại trong dịp khác) ở ngay trong khu Zone Romántica của Puerto Vallarta. Một khi tìm thấy đường Calle Abasolo là cứ vậy mà rảo bước hướng về phía núi. Bảng tên đường thường được gắn ở vách tường nhà tại ngã tư – đôi khi không có, cho nên tìm đường cũng khá phức tạp. Xin nhắc là đừng vội mà cứ từ từ rảo bước trên con đường gập ghềnh lát đá cuội – rất dễ trơn trượt mất thăng bằng và vấp té. PVR có hai mùa nắng và mưa nhưng chỉ thường mưa vào ban chiều và đêm. Mùa nào cũng 80-90 độ F trở lên bởi vậy không cần cái áo khoác, áo lạnh cho dù có xuống phố ban đêm. Thanh niên sức khỏe sung mãn chỉ mất chừng 15 – 20 phút, nhiều tuổi hơn chắc phải 30 phút. Hễ tăng thêm tuổi thì tăng thêm thời gian leo dốc là vì còn phải ngưng nhiều lần để thở dốc luôn cả thở hụt hơi và lau mồ hôi chảy như suối. Đi cả giờ đồng hồ chưa chắc đã tới đỉnh. Kể cả ngưng nhiều lần để xoa đầu gối nhức muốn tê người và uống ngụm nước. Uống vừa thôi khỏi khô cổ vì còn phải dành dụm cho chuyến xuống đồi.

Câu nói “đường đi không khó …” ở đây có vẻ sai vì đường đi khó thật chứ không phải đùa. Các bậc thềm đôi khi bên phải, bỗng dưng đổi sang bên trái rồi lại trở ngược về bên phải. Vòng qua đảo lại là thế. Đi không không khéo sẽ vào lộn nhà ông bà Mễ nào đó khiến chó sủa inh ỏi, con gà vỗ cánh bỏ chạy. Dễ lộn là vì không hề có bảng chỉ dẫn hay mũi tên chỉ hướng đi. Có lẽ người địa phương tin rằng du khách đủ thông minh để tìm thấy đường lên đồi chăng? Chưa kể là các bậc thềm khá là cao – cho nên chỉ mươi bước là muốn thở ra khói. Nếu cộng thêm ánh nắng như thiêu đốt vào tháng 10 cùng với độ ẩm của thời tiết sẽ là một thách đố cùng cực cho sức người. Điểm quan trọng là các bậc thềm tuy vòng vo lởm chởm đá nhưng đều có tay vịn bằng sắt chắc chắn. Thi thoảng cũng có tàn cây xanh cho bóng mát giúp giải tỏa đôi chút nóng bức kinh hồn. Nói chung là đường đi lên đồi tương đối an toàn nhưng vẫn nên hết sức cẩn thận vì sai một ly đi một dặm – trượt một phát là lăn cù xuống đồi.

Trên đường trèo lên con dốc khách có thể tự hát tự khen như “Cùng nhau trèo lên quán dốc … Lốc ca lốc cốc tìm gốc cây đa …” cho đỡ mệt. Vì biết trước thế nào lên đến thềm cuối sẽ mệt lã người nên người thiết kế đã chuẩn bị sẵn băng ghế đá cho khách thư giãn xả hơi lấy lại sức. Lẽ dĩ nhiên khi đi sẽ phải mang theo một vật không thể thiếu là phone hoặc máy hình vì có rất nhiều cảnh, nhiều tranh tường rực rỡ (mural) tuyệt vời để chụp và để làm quà khoe với bạn hữu, với các “friends” trên Facebook và để nhận “like” lia lịa – đếm không hết. Sau khi hồi phục lại đôi chút thì chỉ vài ba bực thềm nữa là đến bệ đá thô sơ với thập giá vươn lên cao. Nhìn ra phía trước là biển rộng lấm tấm vài còn thuyền, phía sau là rừng núi trùng điệp, nhìn xuống là vực sâu thăm thẳm. Đâu đó bên dưới vươn lên khỏi những mái nhà chung quanh là vương miện vàng chói trên nóc cao của Thánh Đường Parroquia de Nuestra Señora de Guadalupe - Church of Our Lady of Guadalupe, một điểm nhấn không thể không ghé chiêm ngưỡng. Từ bệ thập giá khách có thể – nếu còn sức, leo thêm mấy bực thềm nữa để lên đài Mirador de la Cruz - Hill of the Cross Viewpoint để có tầm nhìn cao hơn, rộng hơn, vĩ đại hơn. Nơi đó gió cuốn lồng lộng dưới bầu trời xanh biếc lác đác áng mây trắng. Lòng người như chùng xuống, cảm thấy yêu đời yêu tha nhân hơn.

Gặp Gỡ

Khi trèo dốc đâu khoảng nửa đường, người viết đang tạm dừng chân để thở lại gặp một toán học sinh Mễ áo trắng quần sậm, từ trên đồi đi xuống. Phải nói cho rõ là các em không hề đi mà nhảy tung tăng hồn nhiên và chẳng cần vịn rào bảo vệ. Vừa đi vừa cười đùa ríu rít. “Hola” tôi nói. Các em cũng đáp lại “Hola.” Đưa mảnh giấy có viết mấy chữ “La Cruz del Cerro” các em cùng nhau gật đầu chỉ ngón tay về hướng đi lên - ý muốn nói “Bác cứ thế mà bước – đúng hướng rồi không lạc đâu.” Thấy tôi có vẻ hiền lành chân chất (?) một em hỏi bằng tiếng Anh – phát âm rất chuẩn. Trả lời “California.” Thế là đồng loạt mươi em cùng hô “Wow! Wow!” khoái chí vì được gặp một cư dân Cali mà không phải da trắng. Chắc vậy.

 
Quả thật là không rõ có phải ý các em muốn nói “Ông già này gần đất xa trời, coi bộ còn khỏe cũng còn hăng dữ - muốn lên thăm thú đỉnh La Cruz del Cerro trước khi ...” hoặc có thể các em lại cho rằng “Làm sao da vàng mà lại được sống ở Cali trong lúc biết bao đồng hương Mễ - như các em, phải vượt bao nhiêu chặng đường, bao nhiêu sông núi sa mạc nóng cháy, trao thân cho bọn buôn người - thậm chí bỏ thây giữa rừng núi, để trở thành một nhập cư ... bất hợp pháp ở Mỹ.” Ôi chao là Giấc Mơ Mỹ, sao mà nhiêu khê vậy!

“Muchas Gracias” hai bên Mễ thật và Mỹ da vàng chào nhau chia tay lưu luyến. Với cuộc gặp bất ngờ, thú vị tôi mạnh dạn bước tiếp lên đỉnh gió hú.

                                                          Bài viết đăng trên HuuTri.org thứ Bảy 10/19/2024