Đức Hà
Việt Mercury
TP/HCM – Hình ảnh thê lương của
những người Mỹ vội vã rời khỏi đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn cách nay gần 30
năm vẫn chưa phai mờ với nhiều người Việt thì ngày 10 tháng Mười Hai vừa qua
người ta lại được thấy những người Mỹ lịch lãm bước đi trên thảm đỏ tại sân bay
Tân Sơn Nhứt cạnh những viên chức chính quyền nước chủ nhà khi chiếc Boeing 747
của một hãng hàng không dân sự Mỹ, với 347 hành khách, khai trương đường bay
trực tiếp đầu tiên từ Hoa Kỳ đáp xuống Việt Nam. Cả hai phía đều đồng loạt thay
phiên ngợi ca thành quả của hiệp ước thương mại song phương đã đưa đến bước
ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước từng là kẻ thù của nhiều thập niên trước
đây.
“Ngày hôm nay United Airlines
khai trương chuyến bay đầu tiên trực tiếp với Việt Nam, đánh dấu mốc chuyển
biến lịch sử trong mối quan hệ Việt –Mỹ. Chuyến bay khẳng định sự có mặt hàng
đầu của United tại thị trường vùng Châu Á - Thái Bình Dương và diễn ra vào thời
điểm VN đang có những biến chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế và tăng
trưởng nhu cầu du lịch,” Tổng Giám Đốc Glen Tilton phát biểu từ Chicago, nơi
đặt trụ sở trung ương của hãng hàng không dân dụng lớn hàng thứ hai của thế
giới.
Thật vậy, hãy quên đi việc Hoa Kỳ
áp đặt thuế biểu cao với con tôm con cá xuất khẩu của VN vì bị xem là bán phá
giá tại thị trường Mỹ, cũng đừng nhắc đến chuyện VN không cấp chiếu khán nhập
cảnh cho Dân Biểu Loretta Sanchez của Nam Cali vì lập trường được Hà Nội xem là
“không khách quan,” hay việc 2000 lính Mỹ vẫn còn bị coi là mất tích trong chiến
tranh, hoặc gần gũi hơn cả là việc Mỹ đang là “nơi đất lành chim đậu” cho hai
ca sĩ Thu Phương, Bằng Kiều (và có thể còn nhiều người nữa) vì bị kết tội “quay
lưng lại với quê hương.” Vẫn chưa hết, vì còn nào là vấn đề thưa kiện do hệ quả
của chất độc màu da cam thời chiến tranh, chuyện nhân quyền quốc tế - Human
Rights Watch chỉ trích VN về thành tích nhân quyền tồi tệ, về việc VN bị Mỹ,
Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản xếp chung vào những quốc gia phải “đặc biệt quan
tâm,” về dự luật nhân quyền mà nhiều hội đoàn chống cộng tại Mỹ đang cố vận
động để được ra Thượng Viện biểu quyết, và về phong trào vận động công nhận cờ
của Nam VN trước 1975 hay về nghị quyết của một thành phố tại Nam Cali không
chấp nhận sự viếng thăm của các viên chức VN … Vậy thì bên trên bức tranh toàn
cảnh đầy những va chạm và tồn tại âm ỉ chưa giải quyết của mối quan hệ Việt-Mỹ,
thì hình ảnh và diễn biến của những ngày cuối tuần qua là một bước tiến xa đầy
tình hữu nghị trong nỗ lực đem hai nước lại gần nhau hơn. Có thể gọi đó là xóa
bỏ hận thù, hoà giải và hàn gắn vết thương chiến tranh và cùng nhau hợp tác
phát triển.
Từ Washington D.C., Đại Sứ VN
Nguyễn Tâm Chiến gởi lời chào mừng: “Thay mặt nhà nước Xã Hội Chủ
Nghiã VN, tôi hân hoan chào mừng tuyến bay trực tiếp và mối quan hệ mật thiết
hơn về văn hóa và kinh tế giữa hai nước và chắc hẳn sẽ đưa sự hiểu biết cùng
tình hữu nghị đi một bước xa hơn và đồng thời đem lại mối hợp tác đôi bên cùng
có lợi.”
Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Michael
Marine nhận xét: “Hôm nay đánh dấu một khởi đầu mới trong mối giao hảo với
nhiều khả năng phát triển rộng lớn hơn.”
Bộ Trưởng Giao Thông Mỹ Norman Y.
Mineta cũng góp tiếng nói: “Diễn biến ngày hôm nay là kết quả của thỏa hiệp
hàng không được thành hình một năm trước đây và sẽ mở những cánh cửa mới cho
mối giao thương Việt-Mỹ.”
Từ San Francisco Đến VN
Một quày hàng với trái cây tươi
vùng nhiệt đói VN từ bưởi, ổi, xoài, chuối, hồng, gừng, xả, dừa, đu đủ, giá
sống đến cây tre, khóm trúc, chiếc nón bài thơ và hàng loạt sản phẩm thủ công
đầy màu sắc được trưng bày ngay tại cổng vào khu đường bay quốc tế sân bay San
Francisco thứ Năm vừa qua đã cho hành khách cảm giác lâng lâng thú vị tràn đầy
hoài cảm trước cuộc hành trình trở lại quê hương. Trong khi khách còn đang trầm
trồ những giò lan, chậu kiểng đặc sản VN thì những cô gái trong bộ bà ba, quần
đen áo trắng đầu đội nón lá đến gửi tận tay khách những bao lì xì đỏ bên trong
có thư chúc mừng của United và đồng tiền vàng xô-cô-la.
“Kim Thoa hồi hộp quá,” người phụ
nữ cư dân San Francisco
nói với Việt Mercury. Đây là lần đầu chị trở lại VN từ năm 1972 khi là sinh
viên du học Mỹ. Ra đi khi mới đôi mươi, lúc đất nước đang chìm đắm trong chiến
tranh tương tàn, chia cắt thì hôm nay cô đã là một phụ nữ đứng tuổi về lại cũng
trên đất nước đó nhưng đổi mới và thống nhứt.
“Cảm giác của Thoa thật lẫn lộn,
vừa sợ vừa vui, vừa hân hoan vừa ngài ngại,” chị nói với giọng Bắc thật trong
và nhẹ nhưng đầy cảm xúc.
Phiá trước cổng lên chiếc Boeing
747-400 tuyệt đẹp đậu ngay sau khung cửa kính là một giải lụa đỏ giăng ngang,
và Thị Trưởng San Francisco Gavin Newsom tay cầm kéo bắt đầu đếm ngược:
“Mười, chín, tám … bốn, ba, hai,
một, cắt!”
Tiếng vỗ tay rồn rã vang lên cùng
với tiếng hò hét vui mừng, trong lúc hàng chục máy quay phim và chụp hình của
phóng viên chen nhau làm việc khi giải băng đỏ được cắt rời, đánh dấu bước khởi
đầu của chuyến bay United ký hiệu 869.
Tổng Lãnh Sự VN tại San Francisco
Tiến Sĩ Trần Anh Tuấn phát biểu: “Chuyến bay đầu tiên từ Mỹ đến VN
chắc chắn sẽ tạo ra những dao động tốt trong quan hệ giao thương vốn đã tiến
triển tốt trong thời gian vừa qua thì nay mở rộng không chỉ chiều sâu mà cả
chiều rộng.”
Khi hỏi rằng chuyến bay có tác
động đến người Việt tại Mỹ mà trong thời gian qua đã về thăm VN ngày một đông
hơn và được ông đáp: “Người VN định cư tại Mỹ sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong
việc du lịch về thăm quê hương và thân nhân bè bạn. Đặc biệt mối giao lưu và
thông thương giữa trong nước và hải ngoại trong nhiều lãnh vực sẽ dễ dàng và
tích cực hơn.”
Trong cùng lúc, ông Hoàng Cơ
Định, Uỷ Viên Trung Ương đảng Việt Tân lại nhìn vấn đề dưới góc độ chính trị: “Lịch sử cho thấy sự gia tăng
trao đổi giữa người dân dưới chế độ độc tài với chế độ tự do sẽ luôn luôn tạo
một một lợi thế chiến lược cho các nỗ lực đấu tranh chấm dứt độc tài.”
Tuy nhiên chuyến đi còn là sự
biểu lộ tấm lòng nhân đạo của nhân dân Hoa Kỳ khi United kết hợp với tổ chức
thiện nguyện “Wheels for Humanity” của diễn viên David Hasselholff để chuyển về
cho các thiếu nhi và người tàn tật tại VN 48 chiếc xe lăn.
“Cuộc sống của người dân Việt bị
khốn khó với dị tật, sẽ được cải thiện đáng kể với những món quà ngày hôm nay,”
nam tài tử của loạt phim truyền hình “Bay Watch” nói.
Khởi hành từ San Francisco lúc 12
giờ trưa ngày 9, chuyến bay United 869 đáp xuống Hồng Kông lúc 7 giờ tối giờ
địa phương ngày 10 và sau cùng đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhứt lúc 10:30 tối
ngày 10. Chuyến bay ngược lại, rời TSN lúc 6:20 sáng ngày 11 và về đến San Francisco lúc 8:25
sáng cùng ngày.
Quan Hệ Sang Trang
Ai có thể ngờ rằng chỉ vài mươi
năm trước đây, máy bay Mỹ chở đầy bom đạn bay đến rải xuống chiến trường VN thì
ngày hôm nay cũng vẫn máy bay Mỹ nhưng đầy ắp hành khách - mà phần lớn là người
Mỹ gốc Việt tị nạn, lại mỗi ngày bắc nhịp cầu hàn gắn tình cảm giữa người Việt
hai bên bờ Thái Bình Dương.
Trong khi chị Kim Thoa bùi ngùi
“sao thấy thương người mình quá,” khi chiếc xe buýt chở đoàn khách Việt từ từ
tiến vào thành phố còn mang tên Sài Gòn khi chị rời khỏi VN và nay được đổi
thành TP/HCM khi chị về lại, thì giáo sư Chung Hoàng Chương, Chủ Tịch Uỷ Ban
Kết Nghiã hai thành phố San Francisco và TP/HCM nhận định:
“Đây là một gạch nối tốt, một
tiến trình quan trọng giữa hai thành phố và quá khứ là một bài học cho cả hai
dân tộc Mỹ và VN. Diễn biến ngày hôm nay sẽ giúp thế hệ trẻ quên đi những mặc
cảm, những hội chứng chiến tranh để hướng về tương lai.” Ông nói thêm rằng nhiều người cho
rằng cần phải gắn liền giao thương với các vấn đề khác của VN:
“Đáng lý Mỹ phải tao áp lực kinh
tế trước khi thực hiện những quan hệ giao thương này.”
--------------------------------------------
Chuyện Bên Lề Chuyến Bay 869 – United Airlines
Hàng trăm hành khách gốc Việt trên chuyến bay 869 từ
Xăng-Frăng về đến VN thứ Sáu tuần qua đã biến chiếc 747 của United Airlines
thành khu “chợ nhỏ” họp trên không với sự tham gia của các thương gia, kỹ nghệ
gia, chuyên viên điện toán, giáo sư đại học, nhà báo, những người đi tìm cơ hội
và khách du lịch kể cả người đi đánh golf rất quen thuộc của Thung Lũng Điện
Tử.
Phe ta tụ họp thành từng nhóm nhỏ bàn tán suốt 16 giờ bay về
những nơi giải trí, quán ăn ngon hay những địa chỉ bí hiểm được thì thầm vào
tai. Trong khi đó thì nhiều người khác lại lấy trong túi sách ra những gói xoài
xanh, bịch kẹo đậu phộng nhâm nhi lòng nôn nóng chờ đợi từng phút phi công
trưởng báo tin chuẩn bị đáp xuống sân bay TP/HCM. Trong khi có người chỉ mới về
lên đầu, thì nhiều người khác lại về VN đến cả chục lần và thuộc lòng gần như
tất cả các ngõ ngách của Sài Gòn hoa lệ. Rõ ràng là khoảng cách giữa người Việt
nước ngoài và người Việt nước trong không còn nữa. Tuy nhiên khi những Việt
kiều này – những người mua vé máy bay của United và mang đô-la xanh về nước lên
đến hàng tỉ đô thì khi về đến Tân Sơn Nhứt lại không hề được nhắc nhở hay ít ra
được choàng một vòng hoa hữu nghị. Chỉ các quan chức của United, thành phố San
Francisco và thành phố kết nghĩa mới được dàn chào bằng thảm đỏ, thiếu nữ mặc
áo dài và tặng cành hoa sen. Lẽ nào “khúc ruột ngàn dặm” lại bị quê nhà đối xử
thiếu tế nhị như vậy!
Trong khi đó hãng United, theo đúng phong cách tiếp thị của
Mỹ đã chuẩn bị những chương trình đón tiếp nồng hậu cho tất cả hành khách trên
chuyến bay từ San Francisco đến Hồng Kông bằng những chương trình văn nghệ dân
tộc và tiếp tân kể cả mời nâng cốc champagne. United không quên tặng mỗi người
một gói quà trong đó có thư cảm tạ và văn bản xác nhận có chữ ký của Tổng Giám
Đốc United và phi công trưởng là hành khách đã “có mặt trên chuyến bay lịch
sử.” Điều tình cờ cũng đáng ghi nhận là chuyến bay đầu tiên trở lại VN từ 1975
của một máy bay Mỹ lại của hãng “Đoàn Kết” (United), rất hợp tình hợp cảnh.
Đánh giá chung: Về cơ bản chuyến bay tạm gọi là thành công,
ngoại trừ một vài thiếu sót cần học tập và khắc phục. Trong tương lai khi Hàng
Không Việt Nam
mở chuyến bay trực tiếp đến Mỹ- dự kiến trong năm 2005, chắc hẳn sẽ không có
điều này xảy ra.
Bài viết được đăng trên Viet Mercury số 308 ngày 17 tháng 12, 2004
Ngày 28 tháng 11, 2021 vừa qua lần đầu tiên Vietnam Airlines đã có chuyến bay thẳng từ Saigon đến San Francisco.
Vietnam Airlines CEO Le Hong Ha - Photo Vietnam Arlines