INDIANAPOLIS, Ind. - Tháng
Giêng 1971 chiến trường Viet Nam đang ngày càng trở nên khốc liệt.
Thanh niên vừa tăng viện cho tiền tuyến hôm nay hôm sau đã có giấy báo tử gởi về cho mẹ già. Không biết bao nhiêu người trẻ đã bỏ xác nơi chiến trường
và nếu may mắn hơn thì được về với gia đình trên đôi nạng gỗ hay bằng chiếc xe
lăn. Đời lính thời chiến là thế, sống chết kề bên nhau. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng
như vậy thì vài anh em chúng tôi được chuyển công tác từ phóng viên chiến
trường sang sĩ quan du học Hoa Kỳ ngành báo chí. Thế là suốt mấy tháng liền không
phải trực gác ứng chiến, không điểm danh chào cờ, không nghe pháo kích, không
hề biết đến tờ giấy khi cầm trên tay muốn khóc ròng "sự vụ lệnh đi công
tác" và tuyệt vời hơn cả là lãnh hai đầu lương: lương của đơn vị gốc và
lương của trường tại Hoa Kỳ - ai mà không sướng.
Để lại phía sau một đất nước chìm đắm trong tang thương khói
lửa, chúng tôi rời Tân Sơn Nhứt ngày 31 tháng Chạp 1970. Phi cơ ghé Yokota,
Nhật để tiếp thêm nhiên liệu, lấy thêm hành khách và trực chỉ USA . Đúng là ước mơ không dám mơ
lại thành thật. Lúc đó ai cũng nghĩ đó là chuyến bay nhớ đời, mãi mãi sẽ không
bao giờ có chuyến bay thứ hai nữa, nào có ngờ hơn 20 năm sau cũng mấy anh em đó
- sau khi trả đủ nợ tù đày, lại được đáp chuyến bay định mệnh khác cũng từ TSN nay đổi thành Tân
Sơn Nhất, chuyến đi quyết định hậu vận của những sĩ quan báo chí KQVN: đi HO.
Người Bạn Không Quen
Đời oái ăm ở chỗ này. Khi mãn khóa học Information Officer
Basic Course ở Trường Báo Chí (gọi tắt là DINFOS) thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ ở
Indianapolis, Indiana thì bất ngờ có một số anh em sinh viên Việt không quen
biết không thân thuộc, đang học ở Illinois hay Michigan ghé thăm và nói thẳng
thừng: "Các anh ở lại luôn đây đi, đừng dại mà về nước, chúng em sẽ giúp
mọi chuyện."
Chúng tôi bắt tay nhau vui vẻ, đi ăn chung rồi chia tay,
không bên nào có lời xỉa xói hay chửi bới vô văn hóa như thời nay của nhóm chống
một cách điên dại những người được gán là "cuồng". Năm 1971 Tổng
Thống Richard Nixon đang cầm quyền và phong trào chống chiến tranh lan rộng khắp nước. Thật tình không rõ mấy sinh viên Việt ở Mỹ dạo
đó có tham gia phong trào phản chiến hay không và làm sao họ biết có chúng tôi đang ở Fort Benjamin Harrison - nhưng họ khuyên đừng về. Sau
buổi gặp mặt thân tình hôm đó nhóm sinh viên trở lại trường, chúng tôi về căn
cứ Travis AFB và đáp phi cơ hồi hương để hãnh diện làm nghĩa vụ của "trai
thời chiến." Mãi mãi về sau mới ngộ và rút ra được bài học rằng chả cái dại
nào giống cái dại nào. Nghe thấy quen quen giống chuyện tàu Việt Nam Thương Tín
năm nào.
Khát vọng "xuống Đông, Đông tĩnh" không thành vì
thế không đầy bốn năm sau cả đám mới ngày nào quần áo bảnh bao lịch lãm bát phố
downtown Indianapolis
thì nay kéo nhau vào tù để tích cực học tập cải tạo thành người tốt cho một
Việt Nam XHCN. Không một ai dám mơ tưởng sẽ có ngày được đoàn tụ gia đình, chớ
đừng nói đến chuyện trở lại Mỹ. Biết vậy phải chi hồi đó rủ nhau ở lại luôn USA
và gia nhập cộng đồng di dân bất hợp pháp cho êm chuyện. Dại quá là dại.
Khi lê la các trại tù từ Trảng Lớn, Tống Lê Chân, Suối Máu
đến Kà-Tum - không kể đến một số không may phải đi Côn Sơn, Phú Quốc, Thanh
Cẩm, Yên Bái ... anh em chúng tôi lại càng nhớ những người bạn sinh viên không quen
từng nhắc nhở thật tình "chớ có về nước." Cũng phải nói thêm là đã
dại dột về nước thì chớ lại càng dại dột hơn nữa là chẳng chịu chạy cho nhanh
vào tháng Tư, 1975. Vào năm hạn của đất nước nên cung mệnh có số tù đày.
Vật đổi sao dời, gần 50 năm sau khi tóc bạc phơ, khi không
ít bạn lính đã rời bỏ cõi trần hoặc quên hết sự đời trong nhà dưỡng lão thì tôi may
mắn có đôi chân tạm vững để trở lại thăm trường cũ: DINFOS. Nhưng cũng vì sao
dời vật đổi nên trường cũng đã đóng cửa và chuyển về Fort Meade , Maryland
từ 1995. Ngôi trường xưa bây giờ là đại học cộng đồng YVy Tech Community College tại đúng vị trí DINFOS
thủa trước. Vì trường không còn nữa nên niềm xúc động càng thêm thấm thía dâng
trào.
Nguyên thủy DINFOS là một trong nhiều trung tâm huấn luyện
đặt bên trong Fort Benjamin Harrison - một đồn binh trực thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ
được thiết lập do nhu cầu của hai cuộc chiến thế giới I và II. Sau thời chiến
tranh lạnh, Fort Harrison cùng nhiều căn cứ quân sự khác
khắp nước Mỹ tuần tự được trao trả cho dân sự. Tên gọi cũng đổi thành Fort Harrison
State Park . Nếu dạo nào
lính tráng đóng quân đầy đồn thì nay hàng quán chen lẫn với những khu nhà gạch
đỏ được giữ lại. Dù có cố gắng cách mấy cũng không còn nhận ra được Fort Harrison
năm nào. Tiệm thức ăn nhanh burger, gà chiên, quán cà-phê, phòng tập thể dục, văn phòng luật
sư, nha sĩ, bác sĩ, nhà thuốc tây ... kể cả nhà hàng thức ăn Thái và Mễ cũng
thấy rải rác đây đó. Khu BOQ gạch đỏ nơi sĩ quan các nước sang học được tạm trú
vẫn còn y nguyên tuy có chỉnh trang đôi chút mặt tiền trong khi khu nhà sĩ quan
cấp tá và chỉ huy của Fort
Harrison vẫn được gìn giữ
nguyên trạng.
Kỷ niệm của chuyến đi Mỹ đợt một vẫn còn đó dù chỉ mang máng
trong ký ức của người lính này đã quá tuổi hưu. Đó là những hình ảnh tuyệt đẹp trong
trí nhớ nay đã mòn của đám thanh niên được đến nước Mỹ tu nghiệp trong lúc quê
nhà đầy loạn lạc tương tàn. Làm thế nào mà quên được những ngày đông lạnh lẽo ngồi
trong phòng sưởi ấm áp của BOQ xem TV thời sự với hình ảnh tiến quân vào vùng
Hạ Lào năm 1971. Quả thật lúc đó không một ai ý thức được rằng phóng viên Mỹ
tại chiến trường VN đang cố tình tường thuật bất lợi cho chính quyền Nam Việt Nam trong
cùng lúc thì báo in ở Mỹ hầu như cùng nhau mở chiến dịch công kích việc Mỹ tham
chiến cũng như chương trình VN hóa chiến tranh. Tệ hơn nữa khi một năm sau (1972)
tài tử Jane Fonda - đại diện cho xu hướng thiên tả của Hollywood, đến Hà Nội và
tâng bốc quảng cáo không công cho chế độ cầm quyền.
Rời Saigon vào Giao Thừa Tết Dương Lịch 1 tháng Giêng 1971
cùng với binh lính Mỹ hết hạn quân dịch, chúng tôi được chúc mừng liên tục mỗi
đầu giờ vì qua múi giờ nào cũng vẫn là New Year. Không thể diễn tả hết được nỗi
vui, nỗi sướng vô biên của nhóm binh sĩ Mỹ được về với gia đình, lành lặn và
nguyên vẹn sau khi trở về từ Khe Sanh, Dak-Tô, Hamburger Hill ... mà họ gọi là địa ngục trần gian. Đến sân bay
Indianapolis trong giá buốt vào nửa đêm 31 tháng Chạp, nhân viên trường ra đón
cũng lại "Welcome to the US and Happy New Year." Từ đó đến hết khóa
học thời tiết lúc nào cũng giá buốt co ro lại càng làm cho nỗi nhớ nhà da diết
hơn. Cũng may trong BOQ có bếp, có tủ lạnh nên chúng tôi vẫn có cơm, canh, cá,
rau ... như ở bên nhà chỉ có điều không rườm rà lích kích vì còn phải dành thì
giờ cho đèn sách. Nói vậy chứ các nơi như PX, Commissary, rạp xi-nê, câu lạc bộ
sĩ quan vẫn được anh em tranh thủ chiếu cố. Học thì học nhưng không quên nhiệm
vụ đi gom hàng: trong những năm 70' có loại kem dưỡng da Esotérica rất ăn khách
mà mấy bà nhắc đi nhắc lại là phải mua cho bằng được. Thế nên có bạn đã mua
không phải một lố mà nguyên thùng làm nhân viên PX ngớ luôn.
Nếu từ khu cư xá sĩ quan độc thân BOQ đến trường đã có xe buýt
đưa đón ấm cúng thì ngược lại nếu muốn đi đến câu lạc bộ sĩ quan Officers'
Club, chợ Commissary hay PX chỉ có lội bộ trong tuyết ngập đến đầu gối. Thú vui
chơi nghịch với tuyết trắng ngoài trời chỉ được đúng vài tiếng đồng hồ vào ngày
đầu tiên đến Mỹ, sau đó mọi người đều đồng lòng chỉ ngắm tuyết rơi từ bên trong
cửa kính. Hôm nào lạnh quá tuyết đông cứng thành đá thì ai cũng ước gì được ở
nhà khỏi đi học. Vì chương trình học là khóa căn bản cho sĩ quan báo chí nên
tất cả học viên đều phải học từ săn tin, viết tin, biên tập tin đến nhiếp ảnh
báo chí, quay phim kể cả mọi vai trò trong phim trường truyền hình - Cứ một
nhóm vài ba người thay phiên nhau làm sản xuất, đạo diễn, chuyên viên thâu hình,
chuyên viên ánh sáng và xướng ngôn đọc tin dưới sự giám sát của giảng viên. Tất cả
đều dựa vào nguyên tắc cơ bản của thông tin là A-B-C (Accuracy, chính xác -
Brevity, ngắn gọn - Clarity, rõ ràng) đúng khuôn phép của ngành thông tin quân
đội. Theo tổ chức của quân lực Mỹ thì sĩ quan báo chí phải biết mọi thứ liên
quan đến ngành truyền thông và hầu như các học viên tốt nghiệp khi trở về đơn
vị đều được bổ nhiệm làm phát ngôn viên chính thức làm việc trực tiếp với chỉ
huy trưởng.
Quy Mã
Những điều học được ở trường DINFOS đã giúp rất nhiều cho
học viên Việt sau nay khi về nước cho dù áp dụng vào tình hình thực tế của ngành báo chí quân
lực VN có khác - riêng tôi, cũng vì thành thật khai báo, nên được tổ chức cơ
cấu vào vai trò làm báo tường cho Tết 1976 tại trại cải tạo Kà-Tum, Tây Ninh. Báo
Tết vừa treo lên đã được lệnh của quản giáo hạ xuống ngay vì treo ngang hàng
với ảnh chân dùng của "cha già dân tộc." Xém chút nữa thì bị kết tội
phản động. Làm tốt việc tốt ca ngợi tốt ấy vậy mà cũng mất bảy năm mới tốt
nghiệp với mảnh "Giấy Ra Trại" quý hơn vàng. Không thể ngờ mảnh giấy đó lại là
thông hành vững chắc cho chương trình HO sau này - hay chuyến đi US đợt
hai.
Đúng 30 tháng Tư, 1992 tôi lại lên máy bay đi Mỹ, để sau đó làm
đúng nghề đúng việc như khi ở Saigon . Phải thú
thật rằng chỉ khi máy bay cất cánh rời khỏi TSN rất lâu rồi tôi mới hoàn hồn -
mình được rời khỏi thiên đường (đỏ) thật sao? Hai mươi mốt năm trước cảm nghĩ
mang ý nghĩa khác hẳn - mình được du học Mỹ thật sao? Những điều học hỏi ở
DINFOS về nghề làm truyền thông dòng chính trở thành kim chỉ nam quý giá trong
công việc kiếm cơm hàng ngày. Và tiếng kèn đồng - bugle calls, được hệ thống
loa phóng thanh vang tỏa khắp Fort Benjamin Harrison vào lúc thượng và hạ kỳ
hàng ngày là nỗi nhớ khôn nguôi, hệt như tiếng kẻng tập họp nửa đêm để chuyển
trại hay khám xét trong các trại cải tạo là nỗi ám ảnh hãi hùng.
Nói rằng hậu kiết cũng đúng phần nào nhưng nếu cho làm lại
từ đầu thì chắc chắn mấy thanh niên du học Mỹ năm xưa sẽ nghe lời các anh sinh
viên không quen là thà hy sinh ở lại làm di dân không giấy tờ chứ không về
nước - cho dù phải mang tội đào ngũ với nhiều khả năng ra tòa quân sự. Nhưng mà đến tháng Tư, 1975 từ cấp lớn đến
nhỏ cũng rủ nhu đào ngũ đấy thôi.