Sunday, March 20, 2016

Phở Phần Lan


TURKU, Phần Lan - Bài tùy bút viết về Phở khá nổi tiếng của Nguyễn Tuân được ra đời là do một chuyến đi dự hội nghị gì đó ở Helsinki mấy chục năm xưa. Thời Chiến Tranh Lạnh, với truyền thống trung lập, Phần Lan thường được chọn làm nơi tổ chức các hội nghị giữa hai khối trắng, đỏ. Bấy giờ chẳng có người Việt nào lại đến sống ở xứ sở tuy rất đẹp nhưng lạnh lẽo này. Vì các món ăn Phần Lan không hợp khẩu vị, lúc ấy Nguyễn Tuân đứng ở bờ hồ băng tuyết, nghĩ đến một bát phở nghi ngút khói. Thèm nhỏ rãi mà chữ nghĩa tuôn thành bài tùy bút này.
 
Hình NBT 
Mấy chục năm sau, Cộng Sản Bắc Việt “giải phóng” miền Nam. Dân miền Nam bị “phỏng dái” vì các biện pháp “đánh tư sản”, bị lùa đi “Kinh Tế Mới”. Bị lừa vào các trại “Học Tập Cải Tạo” vô thời hạn trong rừng sâu núi thẳm. Thấy được bộ mặt thật của một chế độ tuy ngu muội nhưng quỷ quyệt, bất kể sống chết họ bồng bế nhau xuống những chiếc ghe mỏng manh. Hàng triệu người vượt biên, tấp đến các hòn đảo ở Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Singapore…Nhiều người kẹt rất lâu trong các trại tỵ nạn.

Phần Lan với dân số ít oi chưa đến 5 triệu người, nhưng với truyền thống nhân đạo cũng đã mở vòng tay tiếp nhận khoảng hơn hai ngàn người Việt về định cư ở đất nước này.
Nhờ thế ngày nay bát phở đã có mặt tại Phần Lan.
*
Tôi đi Mỹ mới về Phần Lan được hai ngày.
Trong 6 tuần ở California, tôi đã hăng hái ăn vài chục bát phở cho đã thèm. Những khoanh filet mignon thượng hạng được dùng làm thịt tái, mềm mại như những lời tỏ tình. Những lát vè dòn, vè dầy, nạm, gầu, gân…mới bỏ lên môi đã trôi xuống họng. Nguyên liệu, gia vị, rau cỏ phong phú, mà sạch sẽ. Tất cả đều được kiểm phẩm theo đúng phép vệ sinh để bảo đảm sức khỏe người tiêu thụ.
Xuống Quận Cam vùng Nam Cali, tôi thường ăn phở Nguyễn Huệ ở đường Bolsa của bác Cảnh, anh ruột nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Cung, nấu đúng truyền thống Hà Nội trước 1954. Hoặc phở Quang Trung đường Westminster, Garden Grove có món tái vè dầy xuất sắc. Còn ở San Jose vùng Bắc Cali trước tôi thích nhất tiệm phở Bình của bác Dực. Từng miếng nạm, miếng gầu, sợi phở, rau cỏ đâu ra đó. Bác Dực sửa soạn bát phở với tất cả tâm hồn của một nghệ sĩ. Phở ăn rất ngon, nhưng phải kiên nhẫn lắng nghe bác nói chuyện thơ văn, hay nghe những mẩu chuyện về ca sĩ Sĩ Phú là tiếng hát mà bác yêu mến nhưng đã qua đời.
Từ khi bác Dực nghỉ hưu, có người bạn giới thiệu tiệm phở Pasteur trong khu nhà lồng Lion Plaza, San Jose, tôi thấy cũng ngon. Nhưng trước khi về lại Phần Lan, đến nghe nhạc ở phòng trà Jade Leaf (trước nhà thờ chính tòa San Jose, do nhạc sĩ Lê Huy và ca sĩ Ngọc Diệp làm chủ), tôi ngạc nhiên khi ăn bát phở tại đây. Bát phở này là… hoa lạc giữa rừng gươm! Vì phở được dọn lên trong tiếng nhạc Jazz rộn ràng, đèn mầu nhấp nháy, những đôi chân lả lướt trên sàn…thế mà mùi quế , mùi tiêu, mùi hồi vẫn đủ chỗ bốc lên ngạt ngào xuất sắc. Hỏi mới biết tác giả trước nấu cho phở Công Lý cũ.

*
Hai tuần trước khi tôi rời Cali về Phần Lan, có tin Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đột ngột qua đời trên chuyến bay tới thủ đô Philippines tham dự một hội nghị cổ xúy cho chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Ngậm ngùi trước tin buồn của những người quen biết, những người bạn đang lần lượt ra đi và sắp sửa ra đi.

Về đến Phần Lan, mệt mỏi vì chuyến bay dài và thay đổi múi giờ. Đêm thức ngày ngủ, lẫn lộn giữa mộng, thực. Cứ nghĩ mãi đến hình ảnh Họa Sĩ Hà Cẩm Tâm nằm trên giường bệnh tại một Viện Dưỡng Lão ở San Jose. Trong chuyến về Cali lần này, thăm anh ba lần. Lần đầu, thấy anh nằm dài, suy sụp, nhưng vẫn giữ phong độ của một nghệ sĩ yêu vẻ đẹp, yêu sự chân thực, luôn luôn khôi hài cho mọi người vui. Anh nhắm mắt, cười như mếu, nói như nói thầm “Cuộc đời buồn cười quá”. Còn nhớ, đột nhiên anh nhại một câu của Hồ Chí Minh, chỉ đổi đi một chữ “Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Chân lý ấy…LUÔN LUÔN thay đổi”. Lại mỉm cười, bảo “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp chúng ta!”. Ngừng, nhắm mắt, nói tiếp “Có thằng nhỏ, nó viết thêm vào một chữ THẤT”. Nhắm mắt. Nhớ ngày xưa anh thường say sưa nói về vẻ đẹp của những bông hoa súng trong lúc chèo thuyền trên sông rạch Đồng Tháp thủa kháng chiến chống Pháp. Lần thứ ba, đến thăm trước hôm về Phần Lan, có chiến sĩ nhẩy dù Nguyễn Thành Út và nha sĩ quân y Bùi Ngọc Tô. Anh Tâm suy sụp hoàn toàn, nằm không nhúc nhích. Anh Tô và tôi bối rối không biết làm gì thì Út đã nhanh nhẹn chà mạnh hai bàn tay rồi xoa lên đầu, lên má, lên cổ anh Tâm. Hình ảnh của người cựu chiến binh với đôi tay thô kệch mà lại dịu dàng xoa bóp người bạn già làm tôi cảm động. Út tìm cái thìa múc loại sữa dinh dưỡng mà Út mang theo, vừa nói vừa dỗ dành rồi đặt thìa sữa lên môi anh Tâm. Đôi môi khẽ động đậy, nuốt muỗng sữa. Được một lúc, cặp mắt hơi mở ra, hỏi “có cam không”. Anh Tô vội bóc miếng cam, vắt nước, đặt vào miệng anh Tâm. Chừng nửa giờ sau, anh thều thào nói được. Còn nhớ một câu anh bảo “Bạn bè mình nhiều người bị Cộng Sản giam giữ, đánh đập, khinh khi, chửi bới. Nằm ở đây là sướng lắm”. Tôi lén chụp vài tấm ảnh vì biết đây sẽ là những tấm ảnh cuối cùng mà tôi chụp người bạn già.

Cũng nhớ lần này xuống quận Cam, hai người bạn học Phan Nhật Nam và Phan Bá Sáu lái xe cho tôi xuống San Diego thăm thầy cựu hiệu trưởng trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Ông hiệu trưởng già nua, cũng là ông thầy dậy Việt Văn từng làm cho chúng tôi biết yêu Chinh Phụ Ngâm và những câu thơ trong truyện Kiều, từng có lần nắm tay tôi trong một lần họp mặt mấy năm trước mà bảo “Sao Trạc hay viết những câu cười cợt làm gì?” Trong một lần khác, thầy nói thẳng “Con phải viết để nhắc cho mọi người rằng chế độ Cộng Sản khốn nạn lắm”. Thầy có một người con trai chết trong tù cải tạo sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam. Lần này sức khỏe ông thầy đã như ngọn đèn trước gió. Cố nhỏm ngồi dậy. Cặp mắt lòa bỗng chẩy giòng lệ ướt khi Phan Nhật Nam nói lớn “Con đưa Nguyễn Bá Trạc đến thăm thầy đây”.

Trong cuốn lưu bút khi tôi rời Phan Châu Trinh, thầy có viết mấy chữ. Cuốn lưu bút không còn, nhưng những giòng chữ ấy không bao giờ mất trong tâm trí tôi:
“Sao chiếu mạng! Trong muôn vàn chúng ta là một. Một không phải là không. Ngước nhìn bóng ta ở trên trời”. Ký tên “Nguyễn Đăng Ngọc”.

*
Về Phần Lan mới được hai ngày, sáng nay anh Thảo đã điện thoại mời tôi đến nhà ăn phở. Tuy mệt, nhưng biết việc nấu một nồi phở ở Phần Lan không phải là đơn giản, tôi nhận lời. Ở thành phố Turku này, muốn có ít rau ngò rau quế để nấu phở thì phải canh chừng để mua cho được ở một ngôi chợ Á Đông, nhập cảng từ Thái Lan, một tuần chỉ có một lần.
Anh Thảo chỉ cho tôi thấy một cái nồi giữ nhiệt hiệu Stiger của Nhật mà anh mua từ bên Mỹ, bên trong có một cái nồi khác. Bỏ tất cả xương, sườn…vào cái nồi bên trong, đặt lên bếp nấu khoảng nửa giờ, rồi bỏ vào nồi giữ nhiệt. Không cắm điện nhưng sau một đêm, thịt xương đều nhừ, nước rất ngọt, anh Thảo nói.
Tôi lấy cái máy ảnh luôn luôn đem theo, chụp từ cọng rau, đĩa thịt, cái nồi, với bát phở đặt trên bàn. Đây là bát phở Phần Lan. Bát phở mà ông Nguyễn Tuân mơ ước vì không có mà ăn khi đến xứ này. Nhắc Nguyễn Tuân lại nhớ sau thời Nhân Văn Giai Phẩm, ông ấy có tâm sự rằng “Tôi còn sống được là vì tôi biết sợ”.
Ai mà chẳng sợ? Sợ nên phải chạy trối chết. Đặt hết sinh mạng vợ con, cha mẹ và bản thân lên những con thuyền chỉ đi trên sông, mà tuôn ra giữa đại dương.
Lại nhớ trước hôm rời Cali đến thăm Tường Vũ Anh Thy Vũ Tiến Thủy. Anh ta cũng đang trong tình trạng sức khỏe ngặt nghèo, gần đây có lần bất tỉnh trong phòng tắm đến hơn 7 tiếng đồng hồ. Anh đã bán căn nhà tiền chế ở San Jose để chuẩn bị sang Florida ở với một người cháu. Hôm đến thăm, lúc tôi lên cơn gay gắt nói về những chuyện “Sang, Trọng, Hùng, Dũng” và tình trạng Bắc Thuộc đang xẩy ra thì anh gạt đi mà bảo “Việt Nam chỉ còn là quê hương trong tâm tưởng. Hiện tại không có. Tương lai cũng không có.”

Có lẽ thế. Nên hôm nay với quê hương trong tâm tưởng, chúng tôi ngồi ăn bát phở Phần Lan, miên man nghĩ đến những bát phở CaLi

Tất nhiên là ngon, vì đây là những bát phở của tình nghĩa, bát phở của những người bạn nấu cho nhau ăn. 

Bát phở của những người bỏ nước ra đi vì yêu chuộng tự do, yêu chuộng phẩm giá con người.

NBT 20/3/2016 (ngày sinh nhật DM)


Saturday, March 12, 2016

MIAMI: Vườn Cây Ăn Trái



Đức Hà
Việt Mercury

MIAMI, Fl. – Du khách Việt đến thăm Florida vào mùa hè như hiện nay không thể không chạnh lòng gợi nhớ đến những hình ảnh đầy hoài niệm và bầu không khí cùng hương vị quen thuộc của quê hương Việt Nam. Đó là cảm giác đầu tiên lúc vừa bước ra khỏi sân bay khi hơi nóng hâm hấp thổi tạt vào mặt. Khí hậu nơi đây nóng bức trên 90 và có thể dễ dàng lên đến 100 độ. Trời đứng gió, xế chiều bỗng dưng phủ mây xám rồi mưa rào xối xả mươi phút và tạnh, rồi lại tiếp tục nóng “chảy mỡ” như người Việt thường nói. Nhưng nếu khách có cơ hội dong duổi lang thang trên xa lộ dài vô tận của Florida xuốt từ Jacksonville, qua đến Orlando, rồi Fort Lauderdale, Miami cho đến tận cùng mũi Key West, thì hình ảnh tuyệt đẹp của những hàng cây phượng đỏ rực hoa càng làm cho màu xanh cây lá của vùng này thêm nổi bật và cũng làm cho khách thêm nhung nhớ đến thành phố biển nào đó của quê nhà. Khí hậu bán nhiệt đới của tiểu bang rực nắng “The Sunshine State” hệt Việt Nam với độ ẩm thấp cao làm mồ hôi ướt đẫm từ áo trong ra đến áo ngoài của khách du lịch.


Khí hậu hai mùa nắng mưa và nóng của Florida thích hợp cho trái cây nhiệt đới đủ loại, đủ giống, mùa nào thức nấy, thơm ngon như trái cây chợ Bến Thành. Thời tiết quá thuận lợi khiến một người Việt tên Nguyễn Chính, một cựu nhảy dù đã đặt câu hỏi “tại sao không thử trồng cây ăn trái Việt Nam?” khi đến định cư tại Hoa Kỳ cách nay gần 30 năm.
“Tôi không ngờ từ một lính tác chiến của Pháo Binh Dù nay lại trở thành một nhà nông chuyên nghiệp tại xứ Mỹ,” anh Chính tâm sự từ lô đất hai mẫu hơn trị giá lúc mua không đầy 200 ngàn mà hiện nay lên đến trên 1 triệu đô, nằm cách trung tâm Miami khoảng nửa tiếng lái xe về phía nam.

Khi đến định cư tại Hoa Kỳ, người Việt đã phải bươn chải nhiều nghề khác nhau để mưu sinh, có người học thi lấy bằng và tiếp tục nghề cũ từng làm tại Việt Nam nhưng phần lớn đều đổi nghề và không ít người đã thành công không kém người Mỹ bản xứ.
Tuy nhiên Nguyễn Chính, năm nay 52 tuổi không nhận là đã “thành công” trong ngành nông.
“Tôi chỉ gặp may, làm thử và ăn thiệt,” anh nói xuê xòa, bình dị của người nông dân Nam bộ. Nói vậy nhưng hiện nay anh làm chủ đến 80 mẫu trị giá từ 40 ngàn đến 60 ngàn đô/mẫu tùy địa điểm, tùy hoa mầu đang trồng.
Thật ra mãi đến 1989 anh Chính mới bắt tay vào nghề trồng trọt sau khi hãng đóng tầu ở New Orleans giảm nhân viên.
“Hồi mới sang chỗ nào mướn thì xin vô làm và học hỏi chứ tui có biết gì nghề đóng tầu đâu, rồi từng bước từ thợ lên cai sau đó tui chuyển sang làm theo hợp đồng cho đến khi họ giảm người thì tui nghỉ việc.”
Chính trong thời gian này, nhảy dù Nguyễn Chính, dáng người vạm vỡ, cao 6 feet (1,8 mét) và nặng 220 pounds, mới nhìn trông có vẻ “ngầu” nhưng giọng nói lại nhỏ nhẹ thân thiện đã tham quan vùng nam Florida và nảy ra ý định mua rau cung cấp cho vùng New Orleans, Alabama and Houston, Texas vì nhu cầu cao của cư dân ở đó.
Nhiều năm liên tiếp sau đó anh cùng với một người bạn lái xe truck chạy xuyên bang đi buôn rau trái Florida.

Mua Đất Trồng Rau

Lái xe đường trường mãi cũng mỏi mệt,Nguyễn Chính bèn tính đến chuyện tự trồng. Năm mẫu đầu tiên, anh chủ yếu chỉ trồng húng quế và rau thơm. “Làm nhanh ăn gọn,” anh nói.
Rồi mua thêm đất, trồng thêm rau, và mua nhà, nhận Miami làm quê hương thứ hai cho đến khi bão Andrew đổ xuống Florida năm 1992 thì sự nghiệp ban đầu của anh bỗng dưng của thiên trả địa. Từ tay trắng anh trở thành trắng tay. Được chính phủ đền bù một số tiền, Nguyễn Chính lại đầu tư vào đất vườn, say mê với công tác trồng trọt. Chỉ vào khu vườn phía sau nhà, anh tâm sự:
“Khu đất này nguyên thủy là đất trồng trái bơ, mà diện tích quá nhỏ hơn hai mẫu huê lợi không nhiều nên tôi phá bỏ và trồng cây ăn trái nhiệt đới.”
Không chỉ trồng mít, anh còn trồng mảng cầu Xiêm, mảng cầu ta, nhãn, táo Thái Lan, vú sữa, xoài, thanh long, mận, sa-bô-chê, trái vải kể cả một cây chầm ruột mà anh nói là “chua thấu trời xanh” làm kiểng.

“Có loại tôi trồng vài chục cây bán lấy hoa lợi, có loại chỉ trồng vài cây collection cho vui nhờ vậy mùa nào cũng có trái cây tươi cho cả nhà ăn.”
Anh lập gia đình với một phụ nữ Thái tên Sopia Nguyễn và có hai con trai 7 và 8 tuổi. Anh kể:
“Hồi xưa lúc còn trong lính tôi chỉ ham chơi, mua vui trong chiến tranh, rảnh rỗi thì nhậu nhẹt cà phê thuốc lá nên không lập gia đình. Với lại sống chết không biết ngày nào nên cũng không muốn lấy vợ.”
Nhưng đến khi sang Mỹ muốn lập gia đình lại không được.
“Một người đàn ông không họ hàng không bà con thân thiết thì người ta cũng rất ngại ngùng trao thân gởi phận,” anh kể, nhẹ nhàng như cơn gió thoảng, nhẹ nhàng như anh bỏ thuốc từ 30 năm nay.

Ký Ức Chiến Tranh

Quần quật một nắng hai xương, hai mùa mưa gió và … bão của Florida, hai bàn tay chai cứng, nước da rạm nắng, anh Chính không một lúc nào cảm thấy mỏi mệt. Anh so sánh:
“Mười bốn năm làm vườn, hàng ngày lao động với mấy chục công nhân, nhưng so với sự chịu đựng gian khổ trong chiến tranh thì làm farm chỉ là đồ bỏ.”
Gia nhập binh chủng dù từ sau Tết Mậu Thân vì cả gia đình đều “đi nhảy du,” đơn vị anh được điều đến Quảng Trị và đóng quân xuốt từ 1972 đến khi miền Nam bắt đầu cho di tản chiến thuật.
“Địch quân pháo suốt ngày đêm nhưng rất may mắn tôi chỉ bị ghim vài miểng nhỏ, không bị thương nặng trong khi anh ruột tôi cũng đóng tại Quảng Trị bị chết trận.”
Anh nói rằng lúc đó ai cũng nghĩ “sống chết có số, tới đâu thì tới,” nên ít ai thấy sợ. Nhưng các bạn đồng đội của anh có gia đình lại cảm thấy nhớ nhà, nhớ vợ con khi phải đóng chốt quá lâu tại miền Trung.
Tiếng đạn pháo kích, tiếng trực thăng đổ quân, tiếng hét đớn đau của người bị thương, tiếng gầm xé của phản lực cơ, tiếng bom xé tai, lửa khói mịt mù của vùng hỏa tuyến giờ đây chỉ còn để lại trên cánh tay phải của anh một vết xâm: hình một con rồng quấn quanh con dao găm.

“Công việc bề bộn lắm, nào là chăm sóc, bón phân, tưới tiêu, diệt sâu rầy, sủa chữa các dàn máy cày, xới, rồi thu hoạch trái cây, đóng thùng và ship đi các nơi … làm hoài cũng không hết, thành ra tui cũng ít có dịp tham gia các hội đoàn người Việt ở Miami.”
Rồi đến cuối tuần, vợ chồng con cái gia đình Nguyễn Chính chẳng cần đi đâu xa vì ngay trong vườn mít sau hè, anh đã giành một khu đất để picnic cắm lều, mắc võng đu đưa an hưởng không khí ngoại ô yên tĩnh. Anh còn tự xây một hòn non bộ với nước róc rách chảy và một căn chòi lá để ngồi ngắm cá vàng bơi đùa. Chưa hết, cạnh đó là khu vườn lan với hàng trăm chậu lan hiếm nhiều màu khoe sắc tỏa hương.
“Vui thú điền viên, gia đình tui cũng ít đi biển,” anh nói.

Hỏi về những nhà trồng tỉa gốc Việt khác anh cho biết:
“Trong vùng còn có bốn, năm người Việt ở về phía nam Miami chuyên trồng rau nhưng với diện tích khiêm nhường hơn. Còn lại phần lớn người Việt Florida sống rải rác và đi làm nail hay làm trong Disney World và cũng mua nhà to như bên Cali vậy. Người từ Cali, rồi Tampa, Orlando người Việt cũng rủ nhau  kéo về đây ngày càng đông.”
Chỉ cách khu vườn mít của anh Chính, vài phút là khu nhà mới, đang xây dựng với giá bán chỉ khoảng 300 trăm ngàn nhưng đồ xộ và rộng bằng căn nhà 1 triệu tại Thung Lũng Điện Tử.
Đất Florida yên lành, nhà rẻ vậy người Việt có nên tập trung về đây làm vườn trồng cây ăn trái không?
“Lúc đầu cực lắm, chịu không nổi đâu, nếu phải bắt đầu lại tui cũng không dám,” anh khuyên.

                                      Bài phóng sự được đăng trên Viet Mercury số 287 12/15/2005