Friday, November 27, 2015

Tiết Lộ Mới Về Mặt Trận



Đức Hà
Việt Mercury

Lần đầu tiên sau 14 năm lặng thinh, tổ chức thường được gọi tắt là "Mặt Trận Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh" đã chính thức xác nhận cái chết của các chiến hữu hàng đầu của họ cho dù từ năm 1987 đã có nhiều hình ảnh và tin tức loan tải về những nhân vật này bị tử thương trong các trận đánh tại miền nam nước Lào.
Tuy nhiên đối với ông Hoàng Xuân Yên thì "chuyện này tôi biết chính xác từ lâu rồi."
Ông Yên cho biết như vậy trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho Việt Mercury, một ngày trước khi có cuộc họp báo tại khách sạn Double Tree thứ Bảy vừa qua.
Ông là một trong hai phóng viên nhiếp ảnh và truyền hình được vào xem tận mắt điều được Mặt Trận gọi là "chiến khu giải phóng" năm 1981. Thiên phóng sự "Tôi Về Thăm Chiến Khu  Vùng Giải Phóng" ký tên Hoàng Xuyên đăng trên báo Văn Nghệ Tiền Phong đã gây được tiếng vang lớn khi từ 1,000 số báo hàng tuần đã tăng vọt lên 15,000 số phát hành dạo đó.
Ảnh viettan.org
Tuy nhiên khi tiết lộ thêm những chi tiết mới với Việt Mercury, 20 năm sau khi bài phóng sự được đăng tải thì câu hỏi được đặt ra là tại sao đến bây giờ ông mới lên tiếng.
"Trong giới bạn bè thân hữu, tôi đều có nói hết những điều tôi biết về Mặt Trận và hồi nào giờ báo chí không hỏi thì tôi nói cho ai," ông Xuyên trả lời vắn tắt.

Lên Đường Vào Chiến Khu

Là một trong những người Việt tÿ nạn đầu tiên đến Mỹ khi được hãng truyền hình NBC - mà ông cộng tác trong 11 năm liền đưa ông và gia đình di tản thẳng từ Sài Gòn đến đảo Guam vào tháng Tư năm 1975, ông Hoàng Xuyên không muốn gì hơn là có một cuộc sống ổn định tại quê hương mới. Tuy nhiên vốn là một chuyên viên quay phim chuyên nghiệp và là bạn với ông Phạm Văn Liễu, từng là người đứng đầu ngành cảnh sát Sài Gòn và là nhân vật số hai của Mặt Trận nên hai yếu tố này đã khiến ông trở thành nhà báo duy nhứt được vào thăm "chiến khu giải phóng," nhiều năm sau đó.
Định cư tại bang Maryland trong vài năm, ông và gia đình dọn về San Jose. Ông dạy học tại trường Overfelt cho đến khi hưu trí năm 1995.

Chính tại San Jose, thành phố sau này được mệnh danh "thủ phũ đấu tranh" của người Việt tỵ nạn, ông Hoàng Xuyên đã được ông Liễu mời vào chiến khu để tường trình về các hoạt động kháng chiến giải phóng Việt Nam.
"Tính hiếu kỳ của một nhà báo đã làm cho tôi rất mong được đi cho biết sự thể ra sao khi mà phong trào Mặt Trận đang ngày càng dâng cao tại khắp nơi có người Việt tỵ nạn."
Hướng dẫn đã có tổ chức lo, còn chi phí thì báo Văn Nghệ Tiền Phong bao hết vậy "tội gì không đi."
Ngày 22 tháng Hai, 1982 ông Hoàng Xuyên lúc đó đã 65 tuổi cùng với Nguyễn Ngọc Ấn làm cho hãng CBS, ông Trương Bổn Tài, một sinh viên và ông Phạm Văn Liễu cùng đáp chuyến bay từ San Francisco đến Bangkok, Thái Lan.
Ông Hoàng Xuyên cho biết đoàn người phải nằm chờ cả tuần lễ để đợi giấy phép của một viên tướng Thái Lan mới được vào khu rừng thuộc tỉnh Ubon, nơi có đặt bản doanh của "Kháng Chiến."
"Vào thời đó, mỗi tướng lãnh Thái có toàn quyền trong một lãnh vực kinh doanh; người thì nắm các nhà tắm hơi, người thì nắm sòng bài và người thì nắm một khu rừng để khai thác gỗ và bất cứ ai muốn đặt chiến khu chỉ cần đóng 10,000 đô la lệ phí và mỗi tháng thêm 2,000 đô la nữa cho viên tướng này là được cấp giấy phép hoạt động kháng chiến."
Sau cùng thì mọi việc cũng xong, đoàn người tiến vào rừng và được khoảng 10 người của Mặt Trận đón tiếp và hướng dẫn đường đi.
"Phải mất hai ngày một đêm đường rừng mới đến được nơi đặt chiến lũy của ông Hoàng Cơ Minh."
Sau một đêm nghỉ ngơi là buổi trình diện các chiến hữu trong lực lượng kháng chiến và đọc bản cương lĩnh chính trị của Mặt Trận.
"Vào hôm đó có khoảng 40 thanh niên lấy từ các trại tỵ nạn ra. Trông họ ốm yếu, xanh xao và súng ống thì lèo tèo vài khẩu từ thời Tây. Tôi thấy chỉ có một khẩu tiểu liên," ông Hoàng Xuyên kể tiếp.

Trong khi len lỏi vào hàng quân để chụp hình, ông Xuyên cho biết đã hỏi chuyện những người đứng phía sau thì ông rất ngạc thấy rằng chẳng ai trả lời.
Sau đó có một người nói được tiếng Việt cho ông biết những người Lào được thuê để đứng phía sau cho đông.
Ông còn hỏi thêm mấy nhân vật quan trọng trong tổ chức về lực lượng kháng chiến quân thì người trả lời là 400, người trả lời là 500, có người còn cho biết tổ chức có nhiều chiến khu khác nhau.
"Họ nói lung tung không sao kiểm chứng được."
Điều gây ngạc nhiên hơn nữa cho ông Xuyên là khi vừa xong buổi lễ tuyên bố bản cương lĩnh vào khoảng 12 giờ trưa thì tất cả được yêu cầu ra về ngay lập tức "vì lý do an ninh."
Ông Xuyên nói tiếp rằng ông lại càng thêm bất ngờ khi đi vô chiến khu thì mất hai ngày một đêm khi đi ra thì không đầy ba tiếng đồng hồ đã về đến khách sạn.
"Họ dắt đi vòng vòng trong rừng để gây ấn tượng, thực ra thì trại cũng đâu đó sát bìa rừng," ông Xuyên nói.

Mất Niềm Tin

Sau khi nhìn thấy những cảnh tượng như một màn kịch được bày ra để quay phim chụp hình thì ông Hoàng Xuyên cho biết ông không còn tin tưởng gì vào thực tâm "kháng chiến giải phóng chế độ cầm quyền tại Việt Nam" như được nghe nói trước khi lên đường qua Thái Lan. Tuy vậy ông chỉ để bụng và không phê bình.
"Tôi nghĩ bước đầu tổ chức nào cũng có những khó khăn, ngay cả tổ chức của Việt Minh khi còn sơ khai cũng vậy thôi. Vì thế tôi quyết định không viết bài phóng sự như đã hứa với Văn Nghệ Tiền Phong."
"Viết hết sự thật thì mang tiếng không ủng hộ một mục tiêu cao quý, mà viết sai thì mang tiếng với lương tâm một phóng viên."
Cuối cùng thì bài phóng sự đăng chín kỳ liên tiếp trên  báo Văn Nghệ Tiền Phong cũng thành hình.
"Quả thật hình ảnh và bài viết của tôi đã giúp Mặt Trận vận động thêm được rất nhiều niềm tin và sự ủng hộ trong quần chúng."
Đó là thời kỳ đâu đâu người ta cũng thấy hộp gây quỹ yểm trợ kháng chiến.
"Chính tôi cũng đã đóng góp mỗi tháng 30 đô la trong hai năm liền cho tổ chức."
"Khí thế dâng trào, lòng người đều có chung một quyết tâm: giải phóng quê hương, tôi cũng có ước nguyện đó," tác giả Hoàng Xuyên cho biết.
Cho đến nay không ai biết Mặt Trận đã thu được tổng số bao nhiêu  tiền.

Chia Tay

Năm 1983 trong cuộc họp báo tại miền Nam California, lãnh tụ Hoàng cơ Minh cho biết "Mặt Trận có 10,000 quân với đầy đủ vũ khí đang hoạt động tại vùng biên giới," và đó là câu nói làm ông Hoàng Xuyên dứt khoát chia tay với tổ chức mà ông cho rằng đã "bịa đặt quá sức."
Sự chia tay đó có thể  ảnh hưởng đến tính mạng, nên ông cho biết đã "xin giấy phép và mua súng phòng thân sau khi có nhiều người liên hệ đến nhóm này bị giết chết."
Người ta tin rằng Mặt Trận đã nhúng tay vào vụ giết hại năm nhà báo Việt Nam trong thời gian từ 1981 đến 1990 nhưng cho đến nay chưa có ai bị đưa ra trước pháp luật và Mặt Trận vẫn bác bỏ những lời cáo buộc này.
Trong cùng lúc ông Phạm Văn Liễu người bạn thân đã đưa ông Hoàng Xuyên đến gần với tổ chức chống cộng gây nhiều tiếng vang nhứt, cũng rút lui sau khi muốn biết rõ những khoản chi thu của tổ chức, theo lời ông Xuyên.
"Tuy là nhân vật đứng hàng số hai sau Hoàng Cơ Minh nhưng ông Liễu không hề biết gì về các khoản tiền quyên góp nên tôi khuyên ông ta rút lui để khỏi mang tiếng."
Ông Phạm Văn Liễu còn có bí danh Trần Trung Sơn hiện đang ở Texas và không muốn trả lời phỏng vấn của Việt Mercury.

Cái Chết Của Hoàng Cơ Minh

Theo những người Việt sống tại Thái Lan cho biết thì chi tiết về cái chết của ông Hoàng Cơ Minh không như báo chí đăng tải.
Họ nói rằng trong khi di chuyển từ Thái Lan đến Hạ Lào (vì Thái Lan không cho đặt chiến khu nữa do lời phản kháng của Hà Nội) ông Hoàng Cơ Minh và nhóm của ông đã bị quân Pathet Lào và quân Việt cộng phục kích vì bị nội phản. Một số người sống sót chạy sang Việt Nam cũng bị bắt luôn.
Cái chết của nhân vật đứng đầu tổ chức, sự rạn nứt trong nội bộ cùng các cuộc điều tra của cơ quan liên bang Mỹ đã đưa đến sự suy sụp dần dần của tổ chức mà những người còn lại cho rằng "lui vào bóng tối để củng cố hàng ngũ."
Ông Hoàng Xuyên cho rằng có thể lúc đầu ông Minh có lòng thật sự muốn kháng chiến lật đổ chế độ trong nước nhưng sau đó thấy khó khăn quá nên buông xuôi.
"Tôi rất phục tinh thần yêu nước của tổ chức này, nhưng muốn làm nên chuyện đòi hỏi nhiều yếu tố khác chứ không phải chỉ lập chiến khu, quyên góp tiền bạc và ra quân là đủ," ông nói.
Ông còn cho biết thêm rằng vì Mặt Trận đã để quá lâu mới xác nhận cái chết của các thủ lãnh nên chỉ chuốc thêm sự nghi ngờ vào lòng quần chúng.
“Bây giờ có nói gì thì người ta cũng đặt câu hỏi.”

                           Bài phóng sự được đăng trên Viet Mercury số 132 01/14/2005

Xem thêm chi tiết về nhà báo Hoàng Xuyên tại đây: http://son-trung.blogspot.com/2015/11/tan-dan-mat-tran-hoang-co-minh.html