Friday, April 4, 2014

T-R-A T-Ấ-N



Đức Hà
My OneViet

Người lính Mỹ trong bộ áo tù tươm tất từ bên trong nhè nhẹ bước ra. Tóc tai gọn ghẽ, trông không có vẻ đói ăn hốc hác như tù cải tạo trong Nam sau 1975. Ông nghiêng mình chào và khoan thai ngồi xuống ghế. Rất trầm tĩnh. Trên ngực áo thấy có bảng tên, trên ống quần ngang đùi là số quân. Ông ngồi nghiêm túc thẳng thắn, hai tay nắm chặt để trên đùi sẵn sàng trả lời câu hỏi như từng sẵn sàng trong các cuộc hỏi cung trước đó. Thế rồi bỗng dưng mắt ông cảm thấy bị chói lòa dưới ánh sáng của những ngọn đèn video. Mắt ông nhức nhối và ông chớp liên tục hy vọng nước mắt sẽ làm dịu êm. Ai xem đoạn video này cũng nghĩ thế, kể cả các quản giáo nhà lao. Ông là người duy nhất được trại giam chọn để trả lời phỏng vấn của nhóm phóng viên truyền hình Nhật Bản trong kịch bản được Hà Nội dàn dựng.
Tù Binh Jeremiah Denton - 1966


Đó là một phần của đoạn video trình chiếu trên tivi Mỹ ngày 17 tháng Năm 1966 - cách nay hơn 48 năm. Phi công đó tên Jeremiah A. Denton của Hải Quân Mỹ, năm đó ông 41 tuổi mang cấp bậc Commander - tương đương Trung Tá. Theo báo chí Hà Nội, ông là một giặc lái đế quốc Mỹ bị lực lượng phòng không Quân Đội Nhân Dân anh hùng bắn hạ và bắt sống khi tham gia phi vụ hành quân thứ 12 tại miền Bắc Việt Nam.
Việc ông trả lời với lời lẽ cương quyết và gan lì không làm cho những người giam giữ ông căm giận - bởi vì chính họ nếu có bị bắt cầm tù ở trong Nam thì cũng phải phát biểu như vậy thôi nhưng việc chớp mắt liên tục khi trả lời phỏng vấn đã khiến ông bị cai tù đánh đập tra tấn tơi tả suốt.

Sự Thực

Phóng viên Nhật hỏi: "Ông được đối xử ra sao?"
Ông trả lời: "Tôi được nuôi ăn đầy đủ kể cả cung cấp quần áo và luôn cả chăm sóc y tế khi tôi cần."
Lúc này camera lấy cận ảnh sát mặt phi công Denton, và người ta nhìn thấy rất rõ ông vừa nói vừa chớp mắt. Ông không bị lóa cũng như không bị chói, thực ra ông đã dùng mắt để đánh tín hiệu Morse cho toàn thế giới biết. Cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện ra điều đó. Dịch tín hiệu Morse ra sẽ đọc được bảy chữ "T-O-R-T-U-R-E tức T-R-A  T-Ấ-N."

Đây là lần đầu tiên thế giới được biết tình trạng khốn khổ của tù binh Mỹ qua một chứng nhân đang bị Hà Nội cầm giữ. Họ bị đánh đập và tra tấn. Phi công tù binh John McCain cũng xác nhận điều đó trong tự truyện "How The POW's Fought Back." Hiện ông McCain là Thượng Nghị Sĩ đại diện cho Arizona.
Phóng viên hỏi tiếp: "Ông nghĩ thế nào về điều được gọi là chiến tranh Việt Nam?"
Ông trả lời: "Tôi không biết về điều gì đang xảy ra nhưng cho dù quan điểm của chính phủ tôi như thế nào đi nữa thì tôi cũng ủng hộ - ủng hộ hoàn toàn."
Ông nói tiếp: "Thưa đúng vậy cho dù quan điểm của chính phủ tôi như thế nào đi chăng nữa tôi cũng tin tưởng vào đó. Tôi là một thành phần của chính quyền đó và trách nhiệm của tôi là phải hậu thuẫn cho chính sách đó và tôi sẽ làm điều đó ngày nào tôi vẫn còn sống."
Kế hoạch dùng truyền hình Nhật phỏng vấn tù binh Mỹ nhằm tố cáo chính sách gây hấn của sen đầm Mỹ và tuyên truyền cho một chế độ có chính sách nuôi giữ tù binh nhân đạo và tử tế bỗng chốc biến thành phản tuyên truyền, hiệu ứng ngược. Mãi cho đến khi Trung Tá Jeremiah A. Denton được trả tự do năm 1973 trong đợt phóng thích đầu tiên sau khi ký kết Hiệp Định Paris và viết tập hồi ký "When Hell Was in Session," người ta mới biết thêm nhiều chi tiết kinh hoàng về nhà tù Cộng Sản.

Phi Vụ Nghiệt Ngã

Ngày 18 tháng Bảy, 1965 phi tuần trưởng Trung Tá Hải Quân Denton dắt 28 chiếc phản lực cơ A-6 cất cánh từ hàng không mẫu hạm Independance - từ ngoài khơi biển Nam Hải, trực chỉ Thanh Hóa. Mục tiêu ngày hôm đó: đánh bom và phá hủy một số nhà kho quân sự phía nam Hà Nội.
Đó là phi vụ thứ 12 của ông trên vùng trời Bắc Việt kể từ khi ông tham chiến năm 1964 và không may cho ông cùng bạn đồng hành trên chiếc A-6 Intruder hôm đó là khi đến tọa độ đánh bom đã bị hỏa lực phòng không bảo vệ cầu Thanh Hóa trên sông Mã bắn lên như mưa bão. Phi cơ bị trúng đạn, hệ thống điều khiển tê liệt. Máy bay xoáy như chôn ốc, lao xuống mặt đất. Hai phi công bung dù thoát hiểm và bị bắt ngay sau đó.
"Choáng váng và đau buốt do viên đạn bắn xuyên bắp vế trái, cảm giác đầu tiên của tôi là giận dữ. Giận dữ như điên khùng vì bị bắn rơi, và lại càng giận hơn nữa khi bị bắt giữ," ông kể lại với báo The New York Times năm 1973 - ngay sau khi từ Hà Nội về đến Hoa Kỳ.

Kể từ ngày nghiệt ngã đó và kéo dài trong bảy năm, bảy tháng ông bị chuyển trại nhiều lần kể cả nhà tù Hỏa Lò - được tù binh Mỹ đặt tên Hanoi Hilton và trải qua đủ món ăn chơi từ đánh đòn, bỏ đói, tra khảo trong đó có hơn bốn năm nhốt xà-lim kín và nhiều thời gian giam trong thùng như quan tài. Ông cho biết họ đấm đá, dùng dây curoa quạt điện quất tù binh, hăm dọa tử hình, dùng dây cột bắp thịt để máu không lưu thông khiến toàn thân tê buốt. Tuy nhiên ông, các bạn tù cũng như ông McCain, tất cả đều duy trì hệ thống chỉ huy cùng quân phong quân kỷ nghiêm ngặt. Nhóm tù binh bị cấm liên hệ, trò chuyện thì họ tìm cách liên lạc với nhau bằng cách gõ vào tường đá bằng tín hiệu Morse hay ho hắng; họ quyết tâm không chùn bước trước mọi đe dọa, dụ dỗ, cảm hóa.
"Cách cư xử của chúng tôi, rõ ràng đã làm bọn cai tù nổi điên và buộc họ phải trở nên hung dữ tàn bạo," ông nói.
Khoảng muời tháng sau khi bị bắt, Trung Tá Denton được chọn để làm công cụ tuyên truyền cho chế độ Hà Nội qua trung gian nhóm phóng viên Nhật. Và họ đã thất bại hoàn toàn khi ông Denton bình tĩnh dùng mắt để thông tin cho mọi người biết rằng ông cùng các phi công tù bình đang bị tra tấn.
Từ đó trở đi không phi công tù binh nào được báo nước ngoài phỏng vấn cho đến khi diễn viên Jane Fonda vào thăm Hà Nội năm 1972 và phát biểu một loạt những bừa bãi rác rưởi chống chiến tranh gây tức giận trong cả nước.

Một bài viết có tựa đề "Lại kể chuyện giặc lái B-52" chạy trên trang web báo điện tử Quân Đội Nhân Dân có đoạn như sau:
"... Ri-sớt Giôn-xơn (Richard Johnson) là một viên sĩ quan Mỹ cao gần 2m, mặt to, tai dài, mắt sắc, tóc thưa màu nâu đen điểm những sợi bạc, khoảng chừng 40 tuổi là thiếu tá thuộc Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, số lính 561-54-4696. Hắn giữ chức vụ hoa tiêu ra-đa trên chiếc máy bay ném bom B-52 thuộc đơn vị ném bom số 72, liên đội máy bay ném bom chiến lược số 6 đóng tại căn cứ không quân chiến lược Andersen trên đảo Gu-am. Sau cái đêm 18-12-1972 bị bắt ở Vĩnh Phú cho đến ngày gặp nhà báo Lê Kim, Ri-sớt đã ngồi gần 1 tháng trong trại giam Hỏa Lò. Thời gian không dài nhưng đủ để Ri-sớt thấy được thái độ đối xử độ lượng của các đồng chí trong trại và từ đó bước đầu hiểu chính sách khoan hồng nhân đạo của Chính phủ ta. Có lẽ cũng vì vậy, sau vài phút đầu còn thiếu tự nhiên, dần dà hắn đã cởi mở, không e dè mà kể về những bước thăng trầm trong chuyến bay định mệnh đêm 17-12-1972 của hắn..."

Vậy chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà Nước rộng lượng đến mức nào thì theo lời kể của người từng đứng đầu nhà tù Hỏa Lò phải nói là vô biên. Trích bài viết trên NgườiĐưaTin.vn
" ... Cựu  trại  trưởng  tù binh Hỏa Lò Trần Trọng Duyệt đã khẳng định: Có lẽ trên thế giới này không có nước nào đối xử với tù binh Mỹ tốt như ở Việt Nam. Đó là nhờ truyền thống khoan hồng và nhân đạo đã có hàng nghìn năm của dân tộc ta. Các tù binh chẳng những được ăn tốt, mà còn được chăm sóc sức khỏe (cả vật chất và tinh thần) rất chu đáo trong điều kiện thời chiến cho phép. Ngoài việc được tận tình cứu chữa vết thương do nhảy dù sau khi máy bay bốc cháy, các tù binh đã được những bác sĩ giỏi nhất ở các bệnh viện 108, 103, 354 của quân đội đến khám và chữa bệnh theo định kỳ. Cho nên, sau cú sốc thần kinh ban đầu lúc họ bị bắt, khi đã vào trại Hỏa Lò hầu hết các tù binh Mỹ đều ổn định tinh thần và sức khỏe rất nhanh. Nhiều người đã có ý thức tập luyện để thích nghi với điều kiện sinh hoạt mới, giữ gìn sức khỏe để đợi ngày được trao trả về nước. Ông Duyệt cho biết: Ở Hỏa Lò hồi đó các tù binh Mỹ thường xuyên được tổ chức vui chơi giải trí. Hằng ngày, họ được ra sân phơi nắng, chơi bóng chuyền, bóng rổ, chọc bi-a, đọc  sách báo, nghe tin tức kể cả tin tức của Mỹ và phương Tây qua đài phát thanh mà trại tiếp âm, hoặc chọn những tù binh có giọng đọc tốt để đọc cho tất cả cùng nghe.

Để các tù binh có phương tiện chơi thể thao thường xuyên, trại phải nhờ đến sự giúp đỡ  của ông Tạ Đình Đề, người phụ trách xưởng sản xuất dụng cụ của Tổng cục Thể dục thể thao. Thậm chí để giúp một số tù binh có bệnh về mắt có thể đọc được sách báo, Ban chỉ huy trại đã phải thửa khá nhiều cặp kính thuốc của bà Thúy Hà ở cửa hàng số 48 Hàng  Bài. Đặc biệt, trong các ngày lễ, ngày Tết của Mỹ như ngày Độc Lập, ngày Lễ Tạ Ơn, Noel, Tết Dương lịch ... tôn trọng tín ngưỡng của tù binh, trại còn cho mời cả mục sư Bùi Hoàng Thử đến làm lễ theo nghi thức tôn giáo cho số người theo đạo. Thỉnh thoảng, trại cho mời các nghệ sĩ của đoàn văn công Tổng Cục Chính trị đến biểu diễn cho bộ đội và cho cả tù binh Mỹ cùng thưởng thức. Ông Duyệt còn nhớ một  lần nghệ sĩ Tường Vi đến hát bài  “Cô gái vót chông” và “Tiếng đàn ta lư”. Tới đoạn lên cao như tiếng chim hót “Pơ rô tốc... Pơ rô tốc...”. Mặc dù không hiểu nghĩa cả bài hát, nhưng  tù binh Mỹ khoái  quá, vỗ tay rào rào, yêu cầu hát đi hát lại. Đêm ấy, khi buổi văn nghệ đã tan từ lâu,  nhưng ở nhiều phòng giam, tù binh không chịu ngủ. Họ bàn tán đủ thứ chuyện về các ca sĩ Việt Nam, rồi còn bắt chước giọng Tường Vi hát “Pơ rô tốc... pơ rô tốc...” suốt đêm.

Để  thay  đổi  không  khí  cho  các  tù  binh  đã  phải  ở trong trại lâu ngày, được sự phối hợp giúp đỡ của Công an Hà Nội và An ninh Quân đội, Ban chỉ huy trại còn nhiều lần tổ  chức  cho  các  tù  binh đi  tham  quan một  số  di  tích  lịch  sử,  văn  hóa  và  danh  thắng  của  Thủ  đô  Hà  Nội  như:  Hồ Hoàn  Kiếm,  Công  viên  Lê  Nin,  Quốc  tử  giám,  chùa  Trấn  Quốc,  chùa Một  Cột,  Viện  Bảo  tàng Quân  đội  (nay  là  Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), bệnh viện Bạch Mai... Để  bảo đảm an toàn cho những “vị khách đặc biệt” này, ta đã cho  phép  các  tù  binh  ăn  mặc  như  khách  du  lịch:  Cũng comlê, cavát, giày đen v.v... và đi theo hướng dẫn viên. Tuy nhiên, cũng có lần nhân dân đã phát hiện  ra tù binh Mỹ. Mọi người xì xào: Chuyên gia, khách nước ngoài gì mà mắt cứ nhìn lơ láo, thiếu tự nhiên, đúng là “giặc lái Mỹ” rồi! Vậy là tất cả cùng kéo lại chỉ chỏ, bàn tán, buộc Ban tổ chức phải đưa tất cả lên xe, huỷ bỏ chuyến tham quan dã ngoại theo dự kiến..."
Cũng cần nói thêm là vì chính sách tinh vi này quá khoan hồng và độ lượng nên tháng Tư 1975, chính sách này lại được Hà Nội tái bản và áp dụng cho hàng ngàn quân cán chính miền Nam trong các trại cải tạo.

Đoàn Tụ

Về Mỹ sau thời gian bảy năm "học tập tốt để trở thành công dân tốt," ông trở lại quân đội thăng cấp lên đến thiếu tướng Hải Quân, được bổ nhiệm chức Chỉ Huy Trưởng Trường Tham Mưu Liên Quân đến khi hưu trí năm 1977.  Ông đắc cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ đại diện cho Alabama năm 1980 đến 1987.
Ông qua đời thứ Sáu vừa qua tại Virginia Beach, thọ 89 tuổi.

Xem phỏng vấn Ông Denton của Truyền Hình Nhật trên YouTube:

https://www.youtube.com/watch?v=BgelmcOdS38