Đức Hà
Có thể không sai mấy nếu nói rằng trong số những họa sĩ Việt
vẽ tranh về ngựa không có ai yêu ngựa và vẽ nhiều ngựa bằng Hà Cẩm Tâm.
“Tui bắt đầu cầm cọ vào năm 12 tuổi, nay đã 80 và tui vẽ
liên tục - có gián đoạn nhưng không ngưng nghỉ, số tranh ngựa của tui có thể
lên đến cả ngàn bức hơn,” ông kể lại, chậm rãi mông lung.
Chi tiết về việc ông đến với ngựa được nói đến nhiều lần
chẳng hạn như trong bài viết trước đây của nhà báo Lâm Văn Sang: “Ông nói nhiều
lần (trả lời phỏng vấn, viết tự truyện) ở đâu đó câu chuyện của cậu học trò từ
tỉnh Đồng Tháp về Sài Gòn theo học vẽ trường Mỹ Thuật đầu thập niên
1950. Cách nói (viết) có thể khác nhau nhưng đại để, chàng trẻ tuổi đó sống
trong một gia đình nấu cơm tháng cho sinh viên trường Mỹ thuật. Nơi chàng ở
cạnh một bến xe thổ mộ, một bến tắm ngựa, nằm phía sau Viện Ung Thư ở Gia Định.
Hình ảnh còn theo đuổi anh cho đến bây giờ, khi nhớ lại, là những con ngựa bụng
tròn, chân ngắn, gồng chở những chuyến xe đầy ắp người, hàng hóa, gò mình trên
những dốc cao, bị la hét, bị đánh đập. Anh chứng kiến nhiều con ngựa đáng
thương hại đó ngã quỵ, mắt trợn trừng, sôi bọt mép. Anh bắt đầu vẽ ngựa từ
những chấn động mắt thấy, tai nghe đó trên những khung bố của các bài vẽ cuối
tuần dành nộp cho lớp học sáng thứ Hai.”
Ông yêu ngựa đến độ nhìn áng mây trôi cũng thấy dáng dấp
ngựa bay, sóng biển cuồn cuộn đánh vào bờ xủi bọt trắng dưới mắt ông cũng là
ngựa đang phi nước đại, vả cả khi bắt gặp thiếu nữ tóc xõa bồng bềnh trong gió
ông cũng mường tượng ra bờm mượt mà của ngựa ô.
Tranh của Hà Cẩm Tâm gồm nhiều thể loại - không chỉ có ngựa,
nhưng ông vẽ ngựa nhiều đến nỗi bạn bè không thể không gán cho một hỗn danh và “Tâm
Ngựa” ra đời từ đó. Tranh ngựa của ông vốn nhiều nhưng vì dời đổi hàng chục
lần, gần khắp 50 bang Hoa Kỳ, kể cả Big
Island, Hawaii, sang
đến tuốt Châu Âu, Châu Phi nên tranh của ông cũng tứ tán không biết hiện diện ở
nơi đâu. Chẳng hạn khi ở trại tỵ nạn vào những năm 77, 78 ông vẽ rất nhiều
nhưng giờ đây chỉ còn vài tác phẩm.
“Thật ra tui đâu muốn di chuyển nhiều như vậy, nhưng ở đâu
lâu là thấy cồn cẳng không chịu nổi và muốn đi, muốn đổi thay, đổi từ phong
cảnh bối cảnh đến cảnh vật con người chung quanh,” ông tâm tình. Tuy nhiên nhờ
những bước đi rong ruổi khắp thế gian đó đã cho ông cơ hội nếm đủ các mùi vị
của cuộc sống, thưởng thức những cảnh đẹp hữu tình nhất của tạo hóa.
Hỏi ông “thế bây giờ vẫn muốn đi,” ông đáp “muốn chớ, chịu
không nổi sự đơn điệu, tui lại lên đường,” nhưng ông thêm “quả thật bây giờ quá
mệt mỏi, ngại đi nhưng cũng chưa biết được.” Và điều ông trân
quý nhất nơi bản thân là “Trời vẫn cho sức khỏe - tuy không nhiều, nhưng đủ để
tiếp tục vẽ và sinh hoạt nghệ thuật.”
Ông mô tả ngựa Việt Nam không hùng dũng, cao lớn, uy
nghi như ngựa Ả Rập, Mông Cổ ... nhưng ngựa ta dưới nét cọ của ông đúng là ngựa
lao động, rất giống và gần gũi với con người: nhọc nhằn, khốn khó và đầy tình
nghĩa. Ông ví “Tui mượn dáng ngựa để diễn tả cảm xúc, gợi cảm hứng, nói thay
cho mình bằng những đường nét, tông và gam nóng lạnh” Và ông chỉ ước muốn “làm
sao cho những con ngựa bụng tròn, chân ngắn, oằn người dưới sức nặng của xe thồ
trở nên đẹp hơn, thăng hoa cho xứng đáng với kiếp ngựa đáng quý.”
Xem Ngựa Yêu của Hà Cẩm Tâm tại ĐÂY:
https://www.youtube.com/watch?v=UdA9Tv85YnM