Đức Hà
Lần đầu tiên tại San Jose, ba thế hệ họa sĩ nữ - tuổi từ
ngoài 25 đến 80 ngoài, sẽ cùng ngồi chung trong cuộc triển lãm tranh và tượng
tại Thư Viện Trung Ương Dr. Martin Luther King, Jr. và cũng lần đầu tiên năm cánh
cửa đã hé mở để trải bày những suy tư về chủ đề Phụ Nữ Việt và Hội Họa. Trương Thị Thịnh, Lê Thị Quếhương, Jenny Đỗ, Nguyễn Trí Minh
Quang và Trinh Mai chia sẻ những trăn trở, kinh nghiệm cũng như trở ngại trên
con đường làm hội họa vẫn được cất giữ riêng cho đến ngày hôm nay. Trên mặt báo
này.
Tiếp Cận
Họa sĩ Trương Thị Thịnh đến với hội họa, có lẽ ngay từ khi
còn trong bụng mẹ bởi vì bố mẹ sinh ra đã có hoa tay và có khiếu vẽ ngay từ lúc
biết ... vẽ.
“Lúc bé tôi chỉ có một ước mơ là được học về mỹ thuật và cha
mẹ lại rất phóng khoáng về vấn đề học vấn nên chuyện tôi tiếp cận với ngành họa
rất dễ dàng và nhiều thuận lợi,” họa sĩ Thịnh hồi tưởng lại. Tuy nhiên thời đó
chỉ có duy nhất Trường Mỹ Thuật Hà Nội và đang có chiến tranh nên việc ra Hà
Nội để học không thành nhưng bù lại tất cả các cuộc triển lãm tranh của giới
nghệ sĩ từ Bắc vào Sài Gòn đều được chị hết lòng chiếu cố và mến mộ.
“Ý tưởng trở thành họa sĩ luôn nắm sẵn trong tôi chỉ đợi
ngày ... lành tháng tốt,” chị nói.
Cũng thế Lê Thị Quếhương mê vẽ từ bé:
“Lớn lên ở Việt Nam, tôi thường được các thầy cô
khen vẽ các con vật và cảnh trí đẹp, linh động nhưng còn ham chơi nên hội họa
là chuyện xa vời, không bao giờ nghĩ tới.” Cho đến khi sang Mỹ vào đại học,
sinh viên Quếhương mới khám phá ra các đề tài về mỹ thuật là lôi cuốn nhất, rồi
lại được nhiều giáo sư khuyến khích cỗ vũ, thế là từ đó chị quyết định gắn liền
với hội họa, một chọn lựa mãnh liệt mà chị không cưỡng lại được.
Nữ họa sĩ Nguyễn Trí Minh Quang, hiện ở San Francisco, phải
cọ sát với sơn dầu và màu cọ là vì cha truyền con nối, không thể cưỡng lại được.
Minh Quang viết: “Sanh ra trong gia đình đại họa
sĩ, ba và má là hai tên tuổi lớn trong làng hội họa nên tôi thừa kể cái gene
sáng tạo nghệ thuật. Có màu trong máu?” Không những vẽ, Minh Quang còn đàn, làm
thơ, coi như cầm kỳ thi họa chị được ba phần tư. Minh Quang là con gái của hai
họa sĩ Trương Thị Thịnh và Nguyễn Trí Minh.
Luật sư Jenny Đỗ không đến
với hội họa mà ngược lại: “Hội họa đến với tôi,” chị cho biết và nhấn
mạnh đó không phải là một lựa chọn mà là bắt buộc. Nếu không vẽ, không làm nghệ
thuật thì mình không còn là mình nữa.
Trinh Mai, người trẻ nhất của nhóm, từng muốn làm nhiếp
ảnh, làm vũ công, làm một nhà thơ ... để sau cùng say đắm với hội họa. Mai thổ
lộ rằng cô bị quyến rũ từng bước một từ giai đoạn pha trộn mầu đến phác họa ý
tuởng và truyền đạt tâm tư tình cảm của mình lên khung vải. Thăng hoa.
Trường Phái
Họa sĩ Thịnh - phụ nữ đầu tiên và duy nhất trúng tuyển vào khóa
I trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm 1954 và tốt nghiệp bốn năm sau,
nói rằng “ước mơ đã thành hiện thực và chẳng có gì để mơ ước thêm nữa.” Thế
nhưng sau khi ra trường chị Thịnh dùng phần lớn thời gian để đi dạy tại các
trường cấp trung học kể cả trở về dạy tại trường mỹ thuật nhiều hơn là sáng
tác. Vì chương trình học phần lớn dựa vào tài liệu sách báo nước ngoài nhờ vậy
học viên có cơ hội tiếp cận với nhiều trường phái hội họa của thế giới.
“Tôi không chọn lựa riêng trường phái nào để theo đuổi – vì
cái nào cũng có cái hay nhưng tranh của tôi được giới phê bình xếp vào phái ấn
tượng lãng mạn (impressionist lyrics).”
Cùng lúc thì ái nữ của chị có chọn lựa rõ ràng. Minh Quang
giải thích: “Mỗi tranh thường có nhiều trường phái đi chung. Chánh là ‘abstract
expressionism’ – tạo không khí bao quát, thêm vào ‘surrealism’ -- khêu gợi sự
hấp dẫn; và sau đó, ‘realism’ -- kéo dài sự mê hoặc thưởng ngoạn.”
Lê Thị Quếhương lại chọn trừu tượng nhưng chưa vẽ bao giờ.
Chị nói: “Khi ngẫm nghĩ hay quan sát một sự vật tôi thường liên tưởng đến con
người. Vì vậy khi vẽ một đề tài gì tôi cũng thấy con người trong đó. Tôi rất
thích trừu tượng (abstract) nhưng chưa vẽ bao giờ và thường dùng lối ‘semi-abstract’
để tìm đến với đề tài của mình.”
Họa sĩ luật sư Jenny Đỗ lại không theo một trường phái đặc
trưng nào. Theo chị, sở thích và phong cách vẽ hoàn toàn trực thuộc vào thời
gian và tình cảnh nhất thời và tranh của chị đã trải qua rất nhiều thay đổi và
mang nhiều đề tài cũng như kỹ thuật khác nhau. Thế nên Jenny Đỗ mới thú nhận: “Tôi
không thể định nghĩa được mình và lại càng không muốn định nghĩa nghệ thuật
sáng tạo của mình vì tất cả luôn lung linh và thay đổi.”
Trinh Mai nhắm thẳng con đường ấn tượng và hình tượng để
được phóng khoáng hơn nhưng cũng chất chứa đầy thử thách trong sáng tác. Không
dựa vào một người mẫu hay hình ảnh nào có sẵn làm chuẩn mực, Mai để cho nét cọ
bay lượn theo ý tưởng, theo cảm xúc biến đổi liên tục. Mai nói rằng chỉ có ấn
tượng mới giúp cô khả năng “buông thả hoàn toàn và nhập vai vào với đề tài.”
Tranh hình tượng của Mai, cho dù có dựa vào một khuôn mặt, một dáng vẻ nào đó
của người thật, cô cũng dành đôi chút bí hiểm trong tác phẩm để cho người xem
tự diễn giải.
Khỏa Thân
Khi hỏi về loại hình khỏa thân, các nghệ sĩ cho nhiều quan
điểm rộng rãi phá bỏ điều mà không ít người vẫn cho là taboo nhạy cảm. Jenny Đỗ
nhận xét: “Khỏa thân cũng giống như bao nhiêu đề tài
khác. Tôi đã vẽ những tấm nói lên sự phối hợp giữa nam nữ như tấm ‘Germination
of Temptation’ và đã chụp nhiều hình nude để sáng tác một số tác phẩm mang tên Tôi
Quên Khổng Tử Nói Gì Về Phụ Nữ.” Các tác phẩm khỏa thân của Jenny đã bị
cấm triễn lãm ở trong nước.
Quếhương chưa vẽ tranh khỏa
thân, nhưng con người luôn là một hấp dẫn và là đề tài chính liên hệ trong các
tranh vẽ của chị. Chị bộc bạch: “Nhìn ngắm thiên nhiên vạn vật, thường làm tôi
liên tưởng đến con người. Từ đó khi thể hiện một tác phẩm tôi thường có những
gợi hình về con người. Nhiều tác phẩm của tôi liên hệ tới tính dục.”
Cùng một quan niệm, Minh Quang cũng ưa thích vẽ tranh khỏa
thân – cả nam và nữ. Theo chị “nếu không vẽ khỏa thân thì không có gì thử thách
nữa!” và giải thích thêm rằng “cái đẹp của những đường cong, góc cạnh, chỗ nhấn
của bắp thịt nằm dưới làn da, được ánh sáng tạo nên chiều sâu và khối cạnh… trở
nên tuyệt đẹp.” Minh Quang không ngần ngại xác nhận: “Sex là chủ đề ẩn dấu bên
trong phần lớn tranh của tôi. Nếu nhìn phớt qua người xem không thấy, nhưng
thật ra các cảnh vô tư này hàm chứa nhiều hơn.”
Thật ra thì một khi đã học về hội họa thì phải qua lớp học
về khỏa thân, chị Thịnh gợi nhớ lại một kỷ niệm khi còn là học viên ở trường:
“Chúng tôi phải nghiên cứu con người qua khỏa thân, và ngày
nào cũng vậy từ sáng đến chiều phải đưa lên vải, lên giấy hình hài của con
người nguyên thủy trần trụi - không kể là nam hay nữ, già hay trẻ.” Chị nói
rằng dưới con mắt của họa sĩ khỏa thân chỉ là thuần túy thẩm mỹ và chị đã có
nhiều cuộc triển lãm ở Việt Nam
với toàn tranh khỏa thân.
Không khác quan điểm của đàn chị, Trinh Mai cũng hết mình
với tranh nude. Mai thực hiện nhiều tác phẩm trong thể loại này và cho rằng hình
hài con người là một trong những sáng tạo tuyệt với nhất trên trái đất này.
Càng nghiên cứu nhất là cơ thể của người nữ, Mai nhận thấy tạo hóa kỳ diệu
không chỉ ban cho người nữ một hình dáng tuyệt mỹ bên ngoài đồng thời bên trong
là cả một bộ máy sinh học kỳ diệu.
Thực Tại
Nghệ sĩ sáng tác phải có không gian riêng rẽ và rất nhiều
thời gian để thai nghén, phát triển và mở rộng ý tưởng thành tranh - vậy họ đã
làm thế nào để cân bằng giữa nghệ thuật sáng tác và cuộc sống gia đình trong xã
hội. Jenny Đỗ cho rằng không bao giờ có sự
cân bằng. Chị thẳng thắn:
“Cuộc sống của người phụ nữ làm nghệ thuật và song song với
các lãnh vực khác là cả một sự hy sinh, đè nén. Có lúc nghệ thuật được thoát
ly, tự do, bùng lên như tia sét, có lúc
phải nín thở để giết chết nghệ thuật. Tuy nhiên, vì sự hậu thuẫn và yêu thương
của người bạn tri kỷ, nghệ thuật trong tôi lại mấy phen nổi dậy như nước vỡ bờ.
Tất cả các sự thăng trầm đều là những hạnh phúc và tốn kém vô kể cho cuộc sống
và tâm hồn.” Nguyễn Trí Minh Quang lại cân bằng được cả hai và cuộc sống gia
đình của chị không bị ảnh hưởng. “Hay nói ngược lại, cuộc sống nghệ thuật không
bị chuyện gia đình ảnh hưởng ngăn trở.”
Quếhương giải thích vấn đề một cách rất ... trừu tượng như
tranh vẽ:
“Khi đã đi vào con đường sáng tác rồi, tôi mới
khám phá ra làm nghệ thuật là một điều hết sức cần thiết cho đời sống. Với
tôi, hội họa đã khai mở ra những cõi thâm sâu của con người. Từ đó những
liên hệ với con người nói chung, và những người thân nói riêng trở nên vô
lượng. Mỗi một con người đều có một thân phận, và thân phận đó đã đến
với tôi như một vì sao. Tôi phải biết tìm ra được ánh sáng lung linh của vì sao
đó. Và đó cũng chính là mục đích sáng tác của tôi.”
Trong cùng lúc thì họa sĩ Trinh Mai vẫn chưa
phân biệt được trắng đen, ranh giới giữa nghệ thuật hư cấu bao la và thực tại
cơm-cháo-gạo-tiền. Mai viết bằng Anh ngữ trong e-mail “This is something I am
trying to figure out!”
Trinh Mai nhìn nhận rằng cùng lúc phải làm vợ,
làm con, làm chị và dĩ nhiên làm một phụ nữ Mỹ gốc Việt trong gia đình và làm
hội họa là một thử thách lớn lao. Đôi lúc Mai không thể làm được và phải từ bỏ
vài vai trò, chẳng hạn khi chú tâm vào họa thì chuyện bếp núc được gạt ra
ngoài, chưa kể phải đòi hỏi sự tĩnh lặng và tránh xa thế giới thật. Và Mai mong
rằng sẽ được mọi người thân rộng lòng thông cảm. Nói về người tình trăm nay,
Trinh Mai nói: “Chúng tôi hiểu nhau và hết lòng hỗ trợ nhau.” Có lúc Mai định
kiếm việc làm 9 đến 5 và để hội họa sang một bên nhưng chồng cô cứ nhất quyết
“công việc của em là ở trong studio.”
May mắn hơn cả là họa sĩ Trương Thị Thịnh khi
ông nhà tôi Nguyễn Trí Minh cũng là họa sĩ. Một người đi dạy toàn thời gian, một
người vẽ toàn thời gian và trong nhà lại có nguời giúp việc đỡ đần nên chẳng có
vấn đề gì, không nhiêu khê như ở Mỹ khi có con nhỏ. Chị nói ở Việt Nam
thời đó chỉ có rất ít phụ nữ họa sĩ nên được mọi người yêu mến trân trọng.
Qua trao đổi không thấy họa sĩ nào ta thán
về sự sai lầm ngay từ đầu khi chọn ngành hội họa, không người nào ngỏ ý muốn
rời bỏ cọ và màu và sơn, hầu như rất hạnh phúc làm nghệ thuật nhưng không biết liệu
kiếp sau (nếu có) các chị có muốn vẫn xin làm họa sĩ và chỉ mong đời không chê
trách.