Sunday, May 16, 2010

Chất Da Cam & Dự Án Báo Chí Việt Nam


Đức Hà


Lần đầu tiên khoa báo chí thuộc Đại Học San Francisco State University vừa phát động một dự án báo chí quy mô có tên Vietnam Reporting Project nhằm đào sâu nghiên cứu và phổ biến những thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau về tác hại của chất Da Cam vào môi trường và sức khỏe con người. Giáo Sư Jon Funabiki, người đứng đầu dự án nói rằng cần phải tận dụng mọi hình thức truyền thông để tạo nhận thức nơi quần chúng về thảm cảnh của chất Da Cam:
“Mục đích của chúng tôi là quảng bá những thông tin được biên tập cẩn thận, đầy đủ dưới nhiều hình thức khác nhau với sự kết hợp giữa ngành truyền thông dòng chính và truyền thông thiểu số kể cả các mạng lưới xã hội để tạo được nhận thức, dấy lên những cuộc đối thoại trên toàn quốc đồng thời đốc thúc các phương án giải quyết di sản phức tạp và thường bị bỏ quên của cuộc chiến Việt Nam.”
Thật vậy cho dù chiến tranh Việt Nam chấm dứt cách nay đã 35 năm và mối quan hệ giữa hai nước cựu thù ngày càng tốt đẹp hơn thì vấn đề liên quan đến chất màu Da Cam vẫn âm ỉ ở phía sau hậu trường sân khấu chính trị. Rất nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng hiện nay. Phía Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường không chịu trách nhiệm pháp lý và không thừa nhận các tác hại trên con người do nhiễm dioxin. Phía Việt Nam cũng chia làm hai ý kiến, một quan điểm muốn Mỹ gia tăng trợ giúp chữa trị bệnh nhân và tẩy rửa những vùng đất nhiễm độc, ý kiến khác lại cho rằng tạo sự chú ý đến vấn đề Da Cam có thể đưa đến giới hạn nhập khẩu các mặt hàng thủy sản, thịt, lúa gạo từ các nước bạn hàng của Việt Nam nêu lý do thực phẩm không an toàn. Mặt khác một số người Việt tại Mỹ lại có thái độ phần nào dị ứng với vấn đề Da Cam cho dù không ít binh lính của Nam Việt Nam cũng bị nhiễm hóa chất này. Trước đây các đoàn từ Việt Nam sang New York để xúc tiến vụ kiện đều bị biểu tình chống đối.

Ngược Dòng Lịch Sử

Trong thời gian từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 20 triệu gallons chất diệt cỏ ở Nam Việt Nam - trong đó 12 triệu gallons là một loại hóa chất chứa trong thùng có kẻ vạch màu cam, với mục đích khai quang các khu rừng rậm rạp và giải tỏa các vùng đất quanh các căn cứ quân sự. Nếu việc sử dụng hóa chất đạt thành công trong công tác làm sạch và làm quang đãng các khu rừng thì lúc đó giới chức quan đội Mỹ khẳng định hóa chất không hề ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong vùng rải thuốc. Chỉ có điều thuốc diệt cỏ thuốc được dùng tại Việt Nam với nồng độ từ sáu đến 25 lần nhiều hơn chỉ định của nhà sản xuất. Thế nên hệ quả kéo dài tới ngày hôm nay và các nhà nghiên cứu ước tính còn tiếp diễn lâu dài hơn.
Việt Nam vẫn thường đưa con số từ 3 đến 4.8 triệu người có tiếp xúc với Agent Orange, gây 400,000 tử vong và tật nguyền, cùng nửa triệu trẻ sinh dị dạng. Các khoa học gia Mỹ ước tính vào khoảng 3 triệu người bị phơi nhiễm, còn nạn nhân thì cần phải xác định nồng độ dioxin và mối liên hệ với các bệnh tật mới có thể kết luận cụ thể. Một trở ngại rất lớn trong công tác xác định sự liên hệ này là do các xét nghiệm y khoa rất tốn kém và tốn nhiều thời gian, và cho tới nay cũng chưa có chứng minh khoa học cụ thể được quốc tế chấp nhận liên kết chất dioxin với các trường hợp dị dạng hay khuyết tật nơi con người cùng các bệnh như ung thư, tiểu đường, Chronic Lymphocytic Leukemia, Hodgkin’s disease, Multiple myeloma …
Tuy vậy các cựu chiến binh Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, kể cả Nam Hàn đều được công ty Dow Chemical, Monsanto và Diamond Shamrock bồi thường qua hòa giải ngoài tòa trong khi các đơn kiện từ phía Việt Nam đều bị bác vì theo tòa hóa chất được dùng để diệt cây cỏ chứ không chủ đích nhắm vào người do đó không vi phạm luật quốc tế về vũ khí hóa học.
Cho đến nay công tác tẩy rửa được chú trọng vào khu vực quanh sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát, nơi quân đội Mỹ tồn trữ, pha chế chất khai quang và chuyển lên máy bay để rải xuống vùng rừng của Nam Việt Nam. Tuy vậy, không chỉ Washington, nhiều tổ chức nhân đạo và quốc tế như Cộng Hòa Tiệp, Chương Trình Phát Triển LHQ - UNDP, Anh, Pháp, Ái Nhĩ Lan, Hàn Quốc … cũng đóng góp vào công tác cứu trợ nhân đạo này. Tổ chức Ford Foundation đã đóng góp 11.5 triệu đô-la để làm công tác xét nghiệm mẫu đất bị nhiễm bẩn, cũng như triển khai các phương pháp điều trị, thành lập các trung tâm cứu trợ và giáo dục dành cho nạn nhân và những người bị phơi bày với hóa chất.
Hóa chất dioxin với những tác hại kéo dài trên con người và cả môi sinh, vẫn được xem như vướng mắt cuối cùng đè nặng lên mối quan hệ giữa hai nước Mỹ-Việt được bình thường hóa kể từ năm 1995.

Vietnam Reporting Project

Với những vấn đề phức tạp, nhiêu khê và kéo dài do những hệ lụy của tác nhân da cam, sáng hội Ford Foundation ngoài công tác trợ giúp Việt Nam từ nhiều năm nay, đã tài trợ cho dự án Vietnam Reporting Project, một phối hợp của trung tâm Renaissance Journalism Center với tổ chức Asian Americans/Pacific Islanders in Philanthropy, cũng không ngoài mục tiêu đốc thúc những nỗ lực hiện đang được chính phủ Mỹ thực hiện. Và trong ba ngày thảo luận, thuyết trình và trao đổi được tổ chức tại San Jose cuối tuần qua, nhóm hơn 20 người gồm từ các khoa học gia, nhà nghiên cứu, đến phóng viên báo viết, truyền hình cùng với nhiếp ảnh viên và nhà quay phim đã cùng nhau chia xẻ nhiều thông tin mới nhứt về sự kiện Da Cam. Tất cả sẽ lên đường công tác tại các vùng nóng - hotspot tại Việt Nam từ nay đến cuối năm và bài vở, hình ảnh, video sẽ được tải lên trang mạng http://vietnamreportingproject.org
Phát biểu về cuộc hội thảo, Tiến Sĩ Wayne Dwernychuck, một chuyên gia về vấn đề môi trường nhiễm độc nói rằng ông rất hãnh diện được mời đóng góp ý kiến:
“Tôi muốn cám ơn ban tổ chức và những thành viên rồi đây sẽ phải dấn thân vào vấn đề không chỉ tế nhị về mặt chính trị mà còn phức tạp và kéo dài từ bấy lâu nay. Tôi háo hức mong được xem thành quả của các bạn nhưng chắc chắn sẽ rất giá trị và cũng sẽ là nguồn thông tin đầy đủ cho những người không quen thuộc với vấn nạn hiện nay của Việt Nam.”
Laura Waxman, thành viên trẻ tuổi nhất của dự án VRP, cảm thấy áy náy khi lần đầu tiên tiếp cận với những thông tin về cuộc chiến Việt Nam và những hệ lụy:
“Là người thuộc thế hệ trẻ trong nhóm các nghiên cứu sinh, Laura rất may mắn được chọn tham gia vào dự án cạnh các nhà báo đầy kinh nghiệm nhưng Laura cũng cảm thấy phần nào lo lắng vì hoàn toàn không biết gì về chất Da Cam, cũng như về đất nước Việt Nam cho đến khi có mặt trong các buổi hội thảo ở San Jose.”
Laura cho hay đây là việc đúng đắn cần phải làm và sẽ đóng góp vào nỗ lực truyền bá thông tin đến với những người cùng lứa tuổi.
Bên cạnh các nhà báo Mỹ còn có các phóng viên gốc Việt như Thúy Vũ của truyền hình CBS 5, Hà Kiều Oanh thuộc hệ thống KQED, Nick Út của AP, Nguyễn Hữu Liêm của VTimes và Nguyễn Quí Đức.

No comments:

Post a Comment