Nguyễn An Nhiên
Năm ấy là năm thứ hai tôi đến Mỹ, cũng là mùa đầu tiên ra khỏi chương trình ESL, chương trình dành cho học sinh dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Đấy là lớp đầu tôi học chung với các học sinh bản xứ mà không có cô giáo phụ giảng người Việt Nam bên cạnh. Tôi run lắm, chui vào bàn trong góc lớp ngồi với hy vọng không ai để ý đến mình. Tôi còn nhớ bà giáo cao lớn, tóc màu hạt dẻ cắt ngắn đến cằm, nét mặt cứng cỏi lạnh lùng. Hồi ấy tôi thường thắc mắc tại sao các cô giáo trong ngành này đều có nét mặt khó ưa đến thế, xung quanh họ dường như luôn có một bức rào cản không muốn ai lại gần. Họ ăn nói trôi chảy, gãy gọn nhưng câu nào cũng chứa đầy sự mỉa mai. Với định kiến như vậy, tôi ít khi có cảm tình với những bà giáo trong ngành này, và nếu không có việc cần thì tôi tránh không tiếp xúc với họ. Chỉ đến khi vào đại học năm thứ ba, kiến thức được bồi bổ chút ít tôi mới nghiệm ra lý do của sự ‘khó ưa’ ấy. Hãy tưởng tượng một phụ nữ sẽ trở thành thế nào khi họ luôn phải tranh đấu với đám đàn ông chung ngành, những đồng nghiệp ngoài mặt tươi cười vui vẻ nhưng trong bụng thì khinh khỉnh, ra cái điều, ‘đàn bà biết quái gì về chính trị!’ Khi dấn thân vào ngành ấy, các bà phải chứng tỏ sự xuất sắc vượt bực trong lãnh vực chuyên môn, cũng như luôn phòng bị và tự vệ cho quyền được tôn trọng và đối xử bình đẳng.
Hôm ấy là giờ đầu tiên nên bà giáo dành trọn thời gian cho việc tìm hiểu học sinh trong lớp. Sau khi điểm danh, bà chia chúng tôi ra nhiều nhóm nhỏ và cho đề tài bàn luận, ‘nếu bạn có được quyền làm chủ một hòn đảo, thì luật đầu tiên bạn lập ra sẽ là luật gì?’ Cả lớp sôi nổi bàn cãi rồi đề cử người đại diện phát biểu. Khi đến phiên nhóm ngồi gần tôi, một chàng cao ngòng đứng lên dõng dạc:
- Hòn đảo chúng tôi sẽ là hòn đảo an bình nhất thế giới vì chúng tôi sẽ không cho một người phụ nữ nào tham gia vào chính quyền cả. Sẽ không ai quấy rối và đòi hỏi quá mức, sẽ không có một vụ xì-căng-đan chính trị đáng tiếc nào xảy ra, chỗ ở của đàn bà là trong bếp, và họ sẽ ở trong đó suốt đời trên hòn đảo chúng tôi.
Anh ta hùng hồn nói, giọng tự tin, khiêu khích và đầy miệt thị. Tôi ngơ ngác không tin và tai mình, đây là California, tiểu bang nổi tiếng trong vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ đến tối đa, mà sao lại có người như anh chàng này. Cả lớp nhốn nháo hẳn lên, đứa cười ầm ĩ tán thành, đứa nhíu mày phản đối, đứa trề môi thầm thì, ‘lại một kiểu chơi nổi để được nổi tiếng đây’ - một trò rất thường xảy ra ở high school. Nhìn nét mặt hắn, tôi rùng mình vì biết hắn nói thật lòng. Tai ù, ngực tức, và máu chạy dồn lên mặt vì giận dữ, tôi ước gì mình có đủ vốn liếng tiếng Anh để quạt cho hắn một trận.
Cả lớp im lặng dần theo cái khoát tay của bà giáo. Bà lạnh lùng nhìn hắn rồi lại nhìn vào sổ đầu bài, hỏi:
- Anh họ Nguyễn, nếu tôi không lầm thì anh là người gốc Việt Nam?
- Yes. Hắn nghênh mặt trả lời như muốn thách thức bà giáo, ‘là người gốc Việt Nam thì đã sao nào, có liên quan gì đến bà đâu?’
Bà giáo điềm tĩnh nói;
- Anh làm tôi rất ngạc nhiên. Người mở đầu lịch sử dân tộc anh là hai phụ nữ, anh không biết sao? Họ là những phụ nữ đầu tiên thành công trong công cuộc dành độc lập cho nước nhà. Họ cũng là những phụ nữ duy nhất trong lịch sử thế giới được tôn làm ‘Hoàng Đế.’ Thật ra không ít phụ nữ lên ngôi vua, nhưng chưa có ai trở thành Emperor cả. Không hiểu nếu như họ cứ ở trong bếp thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?
Lời bà nói đến đâu lòng tôi mát rượi đến đấy. Hai Bà Trưng, bà ấy biết đến Hai Bà Trưng ‘của mình.’ Cả lớp lặng im trong khi mặt hắn ta chuyển từ đỏ sang tái rồi từ tái sang đỏ. Hắn cúi đầu nặng nề gieo mình xuống ghế. Một vài nụ cười chế giễu, vài cái xuỵt tế nhị. Chỉ vậy thôi rồi đại diện nhóm tiếp theo đứng lên phát biểu.
Bài học chính trị đầu tiên của tôi ở một xứ sở xa lạ bắt đầu như vậy đó. Để đáp lại sự kỳ thị và khinh thường của kẻ khác thì thái độ bình tĩnh, điềm đạm và kiến thức sâu rộng sẽ là vũ khí tốt nhất. Cũng may lúc ấy tôi chưa giỏi tiếng Anh, cứ tưởng tượng việc mình đứng lên cãi vả một hồi rồi oà khóc vì tức tối tôi lại tự ngượng với mình. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn thầm nhớ mãi người thầy lạnh lùng, ‘khó ưa’ ấy, người đã dạy tôi hãy luôn hãnh diện về nguồn gốc và giới tính của mình.
No comments:
Post a Comment