Đức
Hà
Hai mươi năm chiến tranh Vietnam (1955 -
1975) đã để lại nhiều bức ảnh để đời; đặc biệt có bốn bức đoạt giải Pulitzer.
Cả bốn đều diễn ta cái chết, cả bốn đều làm rúng động thế giới về nỗi kinh
hoàng của chiến tranh - từ cái chết thể xác đến cái chết tâm hồn.
“American
Soldiers Dragging Viet Cong,” xác một bộ đội Bắc Việt hay có thể là một du
kích quân, chân đất quần xà lỏn mặt úp xuống đất được quân Mỹ cột giây kéo lê đến
mồ chôn phía sau chiếc thiết vận xa M113 thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ. Lời
chú thích của hình ghi là "a Viet Cong soldier" - không tên, không
tuổi, chỉ ghi vắn tắt anh ta là một trong nhiều người chết trong trận đụng độ ác
liệt giữa quân Úc, Mỹ và quân Giải Phóng tại Long Tân, Núi Đất, Vũng Tàu.
Wikipedia trích lời một cựu chiến binh Quân Giải Phóng cho hay Trung Đoàn 275 thuộc Quân
Giải Phóng là đơn vị giao tranh trong khu rừng cao-su gần xã Long Tân ngày 19
tháng Tám, năm 1966. Phe chống chiến tranh gọi bức ảnh là một thí dụ về sự tàn
bạo của con người và biện minh rằng Mỹ phải rút khỏi Việt Nam .
Tác giả: nhiếp ảnh gia Nhật Kyōichi
Sawada của hãng thông tấn UPI.
Bức thứ hai "Saigon Execution" của
Eddie Adams chụp trong lúc đang diễn tiến cuộc tổng công kích Mậu Thân ngày 1
tháng Hai, 1968. Đại úy đặc công Nguyễn Văn Lém bị bắt sau khi cầm đầu nhóm
quân cảm tử tấn công vào nhân viên cảnh sát gần khu vực Chùa Ấn Quang, Chợ Lớn.
Lém bị bắt giữ gần mồ chôn tập thể bảy cảnh sát Saigon cùng với gia đình, tổng
cộng 34 xác chết. Khi Lém được đưa đến trình diện Tướng Nguyễn Ngọc Loan, ông
này móc khẩu P 38 kết thúc luôn mạng sống của tay đặc công. Eddie Adams đứng
gần đó và ghi vào phim nhựa giây phút có một không hai này. Ông Adams kể lại:
"Vị tướng bước lại gần tôi và nói 'Tay
nay giết hại nhiều nhân viên của tôi, và kể cả của ông nữa,' rồi bỏ đi.
Bức "The Napalm Girl" của Huỳnh Công Út ra đời năm 1972. Lúc
đó Phan Thị Kim Phúc được chín tuổi. Kim Phúc bỏ chạy khỏi ngồi làng bị bom phá
hủy ở Trảng Bàng. Ngôi làng bị Cộng quân tràn ngập và chiếm đóng. Dân làng bỏ
chạy - trong đó có Kim Phúc, phi cơ lầm tưởng là quân địch nhào xuống thả bom
tiếp. Kim Phúc hốt hoảng hãi sợ trốn chạy trên đường lộ, quần áo cháy xém không
còn mảnh nào che thân và cháy khắp cả da thịt. Nick Ut ghi nhận được bức ảnh đó
ngày 08 tháng Sáu, 1972.
Hai đặc công trong ảnh của Sawada và
Adams chắc chắn đã được phong liệt sĩ và được
chế độ mới ghi công tưởng thưởng. Phan Thị Kim Phúc hiện sống yên ổn cùng gia
đình ở Ontario , Canada ; vết bỏng trên da cũng đã
lành sau nhiều lần chữa chạy. Cho dù nhìn từ góc độ nào, đó cũng là nỗi buồn
của chiến tranh, nỗi đau của đổ máu, của mất mát, của người Việt giết hại lẫn
nhau. Bức ảnh thứ tư đoạt giải Pulitzer được chụp tại nước Mỹ thanh bình, không
có cảnh chết, không đổ máu, mới xem những tưởng là nỗi vui tràn đầy - nhưng bên
trong lại chứa đựng những nỗi đau khốn cùng về lòng dạ con người.
Đó là câu chuyện của Trung Tá Không
Quân Hoa Kỳ Robert L. Stirm. Có thể nói chuyện rất giống với hoàn cảnh của
nhiều gia đình Việt khi chồng đi tù cải tạo sau 1975, vợ ở nhà - vì duyên cớ gì
đó lại lập gia đình với bên thắng cuộc hay mang con vượt biên để rồi cũng sang
ngang ở nước ngoài. Người chồng, người cha đi tù trở về với hai bàn tay trắng -
không chỉ phải đương đầu với xã hội mới, chế độ mới mà luôn cả với sự ngỡ ngàng
hụt hẫng khi gặp lại vợ và con hay chẳng bao giờ gặp được ai nữa.
Hoàn cảnh phi công F-105 Stirm chẳng
khác. Trong một phi vụ bỏ bom ở bắc Việt Nam ông bị bắn rơi năm 1967. Sau gần
sáu năm tù đầy, tra khảo, đói khổ, bệnh tật trong nhà lao khét tiếng Hanoi
Hilton, ông được trao trả vào tháng Ba 1973. Còn gì vui sướng bằng được trở về
Mỹ, được đoàn tụ với gia đình thân quyến gồm vợ và bốn con.
Phóng viên ảnh Slava "Sal"
Veder của hãng tin AP có mặt từ sớm tại sân bay Travis AFB để làm phóng sự hình
về chuyến trở về của 20 tù binh Mỹ bị giam giữ ở Hà Nội. Bức ảnh trắng đen "Burst of Joy" chụp đúng lúc
cả gia đình ông Stirm, nụ cười rạng rỡ, vòng tay mở rộng chạy như bay về phía
người cha, người chồng vừa thoát cảnh ngục tù Việt Nam. Với bốn người con của
Trung Tá Stirm, ngày 17 tháng Ba, 1973 là ngày giấc mơ thành hiện thực hay nói
một cách tôn giáo là lời cầu nguyện đã được Ơn Trên đáp lời.
Chiến tranh kết thúc. Gia đình đoàn
tụ. Hạnh phúc tràn đầy.
Sự thật không phải vậy. Trả lời
phỏng vấn của nhiều phóng viên, cựu Đại Tá Robert Stirm cay đắng: "Tôi
được tác giả gởi tặng nhiều phiên bản của bức ảnh đó, nhưng không treo tấm nào
trong nhà."
Ông Stirm, nghỉ hưu với cấp bậc Đại
Tá năm 1977, hiện ở Foster City, California chỉ tay vào người phụ nữ trong hình
nói: "Vì người này."
Cũng như Thượng Nghị Sĩ John McCain
- một tù binh tại khám Hỏa Lò Hà Nội, ông Stirm không mấy oán giận hay căm thù
những cai tù từng tra tấn, hành hạ, bỏ đói ông trong thời gian bị bắt giữ mà
ông lại cay đắng với người từng là một nửa kia của ông - mẹ của bốn con.
Thật ra ngay từ khi còn ở
Phillipines để làm thủ tục trước khi về Mỹ, vị mục sư tuyên úy có chuyển cho
ông bức thư dạng "Dear John*" ký tên Loretta Stirm, vợ ông.
Thư viết:
"Em
đã thay đổi nhiều lắm - em bị đưa đẩy vào một hoàn cảnh mà cuối cùng em phải
quyết định. Anh Bob, em yêu anh - cả nhà đều yêu thương anh nhưng em tin rằng
tự đáy lòng anh biết rằng chúng mình không thể kết hợp lại như xưa được nữa -
và rất vô lý khi lại phải chịu đựng sự bất hạnh khi anh có thể có chọn lựa
khác. Cuộc đời vốn ngắn ngủi phải không anh. Chúng mình hoàn toàn không hạp
tính nhau, không nên làm khổ nhau thêm nữa. Em rất muốn gặp khi anh trở về -
nhưng em sẽ thông cảm nếu anh không muốn như thế."
Người ta không hiểu bà Loretta có
mặt tại sân bay vào thời điểm đó để làm gì, để cũng (đóng kịch) cười cũng rạng
rỡ như bao người vợ đón mừng chồng trở về từ ngục tù tăm tối, trong khi bà đã ở
với người đàn ông khác. Sự thật thì chỉ một năm hơn sau khi bặt tin chồng (lúc
đó không biết Trung Tá Stirm bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh hay chết khi
trúng đạn phòng không địch), bà Loretta đã bỏ bê gia đình nhưng lại không thật
thà khai báo với bốn con. Ông Stirm cho hay bà ấy từng nhận lời cầu hôn của ba
người khác nhau trong lúc ông ngồi tù:
"Bức ảnh không nói lên sự thật
phũ phàng tiềm ẩn phía sau." - thế nên tác giá mới đặt tên là 'Burst of
Joy - Niềm Vui Chan Hòa' khi cả năm mẹ con đều cho thấy vẻ mặt hạnh phúc cùng
cực khi được gặp lại người xưa.
Vợ chồng họ Stirm nạp đơn ly dị một
năm sau khi ông được hồi hương. Cả hai đều lập gia đình riêng sáu tháng sau đó.
Tòa quyết định hai người con đầu - Lorrie và Robert về ở với cha, hai người con
sau - Roger và Cindy ở với mẹ. Người vợ được hưởng nguyên căn nhà và gần nửa
tiền hưu của chồng - cho dù quan tòa xác nhận có nhiều bằng chứng cho thấy
người vợ có những hành vi không xứng đáng khi chồng còn ở trong tù.
Với nhiều người Việt đi tù cải tạo,
cũng như cựu Đại Tá Stirm nằm tù Hỏa Lò, gia đình là niềm tin yêu và hy vọng
cuối cùng cũng như trên hết để phấn đấu qua mọi thử thách gian nan hầu có ngày
được gặp lại người thân. Với người này chiến tranh chấm dứt có nghĩa là đoàn
tụ, xum họp và hàn gắn; với người không may, có thể vì nghiệp chướng hay số
phận những đau khổ trong chiến tranh cũng vẫn tiếp tục khổ đau trong hòa bình -
không phải ai cũng được hưởng niềm vui chan hòa.
*"Dear John
letter" là dạng thư của người vợ hay người yêu ở hậu phương gởi cho
chồng hay bạn trai đang ở chiến trường báo tin tình của đôi ta chỉ thế thôi,
phần lớn có nghĩa người ở lại đã có tình mới.
No comments:
Post a Comment