Wednesday, June 29, 2016

BLITZ MEDICAL GROUP: Phòng Mạch 15 đô

Đức Hà
Việt Mercury

Thất nghiệp, mất bảo hiểm y tế, gia đình đông người, tiền nhà chưa kịp trả và bị bệnh thì làm sao? Câu hỏi này được bác sĩ Lê Văn Minh trả lời như sau:
“Nhóm y tế Blitz sẽ giúp khám bệnh và chữa trị với lệ phí tối thiểu.”
Thành lập từ tháng Tám, 2002 Blitz Medical Group có mục đích cung cấp cho cộng đồng dịch vụ y tế chỉ với 15 đô la lệ phí khám bệnh, bất kể bệnh nhân thuộc thành phần nào và có bảo hiểm hay không. Vì thế câu châm ngôn của Blitz là “Home of the $15 exam,” được ghi rõ trong phòng mạch trên đường số 14 tại San Jose


Vào lúc phí bảo hiểm y tế ngày một tăng cao và việc chữa bệnh đối với người không bảo hiểm là một trở ngại lớn khi tiền khám bệnh thông thường ít nhứt cũng 30 đô la và thường thấy ở mức 80 đô la chưa kể tiền viết toa, làm xét nghiệm máu, nước tiểu … tổng cộng cũng lên đến 200 đô la hay hơn nữa đã trở thành nỗi lo không lường của nhiều bệnh nhân đang bị mất việc lại mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, cao máu ... cần được chăm sóc thường xuyên và liên tục. Khoản chi phí ban đầu đó vẫn mới chỉ là khám và định bệnh chưa nói đến chữa trị bằng thuốc đặc trị thì khả năng tài chính của người túng thiếu không thể cáng đáng nổi. Vì thế đi khám bác sĩ trở thành một thứ xa xỉ hơn là một nhu cầu đối với người túng thiếu và nhiều người đã quay sang thuốc bắc hoặc thuốc nam.

Bác sĩ Đặng Phương Trạch có phòng mạch tại San Jose từ tám năm nay nhận xét:
“15 đô la chỉ bằng một lần đi hớt tóc nam thành ra nếu chỉ lấy tiền khám 15 đồng thì không thể nào đủ chi phí cho một phòng mạch, trừ phi mỗi ngày phải khám đến cả trăm người, điều không thể làm được.”
Ông cho biết ngay cả nhân viên phụ giúp phòng mạch cũng phải trả ít nhứt cũng $10/giờ chưa kể thuê mướn mặt bằng và điện nước, bảo hiểm …
“Thường thường lần khám đầu cũng phải 60 đô la và các lần theo rõi kế tiếp khoảng 25-30 đô la; nhưng nếu chuyển sang cho các bác sĩ chuyên môn Mỹ thì số tiền phải trả rất nhiều như khám đường ruột cũng $300 hay khám tim trên $1,000 là chuyện bình thường.”
Ông kết luận “không thể nào sống nổi nếu mở phòng mạch chỉ lấy $15 tiền khám.”
Thống kê của California trong tháng Mười Hai vừa qua cho thấy 40% cư dân Thung Lũng Điện Tử không có bảo hiểm y tế với 73,800 người đang trong tình trạng thất nghiệp tại quận hạt Santa Clara.

Chia xẻ nỗi khó khăn đó của người bệnh, bác sĩ Minh, 30 tuổi tốt nghiệp y khoa năm 1998 trường Albert Einstein ở New York nói rằng phải tìm cách nào giúp đỡ người đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
“Tất cả chúng ta đã có cơ hội đi học tới nơi tới chốn và thành người thì tôi nghĩ phải đáp trả và đóng góp lại cho cộng đồng cái thành quả học vấn của mình,” bác sĩ Minh tâm sự và cho biết trong quá trình đi học từ trung học lên đại học và trường y khoa nhiều vị y sĩ sau khi ra trường không còn mang cái hoài bão ban đầu nữa.
Thật vậy với khoảng 12 năm trên ghế nhà trường và món nợ ít nhứt cũng từ 170 đến 200,000 đô la để tốt nghiệp y khoa, phần lớn các bác sĩ, nha sĩ sau khi ra trường đều muốn kiếm tiền để trả nợ và làm ... giầu. Điều này được thấy rõ tại các phòng mạch bác sĩ Việt Nam với bệnh nhân ngồi chật phòng đợi và bác sĩ chạy con thoi giữa bệnh viện và phòng mạch tư. Đi ngược lại truyền thống đó, bác sĩ Minh đã thành lập nhóm Blitz và hành nghề y khoa theo một đường hướng mới: cung cấp dịch vụ y tế đến tất cả mọi người và không bị ràng buộc bởi bảo hiểm.

Vượt biên đến Mỹ năm 1979 lúc mới 6 tuổi, Lê Văn Minh cùng với mẹ và các em đều phải sống nương tựa vào trợ cấp xã hội và bảo hiểm Medi-Cal dành cho người có lợi tức thấp. Từ kinh nghiệm thời niên thiếu đó anh nhận thấy rằng bảo hiểm y tế rẻ tiền là điều bức thiết và hết sức quan trọng để từ đó anh nuôi mộng làm được điều gì mới mẻ và có ích cho người nghèo khó.
“Giúp đỡ người là ưu tư lớn nhứt suốt cuộc đời tôi,” anh thổ lộ và nói tiếp rằng giờ đây khi ra trường rồi, hoàn tất xong bốn năm nội trú ở Pennsylvania và tại bệnh viện Kaiser Permanente ở Santa Clara, anh muốn mang khả năng học vấn của anh công hiến cho cộng đồng.
“Phần lớn sau khi ra trường các bác sĩ chúng tôi hoặc xin làm việc cho một bệnh viện hay mở phòng mạch tư và kiếm nhiều tiền để có một cuộc sống phú túc, nhưng sự giúp đỡ đó chỉ có nếu bệnh nhân có bảo hiểm hay có thể trả nổi tiền mặt cho bác sĩ.” Và anh nói tiếp, “Bảo hiểm sức khỏe hoàn toàn trói chặt tay lương y.”
Ngay từ đầu, sáng kiến mở phòng mạch tư và chỉ lấy 15 đô la cho mỗi lần khám không được mọi người hoan nghênh:
“Biết bao nhiêu người đã chỉ trích, hoài nghi, thậm chí cả chê bai và nói rằng không thể sống nổi với số tiền 15 đô la thu của bệnh nhân,” bác sĩ Minh kể lại thời gian mấy tháng đầu anh đã phải nghe những tiếng nói chống lại lối làm việc của Blitz.
Nhưng tính đến nay hơn bảy tháng trôi qua, từ  không có bệnh nhân nào giờ đây có trên 500 bệnh nhân trong đó đến 25% là người gốc Việt, phần còn lại là người Phi, Ấn Độ, Hoa kể cả người da trắng đã đến với Blitz.

Tại phòng mạch của nhóm Blitz, người ta không thấy đủ loại báo chí Việt ngữ như thường thấy tại các phòng mạch khác và anh giải thích:
“Chúng tôi chỉ đủ trả tiền thuê mướn văn phòng và chi phí điện, nước, dụng cụ y khoa, đâu có dư để đăng quảng cáo. Blitz chỉ nhờ vào lời đồn miệng của cộng đồng.”
Bà Huỳnh Thị Khánh và chồng bị thất nghiệp từ một năm nay và cả hai đều bị bệnh cao máu.
“Tôi được người bạn giới thiệu đến bác sĩ Minh; 15 đồng để khám bệnh, tôi nghĩ không có bác sĩ nào lấy giá đó. Trong lúc thất nghiệp nhiều như vầy mà có người tốt như bác sĩ Minh cũng mừng cho cộng đồng,” bà Khánh nói với Việt Mercury.
Bà cho biết đã giới thiệu cho nhiều người khác cũng trong hoàn cảnh không có bảo hiểm sức khỏe.
Bác sĩ Rich Buxton, thuộc trường y UC Davis phát biểu:
“Rõ ràng là với số tiền 15 đô la thì không thể nào trang trải nổi cho một phòng khám tư nhưng khi làm như vậy bác sĩ Minh không còn bị áp lực của đồng tiền mà chỉ nhắm vào mục tiêu nhân đạo giúp đỡ bệnh nhân. Ông ta phải kiếm sống bằng một việc làm khác để bù đắp cho chi phí điều hành phòng mạch của ông ta.”

Quả vậy, ngoài giờ làm việc tại phòng mạch anh Minh còn hợp tác với bệnh viện Kaiser Permanente làm cuối tuần và hợp tác với các bạn trẻ trong các dịch vụ khác như bán bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ và cố vấn kế hoạch tài chính cho các cơ sở thương mại. Ngoài ra anh còn mở thêm các lớp chỉ dẫn phương pháp dinh dưỡng tránh béo phì và xuống cân để tăng thêm lợi tức quá khiêm nhường của phòng mạch.
“Lúc đầu rất là khó khăn nhưng nay đã được bảy tháng và mọi việc dường như trôi chảy hơn, vấn đề không phải là bệnh nhân quay trở lại mà chính yếu là tôi có thể chăm sóc bệnh nhân bị tiểu đường, cao máu hay những bệnh khác cần sự theo rõi liên tục của người chuyên môn.”
Đường lối hoạt động của Blitz cũng giúp cho những thương nghiệp nhỏ không đủ khả năng mua bảo hiểm y tế có chỗ dựa an toàn khi cần.
“Tôi chỉ mua bảo hiểm y tế cho các cháu nhỏ còn vợ chồng tôi thì khi nào bệnh mới đi bác sĩ và 15 đô một lần khám là điều rất tiện cho những người làm ăn nhỏ như tôi,” ông Thanh, làm nghề cắt cỏ vùng phía bắc San Jose cho biết.

Trong lúc làm được việc tốt giúp ích cộng đồng, bác sĩ Minh cũng có một cuộc sống giản dị và khiêm tốn. Tuy chạy một chiếc xe đời 90, ở nhà thuê tại vùng phía nam San Jose nhưng niềm vui của anh thì vô cùng.
“Chia xẻ được nỗi đau bệnh tật của mọi người là niềm hãnh diện của tôi. Bệnh nhân đến với Blitz và biết sẽ chỉ trả một lệ phí thấp thì khi ra về có thể cơn bệnh cũng giảm một phần nào rồi,” anh chia xẻ suy nghĩ về nghề thầy thuốc với lời thề với Hypocrate khi ra trường phải làm tất cả vì bệnh nhân.
Bà Vũ Thứ Cẩm, 54 mẹ ruột cảa người con trưởng là bác sĩ Minh chia xẻ:
“Tôi khuyên cháu ngay từ lúc mới bắt đầu theo học ngành y rằng nếu có học thì hãy học để giúp người chứ đừng đề làm giàu. Tôi cũng chỉ khuyến khích vậy thôi chứ Minh tự vay mượn và học thành tài chứ gia đình không đủ khả năng tài chánh giúp cho Minh.”
Ngay chính bà Cẩm đã là tấm gương để bốn người con noi theo khi bản thân bà đã theo học tại trường San Jose State để hoàn thành văn bằng kế toán trong lúc vừa phải lo cho gia đình vừa phải kiếm sống.
Bước đi kế tiếp của nhóm Blitz Medical Group là mở rộng tầm hoạt động để bao gồm cả răng và những dịch vụ y tế khác đồng thời đón nhận nhiều bệnh nhân hơn.
“Đó cũng là ước mơ nhỏ khác của bản thân tôi,” anh nói.

                        Bài viết được đăng trên Viet Mercury số 216 ngày 14 tháng Ba, 2003


No comments:

Post a Comment